Chú Giải I Cô-rinh-tô 16:01-24 Phần Kết Thúc

2,986 views

YouTube: https://youtu.be/lOiSb6KMm4Q

Chú Giải I Cô-rinh-tô 16:1-24
Phần Kết Thúc

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 16:1-24

1 Về sự quyên góp cho các thánh đồ, như tôi đã chỉ định cho các Hội Thánh xứ Ga-la-ti, thì các anh chị em cũng làm như vậy.

2 Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, mỗi một người trong các anh chị em hãy tự mình để dành ra bất cứ sự gì thu nhập được, để khi tôi đến thì không cần các sự quyên góp.

3 Khi tôi đến, tôi sẽ sai những người mà các anh chị em đã chọn, đem quà của các anh chị em với các lá thư đến thành Giê-ru-sa-lem.

4 Nếu là cần tôi đi, thì họ sẽ đi với tôi.

5 Tôi sẽ đến với các anh chị em khi tôi ghé qua xứ Ma-xê-đoan, vì tôi phải ghé qua xứ Ma-xê-đoan.

6 Có lẽ tôi sẽ trú lại hoặc cũng ở trọn mùa đông với các anh chị em, để các anh chị em đưa tôi đến nơi tôi muốn đi.

7 Vì tôi sẽ chẳng chỉ gặp các anh chị em trong khi ghé qua lúc này; nhưng tôi mong sẽ ở lại với các anh chị em một thời gian, nếu Chúa cho phép.

8 Nhưng tôi sẽ ở lại tại thành Ê-phê-sô cho đến Lễ Ngũ Tuần.

9 Vì một cái cửa lớn và có hiệu quả mở ra cho tôi, cũng có nhiều kẻ đối địch.

10 Nếu Ti-mô-thê đến, hãy xem chừng rằng, người ở với các anh chị em không sợ hãi. Vì người làm việc của Chúa cũng như tôi.

11 Vậy, chớ có ai khinh người, nhưng hãy đưa người đi trong sự bình an để người đến với tôi, vì tôi đang đợi người với các anh chị em cùng Cha.

12 Về A-bô-lô, người anh em cùng Cha, tôi rất mong người đến cùng các anh chị em với các anh chị em cùng Cha. Nhưng ý của người là không đến vào lúc này; người sẽ đến khi có cơ hội.

13 Các anh chị em hãy tỉnh thức! Hãy đứng vững trong đức tin! Hãy can đảm! Hãy mạnh mẽ!

14 Mọi việc của các anh chị em hãy được làm trong tình yêu.

15 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em: Các anh chị em biết nhà Sê-pha-na là trái đầu mùa của xứ A-chai, và họ tự đặt mình vào trong sự phục vụ các thánh đồ.

16 Vậy, các anh chị em hãy vâng phục những người như vậy, vâng phục mỗi người cùng làm việc và khó nhọc với chúng tôi.

17 Tôi vui mừng về sự đến của Sê-pha-na, Phốt-tu-na, và A-chai-cơ; vì sự gì thiếu về phần của các anh chị em thì họ sẽ cung cấp.

18 Vì họ sẽ làm tươi mới tâm thần của tôi và của các anh chị em. Vậy, hãy nhận biết những người như vậy.

19 Các Hội Thánh ở xứ A-si chào các anh chị em. A-qui-la và Bê-rít-sin với Hội Thánh trong nhà của họ chào các anh chị em cách nồng nhiệt trong Chúa.

20 Hết thảy các anh chị em cùng Cha nơi đây chào các anh chị em. Hãy chào lẫn nhau với nụ hôn thánh.

21 Lời chào của tôi, Phao-lô, do chính tay tôi viết.

22 Nếu người nào không yêu Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy phải bị a-na-them! Ma-ra-na-tha! [A-na-them có nghĩa là dứt thông công, đuổi ra khỏi Hội Thánh. Ma-ra-na-tha có nghĩa đen là Chúa của chúng ta đã đến; nghĩa bóng là: Xin Chúa hãy đến và phán xét.]

23 Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở với các anh chị em!

24 Tình yêu của tôi ở với hết thảy các anh chị em trong Đấng Christ Jesus. A-men! [Thư này được viết tại Ê-phê-sô, có lẽ do Sê-pha-na, Phốt-tu-na, A-chai-cơ, hoặc Sốt-then chép.]

I Cô-rinh-tô đoạn 16 là phần kết thúc của thư I Cô-rinh-tô. Phần kết thúc này bao gồm lời dặn về sự quyên góp, tiếp trợ cho con dân Chúa nghèo khó; ý định về cuộc hành trình sắp tới của Phao-lô; lời dặn và lời chào thăm sau cùng.

1 Về sự quyên góp cho các thánh đồ, như tôi đã chỉ định cho các Hội Thánh xứ Ga-la-ti, thì các anh chị em cũng làm như vậy.

Danh từ “quyên góp” (G3048) được dùng để chỉ sự đóng góp tiền, cứu giúp người nghèo hoặc làm việc từ thiện.

Động từ “chỉ định” (G1299) có tính cách quy định hoặc truyền lệnh. Sứ Đồ Phao-lô, trong danh của Chúa, đã truyền lệnh và quy định cho con dân Chúa thuộc các Hội Thánh địa phương thời đó, trong xứ Ga-la-ti, về việc quyên góp để tiếp trợ cho con dân Chúa nghèo khó tại Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê. Nay, ông cũng chỉ định cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô.

Sự quyên góp phần lớn là sự quyên góp tiền bạc, nếu là tiếp trợ cho những người ở xa; còn nếu là tiếp trợ cho những người ở gần hay những người ở chung một địa phương thì có thể quyên góp cả thực phẩm và quần áo. Sự tiếp trợ là sự cứu giúp những con dân Chúa đang ở trong hoàn cảnh túng thiếu về vật chất. Vào lúc thư I Cô-rinh-tô được viết ra thì trong đế quốc La-mã đã liên tiếp xảy ra nhiều năm đói kém. Con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê còn bị bách hại về đức tin bởi dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo, nên họ rất cần được sự cứu giúp.

Vào lúc ấy, Chúa đã cho phép sự bách hại đức tin và sự đói kém xảy ra, để thử thách đức tin của con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem và toàn xứ Giu-đê. Nhưng cũng bởi sự khó khăn đó của họ mà Chúa lại ban cho con dân Chúa ở ngoài xứ Giu-đê có cơ hội thể hiện tình yêu với các anh chị em trong Chúa bằng hành động. Đặc biệt là con dân Chúa tại xứ Ma-xê-đoan đã quyên góp quá sức (II Cô-rinh-tô 8:3).

Mỗi con dân Chúa là một chi thể trong thân thể của Chúa; vì thế, mỗi con dân Chúa có bổn phận và trách nhiệm đối với nhau. Điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ là con dân Chúa phải yêu lẫn nhau, như chính Chúa yêu mình. Yêu lẫn nhau như chính Chúa yêu mình có nghĩa là yêu anh chị em cùng Cha hơn chính bản thân, sẵn sàng hy sinh mọi sự, bao gồm mạng sống, cho anh chị em của mình, như Đấng Christ đã yêu và hy sinh cho Hội Thánh.

Chính vì thế mà sự truyền lệnh và quy định của trưởng lão trong Hội Thánh, như sứ đồ, giám mục, hoặc người chăn về sự tiếp trợ cho con dân Chúa có nhu cầu cũng cần được con dân Chúa vâng theo, như đó là mệnh lệnh và quy định đến từ Chúa.

Một số người cho rằng, sự quyên góp, tiếp trợ lẫn nhau là do tự nguyện, không thể ép buộc. Vì thế, trưởng lão trong Hội Thánh hay ngay cả Sứ Đồ Phao-lô không có quyền ra lệnh. Đúng là con dân Chúa có quyền tự do lựa chọn nhưng Chúa cũng ban quyền cai trị Hội Thánh cho các trưởng lão, qua các chức vụ sứ đồ, giám mục, người chăn. Mỗi người có quyền chọn vâng theo hay không vâng theo các trưởng lão; nhưng ai chọn không vâng theo thì cần đọc và suy ngẫm Ma-thi-ơ 25:31-46; Hê-bơ-rơ 13:17; I Phi-e-rơ 5:5.

Một số người nói rằng, bản thân cũng quá nghèo khó, cần được cứu giúp, nên không thể cứu giúp người khác. Nhưng vấn đề là một người có lòng dâng hiến lên Chúa, vâng theo Lời Chúa, cứu giúp anh chị em của mình hay không. Người đàn bà góa dâng lên Chúa hai đồng tiền đáng giá 1/4 xu, vì bà quá nghèo và đó là hết thảy số tiền mà bà có để nuôi mình, nhưng bà đã dâng hiến lên Chúa và được Chúa khen là người dâng nhiều nhất trong số những người dâng hiến (Mác 12:42; Lu-ca 21:2). Một đứa bé trai dâng lên Chúa năm cái bánh và hai con cá, là phần ăn của nó. Của dâng đó đã được Chúa ban phước, biến thành thức ăn nuôi hơn 5000 người. Bà góa có con nhỏ ở thành Sa-rép-ta, trong cơn đói kém lớn, đã dùng chút bột và dầu còn lại trong nhà, làm bánh cho Tiên Tri Ê-li ăn, đã được Chúa ban cho bột và dầu cứ còn mãi cho đến khi hết cơn đói kém (I Các Vua 17:10-16).

Hãy biết và nhớ rằng, mỗi một sự chúng ta cứu giúp anh chị em cùng Cha của mình dù nhỏ hoặc lớn, dù ít hoặc nhiều, nếu làm bằng tấm lòng yêu thương, phục vụ thì đều là của lễ đẹp lòng Chúa, dâng lên Chúa (Hê-bơ-rơ 13:16).

Hãy biết và nhớ rằng, Chúa không cần bất cứ sự dâng hiến hay đóng góp nào của chúng ta để cứu giúp những người đáng được cứu giúp. Vì Ngài có thể làm ra phép lạ để cứu giúp họ. Nhưng Chúa muốn chúng ta thể hiện đức tin của chúng ta nơi Chúa, lòng vâng phục Chúa của chúng ta, và tình yêu của chúng ta đối với người khác bằng hành động. Vì thế, Ngài ban cho chúng ta cơ hội dâng hiến, cứu giúp người khác; và rồi sau đó, Ngài sẽ ban ơn, khen thưởng cho chúng ta cách xứng đáng.

Hãy nhớ và biết rằng, mỗi một điều chúng ta làm cho nhau, dù tốt hay xấu, thì Chúa cũng kể là chúng ta làm cho Chúa, và Ngài sẽ báo trả cách xứng đáng (Ma-thi-ơ 25:31-46).

Thánh Kinh không ghi lại khi nào thì Phao-lô truyền lệnh cho các Hội Thánh tại xứ Ga-la-ti về sự quyên góp. Quy định của Phao-lô về sự quyên góp được nhắc lại trong câu kế tiếp.

2 Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, mỗi một người trong các anh chị em hãy tự mình để dành ra bất cứ sự gì thu nhập được, để khi tôi đến thì không cần các sự quyên góp.

Trước hết, chúng ta cần biết rằng, một số bản dịch Thánh Kinh, trong đó có Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống và các bản dịch Việt ngữ khác, đã dịch một chữ trong I Cô-rinh-tô 16:2 không đúng theo nguyên ngữ Hy-lạp. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ σάββατον (G4521), /sabbaton/, phiên âm sang tiếng Việt là sa-bát, chỉ có nghĩa là ngày Sa-bát hoặc Lễ Sa-bát, nghĩa là ngày Nghỉ hoặc Lễ Nghỉ, không hề có nghĩa là tuần lễ. Vì trong tiếng Hy-lạp, danh từ chỉ tuần lễ là εβδομάδα, /evdomáda/, phiên âm sang tiếng Việt là ép-dô-ma-va, và không hề được dùng trong Thánh Kinh Tân Ước. Chỉ trong bản dịch Bảy Mươi, là bản dịch Thánh Kinh Cựu Ước đầu tiên từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, mới dùng danh từ εβδομάδα để dịch danh từ tuần lễ trong Đa-ni-ên 9.

Không ai biết rõ vì sao danh từ Sa-bát trong Tân Ước có vài chỗ bị dịch thành tuần lễ. Nhưng trong thời của Đức Chúa Jesus Christ và trong thời của các sứ đồ, danh từ σάββατον không hề có nghĩa là tuần lễ [1]. Chính vì thế mà các chỗ trong Thánh Kinh Tân Ước chữ Sa-bát bị dịch sai thành tuần lễ cần phải được dịch lại cho đúng. Xin chú ý danh từ Sa-bát số nhiều (các ngày Sa-bát) và số ít (ngày Sa-bát) trong các câu dịch đúng dưới đây:

1. Ma-thi-ơ 28:1

Dịch đúng: Sau các ngày Sa-bát, buổi sáng sớm ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ.

Dịch sai: Sau ngày Sa-bát, ngày thứ nhứt trong tuần lễ, lúc tưng tưng sáng, có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ.

Các ngày Sa-bát được nói đến là ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men và ngày Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần theo sau đó. Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá vào trưa ngày Lễ Vượt Qua, nhằm Thứ Tư ngày 14 tháng Nissan năm 27. Hôm sau là ngày đầu của Lễ Bánh Không Men và là ngày Sa-bát đặc biệt, tức là không phải ngày Thứ Bảy cuối tuần, nhằm Thứ Năm ngày 15 tháng Nissan. Vào cuối buổi chiều Thứ Bảy, ngày 17 tháng Nissan, là ngày Sa-bát cuối tuần, thì Đức Chúa Jesus Christ đã sống lại sau ba ngày và ba đêm ở trong lòng đất. Sau đó, vào buổi sáng sớm của ngày Thứ Nhất trong tuần lễ, nhằm ngày 18 tháng Nissan, thì Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đã đến mộ để xức dầu cho xác của Chúa.

Mệnh đề “ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát” có nghĩa là ngày đầu của một tuần lễ theo sau ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men và ngày Sa-bát cuối tuần.

2. Mác 16:2

Dịch đúng: Ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, sáng sớm, họ đến mộ vào lúc mặt trời mới mọc.

Dịch sai: Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, sáng sớm, mặt trời mới mọc, ba người đến nơi mộ,

3. Mác 16:9

Dịch đúng: {Sau khi} đã sống lại, trước hết, Ngài hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len vào buổi sớm mai đầu tiên của ngày Sa-bát. {Bà là} người Ngài đã đuổi bảy tà linh ra khỏi.

Dịch sai: Vả, Đức Chúa Jêsus đã sống lại buổi sớm mai ngày thứ nhứt trong tuần lễ, thì trước hết hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len, là người mà Ngài đã trừ cho khỏi bảy quỉ dữ.

Mặc dù trong Mác 16:2 dùng mệnh đề “ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát” (ngày Sa-bát số nhiều) nhưng trong Mác 16:9 lại dùng “buổi sớm mai đầu tiên của ngày Sa-bát” (ngày Sa-bát số ít). Cách dùng này hàm ý, ngày đầu của một tuần lễ theo sau ngày Sa-bát cuối tuần.

4. Lu-ca 18:12

Dịch đúng: Tôi kiêng ăn hai {bữa trong} ngày Sa-bát. Tôi thu nhập bao nhiêu, tôi nộp một phần mười tất cả.

Dịch sai: Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi.

Người I-sơ-ra-ên thời xưa thường ăn hai bữa trong một ngày [2]. Kiêng ăn hai bữa trong ngày Sa-bát hàm ý kiêng ăn trọn ngày Sa-bát. Người I-sơ-ra-ên thường tránh kiêng ăn trong ngày Sa-bát, vì ngày Sa-bát là một ngày vui mừng, phước hạnh [3]. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, như kiêng ăn để ăn năn tội, thì cũng có thể kiêng ăn trong ngày Sa-bát.

5. Lu-ca 24:1

Dịch đúng: Nhưng ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, lúc sáng sớm, họ đến bên mộ, đem theo những thuốc thơm mà họ đã sửa soạn. {Có} mấy người {khác cùng đến} với họ.

Dịch sai: Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, khi mờ sáng, các người đờn bà ấy lấy thuốc thơm đã sửa soạn đem đến mồ Ngài.

6. Giăng 20:1

Dịch đúng: Nhưng ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, sáng sớm, lúc trời còn tối, Ma-ri Ma-đơ-len đến bên mộ, thấy khối đá {lấp cửa mộ} đã bị dời khỏi mộ.

Dịch sai: Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, lúc rạng đông, trời còn mờ mờ, Ma-ri Ma-đơ-len tới mộ, thấy hòn đá lấp cửa mộ đã dời đi.

7. Giăng 20:19

Dịch đúng: Rồi, vào buổi chiều cùng ngày là ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, những cửa nơi các môn đồ ở đều đang đóng lại, vì sợ dân Do-thái, Đức Chúa Jesus đã đến và đứng chính giữa {các môn đồ} mà phán với họ: Bình an cho các ngươi!

Dịch sai: Buổi chiều nội ngày đó, là ngày thứ nhứt trong tuần lễ, những cửa nơi các môn đồ ở đều đương đóng lại, vì sợ dân Giu-đa, Đức Chúa Jêsus đến đứng chính giữa các môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi!

8. Công Vụ Các Sứ Đồ 20:7

Dịch đúng: Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, {khi} các môn đồ đang nhóm lại để bẻ bánh, Phao-lô đã giảng cho họ. Ông sắp ra đi vào ngày hôm sau nên đã tiếp tục bài giảng cho đến nửa đêm.

Dịch sai: Ngày thứ nhứt trong tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh; Phao-lô phải đi ngày mai, nên người nói chuyện với các môn đồ, và cứ giảng luôn cho đến nữa đêm,

Dựa vào Công Vụ Các Sứ Đồ 20:6 chúng ta có thể hiểu, mệnh đề “ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát” trong câu này có nghĩa là ngày đầu của một tuần lễ theo sau ngày Sa-bát cuối của Lễ Bánh Không Men và ngày Sa-bát cuối tuần. Chúng ta có thể hiểu rằng, các môn đồ đã nhóm hiệp trong ngày Sa-bát và buổi nhóm kéo dài qua khỏi thời điểm của mặt trời lặn, bước qua ngày Thứ Nhất, khi các môn đồ cùng nhau ăn bữa tối.

9. I Cô-rinh-tô 16:2

Dịch đúng: Vào ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, mỗi một người trong các anh chị em hãy tự mình để dành ra bất cứ sự gì thu nhập được, để khi tôi đến thì không {cần} các sự quyên góp.

Dịch sai: Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp.

Tính từ “thứ nhất” (G1520) trong câu này không có mạo từ xác định nên mệnh đề “ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát” trong câu này hàm ý, ngày Thứ Nhất của mỗi ngày Sa-bát, ngày Thứ Nhất của bất kỳ ngày Sa-bát nào.

Sau ngày nghỉ cuối tuần là ngày Thứ Bảy Sa-bát, thì con dân Chúa bắt đầu đi làm trở lại vào ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật. Đa số con dân Chúa thời ấy lao động lãnh lương công nhật, tức là làm ngày nào, lãnh lương ngày nấy. Phao-lô dạy cho con dân Chúa để dành một phần trong sự thu nhập ngay từ ngày đầu tiên đi làm trở lại để quyên góp, tiếp trợ cho những người nghèo. Vì có sự để dành sẵn như vậy, nên khi Phao-lô đến thì không cần phải làm công việc quyên góp.

3 Khi tôi đến, tôi sẽ sai những người mà các anh chị em đã chọn, đem quà của các anh chị em với các lá thư đến thành Giê-ru-sa-lem.

4 Nếu là cần tôi đi, thì họ sẽ đi với tôi.

Khi Phao-lô trở lại thành Cô-rinh-tô thì ông sẽ sai những người do Hội Thánh tại Cô-rinh-tô chọn ra, đại diện cho Hội Thánh, đem số tiền tiếp trợ cùng với thư của Hội Thánh và thư của Phao-lô đến thành Giê-ru-sa-lem, trao lại cho các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem. Nhưng nếu Hội Thánh tại Cô-rinh-tô muốn ông cùng đi thì ông sẽ đi với các người ấy.

5 Tôi sẽ đến với các anh chị em khi tôi ghé qua xứ Ma-xê-đoan, vì tôi phải ghé qua xứ Ma-xê-đoan.

Phao-lô cho biết là ông sẽ ghé qua xứ Ma-xê-đoan trên đường đến Cô-rinh-tô. Lúc Phao-lô viết thư I Cô-rinh-tô thì ông đang ở thành Ê-phê-sô vào mùa đông của năm 56. Có lẽ, Phao-lô dự định sẽ từ Ê-phê-sô đến Phi-líp, rồi đi từ đông sang tây, băng ngang xứ Ma-xê-đoan, xuôi về nam, ghé thăm Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca và tại Bê-rê trong xứ Ma-xê-đoan, trước khi đến với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.

6 Có lẽ tôi sẽ trú lại hoặc cũng ở trọn mùa đông với các anh chị em, để các anh chị em đưa tôi đến nơi tôi muốn đi.

7 Vì tôi sẽ chẳng chỉ gặp các anh chị em trong khi ghé qua lúc này; nhưng tôi mong sẽ ở lại với các anh chị em một thời gian, nếu Chúa cho phép.

Phao-lô dự định sau khi đến thì sẽ ở lại với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô một thời gian, có thể là khoảng 9 tháng. Vì căn cứ vào câu 8 thì khoảng cuối mùa xuân năm 57 ông mới rời Ê-phê-sô. “Ở trọn mùa đông” là ở từ khi Phao-lô sẽ đến Cô-rinh-tô, có thể là vào đầu mùa hè, cho đến hết ba tháng mùa đông. Phao-lô muốn ở lại Cô-rinh-tô một thời gian để tiếp tục gây dựng con dân Chúa tại đó, nếu Chúa cho phép ông ở lại.

Mệnh đề “để các anh chị em đưa tôi đến nơi tôi muốn đi” hàm ý, được Hội Thánh tại Cô-rinh-tô cung cấp phương tiện cho hành trình của ông.

8 Nhưng tôi sẽ ở lại tại thành Ê-phê-sô cho đến Lễ Ngũ Tuần.

9 Vì một cái cửa lớn và có hiệu quả mở ra cho tôi, cũng có nhiều kẻ đối địch.

Trong khi thư I Cô-rinh-tô được viết ra thì Phao-lô đang ở tại Ê-phê-sô và công việc giảng Tin Lành tại đó đang có kết quả tốt, có nhiều người tin nhận, mặc dù Phao-lô cũng gặp sự chống đối của những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo và cả những người theo ngoại giáo (Công Vụ Các Sứ Đồ 19).

“Lễ Ngũ Tuần” nhằm vào ngày thứ 50, kể từ ngày theo sau ngày Sa-bát đầu của Lễ Bánh Không Men, tức ngày 16 tháng Nissan. Vì tháng Nissan (tháng Một) luôn có 30 ngày và tháng Iyyar (Tháng Hai) luôn có 29 ngày nên Lễ Ngũ Tuần luôn rơi vào ngày 6 tháng Sivan (Tháng Ba), tháng cuối của mùa xuân vùng Trung Đông. Nhiều giáo hội đã tính sai ngày Lễ Ngũ Tuần khi họ đếm 50 ngày từ ngày theo sau Thứ Bảy Sa-bát thứ nhất sau Lễ Vượt Qua, nên đối với họ, Lễ Ngũ Tuần luôn rơi vào Chủ Nhật.

“Cái cửa” tiêu biểu cho cơ hội để làm việc lành.

“Có hiệu quả” là làm việc thành công, đạt được ý định.

10 Nếu Ti-mô-thê đến, hãy xem chừng rằng, người ở với các anh chị em không sợ hãi. Vì người làm việc của Chúa cũng như tôi.

11 Vậy, chớ có ai khinh người, nhưng hãy đưa người đi trong sự bình an để người đến với tôi, vì tôi đang đợi người với các anh chị em cùng Cha.

Trong I Cô-rinh-tô 4:17, Phao-lô cho biết, ông đã sai Ti-mô-thê đến Cô-rinh-tô. Giờ đây, Phao-lô nhắc Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đối xử tốt với Ti-mô-thê, vì Ti-mô-thê là người làm việc của Chúa cũng giống như Phao-lô. Ti-mô-thê lúc bấy giờ còn là một thanh niên trẻ tuổi nên có lẽ phần nào e dè trước những trưởng lão lớn tuổi trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Ngoài ra, Hội Thánh tại Cô-rinh-tô lúc ấy có vài người có thế lực, gây ra sự bè đảng trong Hội Thánh, mà Ti-mô-thê được Phao-lô sai đến là để chỉnh đốn Hội Thánh và bác bỏ các sự giảng dạy không đúng Thánh Kinh. Ti-mô-thê cần sự tiếp đón và khích lệ nồng nhiệt từ Hội Thánh tại Cô-rinh-tô để có thể làm tròn nhiệm vụ.

Phao-lô muốn Hội Thánh tại Cô-rinh-tô tôn trọng Ti-mô-thê vì chức vụ của Ti-mô-thê, một sứ đồ của Chúa. Ông cũng yêu cầu Hội Thánh giúp phương tiện cho Ti-mô-thê bình an trở về Ê-phê-sô. Ông và các bạn của ông ở Ê-phê-sô đang chờ Ti-mô-thê để có thêm người, tiếp tục tận dụng cơ hội Chúa ban cho mà rao giảng Tin Lành tại Ê-phê-sô.

12 Về A-bô-lô, người anh em cùng Cha, tôi rất mong người đến cùng các anh chị em với các anh chị em cùng Cha. Nhưng ý của người là không đến vào lúc này; người sẽ đến khi có cơ hội.

A-bô-lô là một nhà truyền giáo, đi đó đây rao giảng Tin Lành, gặp vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin tại thành Ê-phê-sô, được đôi vợ chồng này giãi bày thêm về đường lối của Đức Chúa Trời (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:24-26). Sau đó, A-bô-lô cũng từng đến Cô-rinh-tô giảng dạy tại đó (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:1). Có lẽ bởi đó mà tại Cô-rinh-tô có một số người xưng nhận mình là môn đồ của A-bô-lô, gây ra phe đảng trong Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 1:12; 3:3).

Lần này, Phao-lô đề nghị A-bô-lô và những người cùng đi với A-bô-lô đến giảng dạy cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Nhưng A-bô-lô đã cho Phao-lô biết rằng, chưa đến thời điểm để A-bô-lô đến Cô-rinh-tô.

Trong sự việc này chúng ta có thể hiểu rằng, Phao-lô có ý muốn tốt, muốn điều có ích cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô; nhưng A-bô-lô chưa được sự sai bảo của Chúa nên đã không nhận lời của Phao-lô.

13 Các anh chị em hãy tỉnh thức! Hãy đứng vững trong đức tin! Hãy can đảm! Hãy mạnh mẽ!

Tỉnh thức là lời kêu gọi của Chúa dành cho con dân Chúa trong mọi thời đại. Trước hết, con dân Chúa cần tỉnh thức vì không ai biết khi nào Chúa đến (Ma-thi-ơ 24:42). Kế tiếp, con dân Chúa cần tỉnh thức và cầu nguyện, luôn cảnh giác để không bị rơi vào sự cám dỗ, không bị trúng kế của ma quỷ (Ma-thi-ơ 26:41; I Phi-e-rơ 5:8). Sau cùng, con dân Chúa cần tỉnh thức và luôn cầu nguyện để được tránh khỏi cơn đại nạn trong Kỳ Tận Thế và được đứng trước Chúa (Lu-ca 21:36; Khải Huyền 16:15).

Con dân Chúa cũng cần đứng vững trong đức tin. Đứng vững trong đức tin là tin một cách chắc chắn vào Lời Chúa là Thánh Kinh; biết rằng, mình thuộc về Chúa và Chúa yêu mình trên hết mọi sự; biết rằng Chúa không bao giờ lìa bỏ mình; và bất cứ điều gì xảy đến cho mình cũng đều là sự cho phép của Chúa để mọi sự hiệp lại làm ích lợi cho mình (Rô-ma 8:28).

Con dân Chúa cũng cần can đảm và mạnh mẽ. Sự can đảm là sự không sợ kẻ thù, không ngại nguy hiểm. Sự mạnh mẽ là sự luôn vững vàng trong mọi nghịch cảnh, không sa ngã vào những sự cám dỗ.

14 Mọi việc của các anh chị em hãy được làm trong tình yêu.

“Mọi việc” là không ngoại trừ bất cứ việc gì, cho dù là việc bình thường như ăn và uống. Mọi việc làm của con dân Chúa phải được làm ra trong tình yêu. Tình yêu đối với Chúa khiến cho việc làm nào của con dân Chúa cũng vì sự vinh quang của Chúa (I Cô-rinh-tô 10:31). Tình yêu đối với nhau khiến cho việc làm nào của con dân Chúa cũng vì sự ích lợi cho nhau (I Cô-rinh-tô 10:23-24). Ngay cả những việc làm cho bản thân, cũng chính là làm cho Chúa, vì chúng ta không thuộc về chính mình, nhưng thuộc về Chúa, thân thể của chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 6:19-20). Vì thế, cho dù là ăn, uống, tắm rửa… chúng ta cũng phải làm trong tình yêu đối với Chúa, làm trong sự tôn vinh Chúa.

15 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em: Các anh chị em biết nhà Sê-pha-na là trái đầu mùa của xứ A-chai, và họ tự đặt mình vào trong sự phục vụ các thánh đồ.

16 Vậy, các anh chị em hãy vâng phục những người như vậy, vâng phục mỗi người cùng làm việc và khó nhọc với chúng tôi.

Thành Cô-rinh-tô là thủ phủ của tỉnh A-chai trong đế quốc La-mã. Khi Phao-lô đến tỉnh A-chai và bắt đầu giảng Tin Lành tại Cô-rinh-tô thì gia đình của Sê-pha-na và Ê-bai-nết (Rô-ma 16:5) là những người tin Chúa trong đợt rao giảng đầu tiên. Vì thế, họ được gọi là trái đầu mùa của xứ A-chai.

“Tự đặt mình trong sự phục vụ các thánh đồ” hàm ý, tự nguyện chu cấp, tiếp trợ các nhu cầu thuộc thể cho những con dân Chúa khó nghèo tại Cô-rinh-tô, cho những con dân Chúa ở nơi khác ghé ngang qua Cô-rinh-tô, và cho các sứ đồ.

Chúa ban cho một số con dân Chúa trong Hội Thánh được giàu có về của cải vật chất để họ chăm sóc về vật chất cho những con dân Chúa nghèo khó trong Hội Thánh. Những người như vậy, khi họ hết lòng phục vụ Hội Thánh thì đáng được vâng phục. Phao-lô xem gia đình của Sê-pha-na là những người cùng làm việc khó nhọc với ông và các bạn của ông trong công cuộc xây dựng và gây dựng Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.

Trong mỗi Hội Thánh địa phương, những người được Chúa ban cho giàu có về của cải vật chất mà hết lòng phục vụ những con dân Chúa khó nghèo trong Hội Thánh, dù không mang một chức vụ nào trong Hội Thánh, thì cũng là những người cùng làm việc với các trưởng lão trong Hội Thánh, trong mục vụ chăm sóc và gây dựng Hội Thánh. Họ đáng được con dân Chúa trong Hội Thánh vâng phục.

Động từ “vâng phục” (G5293) có nghĩa là nghe và làm theo ý kiến, lời khuyên, mệnh lệnh của người mình vâng phục.

17 Tôi vui mừng về sự đến của Sê-pha-na, Phốt-tu-na, và A-chai-cơ; vì sự gì thiếu về phần của các anh chị em thì họ sẽ cung cấp.

18 Vì họ sẽ làm tươi mới tâm thần của tôi và của các anh chị em. Vậy, hãy nhận biết những người như vậy.

Có lẽ Sê-pha-na chính là người mang theo lá thư của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đến cho Phao-lô. Chúng ta không biết gì về Phốt-tu-na và A-chai-cơ, nhưng có thể hiểu rằng, họ cũng là con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, cùng đi với Sê-pha-na, đến thăm Phao-lô tại Ê-phê-sô.

“Sự gì thiếu về phần của các anh chị em thì họ sẽ cung cấp”: Có lẽ Phao-lô muốn nói đến sự ba người sẽ cung cấp cho Phao-lô thêm các chi tiết về tình trạng của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô hơn là những gì đã được viết trong thư. Cũng có thể là sự có mặt và thông công của ba người khiến cho Phao-lô được an ủi và thỏa lòng, là điều mà những người khác tại Cô-rinh-tô đã không thể làm trong lúc ấy.

“Vì họ sẽ làm tươi mới tâm thần của tôi và của các anh chị em” có nghĩa là, về phần của Phao-lô, ông được ba người tường thuật đầy đủ và chi tiết về Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, khiến ông thỏa lòng thương nhớ Hội Thánh; còn về phần Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thì họ sẽ được ba người trở về, thuật lại những lời chia sẻ, giảng dạy của Phao-lô mà thư từ không thể diễn đạt hết.

“Vậy, hãy nhận biết những người như vậy” có nghĩa là hãy ghi nhận công lao của họ và nhiệt tình tiếp đón họ, khi họ trở về. Nên nhớ là phương tiện di chuyển thời bấy giờ không thuận tiện như ngày nay. Từ Cô-rinh-tô đến Ê-phê-sô, chặng đường ngắn nhất là đi đường biển, một hải trình trên 700 km. Còn nếu đi đường bộ thì phải ngược lên hướng bắc, ngang qua Ma-xê-đoan, rồi xuôi về nam, một lộ trình khoảng 1.500 km. Hải trình thì có thể gặp sóng gió lớn và hải tặc. Lộ trình thì có thể gặp thú dữ và quân cướp. Sự di chuyển một chặng đường xa như vậy luôn có sự nguy hiểm và khó nhọc.

19 Các Hội Thánh ở xứ A-si chào các anh chị em. A-qui-la và Bê-rít-sin với Hội Thánh trong nhà của họ chào các anh chị em cách nồng nhiệt trong Chúa.

Xứ A-si tức là miền Tiểu Á. Hội Thánh tại Ê-phê-sô là một trong các Hội Thánh tại Tiểu Á. Rất có thể, con dân Chúa trong các Hội Thánh địa phương tại Tiểu Á hay tin con dân Chúa tại Cô-rinh-tô cử người đến thăm Phao-lô thì họ cũng đã đến thông công. Vì thế, khi biết Phao-lô sẽ gửi thư cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thì họ cũng gửi lời chào thăm. Có thể Phao-lô đang ở chung nhà với A-qui-la và Bê-rít-sin, là một trong các điểm nhóm của Hội Thánh tại Ê-phê-sô. Vì thế A-qui-la và Bê-rít-sin cùng với Hội Thánh nhóm trong nhà của họ nồng nhiệt gửi lời chào thăm Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.

20 Hết thảy các anh chị em cùng Cha nơi đây chào các anh chị em. Hãy chào lẫn nhau với nụ hôn thánh.

“Hết thảy các anh chị em cùng Cha nơi đây chào các anh chị em” có nghĩa là toàn thể con dân Chúa trong Hội Thánh tại Ê-phê-sô đều gửi lời chào đến Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.

“Hãy chào lẫn nhau với nụ hôn thánh”: Nụ hôn là dấu hiệu thể hiện tình yêu. Hôn một người là thể hiện tình yêu của mình dành cho người ấy. Nhận nụ hôn của một người là thể hiện mình chấp nhận tình yêu của người ấy. Dân Trung Đông và một phần Châu Âu thời xưa có phong tục hôn hai bên gò má của nhau để thể hiện tình cảm dành cho nhau. Con dân Chúa trong Hội Thánh ban đầu cũng có thói quen hôn lên má nhau như một cách chào khi gặp mặt và khi chia tay.

Chữ “thánh” hàm ý, nụ hôn chào nhau của con dân Chúa là nụ hôn phát xuất từ tình yêu trong Chúa.

Phao-lô khuyên con dân Chúa thời bấy giờ dùng nụ hôn thánh để chào lẫn nhau. Sự chào nhau bằng nụ hôn thánh được nói đến trong Rô-ma 16:16; I Cô-rinh-tô 16:20; II Cô-rinh-tô 13:12; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:26. Còn trong I Phi-e-rơ 5:14 thì Sứ Đồ Phi-e-rơ gọi là nụ hôn yêu thương. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:37 nói đến con dân Chúa ôm hôn Phao-lô và khóc khi ông chia tay với họ tại thành Mi-lê.

Ngày nay, phong tục hôn để chào nhau chỉ còn sót lại trong một số con dân Chúa người Hy-lạp và người thuộc một số dân Trung Đông.

21 Lời chào của tôi, Phao-lô, do chính tay tôi viết.

Phao-lô vì mắt yếu, không nhìn rõ nên thường nhờ người khác viết thư giùm ông. Thường thì cuối thư, Phao-lô tự tay mình viết lời chào và ký tên. Vì kém thị lực, khi viết, Phao-lô phải viết chữ lớn hơn bình thường (Ga-la-ti 6:11).

22 Nếu người nào không yêu Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy phải bị a-na-them! Ma-ra-na-tha! [A-na-them có nghĩa là dứt thông công, đuổi ra khỏi Hội Thánh. Ma-ra-na-tha có nghĩa đen là Chúa của chúng ta đã đến; nghĩa bóng là: Xin Chúa hãy đến và phán xét.]

Người không yêu Đức Chúa Jesus Christ là người nhận mình là môn đồ của Chúa mà lại có nếp sống thù nghịch thập tự giá (Phi-líp 3:18). Họ là những người hoặc là kiêu ngạo, gây ra phe đảng trong Hội Thánh, không vâng phục các trưởng lão; hoặc là tự ái không đúng, khi có lỗi thì không chịu nhận lỗi, xin lỗi; hoặc là thiếu tình yêu thương đối với anh chị em cùng Cha, không sẵn lòng cứu giúp; hoặc là cứ cố tình phạm tội để thỏa mãn những ham muốn bất chính của xác thịt…

Những người như vậy đáng bị dứt thông công, đuổi ra khỏi Hội Thánh, để không tác hại đến Hội Thánh; vì một chút men làm dậy cả đống bột (I Cô-rinh-tô 5:6; 12-13). Những người như vậy thì đáng chịu sự phán xét công chính của Chúa, khi Chúa đến.

Ngày Chúa phán xét toàn thế gian là Kỳ Tận Thế. Ngày Chúa phán xét Hội Thánh là ngày Chúa đến giữa chốn không trung, ban thưởng cho những người đẹp lòng Ngài và đem họ vào thiên đàng. Thân thể xác thịt của những người chết sẽ được sống lại. Thân thể xác thịt của những người đang sống sẽ được biến hóa.

Những người mang danh là môn đồ của Chúa nhưng sống không đẹp lòng Chúa cùng những người đã bị Hội Thánh dứt thông công, nếu đã chết thì thân thể xác thịt không được sống lại trong ngày Chúa đến, nếu đang sống thì sẽ bị bỏ lại, chịu khổ trong Kỳ Tận Thế. Những người bị bỏ lại rất có thể sẽ không thể ăn năn trong Kỳ Tận Thế vì các lý do sau:

1. Nếu đã không thể chịu khổ vì danh Chúa để sống đẹp lòng Chúa trong lúc này thì làm sao có thể chịu khổ vì danh Chúa để sống đẹp lòng Chúa trong Kỳ Tận Thế?

2. Hê-bơ-rơ 10:26-27 cho biết, người cố ý không ăn năn sẽ không có cơ hội được cứu rỗi.

3. Người đã bị Chúa mửa ra thì Ngài không thể nhận lại (Khải Huyền 3:16).

Những người như vậy, bao gồm những người đã bị Hội Thánh dứt thông công, nếu không ăn năn trước khi chết hoặc trước ngày Chúa đến thì sẽ mất sự cứu rỗi.

23 Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ ở với các anh chị em!

Ân điển của Đức Chúa Jesus Christ là mọi ơn do Đức Chúa Jesus Christ ban cho con dân của Ngài. Trong đó có ơn chết thay để chuộc tội; ơn chữa lành mọi bệnh tật; ơn ban cho sức mới để có thể làm được mọi sự; ơn ban cho sự sống lại và sự sống đời đời; ơn ban cho quyền đồng trị với Ngài trong Vương Quốc Trời…

24 Tình yêu của tôi ở với hết thảy các anh chị em trong Đấng Christ Jesus. A-men! [Thư này được viết tại Ê-phê-sô, có lẽ do Sê-pha-na, Phốt-tu-na, A-chai-cơ, hoặc Sốt-then chép.]

Tình yêu của Phao-lô là tình yêu của ông đối với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Phao-lô muốn nói rằng, ông yêu mỗi một con dân Chúa tại Cô-rinh-tô và tình yêu của ông dành cho họ là tình yêu ở trong Đấng Christ, tức là Phao-lô yêu họ như Đấng Christ yêu ông.

A-men ở cuối câu có nghĩa là đúng như vậy, thật như vậy, hoặc xin cho được như vậy nếu ở cuối một lời cầu xin.

Có nhiều bản dịch ghi chú là thư I Cô-rinh-tô được viết từ thành Phi-líp nhưng các chi tiết trong thư lại cho thấy là thư được viết từ thành Ê-phê-sô. Vì thị lực kém nên Phao-lô thường nhờ người khác viết thư giùm ông, ghi lại những gì ông đọc ra cho họ viết. Thư I Cô-rinh-tô có thể do một trong ba người từ Cô-rinh-tô đến gặp Phao-lô là Sê-pha-na, Phốt-tu-na, và A-chai-cơ viết hoặc cùng nhau thay phiên viết. Nhưng cũng có thể là do Sốt-then viết (I Cô-rinh-tô 1:1-2).

Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta thư I Cô-rinh-tô. Vì qua đó, chúng ta học biết được nhiều lẽ thật và nếp sống đẹp lòng Chúa, biết cách giải quyết một số vấn đề trong Hội Thánh. Chúng ta lại học biết phần nào lịch sử của Hội Thánh lúc ban đầu, biết tâm tình của Phao-lô đối với con dân Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/07/2020

Ghi Chú

[1] http://torahtimes.org/commentary/refuted.htm

[2] https://www.jewishvirtuallibrary.org/eating-in-historical-jerusalem

[3] https://www.jewishvirtuallibrary.org/fasting-and-fast-days

Karaoke Thánh Ca: “Chúa Cùng Tôi Sẽ Mãi Hoài Bên Nhau”
https://karaokethanhca.net/chua-cung-toi-se-mai-hoai-ben-nhau/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây:
https://christ.thanhkinhvietngu.net