Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL020 Các Môn Đồ Đầu Tiên của Đức Chúa Jesus

594 views

YouTube: https://youtu.be/OhYrwLanBNM

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL020 Các Môn Đồ Đầu Tiên của Đức Chúa Jesus
Giăng 1:35-51

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Giăng 1:35-51

35 Ngày hôm sau nữa, Giăng đã đứng với hai người trong các môn đồ của người;

36 thấy Đức Chúa Jesus đi qua thì nói: Kìa! Chiên Con của Đức Chúa Trời!

37 Hai môn đồ nghe người nói vậy thì họ đã đi theo Đức Chúa Jesus.

38 Đức Chúa Jesus đã xoay lại, thấy họ đi theo thì phán với họ: Các ngươi tìm gì? Họ đã thưa với Ngài: Ra-bi! (lời ấy được dịch là: Thầy!) Ngài ở đâu?

39 Ngài phán với họ: Hãy đến và xem! Họ đã đến và thấy nơi Ngài ở. Họ đã ở lại với Ngài trong ngày đó. Vì đã khoảng chừng giờ thứ mười. [Dân I-sơ-ra-ên chia ban ngày từ khi mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng. Giờ thứ mười bắt đầu vào khoảng 3 giờ chiều.]

40 Một trong hai người đã nghe Giăng nói và đi theo Ngài là Anh-rê, em trai của Si-môn Phi-e-rơ.

41 Trước hết, ông tìm Si-môn, anh của mình, và nói với người: Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a (danh ấy được dịch là Đấng Christ).

42 Rồi, ông đã dẫn người đến với Đức Chúa Jesus. Khi Đức Chúa Jesus nhìn thấy người, Ngài đã phán: Ngươi là Si-môn, con của Giô-na. Ngươi sẽ được gọi là Sê-pha, (tên ấy được dịch là: Phi-e-rơ). [Sê-pha là một tên họ trong tiếng A-ra-mai cùng nghĩa với Phi-e-rơ trong tiếng Hy-lạp: hòn đá, viên đá].

43 Ngày hôm sau, Đức Chúa Jesus muốn đi vào xứ Ga-li-lê; và đã tìm gặp Phi-líp, phán với ông: Hãy theo Ta!

44 Phi-líp ở thành Bết-sai-đa, thành của Anh-rê và Phi-e-rơ.

45 Phi-líp tìm gặp Na-tha-na-ên và nói với người: Chúng tôi đã gặp Đấng mà Môi-se đã chép trong luật pháp và các tiên tri cũng chép. Ấy là Jesus ở Na-xa-rét, con của Giô-sép.

46 Na-tha-na-ên đã nói với ông: Có thể nào có vật gì tốt là từ Na-xa-rét? Phi-líp nói với người: Hãy đến và xem!

47 Đức Chúa Jesus đã thấy Na-tha-na-ên đến với mình thì phán về ông rằng: Kìa, một người I-sơ-ra-ên thật, trong người không có sự gian trá.

48 Na-tha-na-ên thưa với Ngài: Do đâu Ngài biết tôi? Đức Chúa Jesus đã trả lời, phán với ông: Trước khi Phi-líp gọi ngươi, ngươi đã ở dưới cây vả. Ta đã thấy ngươi.

49 Na-tha-na-ên đã đáp lời, thưa với Ngài: Ra-bi! Ngài là Con của Đức Chúa Trời! Ngài là Vua của I-sơ-ra-ên!

50 Đức Chúa Jesus đã trả lời, phán với ông: Vì Ta đã phán với ngươi, Ta đã thấy ngươi dưới cây vả thì ngươi tin. Ngươi sẽ thấy những việc lớn hơn những việc này!

51 Ngài phán với ông: Thật sự! Thật sự! Ta phán với các ngươi, từ nay, các ngươi sẽ thấy trời đã mở ra và các thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống bên cạnh Con Người.

Trong bài này, chúng ta sẽ học về sự kiện các môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus đến với Ngài. Đó là: Anh-rê, Giăng, Phi-e-rơ, Phi-líp, và Na-tha-na-ên.

Trong phân đoạn Thánh Kinh chúng ta cùng nhau học, Sứ Đồ Giăng đã không ghi, ông là một trong hai môn đồ của Giăng Báp-tít đi theo Đức Chúa Jesus, sau khi nghe Giăng Báp-tít giới thiệu về Ngài. Nhưng chúng ta hiểu rằng, Giăng chính là một trong hai môn đồ ấy.

Anh-rê và Giăng đi theo Đức Chúa Jesus và trở thành môn đồ của Ngài là nhờ lời giới thiệu của Giăng Báp-tít. Phi-e-rơ trở thành môn đồ của Đức Chúa Jesus là nhờ sự giới thiệu của Anh-rê. Phi-líp thì được Chúa trực tiếp kêu gọi. Và Na-tha-na-ên trở thành môn đồ của Đức Chúa Jesus là nhờ sự giới thiệu của Phi-líp.

Sự kiện Anh-rê, Phi-e-rơ, và Giăng đang là môn đồ của Giăng Báp-tít đã trở thành môn đồ của Đức Chúa Jesus khác với sự kiện sau đó, họ cùng với Gia-cơ được Đức Chúa Jesus kêu gọi bỏ nghề đánh cá, đi theo Ngài để trở thành các sứ đồ của Ngài. Trở thành môn đồ của Chúa là tin Chúa và học theo Chúa. Mọi người đều được kêu gọi trở thành môn đồ của Chúa. Trở thành sứ đồ của Chúa là thay Chúa đi khắp nơi, rao giảng Tin Lành cho muôn dân. Chỉ có một số người trong các môn đồ của Chúa được Ngài kêu gọi vào chức vụ sứ đồ. Phần lớn các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa cho rằng, ngày nay không còn chức vụ sứ đồ trong Hội Thánh. Nhưng Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 12:28 cho biết, chính Đức Chúa Trời đã lập ra chức vụ sứ đồ trong Hội Thánh; và Ê-phê-sô 4:11-12 cho biết, chính Đức Chúa Jesus ban chức vụ sứ đồ cùng một số chức vụ khác cho một số người, trong sự gây dựng thân thể của Ngài là Hội Thánh. Thì như thế, ngày nào Hội Thánh còn ở trên đất này thì ngày ấy Hội Thánh vẫn cần được gây dựng. Hội Thánh vẫn cần được gây dựng thì các chức vụ trong Hội Thánh, kể cả chức vụ sứ đồ, vẫn còn. Ngày nay, một số giáo hội gọi những người đi khắp nơi rao giảng Tin Lành là giáo sĩ (missionary). Lại có các tà giáo mạo nhận là Hội Thánh của Chúa, phong chức sứ đồ cho người này, người kia. Cũng có người tự xưng là sứ đồ, rao giảng tà giáo.

35 Ngày hôm sau nữa, Giăng đã đứng với hai người trong các môn đồ của người;

36 thấy Đức Chúa Jesus đi qua thì nói: Kìa! Chiên Con của Đức Chúa Trời!

37 Hai môn đồ nghe người nói vậy thì họ đã đi theo Đức Chúa Jesus.

Ngày hôm sau nữa” là ngày thứ ba, kể từ ngày Giăng Báp-tít trả lời sự truy vấn của các thầy tế lễ và các người Lê-vi, như đã ghi lại trong Giăng 1:19-28. Ngày thứ nhì, khi Đức Chúa Jesus trở lại khu vực Giăng Báp-tít đang rao giảng và làm báp-tem, thì Giăng Báp-tít đã kêu lên: “Kìa! Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất đi tội lỗi của thế gian” (Giăng 1:29). Ngày thứ ba, Giăng Báp-tít đang đứng với hai môn đồ mà có lẽ họ đã không có mặt với Giăng trong ngày thứ nhì. Qua câu 40, chúng ta biết, một trong hai môn đồ đã đứng với Giăng Báp-tít là Anh-rê, em của Phi-e-rơ. Các nhà giải kinh đều cho rằng, môn đồ còn lại chính là Giăng, em của Gia-cơ, về sau trở thành Sứ Đồ Giăng. Sứ Đồ Giăng có thói quen khiêm nhường, không viết rõ về mình. Nếu môn đồ còn lại không phải là Giăng thì ông đã viết ra tên của người ấy.

Rất có thể Đức Chúa Jesus trở lại địa điểm Giăng Báp-tít đang rao giảng và làm báp-tem, là để cho Giăng Báp-tít trực tiếp giới thiệu Ngài với các môn đồ của ông và với những người đang đến nghe ông giảng. Dường như lời giới thiệu của Giăng Báp-tít trong ngày thứ nhì đã không được nhiều người chú ý. Vì không thấy Thánh Kinh ghi lại là có ai đến với Đức Chúa Jesus, sau khi đám đông đã được nghe ông giới thiệu Ngài. Sang ngày thứ ba, khi Giăng Báp-tít đang đứng với hai môn đồ của mình, nhìn thấy Chúa đi qua, một lần nữa, ông giới thiệu Đức Chúa Jesus là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” thì hai môn đồ của ông đã đi theo Đức Chúa Jesus.

38 Đức Chúa Jesus đã xoay lại, thấy họ đi theo thì phán với họ: Các ngươi tìm gì? Họ đã thưa với Ngài: Ra-bi! (lời ấy được dịch là: Thầy!) Ngài ở đâu?

Có lẽ hai môn đồ của Giăng Báp-tít đã rảo bước để bắt kịp Đức Chúa Jesus. Và khi Ngài nghe tiếng chân của họ thì Ngài đã xoay lại. Khi nhìn thấy họ, có lẽ Đức Chúa Jesus đã dừng bước và phán hỏi họ: “Các ngươi tìm gì?” Câu phán hỏi của Đức Chúa Jesus hàm ý là họ tìm kiếm điều gì từ nơi Ngài. Câu hỏi đó ngày nay vẫn dành cho bất cứ ai đến với Đức Chúa Jesus. Thực tế, quý ông bà anh chị em tìm kiếm điều gì, khi đến với Đức Chúa Jesus? Quý ông bà anh chị em đã tìm gặp điều mình muốn tìm nơi Chúa chưa? Câu trả lời của chúng tôi là: Con tìm bất cứ điều gì Chúa muốn ban cho con.

Hai môn đồ của Giăng Báp-tít đã không trả lời câu hỏi của Chúa, nhưng họ đã gọi Ngài là Ra-bi và hỏi Ngài ở đâu. Ra-bi (G4461) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: đấng vĩ đại của tôi hay đấng đáng tôn kính của tôi. Danh xưng này được người I-sơ-ra-ên dùng để gọi các bậc thầy chuyên việc giảng dạy Thánh Kinh. Trong tiếng Anh có một danh xưng tương đương với Ra-bi. Đó là danh xưng “Reverend” với nghĩa: đáng tôn, đáng kính. Danh xưng này thường được một số người tự xưng hoặc được các giáo hội sắc phong cho một số người trong giáo hội của họ. Xin quý ông bà anh chị em đọc bài “Danh Xưng Mục Sư và Reverend” để biết thêm chi tiết về danh xưng Reverend [1]. Bài viết này đã được đăng trên khu mạng timhieutinlanh.com.

Danh từ “thầy” (G1320) có nghĩa đen là người truyền đạt trí thức. Thường được dùng trong Thánh Kinh Tân Ước để chỉ về người giảng dạy Lời Chúa.

Hai môn đồ của Giăng Báp-tít tin lời giới thiệu của ông nên họ đã gọi Đức Chúa Jesus bằng danh xưng Ra-bi. Câu hỏi của họ: “Ngài ở đâu”, hàm ý, Ngài cư trú ở nơi nào. Như chúng ta đã biết, quê nhà của Đức Chúa Jesus là thành Na-xa-rét. Ngài đã từ Na-xa-rét trải qua một cuộc hành trình dài chừng 130 km. Hành trình ấy cần ít nhất là ba ngày đi đường, để đến thành Bê-tha-ni bên kia sông Giô-đanh. Thành ấy gần nơi Ngài chịu báp-tem bởi Giăng Báp-tít và được ông giới thiệu Ngài cho dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, có lẽ Đức Chúa Jesus đã ở trọ trong nhà của một ai đó, tại thành Bê-tha-ni; hoặc tại thành Bết-sai-đa. Thành ấy là một thành nhỏ, cũng ở bên bờ đông của sông Giô-đanh, cách chỗ Giăng Báp-tít làm báp-tem chừng vài km. Cũng có thể Ngài đã tạm trú trong một quán trọ công cộng bên đường, ngoài thành Bết-sai-đa. Vào thời ấy, quán trọ công cộng bên đường là một khu vực có mái che, dành cho khách đi đường nghỉ chân lúc ban ngày và tạm trú qua đêm, miễn phí. Gần bên những quán trọ công cộng ngoài thành thường có quán bán thức ăn và các vật dụng cần thiết cho khách đi đường.

Có lẽ hai môn đồ của Giăng Báp-tít muốn tìm đến nơi Đức Chúa Jesus cư trú để có nhiều thời gian trò chuyện với Ngài.

39 Ngài phán với họ: Hãy đến và xem! Họ đã đến và thấy nơi Ngài ở. Họ đã ở lại với Ngài trong ngày đó. Vì đã khoảng chừng giờ thứ mười. [Dân I-sơ-ra-ên chia ban ngày từ khi mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng. Giờ thứ mười bắt đầu vào khoảng 3 giờ chiều.]

Chúng ta không thể nào biết được Đức Chúa Jesus đã ở trọ trong nhà của ai đó hay là Ngài đã tạm trú trong một quán trọ công cộng bên đường. Hai môn đồ của Giăng Báp-tít đã theo Đức Chúa Jesus, đến tận nơi tạm trú của Ngài. Khi mọi người đến chỗ tạm trú của Đức Chúa Jesus thì đã vào khoảng giờ thứ mười, theo cách tính giờ của người I-sơ-ra-ên, tương đương với 3 giờ chiều, theo cách tính giờ của chúng ta. Người I-sơ-ra-ên chia ban ngày thành 12 giờ (Giăng 11:9), giờ thứ nhất bắt đầu khi mặt trời mọc, trung bình vào khoảng 6 giờ sáng.

Sách Tin Lành Giăng đã được Sứ Đồ Giăng viết vào khoảng 40 năm sau ngày ông gặp Đức Chúa Jesus lần đầu tiên. Nhiều chục năm đã trôi qua nhưng Giăng vẫn nhớ rằng, ngày hôm ấy, khi ông và Anh-rê đến chỗ tạm trú của Chúa thì đã vào khoảng giờ thứ mười. Điều đó cho thấy, Giăng đã có ấn tượng rất sâu sắc về Chúa, ngay trong lần gặp đầu tiên ấy. Rất đúng như Thi Sĩ Thế Lữ đã viết:

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên!

Ấn tượng sâu sắc của quý ông bà anh chị em trong lần đầu tiên đến với Chúa là gì? Ấn tượng sâu sắc của quý ông bà anh chị em trong lần đầu tiên đến với Hội Thánh của Chúa là gì?

Danh từ “môn đồ” (G3101) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để gọi người theo học một ai đó về trí thức, về ý nghĩa của đời sống. Đặc biệt là học về Lời Chúa, như Phao-lô là môn đồ của Ga-ma-li-ên, như chúng ta là môn đồ của Đức Chúa Jesus.

Hai môn đồ của Giăng Báp-tít đã ở lại với Đức Chúa Jesus trong ngày hôm đó. Chúng ta có thể hiểu rằng, họ đã cùng ăn bữa tối với Ngài và qua đêm với Ngài. Có lẽ, qua sự trò chuyện với Đức Chúa Jesus, họ đã nhận biết, lời của Giăng Báp-tít giới thiệu về Ngài là thật, và họ đã trở thành môn đồ của Ngài. Vậy, hai môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus là Giăng và Anh-rê.

Về tiểu sử của Giăng, quý con dân Chúa có thể đọc bài “Giới Thiệu Sách Khải Huyền” đã được đăng trên khu mạng kytanthe.net [2].

Tên “Anh-rê” (G406) có nghĩa là: nam tính, được dùng để nói lên tính cách mạnh mẽ, thông minh, khôn sáng, và quyết đoán của phái nam. Theo truyền thuyết trong Hội Thánh thì ông giảng Tin Lành trong miền Tiểu Á, xứ Hy-lạp, và xứ Si-the. Ông đã tử Đạo khi bị đóng đinh trên giá gỗ hình chữ X, tại tỉnh A-chai, xứ Hy-lạp.

40 Một trong hai người đã nghe Giăng nói và đi theo Ngài là Anh-rê, em trai của Si-môn Phi-e-rơ.

41 Trước hết, ông tìm Si-môn, anh của mình, và nói với người: Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a (danh ấy được dịch là Đấng Christ).

Có lẽ sáng sớm hôm sau, Anh-rê đã trở về nhà của mình trong thành Bết-sai-đa, cách chỗ tạm trú của Đức Chúa Jesus không xa, báo tin cho anh là Si-môn Phi-e-rơ về việc ông và Giăng đã gặp Chúa. Chúng ta có thể hiểu rằng, bởi lời giới thiệu của Giăng Báp-tít và sau khi được trực tiếp trò chuyện với Đức Chúa Jesus mà Anh-rê và Giăng đã tin và công nhận Ngài là Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ.

Dân I-sơ-ra-ên luôn tin và mong chờ Đấng Christ đến. Cho tới ngày nay, hầu hết những người I-sơ-ra-ên tin vào Thánh Kinh Cựu Ước vẫn còn đang mong chờ Đấng Christ. Vì họ không tin Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. Sứ Đồ Phao-lô gọi đó là tình trạng tấm lòng của dân I-sơ-ra-ên có cái màn che, khi họ đọc Lời Chúa:

Nhưng lý trí của họ đã bị chai cứng. Vì cho tới ngày nay, chính cái màn ấy vẫn còn ở trên sự đọc Cựu Ước, chẳng cất khỏi, mặc dù ấy là điều bị qua đi trong Đấng Christ. Vậy nên, mãi tới nay, khi các sách của Môi-se được đọc, cái màn ấy vẫn còn nằm ở trên tấm lòng của họ. Nhưng khi ai trở lại cùng Chúa, thì cái màn ấy bị cất khỏi.” (II Cô-rinh-tô 3:14-16).

Cái màn che đó tiêu biểu cho sự tối tăm về tri thức và trí thức thuộc linh. Là sự thiếu hiểu biết do sự không thật lòng ăn năn, xưng tội trước Chúa nên không có sự khôn sáng Chúa ban cho. Một người có thể rao giảng Lời Chúa, giảng dạy người khác về Lời Chúa nhưng thật sự người ấy không có sự hiểu biết về Lời Chúa. Vì người ấy không sống theo Lời Chúa. Những người như vậy chỉ truyền đạt những gì họ đã được dạy trong các trường Thánh Kinh và Thần học của các giáo hội. Giới thông giáo và giới Pha-ri-si thời Đức Chúa Jesus là điển hình cho những người như vậy. Chính Đức Chúa Jesus đã cáo tội họ trước dân chúng, như đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ đoạn 23. Ngày nay, vẫn có rất nhiều những “Pha-ri-si” trong các giáo hội mang danh Chúa.

Thực tế, người rao giảng Tin Lành phải là người đã tin nhận Tin Lành và kinh nghiệm quyền năng biến đổi của Tin Lành. Người kinh nghiệm quyền năng biến đổi của Tin Lành là người không còn sống trong sự phạm tội, nhưng ưa thích Lời Chúa và hết sức vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Người giảng dạy Lời Chúa phải là người thật sự đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm và cẩn thận làm theo. Người ấy có sự khao khát hiểu biết Lời Chúa, vui thỏa trong sự hiểu biết Lời Chúa, và sốt sắng muốn truyền đạt cho nhiều người khác. Người ấy chắc chắn có cùng tâm trạng như tác giả Thi Thiên 119: “Tôi vui vẻ về Lời Ngài, như người tìm được món lợi lớn.” (Thi Thiên 119:162).

Tên “Si-môn” (G4613) trong tiếng Hê-bơ-rơ cùng nghĩa với tên “Phi-e-rơ” (G4074) trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là: hòn đá, viên đá.

Đại danh từ “chúng tôi” được Anh-rê dùng trong câu nói là để chỉ ông và Giăng. Câu nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” chính là lời tuyên xưng đức tin của Anh-rê cho chính bản thân ông lẫn bạn của ông là Giăng.

42 Rồi, ông đã dẫn người đến với Đức Chúa Jesus. Khi Đức Chúa Jesus nhìn thấy người, Ngài đã phán: Ngươi là Si-môn, con của Giô-na. Ngươi sẽ được gọi là Sê-pha, (tên ấy được dịch là: Phi-e-rơ). [Sê-pha là một tên họ trong tiếng A-ra-mai cùng nghĩa với Phi-e-rơ trong tiếng Hy-lạp: hòn đá, viên đá].

Ngay sau khi báo tin, Anh-rê đã dẫn anh của mình đến gặp Đức Chúa Jesus. Không cần Anh-rê giới thiệu, Đức Chúa Jesus đã gọi ngay tên của Si-môn và tên cha của ông. Ngài còn đặt một tên mới cho ông theo tiếng A-ra-mai [3]. Tiếng A-ra-mai (còn gọi là tiếng Si-ri-a) ra từ tiếng Hê-bơ-rơ, được dân Canh-đê sống ở phía nam của đế quốc Ba-bi-lôn dùng và trở thành quốc ngữ của đế quốc Ba-bi-lôn. Sau thời kỳ dân Do-thái bị lưu đày 70 năm tại Ba-bi-lôn thì tiếng A-ra-mai đã được dùng rộng rãi trong xứ Si-ri-a và xứ Ca-na-an. Tiếng A-ra-mai cũng là tiếng mẹ đẻ của Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài.

Tên “Sê-pha” (G2786) trong tiếng A-ra-mai cũng có nghĩa là: hòn đá hay viên đá, như hai tên Si-môn và Phi-e-rơ. Điều đó tương tự như một người Việt Nam có tên là “Đá”, dùng tên tiếng Anh là “Rock”, và được thầy của mình đặt thêm cái tên theo tiếng Hán Việt là “Thạch”. Cả ba danh từ Sê-pha, Si-môn, và Phi-e-rơ đều là danh từ giống đực, giúp cho chúng ta thấy, Phi-e-rơ là hòn đá hoặc viên đá chứ không phải “vầng đá” (G4073) mà Đức Chúa Jesus xây dựng Hội Thánh của Ngài trên đó. Vầng đá lớn hơn hòn đá, có thể dùng làm nền cho một căn nhà, như lời ngụ ngôn của Đức Chúa Jesus trong Ma-thi-ơ 7:24-27. Danh từ “vầng đá” được Đức Chúa Jesus dùng trong Ma-thi-ơ 16:18 là danh từ giống cái, không thể chỉ về Phi-e-rơ. Danh từ ấy được Đức Chúa Jesus dùng để gọi đức tin của Phi-e-rơ thể hiện qua lời tuyên xưng của ông, rằng: “Ngài là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống!” Chính trên lẽ thật của lời tuyên xưng ấy mà Đấng Christ thành lập Hội Thánh của Ngài. Đức Chúa Jesus thành lập Hội Thánh của Ngài trên đức tin của những ai tin rằng: Ngài là Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống!

Có lẽ sau khi gặp Đức Chúa Jesus, Phi-e-rơ đã nhận biết Ngài chính là Đấng Christ nên ông đã trở thành môn đồ thứ ba của Ngài. Theo truyền thuyết của Hội Thánh, Phi-e-rơ đã tử Đạo tại thành Rô-ma, khi bị đóng đinh ngược đầu trên thập tự giá. Ông bị đóng đinh ngược đầu là theo ý muốn của ông, khi ông cho rằng, ông không xứng đáng để bị đóng đinh theo cách mà Đức Chúa Jesus đã bị đóng đinh.

43 Ngày hôm sau, Đức Chúa Jesus muốn đi vào xứ Ga-li-lê; và đã tìm gặp Phi-líp, phán với ông: Hãy theo Ta!

44 Phi-líp ở thành Bết-sai-đa, thành của Anh-rê và Phi-e-rơ.

Ngày hôm sau” là ngày theo sau sự kiện Anh-rê đưa Phi-e-rơ đến gặp Đức Chúa Jesus. Có thể Anh-rê, Phi-e-rơ, và cả Giăng đã ở lại với Chúa để được nghe Ngài giảng dạy. Khi Đức Chúa Jesus đi tìm Phi-líp thì họ đã cùng đi với Ngài.

Thánh Kinh không nói rõ chi tiết về việc Đức Chúa Jesus đã gặp Phi-líp ở đâu, hoặc trước đó Phi-líp có biết gì về Đức Chúa Jesus hay không, hoặc có phải Phi-líp cũng là môn đồ của Giăng Báp-tít hay không. Thánh Kinh chỉ ghi vắn tắt, Đức Chúa Jesus đã tìm gặp Phi-líp và phán với ông: “Hãy theo Ta”. Thánh Kinh cũng không ghi lại phản ứng của Phi-líp sau khi nghe Chúa phán gọi. Dù Anh-rê và Giăng là hai môn đồ đầu tiên của Đấng Christ, tiếp theo là Phi-e-rơ, nhưng Phi-líp là người đầu tiên được Chúa kêu gọi theo Ngài, tức kêu gọi vào chức vụ sứ đồ.

Phi-líp sống tại thành Bết-sai-đa, như Anh-rê và Phi-e-rơ. Như vậy, rất có thể Phi-líp đã quen biết với Anh-rê và Phi-e-rơ. Có thể ông cũng quen biết với Giăng và Gia-cơ. Tên Phi-líp (G5376) có nghĩa là: người yêu ngựa. Theo truyền thuyết của Hội Thánh thì Phi-líp đã tử Đạo tại Hi-ê-ra-bô-li (Hierapolis), miền Tiểu Á, khi ông bị treo cổ.

45 Phi-líp tìm gặp Na-tha-na-ên và nói với người: Chúng tôi đã gặp Đấng mà Môi-se đã chép trong luật pháp và các tiên tri cũng chép. Ấy là Jesus ở Na-xa-rét, con của Giô-sép.

46 Na-tha-na-ên đã nói với ông: Có thể nào có vật gì tốt là từ Na-xa-rét? Phi-líp nói với người: Hãy đến và xem!

Có lẽ ngay sau khi được Đức Chúa Jesus phán gọi, hãy theo Ngài, thì Phi-líp đã đi tìm Na-tha-na-ên, một bạn thân của ông. Lời Phi-líp nói với Na-tha-na-ên cho thấy, cả Phi-líp và Na-tha-na-ên đều quen thuộc với các lời tiên tri về Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ, trong Thánh Kinh. Lời của Phi-líp đã khẳng định, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ. Có lẽ trước khi Phi-líp đi tìm Na-tha-na-ên thì ông đã có dịp trò chuyện với Chúa và biết, Ngài ở thành Na-xa-rét, có cha nuôi là Giô-sép.

Chúng ta không biết Phi-líp đã tìm gặp Na-tha-na-ên ở đâu. Một số hình minh họa Na-tha-na-ên ngồi dưới một gốc cây vả, giữa đồng. Nhưng có lẽ là Phi-líp đã gặp Na-tha-na-ên, khi Na-tha-na-ên đang ngồi dưới gốc cây vả, ngay trước nhà của ông, trong thành Bết-sai-đa.

Phi-líp đã dùng đại danh từ “chúng tôi” để chỉ ông và các môn đồ khác của Đức Chúa Jesus: Anh-rê, Giăng, và Phi-e-rơ.

Câu Na-tha-na-ên nói với Phi-líp cho thấy, thành Na-xa-rét không có đặc điểm gì, không có danh nhân ra từ đó. Phi-líp đã không tranh luận với Na-tha-na-ên mà chỉ nói ngắn gọn một câu: “Hãy đến và xem”.

Trong thực tế, đối với những người có ý nghi ngờ Lời Chúa, chúng ta không cần tranh luận với họ, mà chỉ cần mời họ đọc Lời Chúa và suy ngẫm. Nếu họ không có lòng tìm kiếm lẽ thật thì chúng ta có nói gì, làm gì cũng là vô ích. Nếu họ có lòng tìm kiếm lẽ thật thì Lời Hằng Sống của Thiên Chúa sẽ mở mắt thuộc linh của họ và họ sẽ tin nhận lẽ thật.

47 Đức Chúa Jesus đã thấy Na-tha-na-ên đến với mình thì phán về ông rằng: Kìa, một người I-sơ-ra-ên thật, trong người không có sự gian trá.

Khi Na-tha-na-ên đến trước Đức Chúa Jesus thì Ngài đã phán về nhân cách của ông. Chúng ta có thể hiểu rằng, sự kiện Đức Chúa Jesus biết về Na-tha-na-ên là do Đức Thánh Linh tỏ ra cho Ngài. Chúng ta cần ghi nhớ là trong suốt khoảng thời gian từ khi Đức Chúa Jesus được thai dựng trong lòng trinh nữ Ma-ri cho tới khi Ngài phục sinh, thì mọi phép lạ Ngài làm ra đều do thần quyền được ban cho bởi Đức Thánh Linh. Chỉ sau khi Đức Chúa Jesus phục sinh thì Ngài mới hành động qua thân thể xác thịt của Ngài, bởi quyền năng Thiên Chúa của chính Ngài.

Một người I-sơ-ra-ên thật là một người có cùng đức tin nơi Thiên Chúa, như Áp-ra-ham và vâng phục Thiên Chúa, như Áp-ra-ham, được Đức Chúa Trời kể là công chính. Một người không có sự gian trá chất chứa bên trong là một người ngay thẳng, không giả hình. Qua lời phán của Đức Chúa Jesus, chúng ta hiểu rằng, Na-tha-na-ên là một người tin kính và vâng phục Thiên Chúa, sống nếp sống ngay thẳng theo Lời Chúa.

Ngày nay, Đức Chúa Jesus có thể nói về chúng ta, như Ngài đã nói về Na-tha-na-ên hay không?

48 Na-tha-na-ên thưa với Ngài: Do đâu Ngài biết tôi? Đức Chúa Jesus đã trả lời, phán với ông: Trước khi Phi-líp gọi ngươi, ngươi đã ở dưới cây vả. Ta đã thấy ngươi.

Na-tha-na-ên đã ngạc nhiên hỏi Đức Chúa Jesus rằng, do đâu mà Ngài biết ông. Câu hỏi của Na-tha-na-ên giúp cho chúng ta hiểu rằng, trước đó, ông chưa hề gặp Đức Chúa Jesus. Hai người chưa gặp nhau mà người này biết về nhân cách của người kia thì có thể là do tiếng đồn, do người khác nói lại. Nhưng trong trường hợp Đức Chúa Jesus biết Na-tha-na-ên thì:

Ngài không cần ai làm chứng về người nào. Vì Ngài biết điều gì ở trong người ta.” (Giăng 2:25).

Trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời, đương nhiên Đức Chúa Jesus biết tất cả mọi sự. Nhưng trong thân vị loài người, sự biết của Đức Chúa Jesus ở trong sự giới hạn của loài người. Vì Ngài đã từ bỏ năng lực của Thiên Chúa, khi nhập thế làm người. Chính vì thế mà trước khi phục sinh, Ngài không biết ngày và giờ Ngài sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Khi ấy, để có thể biết ngoài khả năng của loài người thì Đức Chúa Jesus cần đến sự ban cho của Đức Thánh Linh.

Đức Chúa Jesus đã trả lời cho Na-tha-na-ên là Ngài thấy ông ở dưới cây vả, trước khi Phi-líp gọi ông. Chúng ta có thể hiểu sự thấy này của Đức Chúa Jesus là sự thấy trong khải tượng. Ngài đang ở một chỗ cách xa Na-tha-na-ên nhưng Đức Thánh Linh đã ban cho Ngài khải tượng, để thấy Na-tha-na-ên đang ở dưới cây vả.

49 Na-tha-na-ên đã đáp lời, thưa với Ngài: Ra-bi! Ngài là Con của Đức Chúa Trời! Ngài là Vua của I-sơ-ra-ên!

Có thể Na-tha-na-ên đã ngồi dưới cây vả để hóng mát và suy ngẫm về Lời Chúa hoặc tương giao với Đức Chúa Trời. Thậm chí, có thể Na-tha-na-ên đã cầu nguyện cho sự đến của Đấng Christ. Câu trả lời của Đức Chúa Jesus khiến cho Na-tha-na-ên hiểu rằng, Ngài có sự thông biết khác thường. Ngài không những chỉ thấy ông đang ở dưới cây vả mà còn biết ông đang làm gì. Dù đó chỉ là những gì xảy ra trong tâm trí của ông. Vì thế, Na-tha-na-ên đã kêu lên: “Ra-bi! Ngài là Con của Đức Chúa Trời! Ngài là Vua của I-sơ-ra-ên”. Chúng ta thấy, Na-tha-na-ên chẳng những công nhận Đức Chúa Jesus là Con của Đức Chúa Trời mà ông còn công nhận Đức Chúa Jesus là Vua của I-sơ-ra-ên. Đây là điều Giăng Báp-tít không hề nói đến. Na-tha-na-ên là môn đồ và sứ đồ duy nhất của Đức Chúa Jesus đã xưng nhận như vậy. Mãi đến khi Đức Chúa Jesus ngồi trên lưng lừa, tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, trước khi chịu chết trên thập tự giá, thì dân chúng mới tung hô Ngài với danh hiệu “Vua của I-sơ-ra-ên” (Giăng 12:13). Chúng ta hiểu rằng, Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Na-tha-na-ên về lẽ thật mà ông tuyên xưng. Đức Thánh Linh cũng đã thần cảm cho dân chúng tung hô Đức Chúa Jesus bằng danh xưng ấy.

Tên “Na-tha-na-ên” (G3482) có nghĩa là: sự ban cho của Đức Chúa Trời. Trong các sách Tin Lành Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, và sách Công Vụ Các Sứ Đồ, ông được gọi là Ba-thô-lê-mi (Ma-thi-ơ 10:3; Mác 3:18; Lu-ca 6:14; Công Vụ Các Sứ Đồ 1:13). Tên “Ba-thô-lê-mi” (G918) có nghĩa là: con trai của Thanh-mai (Talmai hoặc Tolmai). Ông là người đồng hành với Phi-líp trong khi rao giảng Tin Lành. Theo truyền thuyết trong Hội Thánh thì ông là người đem bản dịch sách Ma-thi-ơ sang Ấn-độ. Ông đã tử Đạo tại Ấn-độ, khi bị lăng trì, tức là bị lóc từng miếng thịt đang khi còn sống.

50 Đức Chúa Jesus đã trả lời, phán với ông: Vì Ta đã phán với ngươi, Ta đã thấy ngươi dưới cây vả thì ngươi tin. Ngươi sẽ thấy những việc lớn hơn những việc này!

Phần đầu trong câu Đức Chúa Jesus trả lời Na-tha-na-ên cho thấy, Ngài biết Na-tha-na-ên đầu phục Ngài là vì Na-tha-na-ên nhận biết, Ngài nhìn thấu rõ ở trong lòng của ông, biết được ở bên trong con người của ông, biết được tư tưởng của ông, ý định của ông. Vì thế, khi Na-tha-na-ên nghe Đức Chúa Jesus phán: “Kìa, một người I-sơ-ra-ên thật, trong người không có sự gian trá”, thì ông đã rúng động cả linh hồn. Đối với ông, chỉ có Thiên Chúa hoặc Đấng Christ mới có thể biết được điều đó, cho nên, ông nhận biết rằng, người đang đứng trước mặt của ông là Con của Đức Chúa Trời. Có thể lắm, lúc đó ông chưa có một sự hiểu biết đầy trọn về Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời, như chúng ta hiểu ngày hôm nay; vì chúng ta đã có trọn vẹn Thánh Kinh, giãi bày về Đấng Christ. Nhưng bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh mà ông tuyên xưng: “Ra-bi! Ngài là Con của Đức Chúa Trời” để công nhận thần tính của Ngài. Ông còn tuyên xưng luôn sứ mạng, công việc của Đức Chúa Jesus ở trên đất, liên quan dân I-sơ-ra-ên. Đó là: “Ngài là Vua của I-sơ-ra-ên”.

Phần cuối trong câu Đức Chúa Jesus trả lời Na-tha-na-ên là lời hứa rằng, ông sẽ được thấy những việc còn lớn hơn là việc Đức Chúa Jesus biết ông. Đó là những dấu kỳ, phép lạ mà Đức Chúa Jesus sẽ làm ra, trong suốt thời gian Ngài thi hành mục vụ. Ngay ngày hôm sau, Na-tha-na-ên và các bạn của ông đã được chứng kiến phép lạ Đức Chúa Jesus khiến cho nước dùng rửa chân trong sáu cái lu làm bằng đá thành rượu ngon, trong một tiệc cưới, tại thành Ca-na. Có hai phép lạ lớn nhất xảy ra vào cuối mục vụ của Đức Chúa Jesus mà các môn đồ của Ngài được chứng kiến. Phép lạ thứ nhất là sự Ngài sống lại, sau khi đã bị đóng đinh đến chết trên thập tự giá, bị chôn trong lòng đất ba ngày và ba đêm. Phép lạ thứ nhì là sự Ngài thăng thiên.

51 Ngài phán với ông: Thật sự! Thật sự! Ta phán với các ngươi, từ nay, các ngươi sẽ thấy trời đã mở ra và các thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống bên cạnh Con Người.

Từ ngữ “thật sự” (G281) được phiên âm là /a-men/, khi được đặt ở đầu câu thì có nghĩa là: chắc chắn, chân thật. Khi được đặt ở cuối câu thì có nghĩa là: mong cho được như đã nói. Khi chúng ta kết thúc lời cầu nguyện bằng “a-men” là chúng ta mong cho lời cầu nguyện của mình được hiện thực. Cách nói liền hai tiếng “a-men” để mở đầu một câu nói, hàm ý, người nói muốn nhấn mạnh đến tính chân thật của lời sẽ nói. Trong suốt Thánh Kinh, chỉ có Sứ Đồ Giăng ghi lại 25 lần cách nói này của Đức Chúa Jesus.

Đức Chúa Jesus vẫn đang phán với Na-tha-na-ên nhưng lời phán của Ngài là dành chung cho các môn đồ đang có mặt tại đó. Vì thế, dù Ngài đang phán với Na-tha-na-ên nhưng Ngài dùng đại danh từ “các ngươi”.

Động từ “mở ra” được dùng với thì quá khứ đã hoàn thành. Có nghĩa là trời đã được mở ra, trước khi Đức Chúa Jesus phán lời ấy với các môn đồ. “Trời” được Đức Chúa Jesus nói đến ở đây phải là tầng trời thứ ba, tầng trời thuộc linh, nơi ngự của Thiên Chúa, nơi các thiên sứ ra mắt Đức Chúa Trời. Vậy, trời đã được mở ra từ khi nào? Thánh Kinh không cho chúng ta biết thời điểm trời đã mở ra. Chúng ta có thể hiểu, trời đã mở ra từ khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, tiến hành công cuộc cứu rỗi loài người ra khỏi sức mạnh và án phạt của tội lỗi.

Danh từ “Con Người” (G3588 G5207 G444), có nghĩa đen là: con trai của loài người; nghĩa bóng là một người trong dòng dõi của loài người. Chính Đức Chúa Jesus tự xưng bằng danh hiệu này để nhấn mạnh sự kiện Ngài hoàn toàn là một người, ra từ dòng dõi của loài người. Trong suốt khoảng thời gian, từ khi Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri cho tới khi Ngài phục sinh, thì Ngài bỏ đi quyền lực của Thiên Chúa để sống hoàn toàn như một người.

Các thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống bên cạnh Đức Chúa Jesus là để phục vụ Ngài, như sau khi Ngài đã kiêng ăn 40 ngày, 40 đêm, và thắng sự cám dỗ của Sa-tan, như khi Ngài cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê, trước khi bị bắt và bị đóng đinh trên thập tự giá.

Thánh Kinh không ghi lại trường hợp nào các môn đồ của Đức Chúa Jesus nhìn thấy các thiên sứ lên xuống bên cạnh Ngài. Nhưng chúng ta có thể tin rằng, sự kiện đó thật đã xảy ra. Ngày nay, Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus. Con dân Chúa cũng có thể nhìn thấy thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống bên cạnh Hội Thánh để phục vụ Hội Thánh. Điển hình là Phi-e-rơ nhìn thấy thiên sứ giải cứu ông khỏi nhà tù.

Sáng Thế Ký 28:10-22 ghi lại giấc mơ của Gia-cốp. Trong giấc mơ, Gia-cốp thấy có một cái thang bắc từ đất lên trời và có các thiên sứ của Thiên Chúa lên xuống trên nó. Nhiều nhà giải kinh đã cho rằng, cái thang trong giấc mơ của Gia-cốp tiếp nối trời với đất, đem lại sự thông công giữa trời với đất mà Đức Chúa Jesus là Đấng Trung Bảo của Đức Chúa Trời và loài người, cho nên, cái thang đó tiêu biểu cho Đấng Christ. Họ cho rằng, lời phán của Đức Chúa Jesus trong Giăng 1:51 là sự ứng nghiệm giấc mơ của Gia-cốp.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cái thang trong giấc mơ của Gia-cốp là giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, được lưu truyền cho Gia-cốp và dòng dõi của ông, đồng thời mở rộng cho muôn dân trong thời Tân Ước. Qua giao ước đó, mọi ơn phước của Đức Chúa Trời được tuôn đổ trên dân I-sơ-ra-ên nói riêng và trên Hội Thánh của Chúa nói chung. Các thiên sứ của Đức Chúa Trời có nhiệm vụ mang ơn phước của Đức Chúa Trời đến con dân của Ngài.

Có một chi tiết mà chúng ta cần chú ý. Cái thang trong giấc mơ của Gia-cốp được bắc từ đất lên trời, không phải từ trời xuống đất. Sáng Thế Ký 28:12 và Giăng 1:51 đều dùng cùng một cách diễn đạt là các thiên sứ “lên xuống” chứ không dùng cách diễn đạt là các thiên sứ “xuống lên”; nghĩa là lên trước, xuống sau. Điều này giúp cho chúng ta hiểu rằng:

  • Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều được thiết lập trên đất, trở thành công cụ và phương tiện kết nối đất với trời. Qua hai giao ước đó mà con dân của Chúa trên đất có thể dâng trình các điều cầu xin của mình lên Đức Chúa Trời; và các ơn phước của Đức Chúa Trời từ trời đến với con dân của Ngài trên đất. Các thiên sứ làm nhiệm vụ trình dâng các lời cầu nguyện của con dân Chúa lên Đức Chúa Trời và mang các ơn phước của Đức Chúa Trời đến cho con dân của Ngài.

  • Có một đội ngũ thiên sứ đặc biệt được Đức Chúa Trời giao cho nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ những ai tin kính Ngài. Các thiên sứ ấy đã được giao phó cho thường xuyên cư trú trên đất, ở ngay bên cạnh những ai thuộc về Đức Chúa Trời. Có thể theo một lịch trình nào đó mà các thiên sứ sẽ thay nhau về lại thiên đàng để ra mắt và trực tiếp thờ phượng Đức Chúa Trời. Đó là lúc các thiên sứ “lên”. Sau khi đã ra mắt và thờ phượng Đức Chúa Trời thì họ lại “xuống” để tiếp tục nhiệm vụ. Ma-thi-ơ 18:10 cho chúng ta biết, ở trên trời, các thiên sứ của trẻ con vẫn thường ra mắt Đức Chúa Trời. Các thiên sứ của trẻ con là các thiên sứ được Đức Chúa Trời giao cho việc bảo vệ các trẻ con, nhiệm sở của họ là trên đất.

Chúng ta cũng cần hiểu rằng, trong Tân Ước có Cựu Ước. Tân Ước không bỏ đi Cựu Ước nhưng hiệp một với Cựu Ước. Điều khoản mới của Tân Ước về sự chết chuộc tội của Đấng Christ đã vô hiệu hóa các điều khoản hình phạt của Cựu Ước đối với những ai phạm tội, nếu họ tin nhận điều khoản ấy của Tân Ước. Còn đối với những ai không tin nhận điều khoản ấy của Tân Ước thì họ vẫn ở dưới sự hình phạt của luật pháp Cựu Ước.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/02/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/danh-xung-muc-su-va-reverend/

[2] https://kytanthe.net/019-gioi-thieu-sach-khai-huyen/

[3] https://christiananswers.net/dictionary/syriac.html

Karaoke Thánh Ca: “Con Xin Được Sống Mãi Trong Ngài”
https://karaokethanhca.net/con-xin-duoc-song-mai-trong-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.