Chú Giải II Cô-rinh-tô 08:01-15 Lòng Rộng Rãi của Con Dân Chúa tại Ma-xê-đoan

3,200 views

YouTube: https://youtu.be/lCtHrE-TcXE

Chú Giải II Cô-rinh-tô 8:1-15
Lòng Rộng Rãi của Con Dân Chúa tại Ma-xê-đoan

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 8:1-15

1 Nhưng, hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng tôi làm cho các anh chị em biết ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho trong các Hội Thánh của Ma-xê-đoan.

2 Ấy là trong cơn thử thách lớn của sự khốn khó, thì sự dư dật vui mừng của họ và cơn vô cùng nghèo khó của họ đã thêm lên cho sự giàu có của lòng hào phóng của họ.

3 Vì tôi làm chứng rằng, họ đã tự ý quyên tiền theo sức và quá sức.

4 Họ yêu cầu chúng tôi với nhiều sự nài xin, để việc lành và sự thông công của mục vụ đối với các thánh đồ được chúng tôi tiếp nhận.

5 Và không như chúng tôi đã mong đợi, mà trước hết, họ đã dâng chính họ lên Chúa, rồi cho chúng tôi, theo ý muốn của Thiên Chúa.

6 Chúng tôi đã khuyên Tít rằng, như người đã khởi sự thì người cũng sẽ kết thúc đối với các anh chị em cùng một việc lành ấy.

7 Vậy, như các anh chị em đều trội hơn trong mọi sự: đức tin, lời nói, sự hiểu biết, mọi sự sốt sắng, và tình yêu của các anh chị em trong chúng tôi, thì các anh chị em cũng hãy trội hơn trong việc lành này.

8 Tôi nói chẳng phải theo mệnh lệnh nhưng bởi sự sốt sắng của những người khác và để chứng minh sự thành thực của tình yêu của các anh chị em.

9 Vì các anh chị em biết ân điển của Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta. Rằng Ngài vốn là giàu có nhưng bởi các anh chị em đã trở nên nghèo, để cho các anh chị em bởi Ngài được trở nên giàu có.

10 Trong sự ấy, tôi góp ý kiến này để giúp ích các anh chị em, những người bắt đầu không chỉ làm mà cũng sẵn lòng từ năm trước.

11 Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng hãy làm trọn việc đã làm, để cho như sự sốt sắng của sự sẵn lòng thế nào thì sự làm trọn từ sự có của các anh chị em cũng như thế ấy.

12 Vì nếu sự sẵn sàng có đó thì một người được vui nhận theo sự người ấy có, chẳng phải theo sự người ấy không có.

13 Vì chẳng phải tôi muốn rằng, những người khác thì thảnh thơi còn các anh chị em thì khốn khó, nhưng bởi sự bằng nhau. Trong thời điểm hiện tại, sự dư dật của các anh chị em giúp cho sự túng thiếu của họ;

14 để cho sự dư dật của họ cũng là giúp cho sự túng thiếu của các anh chị em. Đó là sự bằng nhau.

15 Theo như đã được chép: Người có nhiều chẳng thêm lên và người có ít chẳng thiếu hụt. [Xuất Ê-díp-tô Ký 16:18]

Các định nghĩa từ ngữ trong bài này là theo ý nghĩa trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp của Thánh Kinh [1].

Lòng rộng rãi hay sự hào phóng, là tình cảm yêu thương, cứu giúp, dung thứ lớn đối với mọi người. Trong tiếng Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, lòng rộng rãi là một danh từ kép có nghĩa đen là sự rộng lớn của trái tim, bao gồm danh từ trái tim (H3820) và danh từ sự rộng lớn (H7341), được dùng một lần để nói về Vua Sa-lô-môn:

“Thiên Chúa đã ban cho Sa-lô-môn sự khôn sáng và sự thông hiểu rất cao, cùng lòng rộng rãi như cát trên bờ biển.” (I Các Vua 4:29).

Tục ngữ “như cát trên bờ biển” vừa nói đến số lượng nhiều vô cùng, vừa nói đến sức chứa lớn vô cùng.

Trong tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh, lòng rộng rãi là một danh từ được dùng năm lần để chỉ sự đơn sơ, chân thật; và được dùng ba lần để chỉ sự hào phóng (G0572).

Lòng rộng rãi là một trong các đặc tính của một người được dựng nên mới trong Đấng Christ. Lòng rộng rãi xuất phát từ tình yêu chân thật của Thiên Chúa đổ đầy trong người được dựng nên mới. Nhờ có tình yêu của Thiên Chúa mà một người có thể yêu người lân cận như chính mình, yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình, và yêu Thiên Chúa trên mọi sự. Lòng rộng rãi khiến cho một người quan tâm đến người khác hơn chính mình, sẵn sàng hy sinh để cứu giúp người cần được cứu.

Trong bài này, chúng ta học về lòng rộng rãi của con dân Chúa tại Ma-xê-đoan, nhưng đó cũng chính là lòng rộng rãi vẫn có của mọi con dân chân thật của Thiên Chúa.

1 Nhưng, hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng tôi làm cho các anh chị em biết ân điển của Đức Chúa Trời đã ban cho trong các Hội Thánh của Ma-xê-đoan.

Một lần nữa, Phao-lô gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô bằng tiếng gọi quen thuộc: “các anh chị em cùng Cha”.

Phao-lô và các bạn của ông làm cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô biết về một ân điển hay một phước lành Đức Chúa Trời đã ban cho con dân Chúa trong các Hội Thánh tại xứ Ma-xê-đoan. Làm cho biết bằng cách nói thật rõ và chi tiết trong tư cách của một nhân chứng.

Các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan thời ấy bao gồm: Hội Thánh tại thành Phi-líp, Hội Thánh tại thành Tê-sa-lô-ni-ca, và Hội Thánh tại thành Bê-rê.

Ân điển của Đức Chúa Trời ban cho các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan được nói đến ở đây là cơ hội để họ làm việc lành, như được nói tiếp trong câu 2 và 3.

2 Ấy là trong cơn thử thách lớn của sự khốn khó, thì sự dư dật vui mừng của họ và cơn vô cùng nghèo khó của họ đã thêm lên cho sự giàu có của lòng hào phóng của họ.

“Cơn thử thách lớn của sự khốn khó” có lẽ là sự bách hại từ những người theo ngoại giáo và từ những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo, như đã ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 16 và 17.

Qua câu này chúng ta biết, con dân Chúa tại Ma-xê-đoan vốn không phải là những người giàu có về tiền bạc, vật chất. Nhóm chữ “vô cùng nghèo khó” nói đến tình trạng rất nghèo về thuộc thể của họ. Dĩ nhiên, giữa những con dân Chúa trong các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan có một số người giàu có về vật chất, như bà Ly-đi tại thành Phi-líp. Nhưng phần lớn con dân Chúa có lẽ đều là những người làm thuê, làm mướn, lãnh lương công nhật. Ngày nào có người thuê mướn làm việc thì có thu nhập, ngày nào không có việc làm thì không có thu nhập. Tuy nhiên, với nếp sống mới trong Đấng Christ, họ có sự bình an và vui mừng, có sự quan phòng của Đức Chúa Trời.

Chắc chắn đúng theo lời hứa được ghi lại trong Ma-thi-ơ 6:25-34, Chúa sẽ ban cho họ có đủ những nhu cầu thuộc thể trong đời sống của họ. Nhưng trước hết, Đức Chúa Trời ban cho họ cơ hội làm lành trong hoàn cảnh vô cùng nghèo của họ. Chính khi họ đang ở trong sự thiếu nghèo mà họ vui lòng quyên góp tiền bạc để cứu giúp người khác, là họ thể hiện tình yêu của Thiên Chúa trong họ thành hành động. Đó là yêu người khác như chính mình và yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình.

3 Vì tôi làm chứng rằng, họ đã tự ý quyên tiền theo sức và quá sức.

Phao-lô nhận làm nhân chứng cho con dân Chúa tại Ma-xê-đoan về lòng rộng rãi của họ; vì ông tận mắt chứng kiến hoàn cảnh sống và sự quyên góp của họ. Đây là trường hợp con dân Chúa trong các Hội Thánh địa phương tại Ma-xê-đoan quyên góp tiền để tiếp trợ cho con dân Chúa tại xứ Giu-đê đang trải qua cơn đói kém lớn.

Sự tự ý quyên tiền của con dân Chúa tại Ma-xê-đoan không có nghĩa là họ làm theo ý riêng, mà là họ làm theo sự Chúa cảm động trong lòng họ, như Lời Chúa đã dạy:

“Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để các anh chị em vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Quyên tiền theo sức hàm ý, sự quyên góp ở mức độ vẫn có đủ tiền để trang trải các nhu cầu trong gia đình. Quyên tiền quá sức hàm ý, sự quyên góp ở mức độ hy sinh phần nào các nhu cầu của gia đình. Thí dụ, mỗi ngày nhịn bớt một bữa ăn để có tiền quyên góp tiếp trợ người không có ăn. Sự quyên tiền quá sức không bao giờ có nghĩa là đi vay nợ để quyên góp. Lời Chúa dạy rõ, đừng mắc nợ ai điều gì (Rô-ma 13:8).

Khi suy ngẫm về sự quyên tiền theo sức và quá sức của con dân Chúa tại Ma-xê-đoan, chúng tôi nghĩ rằng:

  • Có thể những người dư ăn một chút đã quyên góp số tiền dành dụm của họ cho việc cứu đói. Đó là sự quyên góp theo khả năng của họ.
  • Có thể những người thiếu ăn hay chỉ đủ ăn, không có tiền để quyên góp đã chịu nhịn ăn phần nào để có tiền quyên góp. Đó là sự quyên góp quá khả năng của họ.

Và họ đã vui mừng, sốt sắng quyên góp. Chính vì thế mà Phao-lô đã viết: “sự dư dật vui mừng của họ và cơn vô cùng nghèo khó của họ đã thêm lên cho sự giàu có của lòng hào phóng của họ”.

Chúng ta cần học tập gương của con dân Chúa tại Ma-xê-đoan về sự quyên góp để tiếp trợ cho các anh chị em cùng Cha có nhu cầu. Quyên góp với lòng vui mừng dư dật. Quyên góp theo sức. Thậm chí quyên góp quá sức, cho dù đang ở trong cơn thử thách lớn của sự khốn khó. Chúng ta cũng cần đối chiếu phân đoạn Thánh Kinh này với Ma-thi-ơ 25:31-46, để chúng ta hiểu rằng, việc lành tiếp trợ các anh chị em cùng Cha là điều mà Chúa muốn cho chúng ta vui mừng mà làm. Nếu chúng ta không làm trọn thì Chúa sẽ phán xét chúng ta.

4 Họ yêu cầu chúng tôi với nhiều sự nài xin, để việc lành và sự thông công của mục vụ đối với các thánh đồ được chúng tôi tiếp nhận.

“Nhiều sự nài xin” có nghĩa là nài xin nhiều lần hoặc do nhiều người nài xin.

Chẳng những con dân Chúa tại Ma-xê-đoan dư dật vui mừng, quyên góp theo sức và quá sức, mà họ còn nhiều lần nài xin Phao-lô và các bạn của ông hãy tiếp nhận sự quyên góp của họ. Sự quyên góp của họ là một việc lành, và chắc chắn là việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn từ trước cho họ (Ê-phê-sô 2:10).

Sự quyên góp đó cũng tỏ ra, họ thông công với con dân Chúa tại xứ Giu-đê qua sự đồng cảm và tiếp trợ. Nhóm chữ “sự thông công của mục vụ đối với các thánh đồ” có nghĩa là con dân Chúa quan hệ với nhau, kết nối với nhau trong cuộc sống và trong sự phụng sự Chúa. Tức là con dân Chúa thăm viếng lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau, tiếp trợ lẫn nhau, cùng nhau nhóm hiệp thờ phượng Chúa, cùng nhau hầu việc Chúa, cùng nhau học Lời Chúa, cùng nhau ăn uống, trò chuyện, vui chơi trong danh Chúa.

Dù có thể nhiều người trong các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan chưa hề biết mặt con dân Chúa tại Giu-đê, nhưng lòng sốt sắng tiếp trợ của họ khi nghe tin con dân Chúa tại Giu-đê đang trải qua cơn đói kém đã khiến cho họ thật sự có mối thông công với con dân Chúa tại Giu-đê.

5 Và không như chúng tôi đã mong đợi, mà trước hết, họ đã dâng chính họ lên Chúa, rồi cho chúng tôi, theo ý muốn của Thiên Chúa.

Có lẽ Phao-lô và các bạn của ông đã nghĩ rằng, sự quyên góp của con dân Chúa tại Ma-xê-đoan, những người thiếu nghèo và đang sống trong cơn thử thách lớn của sự khốn khó, sẽ không là bao nhiêu. Nhưng họ đã làm cho Phao-lô và các bạn của ông ngạc nhiên. Vì trên hết mọi sự, họ đã dâng hiến chính mình họ lên Chúa. Dâng hiến chính mình họ lên Chúa có nghĩa là dâng hiến mọi sự họ sở hữu vào trong tay Chúa. Và khi họ đã dâng hiến lên Chúa như vậy thì Chúa sẽ thần cảm họ quyên góp cách hào phóng, để cứu giúp những con dân Chúa đang trải qua cơn đói kém trong xứ Giu-đê.

Sau khi dâng hiến chính mình lên Chúa, con dân Chúa tại Ma-xê-đoan đã dâng hiến họ cho Phao-lô và các bạn của ông. Điều này có nghĩa là họ hoàn toàn tin cậy, vâng phục Phao-lô và các bạn của ông. Họ phó thác sự quyên góp của họ trong tay Phao-lô và các bạn của ông, để tùy ý Phao-lô và các bạn của ông tổ chức phân phát.

Đức Thánh Linh qua Phao-lô, khẳng định rằng, sự con dân Chúa dâng chính mình lên Chúa và dâng chính mình cho những người chăn dắt, dạy dỗ họ là điều đẹp lòng Thiên Chúa.

6 Chúng tôi đã khuyên Tít rằng, như người đã khởi sự thì người cũng sẽ kết thúc đối với các anh chị em cùng một việc lành ấy.

Tít đã được Phao-lô và các bạn của Phao-lô giao phó cho việc đến Cô-rinh-tô, kêu gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô dự phần quyên góp để cứu đói con dân Chúa tại Giu-đê. Vì thế, Phao-lô khuyên Tít trở lại Cô-rinh-tô để thu thập sự quyên góp, trước khi Phao-lô và các bạn của Phao-lô đến Cô-rinh-tô. Trong chuyến đi đó, Tít đã cầm theo thư II Cô-rinh-tô.

7 Vậy, như các anh chị em đều trội hơn trong mọi sự: đức tin, lời nói, sự hiểu biết, mọi sự sốt sắng, và tình yêu của các anh chị em trong chúng tôi, thì các anh chị em cũng hãy trội hơn trong việc lành này.

Phao-lô khẳng định rằng, con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đều thể hiện cách xuất sắc về các phương diện trong đời sống của con dân Chúa:

  • Sự trội hơn về đức tin là sự giữ vững đức tin nơi Chúa và sống theo sự giảng dạy của những người Chúa đặt để chăn dắt, dạy dỗ họ.
  • Sự trội hơn về lời nói là sự dùng ngôn ngữ mới mà nói, ngôn ngữ của tình yêu và thánh khiết. Không còn nói những lời dối trá, thô lỗ, tục tĩu, giận dỗi, thù hằn, độc ác… nhưng nói những lời chân thật, yêu thương, dịu dàng, khích lệ, an ủi, tha thứ, và giãi bày về Thiên Chúa.
  • Sự trội hơn về sự hiểu biết là có sự thông hiểu về Lời Chúa ngày càng hơn; biết cách áp dụng Lời Chúa vào từng cảnh ngộ trong cuộc sống.
  • Sự trội hơn về lòng sốt sắng trong mọi sự là bất cứ làm việc gì cũng vì sự vinh quang của Thiên Chúa; và hết lòng mà làm như làm cho Chúa.
  • Sự trội hơn về tình yêu của họ đối với Phao-lô và các bạn của ông là họ luôn yêu quý, biết ơn, và vâng phục những người chăn dắt, dạy dỗ họ.

Vì thế, Phao-lô mong rằng, họ cũng sẽ thể hiện xuất sắc trong việc quyên góp để tiếp trợ cho con dân Chúa tại Giu-đê.

Một số người cho rằng, Phao-lô là người giỏi tâm lý. Điển hình là trong trường hợp này, Phao-lô vừa đem lòng rộng rãi của con dân Chúa tại Ma-xê-đoan ra để nói khích con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, vừa khen con dân Chúa tại Cô-rinh-tô trội hơn trong mọi sự, để họ bị khích động mà quyên góp nhiều tiền. Nói như vậy là sai. Thứ nhất, Phao-lô hay bất cứ con dân chân thật nào của Chúa sẽ không bao giờ dùng lời nói khích, không bao giờ dùng yếu tố tâm lý để tác động người khác, mà chỉ nói lên lẽ thật và để chính Đức Thánh Linh tác động vào lòng người nghe. Thứ nhì, Phao-lô đã khẳng định, những gì ông và các bạn của ông nói đều là chân thật; những lời khen của ông đối với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô cũng là chân thật.

8 Tôi nói chẳng phải theo mệnh lệnh nhưng bởi sự sốt sắng của những người khác và để chứng minh sự thành thực của tình yêu của các anh chị em.

“Bởi sự sốt sắng của những người khác” là bởi sự sốt sắng của con dân Chúa tại Ma-xê-đoan.

Phao-lô nói rõ cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô biết, sự ông kêu gọi họ quyên góp để tiếp trợ cho con dân Chúa tại Giu-đê không phải là một mệnh lệnh. Nhưng thứ nhất, vì tấm gương sáng của con dân Chúa tại Ma-xê-đoan mà Phao-lô muốn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô cũng được như vậy. Thứ nhì, Phao-lô muốn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô qua sự quyên góp, thể hiện tình yêu anh chị em cùng Cha thật có trong họ. Thực tế, người yêu anh chị em cùng Cha hơn chính bản thân không thể nào không chia xẻ vật chất với những anh chị em cùng Cha đang ở trong cơn khó khăn, cần được giúp đỡ.

Người không yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình cũng là người không yêu Chúa. Vì mỗi anh chị em cùng Cha của chúng ta là một chi thể trong thân thể của Đấng Christ. Chính vì thế mà Chúa phán:

“Vua sẽ đáp lời, phán với họ rằng: Thật! Ta nói với các ngươi, bao nhiêu điều các ngươi đã làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, các anh chị em của Ta, là bấy nhiêu điều các ngươi cũng đã làm cho Ta.” (Ma-thi-ơ 25:40).

“Thì Ngài sẽ trả lời họ, phán rằng: Thật! Ta nói với các ngươi, bao nhiêu điều các ngươi đã không làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, là bấy nhiêu điều các ngươi cũng đã không làm cho Ta.” (Ma-thi-ơ 25:45).

Vậy, bởi tình yêu chân thật trong chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau quyên góp theo sức hoặc quá sức mỗi khi anh chị em trong Hội Thánh có nhu cầu cần được cứu giúp.

9 Vì các anh chị em biết ân điển của Đức Chúa Jesus Christ của chúng ta. Rằng Ngài vốn là giàu có nhưng bởi các anh chị em đã trở nên nghèo, để cho các anh chị em bởi Ngài được trở nên giàu có.

Phao-lô nhắc đến ân điển của Đức Chúa Jesus Christ. Ngài vốn là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, vinh quang và quyền thế tuyệt đối, nhưng vì yêu loài người mà Ngài đã nhập thế làm một người rất nghèo. Chính Ngài phán về Ngài:

“…Những con cáo có hang, những chim trời có ổ, nhưng Con Người không có chỗ để gối đầu.” (Ma-thi-ơ 8:20; Lu-ca 9:58).

Cuối cùng, Ngài đã chịu mất luôn mạng sống để cứu chuộc chúng ta. Mỗi một con dân Chúa đã nhờ vào sự hy sinh đó của Đấng Christ mà trở nên giàu có vô cùng; vì được hưởng cơ nghiệp đời đời của Đức Chúa Trời. Vậy, chúng ta sẽ yêu các chi thể của Đấng Christ là anh chị em cùng Cha của chúng ta như thế nào? Chúng ta sẽ hy sinh đến mức độ nào cho các anh chị em cùng Cha của chúng ta? Lời Chúa dạy:

“Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống của mình cho các bạn hữu của mình.” (Giăng 15:13).

Trong sự quyên góp tiếp trợ cho anh chị em cùng Cha của chúng ta, chúng ta chưa đến nỗi phải chết vì họ, chỉ là chia xẻ phần vật chất của chúng ta với họ, cùng chung vai gánh lấy sự khốn khó của họ. Chúng ta thật phải dư dật vui mừng để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta.

10 Trong sự ấy, tôi góp ý kiến này để giúp ích các anh chị em, những người bắt đầu không chỉ làm mà cũng sẵn lòng từ năm trước.

“Trong sự ấy” là trong sự quyên góp để tiếp trợ.

Phao-lô muốn góp ý kiến để giúp cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô thi hành sự quyên góp một cách hữu hiệu. Trước hết, ông nhắc lại sự kiện họ đã có lòng quyên góp và cũng đã bắt đầu quyên góp từ năm trước. Có lẽ sự quyên góp đã bị tạm ngưng, khi có sự dấy loạn nổi lên trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Vào thời điểm ấy, có người đứng lên bài bác Phao-lô, kêu gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đừng vâng phục Phao-lô và lời giảng dạy của ông. Thậm chí, họ vu khống Phao-lô không phải là sứ đồ của Chúa.

11 Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng hãy làm trọn việc đã làm để cho như sự sốt sắng của sự sẵn lòng thế nào thì sự làm trọn từ sự có của các anh chị em cũng như thế ấy.

“Làm trọn việc đã làm” là làm trọn việc quyên góp để tiếp trợ cho con dân Chúa tại Giu-đê.

“Làm trọn từ sự có” là làm trọn việc quyên góp bởi lòng sốt sắng và khả năng về vật chất đã được Chúa ban cho.

Có nhiều lúc người ta sốt sắng, bắt đầu một việc làm tốt nhưng vì một lý do nào đó đã không làm trọn. Trường hợp sự quyên góp để tiếp trợ các anh chị em cùng Cha của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô bị gián đoạn có lẽ là vì sự tấn công của Sa-tan vào Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Là con dân Chúa, chúng ta hãy luôn ghi nhớ rằng, chúng ta cần sốt sắng làm những việc lành Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta; và chúng ta cần vượt mọi trở ngại, làm trọn những việc lành ấy với năng lực và phương tiện Chúa ban cho chúng ta.

12 Vì nếu sự sẵn sàng có đó thì một người được vui nhận theo sự người ấy có, chẳng phải theo sự người ấy không có.

“Sự sẵn sàng có đó” là lòng sốt sắng làm việc lành.

Nếu chúng ta sẵn lòng làm những việc lành Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta thì Ngài vui nhận sự hầu việc Chúa của chúng ta, theo khả năng và phương tiện mà Ngài đã ban cho chúng ta. Chúa không bao giờ đòi hỏi chúng ta làm quá những gì Ngài đã ban cho chúng ta. Chúa không đòi hỏi một người đàn bà góa dâng hơn một nắm bột còn lại trong vò và một chút dầu còn lại trong bình, chỉ đủ để làm một cái bánh nhỏ (I Các Vua 17:12). Chúa không đòi hỏi một người đàn bà góa phải dâng hơn hai đồng tiền đáng giá một phần tư xu vào nhà của Chúa (Mác 12:42). Chúa không đòi hỏi một đứa bé trai phải dâng hơn năm cái bánh và hai con cá để nuôi ăn hơn năm ngàn người (Giăng 6:9).

Phần của chúng ta là vui mừng, sốt sắng làm lành theo năng lực và phương tiện Chúa đã ban cho chúng ta. Phần của Chúa là Ngài tận dụng lòng tận hiến của chúng ta để làm ra những phép lạ mang lại phước hạnh càng hơn cho chúng ta và nhiều người khác. Có một số người trong thực tế đã cầu nguyện, xin Chúa giúp cho trúng vé số để có nhiều tiền hầu việc Chúa. Nhưng nếu họ thật lòng muốn dâng hiến lên Chúa để hầu việc Chúa thì thà là họ dâng lên Chúa số tiền mà họ dùng để mua vé số. Sự mua vé số thể hiện lòng tham tiền bạc; mà sự tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác (I Ti-mô-thê 6:10).

Chúng ta để ý sẽ thấy rằng, một nắm bột, một chút dầu, hai đồng tiền đáng giá một phần tư xu, năm cái bánh và hai con cá là tất cả những gì một người đang có để nuôi mình, được dâng lên Chúa. Để có thể dâng hiến như vậy, cần phải có đức tin, tấm lòng rộng rãi và sốt sắng.

13 Vì chẳng phải tôi muốn rằng, những người khác thì thảnh thơi còn các anh chị em thì khốn khó, nhưng bởi sự bằng nhau. Trong thời điểm hiện tại, sự dư dật của các anh chị em giúp cho sự túng thiếu của họ;

14 để cho sự dư dật của họ cũng là giúp cho sự túng thiếu của các anh chị em. Đó là sự bằng nhau.

Sự quyên góp để tiếp trợ cho các anh chị em cùng Cha không bao giờ là cơ hội để cho người thì làm lụng khó nhọc, người thì ăn không ngồi rồi. Trong Hội Thánh, sự tiếp trợ lẫn nhau về vật chất là sự chan hòa ân điển của Chúa với nhau. Mỗi con dân Chúa là chi thể của cùng một thân. Mọi sự ban cho của Chúa giống như là máu, luân lưu đến từng chi thể. Chi thể lớn thì làm việc lớn và cần nhiều máu. Chi thể nhỏ thì làm việc nhỏ và cần ít máu. Khi một chi thể bị thương, mất máu thì các chi thể khác cũng bị mất máu, vì phải bù lấp cho chi thể bị mất máu.

Trong câu 13, Phao-lô nói đến sự dư dật về vật chất của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô giúp cho sự túng thiếu về vật chất của con dân Chúa tại Giu-đê. Trong câu 14 Phao-lô nói đến sự dư dật về hoạn nạn của con dân Chúa tại Giu-đê giúp cho sự túng thiếu về hoạn nạn của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Và như vậy, con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô và tại xứ Giu-đê được thông công với nhau về thuộc thể lẫn thuộc linh; cùng chung những vui buồn, thăng trầm trong cuộc sống với nhau, trong danh Chúa. Hai bồn chứa nước, một bồn có đầy nước và một bồn chỉ chứa một phần hai sức chứa; nếu được thông nhau bằng một ống dẫn thì nước trong hai bồn sẽ bằng nhau và sẽ giống nhau về phẩm chất.

15 Theo như đã được chép: Người có nhiều chẳng thêm lên và người có ít chẳng thiếu hụt. [Xuất Ê-díp-tô Ký 16:18]

Câu 15 trích dẫn Lời Chúa trong Xuất Ê-díp-tô Ký 16:18, nói về cách thức dân I-sơ-ra-ên thu lượm ma-na. Cho dù có người lượm nhiều, có người lượm ít, tùy theo sức của mỗi người. Nhưng phần của mỗi người sẽ là một ô-me, tương đương hai lít, cho phần ăn của một ngày.

Ngoài bầy súc vật của mỗi người, ma-na là thức ăn căn bản Chúa ban chung cho dân I-sơ-ra-ên, khi họ lang thang trong đồng vắng suốt 40 năm. Ma-na vừa tiêu biểu cho thức ăn thuộc thể vừa tiêu biểu cho thức ăn thuộc linh. Cả hai đều là sự ban cho từ Chúa. Sẽ có người thu thập được nhiều và có người thu thập được ít, tùy theo khả năng của mỗi người, nhưng ai nấy sẽ được chia phần bằng nhau.

Con dân Chúa chẳng những chia xẻ với nhau về thuộc thể mà còn chia sẻ với nhau về thuộc linh. Trong thuộc thể, con dân Chúa chia xẻ với nhau nhu cầu về vật chất để cho không có ai trong Hội Thánh là bị thiếu thốn. Trong thuộc linh, con dân Chúa chia sẻ sự hiểu biết Lời Chúa với nhau để cho không có ai thiếu sự hiểu biết Lời Chúa. Tuy nhiên, con dân Chúa cũng cần xác định rõ, ai là anh chị em cùng Cha chân thật. Vì có những người mà Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, đã gọi là “anh chị em cùng Cha giả dối” (II Cô-rinh-tô 11:26). Đó là những người đến với Hội Thánh chỉ để lợi dụng Hội Thánh, không có sự đóng góp gì cho Hội Thánh, họ cũng không sống theo Lời Chúa. Hội Thánh cần trừ bỏ những kẻ như vậy ra khỏi Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 5:13). Các trưởng lão trong mỗi Hội Thánh địa phương sẽ chịu trách nhiệm lớn, khi để cho những kẻ là “anh chị em cùng Cha giả dối” ở lại trong Hội Thánh, lợi dụng Hội Thánh và làm gương xấu cho Hội Thánh.

Sự chia xẻ vật chất và chia sẻ thuộc linh đều phải xuất phát từ tấm lòng dư dật vui mừng và sốt sắng làm trọn với khả năng và phương tiện Chúa đã ban cho, thì mới được Chúa vui nhận. Vì bất cứ việc gì chúng ta làm cho nhau cũng là chúng ta làm cho Chúa; và Chúa tiếp nhận chúng ta dựa vào tấm lòng của chúng ta, chứ không dựa vào sự chúng ta có khả năng và phương tiện nhiều hay ít.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
31/10/2020

Ghi Chú

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/

Karaoke Thánh Ca: “Lời Con Khẩn Xin”
https://karaokethanhca.net/loi-con-khan-xin/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.