Trả Lời Một Số Câu Hỏi về Hỏa Ngục

7,785 views

201506 Trả Lời Một Số Câu Hỏi về Hỏa Ngục

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgwNzYxN19JaENzNw

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các bài giảng đặc biệt trong năm 2015:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/baigiangdacbiet_2015

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống các bài giảng viết đặc biệt trong năm 2015:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgwNzYxM191U0ZJMQ

Phần 1: Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Phần 2: Bấm vào nút “play” ► để nghe:

“Hỏa ngục” là một danh từ Hán Việt. Hỏa = lửa. Ngục = nhà tù, nơi giam giữ tội nhân. Hỏa ngục là nhà tù bằng lửa. Theo Thánh Kinh, hỏa ngục là một cái hồ lửa và lưu huỳnh, còn lại cho đến đời đời:

“Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu huỳnh, nơi có con thú và Tiên Tri Giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.” (Khải Huyền 20:10).

Lưu huỳnh là một nguyên tố hóa học nhạy lửa, được dùng nhiều trong công nghiệp thuốc súng, thuốc pháo bông, diêm quẹt, thuốc trừ sâu, thuốc tẩy, bột giặt, phân bón… Lưu huỳnh nguyên chất không mùi, không vị, kết tinh trong thể rắn, có màu vàng. Khi lưu huỳnh nguyên chất kết hợp với khí hy-drô thì tạo ra khí hy-drô sun-phua (hydro sulfua – H2S), có mùi trứng thối, và là một khí độc.

Chúng ta hãy hình tưởng ra một cái hồ thật rộng và thật sâu, trong đó chứa đầy chất lưu huỳnh và cháy suốt ngày đêm, không ngừng nghỉ. Đó là hỏa ngục.

Từ ngữ “hỏa ngục” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là “geenna”, G1067, phiên âm /ghê-na/, vốn là một danh từ Hy-lạp ra từ tiếng Canh-đê (ngôn ngữ của đế quốc Ba-bi-lôn cổ), được dùng để gọi nơi đốt rác trong trũng con trai Hi-nôm, nằm bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, về phía nam (Giô-suê 15:8). Rác trong thành phố và các xác chết không có người nhận được đổ vào trũng ấy và đốt suốt ngày đêm. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã dùng từ ngữ “ghê-na” để gọi nơi hình phạt đời đời trong lửa, dành cho ma quỷ và những người không tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Mục đích sự dựng nên hỏa ngục

Mục đích của sự dựng nên hỏa ngục là để làm nơi hình phạt Ma Quỷ, tức Sa-tan, và các thiên sứ phạm tội, là các sứ giả của Sa-tan.

“Kế đó, Ngài cũng sẽ phán với những người ở bên trái rằng: Hỡi những kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi Ta; đi vào lửa vĩnh hằng đã sắm sẵn cho Ma Quỷ và những sứ giả của nó.” (Ma-thi-ơ 25:41).

Khi Lu-xi-phe và các thiên sứ dưới quyền Lu-xi-phe phạm tội thì Thiên Chúa không ban cho họ cơ hội ăn năn, vì họ đã trực tiếp nhìn biết Thiên Chúa và sự vinh quang thật của Ngài, đã ở trong thiên đàng với Ngài, nhìn thấy Ngài sáng tạo nên thế giới vật chất và loài người, nhưng vẫn phản nghịch Ngài. Dù Thánh Kinh không nói rõ, nhưng chúng tôi tin rằng, Thiên Chúa có cảnh cáo trước các thiên sứ về hậu quả của sự phạm tội, và họ nhìn thấy hỏa ngục trong thế giới thuộc linh. Chính vì thế, một khi họ chọn phạm tội, thì họ phải bị hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Thế nhưng, nếu loài người không ăn năn tội và không tiếp nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa, thì loài người cũng phải chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Lời của Chúa đã nói rất rõ:

“Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:4).

Chính vì thế mà Thiên Chúa Ngôi Lời đã nhập thế làm người để thi hành công cuộc cứu rỗi nhân loại, bằng cách chết thay cho sự phạm tội của nhân loại.

Dựa vào thời quá khứ hoàn thành (perfect tense) của động từ “sắm sẵn” được dùng trong Ma-thi-ơ 25:41: “lửa vĩnh hằng đã sắm sẵn cho Ma Quỷ và những sứ giả của nó”, mà chúng ta biết hỏa ngục đã được dựng nên.

Hỏa ngục ở đâu? Ai đang ở trong hỏa ngục?

Thực tế, chúng ta không biết nơi chốn của hỏa ngục, nhưng chắc chắn là hỏa ngục không nằm trong lòng đất như nhiều người lầm tưởng. Âm phủ hay địa ngục được nói đến trong Lu-ca 16 là ở trong lòng đất nhưng đó không phải là hỏa ngục. Âm phủ hiện nay là nơi tạm giam những linh hồn không nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa và một số các thiên sứ phạm tội (Giu-đe câu 6). Cuối của bảy năm đại nạn thì Sa-tan cũng sẽ bị giam vào âm phủ (Khải Huyền 20:1-3). Nhưng hỏa ngục thì thuộc về thế giới siêu hình, và hiện nay chưa có ai bị giam trong hỏa ngục. Vì trước khi bị giam trong hỏa ngục, thì phải qua sự phán xét (Khải Huyền 20:11-15), ngoại trừ AntiChrist và Tiên Tri Giả của AntiChrist bị ném vào hỏa ngục lúc cuối của bảy năm đại nạn và Sa-tan bị ném vào hỏa ngục lúc cuối của ngàn năm bình an, mà không thấy Thánh Kinh nói đến sự xét xử.

Chúng ta biết được hỏa ngục không thuộc về thế giới vật chất, là bởi vì, khi trời cũ đất cũ qua đi, thì hỏa ngục vẫn còn đó. Khải Huyền 20:7-15 cho chúng ta biết các biến cố sẽ xảy ra theo thứ tự như sau:

7 Khi một ngàn năm đã mãn, Sa-tan sẽ được thả ra khỏi ngục của nó.

8 Nó sẽ đi ra, lừa dối các quốc gia trong bốn góc đất – Gót và Ma-gót – để nhóm chúng lại cho chiến trận. Chúng đông như cát biển.

9 Chúng tràn ra khắp đất, bao vây quân trại của các thánh đồ và thành yêu dấu. Rồi, lửa từ Đức Chúa Trời ra từ trời thiêu nuốt chúng.

10 Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu huỳnh, nơi có con thú và Tiên Tri Giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.

11 Rồi, tôi đã thấy một ngai trắng, lớn, và Đấng ngự trên nó. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng.

12 Tôi đã thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách được mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét bởi những việc đã được ghi lại trong những sách ấy, tùy theo những việc làm của họ.

13 Biển đã trao ra những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã trao ra những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc làm của họ. 

14 Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì.

15 Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì cũng bị ném vào hồ lửa.

Từ câu 13 đến câu 15 được xem là lời giải thích chi tiết, nằm trong ngoặc đơn, về sự phán xét chung cuộc. Các điều mô tả trong câu 13 và 14 xảy ra trước sự phán xét được mô tả trong câu 12. Câu 15 là kết luận về sự phán xét của câu 12.

Có phải lửa trong hỏa ngục là lửa theo nghĩa đen?

Thánh Kinh cho biết trong hỏa ngục có lưu huỳnh, vì vậy, lửa trong hỏa ngục là lửa thật theo nghĩa đen (Khải Huyền 20:10).

Có phải ma quỷ cầm quyền trong hỏa ngục và hành hạ những người bị giam trong hỏa ngục?

Không phải!

Bản thân Sa-tan và các thiên sứ phạm tội đều bị hình phạt đời đời trong hỏa ngục như những người không tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Thậm chí, ma quỷ còn bị hình phạt nặng hơn loài người.

Thánh Kinh nói rõ: “Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời” (Khải Huyền 20:10); chứ không phải chúng nó giữ việc hành hạ, tra tấn loài người. Tất cả những chiêm bao và khải tượng nào về hỏa ngục mà trong đó có cảnh ma quỷ hành hạ loài người, đều không đến từ Chúa. Đó chẳng qua là sự lường gạt của ma quỷ, khiến người ta sợ mà gia nhập các giáo hội giảng dạy tà giáo mà thôi. Mà khi một người đã gia nhập vào trong các giáo hội giảng dạy tà giáo thì người ấy khó mà nhận biết được lẽ thật của Lời Chúa.

Nên nhớ, mục đích của hỏa ngục là để hình phạt ma quỷ, không phải để hình phạt loài người. Loài người vào hỏa ngục là do sự lựa chọn của họ. Họ lựa chọn khước từ ơn cứu rỗi của Thiên Chúa.

Thế nào một Thiên Chúa yêu thương có thể hình phạt tội nhân đời đời trong hỏa ngục?

Thiên Chúa là tình yêu! Thiên Chúa yêu thương loài người phạm tội, muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật (I Ti-mô-thê 2:4). Nhưng Thiên Chúa cũng là thánh khiết và công chính. Ngài không thể chấp nhận tội lỗi; Ngài không thể không hình phạt tội lỗi; và Ngài cũng không thể ép buộc bất cứ ai nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Vì thế, nếu ai không nhận sự cứu rỗi của Ngài thì phải chịu sự hư mất đời đời trong hỏa ngục. Lý do chính mà chúng ta có thể hiểu được, vì sao sự giam giữ các thiên sứ và loài người phạm tội vào trong hỏa ngục đời đời có thể được xem như là một hình thức thể hiện tình yêu của Thiên Chúa với họ. Đó là: vì tất cả những gì do Thiên Chúa dựng nên đều còn lại đời đời (nếu không, thì Ngài không phải là Thiên Chúa Toàn Năng), cho nên, các thiên sứ và loài người cũng còn lại đời đời, và thuộc về một trong hai chỗ: Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời hoặc là hồ lửa đời đời. Nếu một thiên sứ hay một người không được dựng nên mới thì không thể nào chịu đựng được sự thánh khiết và công chính trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời. Tội nhân sẽ bị “dị ứng” với sự thánh khiết mà đau khổ, khó chịu vô cùng. Nói cách khác, thà rằng họ ở trong hỏa ngục đời đời mà họ ít bị đau đớn hơn là ở trong vương quốc thánh khiết của Đức Chúa Trời. Như vậy, để cho họ ở trong hỏa ngục chính là sự thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ.

Những Câu Thánh Kinh Nói về Hỏa Ngục:

Trích từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: https://thewordtoyou.net/bible/

“Nhưng Ta phán với các ngươi rằng: Bất cứ ai vô cớ giận anh chị em mình thì đáng bị phán xét; bất cứ ai gọi anh chị em mình là vô trí thì đáng bị ra trước Tòa Công Luận; nhưng bất cứ ai nói ngươi ngu thì đáng bị thiêu bởi lửa của hỏa ngục. [Chúng ta không được gọi con dân Chúa là ngu, vì gọi như thế là xúc phạm đến Đức Thánh Linh đang ngự trong người ấy, dạy dỗ người ấy, dẫn dắt người ấy.]” (Ma-thi-ơ 5:22).

“Vậy, nếu con mắt bên phải của ngươi khiến cho ngươi vấp phạm, thì hãy móc mà quăng nó cho xa khỏi ngươi; vì có ích cho ngươi hơn khi một phần thân thể ngươi bị hư, mà cả thân thể sẽ không bị ném vào trong hỏa ngục.” (Ma-thi-ơ 5:29).

“Và nếu tay phải ngươi khiến cho ngươi vấp phạm, thì hãy chặt mà liệng nó cho xa khỏi ngươi; vì có ích cho ngươi hơn khi một phần thân thể ngươi bị hư mà cả thân thể sẽ không bị ném vào trong hỏa ngục.” (Ma-thi-ơ 5:30).

“Đừng sợ những kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng hủy diệt được linh hồn và thân thể trong hỏa ngục.” (Ma-thi-ơ 10:28).

“Nếu con mắt ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó ra mà ném khỏi ngươi; tốt hơn cho ngươi khi một mắt mà vào trong sự sống, còn hơn có hai mắt mà bị ném vào trong lửa của hỏa ngục.” (Ma-thi-ơ 18:9).

“Khốn cho các ngươi, những thầy thông giáo và những người Pha-ri-si, là những kẻ giả hình! Vì các ngươi đi khắp biển và đất để làm cho một người vào đạo. Và khi người đã vào đạo, thì các ngươi làm cho người ấy trở nên con cái của hỏa ngục gấp hai các ngươi.” (Ma-thi-ơ 23:15).

“Hỡi loài rắn, dòng dõi rắn độc kia, thế nào mà tránh khỏi bản án nơi hỏa ngục được?” (Ma-thi-ơ 23:33).

“Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống hỏa ngục, trong lửa chẳng hề tắt.” (Mác 9:43).

“Lại nếu chân ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng què chân mà vào sự sống, còn hơn là đủ hai chân mà bị quăng vào hỏa ngục.” (Mác 9:45).

“Còn nếu mắt ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó đi; thà rằng chỉ một mắt mà vào Vương Quốc của Đức Chúa Trời, còn hơn đủ hai mắt mà bị quăng vào hỏa ngục…” (Mác 9:47).

“Nhưng Ta sẽ chỉ cho các ngươi Đấng mà các ngươi nên sợ. Hãy sợ Đấng khi đã giết rồi, có quyền ném vào trong hỏa ngục! Phải, Ta nói với các ngươi, hãy sợ Ngài.” (Lu-ca 12:5).

“Cái lưỡi là một ngọn lửa, là thế giới của tội ác. Cái lưỡi ở giữa các chi thể của chúng ta, làm ô uế cả thân thể, đốt cháy cả đời người, và nó bị đốt bởi hỏa ngục.” (Gia-cơ 3:6).

“Ma Quỷ, kẻ lừa dối chúng, bị ném vào hồ lửa và lưu huỳnh, nơi có con thú và Tiên Tri Giả. Chúng sẽ bị đau khổ cả ngày lẫn đêm cho tới đời đời.” (Khải Huyền 20:10).

“Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì.” (Khải Huyền 20:14).

“Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì cũng bị ném vào hồ lửa.” (Khải Huyền 20:15).

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/05/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.