Chú Giải Gia-cơ 05:01-06 Những Người Giàu Phạm Tội Trong Hội Thánh

5,689 views

YouTube: https://youtu.be/Hv2-Rl8ft64

905909 Chú Giải Gia-cơ 5:1-6
Những Người Giàu Phạm Tội Trong Hội Thánh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzM1MV8zYkh5NA

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe mp3 các bài giảng Chú Giải Gia-cơ:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-gia-co

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xNDcyNzQ1NF9PYmt6ZQ

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Gia-cơ 5:1-6

1 Hỡi các anh chị em là những người giàu có! Hãy khóc lóc và kêu la, vì cớ những hoạn nạn sẽ đến trên các anh chị em.

2 Tài sản của các anh chị em bị mục nát, quần áo của các anh chị em bị mối mọt ăn.

3 Vàng bạc của các anh chị em bị hoen gỉ. Sự hoen gỉ của chúng sẽ là chứng cớ nghịch lại các anh chị em và sẽ như lửa ăn thịt các anh chị em. Các anh chị em đã thu trữ cho những ngày sau cùng!

4 Kìa, tiền công những người được thuê gặt các ruộng của các anh chị em, mà các anh chị em đã gian lận, chúng nó kêu oan. Tiếng kêu của những thợ gặt đã thấu đến tai Chúa của các cơ binh.

5 Các anh chị em đã sống vui sướng cách sang trọng trên đất và trở nên phóng đãng. Các anh chị em đã làm cho lòng mình no nê như trong ngày chém giết.

6 Các anh chị em đã định tội và đã giết người công chính, mà người chẳng cự lại.

Có một số người cho rằng, Gia-cơ 5:1-6 nói đến những người giàu không tin Chúa. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, thư Gia-cơ được viết cho những tín đồ của Đức Chúa Jesus Christ thuộc 12 chi phái I-sơ-ra-ên ở tan lạc khắp nơi, là những người I-sơ-ra-ên đã được tái sinh bằng Lời của lẽ thật, là Lời đã được Đức Thánh Linh gieo trồng trong họ, là những người mà linh hồn đã được cứu ra khỏi hậu quả của tội lỗi. Ba câu Thánh Kinh dưới đây xác định như vậy:

“Gia-cơ, tôi tớ của Thiên Chúa và của Đức Chúa Jesus Christ, gửi cho mười hai chi phái bị tan lạc. Xin chào mừng!” (Gia-cơ 1:1).

“Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng Lời của lẽ thật sinh chúng ta, để cho chúng ta trở nên những trái đầu mùa của những tạo vật của Ngài.” (Gia-cơ 1:18).

“Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế, và sự đầy dẫy của điều độc ác, đem lòng nhu mì nhận lấy Lời đã trồng trong các anh chị em, là Lời cứu được linh hồn của các anh chị em.” (Gia-cơ 1:21).

Đây cũng chính là một điển hình về sự chúng ta cần phải dựa vào văn mạch của Thánh Kinh để hiểu ý nghĩa của một câu Thánh Kinh. Trong trường hợp này, chúng ta thấy rằng, chúng ta phải đặt Gia-cơ 5:1-6 vào trong văn mạch của toàn thư Gia-cơ; và dựa vào các câu 1, 18, và 21 trong đoạn 1 mà chúng ta biết rằng, những người nhà giàu được nói đến trong đoạn 5 chính là những tín đồ trong Hội Thánh.

Chúng ta cần phải hiểu rằng, một người được tha tội, được làm cho sạch tội nhờ lòng ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa không có nghĩa là người ấy không còn khả năng phạm tội. Người ấy được dựng nên mới giống như Thiên Chúa trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật (Ê-phê-sô 4:24), nhưng người ấy phải chọn ở lại trong sự công chính và thánh sạch ấy hay chọn quay về với nếp sống tội lỗi, chiều theo những sự ham muốn bất chính của xác thịt. Thiên Chúa không hề lấy lại quyền tự do lựa chọn mà Ngài đã ban cho loài người. Sau khi chúng ta được tái sinh, chúng ta vẫn hoàn toàn được tự do lựa chọn sống theo ý Chúa hay sống theo ý riêng; và chính chúng ta phải làm sự lựa chọn ấy. Thiên Chúa không ép chúng ta phải sống theo ý Ngài. Ngài không biến chúng ta thành những người máy chỉ có thể hành động theo ý Ngài.

Nếu người được tái sinh quyết tâm ở lại trong sự công chính và thánh sạch thì năng lực từ Thiên Chúa, tức là thánh linh của Ngài, đã tuôn đầy trong người ấy khi người ấy được tái sinh, sẽ giúp cho người ấy thắng mọi thử thách và cám dỗ, để sống đẹp lòng Thiên Chúa. Nếu người ấy lại chọn sự phạm tội để thỏa mãn những ham muốn bất chính của xác thịt, thì sẽ đến một lúc người ấy bị Chúa mửa ra, và bị hư mất đời đời.

Chúa muốn thương xót ai thì thương xót và muốn làm cho ai cứng lòng thì làm (Rô-ma 9:18). Ngài không có bổn phận phải ban cho ai cơ hội ăn năn tội, nhất là một người đã được tái sinh mà trở lại phạm tội. Nếu Ngài ban cho ai cơ hội ăn năn, thì hoàn toàn là bởi sự thương xót của Ngài. Cảm tạ Chúa, lòng thương xót của Ngài rất lớn, Ngài luôn ban cho chúng ta cơ hội ăn năn, nếu không, e rằng sẽ không có bao nhiêu người được cứu! Và Ngài công chính khi khiến cho những kẻ cố ý phạm tội trở nên cứng lòng, để Ngài thi hành sự hình phạt của Ngài cách nghiêm minh. Đó cũng chính là ý nghĩa Ê-sai 6:10:

“Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, kẻo mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa lành chăng!”

Bởi vì:

“Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi. Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.” (Hê-bơ-rơ 10:26-27).

Thực tế trong cuộc sống đã cho chúng ta thấy, có biết bao nhiêu người mang danh là con dân Chúa mà vẫn sống theo những ham muốn bất chính của xác thịt, sống trong tội, nhất là những người giàu có về của cải vật chất.

1 Hỡi các anh chị em là những người giàu có! Hãy khóc lóc và kêu la, vì cớ những hoạn nạn sẽ đến trên các anh chị em.

Lời cảnh báo và kêu gọi của Gia-cơ đã được viết ra gần hai ngàn năm qua. Lời ấy được áp dụng không riêng gì cho các tín đồ gốc I-sơ-ra-ên thời bấy giờ, mà còn áp dụng chung cho toàn thể con dân Chúa trong Hội Thánh cho đến ngày Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian, và áp dụng cho mọi con dân Chúa trong thời Đại Nạn. Bởi vì lời ấy đã được Đức Thánh Linh ghi lại trong Thánh Kinh, và đó chính là lời của Đức Thánh Linh phán cùng Hội Thánh.

Lời Chúa cảnh báo và kêu gọi những người giàu có mà phạm tội trong Hội Thánh hãy than khóc và kêu la vì cớ hoạn nạn sẽ giáng xuống trên họ. Khi chúng ta đọc những câu tiếp theo thì chúng ta biết rằng, những hoạn nạn sắp giáng xuống trên họ là hình phạt về những tội lỗi của họ, chứ không phải là sự thử thách.

2 Tài sản của các anh chị em bị mục nát, quần áo của các anh chị em bị mối mọt ăn.

3 Vàng bạc của các anh chị em bị hoen gỉ. Sự hoen gỉ của chúng sẽ là chứng cớ nghịch lại các anh chị em và sẽ như lửa ăn thịt các anh chị em. Các anh chị em đã thu trữ cho những ngày sau cùng!

Họ thu trữ tài sản, quần áo, vàng bạc… nhiều hơn là nhu cầu, đến nỗi chúng bị mục nát, bị mối mọt ăn, bị hoen gỉ trong khi biết bao nhiêu người khác sống trong sự đói khát, thiếu thốn. Trong ngày phán xét, tài sản bị hoen gỉ của họ sẽ là chứng cớ nghịch lại họ về sự họ không có lòng thương xót, không biết làm lợi những ta-lâng mà Chúa đã ban cho họ.

Trong cuộc đời này, tài sản vật chất giúp tạo ra cuộc sống tiện nghi cho họ nhưng trong đời sau, sự thu trữ tài sản bất chính của họ sẽ trở thành án phạt, thêm sự đau khổ cho họ trong hỏa ngục. Hình phạt của sự thu trữ tài sản bất chính sẽ được thể hiện qua sự lửa của hỏa ngục thiêu đốt họ. Thế nào là thu trữ tài sản bất chính? Lời của Chúa phán:

“…vì thế gian và muôn vật ở trong, đều thuộc về Ta.” (Thi Thiên 50:12).

“Bạc là của Ta, vàng là của Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân phán vậy.” (A-ghê 2:8).

Vì thế, khi tài sản vật chất được trao vào trong tay của con dân Chúa, thì con dân Chúa có nhiệm vụ sử dụng tài sản ấy để làm những việc lành trong sự tiếp trợ lẫn nhau và tiếp trợ những người dạy Đạo cho mình. Nếu không, thì sẽ trở thành thu trữ tài sản bất chính.

Ma-thi-ơ 25:34-40 dạy chúng ta về bổn phận tiếp trợ lẫn nhau trong Hội Thánh:

34 Bấy giờ, Vua sẽ phán với những người ở bên phải rằng: Hỡi các ngươi được Cha Ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy vương quốc đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên thế gian.

35 Vì Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi tiếp đón Ta;

36 Ta trần truồng, các ngươi mặc cho Ta; Ta bệnh, các ngươi thăm Ta; Ta bị tù, các ngươi viếng Ta.

37 Lúc ấy, những người công chính sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Ngài đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống?

38 Lại khi nào chúng tôi đã thấy Ngài là khách lạ mà tiếp đón; hoặc trần truồng mà mặc cho?

39 Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Ngài bệnh, hoặc bị tù, mà đến với Ngài?

40 Vua sẽ đáp lời, phán với họ rằng: Thật! Ta nói với các ngươi, bao nhiêu điều các ngươi đã làm cho một trong những người nhỏ nhất giữa những người này, các anh chị em của Ta, là bấy nhiêu điều các ngươi cũng đã làm cho Ta.

Ga-la-ti 6:6 dạy chúng ta về bổn phận phải chia xẻ vật chất cho người giảng dạy Lời Chúa cho chúng ta, như người ấy là một thành viên trong gia đình:

“Người nào được dạy trong Lời, thì người ấy hãy chia hết thảy trong của cải mình cho người dạy. [Được dạy về cách sống theo Lời của Chúa.]”

Không phải ngẫu nhiên mà Ma-thi-ơ 25 ghi lại ngụ ngôn về các ta-lâng ngay trước khi ghi lại lời tiên tri về sự phán xét con dân Chúa thuộc thời Đại Nạn. Lời Chúa dạy rằng, mỗi con dân Chúa là một người quản lý, phải trung tín trong sự quản trị các ân tứ mà Chúa đã ban cho mình:

“Theo như mỗi người đã nhận được ân tứ, hãy phục vụ lẫn nhau như những người quản lý tốt ân điển đa diện của Thiên Chúa.” (I Phi-e-rơ 4:10).

Công việc của người quản lý là phân phối tài sản chủ giao vào trong tay mình một cách hợp lý, để bảo đảm mọi thành viên trong gia đình của chủ được no đủ, và khôn sáng đầu tư tài sản của chủ sao cho đem lại lợi lớn cho chủ.

Mỗi con dân Chúa phải phân phát lẫn nhau các ân tứ Chúa ban cho mình, từ thuộc thể đến thuộc linh, sao cho những người khác trong Hội Thánh cũng cùng được hưởng các ân tứ ấy, chứ không phải chỉ để phục vụ riêng cho mình và gia đình mình.

Câu: “Các anh chị em đã thu trữ cho những ngày sau cùng”; có nghĩa là: các anh chị em đã thu trữ sự hình phạt nặng nề, kinh khiếp, dành cho các anh chị em trong những ngày sau cùng của các anh chị em trước tòa phán xét của Thiên Chúa. Rô-ma 2:5-6 giúp cho chúng ta hiểu như vậy:

“Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chất chứa cho mình sự giận về ngày thịnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời, là Đấng sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công việc họ làm…”

Điều đáng sợ là: Có biết bao nhiêu người mang danh là con dân Chúa, sống theo xác thịt, chẳng những mất sự cứu rỗi mà còn thu trữ hình phạt cho mỗi việc làm tội lỗi của mình, mà họ không nhận biết. Bởi vì, “Đức Chúa Trời của đời này”, là Sa-tan, đã dùng những thú vui của tội lỗi làm mù lý trí họ (II Cô-rinh-tô 4:4).

4 Kìa, tiền công những người được thuê gặt các ruộng của các anh chị em, mà các anh chị em đã gian lận, chúng nó kêu oan. Tiếng kêu của những thợ gặt đã thấu đến tai Chúa của các cơ binh.

Câu này nói đến sự làm giàu bất chính của một số con dân Chúa. Họ làm giàu bằng cách bóc lột người khác, điển hình là sự lường gạt tiền công của những người làm thuê cho họ. Cho dù những người làm thuê ấy tin Chúa hay không tin Chúa, thì Chúa vẫn nghe tiếng kêu oan của họ và sẽ xử công chính cho họ hoặc là trong đời này hoặc là trong đời sau.

Sự lường gạt tiền công của các thợ gặt được nêu lên trong câu này chỉ là một điển hình cho sự làm giàu bất chính. Tất cả những sự lường gạt, dối trá để bóc lột người khác, thủ lợi cho mình đều là tội lỗi và sẽ bị Chúa phán xét một cách công chính.

Danh xưng “Chúa của các cơ binh” được dịch từ danh xưng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân”, lần đầu tiên được dùng trong I Sa-mu-ên 1:3. Danh xưng ấy cho thấy sự phán xét những kẻ làm giàu bất chính sẽ rất là nghiêm khắc.

5 Các anh chị em đã sống vui sướng cách sang trọng trên đất và trở nên phóng đãng. Các anh chị em đã làm cho lòng mình no nê như trong ngày chém giết.

Những người giàu thì đương nhiên có phương tiện để sống vui sướng và sang trọng trên đất. Chúng ta cần hiểu rằng, sống vui sướng và sang trọng là một ơn phước Chúa ban, không phải là tội lỗi. Thánh Kinh ghi lại nhiều lần Đức Chúa Jesus Christ được những người giàu có mời ăn uống tại nhà họ. Chắc chắn là nhà của họ sang trọng và thức ăn họ mời Chúa thì ngon và quý, nhưng Chúa không hề quở trách họ sao lại ăn ở vui sướng cách sang trọng. Ngay cả việc hai người phụ nữ mua sắm dầu thơm quý giá cũng không bị Chúa quở trách, và Ngài sẵn lòng tiếp nhận sự họ dùng chất dầu thơm quý để xức cho Ngài.

Tội lỗi là vui sướng sang trọng một cách bất chính bằng sự làm giàu bất chính hoặc trở nên phóng đãng. Từ ngữ “phóng đãng” trong nguyên ngữ Hy-lạp là một động từ chỉ về hành động vui thú, thỏa mãn sự dâm dục của xác thịt cách bất chính, có thể dịch là: vui thú tà dâm. Thánh Kinh chỉ dùng từ ngữ này hai lần: một lần chúng ta đang học trong Gia-cơ 5:5 đây và một lần trong I Ti-mô-thê 5:6, hàm ý những phụ nữ góa chồng có nếp sống phóng đãng.

“Làm cho lòng mình no nê như trong ngày chém giết” có nghĩa là những người giàu mà phạm tội trong Hội Thánh chỉ biết vui thú trong tội lỗi, dồn chứa cho mình sự hình phạt, như những súc vật được người ta dồn ăn cho mập, chuẩn bị cho sự làm thịt. Từ ngữ “chém giết” được dùng ở đây, trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa đen là giết thịt súc vật.

6 Các anh chị em đã định tội và đã giết người công chính, mà người chẳng cự lại.

Đây là một câu hơi khó hiểu, vì chữ “người công chính” được dùng với số ít, có mạo từ xác định đứng trước. Vì thế, câu này không có ý nói những người nhà giàu giết những người công chính, mà là, những người nhà giàu đã giết một người được gọi là “người công chính”. Nếu dịch diễn ý thì sẽ là:

“Các anh chị em đã định tội và đã giết Đấng Công Chính, mà Ngài chẳng cự lại.”

Mỗi một hành động tội lỗi của loài người chúng ta đều đã được chất hết lên thân thể của Đức Chúa Jesus Christ, cho dù chúng ta có tin nhận Ngài hay không tin nhận Ngài. Đức Chúa Trời đã thi hành sự đoán phạt tội lỗi của toàn thể loài người trên thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ. Đức Chúa Jesus Christ đã vâng phục cho đến chết, không hề chống cự khi bị bắt, bị giết:

“Người đã bị hiếp đáp và người đã bị khốn khổ, nhưng người đã chẳng mở miệng của mình. Người bị mang như chiên con đến hàng làm thịt và như chiên câm trước mặt kẻ hớt lông, Người chẳng từng mở miệng.” (Ê-sai 53:7).

“Được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của loài người là bản thể lẫn bản tính của loài người, bao gồm: thể chất, ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, ý tưởng, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:8).

“Và Ngài là của lễ chuộc những tội lỗi của chúng ta; không chỉ của chúng ta thôi đâu, mà còn của cả thế gian nữa.” (I Giăng 2:2).

Vì thế, là con dân Chúa mà trở lại phạm tội, thì mỗi hành động phạm tội đó là thêm một lần đóng đinh Đấng Christ trên thập tự giá trước mặt thiên hạ, là “đã định tội và đã giết Đấng Công Chính, mà Ngài chẳng cự lại”:

“Vì không thể nào những người đã một lần được soi sáng, đã nếm sự ban cho từ trên trời, được trở nên những người dự phần về thánh linh, đã nếm Lời phán lành của Thiên Chúa và những năng lực của đời sau, rồi họ lại sa ngã, mà được phục hồi vào trong sự ăn năn. Vì họ đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài.” (Hê-bơ-rơ 6:4-6).

Con dân Chúa được giàu có một cách chính đáng thì đó là một ơn phước Chúa ban đồng thời cũng là một chức vụ Chúa ban: Chức vụ “người cứu giúp” trong Hội Thánh. Chức vụ ấy được nói đến trong I Cô-rinh-tô 12:28:

“Thực tế, Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh: thứ nhất là những sứ đồ; thứ nhì là những tiên tri; thứ ba là những người dạy; kế đến là những người làm phép lạ; rồi những người có ân tứ chữa lành các tật bệnh; những người cứu giúp; những người cai quản, những người nói các nhánh của các ngôn ngữ.”

Nhân dịp này chúng ta hãy cùng nhau đọc lại Lu-ca 12:29-48:

29 Các ngươi đừng kiếm sự gì các ngươi sẽ ăn hoặc sự gì các ngươi sẽ uống, cũng đừng lo lắng.

30 Vì mọi sự đó, các dân ngoại của thế gian tìm kiếm. Cha của các ngươi biết rằng, các ngươi cần những sự ấy.

31 Nhưng các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời, rồi mọi sự đó sẽ được thêm cho các ngươi.

32 Đừng sợ! Hỡi bầy nhỏ! Vì Cha của các ngươi đã bằng lòng ban cho các ngươi Vương Quốc Trời.

33 Hãy bán gia tài của các ngươi mà ban sự thương xót. Hãy sắm cho mình những túi không hư, kho tàng không thất thoát ở trên trời, nơi không có kẻ trộm đến gần, cũng không có sâu mọt làm cho hư nát.

34 Vì kho tàng của các ngươi ở đâu, thì lòng của các ngươi cũng ở đó.

35 Lưng các ngươi phải thắt lại, đèn các ngươi phải thắp lên.

36 Hãy làm như người chờ đợi chủ mình ở tiệc cưới về, để lúc chủ đến gõ cửa thì liền mở.

37 Phước cho những đầy tớ ấy, khi chủ về thấy họ thức canh! Thật vậy, Ta nói với các ngươi, chủ sẽ thắt lưng mình, cho đầy tớ ngồi bàn mình, và đến mà phục vụ họ.

38 Hoặc canh hai hay canh ba, chủ trở về, nếu thấy đầy tớ như vậy thì phước cho họ! [Canh hai: phiên gác từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng. Canh ba: phiên gác từ 2 giờ sáng đến 6 giờ sáng].

39 Hãy biết rõ, nếu chủ nhà đoán biết kẻ trộm đến giờ nào, thì sẽ tỉnh thức, chẳng để cho nhà mình bị xâm nhập.

40 Các ngươi cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì Con Người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ.

41 Phi-e-rơ thưa với Ngài rằng: Lạy Chúa, thí dụ này Chúa phán cho chúng tôi, hay là cũng cho mọi người?

42 Chúa đáp rằng: Ai là người quản gia ngay thật khôn sáng, chủ nhà đặt cai quản cả người nhà mình, để đến đúng thời điểm thì phát phần ăn cho họ?

43 Phước cho đầy tớ ấy khi chủ nhà về, thấy làm như vậy!

44 Thật vậy, Ta nói với các ngươi, chủ sẽ cho nó quản lý cả gia tài mình.

45 Nhưng nếu đầy tớ ấy tự nghĩ rằng: Chủ ta chậm đến; rồi cứ đánh đập đầy tớ trai và gái, ăn uống say sưa,

46 thì chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ, và giờ nó không biết; lấy roi đánh xé da nó, và định phần cho nó chung với những kẻ bất trung.

47 Đầy tớ này đã biết ý chủ mình, mà không sửa soạn sẵn và không theo ý ấy, thì sẽ bị đòn nhiều.

48 Nhưng đầy tớ không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì bị đòn ít. Vì ai được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn.

Nguyện Lời Chúa tỉnh thức và thánh hóa mỗi chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
30/05/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.