Chú Giải II Cô-rinh-tô 03:01-18 Những Người Phục Vụ Giao Ước Mới

3,584 views

YouTube: https://youtu.be/mZ2nZclaxYA

Chú Giải II Cô-rinh-tô 3:1-18
Những Người Phục Vụ Giao Ước Mới

 

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 3:1-18

1 Chúng tôi lại bắt đầu tự phô trương sao? Hay chẳng lẽ chúng tôi như những người khác, cần có thư giới thiệu đến các anh chị em hoặc thư giới thiệu từ các anh chị em sao?

2 Các anh chị em là lá thư giới thiệu của chúng tôi, đã được viết trong các tấm lòng của chúng tôi; được biết và được đọc bởi mọi người.

3 Các anh chị em được thể hiện rằng, các anh chị em là thư của Đấng Christ, được phục vụ bởi chúng tôi, đã được viết ra chẳng phải bằng mực nhưng bằng linh của Thiên Chúa Hằng Sống, chẳng phải trên các bảng làm bằng đá nhưng trên những bảng lòng làm bằng thịt.

4 Và chúng tôi có sự tin cậy như vậy, qua Đấng Christ, hướng về Đức Chúa Trời.

5 Dù vậy, chẳng phải tự mình chúng tôi là xứng đáng mà nghĩ việc gì như bởi chúng tôi. Nhưng sự xứng đáng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời;

6 Đấng cũng làm cho chúng tôi xứng đáng là những người giúp việc của Giao Ước Mới, không bởi chữ nhưng bởi linh. Vì chữ thì giết; nhưng Đấng Thần Linh thì ban sự sống!

7 Nhưng nếu chức vụ của sự chết, trong những chữ viết đã được khắc trên các bảng đá, đã được ở trong vinh quang, đến nỗi con cái I-sơ-ra-ên không thể nhìn vào mặt của Môi-se, bởi sự vinh quang của mặt người, dù ấy là sự bị qua đi;

8 thì làm sao chức vụ của Đấng Thần Linh chẳng ở trong vinh quang hơn?

9 Vậy, nếu chức vụ của sự định tội được vinh quang thì chức vụ của sự công bình vượt trội hơn nhiều trong vinh quang.

10 Vì sự đã được làm cho vinh hiển đã chẳng được làm cho vinh hiển trong điều này, là phần thuộc về sự vinh quang vượt trội.

11 Vì nếu sự bị qua đi được vinh quang thì sự còn lại sẽ ở trong vinh quang nhiều hơn.

12 Vậy, chúng tôi có sự mong chờ như vậy nên chúng tôi dùng sự nói dạn dĩ.

13 Và chẳng như Môi-se, che màn trên khuôn mặt của mình, để cho con cái I-sơ-ra-ên chẳng nhìn vào sự kết thúc của sự bị qua đi.

14 Nhưng lý trí của họ đã bị chai cứng. Vì cho tới ngày nay, chính cái màn ấy vẫn còn ở trên sự đọc Cựu Ước, chẳng cất khỏi, mặc dù ấy là điều bị qua đi trong Đấng Christ.

15 Vậy nên, mãi tới nay, khi các sách của Môi-se được đọc, cái màn ấy vẫn còn nằm ở trên tấm lòng của họ.

16 Nhưng khi ai trở lại cùng Chúa, thì cái màn ấy bị cất khỏi.

17 Chúa là Đấng Thần Linh. Đấng Thần Linh của Chúa ở đâu thì sự tự do cũng ở đó.

18 Chúng ta ai nấy mặt không bị che, nhìn xem sự phản chiếu sự vinh quang của Chúa. Chúng ta được biến hóa theo như hình ảnh ấy, từ vinh quang đến vinh quang bởi linh của Chúa.

Trong bài trước, chúng ta đã học biết rằng, Giao Ước Mới thay thế Giao Ước Cũ nhưng Giao Ước Mới bao gồm Giao Ước Cũ và thêm vào các điều khoản giúp cho Giao Ước Cũ được thực hiện cách trọn vẹn. Giao Ước Mới ban cho loài người sự cứu rỗi ra khỏi hình phạt của sự vi phạm Giao Ước Cũ, trong khi sự vi phạm vẫn bị hình phạt trên thân thể của Đức Chúa Jesus Christ. Giao Ước Mới ban cho loài người thánh linh, tức năng lực từ Thiên Chúa, để loài người có thể vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, là nền tảng của giao ước. Giao Ước Mới kết hiệp những người tin nhận Giao Ước Mới trong khoảng thời gian chừng 2.000 năm thành một thực thể đặc biệt, gọi là Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về những người phục vụ Giao Ước Mới. Có những người được Đức Chúa Trời biệt riêng để phục vụ Giao Ước Mới, qua các chức vụ trong Hội Thánh, như: sứ đồ, tiên tri, người giảng Tin Lành, người chăn và dạy con dân Chúa (Ê-phê-sô 4:11). Nhưng những người không có chức vụ trong Hội Thánh cũng là những người phục vụ Giao Ước Mới, vì họ sống trong Giao Ước Mới, công bố Giao Ước Mới, và thờ phượng Thiên Chúa theo Giao Ước Mới trong tư cách là những thầy tế lễ của Đức Chúa Trời.

1 Chúng tôi lại bắt đầu tự phô trương sao? Hay chẳng lẽ chúng tôi như những người khác, cần có thư giới thiệu đến các anh chị em hoặc thư giới thiệu từ các anh chị em sao?

Đại danh từ “chúng tôi” chỉ về Phao-lô và các bạn của ông, những người đồng hành với ông trong mục vụ rao giảng Tin Lành. Họ là những người phục vụ Giao Ước Mới qua các chức vụ trong Hội Thánh.

Động từ “phô trương” (G4921) có nghĩa là giới thiệu tốt, nhất là khi so sánh với người khác.

Những người khác” là những giáo sư giả và tiên tri giả đi từ nơi này qua nơi khác, rao giảng tà giáo.

Một số dữ kiện được Phao-lô trình bày trong thư I Cô-rinh-tô (I Cô-rinh-tô 2:16; 3:10; 4:11-14; 9:20-27; 14:18) đã bị những kẻ chống đối ông đem ra kết tội ông, cho rằng, ông đã tự khen mình. Tuy nhiên, Phao-lô không hề có ý tự khen mình. Ông chỉ nêu lên những dữ kiện, tức là những điều đã thực sự xảy ra, để con dân Chúa suy xét. Ngoài ra, cho dù Phao-lô có khoe khoang thì cũng là sự khoe khoang trong Chúa, nhằm tôn vinh danh Chúa và giúp cho con dân Chúa nhận thức việc làm của Chúa, qua Phao-lô và các bạn của ông; chứ không phải để tôn vinh Phao-lô và các bạn của ông. Phao-lô có hai lần khuyên con dân Chúa hãy khoe mình trong Chúa (I Cô-rinh-tô 1:31; II Cô-rinh-tô 10:17). Vì thế, trước khi nói về thiên chức phục vụ Giao Ước Mới của Phao-lô và các bạn của ông, Phao-lô đã mở đầu II Cô-rinh-tô đoạn 3 bằng câu hỏi hàm ý: Chẳng lẽ chúng tôi lại bắt đầu kể ra những gì Đức Chúa Trời đã làm qua chúng tôi, là những điều mà các anh chị em đã biết rất rõ, hay sao? Rồi, Phao-lô tiếp tục hỏi câu thứ nhì: Hay là chúng tôi, những người đã được Chúa ấn chứng cho chức vụ của chúng tôi, điển hình là sự thành lập và gây dựng Hội Thánh của Chúa tại Cô-rinh-tô, lại cần phải có thư giới thiệu từ các Hội Thánh khác đến các anh chị em và cần thư giới thiệu từ các anh chị em đến các Hội Thánh khác, như những giáo sư giả và tiên tri giả sao?

Thời xưa cũng như thời nay, thư giới thiệu là điều cần thiết để giới thiệu hai bên chưa biết nhau. Những giáo sư giả và tiên tri giả thường lợi dụng những thư giới thiệu thật cũng như giả để lấy lòng tin của các Hội Thánh địa phương, khi họ mới đến lần đầu. Thư giới thiệu giả do họ tự tạo ra, còn thư giới thiệu thật thì do họ yêu cầu các Hội Thánh địa phương mà họ đã ghé qua, viết cho họ. Danh từ giáo sư giả và tiên tri giả trong Thánh Kinh được dùng để chỉ những người mạo nhận là tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, để rao giảng những điều không đúng Thánh Kinh và nói tiên tri những điều không ứng nghiệm. Ngày nay, số giáo sư giả và tiên tri giả trong thế gian nhiều đến hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Họ có mặt trong khắp các giáo hội mang danh Chúa.

Chúng ta cũng cần biết thêm điều này. Vào thời của Phao-lô, nền văn hóa Hy-lạp ưa chuộng triết học và đã sinh ra nhiều triết gia danh tiếng. Thời đó, những triết gia, thật và giả, đi từ nơi này qua nơi khác để rao giảng cho công chúng là chuyện bình thường. Công Vụ Các Sứ Đồ 17:18-21 ghi lại sự kiện người A-thên và khách kiều ngụ tại đó ưa thích nghe những chuyện mới lạ; và tại A-thên có mấy triết gia biện luận với Phao-lô. Những nhà du thuyết được dân chúng hâm mộ và chu cấp cho các nhu cầu vật chất. Những người giảng hay có nhiều người theo làm học trò. Cũng vào thời đó, có nhiều người xem Tin Lành như là một tôn giáo mới hay một triết lý mới và mạo danh là sứ đồ của Chúa, đi đó đây rao giảng theo ý riêng để trục lợi. Thánh Kinh có ghi lại một trường hợp cụ thể trong Công Vụ Các Sứ Đồ 19:13-16. Ngoài ra, cũng có một số người I-sơ-ra-ên tin nhận Tin Lành nhưng vẫn còn vâng giữ các luật lệ về nghi thức thờ phượng thời Cựu Ước. Vì thế, khi họ rao giảng Tin Lành cho những dân không phải là I-sơ-ra-ên thì họ dạy cho người tin nhận Tin Lành phải chịu cắt bì, kiêng các thức ăn không tinh sạch, và giữ các ngày lễ hội trong Cựu Ước. Những người như vậy cũng bị gọi là những giáo sư giả, vì đã không giảng đúng lẽ thật của Lời Chúa.

Trong trường hợp của Phao-lô và các bạn của ông đối với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thì thư giới thiệu không cần thiết. Vì Phao-lô và các bạn của ông đã được Chúa dùng để xây dựng và gây dựng Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Chính Đức Thánh Linh thần cảm cho những người chịu lắng nghe sứ điệp của họ biết rằng, họ là những tôi tớ chân thật của Đấng Christ. Còn sự giới thiệu nào hơn là sự giới thiệu của Đức Thánh Linh? Một số khá đông dân chúng tại Cô-rinh-tô đã tin nhận Tin Lành do Phao-lô và các bạn của ông rao giảng, hình thành Hội Thánh của Chúa tại Cô-rinh-tô. Để rồi chính Hội Thánh tại Cô-rinh-tô trở thành lá thư giới thiệu Phao-lô và các bạn của ông cho mọi người.

2 Các anh chị em là lá thư giới thiệu của chúng tôi, đã được viết trong các tấm lòng của chúng tôi; được biết và được đọc bởi mọi người.

3 Các anh chị em được thể hiện rằng, các anh chị em là thư của Đấng Christ, được phục vụ bởi chúng tôi, đã được viết ra chẳng phải bằng mực nhưng bằng linh của Thiên Chúa Hằng Sống, chẳng phải trên các bảng làm bằng đá nhưng trên những bảng lòng làm bằng thịt.

Từ ngữ “mọi người” được dùng trong câu 2 để chỉ bất cứ ai, từ người tin Chúa đến người không tin Chúa.

Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là lá thư giới thiệu của Phao-lô và các bạn của ông, vì khi nhìn thấy và nghe biết về Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thì mọi người hiểu rằng, đó là kết quả sự rao giảng Tin Lành của Phao-lô và các bạn của ông. Sự thực hữu của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô chứng minh rằng, Phao-lô và các bạn của ông là những tôi tớ chân thật của Đấng Christ, và họ rao giảng một Tin Lành chân chính.

Chính Đức Chúa Jesus Christ đã dùng thánh linh để viết trong lòng của Phao-lô và các bạn của ông rằng, Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là lời giới thiệu long trọng với mọi người về chức vụ và mục vụ của họ. Đấng Christ dùng thánh linh để viết trong lòng của Phao-lô và các bạn của ông có nghĩa là Ngài dùng năng lực của Thiên Chúa, để tỏ ra trong thần trí của họ sự mà họ cần biết.

Nói cách khác, bởi thánh linh của Thiên Chúa tác động trong thần trí mà Phao-lô và các bạn của ông nhận biết rằng, sự thực hữu của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là bằng chứng về thẩm quyền sứ đồ của họ, là kết quả sự rao giảng Tin Lành của họ, và họ là những người phục vụ Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, để sứ điệp và sự vinh quang của Đấng Christ được thể hiện qua Hội Thánh.

Mệnh đề “chẳng phải trên các bảng làm bằng đá nhưng trên những bảng lòng làm bằng thịt” hàm ý, đó là một sự so sánh về Mười Điều Răn của Giao Ước Cũ được chính Đức Chúa Trời viết trên hai bảng đá, còn Giao Ước Mới thì được viết trên những tấm lòng. Chính vì Giao Ước Mới được viết trên những tấm lòng nên kết quả của Giao Ước Mới cũng được viết trên những tấm lòng, trong những thân thể xác thịt. Chữ “lòng” trong câu 3, trong nguyên ngữ là danh từ chỉ về trái tim.

Mỗi con dân Chúa trong thời Tân Ước và mỗi Hội Thánh địa phương đều thể hiện mình là lá thư của Đấng Christ. Điều đó có nghĩa là qua nếp sống của mỗi con dân Chúa, qua sinh hoạt của mỗi Hội Thánh địa phương, mọi người nhìn biết Đấng Christ và những sự dạy dỗ của Ngài, được chiêm ngưỡng sự vinh quang của Ngài.

4 Và chúng tôi có sự tin cậy như vậy, qua Đấng Christ, hướng về Đức Chúa Trời.

Sự tin cậy như vậy” là sự Phao-lô và các bạn của ông tin những gì đã được viết trong câu 2 và câu 3.

Qua Đấng Christ” là bởi ân điển của Đấng Christ và trong danh của Đấng Christ mà Phao-lô và các bạn của ông có sự nhận thức và lòng tin cậy.

Hướng về Đức Chúa Trời” là mục đích mọi việc làm của Phao-lô và các bạn của ông, tức đời sống của họ, đều nhằm tôn vinh Đức Chúa Trời.

5 Dù vậy, chẳng phải tự mình chúng tôi là xứng đáng mà nghĩ việc gì như bởi chúng tôi. Nhưng sự xứng đáng của chúng tôi đến từ Đức Chúa Trời;

6 Đấng cũng làm cho chúng tôi xứng đáng là những người giúp việc của Giao Ước Mới, không bởi chữ nhưng bởi linh. Vì chữ thì giết; nhưng Đấng Thần Linh thì ban sự sống!

Một lần nữa, Phao-lô lập lại ý tưởng đã được nêu ra trong II Cô-rinh-tô 2:16 “Ai xứng đáng cho những sự này?” Phao-lô luôn ý thức rằng, không ai xứng đáng với bất cứ sự ban cho nào của Đức Chúa Trời, vì mọi người đều đã phạm tội, khi vi phạm các điều răn của Ngài. Chẳng qua, bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời mà loài người mới được cứu và được Ngài sai dùng. Bất cứ điều gì Phao-lô và các bạn của ông có được, làm được, suy nghĩ được, hiểu được cũng đều là bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Chính nhờ sự thương xót và những sự ban cho của Đức Chúa Trời, mà một người trở nên xứng đáng, để thờ phượng Ngài và làm việc cho Ngài.

Đức Chúa Trời đã khiến cho Phao-lô và các bạn của ông trở nên xứng đáng trong chức vụ phục vụ cho Giao Ước Mới. Người phục vụ Giao Ước Mới là người sống trong Giao Ước Mới và rao truyền Giao Ước Mới cho nhiều người để họ được biết, tin nhận, và cũng được sống trong Giao Ước Mới. Vì Giao Ước Mới được viết bằng thánh linh trong lòng người nên người phục vụ Giao Ước Mới nhận lãnh chức vụ cũng bằng sự thần cảm của Đức Thánh Linh, bằng sự được Đức Thánh Linh đổ đầy thánh linh trong người ấy, chứ không theo chữ viết trong Sách Luật Pháp.

Vì chữ thì giết; nhưng Đấng Thần Linh thì ban sự sống”: “Chữ” được nói đến ở đây là chữ trong luật pháp của Đức Chúa Trời đã được Môi-se ghi chép trong Sách Luật Pháp. Vì luật pháp lên án và hình phạt những ai vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, nên chữ thì giết. Trong khi đó, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh cáo trách những người có tội, ban cho họ sự hiểu biết Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời, tái sinh họ và thánh hóa họ, ban cho họ năng lực để họ vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, nên Đấng Thần Linh thì ban sự sống.

7 Nhưng nếu chức vụ của sự chết, trong những chữ viết đã được khắc trên các bảng đá, đã được ở trong vinh quang, đến nỗi con cái I-sơ-ra-ên không thể nhìn vào mặt của Môi-se, bởi sự vinh quang của mặt người, dù ấy là sự bị qua đi;

8 thì làm sao chức vụ của Đấng Thần Linh chẳng ở trong vinh quang hơn?

Chức vụ của sự chết” là chức vụ phục vụ Giao Ước Cũ. Môi-se là người công bố Giao Ước Cũ và thi hành luật pháp của Giao Ước Cũ. Mà luật pháp của Giao Ước Cũ luôn lên án và hình phạt người vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, là Mười Lời của Giao Ước, được chính Đức Chúa Trời khắc trên hai bảng đá, nên chức vụ của Môi-se là chức vụ của sự chết.

Dù chỉ là người mang chức vụ của sự chết nhưng Môi-se đã được ở trong sự vinh quang rực rỡ (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:29-35). Nhưng sự vinh quang đó chỉ là tạm thời, chóng qua, không như sự vinh quang của người mang chức vụ của sự sống, là sự vinh quang còn lại và rực rỡ hơn rất nhiều. Chức vụ của sự sống là chức vụ phục vụ Giao Ước Mới bằng năng lực của Đấng Thần Linh. Sự vinh quang của những người phục vụ Giao Ước Mới không thể hiện trên khuôn mặt của họ trong đời này, nhưng trong đời sau sẽ thể hiện trên thân thể xác thịt được tái sinh của họ và còn lại cho đến đời đời. Thánh Kinh gọi đó là trang phục mịn, sạch, và trắng của các thánh đồ (Khải Huyền 19:8).

9 Vậy, nếu chức vụ của sự định tội được vinh quang thì chức vụ của sự công bình vượt trội hơn nhiều trong vinh quang.

Chức vụ phục vụ Giao Ước Cũ được gọi là chức vụ của sự chết và chức vụ của sự định tội, vì đó là chức vụ thi hành luật pháp, công bố sự phạm tội và án phạt trên bất cứ ai vi phạm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Chức vụ phục vụ Giao Ước Mới được gọi là chức vụ của sự công bình, vì đó là chức vụ rao ra sự công bình của Đức Chúa Trời trong việc hình phạt tội lỗi và tha thứ những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Nếu chức vụ trước đã được vinh quang thì chức vụ sau càng được vinh quang hơn, vì là chức vụ quan trọng hơn.

10 Vì sự đã được làm cho vinh hiển đã chẳng được làm cho vinh hiển trong điều này, là phần thuộc về sự vinh quang vượt trội.

Sự đã được làm cho vinh hiển” có nghĩa là sự chiếu ra vinh quang của chức vụ phục vụ Giao Ước Cũ. Sự vinh quang (G1391) là sự chói sáng. Sự vinh hiển (G3588 G1392) là sự chiếu ra sự chói sáng. Sự vinh quang của chức vụ phục vụ Giao Ước Cũ đã không thể chiếu ra trong sự vinh quang của chức vụ phục vụ Giao Ước Mới. Vì sự vinh quang của chức vụ phục vụ Giao Ước Cũ đã qua đi và sự vinh quang của chức vụ phục vụ Giao Ước Mới vượt trội sự vinh quang của chức vụ phục vụ Giao Ước Cũ.

11 Vì nếu sự bị qua đi được vinh quang thì sự còn lại sẽ ở trong vinh quang nhiều hơn.

Sự bị qua đi” là chức vụ phục vụ Giao Ước Cũ.

Sự còn lại” là chức vụ phục vụ Giao Ước Mới. Phân động từ “còn lại” được dùng trong thời hiện tại, đi chung với mạo từ xác định, tạo thành danh từ, giúp cho chúng ta hiểu rằng, chức vụ phục vụ Giao Ước Mới sẽ còn lại mãi mãi. Có nghĩa là trong cõi đời đời, những người phục vụ Giao Ước Mới vẫn tiếp tục công bố và giảng dạy về Giao Ước Mới. Chính vì thế mà vinh quang của chức vụ phục vụ Giao Ước Mới là nhiều hơn so với vinh quang của chức vụ phục vụ Giao Ước Cũ.

12 Vậy, chúng tôi có sự mong chờ như vậy nên chúng tôi dùng sự nói dạn dĩ.

Sự mong chờ như vậy” là sự mong chờ vào sự vinh quang lớn và còn lại của chức vụ phục vụ Giao Ước Mới mà người phục vụ Giao Ước Mới sẽ nhận được.

Dùng sự nói dạn dĩ” là dùng cách nói thẳng thắn, rõ ràng, đầy đủ, đúng với sự thật, trong khi công bố Giao Ước Mới, tức là trong khi rao giảng Tin Lành.

13 Và chẳng như Môi-se, che màn trên khuôn mặt của mình, để cho con cái I-sơ-ra-ên chẳng nhìn vào sự kết thúc của sự bị qua đi.

Ngày xưa, người phục vụ Giao Ước Cũ là Môi-se đã che đậy sự vinh quang trên khuôn mặt của ông để tránh cho dân I-sơ-ra-ên không nhìn thấy sự vinh quang ấy (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:35). Nói cách khác, Môi-se đã dùng một tấm màn để ngăn cách dân I-sơ-ra-ên với sự vinh quang tạm của chức vụ phục vụ Giao Ước Cũ. Lý do thứ nhất là vì sự chói sáng trên khuôn mặt của Môi-se khiến cho chói mắt dân I-sơ-ra-ên, khi họ nhìn vào mặt ông, như được nói đến trong câu 7. Lý do thứ nhì là Môi-se không muốn cho dân I-sơ-ra-ên nhìn thấy sự phai tàn của sự vinh quang ấy, như được nói đến trong câu này. Lý do thứ ba được trình bày trong ba câu kế tiếp. Đó là tấm màn che mặt của Môi-se còn tiêu biểu cho sự thiếu hiểu biết của dân I-sơ-ra-ên về Giao Ước Cũ.

14 Nhưng lý trí của họ đã bị chai cứng. Vì cho tới ngày nay, chính cái màn ấy vẫn còn ở trên sự đọc Cựu Ước, chẳng cất khỏi, mặc dù ấy là điều bị qua đi trong Đấng Christ.

15 Vậy nên, mãi tới nay, khi các sách của Môi-se được đọc, cái màn ấy vẫn còn nằm ở trên tấm lòng của họ.

Cho tới ngày nay” và “mãi tới nay” chỉ khoảng thời gian từ khi Giao Ước Cũ được ban hành cho tới khi Phao-lô đang viết thư II Cô-rinh-tô. Tuy nhiên, hai mệnh đề chỉ thời gian này cũng có thể áp dụng cho dân I-sơ-ra-ên trong thời đại của chúng ta. Thật vậy, cho tới ngày nay hay mãi đến nay, sự thiếu hiểu biết về Giao Ước Cũ vẫn còn trong tâm trí của dân I-sơ-ra-ên, khi họ đọc hay nghe đọc các sách của Môi-se.

Các sách của Môi-se” bao gồm năm sách đầu tiên của Thánh Kinh Cựu Ước.

Phao-lô nêu lên sự kiện lý trí của dân I-sơ-ra-ên đã bị chai cứng, khiến họ không nhìn thấy được sự vinh quang của Giao Ước Cũ, không hiểu biết ý nghĩa và mục đích của Giao Ước Cũ. Nhưng ông không nói ra nguyên nhân khiến cho lý trí của họ bị chai cứng. Chúng ta có thể hiểu rằng, khi một người không thật lòng tin kính Chúa, chỉ thích sống theo những sự ham muốn của xác thịt, thì người ấy không thể hiểu được Lời Chúa. Theo thời gian, người ấy ngày càng chai cứng trong sự nhận thức Thiên Chúa và Lời của Ngài.

Sự vinh quang của Giao Ước Cũ là sự sáng chói của tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời và luật pháp của Ngài. Ý nghĩa của Giao Ước Cũ là loài người phải tin kính Thiên Chúa và vâng phục thánh ý của Thiên Chúa để được ở trong địa vị là con dân của Thiên Chúa. Nếu không thì họ sẽ bị Đức Chúa Trời hình phạt vì không vâng phục Ngài. Mục đích của Giao Ước Cũ là chỉ ra sự yếu đuối của loài người và chuẩn bị tấm lòng của loài người cho sự cứu rỗi sẽ được thực hiện bởi Đức Chúa Jesus Christ.

Dân I-sơ-ra-ên có thói quen đọc Cựu Ước trong các nhà hội vào mỗi ngày Sa-bát nhưng họ không hiểu biết điều họ đọc. Vì tấm màn thuộc linh vẫn còn che trên họ, khiến cho tâm trí của họ không hiểu Lời Chúa. Mặc dù khi Đức Chúa Jesus Christ đến, rao giảng Tin Lành, thiết lập Giao Ước Mới, hoàn thành sự cứu rỗi, Ngài đã khiến cho tấm màn thuộc linh ấy bị cất đi. Lý do tấm màn ấy vẫn còn trên họ là vì họ đã không tiếp nhận sự giảng dạy của Đức Chúa Jesus Christ.

Có một điều lạ là không biết từ bao giờ, những người đàn ông I-sơ-ra-ên có thói tục đội khăn trùm đầu khi đọc Thánh Kinh và khi cầu nguyện. Có lẽ thói tục ấy xuất phát từ Do-thái Giáo trong khoảng thời gian Đức Chúa Trời im lặng đối với dân I-sơ-ra-ên, là khoảng thời gian chừng 400 năm giữa thời của Tiên Tri Ma-la-chi và thời của Tiên Tri Giăng Báp-tít. Sự những người đàn ông đội khăn trùm đầu trong khi đọc Thánh Kinh hoặc cầu nguyện là điều Thánh Kinh không hề dạy. Ngược lại, I Cô-rinh-tô 11:4 dạy rằng: “Đàn ông nào cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà có đầu bị trùm lại, thì làm nhục đầu mình.” Trong các giáo hội xưng nhận là Hội Thánh của Chúa cũng lưu truyền nhiều hình vẽ Đức Chúa Jesus Christ đọc Thánh Kinh trong nhà hội với khăn trùm đầu ở trên đầu. Họ đã làm nhục Đấng mà họ gọi là Chúa của họ.

16 Nhưng khi ai trở lại cùng Chúa, thì cái màn ấy bị cất khỏi.

Theo nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì câu này có thể hiểu theo hai cách, như sau:

  • Nhưng khi tấm lòng của dân I-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, thì cái màn ấy bị cất khỏi.

  • Nhưng khi bất cứ người nào trở lại cùng Chúa, thì cái màn ấy bị cất khỏi.

Danh từ “Chúa” trong câu này chỉ chung về Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng thay vì nói là trở lại cùng Thiên Chúa thì nói trở lại cùng Chúa để nhấn mạnh đến sự cai trị của Thiên Chúa trên đời sống của người tin Chúa. Trở lại cùng Chúa hàm ý trở lại với sự vâng phục Thiên Chúa và tôn Thiên Chúa làm chủ đời sống của mình, cầm quyền tuyệt đối trên mình.

Người trở lại cùng Chúa là người thật lòng ăn năn tội, tha thiết muốn sống một đời sống thánh khiết theo Lời Chúa, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Khi đó, tấm màn thuộc linh, vốn che khuất lý trí của người ấy, được Đức Thánh Linh cất đi; và Ngài ban sự thông sáng cho người ấy, để người ấy hiểu và yêu quý Lời Chúa, ngày càng tin kính Chúa càng hơn.

17 Chúa là Đấng Thần Linh. Đấng Thần Linh của Chúa ở đâu thì sự tự do cũng ở đó.

Chúa là Đấng Thần Linh” hàm ý, Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh.

Đấng Thần Linh của Chúa” hàm ý, Đấng Thần Linh là một trong ba thân vị của Thiên Chúa, dự phần trong sự cai trị đời sống của những ai quay lại cùng Thiên Chúa.

Đấng Thần Linh của Thiên Chúa ngự vào thân thể của người tin Chúa, khiến cho họ:

  • Được tự do khỏi sự chai lì của tâm trí để ngắm nhìn sự vinh quang của Giao Ước Cũ lẫn Giao Ước Mới. Nghĩa là hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Giao Ước Cũ lẫn Giao Ước Mới, và thông hiểu Lời Chúa cách sâu nhiệm ngày càng hơn.

  • Được tự do khỏi quyền lực của tội lỗi; được có đầy dẫy thánh linh, là năng lực của Thiên Chúa, để thắng mọi thử thách, mọi cám dỗ, và sống đúng theo thánh ý của Thiên Chúa.

  • Được tự do khỏi quyền lực của sự chết để sống lại và sống đời đời trong Vương Quốc Trời.

Ngày nay, có hàng tỷ người xưng nhận mình là người tin Chúa, nhưng họ vẫn là những nô lệ của tội lỗi và bị sự chết bắt phục, vì sự tin Chúa của họ chẳng khác nào sự tin Chúa của ma quỷ:

Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ.” (Gia-cơ 2:19).

Họ tin Chúa nhưng họ vẫn sống trong tội, nghĩa là họ không ăn năn từ bỏ sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Vì thế, họ vẫn ở dưới quyền lực của tội lỗi. Họ không thể không phạm tội, vì họ không có Đấng Thần Linh của Chúa ngự vào trong họ để giải phóng họ và ban cho họ thánh linh, tức năng lực của Thiên Chúa. Họ không hiểu gì về Giao Ước Cũ lẫn Giao Ước Mới. Họ không hiểu gì về Thánh Kinh. Thực tế, họ chỉ là những người có mặt trong một tổ chức tôn giáo không liên quan gì đến Hội Thánh thật của Thiên Chúa. Họ sẽ ở trong sự chết thứ nhì, là sự đời đời bị xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

18 Chúng ta ai nấy mặt không bị che, nhìn xem sự phản chiếu sự vinh quang của Chúa. Chúng ta được biến hóa theo như hình ảnh ấy, từ vinh quang đến vinh quang bởi linh của Chúa.

Đại danh từ “chúng ta” chỉ chung mọi con dân Chúa trong Hội Thánh.

Mặt không bị che” hàm ý, tâm trí không bị che bởi sự thiếu hiểu biết, được tự do tiếp xúc với sự tri thức về Thiên Chúa, Lời của Thiên Chúa, và việc làm của Thiên Chúa.

Danh từ “Chúa” trong câu này chỉ chung về Ba Ngôi Thiên Chúa đồng cai trị đời sống của con dân Chúa.

Nhìn xem sự phản chiếu sự vinh quang của Chúa” hàm ý, nhận thức được tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa thể hiện trong Giao Ước Cũ lẫn Giao Ước Mới, hiểu được mục đích và ý nghĩa của Giao Ước Cũ lẫn Giao Ước Mới. Qua đó, trong thần trí được chiêm ngưỡng sự vinh quang của Thiên Chúa.

Chúng ta được biến hóa theo như hình ảnh ấy” hàm ý, chúng ta được biến hóa một cách vinh quang giống như sự vinh quang của Thiên Chúa phản chiếu qua các giao ước của Ngài, khi chúng ta được tái sinh thành người mới:

Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn, mà chịu làm nên mới trong tâm thần về sự hiểu biết của mình, và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:22-24).

Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng đã trừ bỏ những sự đó: sự giận, sự thịnh nộ, sự độc ác, sự phạm thượng, sự tục tĩu ra từ miệng của các anh chị em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng mọi việc làm của nó, mà mặc lấy người mới, đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy!” (Cô-lô-se 3:8-10).

Động từ “được biến hóa” ở trong thì hiện tại hàm ý, sự biến hóa đó đang xảy ra khi chúng ta còn ở trong thân thể xác thịt này. Vì thế, sự vinh quang giống như sự vinh quang của Thiên Chúa phản chiếu trong Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới, chính là sự vinh quang hiện tại của tâm thần và linh hồn của chúng ta.

Từ vinh quang đến vinh quang” có nghĩa là từ sự vinh quang của Thiên Chúa đến sự vinh quang của chúng ta, những con dân của Thiên Chúa. Sự vinh quang của Thiên Chúa biến hóa thành sự vinh quang của chúng ta, như hơi linh của Thiên Chúa biến hóa thành tâm thần của chúng ta, như cơ nghiệp của Thiên Chúa biến hóa thành cơ nghiệp của chúng ta.

Bởi linh của Chúa” tức là bởi sự toàn năng của Thiên Chúa.

Cảm tạ Chúa đã dùng II Cô-rinh-tô đoạn 3 để dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của sự phục vụ Giao Ước Mới và sự vinh quang của những người phục vụ Giao Ước Mới.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
29/08/2020

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Tình Chúa Bao La”
https://karaokethanhca.net/tinh-chua-bao-la/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: http://www.tt2012.thanhkinhvietngu.net/bible.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.