Chú Giải I Cô-rinh-tô 15:50-58 Sự Biến Hóa của Thân Thể Xác Thịt

3,233 views

 

YouTube: https://youtu.be/TIQXoA_vCpA

Chú Giải I Cô-rinh-tô 15:50-58
Sự Biến Hóa của Thân Thể Xác Thịt
Giải Đáp Thắc Mắc Liên Quan đến Bài Giảng

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 15:50-58

50 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi tuyên bố rằng, thịt và máu không thể thừa hưởng vương quyền của Thiên Chúa, và sự có tính hư nát không thể thừa hưởng sự không có tính hư nát.

51 Này, tôi tỏ cho các anh chị em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến hóa.

52 Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa.

53 Vì sự có tính hư nát này phải mặc lấy sự không có tính hư nát, và sự có thể chết này phải mặc lấy sự không thể chết.

54 Khi sự có tính hư nát này sẽ mặc lấy sự không có tính hư nát, sự có thể chết này sẽ mặc lấy sự không thể chết, thì được ứng nghiệm lời đã chép: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng! [Ê-sai 25:8]

55 Hỡi sự chết! Cái nọc của ngươi ở đâu? Hỡi âm phủ! Sự thắng của ngươi ở đâu?

56 Cái nọc của sự chết là tội lỗi, sức mạnh của tội lỗi là luật pháp.

57 Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời, Đấng ban cho chúng ta sự thắng, qua Chúa của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ.

58 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi! Hãy vững vàng, chớ rúng động! Hãy dư dật luôn trong công việc của Chúa! Hãy biết rằng, sự khó nhọc của các anh chị em trong Chúa chẳng phải là vô ích!

Qua Thánh Kinh, chúng ta đã học biết rằng, sự sống lại của thân thể xác thịt loài người là chắc chắn. Vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời và Ngài đã định trước như vậy. Chúng ta cũng đã học biết rằng, thân thể xác thịt của những ai thuộc về Chúa được sống lại để đời đời hạnh phúc trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời, thân thể xác thịt của những ai không thuộc về Chúa được sống lại để đời đời chịu khổ trong hỏa ngục về mỗi tội lỗi họ đã làm ra.

Chúng ta cũng đã học biết rằng, thân thể xác thịt của loài người được sống lại một cách siêu nhiên bởi quyền năng của Chúa, trở thành một thân thể siêu vật chất, có thể sinh hoạt trong thế giới vật chất mà cũng có thể sinh hoạt trong thế giới thuộc linh, như thiên đàng và hỏa ngục.

Chúng ta cũng đã học biết rằng, thân thể xác thịt của những con dân Chúa thuộc về Hội Thánh, nếu đã qua đời, sẽ được sống lại trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Vào thời điểm ấy, thân thể xác thịt của những con dân Chúa thuộc về Hội Thánh đang sống sẽ được biến hóa. Thân thể xác thịt đã chết được sống lại hay thân thể xác thịt đang sống được biến hóa của con dân Chúa đều cùng là được tái sinh thành một thân thể xác thịt mới, siêu vật chất, như nhau.

I Cô-rinh-tô 15:50-58 dạy cho chúng ta lẽ thật về sự biến hóa của thân thể xác thịt đang sống của con dân Chúa, trong ngày Chúa đến.

50 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi tuyên bố rằng, thịt và máu không thể thừa hưởng vương quyền của Thiên Chúa, và sự có tính hư nát không thể thừa hưởng sự không có tính hư nát.

“Thịt và máu” là thân thể xác thịt của loài người, do cha mẹ sinh ra.

“Thừa hưởng” là được quyền hưởng những gì do người khác để lại, điển hình là trường hợp con cái được thừa hưởng tài sản, chức quyền của cha mẹ.

“Vương quyền” là quyền làm vua, tức là quyền cai trị của vua trong một vương quốc.

“Vương quyền của Thiên Chúa” là quyền làm vua của Thiên Chúa. Quyền ấy được Đức Chúa Trời ban cho mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh, và đã được Thánh Kinh xác nhận:

“Đấng đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài – Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!” (Khải Huyền 1:6).

“Ngài đã làm cho chúng tôi thành những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cai trị trên đất.” (Khải Huyền 5:10).

“Sự có tính hư nát” là những sự thuộc về đất trong thế giới vật chất, kể cả thân thể xác thịt của loài người. Những sự ấy bị hư nát vì hậu quả sự phạm tội của loài người.

“Tính hư nát” là tính chất bị băng hoại theo thời gian, mất dần đi sự tốt đẹp vốn có trong sự sáng tạo của Thiên Chúa, rồi tan rã, trở về thành những nguyên tố hóa học.

“Sự có tính không hư nát” là những sự dù có bản thể là vật chất nhưng được tái tạo hoặc tái sinh bởi Đức Chúa Trời, nên trở thành thiêng liêng, trở thành những bản thể vật chất siêu nhiên, không bao giờ bị băng hoại, nhưng luôn ở trong sự vinh quang, tốt đẹp của sự tái tạo hoặc tái sinh.

Thân thể xác thịt hiện tại của chúng ta, dù chưa trải qua sự chết trong ngày Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh vào trong thiên đàng, nhưng vẫn là thân thể đang chết. Thân thể ấy cần phải được tái sinh, tức được biến hóa thành một thân thể xác thịt thiêng liêng, vinh quang và bất tử, để có thể vào trong thiên đàng và nhận được quyền cai trị Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời.

51 Này, tôi tỏ cho các anh chị em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến hóa.

“Sự mầu nhiệm” là sự kín giấu chưa từng được tỏ ra.

Đại danh từ “chúng ta” được dùng trong câu này, lần thứ nhất là chỉ về Hội Thánh chung, bao gồm từ thời của Phao-lô cho tới ngày Đấng Christ đến. Lần thứ nhì là chỉ về những con dân Chúa đang sống trong ngày Đấng Christ đến.

Động từ “được biến hóa” chỉ về sự kiện được biến đổi từ một thực thể này sang một thực thể khác, như con tằm biến thành con bướm.

“Chúng ta sẽ không ngủ hết” có nghĩa là con dân Chúa trong Hội Thánh sẽ có những người không trải qua sự chết.

“Nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến hóa” có nghĩa là trong ngày Đấng Christ đến, thân thể xác thịt đang sống của hết thảy những con dân Chúa trong Hội Thánh đều sẽ được biến hóa mà không trải qua sự chết. Thân thể xác thịt đang sống của con dân Chúa sẽ lập tức biến hóa thành thân thể xác thịt thiêng liêng, vinh quang và bất tử, để có thể vào ngay trong thiên đàng và nhận lãnh vương quyền từ Đức Chúa Trời.

52 Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa.

Tính từ “khoảnh khoắc” (G823) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để mô tả một vật thể vô cùng nhỏ đến không thể phân chia, hoặc một khoảng thời gian vô cùng ngắn.

Thời gian của một nháy mắt dài khoảng 1/3 của một giây đồng hồ. Cách nói “trong nháy mắt” được dùng để chỉ một khoảng thời gian vô cùng ngắn.

“Tiếng kèn chót” là tiếng kèn sau cùng được thổi lên. Chúng ta không tìm thấy nơi nào trong Thánh Kinh giải thích ý nghĩa của nó. Chúng ta chỉ có thể suy luận rằng, chỉ có hai tiếng kèn được thổi báo hiệu cho con dân Chúa về sự giáng lâm của Ngài, dành riêng cho con dân của Ngài. Tiếng kèn thứ nhất được thổi khi Thiên Chúa giáng lâm trên núi Si-na-i để trực tiếp phán truyền các điều răn của Ngài. Tiếng kèn thứ nhì, cũng là tiếng kèn chót, được thổi khi Thiên Chúa giáng lâm giữa chốn không trung để trực tiếp đem những ai tin và vâng giữ các điều răn của Ngài, vào trong nhà của Ngài ở trên trời.

Một số người cho rằng, “tiếng kèn chót” được nói đến trong I Cô-rinh-tô 15:52 chính là “tiếng kèn” được nói đến trong I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16, và chính là “tiếng loa thứ bảy” trong Khải Huyền 11:15. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì cùng là một từ ngữ “salpizō” (G4537), /xo-pí-dồ/, có thể dịch là loa hoặc kèn. Vì vậy, họ cho rằng, Chúa sẽ đến vào giữa Thời Đại Nạn để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Tức là, Hội Thánh phải chịu sự bách hại của AntiChrist trong ba năm rưỡi đầu của Kỳ Tận Thế. Tuy nhiên, không có câu Thánh Kinh nào liên kết tiếng kèn thổi vào lúc Chúa đến với tiếng kèn thứ bảy trong Kỳ Tận Thế. Bảy tiếng kèn trong Kỳ Tận Thế là bảy tiếng kèn của sự phán xét, của tai vạ, trong khi tiếng kèn trong ngày Chúa đến là tiếng kèn báo hiệu sự giáng lâm của Chúa, dành riêng cho con dân Chúa, tương tự như trong ngày Chúa giáng lâm trên núi Si-na-i (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:16, 19; 20:18). Thánh Kinh cũng không gọi tiếng kèn thứ bảy trong Kỳ Tận Thế là tiếng kèn chót. Ngoài ra, Hội Thánh phải được cất lên trước Kỳ Tận Thế, vì Chúa đã hứa rằng, Hội Thánh sẽ không phải trải qua sự thử thách khắp thế gian trong các cơn đại nạn của Kỳ Tận Thế:

“Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất.” (Khải Huyền 3:10).

Khi Đức Chúa Jesus Christ giáng lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, vào trong thiên đàng với Ngài, thì sẽ có tiếng kêu lớn, tiếng của thiên sứ trưởng, và tiếng kèn của Thiên Chúa. Rồi thân thể xác thịt đã qua đời của những thánh đồ thuộc Hội Thánh sẽ được sống lại, trước khi thân thể xác thịt của những thánh đồ đang sống được biến hóa:

“Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17).

Danh từ “những người chết trong Đấng Christ” được dùng để chỉ những con dân Chúa thuộc thời kỳ Hội Thánh đã qua đời. “Chết trong Đấng Christ” là chết trong khi có đức tin vào sự chết chuộc tội của Đấng Christ.

Những thánh đồ đã qua đời trước thời Cựu Ước và trong thời Cựu Ước cũng là con dân Chúa nhưng họ không chết trong Đấng Christ. Vì vào thời của họ, Thiên Chúa Ngôi Lời chưa nhập thế làm Đấng Christ. Họ đã chết trong khi có đức tin vào Đức Chúa Trời. Bởi đó, Đức Chúa Trời ban cho họ sự cứu rỗi qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Những thánh đồ chết trong Kỳ Tận Thế bởi tay AntiChrist là chết trong Đấng Christ, nhưng họ không thuộc về Hội Thánh, và thân thể xác thịt của họ sẽ được sống lại vào cuối Kỳ Tận Thế.

Đại danh từ “chúng ta” trong câu này chỉ về những con dân Chúa đang sống trong ngày Đấng Christ đến.

53 Vì sự có tính hư nát này phải mặc lấy sự không có tính hư nát, và sự có thể chết này phải mặc lấy sự không thể chết.

54 Khi sự có tính hư nát này sẽ mặc lấy sự không có tính hư nát, sự có thể chết này sẽ mặc lấy sự không thể chết, thì được ứng nghiệm lời đã chép: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng! [Ê-sai 25:8]

“Sự có tính hư nát” và “sự có thể chết” là thân thể xác thịt của loài người sau khi loài người phạm tội.

“Sự không có tính hư nát” và “sự không thể chết” là thân thể xác thịt của loài người được phục sinh sau khi chết hoặc được biến hóa trong khi còn sống.

Động từ “mặc lấy” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là đắm chìm vào bên trong một chất liệu, như đắm chìm vào bên trong quần áo, tức mặc quần áo. Khi thời điểm đến, thân thể xác thịt của mỗi người sẽ đắm chìm vào trong sự vinh quang và bất tử.

Sự chết vật lý không còn quyền trên thân thể xác thịt của loài người được phục sinh hoặc được biến hóa thành thân thể xác thịt thiêng liêng. Nghĩa là sẽ không bao giờ thân thể xác thịt thiêng liêng bị phân rẽ khỏi linh hồn là chủ thể của nó.

“Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng” có nghĩa là sự hy sinh chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ để cứu loài người ra khỏi án phạt của tội lỗi đã đánh bại quyền lực của tội lỗi trên thân thể xác thịt của loài người, và hủy diệt hậu quả của nó (sự chết) trên thân thể xác thịt của loài người.

Chúng ta cần hiểu và nhớ rằng:

  • Tội lỗi là sự không vâng phục Thiên Chúa, là sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.
  • Hậu quả của tội lỗi là sự chết của thân thể xác thịt loài người.
  • Sự chết của thân thể xác thịt loài người là sự linh hồn và tâm thần bị phân rẽ khỏi xác thịt, khiến xác thịt trở về cùng bụi đất, để chấm dứt sự phạm tội của loài người.
  • Thân thể xác thịt của mỗi một người được sinh ra là được sinh ra trong sự chết, nghĩa là vừa được sinh ra thì thân thể xác thịt đã ở trong tiến trình của sự chết. Vì thân thể xác thịt của mỗi người được thai dựng trong tội lỗi:

“Kìa, tôi đã được sinh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5).

  • Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá để gánh thay án phạt của tội lỗi cho loài người. Sau khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chết chuộc tội của Ngài thì sự chết không còn quyền lực trên thân thể xác thịt đã chết của loài người. Vì thế, thân thể xác thịt đã chết của mỗi người đều sẽ được sống lại vinh quang và bất tử.
  • Những ai có sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì sẽ cứ vinh quang và hạnh phúc đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Những ai không có sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời thì sẽ mất đi sự vinh quang, tùy theo mỗi tội lỗi của họ bị phán xét, và chịu khổ đời đời trong hỏa ngục.
  • Có sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời hay không là sự lựa chọn thuộc về mỗi người, khi họ còn sống trong thân thể xác thịt đang chết.

Hiện nay, chúng ta đang sống trong thế giới vật chất và chịu sự chi phối của các định luật vật lý. Điển hình là thân thể xác thịt hiện tại của chúng ta không thể xuyên qua một bức tường; vận tốc di chuyển của chúng ta không quá vài km một giờ. Nhưng khi thân thể xác thịt của chúng ta được tái sinh thành thân thể xác thịt thiêng liêng, tức được phục sinh hay được biến hóa, thì chúng ta không còn bị giới hạn bởi các định luật vật lý. Khi đó, thân thể xác thịt của chúng ta sẽ giống như thân thể xác thịt phục sinh của Đấng Christ. Sau khi thân thể xác thịt của Đấng Christ sống lại từ trong sự chết thì Ngài có thể xuyên tường, vào trong phòng nhóm của các môn đồ. Ngài có thể vào trong thiên đàng và trở lại trái đất trong một khoảng thời gian ngắn. Ngài có thể từ từ thăng thiên, về lại thiên đàng, trước sự chứng kiến của nhiều người.

Cảm tạ Chúa! Ngày đó đối với chúng ta sẽ không còn bao xa. Ngắn nhất là có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Dài nhất, có lẽ là không tới bảy năm. Xin quý ông bà anh chị em đọc và nghe lại các bài giảng mới nhất trên kytanthe.net, là các bài 065, 066, và 067 [1], [2], [3].

55 Hỡi sự chết! Cái nọc của ngươi ở đâu? Hỡi âm phủ! Sự thắng của ngươi ở đâu?

56 Cái nọc của sự chết là tội lỗi, sức mạnh của tội lỗi là luật pháp.

“Cái nọc” là một bộ phận có hình dáng như đầu của một cây kim, một số loài côn trùng dùng nó để truyền chất độc, tấn công kẻ thù, như cái nọc của loài ong. Theo nghĩa bóng, cái nọc là phương tiện, là vũ khí gieo rắc sự đau khổ.

Cái nọc hay vũ khí của sự chết chính là tội lỗi. Vì tội lỗi đem lại sự đau khổ và sự chết. Nếu không có tội lỗi thì không có sự đau khổ và sự chết. Như vậy, sự đau khổ và sự chết xảy ra trong cuộc đời này là bằng chứng rõ ràng về sự phạm tội của loài người. Sự đau khổ và sự chết trong cuộc đời này cũng khiến cho loài người thấy sức tàn phá khủng khiếp của tội lỗi. Tội lỗi hủy hoại những công trình sáng tạo tuyệt vời của Thiên Chúa. Tội lỗi cướp đi sự vinh quang và hạnh phúc đời đời Thiên Chúa ban cho loài người. Tội lỗi cắt đứt mối tương giao mật thiết giữa Thiên Chúa với loài người.

“Sức mạnh của tội lỗi là luật pháp” có nghĩa là tội lỗi khiến cho người phạm tội bị hình phạt nghiêm khắc bởi luật pháp của Đức Chúa Trời. Vì thế, khi một người đã phạm tội thì không thể thoát ra khỏi hậu quả của sự phạm tội, là bị phán xét bởi luật pháp của Đức Chúa Trời.

Sau khi Đấng Christ chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh thân thể xác thịt của Ngài, thì cái nọc của sự chết là tội lỗi không còn khả năng tác hại trên những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Vì Ngài đã gánh thay hình phạt của mọi tội lỗi cho họ. Âm phủ cũng không còn khả năng giam giữ những linh hồn thuộc về Đấng Christ.

57 Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời, Đấng ban cho chúng ta sự thắng, qua Chúa của chúng ta, Đức Chúa Jesus Christ.

Đại danh từ “chúng ta” trong câu này là chỉ chung mọi con dân Chúa trong Hội Thánh. Sự thắng được nói đến trong câu này là sự thắng đối với tội lỗi, sự chết, và âm phủ. Tội lỗi không còn có quyền lực trói buộc con dân Chúa vào trong những hình phạt của sự phạm tội. Sự chết không thể đời đời giữ cho thân thể xác thịt của con dân Chúa ở trong bụi đất. Âm phủ không thể giam giữ linh hồn của con dân Chúa.

Sự thắng đó con dân Chúa chỉ có thể có được qua Đấng Christ. Vì Ngài là Đấng chết thay cho mọi sự phạm tội của họ. Ngài là Đấng ban cho họ sự sống lại và sự sống đời đời trong hạnh phúc. Sự thắng đó chỉ có thể có được bởi sự thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa, tức vâng giữ mọi điều răn của Thiên Chúa. Mọi điều răn của Thiên Chúa bao gồm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ, và điều răn nên thánh của Đức Thánh Linh, như đã ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Giăng 13:34; Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29) [4].

58 Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha yêu dấu của tôi! Hãy vững vàng, chớ rúng động! Hãy dư dật luôn trong công việc của Chúa! Hãy biết rằng, sự khó nhọc của các anh chị em trong Chúa chẳng phải là vô ích!

“Hãy vững vàng” là vững vàng trong đức tin nơi Thiên Chúa, nơi Lời Chúa là Thánh Kinh, và vững vàng trong sự hiểu biết Lời Chúa.

“Chớ rúng động” là chớ lo lắng, chớ nghi ngờ, chớ run sợ khi đối diện với những nghịch cảnh trong đời sống, ngay cả khi đối diện với những sự chịu khổ vì danh Chúa và sự chết. Chịu khổ vì danh Chúa là thà chịu bị thiếu thốn, bị người thân ghét bỏ, bị xã hội chê bai và đối xử bất công, thậm chí bị đánh đập, bị nhốt tù, và bị giết hơn là sống nghịch lại Lời Chúa.

“Hãy dư dật luôn trong công việc của Chúa” là hãy luôn sốt sắng sống theo Lời Chúa. Công việc của Chúa là chúng ta có đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 6:28-29). Người có đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ là người sống theo Lời Chúa, tức là vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Người sống theo Lời Chúa là người mà mỗi ý nghĩ, lời nói, và việc làm đều vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:31).

Sống theo Lời Chúa là một đời sống thỏa lòng trong Chúa nhưng chịu nhiều sự bách hại từ những người của thế gian cùng những sự quấy phá của ma quỷ. Ngoài ra, vì chúng ta vẫn còn đang sống trong thân thể xác thịt đang chết, chịu nhiều giới hạn bởi các định luật vật lý nên chúng ta phải chịu nhiều khó nhọc trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngày vinh quang và hạnh phúc sẽ đến, khi chúng ta được Đấng Christ đón chúng ta ra khỏi thế gian này, và ban thưởng cho chúng ta cách xứng đáng, tùy theo mỗi việc lành chúng ta đã làm ra trong danh của Ngài. Chính Đấng Christ đã hứa:

“Này, Ta đến mau chóng với tiền công của Ta, để trao cho mỗi người tùy theo kết quả việc làm của người ấy sẽ là.” (Khải Huyền 22:12).

Trong Thánh Kinh có hai lần ghi lại sự kiện thân thể xác thịt của con dân Chúa đang sống được biến hóa.

Lần thứ nhất là trường hợp của Hê-nóc. Sáng Thế Ký 5:24 chép rằng: “Hê-nóc cùng đi với Đức Chúa Trời, rồi mất biệt, bởi vì Thiên Chúa mang ông đi.” Hê-bơ-rơ 11:5 chép rằng: “Bởi đức tin, Hê-nóc đã được biến hóa, không thấy sự chết. Ông không được tìm thấy nữa, vì Đức Chúa Trời đã biến hóa ông. Vì trước khi sự biến hóa xảy ra, ông đã được chứng rằng, ông đã ở vừa lòng Đức Chúa Trời.”

Lần thứ nhì là trường hợp của Tiên Tri Ê-li. II Các Vua 2:11 chép rằng: “Hai người cứ vừa đi vừa nói với nhau, kìa, có một cái xe lửa và ngựa lửa phân rẽ hai người; Ê-li lên trời trong một cơn gió lốc.” Hơn 800 năm sau, Tiên Tri Ê-li đã cùng Môi-se hiện ra trên núi hóa hình, trò chuyện với Đấng Christ về sự thương khó sắp đến của Ngài (Ma-thi-ơ 17:3; Mác 9:4; Lu-ca 9:30).

Sự kiện thân thể xác thịt đang sống của con dân Chúa được biến hóa thành thân thể xác thịt thiêng liêng vinh quang và bất tử là điều đã xảy ra trong lịch sử của loài người, và sẽ xảy ra trong ngày Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Mỗi một con dân chân thật của Chúa đang sống đều có thể dự phần trong sự biến hóa này, miễn là luôn hết lòng sống theo Lời Chúa. Nguyện ngày đó mau đến. A-men!

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Xin quý ông bà anh chị em nghe phần âm thanh của bài giảng, cuối bài giảng có phần giải đáp thắc mắc liên quan đến bài giảng.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/07/2020

Ghi Chú

[1] https://kytanthe.net/065-o-se-61-2-va-ky-tan-the-phan-2/

[2] https://kytanthe.net/066-ngay-chua-den/

[3] https://kytanthe.net/067-ky-tan-the-va-nam-2027/

[4] https://timhieutinlanh.com/cac-dieu-ran-cua-thien-chua/

Karaoke Thánh Ca: “Con Sẽ Không Quên”
https://karaokethanhca.net/con-se-khong-quen/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây:
https://christ.thanhkinhvietngu.net