Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL014 Đức Chúa Jesus Được Thờ Phượng bởi Các Nhà Thông Thái…

454 views

YouTube: https://youtu.be/EStSstErupo

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL014 Đức Chúa Jesus Được Thờ Phượng
bởi Các Nhà Thông Thái, Lánh Nạn Sang Ê-díp-tô,
và Thời Thơ Ấu của Ngài tại Na-xa-rét
Ma-thi-ơ 2:1-23; Lu-ca 2:39-40

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 2:1-23

1 Đức Chúa Jesus đã được sinh ra tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, trong những ngày của Vua Hê-rốt. Kìa, có các nhà thông thái từ đông phương đã đến thành Giê-ru-sa-lem,

2 hỏi rằng: Vua của dân Do-thái đã được sinh tại đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài tại đông phương, nên đã đến để thờ phượng Ngài.

3 Khi Vua Hê-rốt đã nghe thì bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng như ông.

4 Ông đã nhóm lại các thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy thông giáo trong dân, tra hỏi họ: Đấng Christ được sinh tại đâu? [Thầy thông giáo là người phụ trách sao chép Thánh Kinh và giảng dạy Thánh Kinh trong Do-thái Giáo.]

5 Họ đã thưa với ông: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê. Vì đã được chép bởi đấng tiên tri như vầy:

6 Hỡi Bết-lê-hem, đất của Giu-đa! Ngươi chẳng kém trong các bậc lãnh đạo của Giu-đa. Vì từ ngươi sẽ ra một thủ lĩnh, Đấng sẽ chăn I-sơ-ra-ên, dân Ta. [Mi-chê 5:2]

7 Thế rồi, Hê-rốt đã kín đáo gọi các nhà thông thái, tra hỏi kỹ từ họ về ngôi sao đã hiện ra khi nào.

8 Ông đã sai họ đến thành Bết-lê-hem, nói rằng: Hãy đi! Tra tìm cho kỹ về con trẻ. Khi các ngươi đã tìm gặp, hãy báo cho ta để ta đến, thờ phượng Ngài.

9 Khi đã nghe vua phán, họ đã lên đường. Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương, đã dẫn họ cho tới khi đã đến, dừng trên chỗ con trẻ ở.

10 Khi họ nhìn thấy ngôi sao, họ đã quá vui mừng với một niềm vui lớn.

11 Khi họ đã đến trong nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ của Ngài, thì họ đã sấp mình xuống, thờ phượng Ngài. Rồi, họ đã mở của báu của họ ra, dâng lên Ngài các lễ vật: vàng, nhũ hương, và một dược.

12 Họ đã được thần khải trong giấc mơ rằng, chớ trở lại với Hê-rốt. Họ đã về lại xứ của họ bằng một đường khác. [Thần khải có nghĩa là được Thiên Chúa báo cho biết.]

13 Khi họ đã đi, kìa, thiên sứ của Chúa đã hiện ra với Giô-sép trong giấc mơ, phán rằng: Hãy trỗi dậy! Hãy đem con trẻ và mẹ của Ngài trốn sang xứ Ê-díp-tô. Ngươi cứ ở đó cho tới khi ta bảo ngươi. Vì Hê-rốt sẽ kiếm con trẻ để diệt Ngài.

14 Người đã trỗi dậy, đem con trẻ và mẹ của Ngài, ban đêm, lánh sang xứ Ê-díp-tô;

15 và đã ở đó cho tới khi Hê-rốt qua đời, để ứng nghiệm điều Chúa đã phán bởi đấng tiên tri, rằng: Ta đã gọi Con của Ta ra khỏi Ê-díp-tô. [Ô-sê 11:1]

16 Khi Hê-rốt thấy rằng, mình đã bị lừa bởi các nhà thông thái thì tức giận quá, sai giết hết thảy trẻ trai từ hai tuổi trở xuống tại thành Bết-lê-hem và tại các khu vực lân cận đó, theo thời gian mà ông đã tra hỏi kỹ từ các nhà thông thái.

17 Khi ấy đã ứng nghiệm điều đã nói bởi Tiên Tri Giê-rê-mi, rằng:

18 Tại Ra-ma, tiếng kêu la, than khóc, và nỗi sầu thảm lớn đã được nghe. Ra-chên khóc các con của mình mà không chịu được an ủi; vì chúng nó không còn nữa. [Giê-rê-mi 31:15]

19 Nhưng sau khi Hê-rốt đã chết, kìa, thiên sứ của Chúa đã hiện ra với Giô-sép, trong giấc mơ, tại Ê-díp-tô,

20 phán rằng: Hãy trỗi dậy! Hãy đem con trẻ và mẹ của Ngài đi vào đất I-sơ-ra-ên; vì những kẻ tìm hại mạng sống của con trẻ đã chết.

21 Người đã trỗi dậy, đem con trẻ và mẹ của Ngài, đi vào đất I-sơ-ra-ên.

22 Nhưng khi nghe rằng, A-chê-la-u đã cai trị tại xứ Giu-đê thay cho cha mình là Hê-rốt, thì người đã sợ đến đó. Người đã được thần khải trong giấc mơ nên lánh vào các miền của xứ Ga-li-lê.

23 Người đã đến và ở trong một thành được gọi là Na-xa-rét, để ứng nghiệm lời đã nói bởi các đấng tiên tri: Ngài sẽ được gọi là người Na-xa-rét.

Lu-ca 2:39-40

39 Khi họ đã làm trọn mọi việc theo luật pháp của Chúa, họ đã trở về đến xứ Ga-li-lê, đến thành Na-xa-rét của họ.

40 Con trẻ đã lớn lên, được mạnh mẽ trong tâm thần, được đổ đầy sự khôn sáng; và ân điển của Thiên Chúa đã ngự trên Ngài.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một số chi tiết liên quan sự các nhà thông thái từ đông phương tìm đến Bết-lê-hem để tôn thờ Đức Chúa Jesus; sự Vua Hê-rốt truyền lệnh giết các trẻ trai từ hai tuổi trở xuống, tại Bết-lê-hem và các vùng lân cận; sự Đức Chúa Jesus đã phải lánh nạn sang Ê-díp-tô, và sau đó đã trở về I-sơ-ra-ên, sống tại thành Na-xa-rét.

Ma-thi-ơ 2:1-23

1 Đức Chúa Jesus đã được sinh ra tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, trong những ngày của Vua Hê-rốt. Kìa, có các nhà thông thái từ đông phương đã đến thành Giê-ru-sa-lem,

2 hỏi rằng: Vua của dân Do-thái đã được sinh tại đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của Ngài tại đông phương, nên đã đến để thờ phượng Ngài.

Thánh Kinh xác nhận, Đức Chúa Jesus đã được sinh ra tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê. Điều ấy chứng tỏ rằng, lời tiên tri về nơi Đấng Christ được sinh ra đã ứng nghiệm cho Đức Chúa Jesus. Thánh Kinh cũng xác nhận, Ngài đã được sinh ra trong những ngày của Vua Hê-rốt. “Những ngày của Vua Hê-rốt” có nghĩa là những ngày Hê-rốt làm vua. Vua Hê-rốt được nói đến ở đây là Hê-rốt Đại Đế, còn gọi là Hê-rốt Đệ Nhất, là vua xứ Giu-đê, chư hầu của đế quốc La-mã. Có nghĩa là Hê-rốt được hoàng đế La-mã phong cho làm vua xứ Giu-đê nhưng kinh tế, chính trị, và quân sự đều phụ thuộc vào đế quốc La-mã.

Hê-rốt là người khởi công tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa thứ nhì, mở rộng khuôn viên Đền Thờ gấp đôi, từ bảy héc-ta lên đến hơn 14 héc-ta. Hê-rốt cho xây dựng thêm nhiều kiến trúc chung quanh Đền Thờ, khiến toàn thể khu vực Đền Thờ được xem là một kỳ quan vào thời bấy giờ. Thời ấy, toàn thể khuôn viên Đền Thờ được gọi chung là “Công Trình Xây Dựng của Hê-rốt”. Cũng có câu nói: “Nếu ai chưa thấy Công Trình Xây Dựng của Hê-rốt thì chưa bao giờ thấy một kiến trúc xinh đẹp.” Các môn đồ của Đức Chúa Jesus từng trầm trồ với Chúa về các kiến trúc trong khu vực của Đền Thờ (Ma-thi-ơ 24:1). Công cuộc tái xây dựng Đền Thờ và mở mang khu vực Đền Thờ được khởi công vào năm 20 TCN. Mặc dù Hê-rốt qua đời vào mùa xuân năm 4 TCN nhưng việc xây dựng vẫn cứ tiếp tục cho tới khi được hoàn tất vào năm 65. Trong suốt thời gian thi công, việc tế lễ vẫn được tiếp diễn. Vào năm 70, Đền Thờ đã bị thiêu hủy hoàn toàn bởi quân đội La-mã [1].

Danh từ “nhà thông thái” (G3097) được dùng để chỉ những học giả thông thạo các ngành nhân văn và khoa học thuộc các đế quốc Ba-bi-lôn, Mê-đi, Phe-rơ-sơ vào thời ấy. Họ giỏi về ngôn ngữ, triết học, toán học, thiên văn, địa lý, chính trị, và lịch sử. Có lẽ các nhà thông thái tìm đến, thờ phượng Đức Chúa Jesus là các nhà thiên văn học. Thánh Kinh không hề nói có ba nhà thông thái, nhưng dựa vào ba món quà họ mang theo, làm lễ vật ra mắt Đức Chúa Jesus, mà nhiều người nghĩ rằng, có ba nhà thông thái. Trong thực tế, có thể nhóm người của các nhà thông thái lên đến hàng chục người. Vì họ phải đi một chặng đường xa, mang theo nhiều tài sản quý giá, dễ bị cướp tấn công, cần phải có nhiều người hộ vệ.

Từ đông phương” có nghĩa là từ hướng đông của thành Giê-ru-sa-lem. Nhìn vào bản đồ thì chúng ta thấy, Ba-bi-lôn (I-rắc ngày nay) và Phe-rơ-sơ (I-răn ngày nay) ở về hướng đông của Giê-ru-sa-lem. Vì thế, có thể các nhà thông thái đã đến từ Ba-bi-lôn hoặc Phe-rơ-sơ. Vào thời điểm ấy, Ba-bi-lôn và Phe-rơ-sơ đã thuộc về đế quốc Bạt-thê (Parthian Empire). Có truyền thuyết cho rằng, các nhà thông thái là ba vị vua của ba quốc gia ở đông phương, nhưng Thánh Kinh không gọi họ là vua; và danh từ “xứ” trong Ma-thi-ơ 2:12 là danh từ số ít, hàm ý, các nhà thông thái xuất phát từ cùng một địa phương nào đó, ở về hướng đông của Giê-ru-sa-lem.

Khi các nhà thông thái đến Giê-ru-sa-lem, có lẽ họ đã vào thành, hỏi thăm dân chúng về nơi Đức Chúa Jesus được sinh ra.

Chúng ta hoàn toàn không biết, làm thế nào bởi sự quan sát thiên văn mà các nhà thông thái biết rằng, vua của dân Do-thái đã được sinh ra. Nhưng chúng ta có thể hiểu, bởi cớ gì họ đã không ngại đường xa hiểm trở, đi tìm Đức Chúa Jesus để thờ phượng Ngài. Vì sự sinh ra của Đức Chúa Jesus đã được đánh dấu bằng một ngôi sao lạ, cho thấy, đó là một kỳ tích; và chắc chắn vua của dân Do-thái sẽ có ảnh hưởng đến các dân khác. Các nhà thông thái đã nói rõ, họ muốn tìm đến để thờ phượng vua của dân Do-thái đã được sinh ra. Nếu các nhà thông thái thuộc về con cháu của những người I-sơ-ra-ên bị lưu đày tại Ba-bi-lôn, thì đương nhiên họ biết rõ lời hứa về Đấng Christ và đương nhiên họ muốn thờ phượng Đấng Christ. Cho dù họ thuộc con cháu của dân I-sơ-ra-ên hay thuộc về các dân ngoại, chúng ta có thể tin rằng, chính Thiên Chúa đã thần khải cho họ về sự ra đời của Đấng Christ và ý nghĩa của ngôi sao lạ. Chính Thiên Chúa đã tác động trong họ để họ lên đường, tìm đến tận nơi, thờ phượng Đấng Christ và dâng lễ vật lên Ngài.

Ngôi sao báo hiệu sự ra đời của Đấng Christ là một phép lạ. Vì chúng ta biết, các ngôi sao thông thường đều ở trong quỹ đạo của chúng và luân chuyển theo quy luật mà Thiên Chúa đã định sẵn cho chúng. Còn ngôi sao mà các nhà thông thái nhìn thấy từ bên phương đông thì đã dẫn đường cho họ đi về phương tây, trong một hành trình kéo dài khoảng hai năm. Sau đó, ngôi sao lại dẫn đường cho họ đi về phương nam, và đã dừng lại ngay trên vị trí căn nhà mà Đức Chúa Jesus đang cư trú. Có nghĩa là khi các nhà thông thái phát hiện một ngôi sao lạ trên bầu trời thì ngôi sao ấy đã từ từ di chuyển từ đông sang tây. Vì thế, các nhà thông thái đã lên đường, đi theo hướng di chuyển của ngôi sao ấy.

Vì thành Giê-ru-sa-lem là thành thánh của dân I-sơ-ra-ên nên sau khi ngôi sao dẫn các nhà thông thái đến thành Giê-ru-sa-lem, có lẽ họ nghĩ rằng, họ đã đến nơi. Họ đã vào thành để hỏi thăm nơi Đức Chúa Jesus được sinh ra. Nếu các nhà thông thái suy nghĩ rằng, Đấng Christ được sinh ra tại Giê-ru-sa-lem thì đó cũng là điều hợp lý. Nhưng Vua Hê-rốt đã cho họ biết, là họ phải tìm đến Bết-lê-hem. Khi họ đã nhận được mệnh lệnh của Vua Hê-rốt, ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem để đi về hướng Bết-lê-hem, thì họ đã thấy lại ngôi sao. Nhưng ngôi sao đã đổi hướng, đi từ bắc xuống nam.

Có giả thuyết cho rằng, ngôi sao mà các nhà thông thái nhìn thấy chẳng qua chỉ là hiện tượng thiên văn về sự kết hợp của Mộc Tinh và Thổ Tinh, khi chúng di chuyển đến gần nhau, tạo thành điểm sáng lớn trên bầu trời. Giả thuyết ấy là không hợp với các chi tiết trong Thánh Kinh. Mộc Tinh và Thổ Tinh không thể đến gần nhau, di chuyển từ đông sang tây suốt khoảng hai năm; rồi di chuyển từ bắc xuống nam; rồi dừng lại, khi đến trên căn nhà của Đức Chúa Jesus. Hiện tượng Mộc Tinh và Thổ Tinh đến gần nhau cũng không xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 7 TCN tới năm 4 TCN (là khoảng thời gian Đức Chúa Jesus ra đời). Chúng ta có thể tin rằng, ngôi sao lạ đã đưa đường các nhà thông thái tìm đến tận nơi để thờ phượng Đức Chúa Jesus là một phép lạ, không phải là một hiện tượng thiên văn.

3 Khi Vua Hê-rốt đã nghe thì bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng như ông.

4 Ông đã nhóm lại các thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy thông giáo trong dân, tra hỏi họ: Đấng Christ được sinh tại đâu? [Thầy thông giáo là người phụ trách sao chép Thánh Kinh và giảng dạy Thánh Kinh trong Do-thái Giáo.]

Sự các nhà thông thái từ xa đến, hỏi thăm vua của dân Do-thái đã được sinh tại đâu để họ thờ phượng Ngài đã khiến cho dân thành Giê-ru-sa-lem và Vua Hê-rốt bối rối. Dân chúng bối rối vì theo họ, nếu vua của dân Do-thái được sinh ra thì phải là trong cung điện của Hê-rốt. Nhưng họ không hề nghe biết tin tức gì về một hoàng tử mới được sinh ra và được phong làm thái tử, tức là người sẽ kế thừa ngai vua. Vua Hê-rốt bối rối vì cảm thấy ngai vua của mình và của con cháu mình bị đe dọa bởi con cháu của một gia tộc khác.

Mặc dù các nhà thông thái không đề cập đến danh xưng Đấng Christ nhưng Vua Hê-rốt đã hiểu rằng, người mà các nhà thông thái đang đi tìm chính là Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh. Vua Hê-rốt hiểu rằng, Đấng Christ sẽ làm vua của dân I-sơ-ra-ên và sẽ trở thành Đấng Giải Cứu của dân I-sơ-ra-ên. Có thể Hê-rốt đã hiểu rằng, Đấng Christ sẽ giải cứu dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách cai trị của đế quốc La-mã. Đó cũng là cách hiểu và niềm hy vọng của hầu hết những người I-sơ-ra-ên vào thời ấy. Họ là những người I-sơ-ra-ên tin vào lời hứa về Đấng Christ mà trong tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Đấng Mê-si-a. Vì thế, Vua Hê-rốt đã cho nhóm hiệp các thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy thông giáo để tra hỏi họ về nơi sinh của Đấng Christ.

Mệnh đề “các thầy tế lễ thượng phẩm” bao gồm thầy tế lễ thượng phẩm đương nhiệm và các thầy tế lễ thượng phẩm trước đó. Các thầy thông giáo là những người chuyên việc sao chép và giảng giải Thánh Kinh Cựu Ước cho dân I-sơ-ra-ên. Vua Hê-rốt tra hỏi họ vì họ có sự hiểu biết về Thánh Kinh.

5 Họ đã thưa với ông: Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê. Vì đã được chép bởi đấng tiên tri như vầy:

6 Hỡi Bết-lê-hem, đất của Giu-đa! Ngươi chẳng kém trong các bậc lãnh đạo của Giu-đa. Vì từ ngươi sẽ ra một thủ lĩnh, Đấng sẽ chăn I-sơ-ra-ên, dân Ta. [Mi-chê 5:2]

Các thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy thông giáo đã trả lời ngay cho Vua Hê-rốt là Đấng Christ được sinh ra tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê. Họ còn trưng dẫn lời của Tiên Tri Mi-chê. Nhưng vì một lý do gì đó họ đã không trưng dẫn đúng nguyên văn. Lời tiên tri của Mi-chê là:

Ngươi, hỡi Bết-lê-hem Ê-phơ-rát! Ngươi là nhỏ, trong hàng ngàn thuộc Giu-đa. Từ ngươi sẽ ra cho Ta là Đấng cai trị trong I-sơ-ra-ên. Ngài ra từ thuở xưa, từ những ngày xưa vô cùng.” (Mi-chê 5:2).

Theo Sáng Thế Ký 35:19, Ê-phơ-rát (H672) là một tên khác của Bết-lê-hem (G965). Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống phiên âm thành “Ép-ra-ta” là không đúng. Tên Bết-lê-hem có nghĩa là: nhà làm bánh. Tên Ê-phơ-rát có nghĩa là: kết đầy quả. Cả hai tên đều xứng đáng đặt cho vùng đất mà Đấng Christ được sinh ra. Vì Ngài là Bánh Hằng Sống và mục vụ của Ngài kết đầy quả. Bết-lê-hem Ê-phơ-rát thuộc chi phái Giu-đa khác với Bết-lê-hem thuộc chi phái Sa-bu-lôn, được nói đến trong Giô-suê 19:15. Bết-lê-hem Ê-phơ-rát là một địa phương nhỏ trong số hàng ngàn địa phương thuộc xứ Giu-đa. Nhưng từ Bết-lê-hem sẽ xuất hiện Đấng cầm quyền cai trị I-sơ-ra-ên cho Đức Chúa Trời. Nguồn gốc của Đấng ấy là từ thuở xưa, từ quá khứ đời đời. Hàm ý, Đấng ấy chính là Thiên Chúa.

Có thể nói, các thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy thông giáo đã diễn giảng ý nghĩa của lời tiên tri, thay vì trích dẫn nguyên văn lời tiên tri.

7 Thế rồi, Hê-rốt đã kín đáo gọi các nhà thông thái, tra hỏi kỹ từ họ về ngôi sao đã hiện ra khi nào.

8 Ông đã sai họ đến thành Bết-lê-hem, nói rằng: Hãy đi! Tra tìm cho kỹ về con trẻ. Khi các ngươi đã tìm gặp, hãy báo cho ta để ta đến, thờ phượng Ngài.

Sau khi tra hỏi các thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy thông giáo xong, Vua Hê-rốt đã cho gọi các nhà thông thái đến gặp ông, cách kín đáo. Có thể, ngoài người phụ trách đi gọi thì không còn ai biết sự Hê-rốt gặp họ. Hê-rốt đã tra hỏi kỹ về thời điểm các nhà thông thái nhìn thấy ngôi sao. Chúng ta có thể hiểu rằng, từ khi các nhà thông thái nhìn thấy ngôi sao cho tới khi họ gặp Vua Hê-rốt thì gần hai năm đã trôi qua. Chính vì thế mà sau đó Hê-rốt đã ra lệnh tàn sát các trẻ trai từ hai tuổi trở xuống.

Hê-rốt đã nói dối các nhà thông thái, khi truyền cho họ đi tìm con trẻ và báo lại cho ông biết, để ông cũng đến, thờ phượng Ngài. Vì ý định của Hê-rốt là sẽ giết Ngài để bảo vệ ngai vua cho gia tộc của ông.

Thật khó cho chúng ta hiểu, vì sao mà Hê-rốt dám ngang nhiên chống nghịch Thiên Chúa, khi ông biết rõ, lời tiên tri về Đấng Christ đang ứng nghiệm ngay trong đời ông. Nhưng điều đó giúp cho chúng ta hiểu, Hê-rốt cho tái xây dựng Đền Thờ Thiên Chúa cách hoành tráng là để được tiếng khen cho chính ông, chứ không phải vì ông muốn tôn vinh Thiên Chúa. Có lẽ cũng chính vì thế mà sau khi việc tái xây dựng được hoàn tất thì chỉ mấy năm sau, Đức Chúa Trời đã để cho quân lính La-mã thiêu hủy Đền Thờ, đến nỗi không còn một khối đá nào chồng trên một khối đá khác (Ma-thi-ơ 24:2).

Ngày nay, có nhiều người hiểu biết Lời Chúa, nhận biết các lời tiên tri về Kỳ Tận Thế đang ứng nghiệm, nhận biết thời điểm Đấng Christ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nhưng họ vẫn ngang nhiên sống nếp sống chống nghịch Lời Chúa, ngang nhiên vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, phục vụ cho những ham muốn của riêng mình.

9 Khi đã nghe vua phán, họ đã lên đường. Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương, đã dẫn họ cho tới khi đã đến, dừng trên chỗ con trẻ ở.

10 Khi họ nhìn thấy ngôi sao, họ đã quá vui mừng với một niềm vui lớn.

Sau khi nghe Vua Hê-rốt phán truyền, các nhà thông thái đã rời thành Giê-ru-sa-lem, tiếp tục lên đường. Có lẽ, khi họ vừa ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, hướng về Bết-lê-hem thì đã nhìn thấy ngôi sao lạ. Lần này, ngôi sao lạ đã không đi về hướng tây mà chuyển hướng, đi về hướng nam, đúng với lộ trình từ Giê-ru-sa-lem đến Bết-lê-hem. Chính vì thế mà họ quá vui mừng, khi biết lời tiên tri về nơi ra đời của Đấng Christ đã ứng nghiệm mà họ chỉ còn vài tiếng đồng hồ đi đường nữa là đến được nơi đó.

Chúng ta có thể hiểu rằng, vì nhìn theo ngôi sao lạ mà đi nên các nhà thông thái đã ngủ nghỉ lúc ban ngày, và chỉ đi vào lúc ban đêm. Rất có thể đoàn người của họ dùng lạc đà làm phương tiện di chuyển. Vì lạc đà là phương tiện di chuyển tối ưu vào thời bấy giờ, có thể mang theo nhiều hành lý.

Chi tiết về việc ngôi sao lạ đã dẫn các nhà thông thái đến chỗ con trẻ ở và dừng lại trên chỗ ấy giúp cho chúng ta hiểu rằng, đó không phải là một thiên thể bình thường. Chắc chắn không phải là bất cứ một ngôi sao nào trong thái dương hệ của chúng ta; không phải là một ngôi sao nào trong dải Ngân Hà; cũng không phải là một sao chổi. Mà hoàn toàn là một phép lạ, như trụ mây và trụ lửa xưa kia đã dẫn đường cho dân I-sơ-ra-ên trong đồng vắng. Chúng ta cũng có thể hiểu thêm rằng, ngôi sao lạ đó chắc phải chiếu xuống một luồng ánh sáng trên căn nhà của Đức Chúa Jesus, giúp cho các nhà thông thái biết chính xác là căn nhà nào.

11 Khi họ đã đến trong nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ của Ngài, thì họ đã sấp mình xuống, thờ phượng Ngài. Rồi, họ đã mở của báu của họ ra, dâng lên Ngài các lễ vật: vàng, nhũ hương, và một dược.

Khi các nhà thông thái đến nơi thì vẫn còn là ban đêm. Nếu như họ rời Giê-ru-sa-lem vào khoảng bảy giờ tối thì họ có thể đến Bết-lê-hem vào khoảng gần chín giờ tối. Vào trong nhà, họ đã thấy Đức Chúa Jesus và bà Ma-ri. Thánh Kinh không nói đến Giô-sép. Chúng ta không biết lúc đó Giô-sép đang ở đâu. Có thể là Giô-sép đã ra ngoài, chưa kịp về nhà. Với nghề thợ mộc, rất có thể có những lúc Giô-sép phải đi xa để làm việc và về nhà muộn trong đêm.

Các nhà thông thái đã sấp mình xuống, thờ phượng Đức Chúa Jesus. Thánh Kinh không ghi lại phản ứng của Ma-ri hay của các người trong đoàn tùy tùng của các nhà thông thái, khi họ nhìn thấy các nhà thông thái sấp mình trước hài nhi Jesus để thờ phượng Ngài. Nhưng cảnh trạng đó đương nhiên là một sự lạ, vì các người lớn có quyền thế mà lại sấp mình thờ phượng một hài nhi khoảng hai tuổi, trong một nơi nghèo hèn. Tiếp theo đó, các nhà thông thái đã mở phần hành lý quý báu của họ ra, là lễ vật họ đã đem theo, để dâng lên Đức Chúa Jesus. Họ không phải chỉ thờ phượng Đức Chúa Jesus bằng lời nói và hành động, mà còn bằng sự dâng lên Đức Chúa Jesus các lễ vật quý báu. Lễ vật bao gồm: vàng, nhũ hương, và một dược.

Vàng thường dùng làm vương miện, tiêu biểu cho chức vụ làm vua của Đấng Christ. Nhũ hương thường dùng trong sự dâng tế lễ cho Thiên Chúa, tiêu biểu cho chức vụ làm thầy tế lễ thượng phẩm của Đấng Christ. Một dược thường dùng để liệm xác chết, tiêu biểu cho sự chịu chết để làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại của Đấng Christ.

Ngày nay, chúng ta có tìm kiếm Chúa và thờ phượng Ngài, dâng lên Ngài những gì quý giá của chúng ta không? Chúng ta có thể dâng lên Chúa thân thể xác thịt của chúng ta để Ngài hoàn toàn cai trị chúng ta, làm vua của chúng ta (Rô-ma 12:1). Chúng ta có thể dâng lên Ngài những lời cầu nguyện trong sự tôn vinh và cảm tạ, cùng những việc làm lành và sự thông công trong Hội Thánh, như những thức hương thơm (Hê-bơ-rơ 13:16; Khải Huyền 5:8). Chúng ta có thể chết đi con người cũ của mình để sống một con người mới cho Đấng Christ (Cô-lô-se 3:5; Ê-phê-sô 4:24).

12 Họ đã được thần khải trong giấc mơ rằng, chớ trở lại với Hê-rốt. Họ đã về lại xứ của họ bằng một đường khác. [Thần khải có nghĩa là được Thiên Chúa báo cho biết.]

Ít nhất các nhà thông thái đã ngủ lại qua đêm tại Bết-lê-hem, ngay trong đêm họ tìm gặp Chúa. Có lẽ trong chính đêm đó, họ đã nhận được sự thần khải trong giấc mơ. Họ đã lập tức lên đường, về lại xứ của họ, bằng cách từ Bết-lê-hem đi thẳng về hướng tây. Họ đã quen thức đêm và di hành ban đêm nên có lẽ họ đã lên đường ngay trong đêm, sau khi nhận được thần khải.

Danh từ “thần khải” (G5537) có nghĩa là được Thiên Chúa tỏ cho biết bằng lời phán. Có thể trong giấc mơ các nhà thông thái đã thấy thiên sứ của Chúa hiện ra, phán với họ. Nhưng có thể họ không nhìn thấy thiên sứ mà nghe có tiếng phán với họ, bảo họ chớ trở lại với Hê-rốt. Có thể mỗi nhà thông thái đều có sự thần khải trực tiếp. Sau đó, họ đã thuật lại cho nhau nghe và hiểu rằng, sự ấy đến từ Thiên Chúa.

13 Khi họ đã đi, kìa, thiên sứ của Chúa đã hiện ra với Giô-sép trong giấc mơ, phán rằng: Hãy trỗi dậy! Hãy đem con trẻ và mẹ của Ngài trốn sang xứ Ê-díp-tô. Ngươi cứ ở đó cho tới khi ta bảo ngươi. Vì Hê-rốt sẽ kiếm con trẻ để diệt Ngài.

Có thể các nhà thông thái vừa lên đường thì Giô-sép cũng đã nằm mơ, thấy thiên sứ bảo ông, hãy trỗi dậy, đem Đức Chúa Jesus và Ma-ri trốn sang xứ Ê-díp-tô. Lý do là vì Vua Hê-rốt có ý định giết chết Đức Chúa Jesus. Thiên sứ không cho Giô-sép biết là gia đình ông phải ở lại Ê-díp-tô trong bao lâu. Số vàng do các nhà thông thái trao tặng chính là sự quan phòng của Đức Chúa Trời, giúp cho chi phí đi đường và lưu trú tại Ê-díp-tô của gia đình Giô-sép.

14 Người đã trỗi dậy, đem con trẻ và mẹ của Ngài, ban đêm, lánh sang xứ Ê-díp-tô;

15 và đã ở đó cho tới khi Hê-rốt qua đời, để ứng nghiệm điều Chúa đã phán bởi đấng tiên tri, rằng: Ta đã gọi Con của Ta ra khỏi Ê-díp-tô. [Ô-sê 11:1]

Giô-sép đã lập tức trỗi dậy, đem Đức Chúa Jesus và Ma-ri trốn sang Ê-díp-tô ngay trong đêm. Từ Bết-lê-hem, Giô-sép đã đem gia đình xuôi nam, rồi đi về hướng tây để đến Ê-díp-tô. Trong đêm đó, có lẽ họ đã đi bộ suốt đêm. Ngày hôm sau, khi gặp các đoàn thương buôn, họ có thể thuê mướn một chỗ ngồi trên xe hay trên lạc đà cho Ma-ri và Đức Chúa Jesus. Có một điều chúng ta nên học từ Giô-sép. Đó là sốt sắng thi hành ngay điều Chúa phán bảo.

Nếu Đức Chúa Jesus đã được sinh ra vào ngày 08/10/7 TCN thì các nhà thông thái đã gặp Ngài không quá ngày 08/10/5 TCN. Đó cũng là thời điểm Giô-sép đem Đức Chúa Jesus lánh nạn sang Ê-díp-tô. Theo lịch sử thì Vua Hê-rốt qua đời sau khi có hiện tượng nguyệt thực vào ngày 13/03/4 TCN nhưng trước ngày Lễ Vượt Qua 11/04/4 TCN [2]. Như vậy, thời gian Đức Chúa Jesus lưu lại xứ Ê-díp-tô có thể là từ 18 tháng tới hai năm.

Lời tiên tri trong Ô-sê 11:1 trước hết nói về sự Đức Chúa Trời đã gọi dân I-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô. Vì I-sơ-ra-ên được Ngài gọi là con trai của Ngài, con đầu lòng của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:22). Nhưng đó cũng là lời tiên tri về sự Đức Chúa Trời sẽ gọi Con Đầu Lòng của Ngài, là Đức Chúa Jesus, ra khỏi Ê-díp-tô. Đức Chúa Jesus đã được sinh ra tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê. Muốn gọi Ngài ra khỏi Ê-díp-tô thì trước hết phải có lý do khiến Ngài phải đến Ê-díp-tô. Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Sứ Đồ Ma-thi-ơ biết rằng, Ô-sê 11:1 đã ứng nghiệm cho Đấng Christ.

16 Khi Hê-rốt thấy rằng, mình đã bị lừa bởi các nhà thông thái thì tức giận quá, sai giết hết thảy trẻ trai từ hai tuổi trở xuống tại thành Bết-lê-hem và tại các khu vực lân cận đó, theo thời gian mà ông đã tra hỏi kỹ từ các nhà thông thái.

Chúng ta không biết, Vua Hê-rốt đã chờ tới bao lâu mới nhận ra là các nhà thông thái đã ra khỏi xứ Giu-đê. Có lẽ khoảng một hay hai ngày sau. Nếu Hê-rốt có sự khôn sáng thì ông đã cho người theo dõi các nhà thông thái. Nhưng cho dù Hê-rốt cho người theo dõi các nhà thông thái thì Đức Chúa Trời cũng có cách để khiến ông không thể giết được Đức Chúa Jesus. Khi Hê-rốt biết được các nhà thông thái đã rời khỏi xứ Giu-đê mà không trình báo gì với ông, thì ông đã vô cùng tức giận. Ông đã truyền lệnh cho quân lính giết chết tất cả trẻ trai từ hai tuổi trở xuống tại thành Bết-lê-hem và các vùng lân cận. Là vì theo sự Hê-rốt tra hỏi được từ các nhà thông thái, thì ngôi sao lạ đã xuất hiện khoảng gần hai năm trước đó. Có nghĩa là tính tới thời điểm ấy thì vua của dân Do-thái đã ra đời gần hai năm.

17 Khi ấy đã ứng nghiệm điều đã nói bởi Tiên Tri Giê-rê-mi, rằng:

18 Tại Ra-ma, tiếng kêu la, than khóc, và nỗi sầu thảm lớn đã được nghe. Ra-chên khóc các con của mình mà không chịu được an ủi; vì chúng nó không còn nữa. [Giê-rê-mi 31:15]

Lời của Tiên Tri Giê-rê-mi được cho là ứng nghiệm về trường hợp những bà mẹ tại Bết-lê-hem và các vùng lân cận có con bị giết bởi lệnh của Hê-rốt, được chép như sau:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Tại Ra-ma, tiếng than thở, khóc lóc đắng cay đã được nghe. Ra-chên khóc các con của mình, không chịu được an ủi về các con của mình, vì chúng nó không còn nữa!” (Giê-rê-mi 31:15).

Giê-rê-mi đoạn 31 là lời của Thiên Chúa tiên tri về ngày mà Ngài sẽ dựng lại I-sơ-ra-ên, lập một giao ước mới với dân của cả hai vương quốc: vương quốc I-sơ-ra-ên và vương quốc Giu-đa. Khi đó, hai vương quốc sẽ kết hiệp làm một trở lại và sẽ chỉ có một vua.

Câu 15 nói đến tình trạng những bà mẹ I-sơ-ra-ên than khóc vì con của họ bị chết trong chiến tranh, hoặc bị bắt đi làm phu tù.

Ra-chên là vợ yêu dấu của Gia-cốp, cũng là tổ mẫu của ba chi phái: hai chi phái Ma-na-se và Ép-ra-im ra từ Giô-sép, và chi phái Bên-gia-min. Bên-gia-min là em của Giô-sép và là con út của Gia-cốp. Quyền con trưởng nam đã được Gia-cốp ban cho Giô-sép (I Sử Ký 5:1-2). Vì thế, Ra-chên được dùng làm hình ảnh tiêu biểu cho những bà mẹ I-sơ-ra-ên. Ra-ma cách Giê-ru-sa-lem khoảng 10 km về hướng tây bắc. Đó cũng là nơi Ra-chên được chôn cất. Đó cũng là nơi dân I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem đã tập trung để bị giải đi làm phu tù.

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Ma-thi-ơ, giúp cho chúng ta biết, sự kiện những bà mẹ I-sơ-ra-ên than khóc con tại Ra-ma được tiêu biểu cho sự kiện những bà mẹ I-sơ-ra-ên sẽ than khóc cho con của mình bị tàn sát, tại Bết-lê-hem và các vùng lân cận.

Có nhiều người đã thắc mắc về việc Đức Chúa Trời đã cho phép sự kiện Vua Hê-rốt tàn sát những trẻ con vô tội xảy ra. Nhưng xưa nay trong thế gian, không riêng gì việc Vua Hê-rốt tàn sát trẻ con vô tội đã xảy ra, mà còn rất nhiều trẻ con vô tội đã bị giết, khi cha mẹ của chúng dâng chúng làm sinh tế cho các thần tượng (Thi Thiên 106:38), khi các nhà cầm quyền cho phép tự do phá thai. Chỉ riêng tại Mỹ, thống kê cho biết, từ năm 1973 cho tới năm 2020, có ít nhất là 63.600.000 trẻ con ở Mỹ bị giết từ trong bụng, một cách hợp pháp [3]. Con số đó nhiều hơn một nửa (66,6%) tổng dân số Việt Nam hiện nay. Đức Chúa Trời cho phép sự gian ác của loài người thể hiện để loài người thấy tội lỗi đáng sợ đến chừng nào. Nhưng chắc chắn Đức Chúa Trời có chương trình cho những trẻ con vô tội bị giết. Những trẻ con chưa có ý thức phạm tội đều đương nhiên được máu của Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch bản tính tội trong chúng. Chúng đương nhiên có mặt trong Vương Quốc Trời. Chính Đức Chúa Jesus đã phán:

Nhưng Đức Chúa Jesus đã phán: Các ngươi hãy để yên những con trẻ, đừng ngăn cấm chúng nó đến với Ta! Vì Vương Quốc Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Ma-thi-ơ 19:14).

Điều đáng cho chúng ta thắc mắc là: Tại sao loài người độc ác, xấu xa vô cùng mà Đức Chúa Trời vẫn yêu thương, ban cho họ sự cứu rỗi và chờ đợi họ ăn năn, tiếp nhận sự cứu rỗi của Ngài?

19 Nhưng sau khi Hê-rốt đã chết, kìa, thiên sứ của Chúa đã hiện ra với Giô-sép, trong giấc mơ, tại Ê-díp-tô,

20 phán rằng: Hãy trỗi dậy! Hãy đem con trẻ và mẹ của Ngài đi vào đất I-sơ-ra-ên; vì những kẻ tìm hại mạng sống của con trẻ đã chết.

Lịch sử cho biết, Vua Hê-rốt chết vào khoảng giữa ngày 13/03/4 TCN, là ngày có hiện tượng nguyệt thực xảy ra trên vùng trời Giê-ru-sa-lem, và ngày 11/04/4 TCN, là ngày Lễ Vượt Qua của năm đó. Sử Gia Giô-se-phớt (Josephus) ghi lại các biến cố xảy ra trong khoảng thời gian này và cho biết, Vua Hê-rốt đã chết sau ngày nguyệt thực nhưng trước ngày Lễ Vượt Qua [2]. Vì lý do gì mà Giô-se-phớt không ghi chính xác ngày chết của Hê-rốt thì chúng ta không biết.

Cũng theo Sử Gia Giô-se-phớt thì Vua Hê-rốt đã bị Đức Chúa Trời trừng phạt sau khi phạm tội tàn sát trẻ con vô tội. Vua bị nhiễm trùng đường ruột, hậu môn, bọng tiểu, và bộ phận sinh dục. Nước tiểu, phân, và máu mủ chảy đọng dưới chân vua. Nơi bộ phận sinh dục và hậu môn ngứa ngáy, sưng lở, có giòi bọ. Sự đau đớn khiến cho Hê-rốt bị co rút cả người. Hai chân thì bị sưng to. Hê-rốt chỉ có thể thở khi ngồi. Toàn thân của vua bốc ra mùi hôi thối.

Rất có thể ngay sau khi Hê-rốt qua đời thì thiên sứ đã phán bảo cho Giô-sép đem Đức Chúa Jesus và Ma-ri về lại I-sơ-ra-ên, trước ngày Lễ Vượt Qua của năm 4 TCN.

Theo nội dung của Ma-thi-ơ đoạn 2 thì chúng ta biết, chỉ có Vua Hê-rốt có ý giết Đức Chúa Jesus. Nhưng trong câu 20 thì lại dùng số nhiều trong mệnh đề “những kẻ tìm hại mạng sống của con trẻ đã chết”. Rất có thể, không phải chỉ có Vua Hê-rốt chết mà các sĩ quan chỉ huy quân lính truy giết Đức Chúa Jesus cũng đã chết.

21 Người đã trỗi dậy, đem con trẻ và mẹ của Ngài, đi vào đất I-sơ-ra-ên.

22 Nhưng khi nghe rằng, A-chê-la-u đã cai trị tại xứ Giu-đê thay cho cha mình là Hê-rốt, thì người đã sợ đến đó. Người đã được thần khải trong giấc mơ nên lánh vào các miền của xứ Ga-li-lê.

Rất có thể Giô-sép đã đem gia đình lên đường, về lại I-sơ-ra-ên cho kịp dự Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men, mà những người nam I-sơ-ra-ên có bổn phận phải tham dự. Nhưng khi nghe tin một trong các con trai của Hê-rốt là A-chê-la-u đã lên ngôi vua, thay thế Hê-rốt, cai trị xứ Giu-đê thì Giô-sép đã sợ, không dám về lại xứ Giu-đê. Nghĩa là ông đã không dám đưa gia đình mình về Giê-ru-sa-lem để dự lễ mà cũng không dám đưa họ về lại Bết-lê-hem để cư trú. Thay vào đó, Giô-sép đã đi thẳng lên hướng bắc, vào xứ Ga-li-lê.

Chúng ta có thể hiểu rằng, Thiên Chúa đã tác động Giô-sép để ông sợ như vậy. Vì trong chương trình của Đức Chúa Trời thì Đức Chúa Jesus sẽ lớn lên tại thành Na-xa-rét.

23 Người đã đến và ở trong một thành được gọi là Na-xa-rét, để ứng nghiệm lời đã nói bởi các đấng tiên tri: Ngài sẽ được gọi là người Na-xa-rét.

Giô-sép đã đưa Đức Chúa Jesus và Ma-ri về lại nơi cư trú trước kia của họ là thành Na-xa-rét (Lu-ca 1:26). Từ đó, nghĩa là từ khoảng ba tuổi, Đức Chúa Jesus đã sống và lớn lên tại thành Na-xa-rét cho tới khi Ngài bắt đầu mục vụ ở độ tuổi 30.

Trong Thánh Kinh không có lời tiên tri nào trực tiếp nói Đấng Christ sẽ được gọi là người Na-xa-rét. Các nhà giải kinh đã đưa ra hai lời giải thích, như sau:

1. Tiên Tri Ê-sai đã dùng danh từ “nhánh” để gọi Đấng Christ:

Một chồi sẽ trổ lên từ gốc của Gie-sê. Một nhánh sẽ kết quả từ những rễ của nó.” (Ê-sai 11:1).

Trong tiếng Hê-bơ-rơ, danh từ “nhánh” và danh từ “Na-xa-rét” được viết và đọc giống nhau נצר (H5342) /nấy-xe/.

2. Trong Thi Thiên 22 và Ê-sai 53, Đấng Christ được mô tả như một người thấp hèn trong xã hội, mà người dân ở Na-xa-rét thì bị xem là thấp hèn, như đã hàm ý trong Giăng 1:46. Vậy, được gọi là người Na-xa-rét cùng nghĩa với bị xem là một người thấp hèn trong xã hội.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, được gọi là người Na-xa-rét có cùng nghĩa với được gọi là người Na-xi-rê. Nhưng thực tế, hai danh từ “Na-xa-rét” và “Na-xi-rê” được viết và phát âm khác nhau. Đức Chúa Jesus không phải là người Na-xi-rê, vì Ngài uống rượu và chạm vào xác chết. Có lẽ vì hiểu lầm Đức Chúa Jesus là người Na-xi-rê, theo sự giảng dạy sai lầm của các giáo hội, nên các họa sĩ đã vẽ hình Đức Chúa Jesus có mái tóc dài.

Lu-ca 2:39-40

39 Khi họ đã làm trọn mọi việc theo luật pháp của Chúa, họ đã trở về đến xứ Ga-li-lê, đến thành Na-xa-rét của họ.

Khi họ đã làm trọn mọi việc theo luật pháp của Chúa” là họ đã làm trọn sự dâng trình Đức Chúa Jesus lên Đức Chúa Trời tại Đền Thờ và dâng của lễ sau 40 ngày Ma-ri sinh con.

Chúng ta có thể hiểu rằng, sau khi Ma-ri sinh ra Đức Chúa Jesus thì có lẽ Giô-sép đã đưa Ma-ri quay lại Bết-lê-hem, tạm trú trong nhà của họ hay nhà của bà con họ. Hết hạn 40 ngày, Giô-sép đã đưa Đức Chúa Jesus và Ma-ri đến Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem để làm lễ và dâng tế lễ. Sau đó, từ Giê-ru-sa-lem, Giô-sép đã đưa Đức Chúa Jesus và Ma-ri về lại Na-xa-rét.

Tuy nhiên, khoảng gần hai năm sau, vì một lý do gì đó mà Giô-sép đã đưa Đức Chúa Jesus và Ma-ri về lại Bết-lê-hem, đúng lúc các nhà thông thái tìm đến. Có thể họ đã về quê thăm người thân; hoặc hợp lý hơn là họ đã quyết định về sống tại Bết-lê-hem.

Nhưng sau khi phải lánh nạn sang Ê-díp-tô thì họ đã không quay về xứ Giu-đê nữa, mà trở lại sống tại Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê.

40 Con trẻ đã lớn lên, được mạnh mẽ trong tâm thần, được đổ đầy sự khôn sáng; và ân điển của Thiên Chúa đã ngự trên Ngài.

Câu trên đây tường trình khoảng thời gian từ khi Đức Chúa Jesus đã từ Ê-díp-tô quay lại xứ Ga-li-lê và sống tại thành Na-xa-rét, cho tới khi Ngài hoàn toàn trưởng thành và thi hành mục vụ. Sự “lớn lên” bao gồm lớn lên về thuộc thể lẫn thuộc linh, lớn lên về thân thể xác thịt lẫn lớn lên về thân thể thiêng liêng là tâm thần.

Tâm thần được mạnh mẽ nhờ thần trí đầy dẫy sự hiểu biết Lời Chúa và có đức tin vững chắc nơi Thiên Chúa. Càng có sự hiểu biết Lời Chúa và có đức tin vững chắc nơi Thiên Chúa thì càng được thêm sự khôn sáng và đủ mọi ơn từ Thiên Chúa. Sự khôn sáng đến từ Thiên Chúa giúp chúng ta biết sống như thế nào cho đẹp lòng Chúa. Mọi ân điển từ Thiên Chúa giúp bảo vệ chúng ta và ban năng lực cho chúng ta sống đúng theo Lời Chúa, làm trọn những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/12/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://www.biblestudy.org/bibleref/antiquities-of-jews/herod-rebuilds-temple.html

[2] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-sinh-cua-duc-chua-jesus/

[3] https://www.all.org/abortion/abortion-statistics

Karaoke Thánh Ca: “Người Ơi Hãy Về”
https://karaokethanhca.net/nguoi-oi-hay-ve/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.