Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 21:40-22:29 Phao-lô Giảng cho Những Người Muốn Giết Ông

991 views

YouTube: https://youtu.be/9np9-usDeWs

44051 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 21:40-22:29
Phao-lô Giảng cho Những Người Muốn Giết Ông

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 21:40

40 Khi người đã được phép, Phao-lô đã đứng trên các bậc thềm, ra dấu bằng tay cho dân chúng. Khi đã có sự im lặng lớn, người đã nói với chúng bằng tiếng Hê-bơ-rơ, rằng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 22:1-29

1 Hỡi mọi người! Hỡi các anh em và các cha! Giờ đây, hãy nghe sự bênh vực của tôi đối với các ngươi.

2 Khi chúng nghe người nói tiếng Hê-bơ-rơ với chúng, thì chúng đã chịu giữ sự im lặng. Người đã nói:

3 Thật sự, tôi là người Do-thái, được sinh ra tại thành Tạt-sơ, xứ Si-li-si, nhưng đã được nuôi dạy trong thành này, tại chân của Ga-ma-li-ên, được dạy đúng theo luật pháp của các tổ phụ, đã sốt sắng về Đức Chúa Trời, như các ngươi đều là, hôm nay.

4 Tôi từng bách hại Đạo này cho đến chết, xiềng lại và giải giao vào các nhà tù cả đàn ông lẫn đàn bà.

5 Như thầy tế lễ thượng phẩm làm chứng cho tôi cùng cả hội đồng các trưởng lão. Cũng bởi họ tôi đã nhận các thư gửi cho các anh em, đi đến thành Đa-mách, dẫn những người bị trói ở đó về Giê-ru-sa-lem để họ chịu hình phạt.

6 Đã xảy ra, lúc tôi đang đi đường, gần đến thành Đa-mách, vào khoảng trưa, thình lình có ánh sáng lớn, từ trời, chiếu sáng chung quanh tôi.

7 Tôi đã ngã xuống đất và nghe có tiếng phán với tôi: Hỡi Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bách hại Ta?

8 Tôi đã trả lời: Lạy Chúa! Ngài là ai? Thì Ngài đã phán với tôi: Ta là Jesus người Na-xa-rét mà ngươi bách hại.

9 Thực tế, những kẻ ở với tôi đã thấy ánh sáng và trở nên sợ hãi, nhưng họ đã chẳng nghe hiểu tiếng của Đấng đã phán với tôi.

10 Tôi đã thưa: Lạy Chúa! Tôi phải làm gì? Chúa đã phán với tôi: Hãy trỗi dậy! Đi vào trong thành Đa-mách. Tại đó, ngươi sẽ được bảo về mọi điều là những điều đã định cho ngươi làm.

11 Khi tôi không thể nhìn thấy vì sự chói sáng của ánh sáng ấy, thì đã được nắm tay dắt bởi những kẻ đã ở với tôi. Tôi đã đến trong thành Đa-mách.

12 Có A-na-nia kia là một người tin kính theo luật pháp, được lời chứng tốt của hết thảy những người Do-thái cư trú tại đó,

13 đã đến với tôi, đứng và nói với tôi: Hỡi Sau-lơ, người anh em cùng Cha! Hãy sáng mắt lại! Chính giờ đó, tôi đã nhìn thấy người.

14 Rồi, người đã nói: Đức Chúa Trời của các tổ phụ chúng ta đã định cho anh biết ý muốn của Ngài, thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng của Ngài.

15 Vì anh sẽ là chứng nhân của Ngài cho mọi người, về những việc anh đã thấy và nghe.

16 Bây giờ, anh còn trễ nải làm gì? Hãy trỗi dậy, chịu báp-tem và hãy rửa sạch những tội lỗi của anh, kêu cầu danh Chúa!

17 Đã xảy ra, tôi đã trở về tới Giê-ru-sa-lem. Tôi đang cầu nguyện trong Đền Thờ. Tôi đã ở trong sự ngất trí.

18 Tôi đã thấy Ngài phán với tôi: Hãy vội vàng! Hãy ra khỏi Giê-ru-sa-lem cách nhanh chóng; vì chúng sẽ chẳng nhận lời chứng của ngươi về Ta.

19 Tôi đã thưa: Lạy Chúa! Họ biết rằng, tôi thật đã bỏ tù và đánh đập trong các nhà hội những người đã tin nơi Ngài.

20 Và khi máu của Ê-tiên, chứng nhân của Ngài, đã bị đổ ra, tôi cũng đã ở đó, đồng ý về cái chết của người, và giữ áo xống của những kẻ giết người.

21 Ngài đã phán với tôi: Hãy đi! Vì Ta sẽ sai ngươi từ nơi đây đến với các dân ngoại.

22 Chúng nghe người đến câu ấy thì đã cất tiếng của chúng, kêu lên: Hãy cất kẻ như vậy khỏi đất! Vì nó chẳng đáng sống!

23 Chúng đã kêu la, cởi áo, hất bụi đất vào khoảng không.

24 Viên chỉ huy đã ra lệnh cho người bị đem vào trong đồn, bảo người phải bị tra xét bằng sự đánh đòn, để bởi đó biết lý do chúng đã kêu la nghịch lại người như vậy.

25 Trong lúc chúng đang trói, căng người ra, Phao-lô đã nói với viên đại đội trưởng đang đứng đó rằng: Ngươi được phép đánh đòn một người là công dân La-mã và chưa bị xử án sao?

26 Viên đại đội trưởng nghe vậy đã đi, thưa với viên chỉ huy rằng: Kìa, ông định làm gì? Vì người này là công dân La-mã.

27 Viên chỉ huy đã đến, nói với người: Hãy nói cho ta biết, nếu ngươi là công dân La-mã. Người đã trả lời: Phải.

28 Viên chỉ huy đã đáp lời: Ta đã mua quyền công dân này với một số tiền lớn. Phao-lô đã nói: Còn tôi đã được sinh ra với nó.

29 Tức thì, các kẻ đã định tra khảo người tránh xa khỏi người. Viên chỉ huy cũng sợ hãi, khi biết đó là một công dân La-mã, và vì ông đã trói người.

Phao-lô vừa bị đám dân đông hiểu lầm ông, giận dữ, nổi loạn, bắt ông, kéo ông ra khỏi Đền Thờ và đánh đập ông. Viên chỉ huy tiểu đoàn lính La-mã đóng quân gần đó, đã kịp thời, đem quân lính đến, giải cứu ông. Chúng ta không biết Phao-lô đã bị đánh đập nặng đến mức nào, nhưng ông đã không bỏ qua cơ hội để làm chứng về ân điển của Chúa đối với ông, và cũng là cơ hội để giảng Tin Lành.

Phao-lô đã thực hành như lời ông sẽ khuyên Ti-mô-thê khoảng chín năm sau đó: “Hãy sẵn sàng giảng Lời, dù đúng thời hay không đúng thời!” (II Ti-mô-thê 4:2a). Sự việc chúng ta đang học đây đã xảy ra vào cuối mùa xuân năm 58. Thư II Ti-mô-thê đã được Phao-lô viết vào năm 67, vài tháng trước khi ông bị chết chém vào giữa năm 68.

Chúng ta có thể cảm nhận rằng, Phao-lô đã không quan ngại đến các vết thương do đám đông đã gây ra trên thân thể của ông, cũng không giận ghét hay sợ hãi họ. Ông chỉ mong muốn họ được nghe lẽ thật, nhận biết lẽ thật, và được cứu như chính ông. Vì thế, Phao-lô đã xin viên chỉ huy tiểu đoàn lính La-mã cho phép ông được nói với đám dân đông đang muốn giết ông.

40 Khi người đã được phép, Phao-lô đã đứng trên các bậc thềm, ra dấu bằng tay cho dân chúng. Khi đã có sự im lặng lớn, người đã nói với chúng bằng tiếng Hê-bơ-rơ, rằng:

Phao-lô vừa được quân lính khiêng lên các bậc thềm, qua khỏi cổng đồn. Lúc bấy giờ, có lẽ một số đông quân lính đang đứng trên các bậc thềm, canh giữ trước cổng đồn, không cho đám dân đông xông vào đồn. Đám dân đông cũng hiểu rằng, nếu họ xông vào đồn thì lập tức một cuộc tàn sát sẽ xảy ra. Vì thế, Phao-lô an toàn, đứng trên các bậc thềm.

Mệnh đề “trên các bậc thềm” trong câu 35 hàm ý, các bậc thềm đầu tiên, dẫn lên cổng đồn. Mệnh đề “trên các bậc thềm” trong câu 40 hàm ý, các bậc thềm sau cùng, ngay cổng đồn. Chúng ta không biết có bao nhiêu bậc thềm tất cả, nhưng chắc chắn là giữa chỗ Phao-lô đứng và chỗ đám dân đông đứng có một khoảng cách an toàn cho Phao-lô, được bảo vệ bởi quân lính.

Phao-lô đã đưa tay ra dấu cho đám dân đông im lặng. “Khi đã có sự im lặng lớn” có nghĩa là khi đám dân đông đã hoàn toàn im lặng để lắng nghe Phao-lô. Phao-lô đã dùng tiếng Hê-bơ-rơ để nói với họ.

Tiếng Hê-bơ-rơ” (G1446) được nói đến ở đây không phải là tiếng Hê-bơ-rơ cổ thời Cựu Ước đã được phục hồi và đang dùng hiện nay tại I-sơ-ra-ên, mà là tiếng Hê-bơ-rơ đã biến thể, pha trộn với một số ngôn ngữ khác, gọi là tiếng A-ra-mai, thông dụng trong dân I-sơ-ra-ên, kể từ sau khi dân I-sơ-ra-ên thuộc vương quốc Giu-đa bị lưu đày 70 năm tại Ba-bi-lôn. Đây cũng chính là ngôn ngữ được Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài sử dụng hằng ngày.

1 Hỡi mọi người! Hỡi các anh em và các cha! Giờ đây, hãy nghe sự bênh vực của tôi đối với các ngươi.

Phao-lô vừa dùng tiếng mẹ đẻ của đám dân đông, vừa dùng cách nói thân thương của người I-sơ-ra-ên, khi gọi họ là các anh em và các cha. Sự kiện đó khiến cho đám dân đông càng chú ý lắng nghe ông hơn. Phao-lô muốn nói lời bênh vực mình trước những lời đồn không đúng sự thật về ông.

2 Khi chúng nghe người nói tiếng Hê-bơ-rơ với chúng, thì chúng đã chịu giữ sự im lặng. Người đã nói:

3 Thật sự, tôi là người Do-thái, được sinh ra tại thành Tạt-sơ, xứ Si-li-si, nhưng đã được nuôi dạy trong thành này, tại chân của Ga-ma-li-ên, được dạy đúng theo luật pháp của các tổ phụ, đã sốt sắng về Đức Chúa Trời, như các ngươi đều là, hôm nay.

Đúng như Phao-lô nghĩ, đám dân đông đã giữ sự im lặng để nghe ông nói, khi họ thấy ông nói bằng tiếng Hê-bơ-rơ và dùng cách nói thân quen của người I-sơ-ra-ên.

Phao-lô bắt đầu sơ lược về ông. Qua lời tâm tình của Phao-lô, chúng ta biết, ông đã được sinh ra tại thành Tạt-sơ thuộc xứ Si-li-si nhưng đã được nuôi dạy và lớn lên trong thành Giê-ru-sa-lem. Ông đã được học Lời Chúa với Ga-ma-li-ên là một giáo sư Do-thái Giáo danh tiếng thời bấy giờ. Lời Chúa bấy giờ là toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước. Rất có thể, Phao-lô vừa học Thánh Kinh Cựu Ước trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, vừa học qua Bản Dịch 70 tiếng Hy-lạp [1]. Chúng ta cũng cần nhớ rằng, thời bấy giờ, Thánh Kinh qua Bản Dịch 70 rất thông dụng đối với những người I-sơ-ra-ên nói tiếng Hy-lạp. Chính Đức Chúa Jesus cũng đã trích dẫn Cựu Ước từ Bản Dịch 70.

Rất có thể gia đình của Phao-lô đã gửi ông trọ học ngay trong nhà của Giáo Sư Ga-ma-li-ên từ khi ông còn bé, với lòng mong muốn, ông sẽ trở thành một trong các Ra-bi, tức là giáo sư Thần học trong Do-thái Giáo. Riêng Phao-lô, ông cũng có đức tin vào Thiên Chúa và có lòng sốt sắng đối với Đức Chúa Trời. Thực tế, lòng sốt sắng của ông về Đức Chúa Trời không khác gì lòng sốt sắng của những người đang chống nghịch ông, vì họ nghĩ là ông phạm thượng Đức Chúa Trời.

4 Tôi từng bách hại Đạo này cho đến chết, xiềng lại và giải giao vào các nhà tù cả đàn ông lẫn đàn bà.

5 Như thầy tế lễ thượng phẩm làm chứng cho tôi cùng cả hội đồng các trưởng lão. Cũng bởi họ tôi đã nhận các thư gửi cho các anh em, đi đến thành Đa-mách, dẫn những người bị trói ở đó về Giê-ru-sa-lem để họ chịu hình phạt.

Đạo này” nghĩa là đường lối này của Đức Chúa Trời về Tin Lành Cứu Rỗi. Phao-lô gọi Tin Lành Cứu Rỗi là con đường, với ý nghĩa con đường dẫn đến sự được cứu rỗi, dẫn đến sự sống. Chính Đức Chúa Jesus tự nhận Ngài là “đường đi” (Giăng 14:6). Phao-lô thuật lại sự ông từng bách hại Hội Thánh của Chúa một cách quyết liệt, bất kể đàn ông hay đàn bà, ông đều xiềng xích họ lại, giải giao vào các nhà tù.

Thầy tế lễ thượng phẩm là người đứng đầu Tòa Công Luận của Do-thái Giáo, cùng với hội đồng các trưởng lão của dân I-sơ-ra-ên thời bấy giờ đều có thể làm chứng về sự Phao-lô sốt sắng bách hại những người tin nhận Đấng Christ. Chính họ đã ban cho ông thẩm quyền bách hại các môn đồ của Chúa. Chính họ đã viết thư giới thiệu ông đến những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo ở khắp nơi để yêu cầu trợ giúp Phao-lô, trong việc bách hại Hội Thánh của Chúa. Lần sau cùng là Phao-lô đã từ Giê-ru-sa-lem đi đến thành Đa-mách để giải giao các môn đồ của Đấng Christ từ đó về lại Giê-ru-sa-lem, để bỏ tù họ.

6 Đã xảy ra, lúc tôi đang đi đường, gần đến thành Đa-mách, vào khoảng trưa, thình lình có ánh sáng lớn, từ trời, chiếu sáng chung quanh tôi.

7 Tôi đã ngã xuống đất và nghe có tiếng phán với tôi: Hỡi Sau-lơ! Sau-lơ! Sao ngươi bách hại Ta?

Phao-lô tiếp tục thuật lại sự việc đã xảy ra cho ông, như đã được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1-18.

8 Tôi đã trả lời: Lạy Chúa! Ngài là ai? Thì Ngài đã phán với tôi: Ta là Jesus người Na-xa-rét mà ngươi bách hại.

Sự kiện Phao-lô gặp Đức Chúa Jesus trên đường đến Đa-mách được ghi lại ba chỗ trong Công Vụ Các Sứ Đồ. Trong Công Vụ Các Sứ Đồ 9:5 và trong Công Vụ Các Sứ Đồ 26:15 chỉ nói đến danh Jesus. Nhưng tại đây, Công Vụ Các Sứ Đồ 22:8, qua lời tường thuật trực tiếp của Phao-lô với đám dân đông thì Phao-lô nói rõ, Đấng đã phán với ông tự xưng là: Jesus người Na-xa-rét. Danh xưng “người Na-xa-rét” theo Ma-thi-ơ 2:23 là để ứng nghiệm lời các tiên tri nói về Đức Chúa Jesus: “Ngài sẽ được gọi là người Na-xa-rét”. Nhưng trong Cựu Ước không có chỗ nào đề cập đến địa danh Na-xa-rét. Vì thế, dựa vào lời của Na-tha-na-ên trong Giăng 1:46 “Có thể nào có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao”, chúng ta có thể hiểu rằng, danh xưng “người Na-xa-rét” hàm ý, người thấp hèn, không có gì đáng chú ý, bị chê bai, khước từ… ứng nghiệm với các lời tiên tri về Đức Chúa Jesus, như trong Thi Thiên 22 và Ê-sai đoạn 53. Ngoài ra, danh xưng “Jesus người Na-xa-rét” cũng chỉ định rõ, đó chính là Đức Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Khi Phao-lô lập lại lời tự xưng của Chúa: “Ta là Jesus người Na-xa-rét…” thì những người nghe ông biết ngay, ông đang nói đến ai.

9 Thực tế, những kẻ ở với tôi đã thấy ánh sáng và trở nên sợ hãi, nhưng họ đã chẳng nghe hiểu tiếng của Đấng đã phán với tôi.

Những người cùng đi với Phao-lô cũng thấy ánh sáng chiếu chung quanh ông, cũng bị ngã xuống đất, cũng nghe tiếng phán nhưng không hiểu. Có lẽ là vì Chúa phán bằng tiếng Hê-bơ-rơ cổ, là tiếng dùng chép Thánh Kinh Cựu Ước, nên họ không hiểu (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:14). Phao-lô là người từ nhỏ đã được học Thánh Kinh Cựu Ước trong tiếng Hê-bơ-rơ cổ nên ông nghe hiểu.

10 Tôi đã thưa: Lạy Chúa! Tôi phải làm gì? Chúa đã phán với tôi: Hãy trỗi dậy! Đi vào trong thành Đa-mách. Tại đó, ngươi sẽ được bảo về mọi điều là những điều đã định cho ngươi làm.

Chúng ta thấy, Phao-lô đã bỏ qua một số chi tiết mà ông sẽ thuật lại cho Vua Ạc-ríp-ba sau này, như đã chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 26:14-18. Chúng ta có thể hiểu rằng, Đức Thánh Linh không muốn ông thuật ra các chi tiết ấy để tránh sự nổi giận sớm của đám dân đông. Ngài muốn họ nghe tiếp phần còn lại lời chứng của Phao-lô.

11 Khi tôi không thể nhìn thấy vì sự chói sáng của ánh sáng ấy, thì đã được nắm tay dắt bởi những kẻ đã ở với tôi. Tôi đã đến trong thành Đa-mách.

Những người cùng đi với Phao-lô đều nhìn thấy ánh sáng nhưng họ không bị mất thị giác, có lẽ là vì họ đã không trực tiếp nhìn vào nguồn của ánh sáng như Phao-lô. Họ chỉ nhìn thấy ánh sáng chiếu chung quanh Phao-lô và nghe tiếng phán mà họ không hiểu ý nghĩa của tiếng phán. Trong khi đó, có lẽ Phao-lô đã ngước nhìn lên trời, nhìn vào nguồn của ánh sáng đang chiếu xuống, và nghe rõ tiếng Đức Chúa Jesus phán với ông trong tiếng Hê-bơ-rơ. Sau đó thì Phao-lô đã không còn có thể nhìn thấy như bình thường, vì sự chói sáng của ánh sáng đã làm cho ông tạm thời bị mù. Những người cùng đi với ông đã phải nắm tay ông, dắt ông vào thành Đa-mách.

12 Có A-na-nia kia là một người tin kính theo luật pháp, được lời chứng tốt của hết thảy những người Do-thái cư trú tại đó,

13 đã đến với tôi, đứng và nói với tôi: Hỡi Sau-lơ, người anh em cùng Cha! Hãy sáng mắt lại! Chính giờ đó, tôi đã nhìn thấy người.

Thực tế, Phao-lô đã bị mù suốt ba ngày, ba đêm, trước khi A-na-nia vâng theo lời phán của Chúa, đến gặp ông. Ngay sau lời truyền của A-na-nia, Phao-lô đã được sáng mắt lại, nhìn thấy A-na-nia chính là người trong khi cầu nguyện, ông đã nhìn thấy trong khải tượng.

14 Rồi, người đã nói: Đức Chúa Trời của các tổ phụ chúng ta đã định cho anh biết ý muốn của Ngài, thấy Đấng Công Chính và nghe tiếng từ miệng của Ngài.

15 Vì anh sẽ là chứng nhân của Ngài cho mọi người, về những việc anh đã thấy và nghe.

Qua A-na-nia, Phao-lô được xác chứng về sự ông sẽ là chứng nhân của Chúa cho mọi người. Ông sẽ làm chứng cho Chúa về ý muốn của Ngài, được chính Ngài phán với ông. Ông được nhìn thấy Chúa trong thân thể phục sinh vinh quang của Ngài. Thực tế, cho tới ngày nay, Phao-lô vẫn là chứng nhân của Chúa cho tất cả mọi người trong thế gian, qua các lá thư của ông trong Tân Ước. Những việc Phao-lô đã thấy và đã nghe là đến từ chính Đấng Christ, trong các lần Chúa ban khải tượng cho ông.

16 Bây giờ, anh còn trễ nải làm gì? Hãy trỗi dậy, chịu báp-tem và hãy rửa sạch những tội lỗi của anh, kêu cầu danh Chúa!

Câu nói này của A-na-nia đã không được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 9 và đoạn 26. Qua câu nói này, chúng ta thấy, điều cần thiết đối với người thật sự nhận biết mình là tội nhân, ăn năn, và tin nhận Đấng Christ là người ấy phải sốt sắng thể hiện sự ăn năn và đức tin của mình vào Đấng Christ, qua nghi thức chịu báp-tem; và bắt đầu sự thờ phượng Chúa, qua việc kêu cầu danh của Ngài.

Mệnh đề: “Hãy trỗi dậy, chịu báp-tem” có nghĩa là hãy lập tức tiến hành nghi thức chịu báp-tem để thể hiện lòng ăn năn tội và đức tin vào trong sự chết chuộc tội của Đấng Christ.

Mệnh đề: “hãy rửa sạch những tội lỗi” có nghĩa là hãy để cho ân điển của Đấng Christ xóa đi mọi sự vi phạm và đem khuynh hướng thích phạm tội ra khỏi bản ngã.

Đấng ấy là sự chói sáng của sự vinh quang và hình thể của bản thể Ngài, và nâng đỡ muôn vật bởi tiếng phán năng lực của Ngài. Chính Ngài làm xong sự rửa sạch những tội lỗi của chúng ta; ngự bên phải của Đấng Tôn Nghiêm trên cao…” (Hê-bơ-rơ 1:3).

Thánh Kinh luôn nhấn mạnh đến sự người thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ thì phải nhanh chóng chịu báp-tem.

17 Đã xảy ra, tôi đã trở về tới Giê-ru-sa-lem. Tôi đang cầu nguyện trong Đền Thờ. Tôi đã ở trong sự ngất trí.

18 Tôi đã thấy Ngài phán với tôi: Hãy vội vàng! Hãy ra khỏi Giê-ru-sa-lem cách nhanh chóng; vì chúng sẽ chẳng nhận lời chứng của ngươi về Ta.

Giữa câu 16 và câu 17 có một khoảng thời gian. Theo Ga-la-ti 1:18 thì khoảng thời gian ấy là ba năm.

Qua lời tường thuật trên đây của Phao-lô, chúng ta biết rằng, Đấng Christ đã hiện ra trong khải tượng và phán với Phao-lô trong Đền Thờ, khi ông đang cầu nguyện tại đó. Chúa phán bảo rằng, Phao-lô cần phải nhanh chóng ra khỏi Giê-ru-sa-lem, vì dân thành Giê-ru-sa-lem sẽ chẳng tin nhận sự rao giảng của ông. Thực tế, họ đã tìm cách giết Phao-lô và ông đã được các anh chị em cùng Cha đưa ông trốn khỏi thành Giê-ru-sa-lem, về lại Tạt-sơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:30). Cũng theo Ga-la-ti 1:18 thì khi ấy, Phao-lô chỉ lưu lại Giê-ru-sa-lem được 15 ngày, ở chung nhà với Phi-e-rơ.

19 Tôi đã thưa: Lạy Chúa! Họ biết rằng, tôi thật đã bỏ tù và đánh đập trong các nhà hội những người đã tin nơi Ngài.

20 Và khi máu của Ê-tiên, chứng nhân của Ngài, đã bị đổ ra, tôi cũng đã ở đó, đồng ý về cái chết của người, và giữ áo xống của những kẻ giết người.

Lời Phao-lô thưa với Chúa hàm ý, ông biết rõ lý do vì sao dân I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo tại thành Giê-ru-sa-lem sẽ chẳng nghe lời rao giảng của ông. Vì họ xem ông là người phản bội Do-thái Giáo và thù ghét ông.

21 Ngài đã phán với tôi: Hãy đi! Vì Ta sẽ sai ngươi từ nơi đây đến với các dân ngoại.

Phao-lô khẳng định, chính Chúa đã truyền lệnh cho ông rời khỏi Giê-ru-sa-lem, đi đến các dân ngoại.

22 Chúng nghe người đến câu ấy thì đã cất tiếng của chúng, kêu lên: Hãy cất kẻ như vậy khỏi đất! Vì nó chẳng đáng sống!

23 Chúng đã kêu la, cởi áo, hất bụi đất vào khoảng không.

Khi đám đông dân chúng nghe Phao-lô nói đến sự Chúa sai ông rời khỏi thành Giê-ru-sa-lem để đi đến các dân ngoại thì họ đã nổi giận. Họ đã kêu gào, đòi cất đi mạng sống của Phao-lô. Vì họ hiểu rằng, Phao-lô có ý nói dân I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem cứng lòng hơn các dân ngoại. Họ cho rằng, Phao-lô có ý nói dân I-sơ-ra-ên tại Giê-ru-sa-lem không đáng nghe Phao-lô giảng như các dân ngoại.

Đám dân đông vừa kêu la, vừa cởi áo có lẽ để chuẩn bị ném đá Phao-lô, vừa hất bụi vào khoảng không để thể hiện sự ghê tởm và giận dữ của họ đối với Phao-lô. Họ xem Phao-lô là kẻ phản bội Do-thái Giáo, đáng gớm ghét, và đáng giết chết. Sự vừa ném đá, vừa rủa sả, vừa hất bụi vào khoảng không là thói quen dân I-sơ-ra-ên làm cho kẻ bị họ khinh ghét. Đó chính là cách mà Si-mê-i đối xử với Đa-vít như đã ghi lại trong II Sa-mu-ên 16:13.

24 Viên chỉ huy đã ra lệnh cho người bị đem vào trong đồn, bảo người phải bị tra xét bằng sự đánh đòn, để bởi đó biết lý do chúng đã kêu la nghịch lại người như vậy.

Trước sự náo loạn của đám dân đông, viên chỉ huy đã ra lệnh cho quân lính đem Phao-lô vào trong đồn và đánh đòn ông, để tra xét xem, vì lý do gì mà đám dân đông kêu la, nghịch lại ông.

25 Trong lúc chúng đang trói, căng người ra, Phao-lô đã nói với viên đại đội trưởng đang đứng đó rằng: Ngươi được phép đánh đòn một người là công dân La-mã và chưa bị xử án sao?

26 Viên đại đội trưởng nghe vậy đã đi, thưa với viên chỉ huy rằng: Kìa, ông định làm gì? Vì người này là công dân La-mã.

Chúng ta cần nhớ rằng, vào lúc ấy, hai tay và hai chân của Phao-lô vẫn còn bị xiềng. Có lẽ viên đại đội trưởng đang ra lệnh cho quân lính trói căng hai tay của Phao-lô vào hai trụ gỗ để chuẩn bị đánh đòn trên lưng của ông. Phao-lô đã lên tiếng hỏi viên đại đội trưởng rằng, ông ta được phép đánh đòn một công dân La-mã chưa bị xử án hay sao. Động từ “được phép” (G1832) có nghĩa đen là làm điều gì đó đúng theo luật pháp.

Khi viên đại đội trưởng nghe nói như vậy thì đã đi báo cho viên chỉ huy biết, Phao-lô là công dân La-mã. Theo luật của La-mã, công dân La-mã không thể bị trói và bị đánh đập khi chưa bị xét xử và kết án.

27 Viên chỉ huy đã đến, nói với người: Hãy nói cho ta biết, nếu ngươi là công dân La-mã. Người đã trả lời: Phải.

28 Viên chỉ huy đã đáp lời: Ta đã mua quyền công dân này với một số tiền lớn. Phao-lô đã nói: Còn tôi đã được sinh ra với nó.

Viên chỉ huy đã đến gặp Phao-lô và yêu cầu ông xác nhận, nếu ông thật là công dân La-mã. Phao-lô đã xác nhận.

Viên chỉ huy cũng thú thật với Phao-lô là ông ta đã tốn nhiều tiền để mua quyền công dân La-mã. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu rằng, viên chỉ huy không phải là người La-mã cũng không là công dân của các thành phố được ban cho quyền công dân La-mã. Trong khi đó, Phao-lô đã có quyền công dân La-mã từ khi được sinh ra.

29 Tức thì, các kẻ đã định tra khảo người tránh xa khỏi người. Viên chỉ huy cũng sợ hãi, khi biết đó là một công dân La-mã, và vì ông đã trói người.

Sau khi nghe Phao-lô xác nhận quyền công dân La-mã của ông thì các người lính sắp đánh đòn ông đã tránh xa khỏi ông. Họ không muốn bị dính vào một việc làm phạm pháp, chắc chắn sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo luật của đế quốc La-mã. Ngay cả viên chỉ huy cũng sợ hãi, vì chính ông đã ra lệnh cho xiềng Phao-lô. Dù vậy, Phao-lô vẫn bị xiềng và bị tạm giam để chờ được xét xử.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/06/2022

Ghi Chú

[1] Xin tra xem “Bản Dịch 70” tại đây: https://thewordtoyou.net/dictionary/

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Karaoke Thánh Ca: “Trên Linh Trình”
https://karaokethanhca.net/tren-linh-trinh/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.