Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 13:01-12 Tin Lành Được Rao Giảng tại Chíp-rơ

1,143 views

YouTube: https://youtu.be/5WlykYAmo4I

44033 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-12
Tin Lành Được Rao Giảng tại Chíp-rơ

    Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 13:1-12

1 Trong Hội Thánh tại An-ti-ốt đã có vài tiên tri và người dạy, ấy là: Ba-na-ba, Si-mê-ôn còn gọi là Ni-giê, Lu-si-út người Si-ren, Ma-na-en là người được nuôi dưỡng chung với Vua Chư Hầu Hê-rốt, và Sau-lơ. [Hê-rốt An-ti-ba, Lu-ca 3:1.]

2 Đang khi các môn đồ phụng sự Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh đã phán rằng: Hãy biệt riêng ngay cho Ta cả Ba-na-ba và Sau-lơ cho công việc mà Ta đã gọi họ.

3 Đang lúc kiêng ăn và cầu nguyện thì các môn đồ đã đặt tay trên họ, để cho đi.

4 Vậy, thực tế, họ đã được sai đi bởi Đức Thánh Linh. Họ đã xuống thành Sê-lơ-xi, rồi từ đó, họ đã đi tàu đến đảo Chíp-rơ.

5 Đến thành Sa-la-min, họ đã giảng Lời của Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Do-thái. Họ cũng có Giăng làm người phụ giúp.

6 Trải qua trên đảo cho đến thành Ba-phô, họ đã gặp một thuật sĩ kia, là tiên tri giả, người Do-thái. Người ấy tên là Ba-giê-su.

7 Người ấy ở với quan trấn thủ tên là Sê-giúp Phao-lô, là một người khôn sáng. Người này đã gọi mời Ba-na-ba và Sau-lơ, vì khao khát nghe Lời của Đức Chúa Trời.

8 Nhưng Ê-li-ma, tức là thuật sĩ, vì tên của người được dịch như vậy, đã nghịch lại họ, tìm cách xoay quan trấn thủ khỏi đức tin.

9 Bấy giờ, Sau-lơ cũng gọi là Phao-lô, được đầy dẫy thánh linh, đã nhìn thẳng vào người,

10 nói: Hỡi kẻ đầy mọi sự gian trá và đầy mọi ác ý, con cái của ma quỷ, thù nghịch mọi sự công chính, ngươi không ngừng bẻ cong các con đường ngay thẳng của Chúa sao?

11 Này, bây giờ, tay của Chúa ở trên ngươi. Ngươi sẽ bị mù, không thấy mặt trời trong ít lâu. Chính lúc đó, sự mù mịt và tối tăm đã giáng trên người. Người đã xoay quanh, tìm kiếm để được dẫn dắt bằng sự nắm tay.

12 Khi ấy, quan trấn thủ thấy sự đã xảy ra, tin, ngạc nhiên về giáo lý của Chúa.

Kể từ bài này, chúng ta bắt đầu học về các cuộc hành trình truyền giáo của Phao-lô. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ đã ghi lại cách chi tiết về ba cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên của Phao-lô. Sau đó, Phao-lô đã bị bắt tại Giê-ru-sa-lem, bị tạm giam tại Sê-sa-rê khoảng hai năm; rồi được giải từ Sê-sa-rê về Rô-ma để chờ cho sê-sa phán xử. Trong khi chờ đợi, Phao-lô đã giảng Tin Lành tại Rô-ma suốt hai năm. Có thể xem đó là hành trình truyền giáo lần thứ tư của Phao-lô. Sau khi được xử trắng án, Phao-lô đã từ Rô-ma đến đảo Cơ-rết, rồi đến thành Ni-cô-bô-li, và có lẽ đã đến Tây-ban-nha. Có thể xem đó là hành trình truyền giáo lần thứ năm của Phao-lô, trước khi ông đã bị bắt và bị chém, trong cơn Hoàng Đế Nê-rô của đế quốc La-mã bách hại Hội Thánh, vào năm 67.

Bản đồ hành trình truyền giáo thứ nhất của Phao-lô [1], [2]

1 Trong Hội Thánh tại An-ti-ốt đã có vài tiên tri và người dạy, ấy là: Ba-na-ba, Si-mê-ôn còn gọi là Ni-giê, Lu-si-út người Si-ren, Ma-na-en là người được nuôi dưỡng chung với Vua Chư Hầu Hê-rốt, và Sau-lơ. [Hê-rốt An-ti-ba, Lu-ca 3:1.]

Chức vụ tiên tri và chức vụ người dạy là hai chức vụ khác nhau (I Cô-rinh-tô 12:28). Nhưng theo ngữ pháp trong câu 1 thì hai chức vụ này đã được gồm chung với nhau; có nghĩa là người làm tiên tri cũng là người giảng dạy Lời Chúa. Trường hợp này tương tự như chức vụ chăn bầy và chức vụ người dạy được gồm chung với nhau (Ê-phê-sô 4:11).

Đức Thánh Linh, qua Lu-ca, đã liệt kê ra năm người vừa là tiên tri vừa là người dạy đã được Chúa lập ra trong Hội Thánh, tại An-ti-ốt. Đó là chưa kể, họ cũng chính là các trưởng lão trong Hội Thánh. Ngoài ra, Ba-na-ba và Phao-lô còn có chức vụ sứ đồ, tức là chức vụ thay cho Đức Chúa Jesus Christ, đi khắp nơi, rao giảng Tin Lành. Qua đó, chúng ta học được điều này, các chức vụ trong Hội Thánh không giống như các chức vụ trong đời này. Các chức vụ trong Hội Thánh là tên gọi các công việc Đức Chúa Trời định sẵn cho mỗi phần việc trong công cuộc xây dựng và chăm sóc Hội Thánh. Có phần việc này quan trọng hơn phần việc kia nên có chức vụ này quan trọng hơn chức vụ kia. Nhưng không có sự lên chức hay xuống chức, mà chỉ có khi Chúa dùng ai trong công việc gì thì người ấy mang chức vụ cho công việc ấy. Một người cũng có thể cùng lúc được Chúa giao cho hơn một chức vụ.

Chúng ta đã học về Ba-na-ba và Sau-lơ trong các đoạn trước. Ba tiên tri và người dạy còn lại trong Hội Thánh tại An-ti-ốt được liệt kê theo thứ tự sau:

Si-mê-ôn còn gọi là Ni-giê”. Si-mê-ôn là tên trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là lắng nghe. Ni-giê là tên trong tiếng La-tinh, có nghĩa là “đen”. Rất có thể, Si-mê-ôn, một người I-sơ-ra-ên, được gọi là “đen”, vì nước da sậm màu của ông. Có truyền thuyết cho rằng, ông chính là Si-môn đã vác thập tự giá thay cho Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 27:32; Mác 15:21; Lu-ca 23:26). Tên Si-mê-ôn (G4826) là ra từ tên Si-môn (G4613); hay nói cách khác là cùng một tên nhưng viết và phát âm khác nhau một chút. Nhưng cả sách Lu-ca và sách Công Vụ Các Sứ Đồ đều do Lu-ca ghi chép. Nếu Si-mê-ôn tại thành An-ti-ốt cũng là Si-môn vác thập tự giá thay cho Đức Chúa Jesus thì chúng ta có thể tin rằng, Lu-ca đã dùng cách viết tên giống nhau, và ít ra cũng nhắc lại sự kiện ông là người đã vác thập tự giá thay Chúa.

Lu-si-út người Si-ren”. Tên Lu-si-út trong tiếng La-tinh, có nghĩa là phát sáng, chiếu sáng. Si-ren là một thành phố ngày nay thuộc nước Li-bi-a (Libya), ở phía cực bắc Phi Châu, nằm trên bờ nam của Địa Trung Hải. Có lẽ, đây cũng chính là Lu-si-út được Phao-lô nhắc đến trong Rô-ma 16:21.

Ma-na-en là người được nuôi dưỡng chung với Vua Chư Hầu Hê-rốt”. Cũng có chỗ phiên âm là Ma-na-hem; có nghĩa là người an ủi. Có lẽ Ma-na-en là con của người vú nuôi của Vua Hê-rốt An-ti-ba, vì thế ông được cùng nuôi với vua. Gọi là “vua chư hầu” vì Hê-rốt An-ti-ba cai trị một phần tư lãnh thổ vốn thuộc I-sơ-ra-ên, do Hê-rốt Đại Đế, cha của ông, để lại, dưới sự đô hộ của đế quốc La-mã.

Chúng ta không biết gì hơn về Si-mê-ôn, Lu-si-út, và Ma-na-en, ngoài việc họ cùng với Ba-na-ba và Sau-lơ là các tiên tri và người dạy, trong Hội Thánh tại An-ti-ốt, vào buổi đầu khi Hội Thánh được thành lập.

2 Đang khi các môn đồ phụng sự Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh đã phán rằng: Hãy biệt riêng ngay cho Ta cả Ba-na-ba và Sau-lơ cho công việc mà Ta đã gọi họ.

Động từ “phụng sự” (G3008) vốn được dùng để chỉ các thầy tế lễ phụng sự Chúa trong Đền Thờ; nhưng ở đây được dùng với ý, Hội Thánh thờ phượng Chúa trong sự nhóm hiệp, đọc Lời Chúa, tôn vinh Chúa, và trò chuyện với Chúa qua sự cầu nguyện. Đặc biệt, trong sự nhóm hiệp được nói đến ở đây còn có sự kiêng ăn.

Người I-sơ-ra-ên có thói quen kiêng ăn vào ngày Thứ Hai và ngày Thứ Năm. Sự kiêng ăn là để dành trọn thời gian và tâm trí cho sự thờ phượng Chúa và cầu nguyện với Chúa. Con dân Chúa trong Hội Thánh tại An-ti-ốt đa số là người thuộc các dân ngoại nên có thể họ không có thói quen kiêng ăn mỗi tuần, như người I-sơ-ra-ên. Vì thế, có thể buổi nhóm hiệp kiêng ăn và cầu nguyện này chỉ bao gồm những con dân Chúa người I-sơ-ra-ên. Mà cũng có thể đây là buổi nhóm của năm người được nêu tên trong câu 1. Chúng ta biết chắc đây không phải là buổi nhóm thường lệ vào ngày Sa-bát của Hội Thánh, vì người I-sơ-ra-ên không kiêng ăn vào ngày Sa-bát.

Cách dùng danh xưng “Đức Thánh Linh” giúp cho chúng ta hiểu rằng, các môn đồ đã nhận được tiếng phán của Chúa trong thần trí của mình. Đức Thánh Linh đã truyền cho Hội Thánh tại An-ti-ốt phải lập tức biệt riêng Ba-na-ba và Sau-lơ, cho công việc mà Ngài đã gọi họ làm.

3 Đang lúc kiêng ăn và cầu nguyện thì các môn đồ đã đặt tay trên họ, để cho đi.

Đang lúc mọi người vẫn còn kiêng ăn và cầu nguyện thì các môn đồ đã đặt tay trên Ba-na-ba và Sau-lơ, rồi để cho họ đi, theo mệnh lệnh của Đức Thánh Linh. Hành động đặt tay này bao gồm các nghĩa như sau:

  • Công nhận tiếng gọi của Chúa đối với họ.

  • Công nhận thẩm quyền Chúa ban cho họ, trên các công việc Chúa giao phó cho họ.

  • Chúc phước cho họ.

Xin đọc thêm chi tiết về ý nghĩa của sự đặt tay trong bài “Chú Giải I Ti-mô-thê 5:17-25” mà chúng tôi đã cho đăng trên timhieuthanhkinh.com [3].

4 Vậy, thực tế, họ đã được sai đi bởi Đức Thánh Linh. Họ đã xuống thành Sê-lơ-xi, rồi từ đó, họ đã đi tàu đến đảo Chíp-rơ.

Trong Giăng 20:21, đã ghi lại lời phán của Đấng Christ như sau: “Cha đã sai Ta thế nào, Ta cũng sai các ngươi thể ấy.” Đó là mệnh lệnh chung về sự Đấng Christ sai con dân Chúa trong Hội Thánh đi khắp thế gian, giảng Tin Lành, khiến muôn dân trở nên môn đồ của Ngài (Ma-thi-ơ 28:19-20; Mác 16:15). Nhưng trong các mục vụ của Hội Thánh thì chính Đức Thánh Linh là Đấng ban ân tứ và sai con dân Chúa trong từng mục vụ. Cũng chính Đức Thánh Linh là Đấng sẽ ngăn cản con dân Chúa không nên hoặc chưa nên đến giảng Tin Lành tại một địa phương nào đó, như đã xảy ra cho Phao-lô và Ti-mô-thê, khi hai người định vào xứ A-si để giảng Tin Lành (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:6).

Thực tế, Ba-na-ba và Sau-lơ đã được Đức Thánh Linh sai đi. Bởi sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, họ đã từ An-ti-ốt đến Sê-lơ-xi; rồi từ đó, họ đi tàu đến đảo Chíp-rơ, là sinh quán của Ba-na-ba.

Đảo Chíp-rơ nằm về phía đông của Địa Trung Hải, ngày nay là nước Cộng Hòa Chíp-rơ (Republic of Cyprus). Hai thành phố lớn thời bấy giờ của Chíp-rơ là Sa-la-min và Ba-phô, mà Ba-phô là thủ phủ. Chíp-rơ được cai trị bởi một quan trấn thủ La-mã.

5 Đến thành Sa-la-min, họ đã giảng Lời của Đức Chúa Trời trong các nhà hội của người Do-thái. Họ cũng có Giăng làm người phụ giúp.

Sa-la-min là thành phố nằm ở phía đông của đảo. Vào thời ấy, tại Chíp-rơ đã có nhiều người I-sơ-ra-ên lưu lạc đến và ở lại, sinh sống, thành lập các cộng đồng Do-thái Giáo. Họ xây dựng các nhà hội và hàng năm, thường về Giê-ru-sa-lem trong ba kỳ lễ hội mà luật pháp Môi-se đòi hỏi những người nam I-sơ-ra-ên phải về tham dự (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16).

Ba-na-ba và Sau-lơ đã đến các nhà hội để rao giảng Lời của Đức Chúa Trời. Danh từ “Lời của Đức Chúa Trời” có thể dịch là “Đạo của Đức Chúa Trời”, và được hiểu là “Tin Lành của Đức Chúa Trời”. Đạo của Đức Chúa Trời có nghĩa là đường lối của Đức Chúa Trời hoặc nếp sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời.

Giăng, tức Mác, anh em họ với Ba-na-ba và sau này là người viết sách Tin Lành Mác, đã là người giúp việc cho Ba-na-ba và Sau-lơ qua sự chăm sóc các nhu cầu thuộc thể cho hai ông, trong khi hai ông rao giảng Lời Chúa.

6 Trải qua trên đảo cho đến thành Ba-phô, họ đã gặp một thuật sĩ kia, là tiên tri giả, người Do-thái. Người ấy tên là Ba-giê-su.

7 Người ấy ở với quan trấn thủ tên là Sê-giúp Phao-lô, là một người khôn sáng. Người này đã gọi mời Ba-na-ba và Sau-lơ, vì khao khát nghe Lời của Đức Chúa Trời.

Trải qua trên đảo”. Là đi từ đông qua tây, ghé lại các nơi có dân cư trên đảo. Thành Ba-phô nằm về phía tây của đảo và là thủ phủ của đảo. Tại đó là nơi ở và nơi làm việc của quan trấn thủ. Quan trấn thủ tương đương với chức tỉnh trưởng hoặc thị trưởng ngày nay. Tên của quan trấn thủ lúc ấy là Sê-giúp Phao-lô. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống phiên âm là “Sê-giúp Phau-lút”, có lẽ là theo cách phiên âm trong các bản dịch Anh ngữ và Pháp ngữ; nhưng trong nguyên ngữ Hy-lạp thì chữ được phiên âm là “Phau-lút” cũng chính là chữ được phiên âm là “Phao-lô” (G3972). Vì thế, chúng tôi dùng phiên âm “Phao-lô” để sự phiên âm được thống nhất.

Sê-giúp” là tiếng La-tinh, có nghĩa là: được sinh ra trên đất hoặc được sinh ra cách lạ lùng. “Phao-lô” cũng là tiếng La-tinh, có nghĩa là: nhỏ, hoặc bé, hoặc ít. Đức Thánh Linh, qua Lu-ca, đã xác nhận Sê-giúp Phao-lô là một người khôn sáng và có lòng khao khát nghe Lời Chúa. Điều đó hàm ý, ông thường tham dự nhóm hiệp trong các nhà hội của người Do-thái để được nghe đọc và nghe giảng Lời Chúa. Khi Sê-giúp Phao-lô nghe tin Ba-na-ba và Sau-lơ đang giảng Lời Chúa tại Sa-la-min, thì có lẽ ông đã cho người mời họ đến Ba-phô.

Chúng ta thấy, tấm lòng khao khát tìm kiếm Lời Chúa của Sê-giúp Phao-lô đã được Chúa ban cho sự vui thỏa. Chẳng những ông được hai sứ đồ của Chúa giảng dạy Lời Chúa cho mà còn kinh nghiệm được quyền năng của Chúa thể hiện qua người sứ đồ có cùng tên với ông.

Tên “Ba-giê-su” được phiên âm từ tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là: con trai của Giô-suê. Có lẽ cha của ông tên là Giô-suê. Danh từ Giô-suê được phiên âm sang tiếng Hy-lạp là Jesus, và có nghĩa: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi. Ba-giê-su là người Do-thái nhưng lại chuyên nghề bùa phép, có nghĩa là ông đặt mình vào sự thờ phượng Sa-tan để nhận lấy một số quyền phép từ Sa-tan. Có lẽ ông cũng tương tự như Thuật Sĩ Si-môn đã được nói đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 8:9; nhưng Ba-giê-su còn tự nhận mình là một tiên tri của Chúa. Vì thế mà Đức Thánh Linh đã dùng danh từ “tiên tri giả” để gọi ông. Chúng ta không biết vì lý do gì Ba-giê-su ở với Quan Trấn Thủ Sê-giúp Phao-lô. Có thể ông là một trong các khách đặc biệt của quan trấn thủ, chuyên biểu diễn trong các cuộc vui.

8 Nhưng Ê-li-ma, tức là thuật sĩ, vì tên của người được dịch như vậy, đã nghịch lại họ, tìm cách xoay quan trấn thủ khỏi đức tin.

Ba-giê-su đã tự xưng mình là “Ê-li-ma”. Danh từ “Ê-li-ma” (G1681) có nghĩa là thuật sĩ, người chuyên về bùa phép. Có lẽ Ba-giê-su đã vừa ganh ghét Ba-na-ba và Sau-lơ, vừa sợ rằng, quan trấn thủ sẽ tin theo những lời rao giảng của họ, mà không còn trọng vọng ông nữa. Vì thế, ông đã nói nghịch lại họ, tức là phản bác sự rao giảng của họ, tìm cách xoay chuyển lòng của quan trấn thủ để quan đừng tin theo lời rao giảng của Ba-na-ba và Sau-lơ.

9 Bấy giờ, Sau-lơ cũng gọi là Phao-lô, được đầy dẫy thánh linh, đã nhìn thẳng vào người,

10 nói: Hỡi kẻ đầy mọi sự gian trá và đầy mọi ác ý, con cái của ma quỷ, thù nghịch mọi sự công chính, ngươi không ngừng bẻ cong các con đường ngay thẳng của Chúa sao?

Về tên Sau-lơ và tên Phao-lô, chúng tôi xin trích từ bài giảng “Chú Giải Rô-ma: Phần Giới Thiệu” [4] phân đoạn sau đây:

Tên Phao-lô lần đầu tiên được nói đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 13:9, và kể từ đó, Thánh Kinh dùng tên Phao-lô để gọi ông. Ông cũng tự xưng là Phao-lô trong các thư tín do ông viết. Tên Sau-lơ là một phân từ trong tiếng Hê-bơ-rơ và có nghĩa là “cầu xin” hoặc “nài nỉ”. Tên Phao-lô là tên trong tiếng La-mã và có nghĩa là: nhỏ, bé, hoặc ít. Những người Do-thái sống tha hương thời bấy giờ có thói quen đặt cho con một tên theo tiếng Hê-bơ-rơ và một tên theo tiếng ngoại quốc. Rất có thể cha mẹ của Phao-lô đã theo thói quen ấy mà đặt tên cho ông, nhất là khi gia đình của Phao-lô giàu có, sống trong một thành phố danh tiếng và có quốc tịch La-mã (Công Vụ Các Sứ Đồ 21:39; 22:25). Về ý nghĩa của tên thì có lẽ cha mẹ Phao-lô hiếm muộn, phải cầu xin Đức Chúa Trời ban cho một con trai để nối dõi, nên khi ông được sinh ra thì họ đặt tên tiếng Hê-bơ-rơ cho ông là “Sau-lơ”. Vì gia đình Phao-lô có quốc tịch La-mã nên cha mẹ ông cũng chọn đặt một tên La-mã cho ông và họ đã chọn tên “Phao-lô”, có lẽ, vì ông được sinh ra với một vóc dáng nhỏ bé. Trước Công Vụ Các Sứ Đồ 13:9, Thánh Kinh dùng tên Sau-lơ để nói đến ông, có lẽ, vì mọi việc liên quan đến ông là ở giữa cộng đồng Do-thái. Sau đó, Thánh Kinh dùng tên Phao-lô để nói đến ông và chính ông trong các thư tín cũng xưng mình là Phao-lô, có lẽ, vì từ đó trở đi, mọi việc liên quan đến Phao-lô là ở giữa dân ngoại.

Thành ngữ “được đầy dẫy thánh linh” được dùng trước khi nói đến một hành động của con dân Chúa không có nghĩa là trước đó họ không được đầy dẫy thánh linh. Mà có nghĩa là hành động được nói đến tiếp liền theo thành ngữ đó là hành động hoàn toàn được điều động bởi năng lực của Đức Thánh Linh. Chúng ta đã học trong Công Vụ Các Sứ Đồ 6:5 rằng, Ê-tiên là một người đầy dẫy thánh linh. Và đầy dẫy thánh linh cũng là điều kiện để được chọn làm chấp sự. Nhưng đến Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55 thì nói đến sự kiện Ê-tiên được đầy dẫy thánh linh mà nhìn thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, và thấy Đức Chúa Jesus đứng bên phải Đức Chúa Trời.

Tương tự như vậy, chúng ta cũng hiểu rằng, Phao-lô là người đầy dẫy thánh linh, nhưng khi ông quở trách Ba-giê-su thì là Đức Thánh Linh hoàn toàn chủ động qua môi miệng ông. Sự chủ động đó của Đức Thánh Linh được xác nhận bằng thành ngữ “được đầy dẫy thánh linh”. Đó cũng là điều xảy ra cho con dân Chúa, khi họ phải đối đáp với những kẻ bách hại đức tin của họ:

Nhưng khi họ đem nộp các ngươi thì chớ lo các ngươi sẽ nói như thế nào hoặc nói gì. Vì trong giờ đó, sẽ ban cho các ngươi điều các ngươi sẽ nói. Vì chẳng phải là các ngươi nói, nhưng Đấng Thần Linh của Cha các ngươi nói trong các ngươi.” (Ma-thi-ơ 10:19-20).

Bản tính của những kẻ thuộc về con cái của ma quỷ là:

  • Đầy mọi sự gian trá (G1388). Có nghĩa là trong tâm trí của họ lúc nào cũng có những mưu kế nhằm che giấu những sự ác để người khác không biết; hoặc hóa trang những sự ác khiến người khác tưởng đó là những sự lành. Con cái của ma quỷ dùng sự gian trá để thỏa mãn bản tính độc ác của mình, kiếm lợi cho mình, và gây đau khổ cho người khác.

  • Đầy mọi ác ý (G4468). Có nghĩa là trong tâm trí của họ lúc nào cũng có những ý tưởng xấu xa, độc ác. Những ý tưởng chỉ muốn lợi dụng người khác, làm hại người khác, chiếm đoạt những gì không thuộc về mình, và tự phô trương, đưa mình lên cao.

  • Thù nghịch mọi sự công chính”. Mọi sự công chính là mọi sự đúng theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Chính vì đầy mọi sự gian trá và đầy mọi ác ý mà con cái của ma quỷ luôn luôn là kẻ thù của mọi sự công chính. Vì chúng nó chà đạp mọi sự công chính, làm nghịch lại mọi sự công chính.

Các con đường ngay thẳng của Chúa”. Là nếp sống công chính theo từng Lời Chúa. Khi Ba-giê-su nói nghịch lại nếp sống ngay thẳng theo từng Lời Chúa thì ông ta đang cố gắng bẻ cong các nguyên tắc sống mà Đức Chúa Trời đã định cho loài người, được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Mỗi một điều răn của Chúa, mỗi một lời dẫn dắt loài người sống theo các điều răn của Chúa đều là một con đường ngay thẳng, dẫn đến sự an vui, thịnh vượng mà Thiên Chúa đã sắm sẵn cho loài người.

Ngày nay, mỗi con dân Chúa mang danh Cơ-đốc nhân là mang danh người tin nhận Đấng Christ, học theo Đấng Christ, vâng phục Đấng Christ, rao giảng Đấng Christ, tôn vinh Đấng Christ, phụng sự Đấng Christ, và chịu khổ vì Đấng Christ. Mỗi con dân Chúa là một tiên tri của Chúa vì công bố các lẽ thật của Lời Chúa qua môi miệng và nếp sống của chính mình. Mỗi con dân Chúa là một thầy tế lễ của Chúa, thờ phượng Chúa trong thần trí và trong lẽ thật qua chính thân thể xác thịt của mình, khi suy nghĩ, nói, và làm trong danh Chúa để tôn vinh Chúa và đem lại phước hạnh cho những người chung quanh. Mỗi con dân Chúa là một vua, hiện nay tự cai trị chính mình và những gì Chúa trao quyền cai trị vào tay mình; mai sau sẽ đồng cai trị Vương Quốc Trời với Đấng Christ. Mong rằng, không một ai trong chúng ta sẽ bị chính Chúa gọi là “Cơ-đốc nhân giả” vì có nếp sống bẻ cong các con đường ngay thẳng của Chúa. Nếp sống mà Phao-lô đã từng gọi: “có cách ăn ở như là những kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ” (Phi-líp 3:18).

11 Này, bây giờ, tay của Chúa ở trên ngươi. Ngươi sẽ bị mù, không thấy mặt trời trong ít lâu. Chính lúc đó, sự mù mịt và tối tăm đã giáng trên người. Người đã xoay quanh, tìm kiếm để được dẫn dắt bằng sự nắm tay.

12 Khi ấy, quan trấn thủ thấy sự đã xảy ra, tin, ngạc nhiên về giáo lý của Chúa.

Tay của Chúa ở trên ngươi”. Có nghĩa là ngươi bị chính Chúa đánh phạt. Tất cả những kẻ chống nghịch Chúa, bẻ cong các con đường ngay thẳng của Chúa, dù họ là ai, đều sẽ bị chính Chúa đánh phạt. Hình phạt bị mù thuộc thể nhằm thể hiện sự mù thuộc linh của Ba-giê-su và cũng để cho ông ý thức sự mù thuộc linh của mình. Sự mù thuộc thể đem lại những khó khăn và khốn khổ trong cuộc sống thuộc thể như thế nào thì sự mù thuộc linh đem lại những khó khăn và khốn khổ trong cuộc sống thuộc linh như thế ấy, nhưng gấp nhiều lần hơn. Mà hậu quả cuối cùng là sự hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Trong sự hình phạt Ba-giê-su, Đức Chúa Trời vẫn tỏ lòng thương xót của Ngài, vì Ngài chỉ hình phạt ông ta một thời gian. Thánh Kinh không nói thêm về Ba-giê-su nhưng mong rằng, ông ta đã sáng mắt thuộc linh sau khi mắt thuộc thể được sáng lại, và tin nhận Tin Lành. Một ngày kia, nếu chúng ta gặp được Ba-giê-su trong Vương Quốc Trời thì cũng không có gì là ngạc nhiên. Vì Đức Chúa Trời “muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:4).

Mệnh đề “sự mù mịt và tối tăm đã giáng trên người” hàm ý, Ba-giê-su bị mất thị lực dần dần. Trước hết là ông nhìn thấy sự vật quanh mình bị mờ dần. Cuối cùng là ông không thể nhìn thấy được nữa, và phải đưa tay ra sờ soạng chung quanh, tìm người nắm tay, dắt mình.

Quan trấn thủ nhìn thấy phép lạ Chúa hình phạt Ba-giê-su xảy ra ngay trước mắt nên đã tin nhận mọi lời giảng dạy của Ba-na-ba và Phao-lô. Tức là tin nhận Tin Lành. Cùng lúc, quan trấn thủ rất ngạc nhiên về những điều do Ba-na-ba và Phao-lô giãi bày về Lời Chúa. Xưa nay, quan trấn thủ vốn là người khao khát Lời Chúa, thường xuyên nghe Lời Chúa được đọc và được giảng trong các nhà hội; nhưng giờ đây, ông mới được nghe Lời Chúa giãi bày cách trung thực và rõ ràng bởi Ba-na-ba và Phao-lô. Vì thế, ông rất là ngạc nhiên trước những sự dạy dỗ từ Lời Chúa mà ông chưa từng nghe biết.

Ngày nay, trong các giáo hội cũng có biết bao nhiêu người khao khát Lời Chúa. Nguyện Chúa ban cho họ cơ hội được nghe sự giảng dạy trung thực và rõ ràng về Lời Chúa, để họ kinh nghiệm được sự lạ lùng trong Lời Chúa (Thi Thiên 119:18).

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/11/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://www.bible-history.com/new-testament/pauls-first-missionary-journey.gif

[2] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2021/11/PhaoloTruyenGiao_1.png

[3] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-ti-mo-the-5_17-25/

[4] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-phan-gioi-thieu/

Karaoke Thánh Ca: “Khi Tôi Nằm Xuống”
https://karaokethanhca.net/khi-toi-nam-xuong/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.