Chú Giải II Cô-rinh-tô 10:01-18 Phao-lô Bênh Vực Mục Vụ của Mình

2,627 views

YouTube: https://youtu.be/2pWYwzqIzds

Chú Giải II Cô-rinh-tô 10:1-18
Phao-lô Bênh Vực Mục Vụ của Mình

 

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 10:1-18

1 Chính mình tôi, Phao-lô, bởi sự nhu mì và sự công tâm của Đấng Christ mà kêu gọi các anh chị em. Tôi là người thật thấp hèn trong sự có mặt giữa vòng các anh chị em, nhưng lúc vắng mặt thì tôi dạn dĩ đối với các anh chị em.

2 Nhưng tôi mong rằng, dù không có mặt, tôi dạn dĩ với sự tự tin mà dám lý luận nghịch lại mấy kẻ tưởng như chúng tôi bước đi theo xác thịt.

3 Vì dù chúng tôi bước đi trong xác thịt, chúng tôi chẳng chinh chiến theo xác thịt.

4 Vì những khí giới dùng trong cuộc chiến tranh của chúng tôi không thuộc về xác thịt. Nhưng đối với Đức Chúa Trời là sức mạnh cho sự triệt hạ các đồn lũy;

5 cho sự triệt hạ các lý luận cùng mọi sự cao tự nổi lên, nghịch lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời; và bắt giữ mọi ý tưởng vào sự vâng phục Đấng Christ;

6 Và nắm giữ trong sự sẵn sàng để báo trả mọi sự không vâng phục, khi sự vâng phục của các anh chị em được đầy trọn.

7 Các anh chị em nhìn những sự việc theo bề ngoài sao? Nếu ai tin chính mình thuộc về Đấng Christ, hãy từ chính mình nghĩ lại điều này, rằng như người ấy thuộc về Đấng Christ, chúng tôi cũng thuộc về Đấng Christ.

8 Vì nếu ngay cả khi tôi cũng khoe khoang phần nào nhiều hơn về thẩm quyền của chúng tôi mà Chúa đã ban cho chúng tôi, cho sự gây dựng chứ chẳng phải cho sự hủy diệt của các anh chị em, thì tôi sẽ không bị hổ thẹn.

9 Để cho chẳng giống như tôi muốn dọa các anh chị em bằng các lá thư.

10 Có người nói rằng, các lá thư thật nặng lời và mạnh mẽ; nhưng sự hiện diện của thân thể thì yếu đuối, và lời nói chẳng đáng gì.

11 Kẻ như vậy hãy nghĩ điều này, rằng lời trong các lá thư thế nào, khi chúng tôi vắng mặt; thì hành động cũng như vậy, khi chúng tôi có mặt.

12 Vì chúng tôi không dám đánh giá hoặc so sánh chính mình với những kẻ tự phô trương. Nhưng họ tự đo lường chính họ và so sánh họ với họ một cách không hiểu biết.

13 Nhưng chúng tôi sẽ chẳng khoe khoang tới quá mức, chỉ theo mức độ của sự chuẩn mực, mà Đức Chúa Trời của mức độ đã phân phát cho chúng tôi để cũng đến với các anh chị em.

14 Vì chúng tôi chẳng vượt quá chính mình, như chúng tôi không đến với các anh chị em. Vì chúng tôi cũng đã đến với các anh chị em với Tin Lành của Đấng Christ.

15 Chúng tôi không khoe khoang tới quá mức, với những sự lao động của những người khác. Nhưng chúng tôi có lòng hy vọng rằng, đức tin của các anh chị em được thêm lên giữa các anh chị em, lớn lên tới dư dật theo sự chuẩn mực của chúng tôi.

16 Để chúng tôi có thể giảng Tin Lành tới những vùng xa hơn của các anh chị em; không khoe khoang trong sự lao động của người khác cho những sự đã làm sẵn.

17 Nhưng ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa. [Giê-rê-mi 9:24; I Cô-rinh-tô 1:31]

18 Vì chẳng phải người tự phô trương là người được tiếp nhận, mà người do Chúa phô trương.

Một trong những nan đề lớn nhất trong các Hội Thánh địa phương, cho dù là ở thời buổi nào, là sự Sa-tan cài đặt những giáo sư giả và những tiên tri giả vào trong Hội Thánh. Những tiên tri giả thì lôi kéo con dân Chúa vào những chiêm bao, những khải tượng, những phép lạ, những lời tiên tri không đến từ Chúa. Những giáo sư giả thì rao giảng tà giáo, bẻ cong Lời Chúa, cướp quyền cai trị Hội Thánh. Trong lời chia tay các trưởng lão tại Ê-phê-sô, Phao-lô đã tha thiết nói:

“Vậy, hãy chú ý chính mình và hết thảy bầy mà trong đó Đức Thánh Linh đã lập các anh em làm các giám mục, để chăn Hội Thánh của Thiên Chúa, mà Ngài đã mua bằng máu của chính Ngài. Vì tôi biết rằng, sau sự ra đi của tôi, sẽ có những sói dữ tợn xông vào trong vòng các anh chị em; chúng chẳng tiếc bầy đâu. Và từ chính các anh chị em sẽ dấy lên những kẻ nói những lời gian tà, lôi kéo những môn đồ theo họ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28-30).

Hội Thánh tại Cô-rinh-tô vào thời của Phao-lô cũng đã trải qua sự kiện có vài người dấy lên, chống nghịch Phao-lô, rao giảng tà giáo, và gây chia rẽ trong Hội Thánh. Trong II Cô-rinh-tô đoạn 10, Phao-lô tha thiết kêu gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô chớ xem xét theo bề ngoài; đồng thời, Phao-lô cũng lên tiếng bênh vực cho mục vụ của ông đối với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.

1 Chính mình tôi, Phao-lô, bởi sự nhu mì và sự công tâm của Đấng Christ mà kêu gọi các anh chị em. Tôi là người thật thấp hèn trong sự có mặt giữa vòng các anh chị em, nhưng lúc vắng mặt thì tôi dạn dĩ đối với các anh chị em.

Trong lời mở đầu của thư II Cô-rinh-tô, Phao-lô đã cùng đứng tên chung với Ti-mô-thê để viết cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Nhưng tại đây, Phao-lô nhấn mạnh, chính mình ông kêu gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô lắng nghe những điều ông trình bày trong phân đoạn này. Vì Phao-lô muốn trực tiếp đối đầu với những kẻ chống nghịch ông và bênh vực mục vụ của ông đối với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Phao-lô cũng nhân danh sự nhu mì và sự công tâm của Đấng Christ để kêu gọi họ.

Sự nhu mì của Đấng Christ được chính Ngài nói đến trong Ma-thi-ơ 11:29; 21:5. Nhu mì có nghĩa là ôn hòa, mềm mại, dịu dàng trong cách ứng xử.

Danh từ “sự công tâm” (G1932) chỉ được dùng hai lần trong Thánh Kinh Tân Ước, trong câu này và trong Công Vụ Các Sứ Đồ 24:4. Sự công tâm là lòng cư xử với mọi người cách ngay thẳng, không thiên vị.

Chúng ta thấy, Phao-lô không nhân danh sự nhu mì và sự công tâm của chính ông, mà ông nhân danh sự nhu mì và sự công tâm của Đấng Christ. Vì thực tế, loài người đã sa ngã vào tội lỗi thì chỉ có sự kiêu ngạo, hống hách, tư vị, bất công mà thôi. Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ đã kêu gọi mọi người đến với Ngài và học theo Ngài.

Phao-lô bởi sự nhu mì và sự công tâm của Đấng Christ mà kêu gọi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô hàm ý, lời kêu gọi của ông được kêu gọi trong danh của Đấng Christ và trong phẩm chất của Ngài.

Phao-lô nhận mình là người thấp hèn khi ông có mặt giữa vòng con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, nhưng lúc vắng mặt thì ông dạn dĩ đối với họ. Lời đó có nghĩa là khi Phao-lô có mặt giữa họ, thì ông thật sự hạ mình, khiêm nhường, xem những người khác là tôn trọng hơn chính mình (Phi-líp 2:3). Nhưng lúc Phao-lô vắng mặt, nếu cần phải khuyên bảo hay quở trách, thì ông không ngại phải thẳng thắn và nghiêm khắc.

2 Nhưng tôi mong rằng, dù không có mặt, tôi dạn dĩ với sự tự tin mà dám lý luận nghịch lại mấy kẻ tưởng như chúng tôi bước đi theo xác thịt.

“Sự tự tin” được nói đến trong câu này là sự tự tin về những khí giới thuộc linh, do Đức Chúa Trời ban cho con dân của Ngài, để họ chống lại mọi kẻ ác và mọi sự ác. Kẻ ác là ma quỷ hoặc loài người chống nghịch Thiên Chúa và con dân của Thiên Chúa. Sự ác là bất cứ hành động nào vi phạm các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa.

Mệnh đề “mấy kẻ tưởng như chúng tôi bước đi theo xác thịt” là nói về vài giáo sư giả tại Cô-rinh-tô và phe đảng của họ chống nghịch Phao-lô và các bạn của ông. Họ tưởng rằng, Phao-lô và các bạn của ông chỉ là một nhóm người bình thường trong xã hội, không có quyền thế, không giàu có tiền bạc, thì không thể nào chống cự được họ.

Nhóm chữ “bước đi theo xác thịt” hàm ý sống theo bản năng và sống bởi khả năng của xác thịt. Đây là sự hiểu lầm của các giáo sư giả về Phao-lô và các bạn của ông. Nhưng Phao-lô và các bạn của ông, cũng như tất cả con dân chân thật của Thiên Chúa, dù đang sống trong thân thể xác thịt và vẫn còn phải đáp ứng bản năng của xác thịt, như: đói thì cần ăn; khát thì cần uống, mệt mỏi thì cần ngủ nghỉ… Nhưng họ không còn sống bởi khả năng của xác thịt mà sống bởi thánh linh, tức là năng lực từ Thiên Chúa. Mọi khả năng của xác thịt trong con dân Chúa đã được đổi mới và thêm lên bởi thánh linh từ Thiên Chúa tuôn tràn trong họ.

3 Vì dù chúng tôi bước đi trong xác thịt, chúng tôi chẳng chinh chiến theo xác thịt.

Chúng ta cần chú ý sự khác nhau giữa hai câu sau đây:

  • “Chúng tôi bước đi theo xác thịt” trong câu 2 là sự hiểu lầm của những kẻ ác.
  • “Chúng tôi bước đi trong xác thịt” trong câu 3 là lời khẳng định của Phao-lô.

Bước đi theo xác thịt là sống theo sự điều khiển của xác thịt, là sống theo bản năng và sống bởi năng lực của xác thịt. Đó là nếp sống của những người không thuộc về Chúa. Bước đi trong xác thịt là sống trong sự điều khiển xác thịt, là vẫn còn sống trong xác thịt, vẫn còn phải đáp ứng những nhu cầu của bản năng; nhưng hành động theo thần trí và hành động bởi thánh linh, tức bởi sức toàn năng từ Thiên Chúa. Đó là nếp sống của những con dân chân thật của Thiên Chúa.

Chính vì hành động theo thần trí và hành động bởi thánh linh mà sự chinh chiến của con dân Chúa chống lại những kẻ ác không theo khả năng của xác thịt.

4 Vì những khí giới dùng trong cuộc chiến tranh của chúng tôi không thuộc về xác thịt. Nhưng đối với Đức Chúa Trời là sức mạnh cho sự triệt hạ các đồn lũy;

5 cho sự triệt hạ các lý luận cùng mọi sự cao tự nổi lên, nghịch lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời; và bắt giữ mọi ý tưởng vào sự vâng phục Đấng Christ;

Cuộc chiến tranh được nói đến ở đây là cuộc chiến tranh thuộc linh, cuộc chiến tranh của sự thiện chống sự ác. Vì thế, toàn bộ khí giới dùng trong cuộc chiến đều là khí giới thuộc linh, đã được Đức Chúa Trời ban cho con dân Chúa, như đã chép:

Ê-phê-sô 6:10-18

10 Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi! Hãy mạnh dạn trong Chúa và trong sức mạnh tể trị của Ngài.

11 Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để các anh chị em có thể đứng vững mà đối phó những mưu kế của Ma Quỷ.

12 Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.

13 Vậy nên, hãy lấy và dùng mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để cho trong ngày khốn khổ, các anh chị em có thể chống nghịch lại, và làm hết mọi sự để đứng vững.

14 Vậy, hãy đứng! Thắt lưng của các anh chị em trong lẽ thật, mặc lấy giáp của sự công bình,

15 chân được ràng buộc trong sự sẵn sàng của Tin Lành bình an.

16 Trên hết mọi sự, lấy thuẫn của đức tin, nhờ đó các anh chị em có thể dập tắt được mọi tên lửa của kẻ dữ.

17 Hãy nhận mão của sự cứu rỗi và gươm của Đấng Thần Linh, là Lời phán của Thiên Chúa.

18 Trong mọi lúc, hãy cầu nguyện với mọi lời cầu nguyện và khẩn xin trong thần trí! Hãy tỉnh thức về điều ấy, và với mọi sự kiên trì mà cầu thay cho tất cả thánh đồ…

Mục đích của Đức Chúa Trời khi ban cho con dân Chúa các vũ khí thuộc linh là để họ:

  • Triệt hạ các đồn lũy của kẻ thù. Động từ “triệt hạ” nói đến sự dùng sức mạnh để phá tan, để san bằng. Các đồn lũy là sự đóng chiếm của ma quỷ trong lý trí lẫn trong thân thể xác thịt, như các ý tưởng ô uế, tội lỗi; các thói hư, tật xấu. Các đồn lũy cũng bao gồm sự cai trị của ma quỷ trong từng địa phương, như một căn nhà, một thôn xóm, một thành phố, một quốc gia.
  • Triệt hạ các lý luận cùng mọi sự cao tự nổi lên, nghịch lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Tất cả những lý luận nghịch lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời đều là ngụy biện hoặc quỷ biện. Ngụy biện là sự biện luận dựa trên những sự kiện hay những dữ liệu dối trá. Quỷ biện là sự ngụy biện bị tác động bởi ma quỷ hoặc bị ảnh hưởng tà giáo. Sự cao tự nổi lên chính là sự kiêu ngạo. Mọi sự ngụy biện, quỷ biện, và kiêu ngạo đều xuất phát từ sự không hiểu biết về Đức Chúa Trời.
  • Bắt giữ mọi ý tưởng vào sự vâng phục Đấng Christ. Động từ “bắt giữ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng để nói đến sự bắt giữ tù binh. Đối với con dân Chúa là khiến cho mọi suy nghĩ của con dân Chúa đều dựa theo sự giảng dạy của Đấng Christ. Mỗi một ý tưởng của con dân Chúa đều hoàn toàn bị bắt phục để con dân Chúa luôn luôn có sự suy tưởng đúng với Lời Chúa, đẹp lòng Chúa. Riêng đối với những kẻ thù, dù họ công nhận hay không, mọi ý tưởng của họ sẽ bị bắt phục bởi các giáo lý của Đấng Christ.

Phao-lô đang đối diện với một cuộc chiến thuộc linh mà một số con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã bị ma quỷ dùng các giáo sư giả để gạt họ và dẫn dụ họ rời xa lẽ thật của Lời Chúa. Phao-lô cho biết, ông sẽ tận dụng các vũ khí của Đức Chúa Trời để chiến đấu và sẽ đắc thắng.

6 Và nắm giữ trong sự sẵn sàng để báo trả mọi sự không vâng phục, khi sự vâng phục của các anh chị em được đầy trọn.

Phao-lô nắm giữ vũ khí của Đức Chúa Trời và thẩm quyền, sẵn sàng để khi con dân Chúa chân thật tại Cô-rinh-tô thể hiện sự vâng phục trọn vẹn, thì ông sẽ thi hành sự đánh đuổi những kẻ ác ra khỏi Hội Thánh.

Cách duy nhất để nhanh chóng thanh tẩy Hội Thánh khi bị ma quỷ cài đặt những kẻ ác vào trong Hội Thánh là con dân Chúa hết lòng vâng phục sự dẫn dắt của người chăn, để lên án kẻ ác và đuổi kẻ ác ra khỏi Hội Thánh. Phao-lô là một sứ đồ vì ông rao giảng Tin Lành và thành lập các Hội Thánh địa phương, nhưng đối với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thì ông cũng là người chăn, vì ông nuôi dưỡng họ bằng Lời Chúa trong suốt một năm rưỡi (Công Vụ Các Sứ Đồ 18:11).

7 Các anh chị em nhìn những sự việc theo bề ngoài sao? Nếu ai tin chính mình thuộc về Đấng Christ, hãy từ chính mình nghĩ lại điều này, rằng như người ấy thuộc về Đấng Christ, chúng tôi cũng thuộc về Đấng Christ.

Phao-lô biết rằng, con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã bị bề ngoài của các giáo sư giả dẫn dụ. Các giáo sư giả có thể là những người có khuôn mặt dễ nhìn, có tài ăn nói, có gia thế danh giá, thậm chí có địa vị và chức quyền trong xã hội. Những kẻ ấy tự xưng là thuộc về Đấng Christ để có thể xâm nhập Hội Thánh. Nhưng Phao-lô muốn nói cho những kẻ ấy biết rằng, nếu họ xưng nhận như vậy thì hãy biết rằng, ông và các bạn của ông cũng xưng nhận ông và các bạn của ông thuộc về Đấng Christ. Hàm ý của Phao-lô là ông và các bạn của ông thật sự thuộc về Đấng Christ nên dễ dàng nhận ra sự giả mạo của họ.

8 Vì nếu ngay cả khi tôi cũng khoe khoang phần nào nhiều hơn về thẩm quyền của chúng tôi mà Chúa đã ban cho chúng tôi, cho sự gây dựng chứ chẳng phải cho sự hủy diệt của các anh chị em, thì tôi sẽ không bị hổ thẹn.

Phao-lô muốn con dân Chúa tại Cô-rinh-tô hiểu rằng, cho dù ông có nói nhiều về thẩm quyền Thiên Chúa đã ban cho ông và các bạn của ông trong sự cai trị và chăn dắt Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, thì ông cũng không bị hổ thẹn. Vì sự nói nhiều hay sự khoe khoang ấy là nhằm gây dựng họ, không nhằm để hủy diệt họ, ngược lại với sự khoe khoang của các giáo sư giả.

Thẩm quyền Chúa ban cho người chăn và các trưởng lão trong Hội Thánh là để gây dựng, không phải để hủy diệt. Cho dù khi người chăn và các trưởng lão buộc phải dứt thông công ai đó, thì cũng có tính cách gây dựng chứ không có tính cách hủy diệt. Vì bởi sự người bị dứt thông công bị ma quỷ làm khổ mà người ấy có thể ăn năn, từ bỏ sự phạm tội, quay về với Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 5:5).

9 Để cho chẳng giống như tôi muốn dọa các anh chị em bằng các lá thư.

Vì mọi sự Phao-lô làm ra cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đều là có tính cách gây dựng nên nội dung các lá thư của ông, dù có nghiêm khắc tới đâu, cũng không phải là lời đe dọa con dân Chúa.

10 Có người nói rằng, các lá thư thật nặng lời và mạnh mẽ; nhưng sự hiện diện của thân thể thì yếu đuối, và lời nói chẳng đáng gì.

11 Kẻ như vậy hãy nghĩ điều này, rằng lời trong các lá thư thế nào, khi chúng tôi vắng mặt; thì hành động cũng như vậy, khi chúng tôi có mặt.

“Thân thể thì yếu đuối” có lẽ nói đến sự bệnh tật trong thể xác của Phao-lô, điều mà ông đã ba lần cầu xin Chúa cất khỏi, nhưng Chúa đã không nhận lời cầu xin của ông (II Cô-rinh-tô 12:8-10).

“Lời nói chẳng đáng gì” hàm ý, lời nói không có uy lực, không khiến cho người ta kính sợ và vâng theo.

Trong số những người đọc các lá thư Phao-lô gửi cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, có một số người nhận xét rằng, lời lẽ trong các lá thư quở trách cách nặng nề và mạnh mẽ, không tương xứng với dáng dấp và cách nói của Phao-lô, khi ông có mặt với họ. Chính Phao-lô cũng đã xác nhận rằng:

“Tôi đã ở với các anh chị em trong sự đau yếu, trong sợ hãi, và trong sự run rẩy lắm.” (I Cô-rinh-tô 2:3).

Phao-lô đã ở bên cạnh con dân Chúa tại Cô-rinh-tô trong suốt 18 tháng. Vì thế, họ rất là quen thuộc với ngoại hình của ông và cách nói chuyện của ông. Chi tiết về sự đau yếu, sự sợ hãi, và sự run rẩy của Phao-lô, xin quý ông bà anh chị em đọc lại “Chú Giải I Cô-rinh-tô 2:1-8” đã được đăng trên timhieuthanhkinh.com [1]. Trong thời gian Phao-lô ở bên cạnh con dân Chúa tại Cô-rinh-tô thì họ chỉ nghe ông rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa. Khi đó chưa có những nan đề và tội lỗi xảy ra trong Hội Thánh nên họ chưa kinh nghiệm sự nghiêm khắc của Phao-lô.

Phao-lô khẳng định, khi ông và các bạn của ông trở lại Cô-rinh-tô, thì ông và các bạn của ông sẽ hành động nghiêm khắc, như lời đã viết trong thư.

Là con dân của Chúa, chúng ta thường kinh nghiệm sự từ ái và những sự thương xót của Chúa. Vì những sự thương xót của Ngài luôn tươi mới mỗi ngày:

“Bởi sự từ ái của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu mà chúng ta không bị tiêu diệt. Vì những sự thương xót của Ngài chẳng dứt; chúng tươi mới mỗi buổi sáng. Sự thành tín của Ngài là lớn lắm.” (Ca Thương 3:22-23).

Nhưng nếu chúng ta cứng lòng, phạm tội thì sự hình phạt của Ngài cũng rất nghiêm khắc:

“Vì chúng ta biết Đấng đã phán: Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo trả! Chúa phán vậy. Lại phán: Chúa sẽ phán xét dân của Ngài. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35-36; Thi Thiên 135:14] Sa vào tay Thiên Chúa Hằng Sống là sự đáng kinh khiếp thay!” (Hê-bơ-rơ 10:30-31).

Mọi sự thi hành kỷ luật trong Hội Thánh, nếu được làm ra trong danh Chúa và đúng theo Lời Chúa, thì đều là sự phán xét và hình phạt nghiêm khắc của Chúa trên kẻ phạm tội mà không chịu ăn năn.

12 Vì chúng tôi không dám đánh giá hoặc so sánh chính mình với những kẻ tự phô trương. Nhưng họ tự đo lường chính họ và so sánh họ với họ một cách không hiểu biết.

Phao-lô không tự làm mất đi phẩm chất và địa vị cao quý của ông cùng các bạn của ông, là phẩm chất và địa vị của những người phụng sự Chúa trong chức vụ Chúa giao phó, bằng cách đánh giá hoặc so sánh chính mình với những giáo sư giả và những tiên tri giả. Những kẻ ấy vốn không thật sự thuộc về Chúa. Họ chỉ là những kẻ mạo nhận là con dân Chúa, là sói đội lốt chiên (Ma-thi-ơ 7:15), xâm nhập Hội Thánh để đánh phá Hội Thánh. Chính họ không có sự hiểu biết gì về Đức Chúa Trời và họ thường tự đánh giá chính mình, thường tự so sánh lẫn nhau để tự tôn cao bản thân.

13 Nhưng chúng tôi sẽ chẳng khoe khoang tới quá mức, chỉ theo mức độ của sự chuẩn mực, mà Đức Chúa Trời của mức độ đã phân phát cho chúng tôi để cũng đến với các anh chị em.

Tính từ “quá mức” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là không có giới hạn.

Danh từ “mức độ” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa đen là một dụng cụ dùng trong đo lường, như một cây thước, một thùng đong; có nghĩa bóng là phần có giới hạn hoặc tiêu chuẩn xét đoán.

Danh từ “sự chuẩn mực” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa đen là cây thước để đo độ dài và độ thẳng hoặc một khu vực được giới hạn trong thẩm quyền của một người. Nghĩa bóng là luật lệ, tiêu chuẩn áp dụng trong cuộc sống, trong sự hành xử, trong sự điều tra, hoặc trong sự phán xét.

Phao-lô khẳng định, sự khoe khoang của ông và các bạn của ông không phải là sự khoe khoang tùy tiện, vô giới hạn. Nhưng đó là sự khoe khoang có giới hạn về tiêu chuẩn sống và hành động mà Đức Chúa Trời đã phân phát cho ông và các bạn của ông; để qua đó, ông và các bạn của ông truyền lại cho con dân Chúa.

14 Vì chúng tôi chẳng vượt quá chính mình, như chúng tôi không đến với các anh chị em. Vì chúng tôi cũng đã đến với các anh chị em với Tin Lành của Đấng Christ.

“Vượt quá chính mình” có nghĩa là vượt quá sự ban cho của Đức Chúa Trời, vượt quá mức độ Đức Chúa Trời đã định cho Phao-lô và các bạn của ông trong mục vụ. Nghĩa là Phao-lô và các bạn của ông không làm điều gì theo ý riêng, mà mọi sự họ làm là do Đức Thánh Linh tác động trong họ để họ vừa muốn, vừa làm theo thánh ý của Thiên Chúa (Phi-líp 2:13). Chính vì thế mà Phao-lô và các bạn của ông chưa trở lại Cô-rinh-tô trong thời điểm ông đang viết thư II Cô-rinh-tô, dù lòng ông nôn nóng sớm gặp lại con dân Chúa tại đó.Trong thực tế, trước đó Đức Chúa Trời đã sai ông và các bạn của ông đến Cô-rinh-tô, để giảng Tin Lành và xây dựng Hội Thánh tại đó suốt 18 tháng.

15 Chúng tôi không khoe khoang tới quá mức, với những sự lao động của những người khác. Nhưng chúng tôi có lòng hy vọng rằng, đức tin của các anh chị em được thêm lên giữa các anh chị em, lớn lên tới dư dật theo sự chuẩn mực của chúng tôi.

Một lần nữa, Phao-lô lập lại rằng, ông và các bạn của ông không khoe khoang quá mức, nhưng lần này là Phao-lô nói về sự khoe khoang trên công sức lao động của những người khác. Công sức lao động của những người khác được nói đến ở đây là sự kết quả rao giảng Tin Lành của nhiều người khác trong xứ A-chai, như của A-bô-lô. Lời của Phao-lô hàm ý, ông và các bạn của ông không phủ nhận kết quả rao giảng Tin Lành của những người khác và cũng không nhận vơ kết quả ấy cho ông và các bạn của ông.

Điều Phao-lô và các bạn của ông mong muốn là đức tin của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô ngày càng lớn lên một cách dư dật theo tiêu chuẩn của ông và các bạn của ông, tức là theo nguyên tắc Đức Chúa Trời đã ban cho ông và các bạn của ông để truyền lại cho họ.

16 Để chúng tôi có thể giảng Tin Lành tới những vùng xa hơn của các anh chị em; không khoe khoang trong sự lao động của người khác cho những sự đã làm sẵn.

Khi Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã được lớn mạnh, vững vàng trong đức tin thì Phao-lô và các bạn của ông sẽ tiếp tục rao giảng Tin Lành ở những vùng xa hơn xứ A-chai. Bởi đó, Phao-lô và các bạn của ông khi khoe khoang về mục vụ thì sẽ không phạm đến công lao của những người khác. Ý của Phao-lô là nhiều thành phố trong xứ A-chai lúc bấy giờ đã có những người rao giảng Tin Lành. Dù có thể chưa có người tin nhận Tin Lành nhưng sự rao giảng Tin Lành của những người đó cũng giống như sự khai hoang một vùng đất. Nếu Phao-lô và các bạn của ông đến giảng Tin Lành tại những nơi đó và có người tin Chúa thì cũng là nhờ đã có những người đi trước dọn đường. Và sự khoe khoang về kết quả mục vụ của Phao-lô và các bạn của ông sẽ thành ra sự khoe khoang trong sự lao động của người khác.

17 Nhưng ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa. [Giê-rê-mi 9:24; I Cô-rinh-tô 1:31]

Phao-lô nhắc lại lời đã viết trong thư I Cô-rinh-tô. Chúng ta được phép khoe mình nhưng phải khoe mình trong Chúa. Chúng ta khoe mình trong Chúa bằng những lời cảm tạ, tôn vinh Chúa để nói lên những sự giàu có vô lượng, vô biên mà Ngài đã ban cho chúng ta. Quý ông bà anh chị em có thể đọc lại bài “Chú Giải I Cô-rinh-tô 1:18-31” đã được đăng trên timhieuthanhkinh.com về các chi tiết của sự khoe mình trong Chúa [2]. Chúng ta có thể khoe khoang về thành quả mọi việc lành của chúng ta trong tinh thần vui mừng và cảm tạ Chúa, vì những việc lành đã được làm thành và đem lại nhiều kết quả, chiếu ra sự vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta không khoe khoang thành tích để tự tôn cao chúng ta, tìm kiếm sự vinh quang cho chúng ta. Vì chúng ta chỉ là công cụ trong tay Chúa để làm thành những việc lành của Ngài (Rô-ma 6:13).

18 Vì chẳng phải người tự phô trương là người được tiếp nhận, mà người do Chúa phô trương.

Sự tự phô trương là một hình thức của sự khoe khoang về mình, tìm kiếm sự khen ngợi từ người khác. Sự tự khoe khoang để tìm kiếm vinh quang cho bản thân là hành động thể hiện sự kiêu ngạo. Đức Chúa Trời chống cự những kẻ kiêu ngạo (Gia-cơ 4:6; I Phi-e-rơ 5:5). Vì thế không bao giờ Đức Chúa Trời tiếp nhận những kẻ tự phô trương.

Nhưng đối với những người hạ mình, khiêm nhường, trung tín phụng sự Chúa thì Đức Chúa Trời tiếp nhận họ và phô trương họ trước các thiên sứ và loài người. Có khi Đức Chúa Trời dùng những nghịch cảnh để phô trương người mà Ngài tiếp nhận. Điển hình là trường hợp Đức Chúa Trời phô trương ông Gióp, Giô-sép, Tiên Tri Đa-ni-ên và ba người bạn của ông.

Mong rằng, những gì chúng ta học được qua II Cô-rinh-tô đoạn 10 sẽ giúp cho chúng ta biết khoe mình trong Chúa, biết bênh vực chính mình bằng các khí giới Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Riêng đối với các trưởng lão thì học được bài học luôn hạ mình khiêm nhường, nhưng cũng nghiêm khắc trong sự thi hành kỷ luật trong Hội Thánh.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
19/12/2020

Ghi Chú

Các định nghĩa từ ngữ trong bài này là theo ý nghĩa trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp của Thánh Kinh: https://thewordtoyou.net/dictionary/

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-co-rinh-to-21-8-khai-niem-sai-lam-ve-su-giang-tin-lanh/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-co-rinh-to-118-31-khai-niem-sai-lam-ve-tin-lanh/

Karaoke Thánh Ca: “Cùng Ra Đi đến Bao Miền Đất Nước”
https://karaokethanhca.net/cung-ra-di-den-bao-mien-dat-nuoc/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.