Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 27:01-44 Phao-lô Bị Giải đến Thành Rô-ma và Bị Đắm Tàu

1,027 views

YouTube: https://youtu.be/rmAwBKYhYAE

44057 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 27:1-44
Phao-lô Bị Giải đến Thành Rô-ma và Bị Đắm Tàu

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Bản đồ minh họa cuộc hải trình của Phao-lô từ Sê-sa-rê đến Rô-ma – Ghi chú bằng tiếng Việt bởi Phạm Trịnh Minh Anh
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/07/HanhTrinhVeRomaCuaPhaolo.jpg

Công Vụ Các Sứ Đồ 27:1-44

1 Ngay khi đã được định rằng, chúng tôi đi đường biển đến I-ta-li, họ đã giao Phao-lô và mấy tù nhân kia cho một đại đội trưởng tên là Giu-lơ, thuộc đội quân Au-gút-tơ.

2 Chúng tôi đã lên tàu A-tra-mít, dong buồm, hải hành theo bờ biển A-si. A-ri-tạc, là người Ma-xê-đoan, thuộc thành Tê-sa-lô-ni-ca, ở với chúng tôi.

3 Rồi hôm sau, chúng tôi đã được đổ bộ tại Si-đôn, thì Giu-lơ đã đối xử Phao-lô cách tử tế, cho phép người đi đến các bạn hữu để được cơ hội giải lao.

4 Từ đó, chúng tôi đã dong buồm, hải hành sát đảo Chíp-rơ, vì có gió ngược.

5 Sau khi đã hải hành qua biển Si-li-si và Bam-phi-li, chúng tôi đã đến tại thành Mi-ra, xứ Li-si.

6 Tại đó, viên đại đội trưởng đã tìm thấy có một chiếc tàu ở A-léc-xan-tri sẽ dong buồm đến I-ta-li. Người đã cho chúng tôi lên nó.

7 Chúng tôi đã hải hành chậm nhiều ngày và khó nhọc mới đến ngang thành Cơ-nít. Gió không cho phép chúng tôi ghé bến nên chúng tôi đã hải hành sát đảo Cơ-rết, ngang qua Sa-môn.

8 Khi đã chịu khó hải hành qua khỏi đó, chúng tôi đã đến tại một nơi kia, gọi là Mỹ Cảng, gần chỗ là thành La-sê.

9 Trải nhiều thời gian, hải trình giờ đã trở nên nguy hiểm, vì kỳ kiêng ăn đã qua rồi. Phao-lô đã khuyên bảo, [Kỳ kiêng ăn đây là chỉ về sự kiêng ăn của dân I-sơ-ra-ên trong ngày Lễ Chuộc Tội, nhằm ngày 10 tháng Bảy (tháng Tishrei) theo Lịch Do-thái.]

10 nói với họ: Thưa quý ông! Tôi nhận thấy rằng, cuộc hải trình sẽ có nguy hiểm và nhiều hư hại, chẳng những cho hàng hóa và chiếc tàu nhưng cũng cho mạng sống của chúng ta.

11 Nhưng viên đại đội trưởng đã tin lời của người lái tàu và chủ tàu hơn lời đã nói bởi Phao-lô.

12 Vì hải cảng đó là không tiện để qua mùa đông nên phần nhiều người đã góp ý, hãy hải hành từ đó, biết đâu có thể đến tại Phê-nít, một hải cảng của đảo Cơ-rết nhìn về hướng gió tây nam và hướng gió tây bắc, để qua mùa đông.

13 Khi gió nam đã thổi nhẹ, họ tưởng rằng, đã đạt được ý định, họ đã kéo neo, hải hành gần đảo Cơ-rết.

14 Nhưng chẳng bao lâu sau, một cơn gió bão gọi là Ơ-ra-qui-lôn đã nổi lên, vật vào đảo.

15 Tàu đã bị trôi dạt, không thể chống lại gió, chúng tôi đã để mặc cho nó trôi.

16 Khi chạy ngang một hòn đảo nhỏ kia, gọi là Cơ-lô-đa, chúng tôi đã khó nhọc làm việc để làm chủ chiếc thuyền.

17 Nó đã được kéo lên. Người ta đã dùng dây ràng phía dưới chiếc tàu lại; rồi sợ kẻo mắc cạn trên bãi Si-rơ-tơ, họ đã hạ buồm xuống. Chúng tôi đã bị trôi đi như vậy.

18 Chúng tôi đã bị sóng dồi quá mức. Hôm sau, họ đã ném hàng hóa xuống biển, làm nhẹ tàu.

19 Ngày thứ ba, chúng tôi đã chính tay mình ném đồ đạc trong tàu xuống biển.

20 Trong nhiều ngày, chẳng mặt trời hay những ngôi sao xuất hiện, mà bão không nhỏ vẫn ập xuống. Mọi hy vọng còn lại về sự chúng tôi được cứu đã bị lấy đi.

21 Vì họ không ăn đã lâu nên Phao-lô đã đứng dậy trong giữa họ, nói rằng: Hỡi các ông! Thật, các ông đã nên nghe tôi mà chẳng hải hành từ đảo Cơ-rết, thì chúng ta đã chẳng mắc cơn nguy hiểm và sự tổn hại này.

22 Nhưng bây giờ, tôi khuyên các ông: Hãy vững lòng! Vì ngoài sự mất chiếc tàu, sẽ không có sự mất mạng sống của các ông.

23 Vì đêm nay, đã hiện ra với tôi, một thiên sứ của Đức Chúa Trời, Đấng tôi thuộc về và Đấng tôi phụng sự,

24 phán: Hỡi Phao-lô! Đừng sợ! Ngươi phải đứng trước Sê-sa. Và này, Đức Chúa Trời đã ban cho ngươi hết thảy những kẻ cùng đi biển với ngươi.

25 Vậy, hỡi các ông! Hãy vững lòng! Vì tôi tin Đức Chúa Trời, tin rằng, việc sẽ xảy ra như vậy, theo như cách thức đã phán với tôi.

26 Nhưng chúng ta sẽ phải bị tấp lên một hòn đảo nào đó.

27 Khi đêm thứ mười bốn đã đến, chúng tôi cứ trôi nổi trên Biển A-đờ-ria-tích. Đến nửa đêm, các thủy thủ đã nghĩ rằng, họ đang đến gần một vùng đất nào.

28 Họ đã thả trái dò, thấy sâu hai chục sải; nhưng xa hơn một ít, họ lại thả trái dò và thấy sâu mười lăm sải. [Một sải (G3712) là khoảng cách giữa hai đầu ngón tay giữa, khi dang xa hai tay ra, tương đương 72 inches hoặc 1,8288 mét.]

29 Vì sợ có thể rơi vào khu vực đá ngầm, họ đã ném xuống bốn dây neo, từ phía lái tàu; mong cho ban ngày đến.

30 Nhưng các thủy thủ đã tìm cách lánh khỏi tàu. Họ đã thả chiếc thuyền xuống biển, giả vờ như định thả các dây neo từ phía mũi tàu.

31 Phao-lô đã nói với viên đại đội trưởng và các người lính rằng: Trừ khi những người này cứ ở trong tàu, thì các ông không thể được cứu.

32 Các người lính đã cắt dây buộc thuyền, làm cho nó rớt xuống.

33 Cho tới khi ban ngày sắp đến, Phao-lô đã khuyên hết thảy mọi người hãy ăn thức ăn. Người nói: Hôm nay là ngày thứ mười bốn mà các ông đang trông đợi, tiếp tục nhịn đói chẳng ăn gì.

34 Vậy, tôi khuyên các ông hãy ăn thức ăn. Vì đây là cho sự giải cứu của các ông. Vì sẽ chẳng ai trong các ông bị một sợi tóc rơi khỏi đầu.

35 Khi người đã nói như vậy rồi, người đã lấy bánh, tạ ơn Đức Chúa Trời, trước mặt mọi người, bẻ ra, bắt đầu ăn.

36 Vậy, hết thảy họ đã được vững lòng. Họ cũng ăn thức ăn.

37 Hết thảy chúng tôi đã ở trong tàu là hai trăm bảy mươi sáu linh hồn.

38 Khi họ đã ăn no, họ đã ném lúa mì xuống biển, làm cho nhẹ tàu.

39 Khi ban ngày đã đến, họ chẳng nhận biết vùng đất, nhưng thấy một cái vịnh kia có bờ. Họ đã hội ý xem, nếu có thể đưa tàu vào trong đó.

40 Vậy, họ đã dứt bỏ các dây neo, thả chúng xuống biển, cùng lúc, tháo các dây buộc bánh lái; rồi dong buồm chính, thuận theo gió, giữ hướng vào bờ.

41 Nhưng bị rơi vào chỗ hai dòng nước biển xáp nhau, chúng đã làm cho tàu bị mắc cạn. Thực tế, phần mũi bị kẹt, cứ ở yên, không động đậy, còn phần lái bị tan nát vì những cơn sóng mạnh.

42 Ý kiến của các quân lính là giết các tù nhân, kẻo có ai bơi đi, đào thoát.

43 Nhưng viên đại đội trưởng muốn cứu Phao-lô, đã cấm họ thi hành ý định. Người cũng đã truyền cho ai có thể bơi thì nhảy xuống trước, thoát vào bờ.

44 Những kẻ còn lại, thực tế, người thì trên ván, người thì trên mảnh vụn của tàu. Thế là đã xảy ra, hết thảy họ đều thoát vào bờ.

Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 27 ghi lại sự kiện Sứ Đồ Phao-lô bị giải giao về thành Rô-ma, kinh đô của đế quốc La-mã, tại I-ta-li, còn gọi là Ý-đại-lợi. Ngày nay là nước Cộng Hòa Ý. Phao-lô đã được giải giao bằng đường biển cùng với một số tù nhân khác. Tuy nhiên, trên hải trình, chiếc tàu giải giao Phao-lô và các tù nhân đã bị bão, bị mắc cạn, bị sóng đánh vỡ nát và chìm. Mọi người trên tàu đã bơi thoát lên một hòn đảo. Qua sự kiện đó, chúng ta thấy, dường như Sa-tan đã can thiệp vào để giết chết Phao-lô. Nhưng cũng có sự can thiệp của Thiên Chúa để bảo vệ Phao-lô. Chính vì thế mà trong đêm, một thiên sứ của Đức Chúa Trời đã hiện ra, phán với Phao-lô, cho ông biết rằng, tàu sẽ bị mất nhưng không một người nào trên tàu bị mất mạng sống.

1 Ngay khi đã được định rằng, chúng tôi đi đường biển đến I-ta-li, họ đã giao Phao-lô và mấy tù nhân kia cho một đại đội trưởng tên là Giu-lơ, thuộc đội quân Au-gút-tơ.

2 Chúng tôi đã lên tàu A-tra-mít, dong buồm, hải hành theo bờ biển A-si. A-ri-tạc, là người Ma-xê-đoan, thuộc thành Tê-sa-lô-ni-ca, ở với chúng tôi.

Sự quyết định đến từ Phê-tu, tổng đốc của xứ Giu-đê, người có trách nhiệm giải giao Phao-lô đến kinh đô Rô-ma, để ông chịu xét xử bởi hoàng đế La-mã, theo sự khiếu nại của Phao-lô.

Đại danh từ “chúng tôi” chỉ Phao-lô và các bạn đồng hành của ông, như Lu-ca và A-ri-tạc. Ngoài ra, chúng ta không biết có ai cùng đi với Phao-lô trong chuyến đi này.

A-ri-tạc được gọi là bạn đồng hành của Phao-lô kể từ Công Vụ Các Sứ Đồ 19:29, được nhắc đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20:4. Rất có thể, trong hai năm Phao-lô bị giam lỏng tại Sê-sa-rê thì A-ri-tạc cũng cư trú tại Sê-sa-rê và cùng với Lu-ca chăm sóc Phao-lô. Cũng có thể A-ri-tạc đã ở tại Rô-ma hai năm tiếp theo đó với Phao-lô, nên Phao-lô đã gọi ông là bạn đồng công trong Phi-lê-môn câu 24 và bạn tù trong Cô-lô-se 4:10. A-ri-tạc xứng đáng là tấm gương tốt cho chúng ta noi theo, trong sự trung tín, đồng cam cộng khổ với các tôi tớ của Chúa trong các chức vụ.

Phao-lô đã được giải giao về kinh đô Rô-ma với một số các tù nhân khác. Trách nhiệm giải giao được giao cho một viên đại đội trưởng tên là Giu-lơ, thuộc binh đoàn Au-gút-tơ, cùng một số người lính dưới quyền của ông.

Binh đoàn Au-gút-tơ là một tiểu đoàn lính La-mã trú đóng tại Sê-sa-rê, được mang tên của Hoàng Đế Au-gút-tơ.

Tại Sê-sa-rê, mọi người đã lên một chiếc tàu xuất xứ từ A-tra-mít, một hải cảng ở cực tây của A-si. Cuộc hải trình dự định sẽ đi lên hướng bắc, rồi tiến về hướng tây, dọc theo miền duyên hải của A-si.

3 Rồi hôm sau, chúng tôi đã được đổ bộ tại Si-đôn, thì Giu-lơ đã đối xử Phao-lô cách tử tế, cho phép người đi đến các bạn hữu để được cơ hội giải lao.

Ngày thứ nhì của cuộc hải trình, tàu đã dừng lại tại hải cảng Si-đôn. Viên đại đội trưởng đã cho phép Phao-lô được lên bờ, gặp người quen để được cơ hội giải lao. Được giải lao là được nghỉ ngơi thoải mái, được tiếp xúc, trò chuyện với bạn bè, người thân, được ăn uống tùy thích.

Câu này hàm ý, Phao-lô đã có cơ hội thăm và thông công với con dân Chúa tại Si-đôn.

4 Từ đó, chúng tôi đã dong buồm, hải hành sát đảo Chíp-rơ, vì có gió ngược.

5 Sau khi đã hải hành qua biển Si-li-si và Bam-phi-li, chúng tôi đã đến tại thành Mi-ra, xứ Li-si.

Từ Si-đôn, tàu đã tiếp tục lên hướng bắc, rồi băng ngang qua vùng biển Si-li-si và Bam-phi-li, tiến về hướng tây để đến thành Mi-ra của xứ Li-si. Nhưng tàu phải chạy cập bờ của đảo Chíp-rơ để tránh gió ngược.

6 Tại đó, viên đại đội trưởng đã tìm thấy có một chiếc tàu ở A-léc-xan-tri sẽ dong buồm đến I-ta-li. Người đã cho chúng tôi lên nó.

7 Chúng tôi đã hải hành chậm nhiều ngày và khó nhọc mới đến ngang thành Cơ-nít. Gió không cho phép chúng tôi ghé bến nên chúng tôi đã hải hành sát đảo Cơ-rết, ngang qua Sa-môn.

Chiếc tàu ở A-léc-xan-tri từ hải cảng Mi-ra là một chiếc tàu chở lúa mì đến I-ta-li. Viên đại đội trưởng đã trưng dụng tàu để chở tù nhân.

Vì bị gió ngược, gió thổi từ tây sang đông trong khi tàu đi từ đông sang tây nên tàu đã phải đi rất chậm và thủy thủ đoàn đã rất khó nhọc để điều khiển tàu. Khi đến ngang thành Cơ-nít thì tàu đã không thể cập bến, vì gió ngược, nên đã đi xiên xuống phía nam để hải hành dọc theo đảo Cơ-rết.

Sa-môn là hải cảng ở phía cực đông của đảo Cơ-rết.

8 Khi đã chịu khó hải hành qua khỏi đó, chúng tôi đã đến tại một nơi kia, gọi là Mỹ Cảng, gần chỗ là thành La-sê.

“Qua khỏi đó” là qua khỏi vùng biển của Sa-môn. Tàu theo bờ biển, đi dọc xuống phía nam rồi tiến về hướng tây, ngang qua thành La-sê, đến Mỹ Cảng của đảo Cơ-rết.

9 Trải nhiều thời gian, hải trình giờ đã trở nên nguy hiểm, vì kỳ kiêng ăn đã qua rồi. Phao-lô đã khuyên bảo, [Kỳ kiêng ăn đây là chỉ về sự kiêng ăn của dân I-sơ-ra-ên trong ngày Lễ Chuộc Tội, nhằm ngày 10 tháng Bảy (tháng Tishrei) theo Lịch Do-thái.]

10 nói với họ: Thưa quý ông! Tôi nhận thấy rằng, cuộc hải trình sẽ có nguy hiểm và nhiều hư hại, chẳng những cho hàng hóa và chiếc tàu nhưng cũng cho mạng sống của chúng ta.

Chiếc tàu đã phải đi thật chậm vì gió ngược, lại sắp đến thời điểm có bão, hải trình sẽ càng nguy hiểm hơn. Vì thế, Phao-lô đã có lời khuyên những người có trách nhiệm. Ý của Phao-lô là nên neo tàu tại Mỹ Cảng để qua mùa bão. Vì khi ấy đã vào khoảng đầu tháng 10 Tây Lịch, bắt đầu vào đông, cũng là mùa gió bão nổi lên.

Kỳ kiêng ăn của dân I-sơ-ra-ên là ngày Lễ Chuộc Tội, nhằm ngày 10 tháng Bảy, tức tháng Tishrei, theo Lịch Do-thái. Ngày lễ này rơi vào khoảng từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 Tây Lịch. Và như vậy, khi ấy đã qua kỳ Thu Phân (ngày 22 tháng 9), bắt đầu mùa gió bão của Địa Trung Hải.

11 Nhưng viên đại đội trưởng đã tin lời của người lái tàu và chủ tàu hơn lời đã nói bởi Phao-lô.

12 Vì hải cảng đó là không tiện để qua mùa đông nên phần nhiều người đã góp ý, hãy hải hành từ đó, biết đâu có thể đến tại Phê-nít, một hải cảng của đảo Cơ-rết nhìn về hướng gió tây nam và hướng gió tây bắc, để qua mùa đông.

Dĩ nhiên, theo sự khôn sáng bình thường thì viên đại đội trưởng phải nghe theo ý kiến của người lái tàu và chủ tàu hơn là nghe theo ý kiến của Phao-lô. Dù gì, người lái tàu và người chủ tàu là hai người trong nghề, quanh năm sống trên tàu, có nhiều kinh nghiệm hải hành. Lý do thứ nhì là Mỹ Cảng không thuận tiện bằng hải cảng Phê-nít, chỉ cách đó khoảng 100 km.

Mọi người đồng ý với Phao-lô là cần neo tàu, chờ cho qua mùa đông, nhưng họ muốn cố gắng đến hải cảng Phê-nít để sự trú đông được thuận tiện hơn.

Hình minh họa vị trí hải cảng Phê-nít của đảo Cơ-rết
Tọa độ Google Map = 35.199371515302765, 24.081372728111546
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/07/HaiCangPhenit.png

Hải cảng nhìn về hướng gió tây nam và hướng gió tây bắc, hàm ý, lối vào hải cảng ở hướng đông và nhờ thế tránh được hai chiều gió thổi từ tây nam và tây bắc.

13 Khi gió nam đã thổi nhẹ, họ tưởng rằng, đã đạt được ý định, họ đã kéo neo, hải hành gần đảo Cơ-rết.

14 Nhưng chẳng bao lâu sau, một cơn gió bão gọi là Ơ-ra-qui-lôn đã nổi lên, vật vào đảo.

Gió nam thổi nhẹ giúp cho tàu có thể dong buồm, di chuyển về hướng tây, theo dự định. Và vì họ muốn đi khoảng 100 km nữa để vào trú lại tại hải cảng Phê-nít, nên họ đã cho tàu đi dọc theo bờ biển. Nhưng hải hành chưa được bao lâu thì gió bão đã nổi lên. Cơn gió bão gọi là Ơ-ra-qui-lôn là do ghép hai danh từ “gió” và “sóng” với nhau, như danh từ “phong ba” trong tiếng Hán Việt. Đây là một loại gió thổi mạnh nhưng không định hướng, có thể xoay chiều bất ngờ, nên tạo ra các làn sóng rất lớn.

Từ chỗ gió nam thổi nhẹ đến phong ba bất ngờ, chúng ta có thể thấy, dường như Sa-tan đang can thiệp vào cuộc hải trình để giết Phao-lô. Sa-tan đã từng dùng một cơn gió trốt, thổi sập nhà, để giết chết mười đứa con của ông Gióp thì Sa-tan cũng có thể dùng một cơn phong ba dữ dội để giết Phao-lô.

15 Tàu đã bị trôi dạt, không thể chống lại gió, chúng tôi đã để mặc cho nó trôi.

16 Khi chạy ngang một hòn đảo nhỏ kia, gọi là Cơ-lô-đa, chúng tôi đã khó nhọc làm việc để làm chủ chiếc thuyền.

Hình minh họa vị trí Mỹ Cảng, hải cảng Phê-nít, đảo Cơ-lô-đa, và đảo Man-tơ
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/07/DaoManto.png

Vừa ra khỏi Mỹ Cảng không bao lâu thì phong ba dữ dội đã khiến cho chiếc tàu trở thành bất khiển dụng. Khi tàu chạy ngang một đảo nhỏ tên là Cơ-lô-đa, có lẽ nhờ đảo chắn bớt gió nên thủy thủ và có lẽ với sự góp sức của những người trên tàu, từ lính cho tới tù nhân, đã khó nhọc đem chiếc thuyền nhỏ lên tàu.

Đây là chiếc thuyền dùng để đưa người vào bờ khi thuyền thả neo cách xa bờ và cũng là thuyền cứu sinh trong trường hợp tàu bị đắm. Thời xưa, loại thuyền này thường được kéo theo tàu. Nhưng trong cơn sóng gió lớn, chiếc thuyền có thể bị đứt dây và bị gió thổi, sóng cuốn đi mất. Vì thế, thủy thủ phải cho kéo thuyền lên tàu.

17 Nó đã được kéo lên. Người ta đã dùng dây ràng phía dưới chiếc tàu lại; rồi sợ kẻo mắc cạn trên bãi Si-rơ-tơ, họ đã hạ buồm xuống. Chúng tôi đã bị trôi đi như vậy.

18 Chúng tôi đã bị sóng dồi quá mức. Hôm sau, họ đã ném hàng hóa xuống biển, làm nhẹ tàu.

Sau khi thuyền cứu sinh được kéo lên tàu, người ta lại dùng dây ràng phía dưới tàu, tức là luồn dây phía dưới khu vực mũi tàu và lái tàu rồi thắt lại phía trên sàn tàu, để giữ cho tàu không bị sóng đánh, làm vỡ mũi và lái tàu. Họ cũng hạ buồm để giảm vận tốc của tàu, phòng khi tàu bị đưa đến vùng duyên hải Phi Châu ở phía nam thì sẽ không bị rướn vào bãi cát ngầm Si-rơ-tơ nguy hiểm nổi tiếng.

Cứ như vậy, họ để mặc cho sóng gió đưa tàu trôi đi. Ngày hôm sau, họ đã ném bớt hàng hóa xuống biển cho nhẹ tàu. Lý do, có lẽ thân tàu đã có chỗ rỉ khiến nước vào tàu. Họ cần làm cho tàu nổi lên nhiều hơn, tránh cho chỗ bị rỉ nước ở dưới mặt nước.

19 Ngày thứ ba, chúng tôi đã chính tay mình ném đồ đạc trong tàu xuống biển.

20 Trong nhiều ngày, chẳng mặt trời hay những ngôi sao xuất hiện, mà bão không nhỏ vẫn ập xuống. Mọi hy vọng còn lại về sự chúng tôi được cứu đã bị lấy đi.

Ngày thứ ba” là ngày thứ ba kể từ khi cơn bão nổi lên. Các thủy thủ đã nhờ hành khách giúp họ trong việc ném bớt đồ đạc trong tàu xuống biển. Có lẽ vì đã có thêm nhiều chỗ rỉ ở thân tàu.

Ban ngày thì không thấy mặt trời, ban đêm thì không thấy những ngôi sao. Cơn bão lớn vẫn đổ xuống trên chiếc tàu. Họ đã không biết mình đang ở đâu trên biển và đang trôi dạt về đâu. Không ai trên tàu nghĩ rằng, mọi người còn có cơ hội sống sót.

21 Vì họ không ăn đã lâu nên Phao-lô đã đứng dậy trong giữa họ, nói rằng: Hỡi các ông! Thật, các ông đã nên nghe tôi mà chẳng hải hành từ đảo Cơ-rết, thì chúng ta đã chẳng mắc cơn nguy hiểm và sự tổn hại này.

Trong hoàn cảnh mọi người tuyệt vọng và sợ hãi, Phao-lô đã đứng dậy, nhỏ nhẹ nhắc lại cho các người có trách nhiệm biết, vì họ đã không nghe lời khuyên của ông mà bây giờ mọi người lâm cảnh nguy hiểm. Chúng ta có thể hiểu rằng, Phao-lô nhắc lại như vậy không có ý quở trách họ, dù là quở nhẹ, mà chỉ là để cho họ hiểu rằng, lời khuyên của ông là hợp lý, có giá trị, đáng nghe, trước khi ông đưa ra các lời khuyên kế tiếp.

22 Nhưng bây giờ, tôi khuyên các ông: Hãy vững lòng! Vì ngoài sự mất chiếc tàu, sẽ không có sự mất mạng sống của các ông.

23 Vì đêm nay, đã hiện ra với tôi, một thiên sứ của Đức Chúa Trời, Đấng tôi thuộc về và Đấng tôi phụng sự,

24 phán: Hỡi Phao-lô! Đừng sợ! Ngươi phải đứng trước Sê-sa. Và này, Đức Chúa Trời đã ban cho ngươi hết thảy những kẻ cùng đi biển với ngươi.

Phao-lô đã tiết lộ cho mọi người một tin đáng mừng, đó là chiếc tàu sẽ bị hư mất nhưng không một ai trong họ sẽ bị mất mạng sống. Phao-lô biết như vậy vì trong đêm, có một thiên sứ của Đức Chúa Trời đã hiện ra, phán với ông. Ông xác định, Đức Chúa Trời là Đấng ông thuộc về và là Đấng mà ông phụng sự. Chính Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ đến, phán với ông rằng, ông sẽ ứng hầu trước Sê-sa và những người trên tàu đã được Đức Chúa Trời ban cho ông.

Ý nghĩa của câu, Đức Chúa Trời đã ban cho Phao-lô hết thảy những kẻ cùng hải hành với ông, hàm ý, lời Phao-lô cầu thay cho sự an toàn của họ đã được Đức Chúa Trời chấp nhận.

Chúng ta thấy, trong nghịch cảnh Phao-lô cũng sợ. Nhưng trong nghịch cảnh Phao-lô cũng biết cầu thay cho người khác, kể cả những người không tin Chúa.

Sự sợ hãi trong nghịch cảnh là phản ứng bình thường. Đó là cảm xúc Chúa ban cho chúng ta để chúng ta biết tránh sự nguy hiểm, bảo vệ chính mình. Nhưng khi không thể thoát được nghịch cảnh thì chúng ta phải vững đức tin nơi Chúa, tin rằng, Ngài cho phép thì nghịch cảnh mới có thể xảy ra cho chúng ta. Ngoại trừ trường hợp đó là hậu quả sự phạm tội của chúng ta, hậu quả của sự chúng ta thiếu đức tin nơi Lời Chúa, hậu quả của sự chúng ta làm theo ý riêng của mình. Và khi Chúa đã cho phép thì chính Ngài sẽ thêm sức, ban ơn, và mở đường để cho chúng ta ra khỏi.

Sự cầu thay cho người khác thường khi cứu được họ, nhất là khi họ đang cùng chung một nghịch cảnh với chúng ta. Chúng ta nên cầu thay cho những người chưa có sự cứu rỗi của Chúa. Vì nếu họ không tin nhận sự cứu rỗi của Chúa thì sau khi qua khỏi cuộc đời này, họ sẽ bị hư mất đời đời. Xin Chúa thương xót họ, ban cho họ nhiều cơ hội nghe và hiểu Tin Lành. Xin Chúa cất khỏi họ những sự tác động của ma quỷ khi họ được nghe, đọc về Tin Lành, để họ được tự do tin nhận Tin Lành. Chúng ta cũng nên cầu thay cho những người đã tin nhận Tin Lành nhưng chưa sống theo Lời Chúa, để họ sớm hiểu biết các lẽ thật của Lời Chúa và sống theo Lời Chúa.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, chúng ta đã thuộc về Đức Chúa Trời và chúng ta đã được gọi để phụng sự Ngài trong các chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ, và vua. Là tiên tri, chúng ta rao giảng Lời của Đức Chúa Trời, trong đó có sự rao giảng Tin Lành, rao giảng sự đến của Đấng Christ và sự tận thế. Là thầy tế lễ chúng ta thờ phượng chỉ một Thiên Chúa, dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời, dâng lời cầu thay cho mọi người. Là vua, chúng ta học tập tự cai trị chính mình để sau này sẽ đồng trị với Đấng Christ trong Vương Quốc Trời.

25 Vậy, hỡi các ông! Hãy vững lòng! Vì tôi tin Đức Chúa Trời, tin rằng, việc sẽ xảy ra như vậy, theo như cách thức đã phán với tôi.

26 Nhưng chúng ta sẽ phải bị tấp lên một hòn đảo nào đó.

Đối với viên đại đội trưởng và các người lính La-mã, đối với người chủ tàu, người lái tàu, và các thủy thủ thì có lẽ họ hiểu danh xưng “Đức Chúa Trời” như là danh xưng của vị thần tối cao nhất trong tín ngưỡng của họ. Điều ấy tương tự như người Việt Nam hiểu rằng, danh xưng “Đức Chúa Trời” như là danh xưng “Ông Trời”. Nhưng họ cũng hiểu là Phao-lô đang nói đến một Đức Chúa Trời khác với các thần linh trong tín ngưỡng của họ.

Chúng ta cũng có thể hiểu rằng, trong cảnh sóng to, gió lớn, mọi hy vọng thoát hiểm đã mất hết, thì ai nấy chắc cũng đã khẩn thiết kêu cầu thần linh của họ. Nhưng không ai nhận được một sự trả lời nào cho sự kêu cầu của họ, ngoại trừ Phao-lô. Đức Chúa Trời mà Phao-lô thờ phượng và thuộc về đã sai thiên sứ của Ngài, đến, phán với Phao-lô, để ông biết rằng, tất cả mọi người trên tàu sẽ được bảo toàn mạng sống.

Phao-lô khuyên mọi người hãy vững lòng, vì ông tin Đức Chúa Trời mà ông tôn thờ và phụng sự là Đấng Toàn Năng và Đấng Thành Tín. Đức Chúa Trời của ông có quyền làm thành mọi ý muốn của Ngài và chắc chắn luôn làm thành mọi lời hứa của Ngài. Vì thế, ông tin chắc sự việc sẽ xảy ra đúng như lời thiên sứ đã phán với ông. Phao-lô còn biết rằng, mọi người sẽ vào được một hòn đảo nào đó. Như vậy, chẳng những mọi người được thoát chết mà còn có nơi trú thân.

Thánh Kinh không ghi lại phản ứng của mọi người sau lời nói của Phao-lô. Nhưng chúng ta có thể tin rằng, lời của Phao-lô đã đem lại một tia hy vọng cho những người nghe, kể cả các bạn của Phao-lô, rằng họ sẽ an toàn ra khỏi cơn bão, cho dù tàu phải bị chìm.

Trên bước đường theo Chúa của chúng ta, sẽ có những lúc khó khăn, nghịch cảnh vây quanh, tưởng chừng không còn lối thoát. Nhưng nếu chúng ta vững tin nơi Đức Chúa Trời thì chính Ngài sẽ thêm sức chịu đựng cho chúng ta và mở đường cho chúng ta qua khỏi. Mọi sự luôn nằm trong thánh ý của Chúa và Ngài là Đấng yêu thương chúng ta trên hết mọi sự, là Đấng rèn tập chúng ta để chúng ta ngày càng giống Đấng Christ càng hơn. Ngài là thành tín, sẽ không để cho chúng ta quá sức chịu đựng bất cứ một điều gì.

Mấy câu Thánh Kinh dưới đây đáng cho chúng ta ghi nhớ để suy ngẫm, mỗi khi đối diện với nghịch cảnh:

Rô-ma 8:26-32

26 Cũng vì vậy, Đấng Thần Linh giúp cho sự yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta chẳng biết sự chúng ta phải xin như chúng ta cần. Nhưng chính Đấng Thần Linh cầu khẩn thay cho chúng ta những sự than thở mà chúng ta không thể nói thành lời.

27 Đấng dò xét những tấm lòng hiểu biết ý tưởng của Đấng Thần Linh là thế nào. Vì Ngài cầu thay cho các thánh đồ theo ý muốn của Thiên Chúa.

28 Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.

29 Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.

30 Và những ai Ngài đã định sẵn thì Ngài cũng đã gọi họ. Những ai Ngài đã gọi thì Ngài cũng đã xưng họ là công chính. Những ai Ngài đã xưng là công chính thì Ngài cũng đã làm cho họ vinh hiển.

31 Vậy thì chúng ta sẽ nói làm sao về những sự này? Nếu Đức Chúa Trời vì chúng ta thì ai có thể nghịch lại chúng ta?

32 Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì hết thảy chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?

Rô-ma 8:37-39

37 Trái lại, trong mọi sự đó, qua Đấng yêu chúng ta mà chúng ta hơn cả những người thắng trận.

38 Vì tôi tin chắc rằng: Chẳng phải sự chết, chẳng phải sự sống, chẳng phải các thiên sứ, chẳng phải các kẻ cầm quyền, chẳng phải các quyền lực, chẳng phải những sự bây giờ, chẳng phải những sự sẽ đến,

39 chẳng phải bề cao, chẳng phải bề sâu, chẳng phải bất cứ một tạo vật nào có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.

Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Vì Đấng Christ, các anh chị em đã được ban cho: Không chỉ tin Ngài mà còn chịu khổ vì Ngài, có cùng một cuộc tranh đấu như các anh chị em đã thấy trong tôi và hiện nay còn nghe nói có trong tôi.” (Phi-líp 1:29-30).

Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.” (I Phi-e-rơ 4:12-13).

Ngay cả khi chúng ta bị đau đớn trong sự tù đày, tra tấn, trong sự đau ốm, bệnh tật mà Đức Chúa Trời vẫn chưa giải cứu chúng ta, thì Ngài vẫn thêm sức cho chúng ta chịu đựng. Tất cả những sự đau đớn đó đều là để chúng ta được dự phần trong sự thương khó của Đấng Christ, là cơ hội để chúng ta nhận lãnh vinh quang càng hơn, trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Một điều quan trọng khác chúng ta cần ghi nhớ. Đó là Đức Chúa Trời vẫn thường dùng sự chết của thân thể xác thịt để giải cứu chúng ta ra khỏi nghịch cảnh. Trong lịch sử của Hội Thánh, hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu môn đồ của Đấng Christ đã trung tín, chịu khổ vì danh Chúa, giữ vững đức tin cho tới chết.

27 Khi đêm thứ mười bốn đã đến, chúng tôi cứ trôi nổi trên Biển A-đờ-ria-tích. Đến nửa đêm, các thủy thủ đã nghĩ rằng, họ đang đến gần một vùng đất nào.

28 Họ đã thả trái dò, thấy sâu hai chục sải; nhưng xa hơn một ít, họ lại thả trái dò và thấy sâu mười lăm sải. [Một sải (G3712) là khoảng cách giữa hai đầu ngón tay giữa, khi dang xa hai tay ra, tương đương 72 inches hoặc 1,8288 mét.]

Đêm thứ mười bốn” là kể từ khi cơn bão nổi lên. Như vậy, cơn bão đã kéo dài suốt hai tuần lễ.

Biển A-đờ-ria-tích” (Adriatic Sea), vào thời ấy bao gồm cả Biển I-ô-ni-an ngày nay (Ionian Sea).

Có lẽ sau hai tuần lễ, cơn bão đã tan dần. Vào khoảng nửa đêm, các thủy thủ đã thấy như có hình dạng một vùng đất ở xa xa. Họ cho thả trái dò độ sâu thì thấy sâu khoảng 36 mét. Tàu vẫn tiếp tục trôi về phía có hình dạng là một vùng đất. Các thủy thủ lại thả trái dò thì thấy độ sâu chỉ còn khoảng 27 mét. Như vậy, chứng tỏ phía trước thật là một vùng đất và tàu đang được sóng đưa vào gần bờ.

29 Vì sợ có thể rơi vào khu vực đá ngầm, họ đã ném xuống bốn dây neo, từ phía lái tàu; mong cho ban ngày đến.

30 Nhưng các thủy thủ đã tìm cách lánh khỏi tàu. Họ đã thả chiếc thuyền xuống biển, giả vờ như định thả các dây neo từ phía mũi tàu.

Các thủy thủ vẫn chưa rõ tàu đang ở khu vực nào nhưng gần bờ thì có thể có đá ngầm, nên họ đã thả neo để neo tàu lại, chờ cho ban ngày đến để quan sát.

Nhưng sau đó, các thủy thủ đã hội ý với nhau và muốn thả thuyền cứu sinh xuống để cùng nhau đi vào bờ, bỏ lại các hành khách trên tàu. Có lẽ họ muốn vào bờ ngay để sớm nghỉ ngơi sau hai tuần vất vả vì cơn bão. Vì thế, họ đã giả vờ như chuẩn bị cho việc thả các dây neo từ mũi tàu.

31 Phao-lô đã nói với viên đại đội trưởng và các người lính rằng: Trừ khi những người này cứ ở trong tàu, thì các ông không thể được cứu.

32 Các người lính đã cắt dây buộc thuyền, làm cho nó rớt xuống.

Chúng ta có thể thấy, Phao-lô rất là năng động trong nghịch cảnh. Ông tỉnh táo, quan sát, và nhận định sự việc. Có lẽ Phao-lô đã nghe được sự bàn tán và dự tính của các thủy thủ. Ông không chấp nhận việc họ bỏ tàu, bỏ trách nhiệm. Vì thế, Phao-lô đã thông báo cho viên đại đội trưởng và các người lính về âm mưu của các thủy thủ. Các người lính đã cắt dây buộc thuyền, khiến thuyền rơi xuống biển. Đương nhiên là thuyền sẽ trôi đi hoặc bị sóng đánh vào thân tàu mà bị vỡ.

33 Cho tới khi ban ngày sắp đến, Phao-lô đã khuyên hết thảy mọi người hãy ăn thức ăn. Người nói: Hôm nay là ngày thứ mười bốn mà các ông đang trông đợi, tiếp tục nhịn đói chẳng ăn gì.

34 Vậy, tôi khuyên các ông hãy ăn thức ăn. Vì đây là cho sự giải cứu của các ông. Vì sẽ chẳng ai trong các ông bị một sợi tóc rơi khỏi đầu.

Khi mặt trời sắp lên, Phao-lô đã khuyên mọi người nên ăn uống để lấy sức. Sự lấy sức là cần thiết cho sự thoát nạn, như sau đó đã chứng minh, là mỗi người phải tự bơi vào bờ.

Đã mười bốn ngày trôi qua, trong suốt thời gian cơn bão hoành hành, không ai có thể ăn. Phao-lô muốn mọi người bắt đầu ăn trở lại để lấy sức. Phao-lô dùng một thành ngữ để khẳng định là không một ai sẽ bị nguy hiểm. Thành ngữ: “Một sợi tóc trên đầu cũng sẽ không rơi xuống” được dùng để nói đến tình trạng an toàn tuyệt đối.

35 Khi người đã nói như vậy rồi, người đã lấy bánh, tạ ơn Đức Chúa Trời, trước mặt mọi người, bẻ ra, bắt đầu ăn.

36 Vậy, hết thảy họ đã được vững lòng. Họ cũng ăn thức ăn.

Chính Phao-lô đã bẻ bánh, tạ ơn Đức Chúa Trời, rồi ăn, trước mặt mọi người để làm gương. Nhờ đó, mọi người được vững lòng và cũng bắt đầu ăn.

Sự tạ ơn Đức Chúa Trời trước khi ăn là thói quen của con dân Chúa nhưng trong trường hợp này, chúng ta có thể tin rằng, không phải Phao-lô chỉ tạ ơn Đức Chúa Trời về thức ăn Ngài ban cho, mà còn tạ ơn về sự giải cứu mà Ngài sẽ làm ra cho mọi người trên tàu. Về sau, Phao-lô đã ghi lại lời này cho con dân Chúa tại Phi-líp và tại Tê-sa-lô-ni-ca:

Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6).

Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Đức tin của con dân Chúa thể hiện qua sự bình tĩnh và làm những gì cần làm, giúp cho những người khác được vững lòng trong nghịch cảnh.

37 Hết thảy chúng tôi đã ở trong tàu là hai trăm bảy mươi sáu linh hồn.

Chúng ta không biết trong số 276 linh hồn ở trên tàu, có bao nhiêu người thuộc quân đội La-mã, có bao nhiêu người là tù nhân, có bao nhiêu người là hành khách, và có bao nhiêu người là thủy thủ. Nhưng tất cả được gọi bằng danh từ “linh hồn”. Danh từ “linh hồn” trong tiếng Hê-bơ-rơ hay tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh khi dùng cho loài người đều chỉ về bản ngã của loài người. Bản ngã chính là “cái tôi” được thực hữu bởi sự dựng nên của Thiên Chúa. Bản ngã hay linh hồn của một người chính là người ấy. Nhưng khi danh từ linh hồn được dùng để gọi một người thì cách gọi ấy nhấn mạnh đến phần thuộc linh hơn là phần thuộc thể; nhấn mạnh đến chính người ấy hơn là thân thể xác thịt của người ấy.

Trong 276 linh hồn ở trên tàu, có vài linh hồn đã thuộc về Đức Chúa Trời, đã ở trong sự cứu rỗi của Ngài, như Phao-lô và các bạn của ông là Lu-ca và A-ri-tạc. Nhưng có rất nhiều linh hồn chưa ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và sẽ hư mất đời đời, nếu họ qua đời ngay lúc ấy.

Chúng ta là những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời, những người đã thuộc về Ngài, đang ở trên cùng một con tàu vũ trụ khổng lồ là trái đất với hơn 7,9 tỉ linh hồn, du hành trong không gian [1]. Nhưng khi Đấng Christ đến, sẽ có được bao nhiêu linh hồn được biến hóa để vào trong thiên đàng với Ngài?

38 Khi họ đã ăn no, họ đã ném lúa mì xuống biển, làm cho nhẹ tàu.

Sau khi đã ăn no, sức lực được phục hồi, mọi người đã cùng nhau ném hàng hóa chính của chiếc tàu là các bao lúa mì xuống biển, làm cho nhẹ tàu. Họ làm như vậy để mong rằng, nếu tàu không chở nặng thì sẽ không dễ dàng rướn vào cát ngầm hay đá ngầm mà bị chìm tàu.

39 Khi ban ngày đã đến, họ chẳng nhận biết vùng đất, nhưng thấy một cái vịnh kia có bờ. Họ đã hội ý xem, nếu có thể đưa tàu vào trong đó.

Khu vực chiếc tàu dạt vào là phía tây bắc của một hòn đảo nhỏ, thuộc đảo Man-tơ (Malta), đảo nhỏ ấy ngày nay được gọi là Đảo Thánh Phao-lô (Saint Paul’s Island). Đảo Man-tơ ngày nay là Cộng Hòa Man-tơ (Republic of Malta), một tiểu quốc thuộc khối Liên Hiệp Âu Châu (European Union). Các thủy thủ có lẽ chưa từng ghé qua khu vực của đảo Man-tơ bao giờ nên không nhận ra được địa hình của vùng đất. Nhìn thấy có một cái vịnh với bờ cát, họ đã quyết định đưa tàu vào sát bờ.

40 Vậy, họ đã dứt bỏ các dây neo, thả chúng xuống biển, cùng lúc, tháo các dây buộc bánh lái; rồi dong buồm chính, thuận theo gió, giữ hướng vào bờ.

Theo ngữ pháp tiếng Hy-lạp của câu 40 thì các thủy thủ đã không kéo các mũi neo lên tàu nhưng đã cắt dây, thả cho chúng rơi xuống biển. Có lẽ vì quá mệt mỏi không còn muốn phí sức kéo các dây neo và cũng muốn sớm vào bờ nên họ đã cắt các dây neo. Bánh lái trước đây đã không thể sử dụng vì sóng cao, gió lớn, thuyền bị dồi, mất phương hướng, nên đã được buộc lại để khỏi bị sóng gió đập gãy, lúc bấy giờ đã được tháo các dây buộc. Buồm chính cũng đã được dong lên để thuận theo chiều gió, đưa tàu vào bờ.

41 Nhưng bị rơi vào chỗ hai dòng nước biển xáp nhau, chúng đã làm cho tàu bị mắc cạn. Thực tế, phần mũi bị kẹt, cứ ở yên, không động đậy, còn phần lái bị tan nát vì những cơn sóng mạnh.

Nhìn vào bản đồ vị trí chỗ tàu bị đắm chúng ta có thể hiểu rằng, một dòng nước biển từ hướng bắc chảy xuống, đụng với một dòng nước biển từ hướng nam chảy lên, gặp nhau, tạo thành một cồn cát ngầm lớn. Tàu đã rướn mạnh lên cồn cát ngầm nên mũi tàu đã bị kẹt cứng. Vì tàu đã cố định, không thể di chuyển lên xuống theo sóng nên phía lái tàu đã bị những cơn sóng lớn đánh vỡ tan.

Minh họa vị trí Phao-lô bị đắm tàu gần đảo Man-tơ [2]
Tọa độ trên Google Map: 35.966105959880025, 14.400271454291897
https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/07/VinhPhaolo.png

42 Ý kiến của các quân lính là giết các tù nhân, kẻo có ai bơi đi, đào thoát.

43 Nhưng viên đại đội trưởng muốn cứu Phao-lô, đã cấm họ thi hành ý định. Người cũng đã truyền cho ai có thể bơi thì nhảy xuống trước, thoát vào bờ.

44 Những kẻ còn lại, thực tế, người thì trên ván, người thì trên mảnh vụn của tàu. Thế là đã xảy ra, hết thảy họ đều thoát vào bờ.

Với trách nhiệm giải giao tù, các quân lính sợ các tù nhân có thể bơi vào bờ và trốn đi nên đã có ý muốn giết các tù nhân. Nhưng viên đại đội trưởng, vốn đối xử tốt với Phao-lô ngay từ buổi đầu, không muốn Phao-lô bị giết, nên ông đã ra lệnh cho quân lính không được giết tù nhân. Trái lại, ông đã ra lệnh cho ai biết bơi thì cứ nhảy xuống nước, tự bơi vào bờ. Sau cùng, những người không biết bơi đã bám vào các tấm ván hoặc các mảnh vụn của thân tàu để được sóng đưa vào bờ. Và như vậy, 276 người trên tàu đều được thoát nạn, như lời thiên sứ đã báo trước cho Phao-lô.

Chúng ta có thể tin rằng, Sa-tan đã đánh động tâm trí của những người lính, đưa ra các lý luận sắc bén về bổn phận và trách nhiệm của họ, để xúi giục họ giết các tù nhân, trong đó có Phao-lô. Chúng ta cũng có thể tin rằng, chính Đấng Thần Linh của Thiên Chúa đã tác động vào thần trí của viên đại đội trưởng để ông ra lệnh cấm quân lính giết tù nhân. Trong khi Sa-tan dùng lý luận và luật pháp để tác động các người lính thì Đấng Thần Linh lại dùng tình cảm giữa người với người và ý thức thẩm quyền để tác động viên đại đội trưởng. Viên đại đội trưởng quý mến Phao-lô và ý thức rằng, ông hoàn toàn có thẩm quyền để hành xử theo lương tâm của ông.

Chúng ta học biết rằng, khi Thiên Chúa muốn, Ngài có thể làm thay đổi lòng của người có quyền tuyệt đối trong một quốc gia:

Lòng của vua ở trong tay Đấng Tự Hữu Hằng Hữu khác nào dòng nước chảy; Ngài làm nghiêng lệch nó bề nào tùy ý Ngài muốn.” (Châm Ngôn 21:1).

Vì thế, chúng ta cứ yên tâm sống theo Lời Chúa, trung tín chịu khổ vì danh Chúa, giữ vững đức tin cho đến khi chúng ta ra khỏi cuộc đời này, cho dù chúng ta sống trong một chế độ chính trị nào. Mọi sự còn lại nằm trong ý muốn và thẩm quyền, cùng sức toàn năng của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy luôn nhớ rằng, Đức Chúa Trời yêu chúng ta hơn mọi sự mà Ngài đã dựng nên. Ngài là Cha Yêu Thương Đời Đời của chúng ta và chúng ta là những con trai và những con gái của Ngài, nếu chúng ta vâng phục Ngài và sống theo Lời Ngài (II Cô-rinh-tô 6:14-18).

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/07/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.worldometers.info/world-population/

[2] Bấm vào đây để xem hình ảnh Đảo Thánh Phao-lô.

Karaoke Thánh Ca: “Được Gặp Chúa”
https://karaokethanhca.net/duoc-gap-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.