Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL007 Lời Tiên Tri về Sự Ra Đời của Giăng Báp-tít

628 views

YouTube: https://youtu.be/MLex771i_vc

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL007 Lời Tiên Tri về Sự Ra Đời của Giăng Báp-tít
Lu-ca 1:1-25

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Lu-ca 1:1-25

1 Vì đã có nhiều người đặt tay sắp xếp lời tường thuật về những sự đã được tin chắc giữa chúng tôi,

2 theo như họ đã trao lại cho chúng tôi. Họ là những người từ lúc ban đầu, đã tự mình nhìn thấy, và họ đã là những người phụng sự của Ngôi Lời.

3 Với sự hiểu biết chính xác mọi sự từ lúc ban đầu, tôi cũng nghĩ rằng, nên theo thứ tự mà viết cho ông, thưa ông Thê-ô-phi-lơ cao quý!

4 Để ông nhận biết sự chắc chắn của những lời liên quan những điều ông đã được học.

5 Trong những ngày của Hê-rốt, vua xứ Giu-đê, có một thầy tế lễ thuộc ban A-bi-gia, tên là Xa-cha-ri. Vợ của ông thuộc về con cháu của A-rôn, và tên của bà là Ê-li-sa-bét.

6 Cả hai đều là công chính trước Đức Chúa Trời, bước đi trong mọi điều răn và các luật lệ của Chúa không chỗ trách được.

7 Họ đã không có con, vì Ê-li-sa-bét đã son sẻ, và cả hai đã cao tuổi trong những ngày của họ.

8 Việc đã xảy ra, khi ông theo thứ tự ban của mình mà làm bổn phận thầy tế lễ trước Đức Chúa Trời.

9 Theo lệ thường của chức vụ thầy tế lễ, phần gieo thăm của ông là vào trong Đền Thờ của Chúa để đốt hương.

10 Vào giờ dâng hương, cả đoàn dân đông đã cầu nguyện ở bên ngoài.

11 Thiên sứ của Chúa đã hiện ra với ông, đứng bên phải của bàn thờ xông hương.

12 Xa-cha-ri đã nhìn thấy thì bối rối; và sự sợ hãi đã giáng xuống trên ông.

13 Nhưng thiên sứ đã nói với ông: Hỡi Xa-cha-ri, đừng sợ! Vì lời khẩn xin của ngươi đã được nghe. Ê-li-sa-bét, vợ của ngươi, sẽ sinh cho ngươi một con trai. Ngươi sẽ đặt tên của nó là Giăng.

14 Ngươi sẽ vui mừng và hớn hở, nhiều người sẽ mừng rỡ về sự sinh ra của nó.

15 Vì nó sẽ nên cao trọng trước Chúa; không uống rượu hay là thức uống làm cho say; và sẽ được đổ đầy thánh linh, ngay từ trong lòng mẹ của nó.

16 Nó sẽ khiến cho nhiều con cháu của I-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ.

17 Nó sẽ đi trước Ngài, trong thần trí và năng lực của Ê-li, để xoay lòng của những người cha trở về cùng những con cái, những kẻ bội nghịch vào trong sự khôn sáng của những người công chính, để sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.

18 Xa-cha-ri đã thưa với thiên sứ: Bởi sao tôi sẽ biết được điều đó? Vì tôi là một người già, vợ của tôi cũng đã cao tuổi trong những ngày của nàng.

19 Thiên sứ đã trả lời, nói với ông: Ta là Gáp-ri-ên, đứng trước Đức Chúa Trời, được sai đến, nói với ngươi và truyền tin lành cho ngươi về các sự này.

20 Này, ngươi sẽ bị câm, không thể nói, cho tới ngày mà các điều ấy sẽ xảy ra, vì ngươi là kẻ không tin những lời của ta; chúng sẽ được ứng nghiệm trong kỳ của chúng.

21 Dân chúng đã đợi Xa-cha-ri, và lấy làm lạ, vì ông đã ở lâu trong Đền Thờ.

22 Khi ông đi ra, ông đã không thể nói với họ. Họ nhận biết rằng, ông đã thấy khải tượng trong Đền Thờ. Vì ông đã ra dấu cho họ và vẫn cứ câm.

23 Đã xảy ra, khi những ngày phụng sự của ông đã trọn, ông đã lên đường, về nhà mình.

24 Sau những ngày đó, Ê-li-sa-bét, vợ của ông đã có thai. Bà đã ẩn mình trong năm tháng, nói:

25 Chúa đã làm cho tôi như vậy, trong những ngày mà Ngài đã nhìn đến tôi, để cất sự xấu hổ của tôi giữa mọi người.

Bốn sách Tin Lành trong Thánh Kinh là Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, và Giăng. Dù cùng là viết về Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ nhưng mỗi sách có sự mở đầu khác nhau. Sách Giăng mở đầu bằng lời giới thiệu thân vị Thiên Chúa của Ngài, với danh xưng Ngôi Lời. Sách Ma-thi-ơ mở đầu bằng lời giới thiệu Ngài là con cháu của Đa-vít và con cháu của Áp-ra-ham, với bản gia phả theo dòng Sa-lô-môn, chứng minh Ngài có đủ tư cách để ngồi trên ngai vua của Đa-vít. Sách Mác mở đầu bằng lời giới thiệu chức vụ của Giăng Báp-tít, người dọn đường cho mục vụ của Ngài. Sách Lu-ca mở đầu với lời khẳng định sẽ tường trình cách chân thật và theo thứ tự các sự việc đã xảy ra, liên quan Tin Lành của Đấng Christ. Và tiếp theo đó là nói đến lời tiên tri về sự ra đời của Giăng Báp-tít. Như vậy, Lu-ca đã xem lời tiên tri về sự ra đời của Giăng Báp-tít là khởi đầu cho Tin Lành của Đấng Christ.

Tin Lành của Đấng Christ đúng là được bắt đầu với sự kiện thiên sứ của Chúa tiên tri cho cha của Giăng Báp-tít về sự Giăng Báp-tít sẽ được sinh ra. Vì, mục đích của sự Giăng Báp-tít được ra đời là để ông làm người đi trước, dọn đường cho Đấng Christ. Đó cũng là điều đã được tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của Lu-ca 1:1-25, bao gồm lời giới thiệu của Lu-ca về sách Lu-ca và lời tiên tri về sự ra đời của Giăng Báp-tít.

1 Vì đã có nhiều người đặt tay sắp xếp lời tường thuật về những sự đã được tin chắc giữa chúng tôi,

2 theo như họ đã trao lại cho chúng tôi. Họ là những người từ lúc ban đầu, đã tự mình nhìn thấy, và họ đã là những người phụng sự của Ngôi Lời.

Nhiều người đặt tay sắp xếp” có nghĩa là nhiều người đã ghi chép lại sự việc cách có hệ thống.

Lời tường thuật về những sự đã được tin chắc giữa chúng tôi” là lời tường thuật về những gì liên quan Đức Chúa Jesus đã được Lu-ca và các anh chị em cùng Cha mà Lu-ca quen biết tin nhận.

Theo như họ đã trao lại cho chúng tôi” có nghĩa là Lu-ca và các bạn của ông đã tin vào lời tường thuật do những người đã ghi chép trao lại cho họ. Động từ “trao lại” (G3860) được dùng trong câu này, tương tự như được dùng trong I Cô-rinh-tô 11:23, có nghĩa là trao lại một cách trọn vẹn sự gì cần được trao lại, từ tay người này sang tay người kia, với mục đích để người nhận toàn quyền bảo quản và sử dụng, hoặc toàn quyền xem xét và nhận định.

Những người đã ghi chép những gì liên quan Đức Chúa Jesus được Lu-ca nói đến là những người ngay từ lúc ban đầu đã tự họ nhìn thấy các sự việc xảy ra, và họ cũng chính là những người đã phụng sự Ngài. Chúng ta chú ý là Lu-ca không viết: “họ đã là những người phụng sự của Đức Chúa Jesus” hay “họ đã là những người phụng sự của Đấng Christ”; nhưng ông viết: “họ đã là những người phụng sự của Ngôi Lời”. Vì Đức Thánh Linh, qua Lu-ca, muốn nhấn mạnh đến sự kiện, khi một người phụng sự Đức Chúa Jesus tức là người ấy phụng sự Đấng Christ, vì Ngài là Đấng Christ, và cũng cùng một lúc, người ấy phụng sự Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời. Vì Đức Chúa Jesus vừa là loài người vừa là Thiên Chúa. Những người đã phụng sự Ngôi Lời không chỉ là các sứ đồ của Ngài mà là tất cả những ai thờ phượng Ngài và rao truyền danh Ngài. Những người ấy bao gồm những người chăn chiên đến thờ lạy Đức Chúa Jesus, trong đêm Ngài được sinh ra; ông Si-mê-ôn và nữ Tiên Tri An-ne khi họ gặp Đức Chúa Jesus trong Đền Thờ; vào khoảng hai năm sau đó là các nhà thông thái từ đông phương tìm đến thờ phượng Ngài và dâng lễ vật lên Ngài. Và như vậy, bất cứ ai tin nhận, thờ phượng, và rao truyền về Đức Chúa Jesus thì đều là người phụng sự của Ngài.

Nội dung của câu 2 cũng giúp cho chúng ta hiểu rằng, sách Tin Lành của Đấng Christ do Lu-ca ghi chép không phải được sao chép từ sách Tin Lành Mác như một số nhà giải kinh suy luận. Vì Lu-ca đã viết rõ, ông ghi chép từ lời tường thuật của những người đã thấy và đã phụng sự Ngôi Lời từ lúc ban đầu. Mác không phải là người đã thấy và phụng sự Ngôi Lời từ lúc ban đầu. Chúng ta có thể hiểu rằng, vào thời ấy, có nhiều tài liệu ghi chép các sự kiện liên quan Đấng Christ từ những người đã chính họ nhìn thấy Ngài, tin nhận Ngài, và rao truyền danh Ngài. Các tài liệu ấy đã được trao lại cho con dân Chúa trong Hội Thánh, lúc ban đầu. Lu-ca đã làm công việc tập hợp nội dung của các tài liệu ấy để viết thành sách Tin Lành mang tên ông. Mục đích việc Lu-ca tổng hợp các tài liệu ấy thành một sách được ông nói đến trong câu 3 và câu 4.

3 Với sự hiểu biết chính xác mọi sự từ lúc ban đầu, tôi cũng nghĩ rằng, nên theo thứ tự mà viết cho ông, thưa ông Thê-ô-phi-lơ cao quý!

Lu-ca nhờ đọc các tài liệu do những người từ lúc ban đầu đã tự mình nhìn thấy Ngôi Lời và đã phụng sự Ngôi Lời viết ra, nên ông có sự hiểu biết chính xác mọi sự liên quan Đấng Christ ngay từ lúc ban đầu. Lúc ban đầu đó được khởi động với lời tiên tri về sự ra đời của Giăng Báp-tít, người được sinh ra để làm người dọn đường cho Đấng Christ.

Lu-ca đã theo thứ tự xảy ra của các sự việc mà chép lại thành sách cho một người quen của ông, tên là Thê-ô-phi-lơ.

Thánh Kinh hai lần nói đến tên Thê-ô-phi-lơ trong Lu-ca 1:3 và trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1; nhưng không nói gì thêm về ông. Tên Thê-ô-phi-lơ (G2321) trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là “bạn của Thiên Chúa”. Có thể Thê-ô-phi-lơ là một người La-mã hoặc người Hy-lạp, quen biết với Lu-ca, và là một môn đồ của Đấng Christ. Có lẽ Thê-ô-phi-lơ đã yêu cầu Lu-ca viết cho ông các sự việc về Đấng Christ; và Lu-ca đã đáp lại yêu cầu của ông bằng cách viết cho ông một lá thư thật dài, mà ngày nay được gọi là sách Tin Lành của Đấng Christ theo Lu-ca. Sau đó, Lu-ca lại tiếp tục viết cho Thê-ô-phi-lơ về mục vụ truyền giáo của Hội Thánh lúc ban đầu, trong một lá thư thật dài khác, mà ngày nay được gọi là sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Dù cả hai sách Lu-ca và Công Vụ Các Sứ Đồ lúc ban đầu là hai lá thư do Lu-ca viết gửi riêng cho Thê-ô-phi-lơ; nhưng Đức Thánh Linh đã khiến cho chúng được sao chép ra nhiều và phổ biến khắp nơi, đến mọi con dân Chúa trong Hội Thánh. Gần hai ngàn năm sau, hai lá thư ấy vẫn đến với hàng tỉ người trong thế gian để họ được biết về Tin Lành của Đấng Christ, được biết Hội Thánh do Ngài thành lập đã bắt đầu và phát triển như thế nào.

Ý nghĩa tên của Thê-ô-phi-lơ là một điều thú vị, vì tên ấy có thể dùng để gọi bất cứ ai là môn đồ của Đấng Christ. Bất cứ ai là môn đồ của Đấng Christ thì đều được đương nhiên trở thành Thê-ô-phi-lơ, “bạn của Thiên Chúa”. Vì họ nghe, tin, và làm theo mọi lời phán dạy của Ngài. Chính Đức Chúa Jesus đã phán:

Các ngươi là những bạn hữu của Ta, nếu các ngươi làm những gì Ta truyền cho các ngươi. Ta chẳng còn gọi các ngươi là những tôi tớ, vì tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Nhưng Ta đã gọi các ngươi là các bạn hữu, vì mọi điều mà Ta đã nghe từ Cha của Ta, Ta đã tỏ cho các ngươi.” (Giăng 15:14-15).

Thiên Chúa cũng từng gọi Áp-ra-ham là bạn của Ngài:

Nhưng ngươi, I-sơ-ra-ên, tôi tớ của Ta! Hỡi Gia-cốp! Kẻ Ta đã chọn, dòng giống của Áp-ra-ham, bạn của Ta!” (Ê-sai 41:8).

Và Thánh Kinh được ứng nghiệm, nói rằng: Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công chính cho người; và người được gọi là bạn của Thiên Chúa.” (Gia-cơ 2:23).

Rất có thể Thê-ô-phi-lơ là một người có chức quyền và tin Chúa qua sự rao giảng của Lu-ca.

4 Để ông nhận biết sự chắc chắn của những lời liên quan những điều ông đã được học.

Có lẽ, Thê-ô-phi-lơ tin nhận Tin Lành và được học biết về Tin Lành qua các bài giảng. Lu-ca đã làm công việc tổng hợp các sự kiện liên quan Đức Chúa Jesus Christ thành một văn bản; để giúp Thê-ô-phi-lơ có sự hiểu biết rõ ràng và chắc chắn về những gì ông đã được học biết về Tin Lành.

Ngay từ buổi đầu của Hội Thánh, việc dạy cho những người mới tin nhận Tin Lành về Đức Chúa Jesus Christ, tức là dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ngài đã truyền, là điều quan trọng và cũng nằm trong mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ, như đã được chép trong Ma-thi-ơ 28:20. Việc dạy đó theo sau việc khiến họ tin nhận Tin Lành và làm báp-tem cho họ. Ngày nay, rất nhiều giáo hội mang danh Chúa lại đem việc dạy Lời Chúa đặt trước việc làm báp-tem cho người mới tin nhận Tin Lành. Họ gọi đó là “giáo lý căn bản”; và chỉ khi người học thi đậu cuộc khảo hạch về giáo lý căn bản thì mới được làm báp-tem. Đó là việc làm trái nghịch mệnh lệnh của Đấng Christ. Một người phải tin nhận Tin Lành, được báp-tem vào trong thân thể của Đấng Christ là Hội Thánh, rồi thì người ấy mới có năng lực từ Thiên Chúa để học và hiểu biết Lời Chúa, để sống theo Lời Chúa.

5 Trong những ngày của Hê-rốt, vua xứ Giu-đê, có một thầy tế lễ thuộc ban A-bi-gia, tên là Xa-cha-ri. Vợ của ông thuộc về con cháu của A-rôn, và tên của bà là Ê-li-sa-bét.

Trong những ngày của Hê-rốt” là trong những ngày Hê-rốt Đại Đế làm vua của xứ Giu-đê từ năm 37 TCN đến năm 4 TCN. Ông là người ra lệnh tàn sát trẻ con từ hai tuổi trở xuống, mong giết được Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 2). Thời điểm xảy ra của sự việc Lu-ca ghi lại trong phân đoạn này là vào khoảng năm 8 TCN. Chúng ta biết được như vậy là nhờ đối chiếu các chi tiết trong Thánh Kinh với các chi tiết trong lịch sử.

6 Cả hai đều là công chính trước Đức Chúa Trời, bước đi trong mọi điều răn và các luật lệ của Chúa không chỗ trách được.

7 Họ đã không có con, vì Ê-li-sa-bét đã son sẻ, và cả hai đã cao tuổi trong những ngày của họ.

Hai vợ chồng Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét đều ra từ A-rôn, thuộc chi phái Lê-vi. Tên Xa-cha-ri (G2197) được phiên âm từ tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nhớ. Tên Ê-li-sa-bét (G1665) cũng được phiên âm từ tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa: lời thề của Thiên Chúa. Tên của họ ghép chung lại có nghĩa: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nhớ đến lời thề của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể hiểu đó là lời thề của Thiên Chúa với Áp-ra-ham về việc muôn dân sẽ được phước trong dòng dõi của ông (Sáng Thế Ký 22:16-18). Thiên Chúa đã dùng Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét để sinh ra người dọn đường cho Đấng Christ.

Mặc dù Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét được Thánh Kinh công nhận là công chính, vâng giữ trọn vẹn mọi điều răn và các luật lệ của Chúa, nhưng cho tới khi lớn tuổi, họ vẫn không có con. Chúng ta không biết vào lúc sự việc này xảy ra thì Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét đã được bao nhiêu tuổi. Nhưng theo cách dùng chữ của Thánh Kinh, “cả hai đã cao tuổi trong những ngày của họ”, thì ít nhất họ cũng đã trên 60 tuổi. Theo Thánh Kinh, trên 60 tuổi là trưởng lão. Hoàn cảnh của Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét khiến cho chúng ta nhớ đến hoàn cảnh của Áp-ra-ham và Sa-ra. Và cũng như I-sác, sự ra đời của Giăng Báp-tít là một phép lạ và theo thánh ý của Thiên Chúa. Điều này cũng giúp cho chúng ta hiểu rằng, nhiều khi trong đời sống của chúng ta, Chúa cho phép một số điều xảy ra, để qua đó, Chúa hoàn thành mục đích của Ngài trong đời sống của chúng ta và thể hiện sự vinh quang của Ngài. Vì thế mà chúng ta cần tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa trong mọi sự.

Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Miễn là trong mỗi sự xảy ra cho chúng ta không phải là vì chúng ta phạm tội thì chúng ta hãy vững tin rằng, đó là điều phước hạnh Chúa ban cho chúng ta. Hãy nhớ đến những hoạn nạn đã đổ xuống trên ông Gióp.

8 Việc đã xảy ra, khi ông theo thứ tự ban của mình mà làm bổn phận thầy tế lễ trước Đức Chúa Trời.

9 Theo lệ thường của chức vụ thầy tế lễ, phần gieo thăm của ông là vào trong Đền Thờ của Chúa để đốt hương.

Việc đã xảy ra” là việc thiên sứ đã hiện ra với ông. Thời điểm đó nhằm lúc Xa-cha-ri theo thứ tự của ban A-bi-gia, phụng sự Thiên Chúa trong Đền Thờ. Trong mỗi ban thầy tế lễ có nhiều thầy tế lễ phụ trách các phần việc khác nhau. Theo kết quả gieo thăm thì phần việc của Xa-cha-ri là phụ trách đốt hương trong Đền Thờ của Thiên Chúa. Đó là công việc ông làm trong suốt bảy ngày của phiên trực.

10 Vào giờ dâng hương, cả đoàn dân đông đã cầu nguyện ở bên ngoài.

Chúng ta không biết giờ dâng hương được nói ở đây nhằm ngày nào trong phiên trực của Xa-cha-ri. Chúng ta cũng không biết là nhằm giờ dâng hương buổi sáng hay buổi chiều. Nhưng trong khi Xa-cha-ri vào trong Đền Thờ làm nghi thức dâng hương thì có đoàn dân đông đã nhóm hiệp bên ngoài, tại hành lang của Đền Thờ, để cầu nguyện. Ngày thường dân chúng phải đi làm việc nên ít có người đến Đền Thờ cầu nguyện. Vì thế, rất có thể sự kiện có nhiều dân chúng đến Đền Thờ cầu nguyện trong giờ dâng hương hàm ý, đây là giờ dâng hương buổi sáng hoặc buổi chiều trong một ngày Sa-bát. Và nếu là giờ dâng hương buổi sáng trong một ngày Sa-bát thì đó là buổi dâng hương cuối cùng của Xa-cha-ri trong phiên trực. Vì ngay sau đó, ông phải bàn giao lại phiên trực cho thầy tế lễ của ban kế tiếp. Phiên trực của mỗi ban thầy tế lễ bắt đầu sau buổi trưa của ngày Sa-bát và kết thúc trước buổi trưa của ngày Sa-bát kế tiếp.

11 Thiên sứ của Chúa đã hiện ra với ông, đứng bên phải của bàn thờ xông hương.

https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/09/BenTrongDenTho.png

Danh từ “Chúa” được dùng trong câu này hàm ý, cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Kinh không nói thiên sứ đã hiện ra với Xa-cha-ri trong hình dáng như thế nào. Nhưng có thể là trong hình dáng của một người nam, mặc trang phục trắng, như các trường hợp đã được ghi lại trong Thánh Kinh.

12 Xa-cha-ri đã nhìn thấy thì bối rối; và sự sợ hãi đã giáng xuống trên ông.

13 Nhưng thiên sứ đã nói với ông: Hỡi Xa-cha-ri, đừng sợ! Vì lời khẩn xin của ngươi đã được nghe. Ê-li-sa-bét, vợ của ngươi, sẽ sinh cho ngươi một con trai. Ngươi sẽ đặt tên của nó là Giăng.

Sự kiện bỗng nhiên nhìn thấy một người xuất hiện trong Đền Thờ với mình đã khiến cho Xa-cha-ri bối rối và sợ hãi. Ông bối rối vì không hiểu tại sao lại có người xuất hiện trong Đền Thờ. Ông sợ hãi vì nghĩ rằng, có chuyện không lành sắp xảy ra. Tuy nhiên, thiên sứ đã nói với ông ngay, để ông hiểu mà hết sợ.

Lời đầu tiên của thiên sứ là lời trấn an Xa-cha-ri, bảo ông đừng sợ. Đây cũng là điều mà chính Đức Chúa Jesus thường làm đối với các môn đồ của Ngài. Ngày nay, mỗi khi chúng ta có chuyện sợ hãi, chúng ta hãy kêu cầu Đức Chúa Jesus Christ. Ngài sẽ khiến cho chúng ta được bình an, cất đi sự sợ hãi của chúng ta. Kế tiếp, thiên sứ cho Xa-cha-ri biết, lời khẩn xin của ông đã được nghe. Qua lời phán của thiên sứ, chúng ta biết, Xa-cha-ri từng cầu xin Chúa ban cho ông bà được có con. Thiên sứ cũng truyền cho Xa-cha-ri đặt tên cho đứa con trai sẽ được sinh ra là Giăng. Như chúng ta đã biết, tên Giăng (G2491) cũng ra từ tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng ban cho rời rộng. Chẳng những Thiên Chúa ban cho vợ chồng Xa-cha-ri một đứa con mà Ngài còn dùng đứa con ấy để làm một công việc lớn lao cho Ngài.

14 Ngươi sẽ vui mừng và hớn hở, nhiều người sẽ mừng rỡ về sự sinh ra của nó.

Xa-cha-ri sẽ vui mừng và hớn hở vì được có con mà con của mình lại là tiên tri của Thiên Chúa, trở thành người dọn đường cho Đấng Christ. Giăng Báp-tít là tiên tri cuối cùng của Cựu Ước.

Nhiều người đã mừng rỡ về sự ra đời của Giăng Báp-tít như đã chép trong Lu-ca 1:58.

15 Vì nó sẽ nên cao trọng trước Chúa; không uống rượu hay là thức uống làm cho say; và sẽ được đổ đầy thánh linh, ngay từ trong lòng mẹ của nó.

Giăng Báp-tít được trở nên cao trọng trước Chúa, mặc dù có thể đối với nhiều người ông là một người quái dị. Giá trị của Giăng Báp-tít do chính Thiên Chúa ban cho ông. Ngài đã chọn ông và dùng ông để làm thành công việc của Ngài.

Sự kiện Giăng Báp-tít “không uống rượu hay là thức uống làm cho say” hàm ý, ông sẽ là người trọn đời biệt riêng cho Thiên Chúa, là một người Na-xi-rê (Dân Số Ký 6:3).

Được đổ đầy thánh linh, ngay từ trong lòng mẹ” có nghĩa là Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đã ban năng lực và các ân tứ của Thiên Chúa cho Giăng Báp-tít, ngay từ khi ông còn là một thai nhi. Điều này làm cho chúng ta nhớ đến điều Thiên Chúa đã làm cho Tiên Tri Giê-rê-mi:

Lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã đến với tôi, phán rằng: Trước khi Ta tạo nên ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi ra khỏi tử cung, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đã lập ngươi làm tiên tri cho các nước.” (Giê-rê-mi 1:4-5).

Sự kiện Thiên Chúa đổ đầy thánh linh của Ngài cho một thai nhi chính là sự kiện Ngài thánh hóa thai nhi ấy. Thánh hóa ở đây có nghĩa là biệt riêng ra để Thiên Chúa sử dụng. Sự thánh hóa này tương tự như sự Thiên Chúa thánh hóa người chồng hoặc người vợ không tin Chúa để người ấy có thể kết hiệp với người chồng hay người vợ đã tin Chúa:

Bởi vì, chồng không tin Chúa được thánh hóa qua vợ; vợ không tin Chúa được thánh hóa qua chồng; nếu không, con cái của các anh chị em chẳng tinh sạch, nhưng hiện nay, chúng là thánh.” (I Cô-rinh-tô 7:14).

Điều ấy không hề có nghĩa là người được thánh hóa đó đã được Thiên Chúa tha tội và làm cho sạch tội. Vì sự được tha tội và được làm cho sạch tội chỉ có thể xảy ra bởi đức tin. Ai muốn được Thiên Chúa tha tội và làm cho sạch tội thì phải tin Ngài và vâng phục Ngài. Sự tin và vâng phục Thiên Chúa đòi hỏi sự nhận thức và sự thực hiện quyền tự do lựa chọn. Một người phải nhận thức mình là tội nhân, nhận thức ơn cứu rỗi của Thiên Chúa; và tự mình chọn tin nhận Thiên Chúa, chọn vâng phục Ngài.

Giáo lý Công Giáo dạy rằng, bà Ma-ri, mẹ của Đức Chúa Jesus, được sinh ra “vô nhiễm nguyên tội”. Nghĩa là được sinh ra mà không bị nhiễm tội từ A-đam. Một số người Công Giáo cũng cho rằng, Giăng Báp-tít được sinh ra “vô nhiễm nguyên tội”. Nhưng Thánh Kinh dạy rõ, mỗi một người ra từ A-đam đều nhiễm tội (Rô-ma 5:12). Chỉ có Đức Chúa Jesus ra từ Đức Chúa Trời là không nhiễm tội. Chính bà Ma-ri đã xưng nhận rằng:

Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, Đấng Giải Cứu của tôi.” (Lu-ca 1:47).

Nếu bà Ma-ri được sinh ra “vô nhiễm nguyên tội” thì bà đã không cần sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

16 Nó sẽ khiến cho nhiều con cháu của I-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ.

Danh từ “I-sơ-ra-ên” trong câu này nhằm chỉ về Gia-cốp. Mỗi khi chúng ta đọc thấy nhóm chữ “con cháu của I-sơ-ra-ên” trong Thánh Kinh thì đó là nhấn mạnh đến dòng dõi ra từ Gia-cốp, là người mà Thiên Chúa đã đặt cho tên mới là I-sơ-ra-ên; có nghĩa là: Người chiếm ưu thế trước Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 32:28).

Trong thực tế, chúng ta không biết có bao nhiêu người I-sơ-ra-ên nhờ nghe lời rao giảng của Giăng Báp-tít mà ăn năn tội, dọn mình, chờ đợi Đấng Christ. Nhưng khi chúng ta đọc sách Công Vụ Các Sứ Đồ thì thấy trong ngày Hội Thánh được thành lập, có khoảng ba ngàn người được thêm vào Hội Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:41). Trong số đó, có thể đã có nhiều người từng nghe Giăng Báp-tít giảng và đã chịu báp-tem bởi ông hoặc bởi các môn đồ của ông.

Danh từ “Chúa” trong câu này và danh từ “Ngài” trong câu 17 chỉ về Đấng Christ. Ở đây, Đấng Christ được gọi là Chúa và là Đức Chúa Trời của dân I-sơ-ra-ên. Vì trong thực tế, Đức Chúa Jesus Christ được Đức Chúa Trời ban cho danh hiệu “Đức Chúa Trời”, như đã được tiên tri trong Thi Thiên 45:6-7 và được nhắc lại trong Hê-bơ-rơ 1:9, được Đức Chúa Jesus xác nhận trong Giăng 17:12.

17 Nó sẽ đi trước Ngài, trong thần trí và năng lực của Ê-li, để xoay lòng của những người cha trở về cùng những con cái, những kẻ bội nghịch vào trong sự khôn sáng của những người công chính, để sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.

Động từ “đi” trong câu này có nghĩa là sự hành động trong đời sống. Giăng Báp-tít hành động trước khi Đức Chúa Jesus thi hành mục vụ, dọn đường cho Đức Chúa Jesus. Ông hành động trong thần trí và năng lực của Ê-li. Có nghĩa là Giăng Báp-tít có cùng một thần trí trong sự hiểu biết về Thiên Chúa, trong sự quyết tâm sống cho Thiên Chúa, trong sự đưa dắt dân I-sơ-ra-ên quay về cùng Thiên Chúa. Giăng Báp-tít cũng có năng lực do Thiên Chúa ban cho như là Tiên Tri Ê-li.

Vào thời của Giăng Báp-tít thì Do-thái Giáo đã chia ra làm nhiều giáo phái. Ba giáo phái nổi bật là phái Pha-ri-si, phái Sa-đu-sê, và phái Ét-xen. Quý ông bà anh chị em có thể vào khu mạng từ điển của Hội Thánh để tra tìm các danh từ: Pha-ri-si, Sa-đu-sê, và Ét-xen để biết chi tiết về các giáo phái này [1].

Sự phân chia này khiến cho có sự phân rẽ trong gia đình khi cha mẹ và con cái theo các giáo phái khác nhau. Vì thế, mục vụ của Giăng Báp-tít giúp cho những ai tin lời rao giảng của ông sẽ hạ mình, ăn năn tội, dọn lòng, qua Lễ Báp-tem để sẵn sàng đón nhận Đấng Christ. Nhờ đó, cha mẹ và con cái được phục hòa. Những kẻ không theo giáo phái nào, sống đời bội nghịch các điều răn của Thiên Chúa cũng sẽ ăn năn mà được sự khôn sáng của những người được Đức Chúa Trời xưng là công chính. Tất cả họ sẽ họp thành một dân, sẵn lòng tiếp nhận Đấng Christ.

Sự Giăng Báp-tít làm người dọn đường cho Đấng Christ đã được tiên tri bởi Ê-sai:

Có tiếng kêu trong đồng vắng: Hãy dọn đường cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Thiên Chúa của chúng ta!” (Ê-sai 40:3).

Và đã được tiên tri bởi Ma-la-chi:

Này, Ta sẽ sai đến đấng Tiên Tri Ê-li, trước sự đến của ngày lớn và đáng sợ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Người sẽ làm cho lòng của những người cha trở lại cùng những con cái, và lòng của những con cái trở lại cùng những người cha, kẻo Ta đến và đánh diệt đất.” (Ma-la-chi 4:5-6).

Chính Đấng Christ đã xác nhận, lời hứa về sự đến của Tiên Tri Ê-li đã ứng nghiệm trên Giăng Báp-tít:

Vì hết thảy các đấng tiên tri và sách luật đã tiên tri cho đến Giăng. Nếu các ngươi muốn, hãy nhận rằng: Người là Ê-li phải đến.” (Ma-thi-ơ 11:13-14).

Nhưng Ta phán với các ngươi rằng: Ê-li đã đến rồi, mà họ không nhận biết người, nhưng đã làm cho người những gì họ muốn. Tựa như vậy, Con Người cũng sẽ chịu khốn khổ bởi họ. Khi đó, các môn đồ đã hiểu rằng, Ngài đã phán với họ về Giăng Báp-tít.” (Ma-thi-ơ 17:12-13).

Một số người dựa vào lời phán của Đức Chúa Jesus mà cho rằng, Ê-li đã đầu thai, chuyển kiếp thành Giăng Báp-tít. Nhưng Thánh Kinh không hề dạy về sự người này đầu thai thành người kia, không hề dạy về cái gọi là “luân hồi chuyển kiếp” của Phật Giáo.

18 Xa-cha-ri đã thưa với thiên sứ: Bởi sao tôi sẽ biết được điều đó? Vì tôi là một người già, vợ của tôi cũng đã cao tuổi trong những ngày của nàng.

Câu “Bởi sao tôi sẽ biết được điều đó” hàm ý, có chứng cớ nào để tôi biết rằng, điều đó sẽ xảy ra.

Lời thắc mắc của Xa-cha-ri là hợp lý theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của loài người. Tuy nhiên, Xa-cha-ri đáng trách, vì ông là một thầy tế lễ, được học biết nhiều về Lời Chúa, là dòng dõi của Áp-ra-ham và Sa-ra, là hai người còn lớn tuổi hơn ông và vợ của ông mà vẫn sinh con.

19 Thiên sứ đã trả lời, nói với ông: Ta là Gáp-ri-ên, đứng trước Đức Chúa Trời, được sai đến, nói với ngươi và truyền tin lành cho ngươi về các sự này.

20 Này, ngươi sẽ bị câm, không thể nói, cho tới ngày mà các điều ấy sẽ xảy ra, vì ngươi là kẻ không tin những lời của ta; chúng sẽ được ứng nghiệm trong kỳ của chúng.

Thắc mắc của Xa-cha-ri đã thể hiện rằng, ông đã không có đức tin vào lời phán của thiên sứ. Chúng ta nên nhớ, Xa-cha-ri đang ở trong Nơi Thánh của Đền Thờ Thiên Chúa, cách Nơi Rất Thánh chỉ vài bước chân. Vì thế, ông phải hiểu là thiên sứ của Chúa đang hiện ra, phán với ông. Thế nên, thiên sứ đã trả lời Xa-cha-ri, có lẽ một cách rất nghiêm. Chứng cớ duy nhất cho Xa-cha-ri là sự ông sẽ bị câm cho tới ngày Giăng Báp-tít ra đời.

Thiên sứ tự xưng tên là Gáp-ri-ên. Lần đầu tiên tên thiên sứ Gáp-ri-ên xuất hiện được ghi lại trong Đa-ni-ên 8:16, là khi Gáp-ri-ên giải thích cho Tiên Tri Đa-ni-ên ý nghĩa của khải tượng về con chiên đực và con dê đực. Sau đó, Gáp-ri-ên một lần nữa xuất hiện với Đa-ni-ên, được ghi lại trong Đa-ni-ên 9:21, để phán với Đa-ni-ên về bảy mươi tuần năm. Khi Ê-li-sa-bét mang thai Giăng Báp-tít đến tháng thứ sáu thì Gáp-ri-ên lại hiện ra, phán với Ma-ri về sự ra đời của Đức Chúa Jesus (Lu-ca 1:26).

Chúng ta có thể thấy, dường như Gáp-ri-ên là thiên sứ phụ trách việc thông báo ý muốn của Thiên Chúa cho loài người. Còn Mi-chen là thiên sứ trưởng đứng đầu quân lực của Thiên Chúa (Đa-ni-ên 10:13, 21; 12:1; Giu-đe câu 9; Khải Huyền 12:7). Theo lời phán của Đức Chúa Jesus thì Thiên Chúa có 12 đạo binh thiên sứ. Như vậy, có thể Mi-chen là thiên sứ đứng đầu cả 12 đạo binh thiên sứ. Theo truyền thuyết của Do-thái Giáo thì Lu-xi-phe (Ê-sai 14:12) là thiên sứ phụ trách sự thờ phượng Thiên Chúa; nhưng đã sa ngã, trở thành Sa-tan.

Tên Gáp-ri-ên (H1403 – G1043) có nghĩa là: Dũng sĩ của Thiên Chúa. Tên Mi-chen (H4317 – G3413) có nghĩa là: Đấng giống Thiên Chúa. Tên Lu-xi-phe (H1966) có nghĩa là: Ngôi Sao Mai.

Giáo Hội Chứng Nhân Giê-hô-va dạy rằng, thiên sứ Mi-chen là tạo vật đầu tiên được Đức Chúa Trời sáng tạo và qua thiên sứ Mi-chen mà Đức Chúa Trời sáng tạo muôn loài khác. Họ dạy rằng, chính thiên sứ Mi-chen nhập thế làm Đức Chúa Jesus. Nhưng không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy rằng, thiên sứ Mi-chen là Đức Chúa Jesus. Trái lại, nhiều chỗ trong Thánh Kinh dạy rõ, Đức Chúa Jesus chính là Thiên Chúa. Giăng 1:1 khẳng định, Ngài là Thiên Chúa Ngôi Lời đồng tự có với Đức Chúa Trời.

Mệnh đề “đứng trước Đức Chúa Trời” có nghĩa là thiên sứ Gáp-ri-ên thường xuyên đứng chầu trước ngai của Thiên Chúa. Chính Đức Chúa Trời đã sai thiên sứ Gáp-ri-ên đến báo cho Xa-cha-ri tin lành về sự Giăng Báp-tít sẽ ra đời, về sự đặt tên cho ông, và về mục vụ của ông. Các sự ấy được gọi là “tin lành” là vì chúng dọn đường cho Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ.

21 Dân chúng đã đợi Xa-cha-ri, và lấy làm lạ, vì ông đã ở lâu trong Đền Thờ.

22 Khi ông đi ra, ông đã không thể nói với họ. Họ nhận biết rằng, ông đã thấy khải tượng trong Đền Thờ. Vì ông đã ra dấu cho họ và vẫn cứ câm.

Có lẽ dân chúng sau khi cầu nguyện đã chờ cho Xa-cha-ri trở ra, chúc phước cho họ theo lời dạy của Chúa trong Dân Số Ký 6:22-27. Nhưng họ đã phải chờ rất lâu, vì Xa-cha-ri đang trò chuyện với thiên sứ. Khi ông trở ra thì ông đã bị câm, không thể nói được, mà chỉ ra dấu cho họ. Nhưng qua sự ra dấu của ông, dân chúng đã hiểu là ông nhìn thấy khải tượng trong Đền Thờ.

23 Đã xảy ra, khi những ngày phụng sự của ông đã trọn, ông đã lên đường, về nhà mình.

Những ngày phụng sự của một ban trực thầy tế lễ là bảy ngày, bắt đầu từ ngay sau buổi trưa của Sa-bát này đến ngay trước buổi trưa của Sa-bát kế tiếp. Sự giao ban xảy ra vào giữa trưa của mỗi ngày Sa-bát. Câu này hàm ý là sau khi thấy khải tượng, Xa-cha-ri vẫn tiếp tục ở lại trong Đền Thờ để hoàn tất phiên trực. Và như vậy, rất có thể ông đã nhìn thấy khải tượng trong ngày Sa-bát mở đầu phiên trực của ông, vào buổi dâng hương đầu tiên của phiên trực, là buổi dâng hương chiều của ngày Sa-bát mở đầu phiên trực.

24 Sau những ngày đó, Ê-li-sa-bét, vợ của ông đã có thai. Bà đã ẩn mình trong năm tháng, nói:

25 Chúa đã làm cho tôi như vậy, trong những ngày mà Ngài đã nhìn đến tôi, để cất sự xấu hổ của tôi giữa mọi người.

Sau những ngày đó” là sau những ngày Xa-cha-ri phụng sự trong Đền Thờ và đã trở về nhà. Không bao lâu, vợ của Xa-cha-ri đã mang thai.

Chúng ta không biết chắc vì sao bà Ê-li-sa-bét đã ẩn mình trong năm tháng. Động từ “ẩn” (G4032) có nghĩa là: che giấu cách trọn vẹn hoặc lánh mình vào nơi riêng tư. Có lẽ bà Ê-li-sa-bét muốn lánh mình vào nơi riêng tư để tương giao với Thiên Chúa, cảm tạ Ngài và tôn vinh Ngài, vì ân điển Ngài đã ban cho vợ chồng bà.

Chúa đã làm cho tôi như vậy” có nghĩa là Chúa đã thương xót tôi, ban ơn cho tôi, làm thỏa sự mong ước của tôi, ban cho tôi được mang thai.

Trong những ngày mà Ngài đã nhìn đến tôi” là trong những ngày Ngài ban cho tôi được mang thai và quan phòng sự mang thai của tôi.

Không riêng gì trong dân I-sơ-ra-ên, mà hầu hết trong mọi dân tộc, những người vợ son sẻ, không có con, thường bị xã hội chê cười, xem họ là người không có phước và làm hổ thẹn nhà chồng, vì không thể sinh con nối dõi cho chồng. Họ trở thành đề tài chê cười của những người quen biết họ. Vì thế, bà Ê-li-sa-bét đã nói rằng, sự Thiên Chúa ban cho bà có thai là sự Ngài giúp bà cất đi sự xấu hổ của bà, khi bà đối diện với mọi người.

Có hai điều quan trọng chúng ta có thể học được qua câu chuyện này. Thứ nhất là khi chúng ta thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin cậy nơi Thiên Chúa, và hết lòng sống theo Lời Chúa thì bất cứ điều gì Chúa cho phép xảy ra cho chúng ta cũng đều là để hoàn thành những sự tốt lành mà Ngài đã định sẵn cho chúng ta. Thứ nhì là Chúa có chương trình cho mỗi một người được thực hữu trong cuộc đời này, kể cả những người qua đời từ trong lòng mẹ, hoặc qua đời từ khi còn thơ ấu, hoặc mang trong người các khuyết tật. Vì thế, chúng ta chỉ cần vững đức tin nơi Chúa, hết lòng sống theo Lời Ngài, và thật lòng cảm tạ Ngài trong mọi cảnh ngộ.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/09/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/

Karaoke Thánh Ca: “Xin Hỏi Thăm Người”
https://karaokethanhca.net/xin-hoi-tham-nguoi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.