Chú Giải Rô-ma 01:01 và 01:07

5,844 views

Roma_002 Tôi Tớ của Đấng Christ
(Rô-ma 1:1 và 1:7)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Dẫn Nhập:

Thư Rô-ma cũng như các thư tín khác trong Thánh Kinh dùng chung một hình thức trình bày rất phổ biến của nền văn hóa Hy-lạp cổ điển. Theo đó, thông thường trong một lá thư, trước hết người viết tự giới thiệu về mình, liền theo đó là tên của người nhận, rồi đến những lời chào thăm hoặc một câu cầu nguyện chúc phước ngắn gọn; kế đến là nội dung của lá thư; và cuối cùng là lời chào thăm hoặc chúc phước để kết thúc. Đối với những thư tín có tính cách công văn hoặc thương mãi thì chức vụ của người viết và người nhận được ghi kèm theo tên.

Riêng Sứ Đồ Phao-lô, trong phần mở đầu các thư tín của ông, ông thường nêu lên những ý tưởng thần học mà nổi bật nhất là phần mở đầu của thư Rô-ma. Thư Rô-ma được mở đầu với 15 câu, trong đó, ngoài hai câu 1:1 và 1:7 giới thiệu người viết thư cùng người nhận thư, thì từ câu 1:2 đến câu 1:6 nói đến các đặc tính của Tin Lành, còn từ 1:8 đến 1:15 là những lời hỏi thăm và cầu nguyện. Trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau phân tích hai câu 1:1 và 1:7.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjI0MDgwMDhf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/11602-toitodangchrist
MediaFire:  http://www.mediafire.com/file/d0frav11o298rft/11602_ChuGiaiRoma_1_1_1_7_ToiToDangChrist.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Tôi Tớ của Đấng Christ:

Rô-ma 1:1 Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, được gọi làm sứ đồ, biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa –

Từ ngữ “tôi tớ” được Phao-lô và các sứ đồ khác tự xưng trong nguyên ngữ Hy-lạp là “doulos,” G1401, có nghĩa đen là “nô-lệ” và có thể dịch là “tôi tớ” để chỉ những người dù không phải là nô lệ nhưng hết lòng phục vụ chủ như một nô lệ.

Ngày xưa, một người chỉ cần bỏ ra 30 siếc-lơ bạc, một số tiền tương đương với tiền lương công nhật sáu tháng của một người lao động, là có thể mua được một nô lệ về phục vụ mình suốt đời mà không cần phải trả công (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:32). Mỗi một con dân Chúa được Ngài dùng chính máu thánh của Ngài mua về “Vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình, bèn là bởi huyết báu Đấng Christ, dường như huyết của chiên con không lỗi không vít” (I Phi-e-rơ 1:18, 19) để ban cho địa vị làm con và ban cho cơ nghiệp đời đời của Đức Chúa Trời; vì thế, không có gì lạ khi những người thật lòng yêu kính và biết ơn Chúa đều tình nguyện hết lòng phục vụ Ngài như những nô lệ. Con dân chân thật của Chúa cần phải hết lòng kính yêu Chúa và phục vụ Ngài hơn tất cả những nô lệ trong thế gian.

Làm tôi tớ hay là nô lệ của Đấng Christ, tức là chúng ta “sống là sống cho Chúa và nếu chúng ta chết là chết cho Chúa” (14:8). Sống cho Chúa và chết cho Chúa tức là sự sống và sự chết của chúng ta hoàn toàn không vi phạm các điều răn của Chúa. Không ai sống cho mình hoặc chết cho mình, tức là sống hoặc chết trái nghịch với Lời Chúa, mà có thể trở thành một tôi tớ của Chúa. Những người sống nghịch lại Lời Chúa và sẽ chết trong tội lỗi mà tự xưng là “tôi tớ Chúa” chỉ là những kẻ giả hình.

Ngày nay, trong các giáo hội mang danh Chúa, chúng ta nhìn thấy có biết bao nhiêu người tự xưng là “tôi tớ Chúa” nhưng trong thực tế, họ là những người chỉ biết sống cho chính mình. Họ đầy những bông trái của tham lam, kiêu ngạo, khoe khoang, xấc xược, dối trá, tà dâm, thờ thần tượng, nuông chiều những ham muốn xấu xa của xác thịt. Hãy nhìn vào những danh xưng, những tước hiệu họ tự xưng và tự phong lẫn nhau; hãy nhìn vào những tài sản, cơ ngơi vật chất của họ; và hãy nghe những bài giảng, đọc những bài viết bẻ cong Lời Chúa, xuyên tạc Thánh Kinh của họ nhằm phục vụ và bảo vệ cho nếp sống chống nghịch Chúa của họ, thì chúng ta sẽ thấy rõ bản chất thật của họ..

Tôi tớ chân thật của Chúa phải đồng cam cộng khổ với Chúa và với những con dân chân thật của Ngài, bởi vì: “anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (I Phi-e-rơ 2:21). Tôi tớ chân thật của Chúa “chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (II Ti-mô-thê 2:15). Tôi tớ chân thật của Chúa “lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Thiên Chúa” (I Phi-e-rơ 4:10). Tôi tớ chân thật của Chúa “khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều,” “nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chiều nhau” (Ê-phê-sô 4:2); và trong mọi nơi, mọi lúc “coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3).

Chức Vụ Sứ Đồ:

Rô-ma 1:1 Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, được gọi làm sứ đồ, biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa –

Trong nguyên ngữ Hy-lạp, danh từ “sứ đồ” là “apostolos,” G652, có nghĩa là “người đại diện,” “người được sai đi để truyền tin hoặc truyền lệnh.” Chức vụ sứ đồ là một chức vụ do chính Đức Chúa Trời lập ra trong Hội Thánh: “Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh, thứ nhứt là sứ đồ, thứ nhì là tiên tri, thứ ba là người giảng dạy, kế đến người làm phép lạ, rồi người được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng” (I Cô-rinh-tô 12:28). Nhưng để được nhận lãnh bất cứ chức vụ nào trong Hội Thánh thì một người phải được sự ban cho của Đức Chúa Jesus Christ: “Ấy chính Ngài đã cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy” (Ê-phê-sô 4:11).

Phao-lô cho biết ông được gọi làm sứ đồ có nghĩa là ông được chính Đức Chúa Jesus Christ ban cho ông chức vụ sứ đồ như ông xác nhận trong câu 1:5 “nhờ Ngài mà chúng tôi đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, cho sự vâng phục của đức tin trong mọi dân tộc, vì danh Ngài.” Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15, 16 chính Chúa phán với một môn đồ tên là A-na-nia về việc Ngài chọn Phao-lô làm sứ đồ: “…Hãy đi, vì Ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng Ta, để đem danh Ta rao truyền trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên; Ta lại sẽ tỏ ra cho người biết phải chịu biết bao là đau đớn vì danh Ta.” Làm sứ đồ của Chúa tức là làm người rao giảng danh Chúa cho muôn dân, khiến cho muôn dân trở nên những môn đồ của Chúa (Ma-thi-ơ 28:18-20). Rao giảng danh Chúa tức là rao giảng cho người ta biết Chúa là ai, Ngài muốn gì nơi loài người, Ngài đã, đang và sẽ làm ra những gì cho nhân loại; tức là rao giảng mọi lẽ thật của Lời Chúa được ghi chép trong Thánh Kinh. Nói cách khác, là rao giảng Tin Lành.

Công việc nói về Chúa cho thế gian là bổn phận của mỗi con dân Chúa nhưng những người được Chúa kêu gọi làm sứ đồ là những người mà trọn đời sống của họ, từ khi đáp lại tiếng gọi của Chúa, chỉ chuyên tâm rao giảng Tin Lành cho người chưa biết Chúa. Chức vụ sứ đồ cũng như các chức vụ khác Đức Chúa Trời lập ra trong Hội Thánh vẫn còn trong Hội Thánh cho đến ngày Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian.

Biệt Riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa:

Rô-ma 1:1 Phao-lô, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, được gọi làm sứ đồ, biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa

Trong Bản Dịch Truyền Thống của tiếng Việt, Rô-ma 1:1 đã được dịch như sau: “Phao-lô, tôi tớ Đức Chúa Jesus Christ, được gọi làm sứ đồ, để riêng ra đặng giảng Tin Lành Đức Chúa Trời;” trong khi nguyên ngữ Hy-lạp chép là: “…biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa.Có sự khác biệt lớn giữa sự “để riêng ra đặng giảng Tin Lành Đức Chúa Trời” và sự “biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa.

  • để riêng ra đặng giảng Tin Lành Đức Chúa Trời” có nghĩa là được dùng cách chuyên biệt cho công việc rao giảng Tin Lành của Đức Chúa Trời; trong khi đó:
  • biệt riêng cho Tin Lành của Thiên Chúa” có nghĩa là được dành riêng cho Tin Lành của Ba Ngôi Thiên Chúa, tức là dành riêng cho sự nhận lãnh, sự hiểu biết, sự thực dụng, sự rao truyền, sự kết quả về tất cả những tin tốt lành đến từ Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh. Tin Lành của Đức Chúa Trời: Ngài ban cho thế gian Con Một của Ngài để làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại, hầu cho hễ ai tin nơi Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Giăng 3:16). Tin Lành của Đấng Christ: Ngài là sự sống và sự sống lại, ai tin Ngài thì sẽ sống dù đã chết rồi, còn ai sống mà tin Ngài thì không hề chết (Giăng 11:25-26). Tin Lành của Đức Thánh Linh: Ngài là Thần Lẽ Thật, dẫn con dân Chúa vào mọi lẽ thật, khiến cho con dân Chúa có sự hiểu biết đầy trọn về Thiên Chúa và có năng lực của Thiên Chúa để sống giống như Thiên Chúa (Giăng 16:13).

Những Người Yêu Dấu của Thiên Chúa:

Rô-ma 1:7 gửi cho hết thảy những người yêu dấu của Thiên Chúa, được gọi làm những thánh đồ ở tại thành Rô-ma. Nguyện các anh chị em được ân điển và bình an từ Thiên Phụ chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ!

Những người yêu dấu của Thiên Chúa là những người được cả Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương. Toàn thế gian đều được Đức Chúa Trời yêu thương trong khi tất cả mọi người đều là tội nhân nhưng Đức Chúa Jesus thì chỉ yêu những kẻ thuộc về Ngài trong thế gian: “Ngài đã yêu những kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng” (Giăng 13:1); và Ngài chỉ cầu thay cho họ chứ Ngài không cầu thay cho thế gian: “Con vì họ mà cầu xin. Con chẳng vì thế gian mà cầu xin, nhưng vì những kẻ mà Ngài đã ban cho con, vì họ thuộc về Ngài” (Giăng 17:9). Đức Thánh Linh cũng chỉ yêu những kẻ được Ngài ngự trong lòng, tức là những kẻ đã được cứu chuộc: “Hay là anh em tưởng Thánh Kinh nói vô ích sao? Đức Linh ở trong lòng chúng ta, ham mến chúng ta đến nỗi ghen tương” (Gia-cơ 4:5). Vì thế, được Đức Chúa Trời, tức Đức Chúa Cha, yêu thương chưa đủ, mà cần phải được cả Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương. Chỉ có những ai ở trong Hội Thánh của Chúa mới là những người yêu dấu của Thiên Chúa.

Được Gọi Làm Thánh Đồ:

Rô-ma 1:7 gửi cho hết thảy những người yêu dấu của Thiên Chúa, được gọi làm những thánh đồ ở tại thành Rô-ma. Nguyện các anh chị em được ân điển và bình an từ Thiên Phụ chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ!

Từ ngữ “thánh” trong nguyên ngữ Hy-lạp là “hagios,” G40, áp dụng cho loài người có nghĩa là “được phân cách với tội lỗi và hiến dâng lên Đức Chúa Trời.” Thánh đồ hoặc người thánh là người đã bởi đức tin được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội và dâng lên Đức Chúa Trời để Đức Chúa Trời sai dùng: “Đấng yêu thương chúng ta: đã rửa sạch tội lỗi chúng ta trong máu Ngài, đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời Ngài và Cha Ngài – Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men” (Khải Huyền 1:6)! Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng xác nhận như sau: “Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Ngài, hầu cho anh em rao giảng nhơn đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài; anh em ngày trước không phải là một dân, mà bây giờ là dân Thiên Chúa, trước không được thương xót, mà bây giờ được thương xót” (I Phi-e-rơ 2:9, 10).

Trước khi được gọi làm thánh đồ thì một người phải đáp lại tiếng gọi ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jesus Christ, trở thành môn đồ của Ngài. Khi đã trở thành môn đồ của Đấng Christ, tức là người học theo Đấng Christ, thì Đức Thánh Linh sẽ ngự trong thân thể người, dẫn người vào trong sự hiểu biết Lời Chúa và ban cho người Thánh Linh để người có năng lực sống theo Lời Chúa, nhờ đó Lời Chúa tiếp tục sự thánh hóa người mỗi ngày. Nếu người trung tín trong sự từ bỏ tội và sống theo Lời Chúa thì người trở thành thánh đồ của Thiên Chúa.

Ngụ ngôn gieo giống dạy cho chúng ta biết có nhiều người tin Chúa, trở thành môn đồ của Chúa nhưng không trở thành thánh đồ của Chúa vì họ sợ khổ khi đi theo Chúa hoặc họ ham mến tiền bạc, hoặc họ lo lắng về đời này. Đức tin trong họ sẽ chết theo thời gian!

Ân Điển và Bình An:

Rô-ma 1:7 gửi cho hết thảy những người yêu dấu của Thiên Chúa, được gọi làm những thánh đồ ở tại thành Rô-ma. Nguyện các anh chị em được ân điển và bình an từ Thiên Phụ chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ!

Ân điển là ơn thương xót ban ra cách rời rộng cho kẻ không xứng đáng để nhận lãnh ơn ấy. Bình an là trạng thái không lo lắng, đau buồn, sợ hãi của một người chẳng thiếu thốn gì.

Tất cả những yếu tố và điều kiện thuận tiện để bảo tồn sự sống trong thế gian như nước và không khí, nắng và mưa cũng chính là những ân điển đến từ Thiên Chúa. Dù thế gian tội lỗi và gian ác nhưng Thiên Chúa vẫn ban đủ mọi ơn cho thế gian, trong đó có ân điển cứu rỗi. Thiên Chúa ban ân điển cho toàn thế gian nhưng sự bình an từ Thiên Chúa chỉ được ban cho con dân của Ngài. Ân điển và bình an đến từ Thiên Chúa, dành cho con dân của Thiên Chúa là vô giới hạn. Chúng ta không thể nào kể hết sự giàu có vô lượng, vô biên của ân điển Thiên Chúa. Dưới đây là điển hình một vài ân điển chính.

Ân Điển và Bình An từ Thiên Phụ và từ Đức Chúa Jesus Christ:

Rô-ma 1:7 gửi cho hết thảy những người yêu dấu của Thiên Chúa, được gọi làm những thánh đồ ở tại thành Rô-ma. Nguyện các anh chị em được ân điển và bình an từ Thiên Phụ chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ!

Thiên Phụ tức là Cha ở trên trời của chúng ta, là Đức Chúa Trời, Thiên Chúa Ngôi Cha. Ân điển và bình an trước hết đến từ Thiên Phụ.

Ân điển thứ nhất đến từ Thiên Phụ là ân điển về sự cứu rỗi, kèm theo sự bình an của người được tha tội vì người ấy không còn chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Kế tiếp, là ân điển được làm con nuôi của Thiên Phụ, kèm theo sự bình an của người có quyền đồng với Đấng Christ thừa kế cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Ngoài ra, chúng ta còn được Thiên Phụ ở cùng chúng ta trong khi chúng ta còn ở trong thân thể xác thịt giữa cuộc đời này: “Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với người: Nếu ai yêu Ta, thì giữ gìn lời Ta; Cha Ta sẽ yêu người, chúng ta sẽ đến với người và ở cùng người” (Giăng 14:23); và trong cõi trời mới, đất mới Thiên Phụ sẽ ở với chúng ta: “Tôi nghe một tiếng lớn từ trời phán rằng: “Này, lều của Đức Chúa Trời ở với loài người và Ngài sẽ ở với họ. Họ sẽ làm dân của Ngài và chính mình Đức Chúa Trời sẽ ở với họ, làm Đức Chúa Trời của họ. Đức Chúa Trời sẽ lau hết mọi nước mắt khỏi mắt họ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn khổ, không còn khóc lóc, cũng không còn đau đớn nữa vì những sự cũ đã qua rồi. Đấng ngự trên ngai phán rằng: “Này, Ta làm mới mọi sự!” Ngài lại phán với tôi: “Hãy chép, vì những lời này là chân thật và thành tín.”” (Khải Huyền 21:3-5). Sự bình an của người có Đức Chúa Trời ở cùng thật là tuyệt vời, ai hay sự gì có thể thắng được người (Rô-ma 8:31)?

Ân điển đến từ Đức Chúa Jesus Christ là ân điển về sự chúng ta được xưng công nghĩa, tức là được xưng là vô tội, bởi việc làm công bình của Ngài, tức là Ngài chết để gánh thay án phạt tội lỗi của chúng ta, khiến cho sự đòi hỏi công chính của luật pháp Đức Chúa Trời được đáp ứng trọn vẹn. Nhờ đó, chúng ta không còn mặc cảm phạm tội, không còn bị lương tâm cắn rứt, chúng ta được bình an. Kế tiếp, là ân điển ban cho chúng ta được trở nên thân thể của Đức Chúa Jesus Christ và một ngày kia chúng ta sẽ được kết hợp làm một với chính mình Ngài trong Vương Quốc Trời (Khải Huyền 19:7-9). Chúng ta còn được Đấng Christ ở cùng chúng ta trong xác thịt này (Ma-thi-ơ 28:20; Giăng 14:23) và Ngài đã ban cho chúng ta chính sự bình an của Ngài: sự bình an của Thiên Chúa Ngôi Hai, sự bình an từ đời đời cho đến đời đời: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi. Ta ban sự bình an của Ta cho các ngươi. Ta ban cho các ngươi chẳng phải như thế gian ban cho. Lòng các ngươi chớ bối rối, cũng đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).

Kết Luận:

Có thể nhiều người trong chúng ta không được Chúa giao cho các chức vụ trong Hội Thánh, như: sứ đồ, người chăn, người giảng Tin Lành, người dạy Đạo, vv… nhưng hễ là con dân Chúa thì mỗi một chúng ta đều làm: tiên tri, vua, thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời Chí Cao; và vì thế, mỗi chúng ta đều là tôi tớ hầu việc Chúa.

Chúng ta hầu việc Chúa qua chính nếp sống của mình mỗi ngày. Chúng ta nói cho thế gian biết án phạt về tội lỗi của thế gian và nói cho mọi người biết về ơn cứu rỗi Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại trong Đức Chúa Jesus Christ, là chúng ta hầu việc Chúa và thế nhân qua chức vụ tiên tri. Chúng ta nghiêm khắc với thân thể xác thịt của mình, buộc nó phải tuân theo các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, trở thành công cụ để làm những việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta, là chúng ta hầu việc Chúa qua chức vụ vua. Chúng ta mỗi ngày dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Chúa (Rô-ma 12:1), dâng những lời tôn vinh lên Đức Chúa Trời, xưng danh Ngài ra, dâng lên Ngài các việc lành, tức là những việc làm theo Lời Chúa, và lòng bố thí, tức là sự ban cho trong danh Chúa, (Hê-bơ-rơ 13:15, 16), và khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người (I Ti-mô-thê 2:1), là chúng ta hầu việc Chúa qua chức vụ thầy tế lễ.

Là tôi tớ hầu việc Chúa đương nhiên chúng ta là những người yêu dấu của Thiên Chúa, là những thánh đồ của Ngài. Ân điển và bình an từ Thiên Phụ và từ Đấng Christ sẽ mãi mãi tuôn tràn trên mỗi một chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/06/2012

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.