Chú Giải I Cô-rinh-tô 04:01-13 Gương của Các Sứ Đồ

4,174 views

Nguồn: https://youtu.be/i3utEO94Wn4

Chú Giải I Cô-rinh-tô 4:1-13
Gương của Các Sứ Đồ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 4:1-13

1 Vậy, ai nấy hãy xem chúng tôi như những tôi tớ của Đấng Christ và những quản gia cho các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa.

2 Tuy nhiên, sự đòi hỏi nơi những quản gia là sự một người phải được xem là trung tín.

3 Đối với tôi, hoặc bị tra xét bởi các anh chị em, hoặc bị tra xét bởi loài người, ấy là việc rất nhỏ. Tôi cũng chẳng tự tra xét mình.

4 Vì tôi chẳng thấy mình có điều gì đáng tội. Nhưng tôi cũng không bởi đó mà được xưng là công bình. Đấng tra xét tôi là Chúa.

5 Vậy, chớ phán xét trước thời hạn, cho tới khi Chúa đến; Đấng sẽ chiếu sáng những sự giấu kín trong sự tối tăm và bày ra những ý định trong những tấm lòng. Bấy giờ, mỗi người sẽ được khen bởi Đức Chúa Trời.

6 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vì cớ các anh chị em, tôi đã áp dụng những sự này cho chính mình tôi và A-bô-lô để các anh chị em học tập nơi chúng tôi, không nghĩ quá điều đã được chép, để không một ai kiêu ngạo, vì người này mà nghịch lại người kia.

7 Vì sự gì phân biệt ngươi với người khác? Sự gì ngươi có mà không do ngươi nhận lãnh? Nếu ngươi cũng nhận lãnh sao ngươi khoe mình như ngươi chẳng từng nhận lãnh?

8 Các anh chị em được no đủ rồi. Các anh chị em được giàu có rồi. Các anh chị em đã cai trị như vua mà không cần chúng tôi. Tôi thật mong rằng, các anh chị em đã cai trị như vua để chúng tôi cũng đồng trị với các anh chị em!

9 Vì tôi nghĩ rằng, Đức Chúa Trời đã phô bày chúng tôi là các sứ đồ ra sau cùng, như những người bị định cho sự chết. Vì chúng tôi bị làm trò cho thế gian, cho các thiên sứ, và cho nhiều người.

10 Chúng tôi ngu dại vì cớ Đấng Christ nhưng các anh chị em khôn sáng trong Đấng Christ. Chúng tôi yếu đuối nhưng các anh chị em mạnh mẽ. Các anh chị em cao quý nhưng chúng tôi thấp hèn.

11 Cho tới thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đói, vẫn khát, vẫn trần truồng, vẫn bị đánh, vẫn lang thang không nhà.

12 Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc; bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; bị bách hại, chúng tôi chịu đựng;

13 bị mắng chửi, chúng tôi van nài; chúng tôi trở nên như rác rến của thế gian, cặn bã của mọi sự, cho đến ngày nay.

Qua I Cô-rinh-tô 3:1-8 chúng ta đã học biết về sự con dân Chúa có khái niệm sai lầm về những người giảng Tin Lành, về những người giảng dạy Lời Chúa, thần tượng hóa họ, dẫn đến sự tạo thành bè đảng, phe nhóm, gây ra sự phân rẽ trong Hội Thánh.

Trong thực tế, những người giảng Tin Lành cùng những người giảng Lời Chúa cách chân thật và hết lòng là những người đáng cho con dân Chúa kính trọng và học theo họ. Qua I Cô-rinh-tô đoạn 4, chúng ta được học biết về phẩm chất của những người giảng Tin Lành và những người giảng Lời Chúa đúng theo thánh ý của Chúa. Chúng ta cũng được Đức Thánh Linh khuyên bảo chúng ta hãy bắt chước họ. Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau học tập phẩm chất cao quý của họ, như đã dạy trong I Cô-rinh-tô 4:1-13.

1 Vậy, ai nấy hãy xem chúng tôi như những tôi tớ của Đấng Christ và những quản gia cho các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa.

2 Tuy nhiên, sự đòi hỏi nơi những quản gia là sự một người phải được xem là trung tín.

Những người rao giảng Tin Lành và những người giảng dạy Lời Chúa chính là những người phụng sự Đấng Christ trong chức vụ rao giảng và giảng dạy lẽ thật về Đấng Christ. Sự rao giảng của họ khiến cho loài người biết đến ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đấng Christ. Sự giảng dạy của họ khiến cho con dân Chúa hiểu biết về sự cứu rỗi càng hơn, hiểu biết nếp sống mới trong Đấng Christ, và hiểu biết những sự mầu nhiệm của Thiên Chúa. Danh từ “tôi tớ” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, khi dùng trong xã hội có các nghĩa như sau:

  • Nhân viên công chức dưới quyền quan tòa.
  • Người hầu của vua.
  • Người phục vụ trong một nhà hội của Do-thái Giáo.
  • Người phục vụ trong một chức vụ.
  • Người phụ tá, người giúp việc cho một ai đó.

Khi áp dụng cho những người rao giảng Tin Lành và những người giảng dạy Lời Chúa thì từ ngữ này bao gồm các nghĩa:

  • Họ là những nhân viên dưới quyền quan tòa tối cao là Đấng Christ.
  • Họ là những người hầu của “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” là Đấng Christ.
  • Họ là những người phục vụ trong Hội Thánh của Đấng Christ.
  • Họ là những người phục vụ trong chức vụ sứ đồ, hoặc trong chức vụ người giảng Tin Lành, hoặc trong chức vụ người chăn và người dạy.
  • Họ là những người phụ tá cho Đấng Christ và giúp việc cho Đấng Christ. Gọi chung, họ là những tôi tớ của Đấng Christ.

Công việc của họ là quản nhiệm các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa. Các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa được ghi lại trong Thánh Kinh, được tỏ ra trong thần trí của họ, được họ phân phát chung cho loài người qua sự giảng Tin Lành và phân phát riêng cho con dân Chúa qua sự giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh. Họ chính là những quản gia cho các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Một quản gia chân chính phải là người có lòng trung tín đối với chủ. Lòng trung tín đối với chủ của một người quản gia là người ấy luôn vâng phục chủ, hết sức làm tròn bổn phận đối với chủ, luôn bảo vệ, tôn cao danh tiếng và quyền lợi của chủ, không lạm dụng quyền chủ giao cho, sốt sắng trau dồi các kỹ năng, luôn thu thập kiến thức và học thức để có thể phục vụ chủ cách tốt nhất. Vì người quản gia được chủ giao toàn bộ tài sản và sự an nguy của gia đình chủ vào trong tay người ấy nên người không có đức tính trung tín thì không thể làm quản gia. Chúng ta có thể đọc lại Sáng Thế Ký 39:1-6 để thấy công việc của một quản gia và sự Đức Chúa Trời ban phước cho một quản gia ngay lành.

3 Đối với tôi, hoặc bị tra xét bởi các anh chị em, hoặc bị tra xét bởi loài người, ấy là việc rất nhỏ. Tôi cũng chẳng tự tra xét mình.

4 Vì tôi chẳng thấy mình có điều gì đáng tội. Nhưng tôi cũng không bởi đó mà được xưng là công bình. Đấng tra xét tôi là Chúa.

Động từ “tra xét” được dùng trong hai câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là xem xét, dò hỏi, tìm hiểu các sự việc, các chứng cớ để điều tra về một người nào.

Phao-lô hàm ý, ông là một tôi tớ chân thật của Chúa, rao giảng về Chúa cách chân thật và hết lòng, cho dù là con dân Chúa điều tra ông hay những người không tin Chúa điều tra ông thì ông cũng không bận tâm. Chính bản thân ông cũng không làm công việc tự kiểm, vì lương tâm ông nhận biết ông không làm gì sai trái.

Tuy nhiên, Phao-lô không dựa vào sự ông không làm gì sai trái để cho rằng, ông là người công bình. Hơn ai hết, Phao-lô biết, ông là người có tội và từng phạm tội trọng, vì ông đã giết hại Hội Thánh của Chúa. Ông đã viết cho Ti-mô-thê:

“Đây là lời chắc chắn xứng đáng với mọi sự tiếp nhận, rằng: Đấng Christ Jesus đã đến trong thế gian để cứu những kẻ có tội, trong những kẻ ấy, ta là đầu.” (I Ti-mô-thê 1:15).

Phao-lô hiểu rõ, một người được xưng công bình là nhờ vào lòng ăn năn tội và đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Người được xưng công bình là người được Đức Chúa Trời tha tội và được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội bởi sự người ấy thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, chứ không phải do người ấy không làm ra điều gì sai trái. Vì sự không làm gì sai trái của một người chỉ xảy ra trong một giai đoạn nào đó. Vẫn có những lúc người ấy phạm tội. Và quan trọng hơn hết, cho dù một người không làm gì sai trái thì người ấy vẫn có sự suy nghĩ sai trái theo bản tính tội lỗi. Bản tính tội lỗi từ tổ phụ của loài người là A-đam đã tiêm nhiễm cho bất cứ người nào được sinh ra trong cuộc đời này; ngoại trừ Đức Chúa Jesus, vì Ngài được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri. Ngài là người duy nhất không nhiễm bản tính tội từ A-đam nhưng có bản tính tốt lành hoàn toàn như A-đam và Ê-va khi vừa được dựng nên.

Mặc dù Phao-lô chấp nhận bị tra xét bởi anh chị em cùng đức tin lẫn bởi những người không tin Chúa, vì đó là cách thức để họ tìm xem ông có phải là sứ đồ chân thật của Chúa và hết lòng phụng sự Chúa, phục vụ Hội Thánh hay không, nhưng ông không tự tra xét mình. Vì lòng ông đã quyết, ông không tự mình sống nữa nhưng để cho Đấng Christ sống trong ông:

“Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Sự sống ấy mà tôi đang sống trong xác thịt, là tôi sống bởi đức tin vào trong Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).

Chính vì thế mà Phao-lô nhường sự tra xét đời sống của ông cho Đấng Christ.

5 Vậy, chớ phán xét trước thời hạn, cho tới khi Chúa đến; Đấng sẽ chiếu sáng những sự giấu kín trong sự tối tăm và bày ra những ý định trong những tấm lòng. Bấy giờ, mỗi người sẽ được khen bởi Đức Chúa Trời.

Động từ “phán xét” được dùng trong câu này có nghĩa là dựa trên chứng cớ rõ ràng và lẽ thật để khẳng định một việc là đúng hay sai, một người là có tội hoặc không có tội. Nếu là sai, là có tội thì kết án. Nếu là đúng, là vô tội thì khích lệ và ủng hộ.

Con dân Chúa có bổn phận phán xét lời giảng của một người xem lời giảng ấy đúng hay sai, bằng cách đối chiếu mọi lời giảng dạy với Thánh Kinh. Con dân Chúa có bổn phận phán xét việc làm của một người xem việc làm ấy đúng hay sai, bằng cách đối chiếu những việc làm ấy với Thánh Kinh. Con dân Chúa có bổn phận phán xét nếp sống của những người xưng mình là môn đồ của Đấng Christ xem nếp sống của họ đúng hay sai, bằng cách đối chiếu nếp sống của họ với Thánh Kinh. Trong Ma-thi-ơ 7:16-20, Đức Chúa Jesus Christ dạy cho con dân Chúa nhìn trái để biết cây, nhìn nếp sống của một người để biết người ấy có phải là con dân Chúa thật hay không. Phao-lô đã phán xét kẻ có tội trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô:

“Vì thực tế, tôi xa cách về thân thể nhưng hiện diện về tâm thần, đã phán xét kẻ làm ra việc đó như là tôi đã có mặt.” (I Cô-rinh-tô 5:3).

Nhưng con dân Chúa không được phán xét tấm lòng của người khác, vì không ai biết được trong lòng của người khác, ngoài Thiên Chúa. Ý nghĩa của I Cô-rinh-tô 4:5 là dù con dân Chúa có thể tra xét lời giảng, nếp sống của những người giảng Tin Lành và những người giảng dạy Lời Chúa xem có đúng với Thánh Kinh hay không; nhưng con dân Chúa không nên phán xét tấm lòng phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh của họ, tức mục đích làm việc của họ. Thời hạn để phán xét là ngày Chúa đến và chính Chúa là Đấng phán xét.

“Những sự giấu kín trong sự tối tăm” là những việc làm không ai biết, ngoài người làm và Chúa. Những việc làm ấy có thể là những việc làm tốt hoặc xấu nhưng theo văn mạch thì hàm ý là những việc làm tốt của những người giảng Tin Lành và của những người giảng dạy Lời Chúa. Những việc làm ấy là sự nhẫn nại, chịu khổ, những sự hy sinh của họ trong khi thi hành chức vụ mà không ai biết đến, ngoài Chúa.

“Những ý định trong những tấm lòng” theo văn mạch là những ý tưởng phát sinh từ lòng tha thiết yêu kính Chúa và muốn sống cho Chúa, chết cho Chúa, muốn làm gì cũng vì sự vinh quang của Thiên Chúa.

Trong ngày phán xét đó, Đức Chúa Jesus Christ sẽ ban thưởng cho mỗi người tùy theo việc làm của mỗi người, dựa trên tấm lòng của họ khi làm việc; và Đức Chúa Trời sẽ khen họ. Được Đức Chúa Trời khen là được Đức Chúa Trời phán lời khen thưởng trước các thiên sứ, các ma quỷ, và loài người, như Ngài đã khen Gióp (Gióp 1:8; 2:3). Thông thường, khi chúng ta làm một điều gì tốt mà được loài người khen thì chúng ta cảm thấy vui mừng, khoan khoái. Càng được người có chức vị, địa vị cao trọng khen thì chúng ta càng vui mừng hơn. Thế thì được Đức Chúa Trời khen là sự vinh dự biết bao! Nguyện rằng, mỗi con dân Chúa đều được Đức Chúa Trời khen, vì cho dù không ở trong các chức vụ rao giảng Tin Lành hay giảng dạy Lời Chúa thì mỗi con dân Chúa vẫn là tôi tớ của Thiên Chúa. Vì mỗi người đều là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, phụng sự trong nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh. Được khen hay không là do mỗi người. Đấng Christ sẽ phán xét tấm lòng của mỗi người.

6 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Vì cớ các anh chị em, tôi đã áp dụng những sự này cho chính mình tôi và A-bô-lô để các anh chị em học tập nơi chúng tôi, không nghĩ quá điều đã được chép, để không một ai kiêu ngạo, vì người này mà nghịch lại người kia.

Động từ “áp dụng” dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là làm cho biến hóa thành một hình thể khác. Đây cũng chính là động từ được dùng trong Phi-líp 3:21 và được dịch là “biến hóa”:

“Ngài sẽ biến hóa thân thể hèn mạt của chúng ta trở nên giống như thân thể vinh quang của Ngài, y theo sự tác động của năng lực mà Ngài bắt muôn vật phục chính Ngài.” (Phi-líp 3:21).

Nghĩa bóng của động từ này là áp dụng, đem sự hiểu biết dùng vào thực tế của đời sống.

“Tôi đã áp dụng những sự này cho chính mình tôi và A-bô-lô” có nghĩa là tôi đã áp dụng các nguyên tắc được nêu lên trên đây cho tôi và A-bô-lô, là hai người giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa:

  • Chúng tôi là tôi tớ của Đấng Christ, phụng sự Ngài và phục vụ Hội Thánh.
  • Công việc của chúng tôi là quản nhiệm các sự mầu nhiệm của Thiên Chúa, phân phát Lời Chúa cho mọi người.
  • Chúng tôi trung tín trong chức vụ.
  • Các anh chị em và bất cứ người không tin Chúa nào cũng có thể tra xét lời giảng và nếp sống của chúng tôi.

Vậy, các anh chị em đừng tôn chúng tôi làm người đứng đầu một nhóm hay một phái mà gây ra sự phân rẽ trong Hội Thánh. Trái lại, các anh chị em hãy học theo gương của chúng tôi trong nếp sống phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh.

“Không nghĩ quá điều đã được chép, để không một ai kiêu ngạo, vì người này mà nghịch lại người kia.” Mệnh đề này hàm ý, đừng ai suy nghĩ vượt quá những gì mà Phao-lô đã cậy sự soi sáng của Đức Thánh Linh viết ra trong thư I Cô-rinh-tô .

7 Vì sự gì phân biệt ngươi với người khác? Sự gì ngươi có mà không do ngươi nhận lãnh? Nếu ngươi cũng nhận lãnh sao ngươi khoe mình như ngươi chẳng từng nhận lãnh?

“Vì sự gì phân biệt ngươi với người khác?” Hàm ý, ngươi không có gì cao trọng hơn người khác, đáng khoe hơn người khác. Mọi người đều bình đẳng, vì ai nấy cũng phải nhận lãnh từ Thiên Chúa và từ những người khác. Khi chúng ta ra đời, chúng ta nhận lãnh sự sống từ Thiên Chúa và thân thể xác thịt từ cha mẹ. Theo thời gian, chúng ta lớn lên và tiếp tục nhận lãnh từ Thiên Chúa, từ những người khác để chúng ta có được những gì mà chúng ta có. Người nông dân nhận lãnh sức sống và sự ban phước từ Thiên Chúa để canh tác và thu hoạch nông sản. Người làm công nhận lãnh sức sống từ Thiên Chúa và nhận lãnh cơ hội làm việc từ những người thuê mướn mình. Người làm chủ nhận lãnh sức sống từ Thiên Chúa và nhận lãnh sự lao động từ những người làm thuê cho mình. Sự thành đạt của mỗi người đều lệ thuộc vào sự ban phước của Thiên Chúa và sự đóng góp của những người khác. Vì thế, mỗi người đều không có gì để khoe mình tài giỏi khi thành đạt được điều gì đó trong cuộc sống. Trái lại, mỗi người nên vui mừng, cảm tạ Thiên Chúa và biết ơn những người đã dự phần trong sự giúp mình thành đạt.

Có thể có người cho rằng, cùng một hoàn cảnh, cùng một cơ hội mà tôi thành đạt hơn người khác thì tôi giỏi hơn người khác, khôn sáng hơn người khác. Thế thì sự tài giỏi đó, sự khôn sáng đó từ đâu mà đến? Nói cho cùng, tất cả những gì chúng ta có là đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa trực tiếp ban cho chúng ta và gián tiếp ban cho chúng ta qua những người khác. Thái độ nên có của chúng ta là vui mừng, biết ơn Chúa, biết ơn người; và nhu mì, khiêm nhường như Đấng Christ. Không một ai trong cuộc đời này có thể khoe mình, trừ ra sự khoe mình trong Chúa, như Lời Chúa trong I Cô-rinh-tô 1:31 và II Cô-rinh-tô 10:17 đã dạy. Khoe rằng, bởi ân điển của Chúa mà tôi đã có được điều này; bởi ân điển của Chúa mà tôi làm được điều kia.

8 Các anh chị em được no đủ rồi. Các anh chị em được giàu có rồi. Các anh chị em đã cai trị như vua mà không cần chúng tôi. Tôi thật mong rằng, các anh chị em đã cai trị như vua để chúng tôi cũng đồng trị với các anh chị em!

Động từ “cai trị” được dùng trong câu này là động từ chỉ về sự cai trị bởi vương quyền; cai trị trong thẩm quyền và tư cách của một nhà vua. Câu này được viết với tính mỉa mai. Hội Thánh tại Cô-rinh-tô vào thời điểm ấy không khác với Hội Thánh tại Lao-đi-xê như được nói đến trong Khải Huyền 3:17. Lúc ấy, Cô-rinh-tô là một thành phố thương mãi sầm uất và hầu hết con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đều dư dật về vật chất, ngoại trừ một số là nô lệ. Về thuộc linh, bởi ân điển của Chúa mà họ được ban cho nhiều ân tứ, như đã liệt kê trong I Cô-rinh-tô 12. Nhất là ơn nói ngoại ngữ được ban cho nhiều người để họ tự gây dựng chính mình (I Cô-rinh-tô 14:4). Tuy nhiên, họ đã vì thiếu hiểu biết mà chia bè, kết nhóm, gây ra sự phân rẽ trong Hội Thánh. Trong khi Hội Thánh nhóm hiệp thì không có sự trật tự, không ai tôn trọng ai. Bữa ăn thông công cùng với Tiệc Thánh cũng bị họ làm cho trở nên ô uế. Đó là những điều mà chúng ta sẽ học vào các chương ở cuối thư.

Vì mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh đều là tiên tri rao giảng Lời Chúa, là thầy tế lễ phụng sự Thiên Chúa, là vua đồng trị với Đấng Christ nên Phao-lô đã dùng động từ “cai trị bởi vương quyền” để nói đến sự cai trị của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Sự cai trị của con dân Chúa bắt đầu từ sự cai trị chính mình, bắt thân thể xác thịt phải vâng phục thần trí, thay vì thỏa mãn những điều tham muốn của xác thịt.

“Vậy, tôi nói rằng: Hãy bước đi theo thần trí! Chớ làm trọn những điều tham muốn của xác thịt!” (Ga-la-ti 5:16).

Trong thực tế, con dân Chúa tại Cô-rinh-tô vào thời bấy giờ, chưa biết cai trị chính mình vì họ thiếu sự hiểu biết Lời Chúa. Người cai trị phải hiểu biết luật. Luật của Chúa là Thánh Kinh. Người thiếu hiểu biết Thánh Kinh thì không thể tự cai trị chính mình. Người thiếu hiểu biết Thánh Kinh thì không thể sống theo ý Chúa, không thể sống cho Chúa, không thể chết cho Chúa. Vì người ấy không biết để cho Đấng Christ sống trong mình.

Phao-lô biết ông và các bạn cùng làm việc với ông sẽ đồng trị với Đấng Christ nhưng ông cũng biết là con dân Chúa tại Cô-rinh-tô chưa thể đồng trị với Đấng Christ. Ông mong ước họ sẽ đạt được đặc quyền ấy để ông và các bạn của ông đồng trị với họ.

9 Vì tôi nghĩ rằng, Đức Chúa Trời đã phô bày chúng tôi là các sứ đồ ra sau cùng, như những người bị định cho sự chết. Vì chúng tôi bị làm trò cho thế gian, cho các thiên sứ, và cho nhiều người.

“Vì tôi nghĩ rằng” có nghĩa là theo sự hiểu biết của tôi.

Vào thời của Phao-lô, dân La-mã thường mở ra những cuộc giác đấu để mua vui. Vào buổi sáng, những đấu sĩ thường được phát cho vũ khí để đấu với nhau hoặc đấu với mãnh thú. Đến buổi trưa, vào hiệp đấu sau cùng, thì đấu sĩ thường là tù binh hoặc phạm nhân mang án chết bị đưa vào đấu trường, trần truồng, không vũ khí để đấu với mãnh thú. Nếu đấu sĩ sống sót thì qua được thêm một ngày, nhưng thường thì họ đều bị mãnh thú xé xác. Phao-lô dùng hình ảnh đó để nói đến sự chịu khổ của các sứ đồ. Trong khi các tử tội thời La-mã bị đem ra làm trò vui cho công chúng thì các sứ đồ của Chúa bị phơi bày cho các thiên sứ và nhiều người nhìn xem sự chịu khổ của họ.

10 Chúng tôi ngu dại vì cớ Đấng Christ nhưng các anh chị em khôn sáng trong Đấng Christ. Chúng tôi yếu đuối nhưng các anh chị em mạnh mẽ. Các anh chị em cao quý nhưng chúng tôi thấp hèn.

Vì danh Đấng Christ, vì sự phụng sự Đấng Christ mà đối với thế gian các sứ đồ là những người ngu dại và bị thế gian chê cười. Nhưng chính nhờ đó mà con dân Chúa được học biết về Đấng Christ và trở nên khôn sáng trong Đấng Christ. Các sứ đồ trở nên yếu đuối về thể chất vì bị cư xử bất công, bị thiếu thốn vật chất, bị tù, bị tra tấn… thì con dân Chúa được mạnh mẽ về đức tin, nhờ sự giảng dạy của các sứ đồ. Con dân Chúa đạt đến địa vị cao quý, làm những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời; làm những tiên tri, thầy tế lễ, và vua trong Đấng Christ nhưng các sứ đồ lại bị thế gian dìm xuống địa vị thấp hèn trong xã hội.

11 Cho tới thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn đói, vẫn khát, vẫn trần truồng, vẫn bị đánh, vẫn lang thang không nhà.

“Cho tới thời điểm hiện tại” là cho tới lúc Phao-lô viết thư I Cô-rinh-tô. Phao-lô và các bạn của ông trên hành trình truyền giáo vẫn đói, vẫn khát, vì không có đủ thức ăn, thức uống; vẫn trần truồng, vì không đủ mặc; vẫn bị đánh, vì bị Do-thái Giáo bắt bớ và bị ngay cả dân ngoại giáo bách hại; vẫn lang thang không nhà, vì họ phải đi từ nơi này sang nơi khác để rao giảng Tin Lành, xây dựng và gây dựng Hội Thánh của Chúa.

12 Chúng tôi dùng chính tay mình làm việc khó nhọc; bị rủa sả, chúng tôi chúc phước; bị bách hại, chúng tôi chịu đựng;

13 bị mắng chửi, chúng tôi van nài; chúng tôi trở nên như rác rến của thế gian, cặn bã của mọi sự, cho đến ngày nay.

Trong các hành trình truyền giáo, Phao-lô cũng như mọi sứ đồ của Chúa phải tự lực cánh sinh, tự mình lao động kiếm sống. Chúng ta không có chi tiết về sự các sứ đồ phải làm việc như thế nào để kiếm sống, ngoại trừ Thánh Kinh cho chúng ta biết, Phao-lô làm nghề may trại như Bê-rít-sin và A-qui-la. Nghề may trại là nghề may mới hoặc sửa chữa lều trại, phục vụ những người chăn chiên, hoặc dân thương buôn, hoặc dân du mục. Dĩ nhiên, các Hội Thánh địa phương luôn tiếp trợ cho các sứ đồ nhưng khi họ đến một địa phương chưa có Hội Thánh thì họ phải tự túc. Trong II Cô-rinh-tô 11:8, Phao-lô có nói đến sự ông nhận sự tiếp trợ từ các Hội Thánh khác để làm công tác truyền giáo tại Cô-rinh-tô. Theo II Cô-rinh-tô 12:13 thì Phao-lô đã không nhận sự tiếp trợ cho bản thân ông từ Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.

Bị rủa sả vào thời của Phao-lô là bị những người theo Do-thái Giáo rủa sả, vì họ xem các sứ đồ của Chúa là những người rao giảng tà giáo. Sự chúc phước duy nhất dành cho những kẻ rủa sả con dân Chúa là xin Chúa tha tội cho họ.

Bị bách hại vào thời của Phao-lô vừa là bị những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo bách hại, vừa là bị nhà cầm quyền La-mã bách hại. Khi bị bách hại, con dân Chúa chịu đựng mà không trả thù. Và khi có thể thì bỏ trốn sang nơi khác (Ma-thi-ơ 10:23). Kể cả khi bị người thân trong gia đình bách hại thì con dân Chúa vẫn có thể ra khỏi gia đình. Hội Thánh có bổn phận tiếp trợ và cứu giúp những anh chị em cùng Cha trốn tránh sự bách hại.

“Bị mắng chửi” bao gồm cả sự bị vu khống, bị nói xấu. Các sứ đồ của Chúa thường bị những sứ đồ giả xúc phạm họ bằng những lời vu khống, nói xấu, mắng chửi. Những sứ đồ giả là những người mạo nhận là sứ đồ của Chúa để rao giảng tà giáo, như Phao-lô đã nói đến trong II Cô-rinh-tô 11:13. Họ là công cụ của Sa-tan. Khi bị những kẻ giả hình mắng chửi, các sứ đồ khuyên bảo những kẻ ấy hãy ăn năn và khuyên bảo con dân Chúa đừng nghe theo những lời giảng dạy tà giáo.

Nói chung, không riêng gì thời của Phao-lô mà trong suốt lịch sử của Hội Thánh, bất cứ nơi nào và bất kỳ lúc nào, những người giảng Tin Lành và những người giảng dạy Lời Chúa cách chân thật cũng đều chịu khổ vì danh Chúa.

Vào thời nay, không riêng gì những người giảng Tin Lành và những người giảng dạy Lời Chúa cách chân chính theo Thánh Kinh, mà cả những ai tin và sống theo Thánh Kinh cũng bị những người mang danh là môn đồ của Đấng Christ trong các giáo hội mang danh Chúa rủa sả, mắng chửi, bách hại, xem như rác rến của thế gian, xem như cặn bã của mọi sự.

Kết hiệp I Cô-rinh-tô 4:10-13 với II Cô-rinh-tô 11:23-33 chúng ta có một bức tranh sống động về những sự nguy hiểm, gian khổ, trong mục vụ của những người giảng Tin Lành và của những người giảng dạy Lời Chúa. Chúng ta cũng thấy được lòng trung tín, yêu Chúa, yêu người của họ, tấm lòng sốt sắng phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh của họ; điển hình là Phao-lô. Mong rằng, mỗi chúng ta luôn biết ơn những người mang lẽ thật của Tin Lành, của Lời Chúa đến với chúng ta; và học theo tấm gương tận tụy phụng sự Chúa, phục vụ Hội Thánh của họ.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/12/2019

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Trong Thiên Chúa Không Còn Nhu Cầu”
https://karaokethanhca.net/trong-thien-chua-khong-con-nhu-cau/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.