Chú Giải Tít 02:01-15

4,672 views

Chú Giải Tít 2:1-15
Những Sự Dạy Dỗ cho Người Mới Tin Chúa (1)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Nhưng con hãy nói những điều hiệp với giáo lý lành.

2 Những đàn ông lớn tuổi phải tỉnh táo, đáng tôn trọng, biết tự kiềm chế, tốt lành {trong} đức tin, tình yêu, và tính nhẫn nại.

3 Những đàn bà lớn tuổi cũng vậy. Hãy nên thánh trong tư cách, đừng vu khống, đừng nô lệ cho sự {uống} quá nhiều rượu. Hãy làm người dạy những sự lành,

4 để khuyên bảo những đàn bà trẻ tuổi: Hãy yêu chồng con của mình.

5 Hãy biết tự kiềm chế, hiếu khách, trông nom việc nhà, tốt lành. Hãy vâng phục chồng mình để cho Lời của Đức Chúa Trời không bị phạm thượng.

6 Những người trẻ tuổi cũng vậy. Hãy khuyên họ {có} tâm trí sáng suốt!

7 Trong mọi sự con hãy tỏ mình làm gương về những việc lành trong giáo lý không thể hư hoại, đáng tôn kính, chân thật,

8 {trong} Lời lành, không chỗ trách được, để kẻ nghịch hổ thẹn, không có lời nói xấu về con.

9 Những tôi tớ phải vâng phục chủ mình để đẹp lòng chủ trong mọi việc, chớ cãi trả,

10 chớ tham ô, nhưng hết sức tỏ lòng trung thành ngay thẳng, để làm cho tôn quý giáo lý của Thiên Chúa là Đấng Giải Cứu chúng ta, trong mọi sự.

11 Vì ân điển của Đức Chúa Trời đem lại sự cứu rỗi, đã được tỏ ra cho tất cả mọi người,

12 dạy cho chúng ta rằng: Hãy chối bỏ sự không tin kính và những sự tham muốn của thế gian. Chúng ta nên sống cách tỉnh táo, công chính, và tin kính trong đời này,

13 chờ đợi sự trông cậy hạnh phúc và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ,

14 Đấng ban chính mình Ngài cho chúng ta, để chuộc chúng ta ra khỏi mọi sự vi phạm luật pháp, và làm tinh sạch cho chính Ngài một dân thuộc về Ngài, sốt sắng về những việc lành.

15 Về những sự ấy con hãy nói, khuyên, và quở trách với tất cả thẩm quyền. Đừng để ai xem thường con.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNjExNTc3Njhf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9056020-tit-2_1-15
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/d684x232i47brcb/9056020_Tit_2_1-15.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Tít đoạn 2 và 3 là những lời Phao-lô khuyên dạy Tít về cách thức dạy dỗ con dân Chúa trong Hội Thánh, đặc biệt là những người mới tin Chúa, vẫn còn phần nào bị ảnh hưởng bởi nếp sống cũ với những mê tín dị đoan và thói hư tật xấu.

Trong đoạn 2, Phao-lô hướng dẫn Tít cách khuyên dạy từ những người lớn tuổi cho đến những người trẻ tuổi, và đặc biệt là những người đang ở trong địa vị làm tôi tớ cho người khác.

1 Nhưng con hãy nói những điều hiệp với giáo lý lành.

Phao-lô khuyên Tít hãy thể hiện sự khác biệt giữa những người thật sự được Chúa ban cho chức vụ giảng dạy với các giáo sư giả, tự xưng là tôi tớ của Chúa. Trong khi các giáo sư giả rao giảng tà giáo, nghịch lại lẽ thật của Thánh Kinh cùng những lời khoe khoang, khoác lác, thì những người thật sự được Chúa ban cho chức vụ giảng dạy chỉ nói ra những lời hiệp với giáo lý lành. Giáo lý lành là những sự dạy dỗ tốt lành ra từ Thánh Kinh.

Môi miệng của người rao giảng Lời Chúa không thể nói ra bất cứ lời nào không hiệp với sự dạy dỗ của Lời Chúa, tức không hiệp với Lẽ Thật.

“Cùng một miệng mà ra lời tôn vinh và lời rủa sả! Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, không nên như vậy. Có lẽ nào một nguồn nước kia, cùng một mạch mà ra cả nước ngọt lẫn nước đắng sao? Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, cây vả có ra trái ô-li-ve được chăng? Hay là cây nho có ra trái vả được chăng? Không nguồn nước nào ra cả nước mặn lẫn nước ngọt.” (Gia-cơ 3:10-12).

Không riêng gì người rao giảng Lời Chúa mà mỗi một con dân Chúa đều không nên nói những lời tục tĩu, hư không, vô ích:

“Những sự tà dâm và mọi sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa các anh chị em, theo như cách xứng đáng cho các thánh đồ. Lời tục tĩu, giễu cợt, giả bộ tầm phào, là các lời không đáng, nhưng thà cảm tạ thì hơn.” (Ê-phê-sô 5:3-4).

“Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng đã trừ bỏ những sự đó: sự giận, sự thịnh nộ, sự độc ác, sự phạm thượng, sự tục tĩu ra từ miệng của các anh chị em.” (Cô-lô-se 3:8).

Lời tục tĩu bao gồm những lời thô tục, dâm dật, mắng chửi mà trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là những lời ô uế đem lại sự hổ thẹn cho người nói lẫn người nghe. Lời giễu cợt là những lời nói chọc cười thiếu hiểu biết hoặc lố bịch (quá đáng); điển hình là phần lớn các màn hài kịch thời nay của người Việt. Lời giả bộ tầm phào là lời đùa chơi, không đúng sự thật, để chọc ghẹo người nghe. Tất cả các lời ấy đều là các lời không đáng cho con dân Chúa nói ra hoặc tìm nghe. Trái lại, con dân Chúa nên thường xuyên cảm tạ Chúa và cám ơn người [1], nói ra những lời khích lệ và gây dựng người khác.

Môi miệng của con dân Chúa chỉ nên được dành riêng cho những lời lành và chân thật, xứng hiệp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh.

2 Những đàn ông lớn tuổi phải tỉnh táo, đáng tôn trọng, biết tự kiềm chế, tốt lành {trong} đức tin, tình yêu, và tính nhẫn nại.

Theo Thánh Kinh, người từ 60 tuổi trở lên thì được gọi là người lớn tuổi (Lê-vi Ký 27:7). Vì Chúa đặt để quyền cai trị gia đình cho đàn ông, nên những đàn ông trong Hội Thánh được nhắc đến trước hết trong sự khuyên dạy của người giám mục.

Tỉnh táo: Có khả năng quan sát, nhận xét, và suy luận cách tinh tế, chính xác; không bị ngoại cảnh, hay cảm xúc tâm lý, hay các chất kích thích thần kinh chi phối sự quan sát, nhận xét, và suy luận; đặc biệt là không bị say rượu.

Đáng tôn trọng: Xứng đáng để làm gương cho người khác trong nếp sống mới, theo Lời Chúa.

Tự kiềm chế: Không để cho bất cứ điều gì làm cho mình mất bình tĩnh, mất tự chủ, không để cho cảm xúc lấn áp lý trí, không ghiền bất cứ thứ gì.

Tốt lành trong đức tin, tình yêu, và tính nhẫn nại: Đức tin, tình yêu, và tính nhẫn nại phải hoàn toàn dựa trên Lời Chúa thì mới tốt lành. Nhiều người có đức tin nhưng thay vì đặt đức tin trên Lời Chúa thì lại đặt đức tin trên những giáo lý của loài người, sai nghịch Lời Chúa. Nhiều người yêu theo cảm xúc của xác thịt mà hành xử sai nghịch Lời Chúa. Nhiều người nhẫn nại chịu đựng những sự sai trái hoặc những sự lạm dụng của người khác, mà không làm theo Lời Chúa dạy là: phải bỏ đi khi bị bắt bớ, phải tránh xa kẻ theo tà giáo khi đã khuyên bảo hai lần, phải dứt thông công với người có tội mà không chịu ăn năn, phải lánh xa những kẻ không chịu từ bỏ những sự ô uế.

3 Những đàn bà lớn tuổi cũng vậy. Hãy nên thánh trong tư cách, đừng vu khống, đừng nô lệ cho sự {uống} quá nhiều rượu. Hãy làm người dạy những sự lành,

4 để khuyên bảo những đàn bà trẻ tuổi: Hãy yêu chồng con của mình.

Tiếp theo sự khuyên dạy những đàn ông lớn tuổi thì người giám mục khuyên dạy những đàn bà lớn tuổi. Họ là bậc bà và mẹ trong gia đình, có ảnh hưởng nhiều đến con cháu trong nhà. Khi chúng ta học thư II Ti-mô-thê, chúng ta đã học biết sự ảnh hưởng tốt lành của bà ngoại và mẹ của Ti-mô-thê trên ông, từ khi ông còn bé (II Ti-mô-thê 1:5). Vì thế, những người mẹ, người bà tin Chúa có nếp sống thánh khiết theo Lời Chúa sẽ đem lại nhiều phước hạnh cho các con cháu của họ.

Cũng vậy: Cũng khuyên dạy họ như đã khuyên dạy những đàn ông lớn tuổi.

Nên thánh trong tư cách: Tư cách là phẩm chất riêng của một người. Tư cách thể hiện qua thái độ, cử chỉ, hành vi. Nên thánh trong tư cách là khi thể hiện cảm xúc, sự suy nghĩ, đức tin (thái độ), khi nói, khi cười, khi đi đứng, khi ăn uống… (cử chỉ), và khi làm ra bất cứ một điều gì (hành vi) thì cũng đều đúng với Lời Chúa.

Vu khống: Kể tội người khác không đúng sự thật. Tội vu khống thường phát sinh khi nói xấu người khác, dựa trên sự suy luận, nghi ngờ không chứng cớ.

Nô lệ cho sự uống quá nhiều rượu: Tức là ghiền rượu, không thể thiếu rượu. Sẵn sàng làm ra những việc sai trái để được uống rượu.

Người dạy những sự lành: Người dạy người khác làm những điều tốt lành theo Lời Chúa.

Những phụ nữ lớn tuổi trong Hội Thánh phải giữ cho tư cách của mình lúc nào cũng thánh sạch, đẹp lòng Chúa, không vu khống người khác, không ghiền rượu, dành thời gian để dạy con cháu trong nhà những sự lành, đúng theo Lời Chúa. Đặc biệt, đối với các phụ nữ trẻ tuổi trong Hội Thánh, thì những phụ nữ lớn tuổi nên dạy dỗ, khích lệ họ bổn phận yêu chồng và con. Những phụ nữ lớn tuổi có thể dùng kinh nghiệm thực tế của chính mình để giúp cho các phụ nữ trẻ hiểu biết thế nào là yêu chồng con, theo ý Chúa.

5 Hãy biết tự kiềm chế, hiếu khách, trông nom việc nhà, tốt lành. Hãy vâng phục chồng mình để cho Lời của Đức Chúa Trời không bị phạm thượng.

Hiếu khách: Có lòng sốt sắng, tiếp đón, chăm sóc khách ghé lại nhà mình. Nhưng không có nghĩa là phải cung phụng những kẻ chỉ muốn lợi dụng mình.

Trông nom việc nhà: Còn gọi là nội trợ, tức là sắp xếp, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, nuôi dạy con cái… Châm Ngôn 31:10-27 mô tả một người nữ kính sợ Chúa và khôn khéo trong sự trông nom việc nhà.

Tốt lành: hiền lành, yêu thương và cư xử tốt với mọi người.

Vâng phục chồng: Chúng ta đã học về sự vợ phải vâng phục chồng khi chúng ta học Ê-phê-sô 5:22. Chúng tôi xin nhắc lại dưới đây ý nghĩa của Ê-phê-sô 5:22:

Động từ “vâng phục” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: tự đặt mình dưới quyền của một người và hoàn toàn vâng theo người ấy. Vợ có bổn phận vâng phục chồng như vâng phục Chúa. Nếu vợ không vâng phục chồng thì cùng một lúc cũng không vâng phục Chúa. Vì đây là mệnh lệnh của Chúa.

Tuy nhiên, chồng không phải là Chúa nên chồng có thể sai sót, phạm tội. Vì thế, vợ sẽ không vâng phục chồng nếu chồng bảo vợ làm ra những việc phạm các điều răn của Chúa. Trong trường hợp đó, thà vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29). Nếu ý muốn của chồng không nghịch lại Lời Chúa thì vợ phải vâng theo. Nếu ý muốn của chồng nghịch lại Lời Chúa thì vợ nhỏ nhẹ từ chối và nói rõ lý do vì sao mình không thể vâng theo. Trong trường hợp mà ý của chồng không nghịch lại Lời Chúa, thì vợ cũng có thể góp ý với chồng về ý muốn của chồng, bàn bạc cách làm tốt hơn hoặc khuyên chồng chờ đến thời điểm thuận lợi hơn. Lời góp ý phải mềm mại, dịu dàng. Nếu sau khi đã góp ý mà chồng không nghe thì vợ vẫn phải vâng phục chồng.

Sự vâng phục phải là vui lòng, tự nguyện, vì biết rằng, sự vâng phục khiến cho chồng và Chúa vui, chứ không phải là sự ép lòng làm điều mình không muốn làm. Nên nhớ, nếu đó không phải là việc tội lỗi, nghịch lại Lời Chúa, thì vợ phải sốt sắng làm cho chồng. Nhiệm vụ đầu tiên của vợ đối với chồng là giúp đỡ chồng (Sáng Thế Ký 2:18), tức là phụ lực với chồng hoặc thay thế chồng làm điều chồng muốn làm.

Nếu chồng là người không tin Chúa, vợ vẫn phải vâng phục chồng, miễn là sự vâng phục ấy không nghịch lại Lời Chúa. Người vợ biết vâng phục chồng, trước hết là người kính sợ Chúa và vâng phục Chúa, kế đến là người thật sự yêu chồng [2].

Câu 5 nêu lên những điều mà những phụ nữ lớn tuổi nên dạy cho những phụ nữ trẻ tuổi. Phần cuối của câu 5 nhấn mạnh đến sự kiện: Nếu người vợ tin Chúa không vâng phục chồng cách phải lẽ theo Lời Chúa dạy, thì sẽ tạo cớ cho người chồng không tin Chúa nói những lời xúc phạm Lời Chúa. Cũng có thể là những người không tin Chúa nhìn thấy sự không vâng phục chồng của một con dân Chúa mà nói phạm thượng Lời Chúa. Dù họ không tin Chúa nhưng ít nhiều có biết đến những điều Chúa dạy, nhất là khi họ từng có mặt trong hôn lễ của những người tin Chúa và được nghe giảng về Ê-phê-sô 5:22.

6 Những người trẻ tuổi cũng vậy. Hãy khuyên họ {có} tâm trí sáng suốt!

Người giám mục cũng phải khuyên dạy những người trẻ tuổi. Điều đặc biệt ở đây là Phao-lô chỉ truyền cho Tít có một câu về sự khuyên dạy những người trẻ tuổi.

Tâm trí sáng suốt: Là một từ ngữ dùng để chỉ tình trạng sáng suốt trong tâm trí của một người, khiến cho người ấy biết nhận thức đúng sai, làm chủ được chính mình. Từ ngữ này được dùng trong Mác 5:15 và Lu-ca 8:35 để nói về sự tỉnh táo trong tâm trí của một người từng bị nhiều quỷ ám nhưng đã được Đức Chúa Jesus Christ đuổi quỷ. Trong Rô-ma 12:3 từ ngữ này được dùng để nói về sự suy nghĩ một cách sáng suốt, đúng theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi người. Trong I Phi-e-rơ 4:7 từ ngữ này được dùng để nói về sự cầu nguyện.

Nếu một người trẻ không để cho những thú vui của thế gian làm chủ mình, làm lu mờ tâm trí mình, nhưng có một tâm trí sáng suốt, thì người ấy sẽ nhận biết những lẽ thật của Lời Chúa và biết mình phải sống như thế nào cho đẹp lòng Chúa.

7 Trong mọi sự con hãy tỏ mình làm gương về những việc lành trong giáo lý không thể hư hoại, đáng tôn kính, chân thật,

8 {trong} Lời lành, không chỗ trách được, để kẻ nghịch hổ thẹn, không có lời nói xấu về con.

Người giám mục không phải chỉ rao giảng Lời Chúa một cách ngay thẳng (II Ti-mô-thê 2:15) mà còn phải sống đúng theo Lời Chúa để làm gương cho cả Hội Thánh. Người giám mục dạy con dân Chúa bằng chính nếp sống của mình.

“Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời ở giữa vòng các anh chị em. Hãy chăm sóc chẳng phải vì bị ép buộc mà là bởi vui lòng; chẳng phải vì lợi dơ bẩn mà là sẵn lòng; chẳng phải như hành xử quyền cai trị cơ nghiệp nhưng để làm gương tốt cho bầy.” (I Phi-e-rơ 5:2-3).

Tất cả những giám mục chân chính đều có thể thật lòng nói với con dân Chúa như Phao-lô đã nói với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô:

“Vậy, tôi khuyên các anh chị em: Hãy bắt chước tôi!” (I Cô-rinh-tô 4:16).

“Các anh chị em hãy bắt chước tôi cũng như tôi {bắt chước} Đấng Christ vậy!” (I Cô-rinh-tô 11:1).

Trong giáo lý: Y theo những điều Thánh Kinh dạy dỗ. Tất cả những gì Thánh Kinh dạy dỗ đều là những sự vững bền, cao trọng, và đúng lẽ thật.

Trong Lời lành: Y theo Lời Chúa, không pha trộn quan điểm của loài người. Lời Chúa lúc nào cũng vững bền, cao trọng, và chính là Lẽ Thật.

Nếp sống của người giám mục là luôn làm gương cho con dân Chúa bằng cách làm ra những việc lành y theo những sự dạy dỗ của Thánh Kinh và y theo những nguyên tắc của Thánh Kinh, một cách không chỗ trách được. Nhờ đó, những kẻ thù nghịch trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh đều không thể nào nói xấu người giám mục. Họ có thể vu khống, nhưng họ không thể cáo buộc chính đáng bất cứ một việc làm nào của người giám mục. Những kẻ thù nghịch trong Hội Thánh là những kẻ giả hình, sói đội lốt chiên (Ma-thi-ơ 7:15).

9 Những tôi tớ phải vâng phục chủ mình để đẹp lòng chủ trong mọi việc, chớ cãi trả,

10 chớ tham ô, nhưng hết sức tỏ lòng trung thành ngay thẳng, để làm cho tôn quý giáo lý của Thiên Chúa là Đấng Giải Cứu chúng ta, trong mọi sự.

Thời nào cũng vậy, con dân Chúa trong Hội Thánh phần lớn là những người làm công cho người khác. Thời xưa, khi còn có chế độ nô lệ, nhiều con dân Chúa đã bị những người chủ gian ác đối xử rất khắc nghiệt. Cho dù ở trong hoàn cảnh nào thì con dân Chúa trong địa vị tôi tớ phải vâng phục chủ trong mọi sự, miễn là sự vâng phục ấy không khiến cho mình nghịch lại Lời Chúa. Vì Lời Chúa đã dạy: “Thà vâng phục Thiên Chúa hơn là loài người” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).

Trong thư gửi cho Hội Thánh tại Ê-phê-sô và Cô-lô-se, Phao-lô cũng đã dạy con dân Chúa trong địa vị tôi tớ phải vâng phục chủ như đối với Đấng Christ, với lòng chân thành kính sợ Đức Chúa Trời.

“Hỡi những người làm tôi tớ! Hãy kính sợ mà vâng phục những người chủ của mình theo phần xác, trong sự thật thà của lòng mình, như đối với Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 6:5).

“Những tôi tớ, hãy vâng phục những chủ về phần xác {của mình} trong mọi sự, không chỉ phục vụ trước mắt như những kẻ lấy lòng người, nhưng với lòng chân thành kính sợ Đức Chúa Trời.” (Cô-lô-se 3:22).

Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng dạy con dân Chúa trong địa vị tôi tớ phải kính sợ mà vâng phục chủ, kể cả những chủ khó tính:

“Hỡi các tôi tớ, hãy lấy lòng rất kính sợ mà vâng phục các chủ; chẳng phải vâng phục những chủ hiền lành mà thôi, nhưng vâng phục những chủ khó tính nữa.” (I Phi-e-rơ 2:18).

Cãi trả: Không vâng phục và nêu lên lý do vì sao không vâng phục. Chủ thuê mướn mình làm việc theo ý chủ, không phải theo ý mình. Cãi trả khác với góp ý. Tôi tớ có thể góp ý với chủ về cách giải quyết một vấn đề hay thực hành một công việc, nhưng khi chủ đã đưa ra quyết định cuối cùng thì tôi tớ phải vâng phục.

Tham ô: (1) Trộm cắp hoặc lạm dụng tài sản chủ giao cho để quản lý thay cho chủ. (2) Trộm cắp hoặc lạm dụng tài sản được dùng cho việc phục vụ chủ trong bổn phận thường ngày.

Giáo lý của Thiên Chúa: Những sự Thiên Chúa dạy dỗ loài người, được ghi chép trong Thánh Kinh.

Những con dân Chúa trong địa vị tôi tớ, hết lòng vâng phục chủ trong mọi sự, sốt sắng làm tròn bổn phận, không tham ô tài sản của chủ nhưng trung thành với chủ trong mọi sự, thì sẽ làm cho mọi người thấy được sự giảng dạy của Thiên Chúa qua Thánh Kinh là đáng tôn, đáng quý.

Sự vâng phục chủ được áp dụng cho cả những người thay thế chủ để quản lý việc làm của tôi tớ. Ngày nay, con dân Chúa đi làm trong các hãng xưởng, cơ quan nhà nước, văn phòng các công ty… có bổn phận phải vâng phục người sếp trực tiếp của mình, trừ khi mệnh lệnh của người sếp nghịch lại chính sách, quyền lợi của chủ, hoặc nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa.

11 Vì ân điển của Đức Chúa Trời đem lại sự cứu rỗi, đã được tỏ ra cho tất cả mọi người,

12 dạy cho chúng ta rằng: Hãy chối bỏ sự không tin kính và những sự tham muốn của thế gian. Chúng ta nên sống cách tỉnh táo, công chính, và tin kính trong đời này,

Lý do con dân Chúa phải sống theo Lời Chúa để làm tôn cao sự giảng dạy của Thiên Chúa là vì ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã dạy chúng ta phải sống như thế nào. Khi chúng ta sống nghịch lại với sự dạy dỗ của Thánh Kinh thì chúng ta tạo ra cơ hội và lý do cho những người không tin Chúa xúc phạm Lời Chúa.

Sự tin kính được nói đến ở đây là sự tin kính Thiên Chúa và tin kính Lời của Thiên Chúa, là Thánh Kinh. Tin là tin cậy, tức là công nhận Thiên Chúa, nương cậy nơi Thiên Chúa, và công nhận lẽ thật được bày tỏ trong Thánh Kinh, nương cậy nơi lẽ thật của Thánh Kinh. Kính là tôn kính, tức là đưa Thiên Chúa và Lời của Ngài lên cao, quý trọng Thiên Chúa và Lời của Ngài. Sự không tin kính là sự không tin cậy và không tôn kính Thiên Chúa cùng Lời của Ngài.

Những sự tham muốn của thế gian là những sự ham muốn bất chính, vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

“Vì mọi sự trong thế gian: sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống, đều chẳng thuộc về Đức Cha, nhưng thuộc về thế gian.” (I Giăng 2:16).

Sống cách tỉnh táo là sống một đời sống với tâm trí sáng suốt, điềm đạm, kín đáo. Sống cách công chính là sống một đời sống luôn vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Sống cách tin kính là sống một đời sống tin cậy và tôn kính Thiên Chúa cùng Lời Hằng Sống của Ngài là Thánh Kinh.

13 chờ đợi sự trông cậy hạnh phúc và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ,

Sự trông cậy hạnh phúc: Là lòng hy vọng về sự sống đời đời. Vì sự sống đời đời chính là sự được liên kết với Thiên Chúa và sống bên Ngài cho đến mãi mãi, cho nên, Đức Thánh Linh, qua ngòi bút của Phao-lô, gọi đó là: Sự trông cậy hạnh phúc.

Sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ: Là sự Thiên Chúa trong thân vị Đấng Christ hiện đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, và ban thưởng cho mỗi người tùy theo những việc lành mà họ đã thật lòng làm ra trong danh của Ngài.

Chúng ta nhận thấy, Tít 2:13 trực tiếp công bố Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta! Nguyên văn câu này trong tiếng Hy-lạp là:

προσδεχομενοιG4327 (Mong chờ cho lời hứa được hoàn thành) τηνG3588 (mạo từ xác định: cái) μακαριανG3107 (phước hạnh/hạnh phúc) ελπιδαG1680 (sự hy vọng/trông cậy) καιG2532 (và) επιφανειανG2015 (sự hiện ra) τηςG3588 (mạo từ xác định: cái) δοξηςG1391 (sự vinh quang) τουG3588 (mạo từ xác định: Đấng) μεγαλουG3173 (vĩ đại) θεουG2316 (Thiên Chúa) καιG2532 (và) σωτηροςG4990 (Đấng Giải Cứu) ημωνG1473 (của chúng ta) ιησουG2424 (Jesus) χριστουG5547 (Christ)

Ngoài ra, còn nhiều chỗ khác trong Thánh Kinh đã khẳng định Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa. Xin quý ông bà anh chị em đọc lại bài: “Thánh Kinh gọi Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa” đã được đăng trên www.timhieuthanhkinh.com [3]. Tiếc thay, ngày nay, có nhiều người Việt Nam đã tin theo tà giáo “Chứng Nhân của Đức Giê-hô-va”, chối bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ, không công nhận Ngài là Thiên Chúa.

14 Đấng ban chính mình Ngài cho chúng ta, để chuộc chúng ta ra khỏi mọi sự vi phạm luật pháp, và làm tinh sạch cho chính Ngài một dân thuộc về Ngài, sốt sắng về những việc lành.

Chính Thiên Chúa Ngôi Lời đã nhập thế làm người mang tên Jesus và mang danh hiệu Christ, để đổ máu, tức hy sinh mạng sống, làm tròn công cuộc cứu chuộc loài người ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Lời Phao-lô khuyên bảo các giám mục tại Ê-phê-sô cũng đã xác nhận một cách gián tiếp, Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, vì ông khuyên các giám mục hãy chăn “Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng chính máu mình”.

“Các anh em hãy giữ lấy mình, và hết thảy bầy mà Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng chính máu mình.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28).

Thiên Chúa làm thế nào để chuộc Hội Thánh bằng máu của Ngài? Ngài phải nhập thế làm người để có thể đổ máu bằng cách chịu chết trên thập tự giá.

Sự cứu chuộc của Thiên Chúa vừa giải trừ chúng ta mọi trách nhiệm về mọi sự chúng ta vi phạm luật pháp của Thiên Chúa, tức là vi phạm các điều răn và các luật lệ của Đức Chúa Trời, vừa làm cho chúng ta được nên tinh sạch, để trở thành một dân thuộc về Ngài, có cùng một bản tính sốt sắng về những việc lành, như chính Ngài. Những việc lành là những việc theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Sứ Đồ Phi-e-rơ cũng đã xác nhận rằng, Hội Thánh là dòng dõi được lựa chọn làm thầy tế lễ của Thiên Chúa, và là một dân tộc thánh, thuộc về Đấng Christ.

“Nhưng các anh chị em là dòng dõi được lựa chọn, là chức thầy tế lễ của nhà vua, là dân tộc thánh, là dân thuộc về Ngài, để cho các anh chị em rao giảng sự trọn lành của Đấng đã gọi các anh chị em ra khỏi sự tối tăm, vào trong sự sáng láng lạ lùng của Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:9).

Được nên tinh sạch là đã được dựng thành một người mới trong Đức Chúa Jesus Christ (II Cô-rinh-tô 5:17), là người giống như Thiên Chúa trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật, đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng Christ (Ê-phê-sô 4:24; Cô-lô-se 3:10). Ngày nay, có rất nhiều người tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi nhưng không sống theo bản ngã mới của con người mới, mà vẫn sống theo bản ngã cũ của con người cũ. Thiên Chúa đã thánh hóa họ, biệt riêng họ cho Ngài, nhưng họ không ở lại trong sự thánh hóa mà Thiên Chúa đã làm ra cho họ. Họ tự ý quay về sống trong tội lỗi theo sự tham muốn của xác thịt: kiêu ngạo, tự ái không đúng, tham tiền, tà dâm… Họ sống cho bản ngã cũ của xác thịt thay vì sống cho Thiên Chúa. Họ sốt sắng trong những sự: khoe khoang, giận dữ, tranh cạnh, vu khống, dối trá, cãi lẽ… thay vì sốt sắng trong những sự: nhu mì, khiêm nhường, cảm thông, nhường nhịn, tha thứ, vâng phục lẫn nhau…

15 Về những sự ấy con hãy nói, khuyên, và quở trách với tất cả thẩm quyền. Đừng để ai xem thường con.

Về những sự ấy là về những lời đã được trình bày trong 14 câu trước đó. Nói là công bố những sự ấy. Khuyên là khuyến khích con dân Chúa hãy làm theo những sự ấy. Quở trách là nghiêm khắc nói với những người không chịu làm theo những sự ấy, nói cho họ biết rằng, họ đã phạm lỗi và nếu họ không ăn năn thì sẽ trở thành phạm tội. Với tất cả thẩm quyền là với trọn vẹn thẩm quyền mà Đức Chúa Jesus Christ đã ban cho người giám mục trong bổn phận giảng dạy và kỷ luật Hội Thánh.

Đừng để ai xem thường con: Phao-lô khuyên Tít đừng tắc trách trong chức vụ mà bị người khác xem thường. Tắc trách trong chức vụ là không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của một giám mục. Đó là không hết lòng: nói cho con dân Chúa biết thế nào là nếp sống mới trong Đấng Christ, khuyên con dân Chúa sống theo nếp sống mới, quở trách những ai không sống theo nếp sống mới; và chính bản thân mình không sống theo nếp sống mới để làm gương cho Hội Thánh.

Ngày nay, mặc dù bổn phận và trách nhiệm của giám mục không thay đổi, nhưng con dân Chúa không cần phải có một giám mục nói cho mình biết thế nào là nếp sống mới trong Chúa và khuyên bảo mình. Vì mỗi người đều có Thánh Kinh trong tay, có thể trực tiếp học biết về nếp sống mới từ Thánh Kinh, học biết ý muốn của Đức Chúa Trời đối với mình qua sự đọc và suy ngẫm Thánh Kinh. Những giám mục, người chăn, người giảng dạy Lời Chúa sẽ chịu trách nhiệm trước Chúa về chức vụ của họ, nhưng mỗi con dân Chúa cũng phải tự mình chịu trách nhiệm trước Chúa về nếp sống của mình.

Nguyện lẽ thật của Lời Chúa nuôi dưỡng con người thuộc linh của mỗi chúng ta ngày càng vững mạnh. Nguyện mỗi chúng ta đều xứng đáng thuộc về dân thánh, là dân thuộc về Thiên Chúa. Nguyện nếp sống mỗi ngày của chúng ta sẽ không bao giờ làm buồn Đức Thánh Linh. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/12/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Jesus Ơi! Con Đến Hôm Nay”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-jesus-oi-con-den-hom-nay/

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-e-phe-so-5_1-21/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-e-phe-so-5_22-33/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-12_thanh-kinh-goi-duc-chua-jesus-christ-la-thien-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.