Chú Giải Hê-bơ-rơ 11:33-40 Gương Đức Tin – Phần 4

1,746 views

 

Nguồn: https://youtu.be/PQ_9xkHmPoM

Chú Giải Hê-bơ-rơ 11:33-40
Gương Đức Tin – Phần 4

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 11:33-40

33 Những người đó bởi đức tin đã thắng được các nước, làm sự công bình, nhận được những lời hứa, bịt mồm những sư tử,

34 dập tắt quyền của lửa, lánh khỏi lưỡi gươm, ra khỏi bệnh tật, được mạnh mẽ, trở nên dũng mãnh trong chiến tranh, khiến lui đi các đạo binh của ngoại quốc.

35 Có những người đàn bà đã được những người chết của họ sống lại. Những người khác đã bị tra tấn mà không chịu nhận sự cứu chuộc, để họ được sự sống lại tốt hơn.

36 Những người khác đã trải qua những sự chê cười, những sự đánh đập, lại cũng chịu sự xiềng xích và sự lao tù nữa.

37 Họ đã bị ném đá. Họ đã bị cưa làm hai. Họ đã bị thử thách, bị giết bằng gươm. Họ đã lang thang trong những da chiên và những da dê, bị thiếu thốn, bị hà hiếp, bị ngược đãi.

38 Thế gian đã không xứng đáng đối với họ. Họ đã lang thang trong những đồng vắng, những núi non, những hang và những hầm của đất.

39 Hết thảy những người ấy bởi đức tin đã được làm chứng tốt, nhưng chưa nhận được lời hứa.

40 Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước những điều tốt hơn cho chúng ta, mà nếu không có chúng ta thì chúng không được trọn vẹn.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học tiếp những câu còn lại trong Hê-bơ-rơ đoạn 11 về gương đức tin của các thánh đồ.

33 Những người đó bởi đức tin đã thắng được các nước, làm sự công bình, nhận được những lời hứa, bịt mồm những sư tử,

“Những người đó” là những người đã được nhắc đến trong các câu trước đó, mà chúng ta đã học về gương đức tin của họ trong ba bài học trước.

“Thắng được các nước” là thắng được các quốc gia nghịch thù dân I-sơ-ra-ên.

“Làm sự công bình” là làm ra những sự Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ và muốn họ làm. Nói cách khác, mỗi khi một người làm ra bất cứ một điều gì theo ý muốn của Đức Chúa Trời, bởi đức tin của người ấy nơi Đức Chúa Trời, thì người ấy làm một việc làm công bình. Vì sao khi chúng ta làm điều Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm là chúng ta làm điều công bình? Vì việc làm ấy thể hiện lòng tôn kính Chúa và vâng phục Chúa của chúng ta. Chúa là Đấng tạo dựng nên chúng ta và cầm quyền cai trị tuyệt đối trên muôn loài. Chúa là thiện. Ý muốn của Chúa là tốt lành cho muôn loài, nên khi chúng ta bởi đức tin làm điều Chúa muốn chúng ta làm là chúng ta tôn vinh Chúa, chiếu ra sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Vì việc làm của chúng ta chứng minh rằng, chúng ta thực sự tin Chúa là Đấng yêu thương, công chính, và thánh khiết.

Cũng có những người làm ra những sự Đức Chúa Trời muốn họ làm, nhưng không bởi đức tin, mà chỉ vì tránh bị Chúa hình phạt. Điển hình là Tiên Tri Giô-na. Ông không muốn vâng theo mệnh lệnh của Chúa, đến thành Ni-ni-ve để tiên tri về sự Đức Chúa Trời sẽ hình phạt thành Ni-ni-ve. Sau khi bị Chúa sửa phạt thì Giô-na mới chịu làm công việc Chúa giao phó. Rồi khi dân thành Ni-ni-ve nghe lời tiên tri của ông, hạ mình ăn năn tội, được Đức Chúa Trời tha thứ, không hình phạt, thì Giô-na lại tức giận, oán trách Chúa.

Ngày nay, trong Hội Thánh cũng có nhiều người miễn cưỡng làm theo mệnh lệnh của Chúa, không bởi đức tin mà chỉ vì để tránh bị Chúa hình phạt. Điển hình là sự họ miễn cưỡng dứt thông công với những người có tội mà không chịu ăn năn, khi những người ấy là bạn thân hoặc người thân trong gia đình.

Lại có những trường hợp một số người biết rõ các giáo hội giảng dạy sai nghịch Lời Chúa nhưng họ không ra khỏi các giáo hội, vì họ không muốn mất đi sự thông công với những người ở trong các giáo hội.

Lại có những trường hợp một số người không dứt thông công cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em… dù người thân của mình phạm tội mà không ăn năn.

Ngược lại, cũng có những trường hợp người ta làm theo mệnh lệnh của Chúa để tìm kiếm sự khen ngợi của loài người, để thỏa lòng kiêu ngạo, khoe khoang, tự tôn của họ. Từ sự rao giảng Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa, cứu giúp người cần được cứu giúp, đến sự dâng hiến vào các mục vụ trong Hội Thánh… thời nào cũng có những người làm vì lòng cạnh tranh, như Lời Chúa đã nói trong Phi-líp 1:15. Việc làm của họ, nếu đúng theo Lời Chúa thì cũng mang lại thành quả, nhưng họ sẽ không nhận được một sự ban thưởng nào khác từ nơi Chúa, ngoài sự khen ngợi của loài người mà họ đã nhận được (Ma-thi-ơ 6:2).

Khi chúng ta không làm theo ý Chúa là chúng ta làm ra sự ác, vì chúng ta không vâng phục Chúa. Không vâng phục Chúa là bội nghịch Chúa. Biết rõ ý Chúa, được Chúa dùng người khác để nhắc nhở mà vẫn không làm theo ý Chúa là cố chấp. Lời Chúa dạy:

“Vì sự bội nghịch cũng như tội dùng tà thuật. Sự cố chấp cũng như tội ác và sự thờ lạy thần tượng…” (I Sa-mu-ên 15:23).

Vì khi một người làm theo ý mình thay vì làm theo ý Chúa là người ấy đương nhiên tự đặt mình cao hơn Chúa, tự biến mình thành Đức Chúa Trời của chính mình.

“Nhận được những lời hứa” là nhận được một phần những lời hứa thuộc thể lẫn thuộc linh, trong khi còn đang sống trong thân thể xác thịt hiện tại.

Ngày nay, là con dân Chúa, được nhập vào trong Hội Thánh của Chúa, chúng ta có rất nhiều lời hứa Chúa ban cho chúng ta, từ thuộc thể đến thuộc linh, trong đời này lẫn đời sau. Những lời hứa ấy đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Chúng ta chỉ có thể bởi đức tin mà nhận được những lời hứa ấy. Tiếc thay, có nhiều người mang danh là con dân Chúa nhưng lại không có đức tin nơi Chúa, không có đức tin nơi Lời Hằng Sống của Ngài; điển hình là lời hứa của Chúa trong Ma-thi-ơ 6:25-34. Vì thế, họ đi làm kiếm sống trong ngày Sa-bát. Vì thế, họ ngừa thai. Vì thế, họ than van, oán trách Chúa khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, với bệnh tật mà Chúa không chữa lành. Những người như vậy sẽ không nhận được một lời hứa nào của Chúa, kể cả lời hứa về sự sống đời đời. Vì họ không có đức tin nơi Chúa, không có đức tin nơi Lời Hằng Sống của Ngài.

“Không có đức tin thì không thể nào làm vừa lòng Ngài. Vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng, Ngài thực hữu…” (Hê-bơ-rơ 11:6).

Những người như vậy, sẽ lui đi trong đức tin và rơi trở lại vào trong sự hư mất, nếu họ không kịp thời ăn năn.

“Bịt mồm những sư tử” là nhắc đến sự kiện Tiên Tri Đa-ni-ên bị ném vào hang sư tử. Câu chuyện này được chép lại trong Đa-ni-ên đoạn 6. Vào thời Vua Đa-ri-út, vua cho thiết lập 120 tỉnh trưởng để giúp vua cai trị khắp đế quốc. Vua cũng thiết lập ba thừa tướng mà các tỉnh trưởng có nhiệm vụ phải báo cáo với họ. Đa-ni-ên là một trong ba thừa tướng và là người đứng đầu trong các thừa tướng. Hai thừa tướng kia cùng với 120 tỉnh trưởng ganh tỵ Đa-ni-ên nên họ cùng nhau tìm cách hãm hại Đa-ni-ên. Khi họ biết Đa-ni-ên mỗi ngày ba lần cầu nguyện với Thiên Chúa thì họ cùng nhau lập kế hãm hại Đa-ni-ên. Họ dâng kiến nghị lên Vua Đa-ri-út. Họ kiến nghị rằng, trong vòng 30 ngày không ai được kêu cầu thần hay người nào khác ngoài vua. Ai vi phạm sẽ bị ném vào hang sư tử. Vua Đa-ri-út không biết dã tâm của họ nên chấp nhận kiến nghị của họ và ra chiếu chỉ, biến kiến nghị thành cấm lệnh.

Đa-ni-ên nghe cấm lệnh xong, vẫn mở cửa sổ nhà, hướng về thành Giê-ru-sa-lem, ngày ba lần, quỳ gối cầu nguyện và cảm tạ Thiên Chúa. Các thừa tướng và tỉnh trưởng kiện Đa-ni-ên trước vua. Vua vì luật pháp nghiêm khắc của đế quốc mà truyền ném Đa-ni-ên vào hang sư tử, rồi truyền lấp miệng hang với một khối đá có dấu ấn của vua và các đại thần để không ai có thể cứu Đa-ni-ên. Tuy nhiên, Vua Đa-ri-út rất đau buồn, vì ông yêu quý Đa-ni-ên. Vua kiêng ăn và suốt đêm không ngủ. Sáng sớm hôm sau, vua đến hang sư tử, gọi tên Đa-ni-ên. Vua buồn rầu, gọi Đa-ni-ên:

“Hỡi Đa-ni-ên, tôi tớ Thiên Chúa Hằng Sống! Thiên Chúa ngươi mà ngươi hằng hầu việc có thể giải cứu ngươi khỏi sư tử được chăng?”

Đa-ni-ên đáp:

“Hỡi vua, chúc vua sống đời đời! Thiên Chúa tôi đã sai thiên sứ Ngài, và bịt miệng các sư tử, nên chúng nó không làm hại gì đến tôi, bởi tôi đã được nhận là vô tội trước mặt Ngài. Hỡi vua, đối với vua cũng vậy, tôi chẳng từng làm hại gì.”

Vua Đa-ri-út mừng rỡ, sai người đem Đa-ni-ên ra khỏi hang sư tử. Sau đó, vua truyền đem những kẻ kiện cáo Đa-ni-ên cùng với vợ con của họ, đem ném vào hang sư tử. Sau đó, Vua Đa-ri-út ra chiếu chỉ cho toàn dân trong đế quốc phải kính sợ Thiên Chúa của Đa-ni-ên. Ông gọi Ngài là “Thiên Chúa Hằng Sống”. Vua Đa-ri-út được Đức Chúa Trời gọi là tôi tớ của Ngài. Vì Đức Chúa Trời dùng vua, phóng thích dân I-sơ-ra-ên bị phu tù 70 năm tại Ba-by-lôn để họ quay về xây dựng lại Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem.

34 dập tắt quyền của lửa, lánh khỏi lưỡi gươm, ra khỏi bệnh tật, được mạnh mẽ, trở nên dũng mãnh trong chiến tranh, khiến lui đi các đạo binh của ngoại quốc.

“Dập tắt quyền của lửa” là nhắc đến ba người bạn của Đa-ni-ên bị Vua Nê-bu-cát-nết-sa của đế quốc Ba-by-lôn ném vào trong lò lửa, vì họ không chịu quỳ lạy hình tượng. Câu chuyện về họ được chép lại trong Đa-ni-ên đoạn 3. Ba người bạn của Đa-ni-ên, Sa-đơ-rắc, Mê-sác, và A-bết Nê-gô, cùng với Đa-ni-ên bị quân lính Ba-by-lôn bắt giải về Ba-by-lôn làm nô lệ, khi vương quốc Giu-đa phạm tội, không ăn năn, bị Chúa dùng dân Ba-by-lôn đánh phạt. Vì sự khôn sáng Chúa ban mà Đa-ni-ên được Vua Nê-bu-cát-nết-sa cho làm thống đốc kinh đô Ba-by-lôn và làm người đứng đầu tất cả các nhà thông thái của Ba-by-lôn. Đa-ni-ên xin vua cho ba người bạn của ông cùng giám sát các công việc của kinh đô Ba-by-lôn.

Một ngày kia, Vua Nê-bu-cát-nết-sa cho đúc một hình tượng bằng vàng. Trong ngày khánh thành hình tượng, vua truyền lệnh cho mọi người phải sấp mình xuống, thờ lạy hình tượng. Ai bất tuân sẽ bị ném vào lò lửa. Nhưng ba người bạn của Đa-ni-ên đã không sấp mình thờ lạy hình tượng. Những người Canh-đê, tức dân Ba-by-lôn, tố cáo họ trước Nê-bu-cát-nết-sa. Vua cho họ thêm một cơ hội để quỳ lạy hình tượng. Nhưng họ đáp lời vua:

“Hỡi Nê-bu-cát-nết-sa, về sự này, không cần chi chúng tôi tâu lại cho vua. Này, hỡi vua! Thiên Chúa mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua. Dù chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng, chúng tôi không hầu việc các thần của vua, và không thờ phượng hình tượng vàng mà vua đã dựng.”

Vua tức giận, truyền cho đốt lò lửa nóng gấp bảy lần hơn, rồi sai quân lính trói ba người bạn của Đa-ni-ên lại, quăng vào lò lửa. Vì lò lửa quá nóng nên những người lính ấy đều bị cháy chết. Còn ba người bạn của Đa-ni-ên vẫn bị trói mà rơi vào giữa lò lửa. Nhưng Vua Nê-bu-cát-nết-sa lại nhìn thấy có bốn người không bị trói ở trong lò lửa. Vua nói:

“Này, ta thấy bốn người không bị trói, bước đi giữa lửa mà chẳng bị thương; và hình dung của người thứ tư giống như một con trai của Thiên Chúa.”

Rồi, vua đích thân đến gần lò lửa, gọi ba người bạn của Đa-ni-ên bước ra. Mọi người bao quanh ba người ấy và thấy rằng, lửa không có quyền trên thân thể của họ. Tóc trên đầu họ không bị cháy sém, quần áo của họ không thay đổi, ngay cả mùi của lửa cũng không có trên họ. Vua Nê-bu-cát-nết-sa nói:

“Đáng tôn vinh Thiên Chúa của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết Nê-gô! Ngài đã sai thiên sứ Ngài và giải cứu các tôi tớ Ngài nhờ cậy Ngài, họ đã trái lời vua, và liều bỏ thân thể mình, để không hầu việc và không thờ phượng thần nào khác ngoài Thiên Chúa mình. Cho nên ta ban chiếu chỉ này: Bất kỳ dân nào, nước nào, thứ tiếng nào, bất cứ người nào nói xấu đến Thiên Chúa của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết Nê-gô, thì sẽ bị phân thây, nhà nó sẽ phải thành ra đống phân, vì không có thần nào khác có thể giải cứu được thể này.”

Đối với những người có đức tin nơi Thiên Chúa thì ngay cả lửa của hỏa ngục cũng không có quyền trên họ (Khải Huyền 20:6, 14). Ngày nay, nếu chúng ta có đức tin như ba người bạn của Đa-ni-ên thì Chúa vẫn làm phép lạ vượt trên các định luật vật lý của thế giới thuộc thể này để giải cứu chúng ta ra khỏi nghịch cảnh. Trừ khi Ngài muốn dùng kẻ bách hại chúng ta giết chúng ta, để Ngài đem chúng ta vào trong thiên đàng.

“Lánh khỏi lưỡi gươm” hàm ý thoát khỏi sự truy sát của kẻ thù, như Đa-vít thoát khỏi tay của Vua Sau-lơ, như Tiên Tri Ê-li-sê thoát khỏi quân lực của Sy-ri (II Các Vua 6).

“Ra khỏi bệnh tật” như Vua Ê-xê-chia được khỏi bệnh gần chết và được sống thêm 15 năm (II Các Vua 20).

“Được mạnh mẽ” như Sam-sôn kéo sập đền thờ tà thần của dân Phi-li-tin, giết chết 3.000 dân Phi-li-tin; như Đa-vít giết chết người khổng lồ Gô-li-át bằng một viên đá.

“Trở nên dũng mãnh trong chiến tranh, khiến lui đi các đạo binh của ngoại quốc” như trong các chiến công của Giô-suê, Ba-rác, Ghê-đê-ôn, Giép-thê, Sam-sôn, Đa-vít…

Ngày nay, con dân Chúa vẫn có thể bởi đức tin mà lánh khỏi những sự bách hại của mọi kẻ thù; được chữa lành bệnh tật cách siêu nhiên; được mạnh mẽ về tâm thần lẫn thể xác để hoàn thành những việc lành được Đức Chúa Trời sắm sẵn cho và giao phó cho; được dũng mãnh như một người lính giỏi của Đấng Christ trong mọi cuộc chiến thuộc linh.

Cuộc chiến quan trọng nhất là cuộc chiến chống lại bản ngã xác thịt tội lỗi mà tất cả con dân Chúa đều phải đối diện.

“…nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.” (I Cô-rinh-tô 9:27).

Nếu chúng ta không chiến thắng được con người cũ xác thịt của chính mình thì chỉ là vì chúng ta không có đức tin nơi Thiên Chúa và nơi Lời Hằng Sống của Ngài. Lời Chúa đã khẳng định:

“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Khi một người đưa ra bất cứ lý do gì để không làm theo Lời Chúa, để không chịu khổ vì danh Chúa, thì người đó đương nhiên không có đức tin vào Thiên Chúa và Lời Hằng Sống của Ngài. Hoặc người ấy cho rằng, Thiên Chúa không toàn năng. Hoặc người ấy cho rằng, Thiên Chúa nói dối. Một người như vậy, thà không tin Chúa còn tốt hơn cho người ấy, vì hình phạt dành cho người không tin Chúa sẽ nhẹ hơn hình phạt dành cho người tin Chúa, rồi về sau lui đi trong đức tin (II Phi-e-rơ 2:20-22).

35 Có những người đàn bà đã được những người chết của họ sống lại. Những người khác đã bị tra tấn mà không chịu nhận sự cứu chuộc, để họ được sự sống lại tốt hơn.

“Có những người đàn bà đã được những người chết của họ sống lại” là nhắc đến câu chuyện của một người đàn bà góa thành Sa-rép-ta và một người đàn bà giàu có thành Su-nem.

Câu chuyện về người đàn bà góa thành Sa-rép-ta được ghi lại trong I Các Vua đoạn 17. Vào lúc ấy, A-háp đang làm vua vuơng quốc I-sơ-ra-ên. A-háp là một vua gian ác hơn các vua khác và cho dựng các tượng tà thần trong vương quốc I-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời sai Tiên Tri Ê-li phán truyền cho Vua A-háp biết là sẽ không có mưa hoặc sương móc trên vương quốc I-sơ-ra-ên cho tới khi Ê-li lên tiếng cầu xin cho có mưa. Sau đó, Đức Chúa Trời sai Ê-li lánh vào khe Kê-rít. Mỗi ngày hai bận, Chúa sai chim quạ đem bánh và thịt nuôi Ê-li. Khi khe Kê-rít trở nên cạn khô vì không có mưa thì Đức Chúa Trời truyền cho Ê-li đi đến thành Sa-rép-ta thuộc xứ Si-đôn. Tại đó, Đức Chúa Trời đã sắm sẵn một người đàn bà góa để nuôi Ê-li. Người đàn bà góa chỉ còn có một ít bột và dầu nhưng Đức Chúa Trời đã làm phép lạ khiến cho bột và dầu không bao giờ hết trong bình. Nhờ đó, người đàn bà góa cùng con trai của bà và Ê-li có thức ăn mỗi ngày. Ít lâu sau, con trai của người đàn bà góa bị bệnh và qua đời. Nhưng Tiên Tri Ê-li cầu xin Thiên Chúa và Ngài đã khiến cho đứa trẻ được sống lại.

Câu chuyện về người đàn bà giàu có thành Su-nem được ghi lại trong II Các Vua 4. Sau khi Tiên Tri Ê-li được Chúa cất lên trời thì học trò của ông là Ê-li-sê tiếp nhận chức vụ tiên tri. Một ngày kia, Ê-li-sê đi ngang qua thành Su-nem. Ở đó, có một người đàn bà giàu có mời Ê-li-sê vào nhà của bà để bà đãi ăn. Từ đó, mỗi khi Ê-li-sê có việc đi ngang thành Su-nem đều ghé lại nhà ấy để ăn uống. Người đàn bà nói với chồng rằng, bà biết Ê-li-sê là một thánh đồ của Đức Chúa Trời và đề nghị chồng xây một phòng cao dành riêng để tiếp đón Ê-li-sê, mỗi khi ông ghé lại Su-nem. Ê-li-sê biết ơn bà nên hỏi học trò của ông rằng, hai thầy trò nên làm gì cho bà. Học trò của Ê-li-sê đáp rằng, bà không có con trai mà chồng thì đã già rồi. Ê-li-sê bảo học trò gọi bà đến. Bà đến đứng trước cửa phòng. Ê-li-sê nói với bà rằng, năm tới bà sẽ sinh một con trai. Qua năm sau, bà sinh được một con trai. Một ngày kia, đứa trẻ đang chạy chơi ngoài đồng, xem người ta gặt lúa thì kêu lên là bị đau đầu. Cha nó sai tôi tớ mang đứa trẻ về nhà giao cho mẹ của nó. Đứa trẻ ngồi trên đầu gối của mẹ cho đến trưa thì chết. Bà đem nó để nằm trên giường, trong căn phòng dành riêng cho Ê-li-sê. Rồi, bà cưỡi lừa, đi đến gặp Ê-li-sê trên núi Cạt-mên. Ê-li-sê đã theo bà, về lại nhà bà, cầu nguyện với Đức Chúa Trời, cứu sống đứa trẻ.

“Những người khác đã bị tra tấn mà không chịu nhận sự cứu chuộc, để họ được sự sống lại tốt hơn” nói đến vô số người đã thà chết chứ không chối bỏ đức tin nơi Thiên Chúa. Câu này nói đến những thánh đồ bị bách hại trong khoảng thời gian Đức Chúa Trời im lặng đối với dân I-sơ-ra-ên, từ sau thời của Tiên Tri Ma-la-chi cho đến thời của Sứ Đồ Phao-lô. Chính Phao-lô trước khi trở thành sứ đồ của Chúa cũng là một trong những người bách hại và tra tấn con dân Chúa cách tàn bạo, như đã chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 8:3.

Danh từ “sự cứu chuộc” được dùng để nói đến sự trả ra một giá để được khỏi chết. Thường thì những kẻ bách hại con dân Chúa ra điều kiện cho con dân Chúa phải chối bỏ Chúa để không bị tra tấn và không bị giết. Người chối bỏ Chúa để được thoát khỏi sự tra tấn và được sống là người chọn chuộc lại mạng sống của mình bằng sự chối Chúa. Lời Chúa dạy:

“Ai tìm sự sống của mình sẽ mất nó. Ai vì cớ Ta mất sự sống của mình sẽ tìm được nó.” (Ma-thi-ơ 10:39).

Ngày nay, nhiều người xưng mình là con dân Chúa, tuy không bị bách hại về đức tin, không bị ai tra tấn và dọa giết nhưng chỉ vì sự tham muốn của xác thịt mà dễ dàng phạm tội. Mỗi một sự cố ý phạm tội của người đã tin nhận Chúa đều là một lần người ấy chối Chúa. Chối rằng, Ngài là chủ của người ấy, vì đã không vâng theo lời phán của Ngài. Chối rằng, thân thể mình là Đền Thờ của Thiên Chúa, vì đã dùng nó để phạm tội. Chối rằng, mình đã được dựng nên mới, đang được thánh hóa, sẵn sàng cho sự sống đời đời. Sự thương xót của Đức Chúa Trời là lớn. Ngài vẫn ban cho những kẻ có tội cơ hội ăn năn. Nhưng không ai biết khi nào thì Đức Chúa Trời sẽ không còn ban cơ hội cho những kẻ cứ tiếp tục phạm tội. Đến một thời điểm, Đức Chúa Jesus Christ sẽ mửa kẻ cứ tiếp tục phạm tội ra khỏi Hội Thánh của Ngài.

36 Những người khác đã trải qua những sự chê cười, những sự đánh đập, lại cũng chịu sự xiềng xích và sự lao tù nữa.

37 Họ đã bị ném đá. Họ đã bị cưa làm hai. Họ đã bị thử thách, bị giết bằng gươm. Họ đã lang thang trong những da chiên và những da dê, bị thiếu thốn, bị hà hiếp, bị ngược đãi.

Hai câu 36 và 37 tiếp tục ghi lại hoàn cảnh của con dân Chúa trong khoảng thời gian Đức Chúa Trời im lặng đối với dân I-sơ-ra-ên từ sau thời của Tiên Tri Ma-la-chi cho đến thời của Sứ Đồ Phao-lô. Tuy nhiên, con dân Chúa trong mọi thời đại cũng thường bị bách hại, phải trải qua những sự sỉ nhục và cực hình tương tự. Bị chê cười, bị đánh đập, bị xiềng xích và nhốt tù còn là nhẹ. Biết bao nhiêu con dân Chúa đã trung tín, giữ vững đức tin nơi Thiên Chúa, nơi Lời Hằng Sống của Ngài, thà chịu bị tra tấn và bị giết bằng nhiều hình thức dã man. Ngay chính Đức Chúa Jesus Christ cũng từng bị dân chúng ném đá (Giăng 10:31). Phao-lô là người chứng kiến Chấp Sự Ê-Tiên bị ném đá chết (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:58). Về sau, khi Phao-lô trở thành sứ đồ của Chúa thì bản thân ông cũng bị ném đá gần chết (II Cô-rinh-tô 11:25).

Hình phạt bị cưa làm hai, tùy theo nơi, có thể là bị cưa ngang giữa người hoặc bị cưa dọc từ đỉnh đầu. Sau đó, xác chết có thể bị treo trên cây hoặc trên vách thành để thị chúng. Theo truyền khẩu trong I-sơ-ra-ên thì Tiên Tri Ê-sai là người đã bị Vua Ma-na-se ra lệnh cưa làm hai [1].

Những kẻ bách hại con dân Chúa cũng dùng những hình phạt tra tấn dã man để thử thách đức tin của con dân Chúa. Nổi bật nhất là Pháp Đình Tôn Giáo do Giáo Hội Công Giáo lập ra để bách hại con dân chân thật của Chúa. Lịch sử ghi lại những hình thức tra tấn dã man của Giáo Hội Công Giáo kéo dài trong 642 năm (1184-1826) đối với những ai chống lại sự rao giảng tà giáo của giáo hội [2]. Chỉ cần một người cất giữ một cuốn Thánh Kinh trong nhà cũng đủ để khiến cho người ấy cùng gia đình bị tra tấn và giết chết. Những sự tra tấn đó rất là khủng khiếp và hàng chục triệu con dân Chúa đã giữ vững đức tin cho đến chết [3].

“Bị giết bằng gươm” có thể là bị chém đầu hoặc bị cắt cổ. Cho đến ngày nay, con dân Chúa trong các quốc gia theo Hồi Giáo vẫn bị những kẻ cuồng tín theo Hồi Giáo giết chết bằng hình thức cắt cổ [4].

“Họ đã lang thang trong những da chiên và những da dê, bị thiếu thốn, bị hà hiếp, bị ngược đãi.” Động từ lang thang nói lên sự không có chỗ ở cố định, vì con dân Chúa phải trốn tránh những kẻ bách hại họ. Quần áo thông thường bằng vải cũng hiếm hoi đối với họ và họ phải dùng da chiên hoặc da dê để che thân. Họ bị thiếu thốn các tiện nghi trong đời sống, thậm chí thiếu thốn các nhu cầu như thức ăn, thức uống, thuốc men, chỗ ở… Họ bị xã hội hà hiếp và ngược đãi.

38 Thế gian đã không xứng đáng đối với họ. Họ đã lang thang trong những đồng vắng, những núi non, những hang và những hầm của đất.

Điều này vẫn đang xảy ra cho con dân Chúa tại Trung Quốc. Hê-bơ-rơ 11:38 được ghi chép cách nay gần hai ngàn năm nhưng cũng chính là thực tế của hàng triệu con dân Chúa tại Trung Quốc ngày nay. Nhiều trẻ em là con cháu của con dân Chúa tại Trung Quốc đã không hề biết đến thế giới văn minh hiện đại, vì các em được sinh ra trong những hang động, sống giữa núi đồi, rừng cây… chưa bao giờ được nhìn thấy một thôn làng, nói chi là thành phố. Ông bà, cha mẹ của các em đã xa rời xã hội văn minh, vào sống trong núi rừng để trốn tránh sự bách hại đức tin.

Thực tế, trong thời đại của chúng ta, con dân Chúa vẫn phải chịu sự bách hại đức tin một cách tàn khốc trong các quốc gia bị cai trị bởi Hồi Giáo hoặc chủ nghĩa cộng sản. Cuốn sách “Hoa Huệ Giữa Chông Gai” ghi lại một số gương đức tin của con dân Chúa trong Hội Thánh tại Trung Quốc. Chúng tôi đã trích đăng một phần trên khu mạng https://timhieutinlanh.com/.

Hoa Huệ Giữa Chông Gai – 01
https://timhieutinlanh.com/hoa-hue-giua-chong-gai-01/
Hoa Huệ Giữa Chông Gai – 02
https://timhieutinlanh.com/hoa-hue-giua-chong-gai-02/
Hoa Huệ Giữa Chông Gai – 03
https://timhieutinlanh.com/hoa-hue-giua-chong-gai-03/
Hoa Huệ Giữa Chông Gai – 04
https://timhieutinlanh.com/hoa-hue-giua-chong-gai-04/

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, đã đúc kết bài học về gương đức tin của các thánh đồ, như sau:

39 Hết thảy những người ấy bởi đức tin đã được làm chứng tốt, nhưng chưa nhận được lời hứa.

Câu 39 dường như mâu thuẫn với câu 33. Vì trong câu 33 thì nói họ “nhận được những lời hứa”, trong khi câu 39 lại nói là họ “chưa nhận được lời hứa”. Tuy nhiên, khi chúng ta đối chiếu các câu 13, 33, và 39 với nhau thì chúng ta thấy:

  • Câu 33 không nói là họ đã nhận được tất cả những lời hứa, mà chỉ nói, họ nhận được những lời hứa, hàm ý, họ đã nhận được một phần của những lời hứa trong khi họ còn sống trong thân thể xác thịt. Điển hình như Giô-suê và Ca-lép được vào trong Đất Hứa; như sự các quan xét và Đa-vít đánh thắng các quân thù; như Đa-ni-ên và ba người bạn của ông được giải cứu khỏi sự chết.
  • Câu 13 và 39 nói đến phần quan trọng của lời hứa, liên quan đến đời sau, như sự sống lại và sự sống đời đời trong Nước Trời, sự được chia phần trên đất (Thi Thiên 37:29), là các điều chưa hiện thực.

Hết thảy các thánh đồ được nêu tên trong Hê-bơ-rơ đoạn 11 đã được chính Đức Thánh Linh làm chứng tốt về đức tin của họ. Họ trở thành những tấm gương sáng cho con dân Chúa trong các thế hệ sau học tập. Cho đến ngày nay, một phần quan trọng trong lời hứa của Đức Chúa Trời đối với họ vẫn chưa hiện thực. Nhưng họ đang ở trong thiên đàng và biết chắc mọi lời hứa của Đức Chúa Trời đối với họ sẽ được hoàn thành.

40 Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước những điều tốt hơn cho chúng ta, mà nếu không có chúng ta thì chúng không được trọn vẹn.

Trong mọi vật được Thiên Chúa sáng tạo, loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa, được ban cho địa vị làm những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời, được các thiên sứ phục vụ, được ban cho cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Chính vì thế mà muôn loài thọ tạo sẽ trở thành vô nghĩa, nếu không có loài người. Thử hỏi, một căn nhà được xây cất đẹp đẽ với đầy đủ mọi tiện nghi mà không bao giờ có người vào ở thì sự xây cất đó còn có ý nghĩa gì?

Tuy nhiên, chỉ có những người thật lòng tôn kính, tin cậy, và vâng phục Thiên Chúa thì mới được vui hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Riêng những người thuộc Hội Thánh còn được quyền cai trị cơ nghiệp ấy.

Những điều tốt hơn mọi sự trong đời này mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta, những con trai và những con gái của Ngài, chính là Vương Quốc Đời Đời trong trời mới và đất mới. Chúng ta chỉ có thể nhận được lời hứa dự phần và cai trị vương quốc ấy chỉ bởi sự trung tín cho đến chết, giữ vững đức tin của chúng ta nơi Thiên Chúa và Lời Hằng Sống của Ngài.

Mong rằng, gương đức tin của những anh chị em cùng Cha của chúng ta ở khắp nơi, trong mọi thời đại, và ngay trong Hội Thánh địa phương của chúng ta, sẽ khích lệ chúng ta, làm vững thêm đức tin của chúng ta, an ủi chúng ta khi chúng ta đối diện với nghịch cảnh, và cho chúng ta được đồng cảm với thân thể của Đấng Christ vẫn đang chịu thương khó trong sự bị thế gian này bách hại.

Nguyện mọi lẽ thật của Lời Chúa khiến cho chúng ta được bền vững trong đức tin. Nguyện sự trông cậy của chúng ta hoàn toàn đặt trên lẽ thật của Lời Chúa. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/08/2019

Ghi Chú

[1] http://www.jewishencyclopedia.com/articles/8235-isaiah

[2] https://historycollection.co/snap-crackle-pop-torture-methods-of-the-spanish-inquisition/

[3] https://od.lk/f/MV82MzI2MTQxNV8

[4] https://www.christianpost.com/news/20-beheaded-coptic-christians-who-did-not-renounce-faith-in-jesus-before-isis-finally-laid-to-rest.htm

Karaoke Thánh Ca: “Lòng Con Vững Tin”
https://karaokethanhca.net/long-con-vung-tin/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.