Chú Giải II Cô-rinh-tô 01:01-11 Cha của Sự Thương Xót và Thiên Chúa của Mọi Sự An Ủi

2,779 views

YouTube: https://youtu.be/g2G0OnVnhmM

Chú Giải II Cô-rinh-tô 1:1-11
Cha của Sự Thương Xót và Thiên Chúa của Mọi Sự An Ủi

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 1:1-11

1 Phao-lô, theo ý muốn của Thiên Chúa, làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, cùng người anh em cùng Cha của chúng ta là Ti-mô-thê, gửi cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở tại thành Cô-rinh-tô cùng hết thảy những thánh đồ ở trong khắp xứ A-chai.

2 Nguyện ân điển và sự bình an từ Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ ở với các anh chị em!

3 Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta; Cha của Sự Thương Xót và Thiên Chúa của Mọi Sự An Ủi;

4 Đấng an ủi chúng tôi trong mọi sự khốn khổ của chúng tôi, để cho chúng tôi có thể an ủi những người ở trong mọi sự khốn khổ, bằng sự an ủi mà chính mình chúng tôi được an ủi bởi Đức Chúa Trời.

5 Vì như những sự đau đớn của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi, thì cũng vậy, sự an ủi của chúng tôi qua Đấng Christ cũng chan chứa trong chúng tôi.

6 Hoặc chúng tôi bị khốn khổ vì sự an ủi và sự cứu rỗi của các anh chị em; là sự tác động trong sự các anh chị em chịu đựng cùng những sự khốn khổ mà chúng tôi cũng trải nghiệm. Hoặc chúng tôi được an ủi vì sự an ủi và sự cứu rỗi của các anh chị em.

7 Sự hy vọng của chúng tôi về các anh chị em là vững vàng; biết rằng, như các anh chị em là những người dự phần những sự đau đớn thì cũng là những người dự phần sự an ủi.

8 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng tôi không muốn các anh chị em chẳng biết về sự khổ nạn của chúng tôi, là sự đã đến với chúng tôi trong xứ A-si, mà chúng tôi đã bị ép quá mức, quá sức, đến nỗi chúng tôi mất hy vọng về mạng sống.

9 Chính chúng tôi có án chết trong chúng tôi để cho chúng tôi không trông cậy nơi chúng tôi; nhưng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, Đấng làm sống lại những kẻ chết;

10 Đấng đã giải cứu chúng tôi khỏi sự chết rất lớn và vẫn giải cứu. Trong Ngài, chúng tôi trông cậy rằng, Ngài vẫn giải cứu chúng tôi.

11 Sự tương trợ của các anh chị em dành cho chúng tôi là lời cầu thay để nhờ nhiều người mà ơn giải cứu ban cho chúng tôi, qua lời tạ ơn được dâng lên thay cho chúng tôi bởi nhiều người.

Một trong những ơn phước lớn nhất mà loài người có được đó là được Đấng Thiên Chúa Toàn Năng làm Cha của mình. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên muôn loài vạn vật, nên Thiên Chúa là Cha và là chủ của muôn loài về phương diện sáng tạo. Nhưng riêng đối với loài người thì Thiên Chúa còn là Cha của loài người, vì loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa. Chính Thánh Kinh xác nhận loài người là con của Đức Chúa Trời:

“Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất! Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài. Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa. Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ.” (Sáng Thế Ký 1:26-27).

“Cai-nam con của Ê-nót; Ê-nót con của Sết; Sết con của A-đam; A-đam con của Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 3:38).

Được dựng nên theo hình của Thiên Chúa là được dựng nên với đầy đủ các đức tính của Thiên Chúa; là yêu thương, thánh khiết, và công chính. Được dựng nên theo tượng của Thiên Chúa là được dựng nên theo thân thể vật chất và thân thể thiêng liêng của Thiên Chúa. Thân thể vật chất của Thiên Chúa được thể hiện qua thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ. Thân thể thiêng liêng của loài người là tâm thần của loài người ra từ tâm thần của Thiên Chúa (Sáng Thế Ký 2:7), nên tâm thần của loài người giống như tâm thần của Thiên Chúa. Xin quý ông bà anh chị em đọc và nghe bài giảng “Chú Giải Sáng Thế Ký 1:26-31” [1].

Sau khi loài người phạm tội vì không vâng phục Thiên Chúa, bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, bị mất luôn địa vị làm con của Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời đã ban cho loài người sự cứu rỗi ra khỏi hậu quả của tội lỗi. Sự cứu rỗi loài người ra khỏi hậu quả của tội lỗi là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã nhập thế làm người, mang tên Jesus, gánh thay cho loài người án phạt của tội lỗi, bằng cách chịu bị đóng đinh và chết trên thập tự giá. Bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, thì người ấy được Đức Chúa Trời tha tội, được Ngài tái sinh thành một người mới, và được Ngài phục hồi địa vị làm con của Ngài.

Một người được tái sinh bởi Đức Chúa Trời, được phục hồi địa vị làm con của Ngài, thì được gọi Ngài là Cha và được Ngài gọi là con trai hoặc con gái của Ngài (II Cô-rinh-tô 6:18). Người ấy có một Cha ở trên trời là Đức Chúa Trời, là Thiên Chúa Toàn Năng. Và chính Đấng Thiên Chúa Toàn Năng ấy cũng là Đấng an ủi người ấy trong mọi cảnh ngộ đau buồn của cuộc sống, khi người ấy còn sống trong thân thể xác thịt, giữa cuộc đời này.

II Cô-rinh-tô 1:3-13 giúp cho chúng ta hiểu được lẽ thật: Đức Chúa Trời là Cha Thương Xót của chúng ta; đối với chúng ta, Ngài còn là Thiên Chúa của Mọi Sự An Ủi. Chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của từng câu, nhưng trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu phần mở đầu của thư II Cô-rinh-tô, trong II Cô-rinh-tô 1:1-2.

1 Phao-lô, theo ý muốn của Thiên Chúa, làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, cùng người anh em cùng Cha của chúng ta là Ti-mô-thê, gửi cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở tại thành Cô-rinh-tô cùng hết thảy những thánh đồ ở trong khắp xứ A-chai.

Phao-lô mở đầu thư II Cô-rinh-tô bằng lời tự giới thiệu tên và chức vụ sứ đồ của ông. Ông khẳng định rằng, ông là sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ, và ông làm sứ đồ của Đấng Christ là theo ý muốn của Thiên Chúa. Khi Phao-lô dùng cách nói, “Phao-lô, theo ý muốn của Thiên Chúa, làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ”, là ông muốn nói rằng, ông làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ theo ý muốn của Ba Ngôi Thiên Chúa. Có nghĩa là: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh đều muốn ông làm sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ. Đức Chúa Trời đã định sẵn và biệt riêng ông cho chức vụ sứ đồ; Đức Chúa Jesus Christ đã đích thân kêu gọi ông vào chức vụ sứ đồ; và Đức Thánh Linh đã ban cho ông năng lực để ông làm tròn nhiệm vụ sứ đồ.

Chúng ta đã học biết, “sứ đồ” có nghĩa là người được sai đi để thi hành một nhiệm vụ. Sứ đồ của Đức Chúa Jesus Christ là người được Đức Chúa Jesus Christ sai đi để thi hành nhiệm vụ rao giảng Tin Lành trong thế gian, thành lập các Hội Thánh địa phương, và giảng dạy Lời Chúa cho con dân Chúa.

Ti-mô-thê là người được Phao-lô giảng dạy về Lời Chúa cho và cũng là người đồng công với Phao-lô trong chức vụ sứ đồ. Ti-mô-thê được nêu tên như là người cùng với Phao-lô viết thư II Cô-rinh-tô; có lẽ là vì Phao-lô đã cùng Ti-mô-thê cầu nguyện và thảo luận về nội dung của thư, trước khi thư được viết ra. Điều đó cũng hàm ý, trong tiến trình viết thư, Phao-lô cũng sẵn sàng tiếp nhận mọi lời góp ý của Ti-mô-thê.

Những người nhận thư là con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô và hết thảy con dân Chúa trong tỉnh A-chai.

2 Nguyện ân điển và sự bình an từ Thiên Chúa, Cha của chúng ta, và từ Đức Chúa Jesus Christ ở với các anh chị em!

Ân điển của Thiên Chúa là sự tốt lành Thiên Chúa ban cho chúng ta, dù chúng ta không xứng đáng để được ban cho. Sự bình an là sự không lo lắng, không sợ hãi, không nghi ngờ trong mọi cảnh ngộ; vì biết chắc Thiên Chúa yêu mình, tha thứ sự vi phạm của mình; và Ngài chỉ cho phép những gì tốt nhất xảy đến với mình. Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta. Ngài gọi chúng ta là những con trai và những con gái của Ngài. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những sự tốt lành, còn gọi là đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự bình an vượt mọi sự hiểu biết của loài người.

“Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng đã ban phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời.” (Ê-phê-sô 1:3).

“Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng của các anh chị em trong Đấng Christ Jesus.” (Phi-líp 4:7).

Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, nên trong Ngài đầy dẫy ân điển và lẽ thật. Chúng ta được nhận lãnh ân điển từ Đức Chúa Jesus Christ cách không ngừng nghỉ. Chính Đức Chúa Jesus Christ cũng ban cho chúng ta sự bình an của Ngài. Sự bình an của Đức Chúa Jesus Christ là sự bình an đến từ một người kinh nghiệm sự cám dỗ, sự khó nghèo, sự bất công, sự đau đớn, sự tủi nhục, và sự chết.

“Ngôi Lời đã chịu trở nên xác thịt và đã đóng trại giữa chúng ta. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài; sự vinh quang như của Con Một đến từ Cha, đầy dẫy ân điển và lẽ thật.” (Giăng 1:14).

“Từ sự đầy dẫy của Ngài, mỗi chúng ta đã nhận, và ân điển càng thêm ân điển.” (Giăng 1:16).

“Ta để sự bình an lại cho các ngươi. Ta ban cho các ngươi sự bình an của Ta. Ta ban cho các ngươi chẳng phải như thế gian cho. Đừng để lòng của các ngươi bối rối và cũng đừng để nó sợ hãi.” (Giăng 14:27).

Sự bình an của Đức Chúa Jesus Christ ban cho chúng ta là sự bình an mà thế gian không thể có và cũng không thể hiểu.

3 Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta; Cha của Sự Thương Xót và Thiên Chúa của Mọi Sự An Ủi;

Cách nói “Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta” nhấn mạnh đến phương diện nhân tính của Đấng Christ. Trong thân vị Thiên Chúa, Đấng Christ là Thiên Chúa Ngôi Lời, đồng tự có và đồng có mãi, bình đẳng, bình quyền với Đức Chúa Trời và Đấng Thần Linh. Nhưng trong thân vị loài người, Đấng Christ là một người tên Jesus, được Đức Chúa Trời sinh ra cách mầu nhiệm trong lòng trinh nữ Ma-ri. Vì thế, trong thân vị loài người, Đấng Christ tôn thờ và vâng phục Đức Chúa Trời. Cũng trong thân vị loài người, Đấng Christ là Anh Cả của mọi con dân Chúa, của những người được tái sinh cách mầu nhiệm bởi Đức Chúa Trời.

“Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

Đức Chúa Trời là Cha của những ai tin kính và vâng phục Ngài, vì họ được Ngài tái sinh thành những người mới và phục hồi địa vị làm con của Đức Chúa Trời cho họ. Nhưng Đức Chúa Trời còn là Cha Thương Xót của họ; vì Ngài đồng cảm và có lòng tốt đối với những kẻ yếu đuối, lỡ lầm. Bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời mà Ngài tha tội cho chúng ta, dù chúng ta nhiều lần yếu đuối hoặc khờ dại mà vấp ngã, phạm tội trên bước đường theo Chúa.

Đức Chúa Trời là Thiên Chúa nhưng Ngài còn là Thiên Chúa của Mọi Sự An Ủi đối với con dân của Ngài. Đang khi chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt giữa cuộc đời này thì chúng ta vẫn còn phải chịu khổ vì danh Chúa và chịu khổ vì sự yếu đuối, tàn tạ của thân thể xác thịt. Chính vì những sự chịu khổ đó mà chúng ta cần có những sự an ủi, khích lệ. Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta nên Ngài đương nhiên là Đấng an ủi chúng ta. Vì Ngài là Thiên Chúa nên chúng ta có sự an ủi từ Đấng Toàn Năng. Ngài có thể an ủi chúng ta trong mọi sự, tức trong mọi cảnh ngộ. Ngài không chỉ an ủi chúng ta bằng lời phán của Ngài mà còn bằng những phép lạ, là những việc làm quyền năng của Ngài. Ngài còn an ủi chúng ta bằng sự khai sáng trong thần trí của chúng ta để chúng ta hiểu rõ ý nghĩa của sự chúng ta đang phải chịu khổ, mà được bình an và vui mừng trong khi chịu khổ.

4 Đấng an ủi chúng tôi trong mọi sự khốn khổ của chúng tôi, để cho chúng tôi có thể an ủi những người ở trong mọi sự khốn khổ, bằng sự an ủi mà chính mình chúng tôi được an ủi bởi Đức Chúa Trời.

Ngoài sự Đức Chúa Trời trực tiếp an ủi chúng ta, Ngài còn dùng những anh chị em cùng Cha của chúng ta an ủi chúng ta. Họ là những người đã qua nhiều sự khốn khổ hơn chúng ta và được kinh nghiệm sự an ủi của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta được sự an ủi của Đức Chúa Trời trong mọi sự chịu khổ của chúng ta, thì chúng ta cũng có năng lực để an ủi những người khác đang ở trong những sự khốn khổ của họ.

Sự an ủi từ Đức Chúa Trời khác với sự an ủi của loài người. Sự an ủi từ Đức Chúa Trời có sức mạnh toàn năng của Thiên Chúa ban cho những người được an ủi, khiến họ có năng lực để chịu khổ và khiến họ vui mừng trong sự chịu khổ, vì hiểu rõ ý nghĩa của sự chịu khổ. Là con dân Chúa, khi chúng ta an ủi người khác, đừng theo cách của thế gian, nhưng chúng ta hãy dùng chính sự an ủi của Đức Chúa Trời mà chúng ta đã kinh nghiệm từ trong sự chịu khổ của chúng ta.

5 Vì như những sự đau đớn của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi, thì cũng vậy, sự an ủi của chúng tôi qua Đấng Christ cũng chan chứa trong chúng tôi.

Bản thân Đấng Christ đã chịu những sự đau đớn để gánh thay chúng ta hình phạt dành cho những sự phạm tội của chúng ta. Những người tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, trở thành những chi thể của thân Ngài, đều bị bách hại vì đức tin. Những sự đau đớn của họ cũng chính là những sự đau đớn của Đấng Christ; vì họ là chi thể của thân Ngài.

“Những sự đau đớn của Đấng Christ chan chứa trong chúng tôi” có nghĩa là những sự đau đớn để hoàn thành sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa đối với loài người đã từ Đấng Christ tuôn tràn đến những ai tin nhận Ngài, trở thành môn đồ của Ngài; khiến cho họ cũng chịu những sự đau đớn như Đấng Christ để chiếu ra tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Thiên Chúa.

Con dân Chúa gánh chịu những sự đau đớn vì danh Chúa nhiều như thế nào thì cũng được hưởng sự an ủi của Đức Chúa Trời qua Đấng Christ nhiều như thế ấy. Vì thế, chúng ta luôn đứng vững trong mọi nghịch cảnh, đắc thắng mọi cám dỗ và thử thách, miễn là chúng ta vững lòng tin cậy nơi Chúa.

“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Sự an ủi của Đức Chúa Trời đến với con dân Chúa qua Đấng Christ, vì mỗi con dân Chúa là một chi thể trong thân thể của Đấng Christ.

6 Hoặc chúng tôi bị khốn khổ vì sự an ủi và sự cứu rỗi của các anh chị em; là sự tác động trong sự các anh chị em chịu đựng cùng những sự khốn khổ mà chúng tôi cũng trải nghiệm. Hoặc chúng tôi được an ủi vì sự an ủi và sự cứu rỗi của các anh chị em.

Đối với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, sự chịu khổ của Phao-lô và các bạn của ông trong công tác rao giảng Tin Lành cho họ và khiến cho họ trở nên những chi thể của Đấng Christ, là để họ được hưởng sự an ủi của Đức Chúa Trời, trong khi họ chịu khổ vì danh Chúa; và để họ được sự cứu rỗi.

Phao-lô và các bạn của ông đã chịu khốn khổ trên hành trình đến Cô-rinh-tô và đang khi ở tại đó. Sự chịu khổ của Phao-lô và các bạn của ông còn là nỗi khổ khi nghe biết những điều không tốt lành trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô.

Nhờ sự chịu khổ của Phao-lô và các bạn của ông mà mỗi người trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô được thông hiểu Lời Chúa, được an ủi trong sự chịu khổ vì danh Chúa, và được hưởng sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Sự chịu khổ của Phao-lô và các bạn của ông đối với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là tấm gương sáng, giúp cho họ được an ủi khi họ chịu cùng một sự bách hại vì đức tin. Đó là sự chịu khổ của Phao-lô và các bạn của ông tác động trong sự chịu khổ vì danh Chúa của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô.

Phao-lô và các bạn của ông cũng được an ủi khi thấy con dân Chúa tại Cô-rinh-tô được an ủi và được cứu rỗi. Nói cách khác, kết quả sự chịu khổ của Phao-lô và các bạn của ông chính là niềm an ủi cho sự chịu khổ của họ.

7 Sự hy vọng của chúng tôi về các anh chị em là vững vàng; biết rằng, như các anh chị em là những người dự phần những sự đau đớn thì cũng là những người dự phần sự an ủi.

Dù trong cảnh ngộ nào, cảnh ngộ chịu khổ vì con dân Chúa tại Cô-rinh-tô hay cảnh ngộ được an ủi khi thấy con dân Chúa tại Cô-rinh-tô được an ủi và được cứu rỗi, thì lòng hy vọng của Phao-lô và các bạn của ông đối với họ là vững vàng. Lòng hy vọng đó là sự trông mong cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô sẽ trung tín với Chúa cho đến chết và nhận được sự sống đời đời. Phao-lô và các bạn của ông nhận biết rằng, bất cứ ai đã trở thành chi thể của Đấng Christ, được tháp nhập vào trong Hội Thánh, dự phần chịu khổ vì danh Chúa thì người ấy cũng dự phần trong sự được an ủi. Sự an ủi lớn nhất và sau cùng là sự được ban cho sự sống đời đời trong Vương Quốc Trời.

8 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Chúng tôi không muốn các anh chị em chẳng biết về sự khổ nạn của chúng tôi, là sự đã đến với chúng tôi trong xứ A-si, mà chúng tôi đã bị ép quá mức, quá sức, đến nỗi chúng tôi mất hy vọng về mạng sống.

Phao-lô muốn cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô biết về sự ông và các bạn của ông đã chịu sự khổ nạn lớn trong miền Tiểu Á. Công Vụ Các Sứ Đồ 14 ghi lại sự kiện tại thành Lít-trơ, Phao-lô đã bị những người theo Do-thái Giáo ném đá ông. Tưởng ông đã chết, chúng kéo ông đem bỏ ngoài thành. Công Vụ Các Sứ Đồ 19 ghi lại sự kiện người thợ bạc tên Đê-mê-triu tại thành Ê-phê-sô đã gây ra một cơn bạo loạn lớn, chống lại sự rao giảng Tin Lành của Phao-lô và các bạn của ông. Công Vụ Các Sứ Đồ 20 ghi lại âm mưu hãm hại Phao-lô của những người theo Do-thái Giáo. Ngoài ra, còn sự kiện Phao-lô phải chống cự với dã thú ở ngoại thành Ê-phê-sô hoặc những kẻ chống đối ông, như hàm ý trong I Cô-rinh-tô 15:32.

“Quá sức” là quá sức chịu đựng bình thường của một người, khiến cho cần phải có sự thêm sức từ Chúa để có thể tiếp tục chịu đựng. Đức Chúa Jesus Christ cũng từng bị đau lòng quá sức, cần được thiên sứ thêm sức (Lu-ca 22:43). Cho dù khi chúng ta chịu thử thách hoặc cám dỗ quá sức chịu đựng bình thường thì Chúa cũng sẽ thêm sức cho chúng ta, để chúng ta có đủ sức chịu đựng. Chính vì thế mà Đức Thánh Linh đã dạy rằng:

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Chỉ cần chúng ta vững tin nơi Lời Chúa thì chúng ta sẽ có đủ năng lực để chịu khổ vì danh Chúa.

“Mất hy vọng về mạng sống” có nghĩa là nghĩ rằng, đã đến lúc phải chết.

9 Chính chúng tôi có án chết trong chúng tôi để cho chúng tôi không trông cậy nơi chúng tôi; nhưng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, Đấng làm sống lại những kẻ chết;

“Có án chết” vừa nói đến án chết dành cho sự phạm tội, như Đức Chúa Trời đã tuyên phán trong Sáng Thế Ký 2:17; vừa có nghĩa là án chết cho bản tính tội lỗi do chính mỗi người theo Chúa lên án cho thân thể xác thịt của mình, theo lời kêu gọi của Đức Thánh Linh:

“Vậy, hãy làm chết các chi thể của các anh chị em, là những sự ở trên đất: tà dâm, ô uế, tình cảm xấu xa, tham muốn độc ác, và tham lam, ấy là sự thờ hình tượng.” (Cô-lô-se 3:5).

Khi một người nhận thức rằng, mình đã chết, dù là chết thuộc thể hay chết thuộc linh, thì người ấy không còn trông cậy nơi chính mình, mà chỉ có thể trông cậy nơi Đức Chúa Trời là Đấng làm sống lại những kẻ đã chết, từ thuộc thể đến thuộc linh.

10 Đấng đã giải cứu chúng tôi khỏi sự chết rất lớn và vẫn giải cứu. Trong Ngài, chúng tôi trông cậy rằng, Ngài vẫn giải cứu chúng tôi.

Bất cứ ai tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời đều được Ngài giải cứu khỏi sự chết lớn, là sự chết đời đời trong hỏa ngục. Tiếp theo đó, Ngài vẫn giải cứu họ khỏi những nguy hiểm về sự chết của thân thể xác thịt, dù là do thiên tai hay do hoạn nạn gây ra bởi kẻ thù. Khi đến thời điểm thân thể xác thịt của họ phải chết theo thánh ý của Ngài, thì Ngài sẽ cho phép sự chết xảy ra, nhưng Ngài sẽ làm cho thân thể xác thịt của họ được sống lại từ trong sự chết.

11 Sự tương trợ của các anh chị em dành cho chúng tôi là lời cầu thay để nhờ nhiều người mà ơn giải cứu ban cho chúng tôi, qua lời tạ ơn được dâng lên thay cho chúng tôi bởi nhiều người.

“Tương trợ” là cùng cứu giúp lẫn nhau. Sự tương trợ lớn nhất mà con dân Chúa có thể làm ngay cho nhau trong mọi nơi, mọi lúc là dâng lời cầu thay cho nhau. Mỗi khi chúng ta nghe biết về những sự khốn khổ xảy ra cho anh chị em cùng Cha, thì chúng ta nên lập tức dâng lời cầu thay. Rồi kế đến là làm bất cứ điều gì có thể làm để chia xẻ sự khốn khổ của anh chị em của mình. Lời Chúa dạy: “Lòng sốt sắng khẩn xin của người công bình, thật có linh nghiệm nhiều.” (Gia-cơ 5:16b). Trong câu 11 này, chúng ta học biết rằng, Phao-lô và các bạn của ông đã nhận được ơn giải cứu ra khỏi những sự nguy hiểm nhờ lời cầu thay của nhiều con dân Chúa. Trong lời cầu thay đó, có lời tạ ơn con dân Chúa dâng lên Chúa thay cho Phao-lô và các bạn của ông.

Chúng ta được nhắc nhở rằng, dù là khi cầu xin được Chúa cứu giúp trong cơn hoạn nạn, chúng ta cũng không nên quên dâng lời cảm tạ Ngài, về sự Ngài cho phép mọi sự xảy ra trong đời sống của chúng ta và của các anh chị em cùng Cha của chúng ta. Vì nếu Chúa không cho phép thì ngay cả một con chim sẻ cũng không rơi xuống đất (Ma-thi-ơ 10:29), huống chi là những sự hoạn nạn xảy ra cho con dân Chúa. Chúng ta cần phải học thuộc lòng mấy câu Thánh Kinh sau đây:

“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài.” (Rô-ma 8:28).

“Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng của các anh chị em trong Đấng Christ Jesus.” (Phi-líp 4:6-7).

“Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Mấy câu Thánh Kinh trên cũng chính là lời an ủi của Chúa ban cho chúng ta, khi chúng ta đối diện với mọi nghịch cảnh. Cho dù chúng ta phải đối diện với thử thách, cám dỗ, sự bị bách hại đức tin, bị đối xử bất công, khó nghèo, ốm đau, bệnh tật, hay ngay cả sự chết, thì Lời Chúa sẽ an ủi chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Lời Chúa sẽ giúp cho chúng ta đứng vững trong đức tin mà chịu khổ vì danh Chúa, cho đến cuối cùng.

Cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài đã ban cho chúng ta Lời Hằng Sống của Ngài để chúng ta được biết và hiểu rằng, Đức Chúa Trời là Cha Thương Xót của chúng ta; và đối với chúng ta, Ngài cũng chính là Thiên Chúa của Mọi Sự An Ủi. Vì thế, chúng ta được an lòng và vui mừng chịu khổ vì danh Chúa, với lòng biết ơn, gắng sức làm tròn những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho mỗi người.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
01/08/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-sang-the-ky-01_26-31/

Karaoke Thánh Ca: “Con Theo Chúa Đi Muôn Phương”
https://karaokethanhca.net/con-theo-chua-di-muon-phuong/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: http://www.tt2012.thanhkinhvietngu.net/bible.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.