Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 07:23-50 Bài Giảng của Ê-tiên – Phần 2

1,015 views

YouTube: https://youtu.be/4d7AA_WDQ_M

44019 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 7:23-50
Bài Giảng của Ê-tiên – Phần 2

   Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 7:23-50

23 Khi người đã tròn bốn mươi tuổi, trong lòng người dấy lên sự muốn đi thăm các anh em mình, là con cháu I-sơ-ra-ên.

24 Người thấy một người kia bị hà hiếp, nên đã bênh vực và làm sự báo thù cho kẻ bị hà hiếp, đánh chết người Ê-díp-tô.

25 Người tưởng các anh em mình sẽ hiểu rằng, Đức Chúa Trời đã ban sự giải cứu họ qua tay mình; nhưng họ chẳng hiểu.

26 Ngày kế tiếp, người đã tỏ mình với họ, khi họ đang đánh nhau, và khuyên bảo họ vào sự giải hòa, rằng: Hỡi quý anh, quý anh là anh em, sao hà hiếp nhau?

27 Nhưng kẻ hà hiếp người lân cận đã đẩy người ra, nói: Ai đã lập ngươi làm người cai trị và quan án trên chúng ta?

28 Chẳng lẽ ngươi muốn giết ta như đã giết người Ê-díp-tô ấy, ngày hôm qua? [Xuất Ê-díp-tô Ký 2:14]

29 Môi-se đã trốn đi bởi lời ấy, và trở nên người kiều ngụ trong đất Ma-đi-an, nơi người đã sinh hai con trai. [Xuất Ê-díp-tô Ký 2:15-22]

30 Khi đã tròn bốn mươi năm, một thiên sứ của Chúa đã hiện ra với người, trong đồng vắng núi Si-na-i, trong ngọn lửa, nơi một bụi gai.

31 Môi-se đã thấy và ngạc nhiên về khải tượng. Ông đến gần để xem. Kìa! Tiếng của Chúa đã đến với ông.

32 Ta là Đức Chúa Trời của các tổ phụ của ngươi: Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của I-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Môi-se đã trở nên run sợ, chẳng dám nhìn xem. [Xuất Ê-díp-tô Ký 3:6, 15]

33 Chúa đã phán với ông: Hãy cởi giày khỏi chân của ngươi! Vì trong chỗ mà ngươi đứng là đất thánh.

34 Ta đã xem. Ta đã thấy sự khốn khổ của dân Ta trong xứ Ê-díp-tô. Ta đã nghe sự than thở của chúng nó, và xuống để giải cứu chúng nó. Bây giờ, hãy đến! Ta sẽ sai ngươi vào xứ Ê-díp-tô. [Xuất Ê-díp-tô Ký 3:5, 7, 8a, 10a]

35 Môi-se này mà họ đã chối bỏ, đã nói: Ai đã lập ngươi làm người cai trị và quan án? Này là người Đức Chúa Trời đã sai làm người cai trị và người giải cứu, bởi tay của thiên sứ đã hiện ra với người trong bụi gai.

36 Người đã dẫn họ ra khỏi, đã làm những phép lạ và những dấu kỳ trong đất Ê-díp-tô, trên biển Đỏ, và trong đồng vắng bốn mươi năm.

37 Ấy là Môi-se đã nói với con cháu I-sơ-ra-ên rằng: Chúa, Đức Chúa Trời của các ngươi sẽ dấy lên cho các ngươi, từ những anh em của các ngươi, một tiên tri giống như ta. Các ngươi sẽ nghe Ngài. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15]

38 Ấy là người, trong hội chúng, trong đồng vắng, đã ở với thiên sứ đã phán với người trên núi Si-na-i, và với các tổ phụ của chúng ta. Người đã nhận lấy những Lời Sự Sống để trao lại cho chúng ta.

39 Người mà các tổ phụ của chúng ta đã không muốn trở nên vâng lời, nhưng đã đẩy người ra và lòng của họ đã xoay lại, hướng về xứ Ê-díp-tô.

40 Họ đã bảo A-rôn: Hãy làm cho chúng ta các thần để đi trước chúng ta. Vì Môi-se này, người đã dẫn chúng ta ra khỏi đất Ê-díp-tô, chúng ta chẳng biết điều gì đã xảy đến cho người. [Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1]

41 Trong các ngày đó, họ đã làm một tượng bò con, dâng tế lễ cho tượng; và vui mừng trong các việc làm của tay họ.

42 Đức Chúa Trời đã xoay khỏi và để mặc họ phụng sự cơ binh trên trời, như đã chép trong Sách Các Tiên Tri: Hỡi nhà I-sơ-ra-ên! Chẳng phải các ngươi đã đem cho Ta những con sinh và những sinh tế, trong bốn mươi năm ở nơi đồng vắng?

43 Thế mà các ngươi đã khiêng lều trại của Mo-lóc và ngôi sao của Đức Chúa Trời Rom-phan của các ngươi, những hình tượng mà các ngươi đã làm ra để thờ lạy chúng. Ta sẽ dời các ngươi qua bên kia của Ba-bi-lôn. [A-mốt 5:25-27]

44 Đền Tạm Chứng Cớ vốn ở giữa các tổ phụ của chúng ta, trong đồng vắng; như Ngài đã truyền, phán với Môi-se. Người đã làm nó y theo kiểu mẫu mà người đã thấy.

45 Đền ấy các tổ phụ của chúng ta đã thừa kế, cùng Giô-suê đem vào trong xứ sở hữu của các dân ngoại mà Đức Chúa Trời đã đuổi khỏi trước mặt các tổ phụ của chúng ta, cho tới các ngày của Đa-vít.

46 Người đã tìm được ơn trước Đức Chúa Trời, và xin tìm một chỗ ở cho Đức Chúa Trời của Gia-cốp.

47 Nhưng Sa-lô-môn đã cất cho Ngài một ngôi nhà.

48 Tuy nhiên, Đấng Rất Cao chẳng ở trong các đền thờ làm bởi tay người, như đấng tiên tri đã nói:

49 Chúa phán: Trời là ngai của Ta. Đất là bệ chân của Ta. Nhà nào các ngươi sẽ cất cho Ta? Hay nơi nào là chỗ nghỉ của Ta?

50 Chẳng phải tay của Ta đã dựng nên mọi vật này sao? [Ê-sai 66:1-2]

Trong bài này, chúng ta sẽ tiếp tục học phần còn lại trong bài giảng của Chấp Sự Ê-tiên.

23 Khi người đã tròn bốn mươi tuổi, trong lòng người dấy lên sự muốn đi thăm các anh em mình, là con cháu I-sơ-ra-ên.

Chúng ta không biết Môi-se đã được mẹ đưa vào cung điện của Pha-ra-ôn vào lúc ông được bao nhiêu tuổi. Có thể là khi vừa được dứt sữa thì Môi-se được đưa vào cung cho công chúa. Tuổi dứt sữa của trẻ con I-sơ-ra-ên thời Cựu Ước có thể từ 18 tháng đến năm tuổi, nhưng trung bình là ba tuổi. Những con trai thuộc dòng Lê-vi đủ ba tuổi thì được ghi tên vào gia phả và danh sách những người phụng sự trong Đền Thờ của Thiên Chúa (II Sử Ký 31:16). Điều đó hàm ý, các trẻ trai dòng Lê-vi được cai sữa lúc ba tuổi. Môi-se thuộc dòng Lê-vi (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1).

Như vậy, có thể Môi-se đã được ăn học trong cung điện của Pha-ra-ôn trong suốt 37 năm, trước khi trong lòng ông nổi lên sự thôi thúc đi thăm các anh chị em người I-sơ-ra-ên của mình. Danh từ “các anh em” trong câu này có nghĩa đen là: anh chị em ruột; nhưng có nghĩa bóng là anh chị em cùng chủng tộc. Ý của câu này là Môi-se muốn đi thăm dân I-sơ-ra-ên.

Ý muốn đi thăm dân I-sơ-ra-ên dấy lên trong lòng của Môi-se là sự Đấng Thần Linh tác động trong ông, vì đã tới thời điểm ông phải ra khỏi xứ Ê-díp-tô, theo chương trình và ý định của Chúa.

Chúng ta thấy chỉ trong ba năm ngắn ngủi ở với mẹ từ khi còn sơ sinh mà Môi-se đã luôn có lòng kính sợ Thiên Chúa, yêu dân tộc của mình, mà sự giáo dục suốt 37 năm của xứ Ê-díp-tô đã không làm thay đổi được. Khi chúng ta học thư Hê-bơ-rơ thì chúng ta biết, Môi-se đã hành sự theo đức tin của ông nơi Thiên Chúa.

Lời Chúa dạy:

Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo thì khi nó già, nó sẽ không lìa khỏi đó.” (Châm Ngôn 22:6).

Con cái là cơ nghiệp Chúa ban cho những người có vợ, có chồng (Thi Thiên 127:3). Bổn phận của cha mẹ là dạy con cái của mình theo Lời Chúa. Nếu cha mẹ không hoàn thành bổn phận dạy con theo Lời Chúa thì cha mẹ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chúa, về sự hư mất của con cái. Câu chuyện về Môi-se đã cho chúng ta thấy rõ, nuôi dạy con theo Lời Chúa trong ba năm đầu của đời chúng là quan trọng biết bao.

24 Người thấy một người kia bị hà hiếp, nên đã bênh vực và làm sự báo thù cho kẻ bị hà hiếp, đánh chết người Ê-díp-tô.

Chúng ta không biết chi tiết về sự một người Ê-díp-tô hà hiếp một người I-sơ-ra-ên và bị Môi-se bắt gặp. Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 2:11-12 thì có lẽ người Ê-díp-tô là một trong các người đốc công, trông nom công việc xây cất của những người I-sơ-ra-ên. Có lẽ Môi-se nhìn thấy người đốc công này đánh đập tàn nhẫn một người I-sơ-ra-ên nên ông đã đánh giết người đốc công.

25 Người tưởng các anh em mình sẽ hiểu rằng, Đức Chúa Trời đã ban sự giải cứu họ qua tay mình; nhưng họ chẳng hiểu.

Có một vài người giảng dạy rằng, việc Môi-se đánh giết một người Ê-díp-tô là ông hành động theo ý riêng, hành động trước Chúa. Vì thời điểm Chúa giải cứu dân I-sơ-ra-ên chưa tới. Họ cho rằng, vì Môi-se đã hành động theo ý riêng nên phải chịu khổ 40 năm, làm một người chăn chiên trong đồng vắng. Nhưng Lời Chúa trong thư Hê-bơ-rơ giúp cho chúng ta hiểu rằng, Môi-se có lòng tin kính Chúa, mặc dù ông chỉ học biết về Chúa trong ba năm đầu của cuộc đời. Lời Chúa khẳng định việc Môi-se đánh giết người Ê-díp-tô và ra khỏi xứ Ê-díp-tô là ông hành động theo đức tin.

Hê-bơ-rơ 11:24-27

24 Bởi đức tin, Môi-se lúc đã trưởng thành, chối bỏ được gọi là con trai của con gái Pha-ra-ôn,

25 chọn thà bị hà hiếp cùng dân của Đức Chúa Trời hơn là có sự vui sướng tạm của tội lỗi.

26 Ông xem sự sỉ nhục của Đấng Christ là sự giàu có lớn hơn kho tàng trong xứ Ê-díp-tô. Vì ông hướng trông về sự ban thưởng.

27 Bởi đức tin, ông lìa xứ Ê-díp-tô không sợ sự thịnh nộ của vua; vì ông kiên định như nhìn thấy Đấng không thấy được.

Quý ông bà anh chị em có thể đọc và nghe bài giảng “Chú Giải Hê-bơ-rơ 11:17-31 Gương Đức Tin – Phần 2” đã được đăng trên timhieuthanhkinh.com [1].

Nếu dân I-sơ-ra-ên hiểu rằng, Đức Chúa Trời dùng tay Môi-se để ban sự giải cứu cho họ thì có lẽ 40 năm tiếp theo đó, đời sống của họ sẽ bớt cực khổ hơn, khi có một người đứng về phía họ, trong triều đình của Pha-ra-ôn. Đức Chúa Trời đã dùng 400 năm bị làm nô lệ để rèn luyện dân I-sơ-ra-ên, nhưng sự khốn khổ nặng hay nhẹ là tùy thuộc vào sự họ có nhận biết sự mở đường, tiếp trợ, và giải cứu của Chúa hay không. Từ xưa tới nay, phần lớn những sự Chúa mở đường, tiếp trợ, và giải cứu con dân Chúa vẫn là qua tay của một ai đó. Chúng ta cần hiểu rằng, khi chúng ta ở trong nghịch cảnh, nếu có sự mở đường, tiếp trợ, và giải cứu đến từ bất cứ ai mà sự ấy không nghịch lại Lời Chúa, thì sự ấy đến từ Chúa và chúng ta phải nhanh chóng tiếp nhận với lòng biết ơn Chúa. Thánh Kinh có ghi lại sự kiện người không tin Chúa mở đường, tiếp trợ, và giải cứu con dân Chúa; mà Vua Si-ru, Vua Đa-ri-út, và Vua Ạt-ta-xét-xe là điển hình (sách Ê-xơ-tê).

26 Ngày kế tiếp, người đã tỏ mình với họ, khi họ đang đánh nhau, và khuyên bảo họ vào sự giải hòa, rằng: Hỡi quý anh, quý anh là anh em, sao hà hiếp nhau?

Ngày hôm sau, Môi-se đã tiếp tục đi thăm dân I-sơ-ra-ên và ông thấy hai người I-sơ-ra-ên đánh nhau. Ông đã khuyên bảo họ để giải hòa.

Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 2:13 thì ghi rằng, Môi-se đã nói với người có lỗi: Sao ngươi đánh người lân cận của mình?

27 Nhưng kẻ hà hiếp người lân cận đã đẩy người ra, nói: Ai đã lập ngươi làm người cai trị và quan án trên chúng ta?

28 Chẳng lẽ ngươi muốn giết ta như đã giết người Ê-díp-tô ấy, ngày hôm qua? [Xuất Ê-díp-tô Ký 2:14]

Người có lỗi đã không nghe lời khuyên của Môi-se, mà còn đẩy ông ra. Hành động đẩy một người ra khỏi mình là hành động khước từ người bị đẩy.

Chúng ta không biết có phải người có lỗi là người đã được Môi-se bênh vực ngày hôm trước hay không. Hay người ấy chỉ là một trong các người I-sơ-ra-ên đã nhìn thấy Môi-se giết người Ê-díp-tô. Nhưng lời nói của người ấy là lời chối bỏ Môi-se, hành động của người ấy là hành động chối bỏ Môi-se. Thật ra, Môi-se chính là người mà Đức Chúa Trời đã định sẵn làm người cai trị và làm quan án trên dân I-sơ-ra-ên trong suốt 40 năm.

29 Môi-se đã trốn đi bởi lời ấy, và trở nên người kiều ngụ trong đất Ma-đi-an, nơi người đã sinh hai con trai. [Xuất Ê-díp-tô Ký 2:15-22]

Môi-se nghe lời ấy thì biết rằng sự việc sẽ bị tiết lộ, nên ông liền trốn khỏi xứ Ê-díp-tô, vào trong đồng vắng xứ Ma-đi-an. Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 2:15 thì câu chuyện Môi-se giết một người Ê-díp-tô, vì bênh vực dân I-sơ-ra-ên, đã đến tai Pha-ra-ôn và Pha-ra-ôn muốn giết Môi-se. Nhưng lúc đó Môi-se không còn ở trong xứ Ê-díp-tô nữa.

Tại xứ Ma-đi-an, Môi-se đã kết hôn và sinh được hai con trai. Môi-se chăn chiên cho cha vợ trong 40 năm. Trong thời gian chăn chiên 40 năm này, Môi-se đã quen thuộc với đời sống trong đồng vắng. Kinh nghiệm đó sẽ giúp ích cho Môi-se trong việc đưa dân I-sơ-ra-ên vượt qua các đồng vắng trong 40 năm tiếp theo đó.

30 Khi đã tròn bốn mươi năm, một thiên sứ của Chúa đã hiện ra với người, trong đồng vắng núi Si-na-i, trong ngọn lửa, nơi một bụi gai.

Môi-se đã sống trong xứ Ê-díp-tô 40 năm, tiếp theo là 40 năm sống trong xứ Ma-đi-an. Khi ông tròn 80 tuổi thì một thiên sứ của Chúa đã hiện ra với ông, trong một ngọn lửa, giữa một bụi gai, trong đồng vắng.

Xuất Ê-díp-tô Ký 3:2 ghi rõ là “Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”.

Khi chúng ta đối chiếu Xuất Ê-díp-tô Ký 14:19 với I Cô-rinh-tô 10:9 thì chúng ta thấy, chính Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời, với danh hiệu “Thiên Sứ của Đức Chúa Trời”, là Đấng đi trước dân I-sơ-ra-ên và luôn có mặt trong suốt hành trình của họ, từ xứ Ê-díp-tô cho đến xứ Ca-na-an:

Thiên Sứ của Đức Chúa Trời đã đi trước trại quân của dân I-sơ-ra-ên lộn lại đi sau; còn trụ mây vốn đi trước trại quân, lại ở về sau…” (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:19).

“Hết thảy họ đã uống cùng một thức uống thiêng liêng. Vì họ đã uống từ một vầng đá thiêng liêng theo với họ. Vầng đá ấy là Đấng Christ.” (I Cô-rinh-tô 10:4).

Khi chúng ta đối chiếu Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 3 với Các Quan Xét 2:1 thì chúng ta thấy “Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” chính là Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời. Vì chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng đã lập giao ước và hứa ban đất Ca-na-an cho dân I-sơ-ra-ên, chứ không phải một thiên sứ nào trong vô số thiên sứ do Thiên Chúa dựng nên.

Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đi lên từ Ghinh-ganh đến Bô-kim, và nói rằng: Ta đã đem các ngươi đi lên khỏi xứ Ê-díp-tô, dẫn vào xứ Ta đã thề ban cho tổ phụ các ngươi. Ta đã phán: Ta sẽ đời đời chẳng hủy giao ước Ta đã lập cùng các ngươi…” (Các Quan Xét 2:1).

Danh từ: “Thiên Sứ của Đức Chúa Trời” hoặc “Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” có nghĩa là: Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời hoặc Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa để tương tác với loài người.

31 Môi-se đã thấy và ngạc nhiên về khải tượng. Ông đến gần để xem. Kìa! Tiếng của Chúa đã đến với ông.

32 Ta là Đức Chúa Trời của các tổ phụ của ngươi: Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của I-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp. Môi-se đã trở nên run sợ, chẳng dám nhìn xem. [Xuất Ê-díp-tô Ký 3:6, 15]

Khải tượng (G3705) là một hiện tượng siêu nhiên do Thiên Chúa tỏ ra cho một người nhìn thấy bằng con mắt xác thịt hoặc nhìn thấy trong tâm thần, khi người ấy đang tỉnh táo.

Xuất Ê-díp-tô Ký 3:2 cho chúng ta biết, Môi-se đã nhìn thấy cả một bụi gai đang cháy nhưng không tàn. Đó chính là một hiện tượng siêu nhiên. Môi-se ngạc nhiên nên đến gần để xem cho rõ. Ngay khi đó, Thiên Chúa, từ giữa bụi gai đang cháy, đã phán gọi ông: “Hỡi Môi-se, hỡi Môi-se!” Môi-se đã thưa rằng: “Có tôi đây!”

Lúc bấy giờ, Thiên Chúa đã xác nhận với Môi-se, Ngài là Đức Chúa Trời của các tổ phụ của ông, bao gồm: Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp. Môi-se nghe vậy thì liền che mặt lại, vì sợ nhìn thấy Đức Chúa Trời. Nỗi sợ này xuất phát từ lòng tôn kính Đức Chúa Trời, nhận biết mình là không xứng đáng để nhìn thấy Ngài, sợ bị hình phạt.

Thánh Kinh không ghi lại Môi-se có nhìn thấy hình dạng nào trong ngọn lửa đang cháy giữa bụi gai hay không. Nhưng ghi rằng, Môi-se đã nghe có tiếng phán của Đức Chúa Trời từ trong ngọn lửa.

33 Chúa đã phán với ông: Hãy cởi giày khỏi chân của ngươi! Vì trong chỗ mà ngươi đứng là đất thánh.

Theo ghi chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 3:5, trước khi phán gọi Môi-se thì Đức Chúa Trời đã phán bảo ông chớ đến gần và hãy cởi giày của ông ra, vì nơi ông đang đứng là đất thánh.

Vùng đất Môi-se đứng lúc ấy được gọi là đất thánh, vì sự hiện diện của Đức Chúa Trời được thể hiện tại đó. Đó là sự thánh hóa tương đối, không tồn tại lâu dài. Nghĩa là sau khi sự hiện diện của Đức Chúa Trời không còn thể hiện, trong trường hợp này là hiện tượng bụi gai bị cháy mà không tàn, thì sự thánh hóa cũng không còn. Tương tự như vậy là thân thể xác thịt hiện tại của chúng ta. Nó được gọi là thánh vì trong nó có sự hiện diện của Đức Thánh Linh. Nhưng khi hơi thở tắt đi, sự sống rời khỏi, Đức Thánh Linh không còn ngự trị, thì thân xác của chúng ta trở thành vật ô uế.

Sự cởi giày thể hiện lòng tôn kính nơi Đức Chúa Trời đã thánh hóa. Các thầy tế lễ I-sơ-ra-ên khi vào phục vụ trong Đền Thờ đều cởi giày.

34 Ta đã xem. Ta đã thấy sự khốn khổ của dân Ta trong xứ Ê-díp-tô. Ta đã nghe sự than thở của chúng nó, và xuống để giải cứu chúng nó. Bây giờ, hãy đến! Ta sẽ sai ngươi vào xứ Ê-díp-tô. [Xuất Ê-díp-tô Ký 3:5, 7, 8a, 10a]

Đức Chúa Trời lại phán tiếp với Môi-se, về sự Ngài đã thấy sự khốn khổ của dân I-sơ-ra-ên, đã nghe những lời than thở của họ, và Ngài đến để giải cứu họ. Ngài muốn sai Môi-se về lại xứ Ê-díp-tô để qua tay Môi-se, Ngài sẽ giải cứu dân I-sơ-ra-ên.

35 Môi-se này mà họ đã chối bỏ, đã nói: Ai đã lập ngươi làm người cai trị và quan án? Này là người Đức Chúa Trời đã sai làm người cai trị và người giải cứu, bởi tay của thiên sứ đã hiện ra với người trong bụi gai.

Từ câu 35 trở đi, Chấp Sự Ê-tiên bắt đầu giảng giải kinh. Giảng giải kinh là giảng giải ý nghĩa của các câu Thánh Kinh theo sự hiểu biết của người giảng. Người thật lòng tin kính Chúa, ham thích Lời Chúa, sống theo Lời Chúa thì sẽ có sự hiểu biết đúng và sẽ giảng giải Lời Chúa đúng. Người ấy được Đức Thánh Linh dẫn vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa. Người không thật lòng tin kính Chúa thì sẽ không thể hiểu đúng Lời Chúa, vì không có sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh.

Về phần người nghe cũng vậy. Chỉ những ai thật lòng tin kính Chúa, sống theo Lời Chúa, ham thích Lời Chúa thì mới hiểu được những lời giảng đúng về Lời Chúa. Vì cùng một thánh linh với người giảng. Còn những ai không thật lòng tin kính Chúa thì không thể nào hiểu được những lời giảng đúng về Lời Chúa. Đó là điều đã xảy ra cho những người trong Tòa Công Luận, ngồi nghe Ê-tiên giảng.

Ê-tiên giải thích rằng: Môi-se là người được Đức Chúa Trời sai làm người cai trị dân I-sơ-ra-ên và giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ. Sự sai bảo đó được thực hiện bởi một sứ giả, tức là một thiên sứ đại diện cho Thiên Chúa, đã hiện ra trong một bụi gai. Trong trường hợp này, sứ giả đó chính là Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời.

Trong Thánh Kinh, mỗi lần ghi lại sự kiện một thân vị Thiên Chúa hiện ra với loài người thì hoặc là dùng danh xưng “Thiên Sứ của Đức Chúa Trời” để chỉ sự Thiên Chúa Ngôi Lời đại diện cho Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời; hoặc là dùng danh xưng “Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” để chỉ sự Thiên Chúa Ngôi Lời hay Thiên Chúa Đức Chúa Trời đại diện cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Chỉ có một lần duy nhất Thánh Kinh không dùng cách gọi “thiên sứ của” là khi cả Ba Ngôi Thiên Chúa, với danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, cùng hiện ra với Áp-ra-ham, trong hình dạng của ba người đàn ông, như đã chép trong Sáng Thế Ký đoạn 18.

36 Người đã dẫn họ ra khỏi, đã làm những phép lạ và những dấu kỳ trong đất Ê-díp-tô, trên biển Đỏ, và trong đồng vắng bốn mươi năm.

Ê-tiên đã giải thích tiếp: Môi-se đã dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Môi-se đã làm các phép lạ và dấu kỳ từ trong đất Ê-díp-tô và trong suốt cuộc hành trình 40 năm trong đồng vắng của dân I-sơ-ra-ên. Phép lạ lớn nhất sau khi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi đất Ê-díp-tô là khiến cho nước biển Đỏ tách sang hai bên, dọn đường cho hàng triệu người I-sơ-ra-ên vượt qua biển Đỏ; rồi sau đó dồn lại, nhấn chìm cả quân lực của Pha-ra-ôn.

37 Ấy là Môi-se đã nói với con cháu I-sơ-ra-ên rằng: Chúa, Đức Chúa Trời của các ngươi sẽ dấy lên cho các ngươi, từ những anh em của các ngươi, một tiên tri giống như ta. Các ngươi sẽ nghe Ngài. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 18:15]

Ê-tiên đã nhắc lại lời tiên tri của Môi-se về Đấng Mê-si-a tức Đấng Christ. Mục đích của Ê-tiên là ông sẽ chứng minh với Tòa Công Luận rằng, Đức Chúa Jesus chính là Đấng ấy. Trong lịch sử của I-sơ-ra-ên, từ khi Môi-se qua đời cho tới lúc bấy giờ, ngoại trừ Đức Chúa Jesus, chưa hề có một tiên tri nào trong dân I-sơ-ra-ên làm ra những dấu kỳ và phép lạ lớn và nhiều như Môi-se, đồng thời cũng là người giải cứu dân I-sơ-ra-ên. Dân I-sơ-ra-ên mong chờ Đấng Mê-si-a, tức Đấng Christ, giải cứu họ khỏi ách cai trị của các dân ngoại; nhưng Đức Chúa Jesus đã giải cứu họ ra khỏi sự nô lệ lớn nhất là sự nô lệ cho tội lỗi và nô lệ cho Sa-tan.

38 Ấy là người, trong hội chúng, trong đồng vắng, đã ở với thiên sứ đã phán với người trên núi Si-na-i, và với các tổ phụ của chúng ta. Người đã nhận lấy những Lời Sự Sống để trao lại cho chúng ta.

Ê-tiên đã giải thích tiếp để nhấn mạnh thẩm quyền của Môi-se: Môi-se là người ở trong sự nhóm hiệp của dân I-sơ-ra-ên nơi đồng vắng; đã ở trên núi Si-na-i với Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, tức là Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời, Đấng đã từ trên núi Si-na-i phán với Môi-se và toàn dân I-sơ-ra-ên vào lúc ấy.

Ê-tiên đã giải thích rằng, Mười Điều Răn và các luật pháp được Môi-se ghi chép lại trong Sách Luật Pháp chính là những Lời Sự Sống, được Môi-se trao lại cho dân I-sơ-ra-ên, trong đó có Ê-tiên và mọi người đang có mặt trong Tòa Công Luận.

Gọi là những Lời Sự Sống vì chúng là những lời đến từ Thiên Chúa Hằng Sống, mang lại sự sống và sự sống đời đời cho những ai tin nhận và làm theo.

39 Người mà các tổ phụ của chúng ta đã không muốn trở nên vâng lời, nhưng đã đẩy người ra và lòng của họ đã xoay lại, hướng về xứ Ê-díp-tô.

Ê-tiên đã giải thích tiếp: Môi-se đã bị dân I-sơ-ra-ên chối bỏ bằng hành động không vâng lời Môi-se và muốn quay về sống đời nô lệ tại xứ Ê-díp-tô. Ê-tiên dùng động từ “đẩy” là cùng một động từ được dùng trong câu 27 để nói về sự người I-sơ-ra-ên có lỗi hà hiếp anh em mình đã “đẩy” Môi-se ra, khi ông nói lên cái sai của người ấy.

Từng hồi, từng lúc, mỗi khi dân I-sơ-ra-ên nổi loạn, chống lại Môi-se và A-rôn thì họ đều hướng lòng về xứ Ê-díp-tô. Sự kiện này cho thấy, người nào trong Hội Thánh chống nghịch lại thẩm quyền Chúa đặt để trong Hội Thánh thì cũng đều quay về với nếp sống cũ bị nô lệ trong các giáo hội và trong tội lỗi.

40 Họ đã bảo A-rôn: Hãy làm cho chúng ta các thần để đi trước chúng ta. Vì Môi-se này, người đã dẫn chúng ta ra khỏi đất Ê-díp-tô, chúng ta chẳng biết điều gì đã xảy đến cho người. [Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1]

41 Trong các ngày đó, họ đã làm một tượng bò con, dâng tế lễ cho tượng; và vui mừng trong các việc làm của tay họ.

Ê-tiên đã nhắc lại sự phản nghịch đầu tiên của dân I-sơ-ra-ên, sau khi họ được Chúa dùng Môi-se, giải cứu họ khỏi ách nô lệ từ dân Ê-díp-tô và khỏi sự truy đuổi của quân lực Pha-ra-ôn. Sự phản nghịch này đã được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 32.

Tượng bò con dân I-sơ-ra-ên làm không phải để thờ lạy tà thần mà là dùng hình dạng tượng tà thần của dân Ê-díp-tô để hình tượng hóa Thiên Chúa. Chính A-rôn đã lập bàn thờ trước tượng con bò và thông báo cho dân I-sơ-ra-ên về lễ thờ phượng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Dân I-sơ-ra-ên đã dâng của lễ thiêu cho tượng bò con, gọi nó là Thiên Chúa, và ăn uống, vui chơi (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:4-6). Nói cách khác, dân I-sơ-ra-ên đã thờ phượng Đức Chúa Trời qua hình tượng của một con bò. Trong văn hóa và tín ngưỡng của dân Ê-díp-tô, bò tơ đực có sức mạnh, nên hình tượng bò tơ đực được dùng làm tiêu biểu cho thần linh cao cả của dân Ê-díp-tô. Dân I-sơ-ra-ên đã bắt chước dân Ê-díp-tô, dùng tượng bò tơ đực tiêu biểu cho Thiên Chúa của mình.

Tội mà dân I-sơ-ra-ên đã phạm trong việc thờ phượng tượng bò con bằng vàng không phải là họ đã từ bỏ Thiên Chúa để đi theo một thần khác; nhưng là họ đã thờ phượng Thiên Chúa theo ý riêng. Họ không phạm điều răn thứ nhất nhưng đã phạm điều răn thứ nhì. Đó cũng là tội nổi bật trong Giáo Hội Công Giáo. Phần lớn các giáo hội mang danh Chúa thì bỏ đi sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát Thứ Bảy để nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Thứ Nhất, tức Chủ Nhật. Con dân Chúa có thể nhóm hiệp thờ phượng Chúa bất cứ nơi nào và bất kỳ khi nào; nhưng không được bỏ qua sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát Thứ Bảy. Lời Chúa dạy rõ:

Chớ bỏ qua sự nhóm hiệp của chúng ta như thói quen của một số người, nhưng hãy khuyên bảo nhau và khuyên bảo càng hơn khi các anh chị em thấy ngày ấy càng gần.” (Hê-bơ-rơ 10:25).

Trong suốt Thánh Kinh, Chúa chỉ truyền cho con dân Chúa nhóm hiệp thờ phượng Chúa vào các ngày Sa-bát. Vì thế, Hê-bơ-rơ 10:25 phải được hiểu theo văn mạch của toàn bộ Thánh Kinh. Đó là, con dân Chúa chớ bỏ qua sự nhóm hiệp thờ phượng Chúa trong ngày Sa-bát Thứ Bảy, như thói quen của một số người.

42 Đức Chúa Trời đã xoay khỏi và để mặc họ phụng sự cơ binh trên trời, như đã chép trong Sách Các Tiên Tri: Hỡi nhà I-sơ-ra-ên! Chẳng phải các ngươi đã đem cho Ta những con sinh và những sinh tế, trong bốn mươi năm ở nơi đồng vắng?

43 Thế mà các ngươi đã khiêng lều trại của Mo-lóc và ngôi sao của Đức Chúa Trời Rom-phan của các ngươi, những hình tượng mà các ngươi đã làm ra để thờ lạy chúng. Ta sẽ dời các ngươi qua bên kia của Ba-bi-lôn. [A-mốt 5:25-27]

Ê-tiên đã giải thích tiếp, từ chỗ dân I-sơ-ra-ên cứ tái phạm sự thờ phượng Thiên Chúa theo ý riêng, tới một lúc Đức Chúa Trời đã bỏ mặc họ, mặc dù suốt 40 năm trong đồng vắng, họ đã thờ phượng Ngài và dâng các của tế lễ lên Ngài. Vì thế, dân I-sơ-ra-ên đã theo các phong tục mê tín dị đoan và các tín ngưỡng của ngoại giáo của các dân tộc khác mà thờ lạy các tinh tú và các tà thần. Ê-tiên đã trích dẫn lời của Tiên Tri A-mốt trong Sách Các Tiên Tri về sự dân I-sơ-ra-ên đã khiêng các lều trại thờ tà thần Mo-lóc, khiêng các ngôi sao tiêu biểu cho tà thần Rom-phan trong các kỳ lễ hội tôn vinh hai tà thần này, là các hình tượng do tay họ làm ra; về sự Đức Chúa Trời sẽ hình phạt họ bằng sự lưu đày họ sang đất Ba-bi-lôn.

Sách Các Tiên Tri” là phần tổng hợp lời tiên tri của 12 tiên tri, từ Ô-sê đến Ma-la-chi, vào chung một sách, trong Thánh Kinh của dân I-sơ-ra-ên. Lý do là vì độ ngắn của các lời tiên tri.

Tà thần Mo-lóc là một tà thần của dân Am-môn, được tiêu biểu bằng hình tượng mình người, đầu bò. Dân Am-môn thường dâng trẻ con làm của lễ thiêu cho tà thần Mo-lóc. Dân I-sơ-ra-ên đã bắt chước dân Am-môn thờ Mo-lóc và dâng con mình làm của lễ thiêu cho nó.

Tà thần Rom-phan có lẽ là tà thần Thổ Tinh được dân A-si-ri và dân Ba-bi-lôn thờ lạy, tôn làm Đức Chúa Trời của họ, cùng với sự thờ lạy các hành tinh khác. Dân I-sơ-ra-ên cũng đã tiêm nhiễm thói tục ấy.

44 Đền Tạm Chứng Cớ vốn ở giữa các tổ phụ của chúng ta, trong đồng vắng; như Ngài đã truyền, phán với Môi-se. Người đã làm nó y theo kiểu mẫu mà người đã thấy.

45 Đền ấy các tổ phụ của chúng ta đã thừa kế, cùng Giô-suê đem vào trong xứ sở hữu của các dân ngoại mà Đức Chúa Trời đã đuổi khỏi trước mặt các tổ phụ của chúng ta, cho tới các ngày của Đa-vít.

Ê-tiên bắt đầu dẫn chứng sự kiện dân I-sơ-ra-ên đã được Đức Chúa Trời ban cho Đền Tạm Chứng Cớ. Đó là một căn lều lớn, được Đức Chúa Trời truyền kiểu mẫu cho Môi-se làm ra, dùng làm nơi để thờ phượng Đức Chúa Trời và lưu giữ Rương Chứng Cớ cùng Sách Luật Pháp. Gọi là Đền Tạm vì đó là đền thờ tạm thời, khi dân I-sơ-ra-ên đang ở trong đồng vắng. Gọi là Đền Tạm Chứng Cớ vì trong Đền Tạm có Rương Chứng Cớ. Trong Rương Chứng Cớ có hai bảng đá do chính Đức Chúa Trời ghi chép Mười Điều Răn của Ngài, làm bằng chứng cho giao ước giữa Đức Chúa Trời và dân I-sơ-ra-ên. Giao ước ấy là sự Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho dân I-sơ-ra-ên, khi họ vâng giữ Mười Điều Răn của Ngài; và Ngài sẽ hình phạt họ, khi họ phạm Mười Điều Răn của Ngài.

Sau khi Môi-se qua đời, dân I-sơ-ra-ên đã được Giô-suê dẫn dắt đánh chiếm đất Ca-na-an. Họ đã mang theo Đền Tạm. Đền Tạm đã ở giữa dân I-sơ-ra-ên trong đất Ca-na-an cho tới khi Đa-vít làm vua của dân I-sơ-ra-ên, thì Đa-vít muốn xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa.

46 Người đã tìm được ơn trước Đức Chúa Trời, và xin tìm một chỗ ở cho Đức Chúa Trời của Gia-cốp.

47 Nhưng Sa-lô-môn đã cất cho Ngài một ngôi nhà.

Đa-vít rất được ơn trước Đức Chúa Trời và ông có lòng muốn xây cất Đền Thờ Thiên Chúa. Tuy nhiên Đức Chúa Trời đã không cho phép Đa-vít cất Đền Thờ, vì tay Đa-vít đã giết quá nhiều kẻ thù. Vì thế, việc cất Đền Thờ đã được giao cho Sa-lô-môn, con trai của Đa-vít và là người kế vị Đa-vít.

Đền Thờ Thiên Chúa đã được Vua Sa-lô-môn khởi công vào năm thứ tư sau khi ông làm vua, vào năm 966 TCN. Công trình xây cất đã kéo dài suốt bảy năm và được hoàn tất vào năm 960 TCN [2], [3]. Chi tiết về lễ cung hiến Đền Thờ được ghi lại trong I Các Vua đoạn 8 và II Sử Ký đoạn 6.

48 Tuy nhiên, Đấng Rất Cao chẳng ở trong các đền thờ làm bởi tay người, như đấng tiên tri đã nói:

49 Chúa phán: Trời là ngai của Ta. Đất là bệ chân của Ta. Nhà nào các ngươi sẽ cất cho Ta? Hay nơi nào là chỗ nghỉ của Ta?

50 Chẳng phải tay của Ta đã dựng nên mọi vật này sao? [Ê-sai 66:1-2]

Sau khi nói đến việc Vua Sa-lô-môn xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa, Ê-tiên đã bắt đầu dùng Thánh Kinh để giải thích ý nghĩa thật sự của Đền Thờ Thiên Chúa. Chính lời giải thích này của Ê-tiên đã mang lại án chết cho ông. Mặc dù Ê-tiên hoàn toàn trích dẫn Thánh Kinh chứ không nói theo ý riêng của ông.

Ê-tiên đã trích dẫn Ê-sai 66:1-2 để khẳng định rằng, chính Thiên Chúa cho biết, trời và đất đều do Ngài dựng nên; và là chỗ ngồi và bệ đặt chân của Ngài thì có nhà nào mà loài người có thể cất ra cho Ngài. Vì thế, Đức Chúa Trời không ở trong các đền thờ làm bởi tay người. Đền Thờ do Vua Sa-lô-môn xây dựng, được dâng lên Thiên Chúa và Đức Chúa Trời đã thể hiện sự hiện diện của Ngài trong Đền Thờ bằng hiện tượng sự vinh quang của Ngài đã đầy dẫy trong Đền Thờ như mây. Nhưng đó chỉ là sự thể hiện sự hiện diện của Đức Chúa Trời chứ Đức Chúa Trời không cư trú trong Đền Thờ. Ngài cư trú trong thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời, do chính Ngài làm ra.

Tuy nhiên, có lẽ khi những người có mặt trong Tòa Công Luận nghe Ê-tiên giảng giải Ê-sai 66:1-2 thì họ đã ồn ào bàn tán, cho rằng, Ê-tiên đã thật sự phạm thượng Đền Thờ Thiên Chúa, khi cho rằng Đức Chúa Trời không ở trong Đền Thờ. Và cũng theo cách suy nghĩ và lập luận của họ. Nếu cho rằng, Đức Chúa Trời không ở trong Đền Thờ thì có khác nào cũng cho rằng, mọi nghi thức tế lễ là vô nghĩa. Và như vậy, Ê-tiên cũng đã phạm thượng luôn đến luật pháp của Đức Chúa Trời về các điều khoản dâng tế lễ.

Có lẽ sự ồn ào phản đối Ê-tiên và những lời cáo buộc Ê-tiên phạm thượng nổi lên, cắt đứt sự giảng giải của Ê-tiên, nên ông đã ngưng ngang lời giảng của mình mà nói lời quở trách họ, càng làm cho họ nóng giận càng hơn.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
14/08/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-he-bo-ro-1117-31-guong-duc-tin-phan-2/

[2] https://kytanthe.net/003-tom-luoc-lich-su-loai-nguoi/

[3] https://drivethruhistory.com/the-temple-in-jerusalem/

Karaoke Thánh Ca: “Con Sẽ Chẳng Rời Ngài”
https://karaokethanhca.net/con-se-chang-roi-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.