Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL012 Thiên Sứ Báo Tin cho Các Người Chăn…

651 views

YouTube: https://youtu.be/g21-gSXlh2M

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL012 Thiên Sứ Báo Tin cho Các Người Chăn
về Sự Ra Đời của Đức Chúa Jesus
Lu-ca 2:8-20

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 2:8-20

8 Cũng trong miền đó, đã có mấy người chăn đang trú ngoài đồng. Họ đang canh gác trong phiên canh đêm về bầy của họ.

9 Kìa! Thiên sứ của Chúa đã đến trên họ, và sự vinh quang của Chúa chiếu sáng chung quanh họ. Họ đã rất sợ hãi.

10 Thiên sứ đã phán với họ: Đừng sợ! Vì này, ta báo cho các ngươi Tin Lành của một sự vui mừng lớn; sự vui mừng ấy sẽ là cho muôn dân.

11 Vì hôm nay, tại thành Đa-vít đã sinh ra cho các ngươi một Đấng Cứu Rỗi. Đấng ấy là Christ, là Chúa.

12 Này là dấu hiệu cho các ngươi: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ được quấn khăn, nằm trong máng cỏ.

13 Bỗng, đã xảy ra, cùng với thiên sứ đó đám đông thiên binh đã tôn vinh Đức Chúa Trời, rằng:

14 Sự vinh quang thuộc về Thiên Chúa trong các nơi rất cao và trên đất. Sự bình an, vui thỏa trong loài người.

15 Đã xảy ra, khi các thiên sứ đã lìa khỏi họ, lên trời, các người ấy, các người chăn, đã nói với nhau rằng: Chúng ta hãy đi đến Bết-lê-hem ngay để xem lời phán này đã xảy ra, mà Chúa đã cho chúng ta biết.

16 Họ đã vội vàng đi đến đó. Họ đã tìm gặp Ma-ri, Giô-sép, và con trẻ đang nằm trong máng cỏ.

17 Khi họ đã thấy, họ đã quảng bá về lời đã nói cho họ về con trẻ đó.

18 Hết thảy những người đã nghe đều lấy làm lạ về những lời được nói cho họ bởi các người chăn.

19 Còn Ma-ri thì đã ghi nhớ mọi lời ấy, suy nghĩ trong lòng nàng.

20 Các người chăn đã trở về, tôn vinh và ca tụng Đức Chúa Trời về mọi điều mà họ đã nghe và thấy, y như đã bảo cho họ.

Có lẽ mỗi chúng ta đều cảm thấy rất quen thuộc với những đoạn phim và những hình ảnh minh họa sự ra đời của Đức Chúa Jesus. Có mấy nét chung được thể hiện trong những minh họa đó:

  • Trong một hang đá, Đức Chúa Jesus được quấn khăn, đặt nằm trong một máng cỏ.

  • Giô-sép và Ma-ri ở bên cạnh máng cỏ.

  • Chung quanh, có mấy người chăn và một vài con chiên. Có khi, có người chăn bồng theo một con chiên con.

  • Có khi, có cả ba nhà thông thái đang quỳ dâng lễ vật cho Đức Chúa Jesus.

Trong thực tế thì các người chăn đã tìm đến ra mắt Đức Chúa Jesus ngay trong đêm Ngài được sinh ra. Nhưng sự các nhà thông thái tìm đến thờ phượng Đức Chúa Jesus đã xảy ra khoảng hai năm sau khi Đức Chúa Jesus ra đời. Thánh Kinh chỉ ghi lại “có mấy nhà thông thái” chứ không ghi là có ba nhà thông thái. Có lẽ, chúng ta nên cẩn thận đọc lại những gì đã được ghi chép trong Thánh Kinh về sự ra đời của Đức Chúa Jesus; và xóa khỏi tâm trí của chúng ta những điểm không đúng với Thánh Kinh đã được nhồi nhét bởi các giáo hội.

8 Cũng trong miền đó, đã có mấy người chăn đang trú ngoài đồng. Họ đang canh gác trong phiên canh đêm về bầy của họ.

Trong miền đó” là trong vùng đất chung quanh và bao gồm chỗ Đức Chúa Jesus được sinh ra, ở về phía nam của thành Giê-ru-sa-lem. Đó là vùng đất bao gồm thành Bết-lê-hem và các đồng ruộng chung quanh Bết-lê-hem.

Danh từ “người chăn” (G4166) được dùng trong Thánh Kinh để gọi người làm công việc chăn nuôi các bầy gia súc.

Từ ngữ “trú ngoài đồng” (G63) được dùng để chỉ sự sống lộ thiên, không dùng đến lều trại, cho dù là ngày hay đêm, trên những cánh đồng được canh tác, không phải trên những cánh đồng hoang. Những cánh đồng được canh tác thường nằm chung quanh các thành. Chi tiết này hàm ý các điều sau đây:

  • Thời điểm ấy không thể vào mùa xuân hay mùa hạ, khi nông sản chưa được thu hoạch và những bầy gia súc không được cho vào đồng, vì chúng sẽ ăn các nông sản.

  • Thời điểm ấy cũng không thể vào mùa đông. Vì tiết trời sẽ quá lạnh để những người chăn và những bầy gia súc có thể ngủ ngoài trời.

  • Thời điểm ấy là vào mùa thu, sau kỳ gặt hái nông sản lần thứ nhì và sau khi những người nghèo đã vào đồng mót lúa. Khi đó, chủ đất cho phép gia súc vào đồng để ăn cỏ và rạ. Rạ là phần gốc của các loại lúa còn lại trên đồng, sau khi phần ngọn với các hạt lúa đã được thu hoạch.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:13-17 cho chúng ta biết, sau khi dân I-sơ-ra-ên thu hoạch các loại lúa và nho vào mùa thu thì họ sẽ tổ chức Lễ Lều Trại. Lễ Lều Trại nhằm ngày 15 tới ngày 21 tháng Bảy, theo Lịch Thánh Kinh, với ngày 15 và ngày sau lễ là ngày 22 đều là ngày Sa-bát. Lễ Lều Trại rơi vào khoảng thời gian từ giữa tháng Chín cho tới giữa tháng Mười của Tây Lịch.

Danh từ “bầy” được dùng trong câu này có hình thức số ít; nghĩa của nó là một bầy gia súc, bao gồm cả chiên, dê, và bò.

Theo một số nhà giải kinh thì các người chăn được thiên sứ báo tin về sự ra đời của Đức Chúa Jesus thuộc về nhóm người chăn chuyên giữ việc chăn một bầy bao gồm chiên, dê, và bò dành riêng để cung cấp sinh tế cho Đền Thờ. Bầy gia súc này được chăn nuôi trên các cánh đồng ở về phía nam của thành Giê-ru-sa-lem, cách thành chừng vài km, vào khoảng giữa chặng đường từ Bết-lê-hem đến Giê-ru-sa-lem.

9 Kìa! Thiên sứ của Chúa đã đến trên họ, và sự vinh quang của Chúa chiếu sáng chung quanh họ. Họ đã rất sợ hãi.

Thiên sứ của Chúa đã xuất hiện với các người chăn trong khi họ đang canh giữ bầy của họ ngoài đồng, vào lúc ban đêm. Cùng với sự xuất hiện của thiên sứ là sự vinh quang của Chúa đã chiếu sáng chung quanh các người chăn.

Chúng ta thường thấy, trong các hình và phim minh họa sự kiện thiên sứ báo tin cho các người chăn, thiên sứ từ trên khoảng không, phán xuống với các người chăn; và có luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống, trên các người chăn. Nhưng thật ra thiên sứ hiện ra với các người chăn từ trên khoảng không hay hiện ra, đứng trước họ, trên đất thì Thánh Kinh không nói đến.

Sự vinh quang chiếu sáng chung quanh các người chăn là sự vinh quang của Thiên Chúa, không phải sự vinh quang của thiên sứ. Rất có thể, đây là một luồng ánh sáng rực rỡ từ trời chiếu xuống, tương tự như sự kiện đã xảy ra cho Sau-lơ, lúc ông đang trên đường đi đến Đa-mách để bách hại Hội Thánh.

Sự xuất hiện bất ngờ của thiên sứ cùng với sự vinh quang của Thiên Chúa chiếu sáng chung quanh các người chăn đã khiến cho họ sợ hãi.

10 Thiên sứ đã phán với họ: Đừng sợ! Vì này, ta báo cho các ngươi Tin Lành của một sự vui mừng lớn; sự vui mừng ấy sẽ là cho muôn dân.

Thiên sứ đã trấn an các người chăn và thông báo mục đích sự xuất hiện của thiên sứ.

Đừng sợ” là lời phán điển hình của Chúa và của các thiên sứ do Chúa sai đến với loài người. Sự sợ hãi đã theo tội lỗi vào trong thế gian. Loài người sợ hãi vì biết rõ, tự mình ít khi có thể chống lại những sự dữ, những sự ác, những người dữ, những người ác. Những sự dữ là những điều đến từ các thiên tai. Những sự ác là những sự phạm tội của loài người. Những người dữ là những người phạm tội để làm hại người khác. Những người ác là những người làm ra các sự phạm tội. Trong mọi sự, nếu chúng ta có đức tin vững chắc nơi Chúa chúng ta sẽ không sợ hãi. Vì chúng ta biết rằng, chính Chúa cho phép những sự ấy đến với chúng ta và Ngài sẽ mở đường cho chúng ta ra khỏi (Rô-ma 8:26; I Cô-rinh-tô 10:13; Hê-bơ-rơ 2:18).

Tin Lành của một sự vui mừng lớn” chính là tin tức tốt lành về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người. Xét về mặt thời gian trong thời Tân Ước thì đây là lần đầu tiên danh từ “Tin Lành” được nói đến; và được nói đến bởi thiên sứ, ngay trong đêm Đức Chúa Jesus được sinh ra trong thế gian. Xin đọc hoặc nghe bài “Tin Lành Là Gì” trên khu mạng timhieuthanhkinh.com để biết chi tiết về ý nghĩa của danh từ Tin Lành [1].

Vì Tin Lành là tin tức tốt lành về sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho loài người nên đương nhiên đó là tin tức tốt lành của một sự vui mừng lớn. Và sự vui mừng lớn đó là cho tất cả mọi người trong thế gian, trong mọi thời đại. Vì kể từ A-đam cho đến người cuối cùng sẽ được sinh ra trong thời Vương Quốc Ngàn Năm, tất cả đều chỉ có thể được hưởng ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Nhóm chữ “muôn dân” đã làm rõ lẽ thật về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời là cho mọi dân tộc chứ không riêng cho dân I-sơ-ra-ên. Dù sự cứu rỗi đó đến từ dân I-sơ-ra-ên, qua chi phái Giu-đa (Giăng 4:22).

11 Vì hôm nay, tại thành Đa-vít đã sinh ra cho các ngươi một Đấng Cứu Rỗi. Đấng ấy là Christ, là Chúa.

Trạng từ “hôm nay” giúp cho chúng ta hiểu rằng, Đức Chúa Jesus đã được sinh ra không bao lâu trước đó. Một ngày trong Thánh Kinh và trong cách tính của người I-sơ-ra-ên bắt đầu ngay sau khi mặt trời lặn của ngày hiện tại và kéo dài cho tới khi mặt trời lặn vào ngày hôm sau.

Chúng ta không biết Đức Chúa Jesus đã được sinh ra vào khoảng giờ nào trong ngày; nhưng chắc chắn là sau khi mặt trời lặn, kết thúc một ngày cũ và mở ra một ngày mới. Chúng ta cũng không biết thiên sứ đã hiện ra, báo tin cho các người chăn vào khoảng giờ nào, nhưng chắc chắn là ngay trong đêm Đức Chúa Jesus được sinh ra, trước khi mặt trời mọc.

Tại thành Đa-vít” tức là tại thành Bết-lê-hem. Hang đá giữ súc vật của quán trọ bên đường mà Giô-sép và Ma-ri đã tạm dừng chân để Ma-ri sinh con vẫn còn thuộc về phạm vi của thành Bết-lê-hem.

Đã sinh cho các ngươi”, đại danh từ “các ngươi” trong câu này không chỉ riêng về các người chăn nhưng chỉ chung toàn thể loài người.

Danh từ “Đấng Cứu Rỗi” (G4990) được dùng ở đây để chỉ về Đức Chúa Jesus nhưng cũng nói lên thần tính của Ngài. Vì Đấng Cứu Rỗi tối cao chính là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu:

Nhưng Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, là Thiên Chúa của ngươi từ đất Ê-díp-tô. Ngoài Ta, ngươi chớ nhận biết thần khác. Vì không có Đấng Cứu Rỗi nào ngoài Ta.” (Ô-sê 13:4).

Đó cũng chính là ý nghĩa của tên gọi Jesus: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi.

Danh từ “Christ” (G5547) được phiên âm từ danh từ “Mê-si-a” (H4899), có nghĩa là Đấng được xức dầu. Theo nghĩa đen là người được xức dầu để làm tiên tri, thầy tế lễ, hoặc vua trong dân I-sơ-ra-ên. Theo nghĩa bóng là người được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ, thẩm quyền, và năng lực để làm một điều gì đó cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus được gọi là Đấng Christ, bởi vì, Ngài được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ đấng tiên tri, thầy tế lễ, và nhà vua.

Trong chức vụ đấng tiên tri: Đức Chúa Jesus giãi bày Đức Chúa Trời cho nhân loại (Giăng 1:18). Trong chức vụ thầy tế lễ: Đức Chúa Jesus dâng chính mạng sống của mình làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại (Hê-bơ-rơ 7:27) và cầu thay cho những ai tin nhận sự chuộc tội của Ngài (Hê-bơ-rơ 7:25). Trong chức vụ nhà vua: Đức Chúa Jesus là “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” (I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 19:16), cai trị Vương Quốc của Đức Chúa Trời trong lòng người tin Chúa, trong Vương Quốc Ngàn Năm, và trong Vương Quốc Đời Đời.

Danh từ “Chúa” (G2962) có thể dùng để gọi người có quyền trên người khác như dân chúng gọi các bậc cầm quyền của đất nước, như nô lệ và tôi tớ gọi chủ, như vợ gọi chồng. Nhưng khi dùng để gọi Thiên Chúa thì có cùng nghĩa với danh xưng Thiên Chúa. Xin đọc định nghĩa chi tiết về danh từ Thiên Chúa trên khu mạng từ điển của Hội Thánh [2].

12 Này là dấu hiệu cho các ngươi: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ được quấn khăn, nằm trong máng cỏ.

Thông thường, trẻ con sau khi được sinh ra thì được đặt nằm trong nôi hoặc trên giường, nhưng Đức Chúa Jesus đã được đặt nằm trong máng cỏ. Vì Ngài đã không được sinh ra dưới một mái nhà. Ngay từ khi vào đời, Đức Chúa Jesus đã không có chỗ để gối đầu. Về sau, chính Đức Chúa Jesus đã phán với một thầy thông giáo, khi người ấy ngỏ ý, muốn theo Ngài:

…Những con cáo có hang, những chim trời có ổ, nhưng Con Người không có chỗ để gối đầu.” (Ma-thi-ơ 8:20; Lu-ca 9:58).

Tuy nhiên, sự kiện Đức Chúa Jesus được đặt nằm trong máng cỏ lại chính là một dấu hiệu để các người chăn nhận biết Ngài. Đây cũng chính là chi tiết giúp họ hiểu rằng, họ không cần đi khắp thành Bết-lê-hem để tìm Đức Chúa Jesus, mà họ chỉ cần ghé vào các hang, chuồng súc vật của các quán trọ công cộng bên đường.

13 Bỗng, đã xảy ra, cùng với thiên sứ đó đám đông thiên binh đã tôn vinh Đức Chúa Trời, rằng:

14 Sự vinh quang thuộc về Thiên Chúa trong các nơi rất cao và trên đất. Sự bình an, vui thỏa trong loài người.

Danh từ “thiên binh” (G3770 G4756) có nghĩa là quân đội ở trên trời. Danh từ này thường được Thánh Kinh khi thì dùng để gọi các ngôi sao, khi thì dùng để gọi các thiên sứ vâng phục Thiên Chúa. Thánh Kinh cho biết, các ngôi sao trên trời đã được Thiên Chúa ban cho muôn dân trên đất:

Và hãy giữ, kẻo ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến rũ, quỳ xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú này mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi đã phân chia cho muôn dân dưới trời chăng.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19).

Nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, hiện nay, các thiên sứ cũng đang phụ trách việc canh giữ các ngôi sao. Vì thế, các ngôi sao được tiêu biểu cho các thiên sứ. Có lẽ, trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm thì Hội Thánh sẽ đại diện cho muôn dân trên đất để tiếp nhận quyền cai trị các ngôi sao.

Khi thiên sứ vừa dứt lời thông báo cho các người chăn thì bỗng nhiên xuất hiện rất nhiều các thiên sứ khác. Cùng với thiên sứ phụ trách báo tin, họ đã ca hát, tôn vinh Đức Chúa Trời.

Danh từ “đám đông” (G4128) thường được dùng để chỉ một khối lượng rất lớn, khó có thể đếm được.

Câu 14 có thể được dịch thành hai cách khác nhau với ý nghĩa khác nhau, như sau:

Cách thứ nhất: Sự vinh quang thuộc về Thiên Chúa trong các nơi rất cao và trên đất. Sự bình an, vui thỏa trong loài người.

Cách thứ nhì: Sự vinh quang thuộc về Thiên Chúa trong các nơi rất cao; và trên đất, sự bình an, vui thỏa trong loài người.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh không có dấu chấm câu như trong các ngôn ngữ được dùng ngày nay. Xét về ngữ pháp thì cả hai cách dịch trên đây đều đúng, với hai ý nghĩa khác nhau. Nhưng cách dịch thứ nhất thì đúng với văn mạch của Thánh Kinh hơn. Vì sự vinh quang của Thiên Chúa thể hiện trong các tầng trời lẫn trên đất.

Con này kêu cùng con kia rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh quang của Ngài!” (Ê-sai 6:3).

Các nơi rất cao” là các tầng trời, bao gồm thuộc thể lẫn thuộc linh.

Sự bình an, vui thỏa trong loài người” là điều sẽ xảy ra cho bất cứ ai tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời. Bình an vì được tha tội, được làm cho sạch tội, được ở trong tình yêu và ân điển của Thiên Chúa Toàn Năng Toàn Ái. Vui thỏa vì được nhận lãnh dư dật mọi ơn phước từ Thiên Chúa; được thông công và hiệp một mãi mãi với Thiên Chúa.

15 Đã xảy ra, khi các thiên sứ đã lìa khỏi họ, lên trời, các người ấy, các người chăn, đã nói với nhau rằng: Chúng ta hãy đi đến Bết-lê-hem ngay để xem lời phán này đã xảy ra, mà Chúa đã cho chúng ta biết.

Danh từ “thiên sứ” được dùng với số nhiều, xác nhận rằng, danh từ thiên binh trong câu 13 là chỉ về các thiên sứ.

Sau khi các thiên sứ đã rời khỏi, các người chăn đã bàn với nhau rằng, họ cần đi ngay đến Bết-lê-hem để chứng kiến lời mà thiên sứ phán đã xảy ra. Họ hiểu rằng, thành Đa-vít được thiên sứ nói đến chính là thành Bết-lê-hem. Chỗ họ chăn giữ bầy súc vật ở về phía nam thành Giê-ru-sa-lem khoảng chừng vài km. Họ phải đi ngược về hướng nam để đến Bết-lê-hem.

Trong bài trước, chúng ta đã suy diễn rằng, rất có thể Đức Chúa Jesus đã được sinh ra vào ngày thứ nhất của Lễ Lều Trại, năm 7 TCN. Có lẽ nhằm ngày trước khi Lễ Lều Trại bắt đầu thì Giô-sép và Ma-ri đã rời Bết-lê-hem, đến thành Giê-ru-sa-lem để tham dự Lễ Lều Trại. Nhưng sau khi ra khỏi thành Bết-lê-hem không bao lâu thì Ma-ri chuyển bụng, nên họ đã phải dừng lại, tìm nơi tạm trú ở một quán trọ công cộng bên đường. Nơi tạm trú đó có lẽ chỉ cách Bết-lê-hem chừng vài km. Vì không có chỗ cho họ trong quán nên họ đã tạm trú trong một hang đá được dùng làm chuồng súc vật. Sau khi mặt trời lặn, bước sang ngày thứ nhất của Lễ Lều Trại thì Ma-ri đã sinh ra Đức Chúa Jesus.

Như vậy, các người chăn đã phải đi một chặng đường chừng 5 hay 6 km trước khi tìm gặp Đức Chúa Jesus. Chúng ta có thể hiểu rằng, họ đã chỉ dừng lại các hang đá làm chuồng súc vật ở bên đường để tìm một hài nhi mới sinh, được quấn khăn và đặt nằm trong máng cỏ.

16 Họ đã vội vàng đi đến đó. Họ đã tìm gặp Ma-ri, Giô-sép, và con trẻ đang nằm trong máng cỏ.

Vì là sự ra đi vội vàng trong đêm nên chúng ta có thể hiểu rằng, các người chăn sẽ chẳng bồng theo con chiên con nào. Các hang đá được dùng làm chuồng súc vật của các quán trọ cũng không phải là chuồng chiên, mà chỉ là nơi tạm giữ lừa, ngựa, hoặc bò kéo xe của khách đi đường nên cũng chẳng có chiên trong hang.

Động từ “tìm gặp” giúp cho chúng ta hiểu rằng, các người chăn đã thật sự tìm kiếm trong các chuồng súc vật, cho tới khi họ gặp được Ma-ri, Giô-sép, và Đức Chúa Jesus đang nằm trong máng cỏ.

17 Khi họ đã thấy, họ đã quảng bá về lời đã nói cho họ về con trẻ đó.

18 Hết thảy những người đã nghe đều lấy làm lạ về những lời được nói cho họ bởi các người chăn.

Khi họ đã thấy” là đã thấy dấu hiệu mà thiên sứ đã phán bảo họ, để họ nhận biết, con trẻ đang nằm trong máng cỏ chính là Đấng Christ, là Chúa.

Quảng bá” (G1232) có nghĩa là rao truyền cách rộng rãi cho nhiều người biết. Chúng ta có thể hiểu rằng, các người chăn đã thuật lại những gì thiên sứ đã phán với họ cho tất cả những ai đang có mặt tại quán trọ đó. Họ đã trở thành những người đầu tiên rao truyền Tin Lành.

Hết thảy những người đã được nghe Tin Lành từ các người chăn đều lấy làm lạ về những lời rao truyền ấy. Có lẽ những người nghe lấy làm lạ là vì họ biết, Đấng Christ sẽ được sinh ra tại Bết-lê-hem; nhưng họ không thể nào ngờ, Ngài lại được sinh ra trong một nơi nghèo hèn, đơn sơ, là nơi tạm giữ súc vật. Họ lấy làm lạ với các chi tiết về sự thiên sứ đã hiện ra báo tin cho các người chăn, các thiên sứ đã hiện ra tôn vinh Thiên Chúa, mừng Đấng Christ ra đời. Nhưng có lẽ họ đã không tin Tin Lành mà họ đã được nghe. Vì nó nghịch lại sự suy tưởng trong lý trí của họ. Nếu họ tin thì họ đã đến thờ phượng Đấng Christ và Thánh Kinh đã ghi lại.

Mãi cho tới ngày nay, hơn hai ngàn năm sau khi Đức Chúa Jesus được sinh ra, vẫn có nhiều người không tin nhận Tin Lành, khi họ được đọc hoặc nghe về Tin Lành. Vì nó không hợp với sự suy nghĩ trong lý trí của họ. Dù vậy vẫn có hàng chục triệu người tin nhận Tin Lành và đã trả giá cho đức tin của họ bằng chính mạng sống của họ. Ngay lúc này đây, khắp nơi trên thế giới vẫn có nhiều người vì tin nhận Tin Lành mà bị bách hại, tra tấn, nhốt tù, và giết chết.

19 Còn Ma-ri thì đã ghi nhớ mọi lời ấy, suy nghĩ trong lòng nàng.

Ma-ri đã ghi nhớ mọi lời do các người chăn rao truyền và suy nghĩ về chúng. Chắc chắn là Ma-ri đã đối chiếu những gì bà nghe từ các người chăn với những gì bà nghe trực tiếp từ thiên sứ Gáp-ri-ên. Chắc chắn là Ma-ri có nhiều điều để suy nghĩ về việc nuôi dưỡng Đấng Cứu Rỗi của loài người và về mục vụ của Ngài.

Thánh Kinh không nói gì về sự cảm nhận hoặc sự phản ứng của Giô-sép. Nhưng chúng ta có thể tin rằng, Giô-sép đã có sự cảm nhận và sự phản ứng khi nghe lời tường thuật của các người chăn. Chúng ta có thể tin rằng, ông cũng đã đối chiếu lời tường thuật của các người chăn với lời tường thuật của Ma-ri, với chính lời thiên sứ đã phán bảo ông trong giấc mơ. Chắc chắn Giô-sép đã dự phần quan trọng trong việc nuôi dạy Đức Chúa Jesus nhưng Thánh Kinh đã không nói gì thêm về ông, sau sự kiện ông cùng Ma-ri đem Đức Chúa Jesus đến Đền Thờ, vào năm Ngài tròn 12 tuổi.

20 Các người chăn đã trở về, tôn vinh và ca tụng Đức Chúa Trời về mọi điều mà họ đã nghe và thấy, y như đã bảo cho họ.

Sau khi tìm gặp Đức Chúa Jesus và rao truyền Tin Lành cho những người có mặt tại quán trọ, các người chăn đã quay về với bầy chiên của họ. Họ đã tôn vinh và ca tụng Đức Chúa Trời, vì họ đã được Ngài ban cho cơ hội ra mắt, thờ phượng Đấng Cứu Rỗi, ngay trong đêm Ngài được sinh ra. Họ đã trở thành các chứng nhân cho sự ra đời của Đấng Cứu Rỗi. Họ đã trở thành các người rao truyền Tin Lành đầu tiên. Trong thân phận người chăn, họ đã được ra mắt Chiên Con của Đức Chúa Trời.

Có lẽ họ đã thức cho tới sáng, cùng nhau thổi sáo và hát các bài thi thiên để tôn vinh và ca tụng Đức Chúa Trời. Có lẽ họ đã tiếp tục rao truyền Tin Lành cho bất cứ ai mà họ gặp được trong suốt phần đời còn lại của họ. Phần lớn những người chăn chiên ở trong lứa tuổi thiếu niên. Có lẽ khoảng 30 năm sau đó, họ vẫn còn sống, đã được nghe Đức Chúa Jesus rao giảng, và đã trở thành môn đồ của Ngài.

Sự kiện thiên sứ chỉ báo tin Đức Chúa Jesus ra đời cho mấy người chăn hàm ý, Tin Lành của Đức Chúa Trời đã được rao truyền trước tiên cho những người thấp hèn trong xã hội. Đồng thời thể hiện sự Đức Chúa Trời đã chọn những người dại của thế gian để làm hổ thẹn những người khôn sáng; chọn những người yếu của thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh; chọn những người hèn hạ của thế gian, những người bị khinh chê, cùng những người không có gì để làm cho những người có mọi sự ra không có; để chẳng xác thịt nào khoe mình trước sự hiện diện của Ngài; như về sau, Sứ Đồ Phao-lô đã bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh mà viết cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 1:27-29).

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/11/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/tin-lanh

[2] https://thewordtoyou.net/dictionary

Karaoke Thánh Ca: “Tin Vui Giữa Cuộc Đời”
https://karaokethanhca.net/tin-vui-giua-cuoc-doi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.