Chú Giải I Cô-rinh-tô 07:01-16 Nguyên Tắc Chung về Hôn Nhân

2,969 views

 

YouTube: https://youtu.be/FBiKaiBSH5k

Chú Giải I Cô-rinh-tô 7:1-16
Nguyên Tắc Chung về Hôn Nhân

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 7:1-16

1 Về các điều mà các anh chị em đã viết cho tôi, thì đàn ông không đụng chạm về tình dục với đàn bà là tốt.

2 Nhưng để tránh sự tà dâm thì mỗi người đàn ông hãy có vợ cho mình; và mỗi người đàn bà hãy có chồng cho mình!

3 Chồng hãy làm hết bổn phận về tình dục đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy.

4 Vợ không có quyền tự chủ về thể xác của mình, mà là chồng. Chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thể xác của mình, mà là vợ.

5 Các anh chị em đừng từ chối nhau sự quan hệ tình dục, trừ khi cùng bằng lòng dành một thời gian để các anh chị em chuyên việc kiêng ăn và cầu nguyện, rồi trở lại cùng nhau, để Sa-tan không cám dỗ các anh chị em vì sự thiếu kiềm chế của các anh chị em.

6 Nhưng tôi nói điều này theo sự được phép làm, chứ không phải theo điều răn.

7 Vì tôi muốn mọi người đều được giống như tôi. Nhưng mỗi người có ân tứ riêng bởi Thiên Chúa. Thực tế người thì thế này, người thì thế khác.

8 Vậy, tôi nói với những người chưa kết hôn và những người góa bụa rằng, nếu cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ.

9 Nhưng nếu họ chẳng tự kiềm chế được thì họ hãy kết hôn. Vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt bởi tình dục.

10 Về những người đã kết hôn, thì tôi, nhưng chẳng phải tôi, mà là Chúa, truyền rằng: Vợ không nên từ bỏ chồng!

11 Nhưng nếu đã từ bỏ thì hãy cứ ở độc thân, hoặc là chịu phục hòa với chồng. Chồng cũng không nên từ bỏ vợ.

12 Về những người khác, chẳng phải Chúa, mà là tôi bảo họ rằng: Nếu người anh em cùng Cha nào có vợ không tin Chúa, và nàng bằng lòng ở chung với mình, thì người ấy không nên từ bỏ nàng.

13 Còn người đàn bà nào có chồng không tin Chúa, và anh ta bằng lòng ở chung với mình, thì nàng không nên từ bỏ anh ta.

14 Bởi vì, chồng không tin Chúa được thánh hóa qua vợ; vợ không tin Chúa được thánh hóa qua chồng; nếu không, con cái của các anh chị em chẳng tinh sạch, nhưng hiện nay, chúng là thánh.

15 Nhưng nếu kẻ không tin Chúa bỏ đi thì hãy để cho kẻ ấy bỏ đi. Người anh em cùng Cha hay là người chị em cùng Cha chẳng bị sự ràng buộc gì trong trường hợp đó. Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta trong sự bình an.

16 Hỡi người làm vợ! Biết đâu ngươi sẽ cứu được chồng? Hỡi người làm chồng! Biết đâu ngươi sẽ cứu được vợ?

Ngay từ buổi đầu sáng thế, hôn nhân đã là một định chế do chính Đức Chúa Trời lập ra để phát triển dòng dõi loài người. Và hôn nhân là sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ. Qua hôn nhân, người nữ giúp người nam trong việc quản trị đất cùng muôn vật trên đất, và cùng người nam phát triển dòng dõi của loài người, tạo ra một dòng dõi thánh, tức một dòng dõi ra từ loài người được biệt riêng cho Đức Chúa Trời (Ma-la-chi 2:15). Khoảng 4.000 năm sau đó, chính Đức Chúa Jesus Christ đã xác định:

“Ngài đã trả lời, phán với họ: Các ngươi chưa đọc rằng, Đấng dựng nên đã dựng nên họ, nam và nữ, vào lúc ban đầu; [Sáng Thế Ký 1:27; 5:2] và phán: Vì cớ đó, người nam sẽ lìa cha mẹ, và sẽ gắn bó với vợ của mình; cả hai sẽ nên một thịt, hay sao? [Sáng Thế Ký 2:24; Mác 10:7-8; Ê-phê-sô 5:31] Thế thì, họ không còn là hai nữa nhưng một thịt. Vậy, điều gì Đức Chúa Trời đã phối hiệp thì loài người chớ phân rẽ.” (Ma-thi-ơ 19:4-6).

Vì thế, chúng ta cần phải định nghĩa hôn nhân theo Thánh Kinh và chúng ta cần vâng theo các nguyên tắc về hôn nhân do chính Thiên Chúa đặt ra. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô đã dạy cho con dân Chúa các nguyên tắc về hôn nhân. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học nguyên tắc chung về hôn nhân, như đã được ghi lại trong I Cô-rinh-tô 7:1-16.

1 Về các điều mà các anh chị em đã viết cho tôi, thì đàn ông không đụng chạm về tình dục với đàn bà là tốt.

Qua câu trên, chúng ta hiểu rằng, Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã có viết thư cho Phao-lô, nêu lên câu hỏi, con dân Chúa có nên kết hôn hay không. Chúng ta không rõ nguyên nhân nào đã khiến cho họ nêu lên câu hỏi đó. Nhưng qua I Ti-mô-thê 4:1-3 thì chúng ta hiểu rằng, rất có thể đã có giáo sư giả xâm nhập Hội Thánh tại Cô-rinh-tô và rao giảng tà giáo. Trong đó, có tà giáo dạy rằng, con dân Chúa không được kết hôn:

“Nhưng Đấng Thần Linh phán tỏ tường rằng, trong những thời buổi sẽ đến, một số người sẽ từ bỏ đức tin mà theo các thần lừa dối và những giáo lý của ma quỷ. Chúng nói những lời nói dối trong sự giả hình, làm cho lương tâm của chúng chai lì. Chúng cấm cưới gả, kiêng các thức ăn mà Đức Chúa Trời đã dựng nên cho những ai tin và biết lẽ thật nhận lấy với lời cảm tạ.” (I Ti-mô-thê 4:1-3).

Động từ “đụng chạm” (G680) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là sờ chạm; nghĩa bóng là quan hệ tình dục với. Sự quan hệ tình dục giữa một người đàn ông với vợ là hợp pháp; nhưng sự quan hệ tình dục giữa một người đàn ông độc thân với một người đàn bà là không tốt, vì là tà dâm. Câu trả lời trên đây của Phao-lô dành cho những người đàn ông độc thân là không nên phạm tà dâm với đàn bà. Nói cách khác, không nên có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Chính vì thế mà Phao-lô đã viết tiếp lời khuyên trong câu 2:

2 Nhưng để tránh sự tà dâm thì mỗi người đàn ông hãy có vợ cho mình; và mỗi người đàn bà hãy có chồng cho mình!

Bản năng tính dục là điều Đức Chúa Trời ban cho loài người và các loài sinh vật khác để giúp cho việc sinh sản, lưu truyền dòng giống. Bản năng tính dục khiến cho chúng ta có nhu cầu tình dục, tức là muốn và cần được quan hệ tình dục. Nhưng sự quan hệ tình dục của loài người phải ở trong luật pháp của Đức Chúa Trời, nếu không thì sẽ là phạm tà dâm. Tà dâm là bất cứ sự ham muốn tình dục hay hoạt động tình dục nào không nằm trong quan hệ vợ chồng giữa một người nam và một người nữ. Chính vì thế mà con dân Chúa nên kết hôn.

3 Chồng hãy làm hết bổn phận về tình dục đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy.

Bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất của vợ chồng đối với nhau là phải làm tròn bổn phận về tình dục. Chồng phải hết sức đáp ứng nhu cầu quan hệ tình dục của vợ và vợ cũng phải hết sức đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng. Nhưng phải giữ cho sự quan hệ tình dục luôn thánh khiết như Lời Chúa dạy trong Hê-bơ-rơ 13:4. Để biết thêm chi tiết về sự quan hệ tình dục giữa vợ chồng theo ý Chúa, xin đọc và nghe các bài giảng Chú Giải Nhã Ca và bài giảng Chú Giải Hê-bơ-rơ 13:1-6. Các bài này đã được đăng trên timhieuthanhkinh.com.

4 Vợ không có quyền tự chủ về thể xác của mình, mà là chồng. Chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thể xác của mình, mà là vợ.

5 Các anh chị em đừng từ chối nhau sự quan hệ tình dục, trừ khi cùng bằng lòng dành một thời gian để các anh chị em chuyên việc kiêng ăn và cầu nguyện, rồi trở lại cùng nhau, để Sa-tan không cám dỗ các anh chị em vì sự thiếu kiềm chế của các anh chị em.

Vì vợ chồng đã trở nên một thịt nên thể xác của vợ là của chồng và ngược lại. Chính vì thế mà cả vợ lẫn chồng không được phép ngoại tình, không được phép có sự tiếp xúc thân mật về thể xác với người khác. Chính vì thế mà vợ chồng không được phép từ chối nhau sự quan hệ tình dục. Trừ khi vì hoàn cảnh đau ốm, tình trạng sức khỏe không cho phép, hoặc vì cả vợ lẫn chồng cùng đồng ý dành ra một thời gian để chuyên việc kiêng ăn và cầu nguyện.

Có nhiều phụ nữ bị chứng khô âm đạo khiến cho bị đau rát nơi âm đạo khi quan hệ tình dục nên không tha thiết đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng. Theo một thống kê y tế, có khoảng 58% phụ nữ trong mọi lứa tuổi dùng chất bôi trơn trong khi quan hệ tình dục để giúp sự quan hệ tình dục được thoải mái. Chất bôi trơn có thể mua nơi các nhà thuốc tây nhưng dầu dừa nguyên chất (virgin coconut oil) là chất bôi trơn thiên nhiên, có dược tính, hữu hiệu nhất. Dầu dừa nguyên chất có tính khử trùng, bảo vệ da, chống nắng, giúp giảm thiểu các chứng khô, ngứa, rát, và nấm nơi âm đạo, hoặc các chứng khô môi và khô, nấm nơi núm vú mà không có phản ứng phụ [1], [2].

Theo Thánh Kinh, vợ chồng nên kiêng quan hệ tình dục bảy ngày, kể từ ngày người vợ có kinh nguyệt (Lê-vi Ký 15:19). Nếu vợ sinh con trai thì nên kiêng quan hệ tình dục 40 ngày, kể từ ngày sinh. Nếu vợ sinh con gái thì nên kiêng quan hệ tình dục 80 ngày, kể từ ngày sinh (Lê-vi Ký 12:2-5). Lý do vợ chồng nên kiêng quan hệ tình dục khi vợ có kinh nguyệt hoặc sinh con không được nói rõ trong Thánh Kinh, nhưng chúng ta có thể hiểu là vì liên quan đến tình trạng sức khỏe của người vợ trong thời kỳ có kinh nguyệt hoặc sau khi sinh con. Có lẽ sự có thai và sinh con gái khiến cho cơ thể của người vợ cần nhiều thời gian để phục hồi hơn là có thai và sinh con trai. Chữ “ô-uế” được dùng trong các trường hợp này không có nghĩa là người đàn bà có tội vì có kinh nguyệt hay vì sinh con, mà chỉ có nghĩa là thân thể của người ấy không khỏe mạnh. Một thân thể xác thịt không khỏe mạnh thì bị xem là có tì, có vết và chỉ được xem là tinh sạch trở lại sau khi đã được bình phục.

Ngoài những trường hợp nêu trên, vợ chồng nên sốt sắng đáp ứng nhu cầu tình dục của nhau để không bị ma quỷ cám dỗ phạm tội tà dâm.

6 Nhưng tôi nói điều này theo sự được phép làm, chứ không phải theo điều răn.

“Điều này” tức là lời khuyên về việc vợ chồng có thể tạm kiêng quan hệ tình dục để chuyên về việc kiêng ăn và cầu nguyện. Đức Thánh Linh, qua Phao-lô đã nói rõ, vợ chồng có thể cùng nhau đồng ý kiêng quan hệ tình dục để chuyên việc kiêng ăn và cầu nguyện; nhưng đó không phải là mệnh lệnh của Chúa. Vì thế, không ai có thể viện cớ mình cần thời gian biệt riêng với Chúa mà từ chối quan hệ tình dục với chồng hay vợ. Qua lời dạy này chúng ta thấy rằng, Chúa đặt nặng vấn đề quan hệ tình dục giữa vợ chồng hơn là hình thức kiêng ăn và cầu nguyện trong sự thờ phượng Chúa. Bởi vì, khi vợ chồng chân thành yêu nhau và làm tròn bổn phận đối với nhau thì cũng là sự thể hiện lòng tin kính Chúa và một hình thức thờ phượng Chúa.

7 Vì tôi muốn mọi người đều được giống như tôi. Nhưng mỗi người có ân tứ riêng bởi Thiên Chúa. Thực tế người thì thế này, người thì thế khác.

Phao-lô muốn cho mọi người sống độc thân, không vướng bận bổn phận và trách nhiệm làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ, để có thể chuyên tâm hầu việc Chúa như ông. Tuy nhiên, ông cũng hiểu rằng, mỗi người được Chúa gọi vào những việc làm khác nhau và được Chúa ban cho các ân tứ riêng để hoàn thành sự Chúa kêu gọi người ấy. Lời Chúa đã gọi mỗi con dân Chúa là một chi thể trong thân thể của Chúa, mà Ngài là đầu. Mỗi chi thể có những chức năng khác nhau và hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành mệnh lệnh được đầu ban ra, nhằm phục vụ toàn thân thể.

Chúng ta có thể hiểu rằng, Đức Thánh Linh cho phép Phao-lô chia sẻ sự cảm nhận của ông với Hội Thánh và sự cảm nhận của ông được Chúa dùng để khuyên dạy Hội Thánh.

8 Vậy, tôi nói với những người chưa kết hôn và những người góa bụa rằng, nếu cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ.

9 Nhưng nếu họ chẳng tự kiềm chế được thì họ hãy kết hôn. Vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt bởi tình dục.

Người chưa kết hôn là người chưa bao giờ có vợ hoặc có chồng. Người góa bụa là người mà chồng hay vợ của người ấy đã qua đời.

“Cứ ở vậy như tôi” có nghĩa là cứ sống độc thân như Phao-lô, không kết hôn hoặc không tái kết hôn.

“Tự kiềm chế” được dùng trong câu này có nghĩa là tự giữ cho mình không phạm vào sự tà dâm.

“Bị thiêu đốt bởi tình dục” nói đến sự mong muốn được thỏa mãn quan hệ tình dục thôi thúc cách mãnh liệt trong thân thể, khiến cho khó có thể không phạm tà dâm.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng:

  • Bản năng tính dục là do Chúa ban cho loài người. Bản năng tính dục khiến cho chúng ta mong muốn được thỏa mãn nhu cầu quan hệ tình dục. Vì thế, muốn thỏa mãn quan hệ tình dục không phải là tội lỗi, trừ khi chúng ta ham muốn thỏa mãn tình dục với người không phải là vợ hay chồng của mình.
  • Cách thức thông thường để tránh phạm tà dâm là kết hôn.

Nếu có ai muốn sống độc thân để tự do chuyên tâm hầu việc Chúa thì người ấy phải có ơn Chúa ban cho để có thể sống độc thân mà không phạm tà dâm. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã phán dạy rằng, việc sống độc thân không phải muốn mà được, nhưng phải bởi sự ban cho của Chúa (Ma-thi-ơ 19:11-12).

Vì thế, nếu một người dù thật lòng muốn sống độc thân để chuyên tâm hầu việc Chúa nhưng nếu người ấy không có khả năng tự kiềm chế để không phạm tà dâm, thì người ấy nên kết hôn hoặc tái kết hôn.

Mặc dù trong Thánh Kinh có ghi lại trường hợp hai người kết hôn vì phải lòng nhau, nhưng Thánh Kinh chỉ nói đến việc phải kết hôn để không phạm tội tà dâm chứ không nói đến việc chỉ nên kết hôn khi hai bên cùng phải lòng nhau. Trong thực tế, hôn nhân thường dẫn đến tình yêu. Là con dân Chúa, trước hết chúng ta đã có thể yêu nhau hơn chính bản thân, nên việc kết hôn giữa con dân Chúa không nhất thiết phải có tình yêu nam nữ với nhau trước.

10 Về những người đã kết hôn, thì tôi, nhưng chẳng phải tôi, mà là Chúa, truyền rằng: Vợ không nên từ bỏ chồng!

11 Nhưng nếu đã từ bỏ thì hãy cứ ở độc thân, hoặc là chịu phục hòa với chồng. Chồng cũng không nên từ bỏ vợ.

Phao-lô nhận biết rằng, con dân Chúa không nên ly dị, và ông viết lời khuyên con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Nhưng khi lời khuyên vừa được viết ra thì ông cũng nhận biết rằng, đó chính là mệnh lệnh của Chúa, chứ không phải là ý kiến của ông.

Vợ không nên từ bỏ chồng và chồng cũng không nên từ bỏ vợ là mệnh lệnh Chúa truyền cho con dân của Ngài, ngoại trừ hai trường hợp đặc biệt:

  • Chồng hay vợ phạm tội ngoại tình (Ma-thi-ơ 19:9).
  • Chồng hay vợ không tin Chúa (II Cô-rinh-tô 6:14-18). Nhưng nếu chồng hay vợ không tin Chúa bằng lòng sống chung, không bắt bớ đức tin của mình, thì mình có thể không ly dị (I Cô-rinh-tô 7:12-16).

Con dân Chúa nếu phải ly dị thì nên sống độc thân, hoặc là phục hòa với chồng hay vợ nếu chồng hay vợ đã ăn năn; nhất là khi có con cái chưa đến tuổi trưởng thành. Con dân Chúa phải đặt quyền lợi và sự cứu rỗi của con cái còn bé của mình lên trước mọi sự, chỉ sau Chúa. Những trẻ thơ đó cần có ít nhất là một người cha hay một người mẹ tin Chúa bên cạnh. Con cái là cơ nghiệp Chúa ban, cho nên con dân Chúa có bổn phận và trách nhiệm lớn trước Chúa về con cái cho đến khi chúng đến tuổi hai mươi.

Người chồng hay vợ phạm ngoại tình nếu thật lòng ăn năn thì đáng được tiếp nhận trở lại. Người chồng hay vợ không tin Chúa nếu về sau thật lòng tin Chúa thì đáng được tiếp nhận trở lại. Nếu có ai không muốn tiếp nhận người chồng hay vợ đã ăn năn, đã tin Chúa thì người ấy phạm vào tội không tha thứ cho người mà Chúa đã tha thứ và tiếp nhận vào Hội Thánh của Ngài. Đức Chúa Trời sẽ cư xử với người ấy như cách mà người ấy cư xử với người chồng hay người vợ của mình. Người ấy cần suy ngẫm Ma-thi-ơ 18:21-35.

12 Về những người khác, chẳng phải Chúa, mà là tôi bảo họ rằng: Nếu người anh em cùng Cha nào có vợ không tin Chúa, và nàng bằng lòng ở chung với mình, thì người ấy không nên từ bỏ nàng.

13 Còn người đàn bà nào có chồng không tin Chúa, và anh ta bằng lòng ở chung với mình, thì nàng không nên từ bỏ anh ta.

Mặc dù mệnh lệnh của Chúa trong II Cô-rinh-tô 6:14-18 truyền cho con dân Chúa không mang ách chung với kẻ chẳng tin, nhưng trong trường hợp hai người kết hôn với nhau từ khi cả hai không tin Chúa, rồi về sau một trong hai người tin Chúa, thì Chúa có ngoại lệ. Đó là nếu người chồng hay người vợ không tin Chúa bằng lòng ở chung với mình thì con dân Chúa có quyền tiếp tục sống chung với người chồng hay người vợ không tin Chúa ấy.

“Bằng lòng ở chung với mình” có nghĩa là chấp nhận đức tin của mình, không bắt bớ đức tin của mình, đồng ý cho mình hành xử theo đức tin của mình. Nếu người chồng hay người vợ không tin Chúa vẫn muốn ở chung với mình mà lại không chấp nhận đức tin của mình, ngăn cản mình sống theo đức tin thì đó không phải là “bằng lòng”. Động từ “bằng lòng” (G4909) được dùng trong câu 12 và 13 trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: thỏa lòng về nhau, chấp nhận nhau, đồng ý về nhau.

Nếu chồng hay vợ không tin Chúa bắt bớ đức tin của mình, nhất là hay xúc phạm danh Chúa thì con dân Chúa nên sớm ly dị hoặc ly thân để có thể sống bình an mà thờ phượng Chúa.

14 Bởi vì, chồng không tin Chúa được thánh hóa qua vợ; vợ không tin Chúa được thánh hóa qua chồng; nếu không, con cái của các anh chị em chẳng tinh sạch, nhưng hiện nay, chúng là thánh.

Động từ “được thánh hóa” dùng trong câu này không có nghĩa là người chồng hay người vợ không tin Chúa được cứu rỗi, được tái sinh, trở thành môn đồ của Đấng Christ, mà chỉ có nghĩa là được Đức Chúa Trời chấp nhận, cho phép tiếp tục sống chung với con dân Chúa. Tương tự như vậy là con cái của họ. Là vì sự cứu rỗi, sự tái sinh chỉ có thể xảy ra khi một người tự mình thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Động từ “được thánh hóa” được dùng trong trường hợp này với nghĩa là được biệt riêng. Nói cách khác, Đức Chúa Trời biệt riêng người chồng hay người vợ không tin Chúa cùng với các đứa con của người ấy cho người chồng, người cha hoặc người vợ, người mẹ tin Chúa. Nhờ đó, những người không tin Chúa nhưng có sự ràng buộc gia đình với người tin Chúa có thể chung hưởng các ơn phước Chúa ban cho người tin Chúa, và có nhiều cơ hội học biết về Chúa và sự cứu rỗi của Ngài. Nhưng để được cứu rỗi, mỗi một người phải tự mình quyết định ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Trong các giáo hội mang danh Chúa xưa nay thường lưu truyền một câu nói bẻ cong Lời Chúa. Đó là câu: “Một người tin Chúa cả nhà được cứu”. Thật ra, câu này không có trong Thánh Kinh, nhưng Lời Chúa ghi là:

“…Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:31).

Lời ấy có nghĩa là: Nếu ngươi và cả nhà ngươi tin Đức Chúa Jesus thì ngươi và cả nhà ngươi đều sẽ được cứu rỗi. Đây là lời của Sứ Đồ Phao-lô và Si-la đáp lại câu hỏi của viên cai ngục tại thành Phi-líp, khi ông ta hỏi: Tôi phải làm gì để được cứu?

Sau đó, Phao-lô và Si-la đã giảng Lời Chúa cho viên quan cai ngục và cả gia đình của ông. Kết quả là viên quan cai ngục và cả gia đình của ông đều tin nhận Chúa và được cứu rỗi (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:34).

Câu “Một người tin Chúa cả nhà được cứu” là một lời nói dối, bẻ cong Lời Chúa cách trắng trợn, tương tự như câu: “Tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn”, và câu: “Môn đồ của Đấng Christ không còn bị ràng buộc bởi Mười Điều Răn của thời Cựu Ước”. Ba câu ra từ sự giảng dạy tà giáo này đã khiến cho vô số người bị hư mất đời đời trong hỏa ngục, vì tin theo chúng mà không thật lòng ăn năn tội, không hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Người thì nghĩ rằng, trong gia đình có người tin Chúa thì mình cũng được cứu. Người thì nghĩ rằng, mình đã tin Chúa, đã được cứu thì cho dù có trở lại sống trong tội cũng không thể bị mất sự cứu rỗi. Người thì nghĩ rằng, con dân Chúa thời Tân Ước không cần phải vâng giữ Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Họ là những người đáng thương mà cũng đáng giận. Đáng thương vì họ đã trúng kế của ma quỷ mà bị hư mất đời đời. Đáng giận vì Đức Chúa Trời đã ban cho họ toàn bộ Thánh Kinh để dẫn họ vào trong mọi lẽ thật mà họ đã không nghiêm túc đọc, suy ngẫm, cẩn thận làm theo để được cứu rỗi nhưng lại tin vào những sự giảng dạy tà giáo của các tổ chức tôn giáo.

Chúng ta cần ghi nhớ điều này, mọi sự thành lập những giáo hội, giáo phái mang danh Chúa đều là nghịch lại Lời Chúa, như đã ghi chép rõ ràng trong I Cô-rinh-tô 3:3-15 [3]. Vì thế, mỗi một giáo hội, giáo phái mang danh Chúa được lập ra đều là do Sa-tan xúi giục. Đó là những thứ cỏ lùng được Sa-tan gieo vào trong thế gian. Vì thế, đương nhiên mỗi một giáo hội và giáo phái mang danh Chúa đều rao giảng các tà giáo ra từ Sa-tan. Đức Chúa Trời vẫn hành động trong các tổ chức tôn giáo này để cứu nhiều người.

Chúng ta cũng cần ghi nhớ điều này, Hội Thánh thật của Chúa không phải là số đông, mà chỉ là số ít. Chúa gọi Hội Thánh là bầy nhỏ:

“Đừng sợ! Hỡi bầy nhỏ! Vì Cha của các ngươi đã bằng lòng ban cho các ngươi Vương Quốc Trời.” (Lu-ca 12:32).

Đức Chúa Jesus Christ đã tiên tri trong ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian sẽ không có bao nhiêu người thật lòng tin Chúa:

“Ta nói với các ngươi, Ngài sẽ vội vàng làm sự bênh vực họ. Nhưng khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Tất cả những ai không sống theo Lời Chúa đều không thuộc về Chúa, cho dù họ xưng nhận họ là môn đồ của Ngài:

“Ai nói: Tôi biết Ngài! Mà không giữ các điều răn của Ngài, là người nói dối, lẽ thật không ở trong người ấy. Nhưng ai giữ lời Ngài, thì tình yêu của Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết chúng ta ở trong Ngài. Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:4-6).

Đó chính là lý do vì sao vào năm 2020 này, trong thế gian có thể có đến hơn 2.6 tỷ người xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ [4] mà Chúa lại phán rằng: Nhưng khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?

15 Nhưng nếu kẻ không tin Chúa bỏ đi thì hãy để cho kẻ ấy bỏ đi. Người anh em cùng Cha hay là người chị em cùng Cha chẳng bị sự ràng buộc gì trong trường hợp đó. Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta trong sự bình an.

Động từ “bỏ đi” được dùng ở đây có nghĩa là ly dị. Nếu người chồng hay người vợ không tin Chúa muốn ly dị thì con dân Chúa nên chấp nhận sự ly dị. Không nên vì bất cứ một lý do gì mà níu kéo, hay tìm cách ràng buộc người ấy. Con dân Chúa cũng không có trách nhiệm gì với người chồng hay người vợ không tin Chúa muốn ly dị.

Đức Chúa Trời giải cứu chúng ta ra khỏi những đau đớn, sầu thảm, bất an và ban cho chúng ta một đời sống mới bình an, thỏa lòng, hạnh phúc. Chúng ta hãy hết lòng sống theo Lời Chúa, vâng theo từng lời dạy của Thánh Kinh để cứ luôn được bình an, thỏa lòng, và hạnh phúc trong mọi cảnh ngộ.

Nếu có ai bị chồng hay vợ không tin Chúa bách hại đức tin mà không chịu ly dị để được bình an sống đời sống mới tự do thờ phượng Chúa thì đó là sự lựa chọn của người ấy. Người ấy đã tự chuốc khổ cách vô ích cho bản thân. Đó không phải là sự chịu khổ vì danh Chúa mà là sự chịu khổ vì ý riêng. Ngày nào người ấy còn chịu khổ theo ý riêng thì người ấy không thể chịu khổ vì danh Chúa. Và mọi sự người ấy hầu việc Chúa đều chỉ như là những loại gỗ, cỏ khô, và rơm rạ… Những việc ấy có thể giúp ích cho Hội Thánh phần nào về thuộc thể trong đời này, nhưng giá trị của chúng không còn lại đến đời sau.

16 Hỡi người làm vợ! Biết đâu ngươi sẽ cứu được chồng? Hỡi người làm chồng! Biết đâu ngươi sẽ cứu được vợ?

Mục đích cuối cùng của sự Đức Chúa Trời cho phép người chồng hoặc người vợ không tin Chúa được tiếp tục sống chung với con dân Chúa nếu người ấy “bằng lòng ở chung” với con dân Chúa là vì sự cứu rỗi của người ấy.

Con dân Chúa có thể cứu được người chồng hay người vợ không tin Chúa của mình bởi sự rao giảng Tin Lành qua lời nói và qua nếp sống của mình. Tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Chúa chiếu sáng qua nếp sống của con dân Chúa sẽ khiến cho người chồng hoặc người vợ không tin Chúa nhận biết Chúa và sự cứu rỗi của Ngài.

Tuy nhiên, bất cứ khi nào người chồng hay người vợ không tin Chúa trở nên kẻ bắt bớ đức tin thì con dân Chúa nên lập tức ly dị để có thể tận dụng khoảng thời gian còn lại của đời mình, tự do sống cho Chúa và sống vì Chúa.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/02/2020

Ghi Chú

[1] https://www.healthline.com/health/womens-health/coconut-oil-for-vaginal-dryness

[2] https://blogs.webmd.com/womens-health/20190415/is-coconut-oil-safe-for-your-vagina

[3] https://timhieutinlanh.com/hoi-dap-giao-hoi-va-giao-phai/

[4] https://www.christianpost.com/news/study-2-6-billion-of-world-population-expected-to-be-christian-by-2020.html

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Là”
https://karaokethanhca.net/ngai-la/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.