Chú Giải I Cô-rinh-tô 08:01-13 Của Cúng Thần Tượng

3,527 views


YouTube: https://youtu.be/EPDQKdOTX3s

Chú Giải I Cô-rinh-tô 8:1-13
Của Cúng Thần Tượng

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 8:1-13

1 Còn về những của lễ cúng tế các thần tượng thì chúng ta biết rằng, tất cả mọi người đều có sự hiểu biết. Sự hiểu biết có khi khiến cho kiêu ngạo nhưng tình yêu thì gây dựng.

2 Nếu ai tưởng mình biết điều gì thì người ấy chưa biết như mình nên biết.

3 Nhưng nếu ai yêu Đức Chúa Trời thì người ấy được biết bởi Ngài.

4 Vậy, về sự ăn những của lễ cúng tế các thần tượng, chúng ta biết rằng, thần tượng trong thế gian là sự hư không; và rằng, chẳng có Thiên Chúa nào khác mà chỉ có một.

5 Bởi vì, dù cho có những thứ được gọi là các thần linh, hoặc trên trời, hoặc dưới đất, như là có nhiều thần, nhiều chúa;

6 nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa. Đức Cha là Đấng mà muôn vật ra từ Ngài, và chúng ta hướng về Ngài. Một Chúa Jesus Christ mà muôn vật bởi Ngài và chúng ta cũng bởi Ngài.

7 Nhưng không phải trong mỗi người có sự hiểu biết ấy. Vì cho đến giờ, một số người với ý thức về thần tượng ăn như ăn của cúng tế các thần tượng, thì lương tâm yếu đuối của họ bị ô uế.

8 Nhưng thức ăn không đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Vì không phải nếu chúng ta ăn, chúng ta tốt hơn. Cũng không phải nếu chúng ta không ăn, chúng ta thiếu kém hơn.

9 Nhưng hãy coi chừng, kẻo sự tự do này của các anh chị em trở thành sự vấp phạm cho những người yếu đuối.

10 Bởi vì, nếu ai đó nhìn thấy các anh chị em, là những người có sự hiểu biết, ngồi ăn trong đền thờ của tà thần, thì chẳng phải lương tâm yếu đuối của người ấy được khích lệ mà ăn những của lễ cúng tế các thần tượng sao?

11 Người anh chị em cùng Cha yếu đuối, là người Đấng Christ đã chết thế cho, sẽ bị hư mất, bởi sự hiểu biết của các anh chị em.

12 Khi các anh chị em phạm tội nghịch lại các anh chị em cùng Cha như vậy, làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ, thì các anh chị em phạm tội nghịch lại Đấng Christ.

13 Vì vậy, nếu thức ăn làm cho anh chị em cùng Cha của tôi vấp phạm thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt, kẻo tôi là sự vấp phạm cho anh chị em cùng Cha của tôi.

Một trong các vấn đề mà loài người từ xưa đến nay, cho dù ở vào thời đại nào, thuộc về nền văn hóa nào, cũng đều phải đối diện. Đó là sự thờ lạy thần tượng và sự ăn của cúng thần tượng. Về sự thờ lạy thần tượng thì hầu như bất cứ ai không sinh ra trong một gia đình tin kính Chúa thì khó mà tránh khỏi. Vì thường khi gia đình nào cũng có một tín ngưỡng hay là theo một tôn giáo liên quan đến sự thờ lạy các tà thần. Ít ra cũng là sự thờ lạy và cúng tế người chết trong gia đình. Ngay cả những người được sinh ra trong các gia đình xưng nhận là con dân Chúa mà cũng phạm tội thờ lạy thần tượng. Đó là những người thuộc Giáo Hội Công Giáo, khi họ thờ lạy các hình tượng được cho là hình tượng của các thánh và của Đức Chúa Jesus. Đó là chưa nói đến sự thờ lạy hình tượng trong phương diện một người xem bản ngã của mình hay những sở thích là trên hết trong đời sống.

I Cô-rinh-tô đoạn 8 được Đức Thánh Linh dành riêng để nói về của cúng thần tượng và khuyên con dân Chúa không nên ăn các thức ăn đã dâng cúng cho thần tượng.

1 Còn về những của lễ cúng tế các thần tượng thì chúng ta biết rằng, tất cả mọi người đều có sự hiểu biết. Sự hiểu biết có khi khiến cho kiêu ngạo nhưng tình yêu thì gây dựng.

Các thần tượng được nói đến ở đây là hình tượng của các tà thần được loài người tôn kính và thờ lạy. Tà thần là bất cứ ai hay sự gì ngoài Thiên Chúa được tôn làm thần linh thay cho Thiên Chúa, được cho là có quyền ban phước và giáng họa cho loài người. Hình tượng là các loại hình thể được đúc hoặc được chạm mà phần lớn là để tiêu biểu cho các tà thần. Tất cả các tà thần đều là Sa-tan hoặc là các thiên sứ phạm tội dưới quyền của Sa-tan.

“Của lễ cúng tế các thần tượng” là danh từ đặc biệt được dùng để gọi các loại thịt được dâng cúng cho thần tượng.

Vào thời của Phao-lô, các thành phố lớn trong đế quốc La-mã như thành Cô-rinh-tô đều có nhiều đền thờ tà thần, và thịt bán nơi chợ thường đã được dâng cúng cho thần tượng. Thịt đã được dâng cúng cho thần tượng ngoài phần được mang ra chợ để bán, phần còn lại được dùng để chế biến thành các món ăn để tiếp đãi khách đến cúng tế trong các đền thờ tà thần. Khách đến cúng tế trong các đền thờ tà thần thời bấy giờ, sau khi thờ lạy và dâng tế lễ cho tà thần thì ở lại ăn uống, say sưa, và tham dự các cuộc tà dâm với các nam nữ tế sư trong đền thờ. Thường khi, các nhà thương buôn cũng hẹn gặp nhau bàn chuyện làm ăn hoặc ký hợp đồng với nhau trong các đền thờ tà thần. Họ cúng tế tà thần để xin tà thần ban phước cho việc làm ăn của họ; và sau đó, họ ăn uống và phạm tà dâm trong đền thờ.

Con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô có nhiều người là thương gia, vẫn ký kết hợp đồng làm ăn với những người không tin Chúa, và có thể vẫn ăn của cúng thần tượng, vẫn phạm tà dâm, nên các trưởng lão đã viết thư để hỏi ý kiến của Phao-lô về nan đề này. Về sự con dân Chúa không nên phạm tà dâm thì Phao-lô đã nói rõ trong I Cô-rinh-tô 6:12-20.

Danh từ “sự hiểu biết” (G1108) được dùng trong câu này có nghĩa đen là sự hiểu biết chung về mọi sự, tức là kiến thức thông thường; còn nghĩa bóng là sự hiểu biết về đạo đức, biết điều gì đúng, điều gì sai, điều gì nên làm, điều gì không nên làm.

Một người có sự hiểu biết có thể lên mình kiêu ngạo, khi hành xử theo sự hiểu biết của mình mà khiến cho người thiếu hiểu biết bị vấp phạm. Người có sự hiểu biết và cũng có tình yêu thương thì luôn quan tâm đến sự ích lợi của người khác, tránh làm ra những gì có thể gây vấp phạm cho người khác, cho dù việc làm của mình tự nó không phải là sai trái.

2 Nếu ai tưởng mình biết điều gì thì người ấy chưa biết như mình nên biết.

“Tưởng mình biết điều gì” là một thành ngữ có nghĩa là tự cho rằng, mình hiểu thấu đáo sự việc nào đó. Ở đây, hàm ý sự hiểu biết về của cúng thần tượng. Nhiều người sau khi tin Chúa thì có sự hiểu biết thần tượng là hư không, tức là không phải thần chân thật như Thiên Chúa. Bởi sự hiểu biết đó mà họ xem những của cúng thần tượng là vô nghĩa. Cúng hay không cúng thì cũng chỉ là thức ăn để nuôi dưỡng thân thể xác thịt. Họ hiểu biết đúng nhưng chưa hiểu biết đủ. Họ chỉ hiểu biết đúng về tính chất của cúng thần tượng, của cúng thần tượng là vô nghĩa vì thần tượng là hư không. Nhưng sự hiểu biết đủ về của cúng thần tượng là phải hiểu biết luôn về cách thức ứng xử với của cúng thần tượng. Cho dù của cúng thần tượng là vô nghĩa, con dân Chúa có thể dùng làm thức ăn để nuôi dưỡng thân thể xác thịt, nhưng nếu sự ăn của cúng thần tượng khiến cho người khác hiểu lầm là mình dự phần trong sự cúng thần tượng và tôn vinh thần tượng, hoặc khiến cho người thiếu hiểu biết tưởng rằng, thần tượng là có thật và đáng cúng tế, thì con dân Chúa không ăn.

3 Nhưng nếu ai yêu Đức Chúa Trời thì người ấy được biết bởi Ngài.

Người yêu Đức Chúa Trời là người không bao giờ làm điều gì để danh Chúa hoặc Hội Thánh bị nói xấu, không bao giờ làm điều gì gây ra sự vấp phạm cho anh chị em cùng Cha, không bao giờ làm gương xấu cho bất cứ ai, kể cả người không tin Chúa. Tấm lòng yêu Chúa của người ấy được thể hiện thành từng lời nói, cử chỉ, thái độ, việc làm trong đời sống của người ấy. Điển hình là sự không ăn của cúng thần tượng, tránh gây hiểu lầm, tránh gây vấp phạm, tránh làm gương xấu.

Đức Chúa Trời biết rõ những ai yêu kính Ngài và chắc chắn là Ngài sẽ ban phước cho họ trong đời này, khen thưởng họ trong đời sau.

4 Vậy, về sự ăn những của lễ cúng tế các thần tượng, chúng ta biết rằng, thần tượng trong thế gian là sự hư không; và rằng, chẳng có Thiên Chúa nào khác mà chỉ có một.

Tất cả thần tượng đều là hư không. Đại danh từ “sự hư không” (G3762) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là không có, không thực hữu. Khi được dùng trong câu này thì có nghĩa không có thẩm quyền như Thiên Chúa, không tự thực hữu như Thiên Chúa. Vì chỉ có duy nhất một thần linh tự có và có mãi, toàn năng, đáng được thờ phượng. Thần linh ấy là Thiên Chúa, và chỉ có một Thiên Chúa thực hữu trong ba thân vị mà thôi. Tất cả các thần linh khác, tức là các thiên sứ, kể cả các thiên sứ phạm tội trở thành ma quỷ, đều là loài thọ tạo, do Thiên Chúa dựng nên. Không một thiên sứ nào đáng được thờ phượng. Loài người chỉ có thể thờ phượng Thiên Chúa. Loài người không thể thờ phượng bất cứ ai hay vật gì khác ngoài Thiên Chúa, vì loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa nên loài người không thể thờ phượng bất cứ một loài thọ tạo nào khác.

Danh từ “Chân Thần” có nghĩa là Đấng Thần Linh thật sự là Thiên Chúa, đáng được thờ phượng. Danh từ “giả thần” dùng để chỉ những thần linh không phải là Thiên Chúa mà lại được loài người tôn thờ như Thiên Chúa, còn gọi là “tà thần”.

Vì các thần tượng là sự hư không nên của lễ cúng các thần tượng, và ngay cả hành động cúng tế, là vô nghĩa.

5 Bởi vì, dù cho có những thứ được gọi là các thần linh, hoặc trên trời, hoặc dưới đất, như là có nhiều thần, nhiều chúa;

6 nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa. Đức Cha là Đấng mà muôn vật ra từ Ngài, và chúng ta hướng về Ngài. Một Chúa Jesus Christ mà muôn vật bởi Ngài và chúng ta cũng bởi Ngài.

Những thứ được gọi là các thần linh tức là những sinh vật được Thiên Chúa dựng nên trong thế giới thuộc linh. Họ chỉ có thân thể thiêng liêng là tâm thần, không có thân thể vật chất là xác thịt như loài người. Họ là các sinh vật hầu chung quanh ngai của Đức Chúa Trời. Họ là các thiên sứ thi hành các mệnh lệnh của Thiên Chúa và theo ý Thiên Chúa mà phục vụ loài người. Họ không thể được thờ phượng như Thiên Chúa. Dù vậy, các thiên sứ phạm tội, bị Thánh Kinh gọi là ma quỷ, đứng đầu bởi Sa-tan, thì ưa muốn loài người thờ phượng chúng như thờ phượng Thiên Chúa. Ngay trong loài người cũng có những kẻ muốn người khác thờ phượng mình như thờ phượng Thiên Chúa. Đó là những kẻ cầm quyền độc tài và những kẻ cầm đầu các tà giáo.

Trong tầng trời thứ ba, tức là thiên đàng, có các thần linh là các sinh vật chung quanh ngai của Đức Chúa Trời, Thánh Kinh gọi là Chê-ru-bim và Sê-ra-phim, cùng các thiên sứ. Các thiên sứ thường xuyên đến thế gian để thi hành các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, trong đó có sự bảo vệ và phục vụ con dân Chúa.

Trong tầng trời thứ nhì, tức là khoảng không gian bao la của vũ trụ, và trong tầng trời thứ nhất, tức là bầu khí quyển của trái đất, có các thần linh phạm tội, tức là Sa-tan và các thiên sứ chống nghịch Thiên Chúa. Thánh Kinh nói rõ:

“Còn các anh chị em đã chết vì những lỗi lầm và những tội lỗi của mình, những sự mà trước kia các anh chị em đã bước đi theo cuộc sống của đời này, theo kẻ cầm quyền cai trị chốn không gian, là đấng thần linh hiện đang tác động trong những con cái bội nghịch.” (Ê-phê-sô 2:1-2).

“Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để các anh chị em có thể đứng vững mà đối phó những mưu kế của Ma Quỷ. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải nghịch lại thịt và máu, mà là nghịch lại những chủ quyền, nghịch lại những thế lực, nghịch lại những kẻ cai trị của sự tối tăm thuộc về thế gian này, nghịch lại những sự xấu xa thuộc linh ở trong các tầng trời.” (Ê-phê-sô 6:11-12).

Trên đất cũng có sự hiện diện của các tà linh, tức các thiên sứ phạm tội. Chúng cám dỗ loài người phạm tội, lừa gạt loài người qua các hình tượng tà thần, các tôn giáo. Chúng có thể nhập vào những người thờ phượng chúng. Chúng cũng cám dỗ và gây khó khăn cho con dân Chúa.

Loài người thờ phượng Thiên Chúa qua Đức Chúa Trời. Đối với những ai tin cậy và vâng phục Thiên Chúa thì Đức Chúa Trời là Cha ở trên trời của họ; và lòng họ luôn hướng về Ngài. Muôn loài thọ tạo ra từ Đức Chúa Trời vì chúng được dựng nên theo ý muốn của Ngài.

Danh từ “chúa” có nghĩa là bậc cầm quyền, bậc cai trị. Danh từ này cũng được dùng để gọi các thiên sứ, như chúng ta thấy trong Khải Huyền 7:14. Tuy nhiên, Đức Chúa Jesus Christ là “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” (I Ti-mô-thê 6:15; Khải Huyền 17:14; 19:16). Muôn vật bởi Đức Chúa Jesus Christ, vì muôn vật, kể cả các thần linh, được Đức Chúa Jesus Christ trực tiếp dựng nên theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Con dân Chúa được dựng nên mới bởi Đấng Christ, nhờ vào sự chết chuộc tội của Ngài.

7 Nhưng không phải trong mỗi người có sự hiểu biết ấy. Vì cho đến giờ, một số người với ý thức về thần tượng ăn như ăn của cúng tế các thần tượng, thì lương tâm yếu đuối của họ bị ô uế.

“Sự hiểu biết ấy” là sự hiểu biết như đã nói trong các câu từ câu 4 đến câu 6.

Danh từ “sự ý thức” và danh từ “lương tâm” là cùng một từ ngữ (G4893). Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, từ ngữ này gồm hai nghĩa:

  • Sự ý thức, tức là sự cảm nhận về bất cứ ai hay việc gì, sự gì. Như khi một người đang tỉnh táo thì ý thức được các sự vật và các sự việc quanh mình; nhưng khi ngủ say thì không còn ý thức được những gì đang xảy ra chung quanh mình.
  • Lương tâm, tức là ý thức đạo đức, là sự nhận biết điều gì tốt hoặc điều gì xấu dựa trên tiêu chuẩn mà Thiên Chúa đã đặt để trong thần trí của loài người.

Những người thờ lạy thần tượng thì có ý thức sai lầm về thần tượng. Họ nghĩ rằng, thần tượng có quyền ban ơn và giáng họa như Thiên Chúa. Họ nghĩ rằng, những lễ vật họ dâng cúng lên thần tượng sẽ khiến cho thần tượng vui lòng về họ và ban phước cho họ. Một số người sau khi tin nhận Chúa cũng còn ý thức sai trái về thần tượng. Vì thế, khi họ ăn của cúng thần tượng thì họ thầm công nhận là thần tượng đáng được cúng tế. Điều đó khiến cho sự ý thức đạo đức của họ bị ô uế, vì đã công nhận thần tượng có quyền phép như Thiên Chúa và đáng được cúng tế.

Ý thức đạo đức sai trái bị gọi là lương tâm yếu đuối, vì không có đủ lẽ thật của Lời Chúa để nhận thức đúng. Lương tâm yếu đuối biến xấu thành tốt, khiến cho sự nhận thức trở nên ô uế. Trở nên ô uế là trở nên không đúng với tiêu chuẩn của Thiên Chúa.

8 Nhưng thức ăn không đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Vì không phải nếu chúng ta ăn, chúng ta tốt hơn. Cũng không phải nếu chúng ta không ăn, chúng ta thiếu kém hơn.

Sự ăn hay không ăn một thức ăn không giúp cho con dân Chúa đến gần Đức Chúa Trời. Vì thức ăn chỉ là vật được Thiên Chúa dựng nên để nuôi sống thân thể xác thịt của loài người. Loài người chỉ cần tạ ơn Chúa, rồi ăn:

“Đồ ăn vì bụng và bụng vì đồ ăn, nhưng Đức Chúa Trời sẽ hủy hoại cái này và những cái kia. Thân thể chẳng phải vì sự tà dâm mà vì Chúa, và Chúa vì thân thể.” (I Cô-rinh-tô 6:13).

“Vì mọi vật được dựng nên của Thiên Chúa là tốt lành, không một vật gì đáng bỏ, miễn là nhận lãnh với lời cảm tạ. Vì mọi vật ấy được nên thánh bởi Lời của Thiên Chúa và lời hiệp nguyện.” (I Ti-mô-thê 4:4-5).

“Vì không phải nếu chúng ta ăn, chúng ta tốt hơn. Cũng không phải nếu chúng ta không ăn, chúng ta thiếu kém hơn.” Câu này hàm ý là tốt hơn và kém hơn về thuộc linh. Còn trong thuộc thể, đương nhiên khi chúng ta đói thì việc ăn uống giúp ích cho thân thể xác thịt của chúng ta. Nếu đói mà không ăn thì thân thể xác thịt sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng.

9 Nhưng hãy coi chừng, kẻo sự tự do này của các anh chị em trở thành sự vấp phạm cho những người yếu đuối.

10 Bởi vì, nếu ai đó nhìn thấy các anh chị em, là những người có sự hiểu biết, ngồi ăn trong đền thờ của tà thần, thì chẳng phải lương tâm yếu đuối của người ấy được khích lệ mà ăn những của lễ cúng tế các thần tượng sao?

“Nhưng hãy coi chừng” có nghĩa là chúng ta phải cẩn thận trong sự hành xử quyền tự do Chúa ban cho chúng ta. Vì như Lời Chúa đã dạy trong I Cô-rinh-tô 10:23-24, không phải việc làm nào cũng có ích lợi và gây dựng. Con dân Chúa phải đặt sự ích lợi và sự gây dựng người khác là ưu tiên trong mọi việc làm của mình. Nếu không, thì việc làm của chúng ta có thể trở thành sự vấp phạm cho những người còn yếu đuối trong đức tin.

“Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Dù mọi sự là hợp pháp đối với tôi nhưng chẳng phải mọi sự đều gây dựng. Chớ ai tìm cho mình sự vừa ý riêng, nhưng ai nấy hãy tìm cho người khác được vừa ý nữa.” (I Cô-rinh-tô 10:23-24).

Mặc dù các thần tượng là hư không và những của cúng thần tượng là vô nghĩa; mặc dù con dân Chúa được tự do ăn các thức ăn đã được Đức Chúa Trời làm ra; nhưng sự ăn của cúng thần tượng là nên tránh, vì sẽ gây ra sự vấp phạm. Con dân Chúa mà ăn của cúng thần tượng có thể gây ra sự vấp phạm cho cả người tin Chúa lẫn người không tin Chúa.

Đối với người đã tin Chúa mà còn yếu đuối trong đức tin thì đó là một gương xấu, khuyến khích họ ăn của cúng thần tượng trong khi họ chưa có ý thức đúng về thần tượng, khiến cho lương tâm của họ bị ô uế bởi sự ăn của cúng thần tượng. Chính vì thế mà Đức Thánh Linh đã ban hành điều răn nên thánh cho Hội Thánh:

“Các anh chị em hãy kiêng ăn của cúng thần tượng, máu, thú vật chết ngạt, và tránh sự tà dâm.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29).

Đối với người chưa tin Chúa thì sự ăn của cúng thần tượng của con dân Chúa khiến cho họ hiểu lầm rằng, con dân Chúa cũng tin vào tà thần và công nhận sự dâng cúng cho tà thần. Sự hiểu lầm đó càng khiến cho họ vững tin càng hơn vào ý thức sai lầm của họ về thần tượng.

11 Người anh chị em cùng Cha yếu đuối, là người Đấng Christ đã chết thế cho, sẽ bị hư mất, bởi sự hiểu biết của các anh chị em.

Về những anh chị em cùng Cha có đức tin yếu đuối, chúng ta đã học đến trong Rô-ma đoạn 14 [1].

Chúng ta không làm gì gây cớ vấp phạm cho anh chị em cùng Cha còn yếu đuối trong đức tin, nhưng chúng ta cũng phải tận dụng mọi cơ hội, giúp cho những anh chị em ấy sớm hiểu biết đúng Lời Chúa về những vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Và trên hết là chúng ta khích lệ họ tập thói quen đọc và suy ngẫm Lời Chúa mỗi ngày, nghe bài giảng mỗi ngày, cầu nguyện, tâm tình với Chúa mỗi ngày.

Chúng ta có thể ăn của cúng thần tượng với một lương tâm mạnh mẽ, hiểu biết thần tượng là hư không nên của cúng thần tượng là vô nghĩa, chỉ là thức ăn có thể ăn để nuôi dưỡng thân thể xác thịt. Nhưng nếu vì chúng ta ăn của cúng thần tượng mà một anh chị em yếu đuối trong đức tin bắt chước chúng ta, ăn của cúng thần tượng, khiến cho lương tâm yếu đuối của họ bị ô uế, thì ma quỷ sẽ thừa cơ, cám dỗ, lừa gạt người ấy, khiến cho người ấy có sự thông công với ma quỷ. Cuối cùng, ma quỷ dẫn dắt người ấy đi xa khỏi lẽ thật, khiến người ấy trở lại phạm tội và bị hư mất. Như vậy, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về sự hư mất của người ấy. Người ấy bị hư mất vì chúng ta hành động theo sự hiểu biết đúng nhưng không đủ của chúng ta.

12 Khi các anh chị em phạm tội nghịch lại các anh chị em cùng Cha như vậy, làm tổn thương lương tâm yếu đuối của họ, thì các anh chị em phạm tội nghịch lại Đấng Christ.

Bất cứ một lời nói, việc làm nào của chúng ta khiến cho các anh chị em cùng Cha của chúng ta phạm tội là chúng ta đã phạm tội nghịch lại họ. Điển hình là trong trường hợp chúng ta vì ăn của cúng thần tượng, khiến cho những người có đức tin yếu đuối trong Hội Thánh theo gương chúng ta mà ăn của cúng thần tượng, làm cho lương tâm yếu đuối của họ trở nên ô uế thì chúng ta vừa phạm tội nghịch lại họ, vừa phạm tội nghịch lại Đấng Christ. Chúng ta phạm tội nghịch lại họ vì chúng ta đã làm gương xấu, đem đến sự thiệt hại cho họ. Chúng ta phạm tội nghịch lại Đấng Christ vì họ là các chi thể của Đấng Christ. Chúng ta làm thiệt hại họ là chúng ta làm thiệt hại thân thể của Đấng Christ. Ngoài ra, còn là làm thiệt hại công cuộc cứu rỗi loài người của Đấng Christ. Vì chúng ta khiến cho người mà Đấng Christ đã cứu bị hư mất trở lại.

Chúng ta thấy, sự ăn của cúng thần tượng khiến cho những anh chị em cùng Cha của chúng ta, những người còn yếu đuối trong đức tin bị vấp phạm, là một trọng tội, vì nó ảnh hưởng đến sự cứu rỗi của những người ấy.

13 Vì vậy, nếu thức ăn làm cho anh chị em cùng Cha của tôi vấp phạm thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt, kẻo tôi là sự vấp phạm cho anh chị em cùng Cha của tôi.

Phao-lô có ý nói rằng, nếu ăn các thức ăn, trong đó có món thịt mà có thể khiến cho con dân Chúa hiểu lầm là ông ăn của cúng thần tượng, thì ông sẽ không bao giờ ăn thịt trong các trường hợp như vậy. Nếu có ai dựa vào câu này để kết luận Phao-lô là một người ăn chay, không bao giờ ăn thịt, thì người ấy đã vượt ra ngoài văn mạch.

Lời kết luận trên đây của Sứ Đồ Phao-lô có thể được áp dụng cho mọi trường hợp, cho mọi phương diện trong nếp sống của chúng ta. Chúng ta có thể nói rằng, nếu lời nói hay việc làm nào của tôi gây vấp phạm thì tôi sẽ không nói lời ấy, không làm việc ấy, kẻo các anh chị em cùng Cha của tôi bị vấp phạm.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/03/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-14_1-12/

Karaoke Thánh Ca: “Và Tôi Vững Tin Nơi Ngài”
https://karaokethanhca.net/va-toi-vung-tin-noi-ngai/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net