Chú Giải I Cô-rinh-tô 10:23-11:01 Mục Đích của Đời Sống Chúng Ta Là Tôn Vinh Thiên Chúa

3,572 views

 


YouTube: https://youtu.be/DN5GmDAJKoA

Chú Giải I Cô-rinh-tô 10:23-11:1
Mục Đích của Đời Sống Chúng Ta
Là Tôn Vinh Thiên Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 10:23-33

23 Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều xây dựng.

24 Chớ ai chỉ biết tìm cho mình sự vừa ý riêng, nhưng ai nấy hãy tìm cho người khác được vừa ý nữa.

25 Bất cứ vật gì được bán ở hàng thịt, hãy ăn! Vì lương tâm mà đừng tra hỏi gì hết.

26 Vì đất và mọi vật chứa trong nó đều thuộc về Chúa.

27 Nếu có người chẳng tin mời các anh chị em, và các anh chị em muốn đi, thì bất cứ món gì dọn ra trước các anh chị em, hãy ăn! Vì lương tâm mà đừng tra hỏi gì.

28 Nhưng nếu có ai nói với các anh chị em: Món này là của cúng tế các thần tượng, thì đừng ăn, vì người ấy đã nói rõ, và vì lương tâm.

29 Tôi không nói về lương tâm của các anh chị em, nhưng của người khác. Vì sao sự tự do của tôi bị phán xét bởi lương tâm của người khác?

30 Nếu bởi ân điển tôi dự phần thì sao tôi bị nói xấu về điều mà tôi cảm tạ?

31 Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.

32 Đừng làm gương xấu cho người Do-thái, người Hy-lạp, hay là Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

33 Hãy như tôi! Gắng sức làm đẹp lòng mọi người trong mọi sự. Chẳng tìm ích lợi riêng của mình, nhưng của nhiều người, để họ được cứu.

I Cô-rinh-tô 11:1

1 Các anh chị em hãy là những người bắt chước tôi cũng như tôi bắt chước Đấng Christ!

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về mục đích tối thượng trong đời sống của chúng ta mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho mỗi con dân của Ngài. Để đạt được mục đích ấy, chúng ta phải nhờ sức toàn năng Thiên Chúa ban cho chúng ta, học theo gương của Đấng Christ, sống một đời sống yêu thương, thánh khiết, và công chính, đẹp lòng Đức Chúa Trời. Đời sống của chúng ta trong những ngày còn lại trên trần gian này phải là gương tốt cho mọi người và chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa giữa thế gian, đem lại phước hạnh từ Thiên Chúa cho thế gian.

23 Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều xây dựng.

Chúng ta đã học trong I Cô-rinh-tô 6:12 rằng, cho dù có những sự mà chúng ta làm là hợp pháp, nghĩa là không nghịch lại luật pháp của loài người lẫn luật pháp của Thiên Chúa, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Và con dân Chúa thì không để cho mình bị ghiền hay nghiện bất cứ sự gì, dù đó là sự hợp pháp.

“Dù mọi sự hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Dù mọi sự hợp pháp đối với tôi nhưng tôi sẽ chẳng bị bắt phục bởi sự gì.” (I Cô-rinh-tô 6:12).

Trong I Cô-rinh-tô 10:23 chúng ta học thêm được một điều nữa; đó là những sự hợp pháp không hẳn là những sự xây dựng.

Động từ “xây dựng” (G3618) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là: xây cất chỗ ở mới trên một cái nền hoặc tái xây dựng một chỗ ở; nghĩa bóng là: đặt để, thiết lập một điều gì; nghĩa hẹp là: đem lại sự ích lợi; nghĩa rộng là: xây dựng và gây dựng nếp sống tin kính Thiên Chúa.

Trong đời sống của chúng ta, với sự tự do trong Đấng Christ, chúng ta được phép làm nhiều điều nhưng không phải điều gì chúng ta làm một cách hợp pháp cũng đem lại sự ích lợi và có tính cách xây dựng hoặc gây dựng. Việc làm hợp pháp của con dân Chúa cần phải đem lại ích lợi cho mọi người. Việc làm của con dân Chúa cần có tính cách xây dựng, tức là làm cho thành hình một điều gì đem lại ích lợi; có tính cách gây dựng, tức là tạo điều kiện để phát triển đức tin nơi Thiên Chúa và nếp sống tin kính Thiên Chúa. Và trên hết mọi sự, việc làm của con dân Chúa phải luôn vì sự vinh quang của Thiên Chúa, như I Cô-rinh-tô 10:31 đã dạy.

24 Chớ ai chỉ biết tìm cho mình sự vừa ý riêng, nhưng ai nấy hãy tìm cho người khác được vừa ý nữa.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, câu này rất là ngắn gọn: “Chớ ai tìm cho mình nhưng mỗi người cho người khác.”

“Tìm cho mình” là tìm kiếm những gì đem lại ích lợi, thuận tiện, và thỏa lòng cho bản thân.

“Mỗi người cho người khác” là mỗi người sống vì người khác, tìm kiếm những gì đem lại ích lợi, thuận tiện, và thỏa lòng cho người khác.

Sự dạy dỗ của câu này không phải là con dân Chúa tuyệt đối không được tìm kiếm những gì đem lại ích lợi, thuận tiện, và thỏa lòng cho bản thân. Mà là con dân Chúa ưu tiên cho người khác hơn là cho bản thân.

Có những việc chúng ta làm không liên quan đến người khác mà chỉ ích lợi, thuận tiện, thỏa lòng cho riêng mình, như: việc ăn uống, việc vệ sinh thân thể, việc học tập, việc giải trí…

Có lẽ I Cô-rinh-tô 10:24 là nền tảng cho câu nói nổi tiếng của một người Tin Lành: “Mọi người vì một người và một người vì mọi người”.

Vào năm 1618, trong một buổi họp mặt giữa những người Tin Lành Bô-hê-miên (Bohemia) tại Tiệp-khắc [1] để phản đối chính sách thân Công Giáo do những người cầm quyền áp đặt trên những người Tin Lành, một đại diện của những người Tin Lành đã tuyên bố: “Vì họ cũng hoàn toàn có ý định tiến hành sự thi hành chống lại chúng tôi, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận nhất trí giữa chúng tôi rằng, bất kể mất mạng và tay chân, danh dự và tài sản, chúng tôi sẽ đứng vững, với mọi người vì một người và một người vì mọi người… Chúng tôi cũng sẽ không phục tùng, nhưng chúng tôi thà sẽ hết sức trung thành giúp đỡ và bảo vệ lẫn nhau, chống lại mọi khó khăn.” [2].

Đến năm 1844, câu “mọi người vì một người và một người vì mọi người” được đưa vào tác phẩm văn học Pháp: “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ”, và đổi thành: “một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Câu này được dùng làm phương châm cho các nhân vật chính trong truyện. Tuy nhiên, một trong các nhân vật chính lại chỉ thích áp dụng phần “mọi người vì một người” cho chính mình.

Trong thực tế, nếp sống “mọi người vì một người và một người vì mọi người” chỉ có thể xảy ra trong Hội Thánh thật của Đấng Christ.

Lời Chúa dạy chúng ta:

“Vậy, bất cứ điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì các ngươi cũng hãy làm điều ấy cho họ; vì ấy là luật pháp và những lời tiên tri.” (Ma-thi-ơ 7:12).

“Các ngươi muốn người ta làm cho mình thế nào, các ngươi cũng hãy làm cho họ thế ấy.” (Lu-ca 6:31).

Khi chúng ta thật sự thuộc về Đấng Christ, trở nên một với Ngài thì chúng ta mới biết yêu bằng tình yêu của Thiên Chúa, biết yêu người khác như chính mình. Nhờ đó, chúng ta luôn tìm kiếm những gì đem lại ích lợi, thuận tiện, và thỏa lòng cho người khác hơn là cho chính mình.

25 Bất cứ vật gì được bán ở hàng thịt, hãy ăn! Vì lương tâm mà đừng tra hỏi gì hết.

26 Vì đất và mọi vật chứa trong nó đều thuộc về Chúa.

Trở lại việc ăn thức ăn liên quan đến sự cúng tế thần tượng, Đức Thánh Linh qua Phao-lô, đã dạy con dân Chúa một cách chi tiết hơn, vì hoàn cảnh đặc biệt của con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô vào thời của Phao-lô. Vào thời ấy, các hàng thịt ở thành Cô-rinh-tô thường là do những người không tin Chúa làm chủ. Họ thường dâng cúng thịt cho tà thần trước khi xẻ thịt bán cho dân chúng.

Theo Lời Chúa, thần tượng là hư không thì sự kiện những chủ hàng thịt dâng cúng thịt cho thần tượng, trước khi xẻ thịt bán cho dân chúng, chỉ là việc làm vô nghĩa. Nên con dân Chúa có thể mua thịt đó về ăn mà không cần phải thắc mắc gì cả. Lý do là đất và mọi vật trong đất đều thuộc về Chúa, con dân Chúa chỉ cần có đức tin vào lời phán của Chúa và dâng lời cầu nguyện cảm tạ Chúa để thánh hóa những thức ăn và thức uống:

“Vì mọi vật ấy được nên thánh bởi Lời của Thiên Chúa và lời hiệp nguyện.” (I Ti-mô-thê 4:5).

Tuy nhiên, nếu con dân Chúa nhìn thấy người bán thịt dâng cúng cho tà thần thịt mà họ đang bán ra, hoặc được người bán thịt nói rằng, thịt họ đang bán đã được dâng cúng cho tà thần, thì con dân Chúa nên tránh mua thịt ấy để tránh gây vấp phạm.

27 Nếu có người chẳng tin mời các anh chị em, và các anh chị em muốn đi, thì bất cứ món gì dọn ra trước các anh chị em, hãy ăn! Vì lương tâm mà đừng tra hỏi gì.

Tương tự như khi mua thịt ngoài chợ, nếu có ai không tin Chúa mời chúng ta ăn mà chúng ta nhận lời mời, thì chúng ta cứ ăn bất cứ thức ăn nào được dọn ra mời chúng ta, sau khi chúng ta cầu nguyện cảm tạ Chúa. Chúng ta không cần phải hỏi người mời rằng, thức ăn có được cúng tế cho thần tượng hay không.

“Vì lương tâm mà đừng tra hỏi gì” có nghĩa là chúng ta không nên tra hỏi xem thức ăn được dọn ra đó có phải đã được cúng cho thần tượng hay không. Khi hỏi như vậy, chúng ta đã tỏ ra lương tâm của chúng ta không vững tin vào lẽ thật: Đất và mọi vật chứa trong nó đều thuộc về Chúa.

28 Nhưng nếu có ai nói với các anh chị em: Món này là của cúng tế các thần tượng, thì đừng ăn, vì người ấy đã nói rõ, và vì lương tâm.

29a Tôi không nói về lương tâm của các anh chị em, nhưng của người khác.

Tuy nhiên, nếu có ai báo cho chúng ta biết món ăn nào đã được cúng tế cho thần tượng thì chúng ta không nên ăn món ăn đó. Chúng ta cũng không ăn các món ăn mà chúng ta thấy được lấy xuống từ bàn thờ thần tượng.

Chúng ta không ăn các thức ăn mà chúng ta đã biết rõ là của cúng thần tượng để tránh gây sự vấp phạm cho người khác. Người khác bao gồm anh chị em cùng đức tin của chúng ta lẫn người không tin Chúa.

Đối với anh chị em cùng đức tin của chúng ta, việc chúng ta ăn của cúng thần tượng có thể khuyến khích họ ăn của cúng thần tượng, trong khi họ chưa có ý thức đúng về thần tượng, khiến cho lương tâm của họ bị ô uế bởi sự ăn của cúng thần tượng.

Đối với người chưa tin Chúa thì sự ăn của cúng thần tượng của chúng ta có thể khiến cho họ hiểu lầm rằng, con dân Chúa cũng tin vào tà thần và công nhận sự dâng cúng cho tà thần. Sự hiểu lầm đó càng khiến cho họ vững tin càng hơn vào ý thức sai lầm của họ về thần tượng.

29b Vì sao sự tự do của tôi bị phán xét bởi lương tâm của người khác?

30 Nếu bởi ân điển tôi dự phần thì sao tôi bị nói xấu về điều mà tôi cảm tạ?

Câu 29b là một câu Phao-lô tự hỏi mình và câu 30 là câu ông tự trả lời mình bằng một câu hỏi khác.

Ý câu hỏi của Phao-lô là: Con dân Chúa được tự do trong Chúa. Thần tượng là hư không. Sự cúng tế thần tượng là vô nghĩa. Vậy thì tại sao việc ăn của cúng thần tượng trong sự tự do và sự hiểu biết đúng của tôi lại phải bị lương tâm của người khác phán xét?

Ý câu hỏi được Phao-lô dùng làm câu trả lời là: Sao tôi có thể để cho người khác nói xấu tôi, cho rằng, tôi là người làm vấp phạm anh chị em còn yếu đuối trong đức tin, hoặc cho rằng, tôi công nhận thần tượng có giá trị, công nhận sự cúng tế thần tượng, thông công với thần tượng… khi tôi là người bởi ân điển của Chúa được dự phần trong sự tự do Chúa ban cho tôi? Sao tôi dùng sự tự do của mình làm vấp phạm người khác hoặc làm người khác cứng lòng càng hơn trong sự mê tín của họ? Sao tôi có thể làm cho ân điển của Chúa ban cho tôi đem lại kết quả xấu? Vậy thì sự tôi cảm tạ Chúa còn có ý nghĩa gì?

31 Vậy, cho dù các anh chị em ăn hay uống, hay làm sự gì khác, hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa.

Câu 31 kết hiệp với câu 23 và 24 là nguyên tắc sống của mỗi con dân Chúa. Đó là mục đích của đời sống chúng ta trong thân thể xác thịt hiện tại lẫn trong thân thể xác thịt vinh quang trong Vương Quốc Đời Đời. Chúng ta chỉ hành xử quyền tự do Chúa ban cho mình để làm ra những gì có ích lợi, có tính cách xây dựng và gây dựng, làm tôn vinh Thiên Chúa.

Ăn hay uống là nhu cầu bình thường mỗi ngày trong cuộc sống. Đói ăn, khát uống là lẽ tự nhiên nhưng sự ăn và uống của con dân Chúa phải vừa có ích lợi, vừa xây dựng và gây dựng, vừa làm tôn vinh Thiên Chúa. Vì thế chúng ta không thể ăn uống những thức độc hại, không ăn uống thiếu vệ sinh, không ăn uống thiếu điều độ, không ăn uống cách thô tục, không ăn uống cách bất chính, không ăn uống của cúng thần tượng.

“Sự gì khác” và “mọi sự” bao gồm tất cả những hành động của chúng ta, ngay cả việc suy nghĩ, ham muốn, ưa thích, yêu đương… cho đến việc tiểu tiện, tắm rửa, quan hệ tình dục… chúng ta hãy làm mọi sự vì sự vinh quang của Thiên Chúa. Nghĩa là chúng ta không làm bất cứ một việc nào có thể gây ra thiệt hại bất công cho người khác, làm gương xấu cho người khác, nghịch lại Thánh Kinh, tìm kiếm vinh quang cho chính mình, hoặc làm xúc phạm danh Chúa.

32 Đừng làm gương xấu cho người Do-thái, người Hy-lạp, hay là Hội Thánh của Đức Chúa Trời.

Trong câu này, danh từ “người Do-thái” tiêu biểu cho những người tin Chúa, thờ phượng Chúa nhưng không hiểu rõ Lời Chúa. Ngày nay, danh từ này bao gồm cả những người tin Chúa sinh hoạt trong các giáo hội, tin theo sự giảng dạy nghịch Thánh Kinh của các giáo hội. Danh từ “người Hy-lạp” tiêu biểu cho những người không tin Chúa. Danh từ “Hội Thánh” gọi chung tất cả những ai thật lòng tin nhận Chúa và sống đúng theo Lời Chúa.

Con dân chân thật của Chúa không làm gương xấu cũng không làm ra bất cứ điều gì khiến cho bất cứ ai trong xã hội bị vấp phạm.

33 Hãy như tôi! Gắng sức làm đẹp lòng mọi người trong mọi sự. Chẳng tìm ích lợi riêng của mình, nhưng của nhiều người, để họ được cứu.

Phao-lô kêu gọi con dân Chúa hãy sống một nếp sống làm đẹp lòng mọi người trong mọi sự.

“Gắng sức làm đẹp lòng” có nghĩa là cố gắng làm cho vui mừng, thích thú. “Mọi người” là không ngoại trừ bất cứ ai, như đã nói trong câu 32. “Mọi sự” là không ngoại trừ bất cứ sự gì, như đã nói trong câu 31.

Sự gắng sức làm cho đẹp lòng mọi người được nói đến ở đây không có nghĩa là bất cứ điều gì người khác ưa thích thì chúng ta phải làm theo ý muốn của họ, mà chỉ có nghĩa là chúng ta chỉ làm những việc gì đẹp lòng bất cứ ai nếu việc làm ấy không nghịch lại Lời Chúa.

Nếp sống vì mọi người, yêu người khác như chính mình sẽ khiến cho chúng ta có những lúc phải hy sinh niềm vui, sở thích, quyền lợi của mình để đem lại sự ích lợi và gây dựng cho người khác. Nếp sống đó chiếu sáng tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa, giúp cho anh chị em cùng Cha của chúng ta được gây dựng, càng vững đức tin càng hơn; giúp cho người chưa tin Chúa nhìn biết Chúa và được cứu.

1 Các anh chị em hãy là những người bắt chước tôi cũng như tôi bắt chước Đấng Christ!

Động từ “bắt chước” (G3401) có nghĩa đen là làm tất cả những gì có thể làm, để giống như một ai đó; có nghĩa bóng là học theo ai đó. Môn đồ của Đấng Christ là người bắt chước Đấng Christ, học theo Đấng Christ để trở nên giống như Đấng Christ, theo như sự tiền định của Đức Chúa Trời:

“Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

Trong Sáng Thế Ký 1:26 chúng ta học được rằng, Thiên Chúa dựng nên loài người giống như hình và tượng của Thiên Chúa.

Loài người được dựng nên giống như “hình” của Thiên Chúa, có nghĩa là được dựng nên với các đặc tính tốt lành như các đặc tính của Thiên Chúa. Đó là: yêu thương, công bình, và thánh khiết. Chữ “hình” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “hình bóng” hay là “tiêu biểu cho.” Như khi chúng ta nói: Con sư tử tiêu biểu cho sự dũng mãnh! Con sư tử là hình ảnh của sự dũng mãnh! Thì câu ấy có nghĩa là nhìn vào con sư tử người ta có thể hiểu được thế nào là dũng mãnh, chứ không phải sự dũng mãnh có một hình thể giống như hình thể của con sư tử.

Loài người được dựng nên giống như “tượng” của Thiên Chúa là nói đến sự giống như hình thể của Thiên Chúa trong thân thể thiêng liêng là tâm thần cũng như trong thân thể vật chất là xác thịt. Ngày nay, với con mắt xác thịt chúng ta không thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của chúng ta là tâm thần, cũng như chúng ta không thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa và các thiên sứ bằng con mắt xác thịt. Nhưng khi Thiên Chúa nhập thế làm người, thì chúng ta có thể nhìn thấy hình thể xác thịt của Thiên Chúa bằng con mắt xác thịt, và chúng ta có thể sờ chạm hình thể xác thịt của Ngài.

Có thể nói: Từ trong cõi đời đời, Thiên Chúa đã chọn cho Ngài một hình thể vật chất để xuất hiện trong thế giới vật chất mà Ngài sẽ tạo nên. Và Ngài đã tạo nên loài người với một thân thể vật chất giống như hình thể vật chất của Ngài mà Ngài đã chọn. Hình thể ấy được gọi là hình thể xác thịt của loài người [3].

Giống như hình ảnh của Đấng Christ là giống như phẩm chất thuộc linh của Đấng Christ; tức là yêu thương như Đấng Christ yêu thương, thánh khiết như Đấng Christ thánh khiết, và công chính như Đấng Christ công chính.

Con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô chưa từng thấy Đấng Christ nên Phao-lô khuyên họ, hãy là những người bắt chước ông như ông là người bắt chước Đấng Christ. Họ có thể nhìn vào đời sống của Phao-lô để biết thế nào là đời sống giống như đời sống của Đấng Christ.

Dù Phao-lô tin nhận Tin Lành và được gọi làm sứ đồ sau khi Đấng Christ đã thăng thiên, nhưng ông là người được thấy Đấng Christ trong các khải tượng (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:17; 22:17-18; I Cô-rinh-tô 15:8), được nhận Tin Lành do Đấng Christ trực tiếp mạc khải cho ông (Ga-la-ti 1:11-12), nên ông hiểu biết về Đấng Christ và có thể bắt chước Ngài.

Ngày nay, chúng ta cũng là những người không được nhìn thấy Đấng Christ bằng con mắt xác thịt, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy Ngài qua con mắt thuộc linh của tâm thần, khi Ngài mạc khải cho chúng ta về Ngài, qua sự chúng ta đọc và suy ngẫm Thánh Kinh. Đẹp ý Chúa, Ngài cũng có thể cho chúng ta được nhìn thấy Ngài trong các khải tượng và chiêm bao. Sự nhìn thấy Đấng Christ trong các khải tượng và chiêm bao chỉ để ấn chứng cho sự hiểu biết của chúng ta về Đấng Christ qua sự chúng ta đọc và suy ngẫm Thánh Kinh, ấn chứng cho chúng ta sự tương giao mật thiết giữa chúng ta với Ngài, khi chúng ta có tấm lòng tìm kiếm sự tương giao mật thiết với Ngài. Vì thế, chỉ những khải tượng và chiêm bao nào về Chúa không nghịch lại các lẽ thật và nguyên tắc của Thánh Kinh thì những khải tượng và chiêm bao ấy thật sự đến từ Chúa. Nếu không, chúng chỉ là sự lường gạt của ma quỷ, như trong trường hợp những người ngồi thiền mà lại khoe rằng, họ được nhìn thấy Chúa trong khi ngồi thiền; hoặc những người “nói tiếng lạ” khoe rằng, họ được Chúa dẫn đi xem thiên đàng và hỏa ngục.

Mỗi một con dân chân thật của Chúa thì luôn khao khát đọc và suy ngẫm Lời Chúa. Nhờ đó, họ được Chúa mạc khải cho họ về chính Ngài qua Thánh Kinh để họ nhận biết Ngài và sống theo Ngài.

Chúng ta hãy cậy sức toàn năng của Chúa với đức tin và lòng yêu kính Chúa của chúng ta, gắng sức bắt chước Đấng Christ để chúng ta cũng có thể khuyên bảo người khác như Sứ Đồ Phao-lô: “Các anh chị em hãy là những người bắt chước tôi cũng như tôi bắt chước Đấng Christ!”

Mục đích tối hậu của đời sống con dân Chúa là trở nên giống như Đấng Christ, làm bất cứ sự gì cũng vì sự vinh quang của Thiên Chúa, đem lại sự ích lợi cùng sự xây dựng và gây dựng cho người khác. Đó chính là điều mà Đức Chúa Trời đã định cho con dân của Ngài. Đó cũng là những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta. Kết quả của chúng sẽ còn lại cho đến đời đời.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/04/2020

Ghi Chú

[1] Tiệp-khắc (Czechoslovakia) nay phân chia thành hai quốc gia: Czech và Slovakia.

[2] “As they also absolutely intended to proceed with the execution against us, we came to an unanimous agreement among ourselves that, regardless of any loss of life and limb, honor and property, we would stand firm, with all for one and one for all… nor would we be subservient, but rather we would loyally help and protect each other to the utmost, against all difficulties.” (Helfferich, Tryntje (2009). “The Thirty Years War: A Documentary History”. Indianapolis, Hackett Publishing Company. p. 16.)

[3] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-sang-the-ky-01_26-31/

Karaoke Thánh Ca: “Lời Cầu Xin cho Quê Hương”
https://karaokethanhca.net/loi-cau-xin-cho-que-huong/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu