Chú Giải Hê-bơ-rơ 11:03-16 Gương Đức Tin – Phần 1

2,851 views

Nguồn: https://youtu.be/F2_LMbhEgTk

Chú Giải Hê-bơ-rơ 11:03-16
Gương Đức Tin – Phần 1

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 11:3-16

3 Bởi đức tin, chúng ta hiểu rằng, các thế giới đã được thiết lập bởi tiếng phán của Thiên Chúa. Những vật được nhìn thấy chẳng phải đã hình thành từ những vật thấy được.

4 Bởi đức tin, A-bên đã dâng lên Đức Chúa Trời một sinh tế tốt hơn của Ca-in. Bởi đó, ông đã được làm chứng là công bình, qua sự Đức Chúa Trời làm chứng về lễ vật của ông. Cũng nhờ đó dù đã chết ông vẫn còn nói.

5 Bởi đức tin, Hê-nóc đã được biến hóa, không thấy sự chết. Ông không được tìm thấy nữa, vì Đức Chúa Trời đã biến hóa ông. Vì trước khi sự biến hóa xảy ra, ông đã được chứng rằng, ông đã ở vừa lòng Đức Chúa Trời.

6 Không có đức tin, thì không thể nào làm vừa lòng Ngài. Vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng, Ngài thực hữu. Đối với những ai tìm kiếm Ngài, Ngài là Đấng Ban Thưởng.

7 Bởi đức tin, Nô-ê được Thần khải về những việc chưa thấy. Ông kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó ông đã định tội thế gian, và trở nên người kế tự của sự công bình bởi đức tin. [Thần khải = được Chúa báo cho biết.]

8 Bởi đức tin, Áp-ra-ham khi được kêu gọi ra đi để đến một nơi mà ông sẽ nhận làm cơ nghiệp, thì ông đã vâng lời, ra đi mà không biết mình đi đâu.

9 Bởi đức tin, ông đã kiều ngụ trong vùng đất hứa như đất ngoại quốc, ở trong các lều trại với I-sác và Gia-cốp, các người đồng kế tự một lời hứa với ông.

10 Vì ông chờ đợi một thành có những nền tảng mà Đấng Thiết Lập và Đấng Xây Dựng của nó là Đức Chúa Trời.

11 Cũng bởi đức tin Sa-ra chính mình nhận được sức mạnh cho sự thai dựng con cái, và sinh con khi tuổi đã cao. Vì bà nghĩ rằng, Đấng đã hứa là thành tín.

12 Cũng vì đó mà từ một người già yếu, sinh ra con cháu nhiều như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể đếm được.

13 Hết thảy họ đã chết trong đức tin, chưa nhận những lời hứa, nhưng trông thấy chúng từ xa, được bắt phục và vui nhận chúng; xưng mình là khách lạ và người ở nhờ trên đất.

14 Những người nói như thế, tỏ rõ rằng, họ đang mong muốn một quê hương.

15 Nếu như họ thật nhớ nó, nơi mà họ đã từ đó ra đi, thì họ vẫn nắm giữ cơ hội quay lại.

16 Nhưng giờ đây, họ khao khát sự tốt hơn là sự ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn khi được gọi là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.

Như chúng ta đã biết, Hê-bơ-rơ đoạn 11 là một phân đoạn rất đặc biệt trong Thánh Kinh. Phân đoạn này nói về đặc tính của đức tin đồng thời ghi lại gương đức tin của các thánh đồ thời Cựu Ước và thời trước Cựu Ước.

Ngoài hai câu mở đầu và hai câu kết thúc, phần còn lại của đoạn 11 luận về đức tin của các bậc tiền nhân đã được ghi lại trong Thánh Kinh Cựu Ước. Trong bài trước, chúng ta đã học về ý nghĩa của câu 1 và câu 2. Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau cậy sự soi dẫn của Đức Thánh Linh để học và làm theo những tấm gương sáng về đức tin, được ghi lại trong các câu từ câu 3 đến câu 16.

3 Bởi đức tin, chúng ta hiểu rằng, các thế giới đã được thiết lập bởi tiếng phán của Thiên Chúa. Những vật được nhìn thấy chẳng phải đã hình thành từ những vật thấy được.

Trước khi nêu lên những gương sáng về đức tin, Đức Thánh Linh đã qua Sứ Đồ Phao-lô nhắc nhở con dân Chúa về đức tin chung của tất cả những ai tin nhận Thiên Chúa. Đó là bởi đức tin (là sự ban cho của Thiên Chúa) mà chúng ta hiểu và tin rằng, các thế giới đã được thiết lập bởi tiếng phán của Thiên Chúa. Chúng được hình thành từ những thể chất vô hình đối với con mắt xác thịt của loài người. Chúng vận hành và phát triển theo các quy luật mà Thiên Chúa đã định cho chúng.

Động từ “hiểu” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: vận dụng tâm trí để nhận thức một điều gì. Vì thế, sự hiểu được nói đến ở đây là sự hiểu thuộc về trí thức, là sự hiểu phát sinh bởi sự nhận xét, suy ngẫm, lý luận, và đúc kết.

Danh từ “các thế giới” bao gồm các thế giới thuộc thể là các thế giới vật chất mà chúng ta có thể nhận biết. Từ thế giới của các hành tinh trong không gian cho đến thế giới của mọi sinh vật trên đất, và thế giới của mọi sinh vật trong nước.

Động từ “được thiết lập” có nghĩa là được làm ra và được sắp xếp có trật tự, được ban cho quy luật để vận hành và phát triển. Muôn loài thọ tạo, trừ loài người, được thực hữu bởi tiếng phán của Thiên Chúa, tức lời nói phát ra thành âm thanh của Thiên Chúa. Loài người đã được Thiên Chúa dựng nên bằng cách gom bụi của đất thành hình thể vật chất là xác thịt, thổi thánh linh của Ngài vào hình thể ấy để làm thành hình thể thiêng liêng là tâm thần, bên trong thân thể vật chất. Cùng một lúc, một linh hồn sống xuất hiện, là loài người.

Thí dụ sau đây không được hoàn hảo nhưng có thể giúp chúng ta phần nào hiểu được sự mầu nhiệm trong việc Thiên Chúa dựng nên loài người. Chúng ta có thể ví người kỹ sư chế tạo ra bóng đèn điện với việc Thiên Chúa gom bụi của đất tạo thành thân thể vật chất của loài người, gọi là xác thịt. Chúng ta có thể ví người kỹ sư cho một dòng điện từ máy phát điện đi vào bóng đèn điện với việc Thiên Chúa thổi thánh linh của Ngài vào trong thân thể vật chất của loài người, tạo thành thân thể thiêng liêng của loài người, gọi là tâm thần. Chúng ta có thể ví ánh sáng của bóng đèn điện khi có dòng điện đi vào trong nó với linh hồn của loài người, được phát sinh khi tâm thần kết hợp với xác thịt. Cho dù khi dòng điện bị cắt đi, bóng đèn không còn phát sáng, nhưng ánh sáng đã phát ra trước đó vẫn đi mãi vào không gian bao la, nghĩa là ánh sáng ấy còn lại cho đến đời đời. Tương tự như vậy, linh hồn của chúng ta một khi đã được tạo thành thì sẽ còn lại mãi mãi, cho dù khi tâm thần rời khỏi xác thịt, về lại cùng Đức Chúa Trời và xác thịt bị tan rã, về lại cùng bụi đất.

Khi chúng ta đọc Sáng Thế Ký đoạn 1, chúng ta thấy các tầng trời và đất cùng muôn vật trong chúng, trừ loài người, đã được Thiên Chúa dựng nên bởi bảy tiếng phán của Ngài. Chúng ta cũng biết rằng, muôn loài vật chất đều được dựng nên bằng sự kết hợp vô số những nguyên tử của các nguyên tố hóa học. Kích thước của một nguyên tử rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy. Có câu tục ngữ: “Tổng số nguyên tử trong một hạt cát còn nhiều hơn tổng số cát nơi những bãi biển trong thế gian” thường được dùng để nhấn mạnh đến kích thước rất nhỏ của một nguyên tử. Kích thước của một nguyên tử tương đương một phần 100 triệu của 1 cm. Nghĩa là, khi chúng ta xếp 100 triệu nguyên tử sát nhau thì chúng ta có được chiều dài tương đương 1 cm. Trong thực tế, ánh sáng mà chúng ta thấy được không phản chiếu trên những nguyên tử khiến cho chúng ta không thể trực tiếp nhìn thấy chúng, dù là qua kính hiển vi cực mạnh. Đó là vì kích thước của nguyên tử quá nhỏ so với chiều dài của sóng ánh sáng nên ánh sáng không thể phản chiếu trên nguyên tử. Chúng ta chỉ có thể quan sát hình ảnh nguyên tử qua hình ảnh được chụp lại bởi một loại máy quét hình đặc biệt [1]. Quý ông bà anh chị em có thể theo nối mạng dưới đây để xem minh họa về kích thước của một nguyên tử [2].

Lời Chúa thật là rõ ràng và chính xác: “Những vật được nhìn thấy chẳng phải đã hình thành từ những vật thấy được.” Chúng ta có thể diễn ý câu ấy như sau: Toàn thể những gì mà chúng ta nhìn thấy được đã hình thành từ những nguyên tử mà chúng ta không thể thấy được.

4 Bởi đức tin, A-bên đã dâng lên Đức Chúa Trời một sinh tế tốt hơn của Ca-in. Bởi đó, ông đã được làm chứng là công bình, qua sự Đức Chúa Trời làm chứng về lễ vật của ông. Cũng nhờ đó dù đã chết ông vẫn còn nói.

Gương đức tin thứ nhất mà chúng ta học và làm theo là gương đức tin của A-bên. Câu chuyện A-bên được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 4. Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội, bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi khu vườn tại Ê-đen thì ông bà sinh được hai người con trai. Con trưởng tên là Ca-in và con thứ tên là A-bên. Thánh Kinh không ghi lại chi tiết về cuộc sống trong gia đình đầu tiên của loài người. Nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, Đức Chúa Trời đã truyền cho loài người về sự dâng tế lễ lên Ngài. Ngài muốn loài người dâng sinh tế bằng mạng sống của con đầu lòng không tì, không vết, không tật bệnh trong bầy gia súc. Sự dâng hiến đó được Đức Chúa Trời dùng làm hình bóng cho sự Ngài sẽ hy sinh Con Một vô tội của Ngài để làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại.

Qua Hê-bơ-rơ 11:4 mà chúng ta biết rằng, A-bên đã bởi đức tin mà dâng con đầu lòng trong bầy chiên của mình làm sinh tế, theo sự phán truyền của Đức Chúa Trời. Vậy, bởi đức tin là bởi sự tin cậy và vâng theo lời phán truyền của Đức Chúa Trời, tức là sống theo Lời Chúa. Chính vì vậy mà của lễ của A-bên tốt hơn của lễ của Ca-in, vì của lễ của Ca-in được dâng theo ý riêng. Ca-in đã không vâng theo lời phán truyền của Đức Chúa Trời mà tự mình chọn lấy những nông sản để làm của lễ dâng lên Đức Chúa Trời. Có lẽ Ca-in đã chọn những nông sản tốt nhất và nghĩ rằng, Đức Chúa Trời sẽ vui nhận thành quả công lao khó nhọc của ông và tấm lòng muốn dâng lên Chúa những điều tốt nhất của ông. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời chỉ tiếp nhận những sự dâng hiến được làm ra bởi lòng vâng phục:

“…Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.” (I Sa-mu-ên 15:22).

Ngay từ ban đầu, tổ phụ loài người đã phạm tội không vâng phục Thiên Chúa, đem tội lỗi cùng hậu quả của tội lỗi là đau khổ và sự chết vào trong thế gian. Đức Chúa Trời truyền cho loài người dâng sinh tế bằng mạng sống của một gia súc để dạy cho loài người biết, loài người cần được chuộc tội bằng một mạng sống vô tội. Thế nhưng Ca-in lại thể hiện thái độ không vâng lời Đức Chúa Trời trong sự dâng tế lễ. Sau đó, Ca-in không biết ăn năn mà còn nổi lòng ganh ghét A-bên, dẫn đến sự ông giết chết A-bên. Chúng ta thấy, trong khi đức tin dẫn đến đức tin thì tội lỗi dẫn đến tội lỗi.

Ngày nay, có biết bao nhiêu con dân Chúa hầu việc Chúa theo ý riêng thay vì theo ý Chúa! Và có biết bao nhiêu con dân Chúa đang thờ phượng Chúa theo truyền thống, theo lời giảng dạy sai nghịch Thánh Kinh của các giáo hội thay vì thờ phượng Chúa theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh! Những sự hầu việc Chúa và thờ phượng Chúa sai nghịch Lời Chúa đó nhìn thấy có vẻ thiêng liêng và tốt đẹp, nhưng không một điều nào được Đức Chúa Trời nhìn đến.

Dù Thánh Kinh không thuật lại chi tiết, nhưng sự kiện Đức Chúa Trời làm chứng về lễ vật của A-bên có thể là Ngài phán truyền trực tiếp với A-bên trước mặt Ca-in. Cũng có thể là Ngài khiến lửa từ trời giáng xuống, thiêu hóa sinh tế, như Ngài sẽ làm sau này để thể hiện sự Ngài vui nhận của lễ (Sáng Thế Ký 15:17; Lê-vi Ký 9:24; I Các Vua 18:38). Qua sự Đức Chúa Trời tiếp nhận của lễ của A-bên, A-bên được xưng là công bình, vì ông đã thể hiện đức tin của ông nơi Đức Chúa Trời, ông được Ngài tha tội.

“Cũng nhờ đó” là nhờ vào sự được Đức Chúa Trời xưng là công bình.

“Dù đã chết ông vẫn còn nói” (so sánh Sáng Thế Ký 4:10; Hê-bơ-rơ 12:24) hàm ý, sau khi chết, linh hồn A-bên đã kêu nài lên Đức Chúa Trời. Điều này tương tự như sau này, linh hồn các thánh đồ bị AntiChrist giết trong Kỳ Tận Thế cũng sẽ kêu nài với Đức Chúa Trời (Khải Huyền 6:9-10). Đức Chúa Trời luôn lắng nghe mọi lời cầu xin của những người công bình là những người có đức tin nơi Ngài, kể cả sau khi họ bị kẻ thù giết hại thân thể xác thịt của họ.

5 Bởi đức tin, Hê-nóc đã được biến hóa, không thấy sự chết. Ông không được tìm thấy nữa, vì Đức Chúa Trời đã biến hóa ông. Vì trước khi sự biến hóa xảy ra, ông đã được chứng rằng, ông đã ở vừa lòng Đức Chúa Trời.

Câu chuyện Hê-nóc được biến hóa, không thấy sự chết đã được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 5. Động từ “được biến hóa” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: được chuyển đổi. Sự chuyển đổi được nói đến ở đây hàm ý sự biến hóa về phẩm chất của thân thể xác thịt lẫn sự chuyển đổi về chỗ ở của Hê-nóc. Về thân thể xác thịt, Hê-nóc được biến hóa để có thể vào trong thiên đàng. Về chỗ ở, Hê-nóc được chuyển đổi từ mặt đất vào trong thiên đàng. Sự biến hóa của Hê-nóc là biểu tượng cho sự biến hóa của con dân Chúa trong thời Hội Thánh, trong ngày Đấng Christ đến giữa chốn không trung để đón Hội Thánh vào trong thiên đàng với Ngài.

Trước khi Hê-nóc được biến hóa, ông đã sống đẹp lòng Đức Chúa Trời suốt 300 năm, mà Sáng Thế Ký 5:22-24 gọi là cùng đi với Đức Chúa Trời, nghĩa là ông hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời và sống theo mọi lời phán dạy của Ngài. Đức Chúa Trời quá yêu Hê-nóc nên Ngài đã đem ông ra khỏi thế gian, vào trong thiên đàng với Ngài, và ông đã không trải qua sự chết. Sáng Thế Ký 5:22-24 chính là lời chứng của Đức Thánh Linh về đức tin và nếp sống của Hê-nóc.

Ngày nay, con dân Chúa trong Hội Thánh được gọi là thân thể của Đấng Christ, có Đức Thánh Linh ngự trong mỗi người. Thế nhưng chúng ta có sống đẹp lòng Đức Chúa Trời để trong ngày Đức Chúa Jesus Christ đến thì chúng ta sẽ được biến hóa, được đưa vào trong thiên đàng, như Hê-nóc hay không? Nếp sống mỗi ngày của chúng ta từ mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, đến mỗi việc làm sẽ được Đức Chúa Trời chứng nhận rằng chúng ta sống đẹp lòng Đức Chúa Trời hay không?

6 Không có đức tin, thì không thể nào làm vừa lòng Ngài. Vì người đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng, Ngài thực hữu. Đối với những ai tìm kiếm Ngài, Ngài là Đấng Ban Thưởng.

Để có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời như Hê-nóc thì chúng ta phải có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Chúng ta phải tin rằng Đức Chúa Trời là có thật và chúng ta phải khao khát tìm kiếm Ngài. Câu nói: “cùng đi với Đức Chúa Trời trong ba trăm năm” nói lên sự tin cậy và sống theo Lời Chúa mỗi ngày trong đời sống của Hê-nóc. Chúng ta cần tin cậy và sống theo Lời Chúa mỗi ngày cho đến khi Chúa đem chúng ta ra khỏi thế gian này.

Cuộc sống của con dân Chúa trong thế gian này không phải để “cơm áo mệt chạy theo đời hối hả” như lời của một bài thơ. Mà là để “tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài” (Ma-thi-ơ 6:33). Khi chúng ta thật lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ ban mọi nhu cầu thuộc thể lẫn thuộc linh cho chúng ta. Vì Ngài là Đấng chăm sóc chúng ta:

“Hãy trao mọi điều lo lắng của các anh chị em cho Ngài, vì Ngài chăm sóc các anh chị em.” (I Phi-e-rơ 5:7).

Đức Chúa Trời cũng là Đấng Ban Thưởng đối với những ai tìm kiếm Ngài. Và khi chúng ta hết lòng tìm kiếm Ngài thì chúng ta sẽ gặp được ngài:

“Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:13).

Chúng ta tìm kiếm Đức Chúa Trời bằng sự hoàn toàn vâng phục Ngài để chúng ta có thể ra mắt Ngài và tương giao mật thiết với Ngài trong sâu kín linh hồn của chúng ta, Nơi Rất Thánh của toàn thể con người chúng ta.

Nếu chúng ta tin Đức Chúa Trời thực hữu mà chúng ta lại không tin vào mọi lời hứa của Ngài dành cho chúng ta, đã được ghi chép cách rõ ràng trong Thánh Kinh, thì đức tin của chúng ta trở nên vô ích. Chỉ khi chúng ta tin vào mọi lời hứa của Ngài thì chúng ta mới có lòng khao khát tìm kiếm Ngài, thay vì trút đổ thời gian, công sức tìm kiếm những sự thuộc về thế gian.

Thực tế, có biết bao nhiêu người tự xưng nhận mình là con dân Thiên Chúa nhưng lại không tin vào mọi lời phán của Đức Chúa Trời, của Đức Chúa Jesus Christ, của Đức Thánh Linh như đã được ghi chép trong Thánh Kinh. Biết bao nhiêu người thay vì trông cậy nơi tình yêu và sự thành tín của Đức Chúa Trời thì lại tự mình phạm điều răn của Đức Chúa Trời để lo cho nhu cầu vật chất trong cuộc sống. Họ tự lý luận rằng: “Tôi nghèo khổ, nên tôi phải đi làm trong ngày Sa-bát để kiếm tiền nuôi sống gia đình và trả nợ.” Những người nói như vậy đã chọn làm nô lệ cho Thần Tài, chỉ biết đặt lòng trông cậy nơi tiền bạc. Họ ngang nhiên xem lời phán này của Đức Chúa Jesus Christ như là lời dối trá:

“Vậy, các ngươi chớ lo lắng, nói: Chúng ta sẽ ăn gì? Hoặc chúng ta sẽ uống gì? Hoặc chúng ta sẽ mặc gì? Vì các dân ngoại tìm kiếm tất cả những sự đó. Vì Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, đã biết rằng, các ngươi cần hết thảy những sự đó. Nhưng trước hết, các ngươi hãy tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 6:31-33).

Những người ấy thà là không tin nhận Chúa thì tốt hơn cho họ, vì như vậy thì họ sẽ không bị phán xét nặng nề trong ngày phán xét (II Phi-e-rơ 2:20-21). Chắc chắn những người đã biết rõ về điều răn thứ tư mà vẫn không vâng giữ ngày Sa-bát sẽ rơi vào một trong hai hoàn cảnh:

  • Cứ nghèo khổ, thiếu thốn, lao động cực nhọc suốt cuộc đời vẫn không đủ sống và rồi lui đi trong đức tin.
  • Hoặc là sẽ được ma quỷ ban cho sự giàu có trong thế gian, rồi cuối cùng cũng lui đi trong đức tin để chạy theo sự giàu có vật chất.

Con dân chân thật của Chúa sống theo Lời Chúa có thể không giàu có nếu Đức Chúa Trời thấy sự giàu có là không cần thiết cho họ. Nhưng họ sẽ luôn có ăn, có mặc, luôn được thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ của đời sống. Vì Đức Chúa Trời là Đấng chăm sóc họ. Lời Chúa khẳng định:

“Trước tôi trẻ, nay đã già, nhưng tôi chẳng thấy người công bình bị bỏ quên, hay là dòng dõi của người van xin thức ăn.” (Thi Thiên 37:25).

Điều quan trọng là con dân chân thật của Chúa được gặp Đức Chúa Trời và được tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời mỗi ngày trong đời sống, tức là được cùng đi với Đức Chúa Trời. Cùng đi với Đức Chúa Trời có nghĩa là cùng sống với Đức Chúa Trời trong từng giây phút của đời sống, luôn tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời, và vâng phục Ngài trong mọi sự.

7 Bởi đức tin, Nô-ê được Thần khải về những việc chưa thấy. Ông kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình; bởi đó ông đã định tội thế gian, và trở nên người kế tự của sự công bình bởi đức tin. [Thần khải = được Chúa báo cho biết.]

Động từ “được Thần khải” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: được Thiên Chúa bày tỏ riêng về một sự gì đó. Thiên Chúa có thể bày tỏ bằng tiếng phán nghe được qua lỗ tai xác thịt của chúng ta, bằng tiếng phán trong tâm thần của chúng ta, bằng giấc mơ hoặc khải tượng. Khải tượng là sự nhìn thấy hình ảnh của sự việc xảy ra trong khi đang thức, khác với giấc mơ là sự nhìn thấy hình ảnh sự việc xảy ra đang khi ngủ. Vì Nô-ê có đức tin nơi Đức Chúa Trời nên ông đã được Ngài báo cho biết trước về cơn Lụt Lớn sẽ xảy ra trên toàn thế gian, hủy diệt mọi sinh vật trên mặt đất. Cũng bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời mà Nô-ê đã kính sợ Ngài, vâng theo lời phán dạy của Ngài, đóng một chiếc tàu để giữ gìn mạng sống của mọi người trong gia đình và một số các loài vật. Câu chuyện về Nô-ê được chép lại trong Sáng Thế Ký từ đoạn 6 đến đoạn 9.

“Bởi đó” là bởi đức tin của Nô-ê nơi Đức Chúa Trời.

II Phi-e-rơ 2:5 cho chúng ta biết, Nô-ê là người rao giảng công chính. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu rằng, trong suốt thời gian 120 năm trước cơn Lụt Lớn, Nô-ê đã rao giảng về sự hình phạt mà Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống trên toàn thế gian. Thế nhưng, không có một người nào ngoài gia đình gồm tám người của Nô-ê chịu tin nhận lời rao giảng của ông mà ăn năn. Đức Chúa Trời đã dùng lời rao giảng của Nô-ê để định tội toàn thế gian thời bấy giờ. Ngày nay, con dân Chúa cũng rao giảng về sự tận thế là sự Đức Chúa Trời đoán phạt toàn thế gian. Tiếc thay, ngày nay cũng như trong những ngày của thời Nô-ê, loài người cứ vui thú trong tội lỗi, không tin nhận lời rao giảng của con dân Chúa. Thậm chí có người còn bảo là con dân Chúa điên khùng, khi nghe con dân Chúa nói về chuyện Chúa sẽ đến giữa không trung để đem con dân Chúa ra khỏi thế gian; khi nghe con dân Chúa nói rằng, thân thể xác thịt của những thánh đồ đã chết sẽ được sống lại, thân thể xác thịt của những thánh đồ đang sống sẽ được biến hóa; rồi toàn Hội Thánh sẽ được cất lên không trung gặp Chúa, được Chúa đưa vào thiên đàng. Ngày nay, tình trạng của thế gian còn tệ hơn là vào thời Nô-ê, vì ngoài những kẻ chẳng tin còn có vô số những người tin Chúa mà không sống theo Lời Chúa.

8 Bởi đức tin, Áp-ra-ham khi được kêu gọi ra đi để đến một nơi mà ông sẽ nhận làm cơ nghiệp, thì ông đã vâng lời, ra đi mà không biết mình đi đâu.

Câu chuyện Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 12. Chúng ta không có chi tiết trong Thánh Kinh về đức tin của Áp-ra-ham nơi Đức Chúa Trời trước khi Ngài kêu gọi ông. Nhưng Thánh Kinh cho chúng ta biết, khi Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham, ông đã đáp lời kêu gọi của Ngài mà không hề thắc mắc. Ngay cả ông cũng không hỏi Đức Chúa Trời là Ngài sẽ đưa ông đến nơi nào. Vì Áp-ra-ham có đức tin nơi Đức Chúa Trời nên ông hoàn toàn vâng phục Ngài. Ngài phán bảo điều gì thì ông làm theo điều ấy, không hề thắc mắc. Ngay cả về sau, khi Đức Chúa Trời phán bảo ông hãy đem đứa con trai rất yêu dấu của ông là I-sác làm của lễ thiêu dâng lên Ngài, ông cũng đã im lặng vâng theo, không một lời than van hay thắc mắc (Sáng Thế Ký 22).

Trong một tiệc cưới bị thiếu rượu tại thành Ca-na, khi Đức Chúa Jesus Christ bảo những người phục vụ tiệc cưới đem nước đổ đầy sáu cái lu đá dùng chứa nước rửa chân cho khách, họ đã im lặng vâng theo, không một lời thắc mắc. Rồi khi Chúa bảo họ múc nước trong lu ấy đem cho người coi tiệc thì họ cũng im lặng vâng theo, không một lời thắc mắc. Khi người coi tiệc nếm thử thì nước đã biến thành rượu (Giăng 2).

Ngày nay, chúng ta cần học theo gương của Áp-ra-ham, hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Trời, cứ hết lòng vâng phục Ngài, làm theo mọi điều phán dạy trong Thánh Kinh, mà không thắc mắc. Có như vậy, chúng ta mới được phước, được Đức Chúa Trời yêu, và được thấy những sự lạ lùng Đức Chúa Trời làm ra trong đời sống của chúng ta.

9 Bởi đức tin, ông đã kiều ngụ trong vùng đất hứa như đất ngoại quốc, ở trong các lều trại với I-sác và Gia-cốp, các người đồng kế tự một lời hứa với ông.

Áp-ra-ham vững lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, chờ đợi lời hứa của Đức Chúa Trời đối với ông được hiện thực. Ông đã sống trong chính vùng đất mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho ông và dòng dõi của ông, như một người ở tạm trú trên vùng đất không thuộc về mình. Suốt ba đời của gia tộc ông đều sống tạm bợ trong lều trại, không xây dựng thành trì như là một nơi thường trú.

10 Vì ông chờ đợi một thành có những nền tảng mà Đấng Thiết Lập và Đấng Xây Dựng của nó là Đức Chúa Trời.

Câu 10 nói về thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời là thành sẽ từ trời giáng xuống trên đất sau khi Đức Chúa Trời thiết lập trời mới đất mới và Vương Quốc Đời Đời. Đó là nơi mà khoảng hai ngàn năm sau, Áp-ra-ham từ nơi phước hạnh trong âm phủ sẽ được Đức Chúa Jesus Christ đem vào, sau khi Ngài phục sinh. Khải Huyền đoạn 21 mô tả về cấu trúc của thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời với 12 nền làm bằng các loại ngọc quý.

Mặc dù Áp-ra-ham được Đức Chúa Trời hứa ban xứ Ca-na-an làm cơ nghiệp cho ông và dòng dõi của ông, nhưng ông không tha thiết với cơ nghiệp trên đất bằng cơ nghiệp trên trời. Trái lại với Áp-ra-ham, nhiều người tin nhận Chúa ngày hôm nay lại không quan tâm đến cơ nghiệp trên trời Chúa đã hứa ban cho họ, mà họ chỉ lo tìm kiếm sự giàu sang trên đất. Dù họ biết chắc chắn là khi ra khỏi cuộc đời này, họ sẽ chẳng mang theo được bất cứ một tài sản vật chất nào. Họ tốn phí thời gian và công sức để tạo ra của cải vật chất sẽ qua đi, thay vì đầu tư thời gian và công sức để tạo ra của cải còn lại đời đời ở trên trời. Họ tin Chúa nhưng không tin những lời dạy khuyên của Ngài:

“Đừng thu chứa của cải trên đất cho các ngươi; nơi có mối mọt và sự hoen rỉ làm hư; nơi những kẻ trộm đào khoét và lấy trộm. Nhưng hãy thu chứa của cải trên trời cho các ngươi; nơi chẳng có mối mọt, cũng chẳng có sự hoen rỉ làm hư; nơi những kẻ trộm chẳng đào khoét cũng chẳng lấy trộm.” (Ma-thi-ơ 6:19-20).

Họ không thật sự tin rằng, những việc làm công bình của họ, tức là những việc họ làm theo lời dạy của Chúa trong Thánh Kinh, chính là sự vinh quang mà họ sẽ có được trong đời sau, như Lời Chúa đã xác định trong Khải Huyền 19:8. Họ không sốt sắng làm theo Lời Chúa để được Chúa ban thưởng trong ngày Chúa trở lại, đón Hội Thánh vào trong thiên đàng (Khải Huyền 22:12).

11 Cũng bởi đức tin, Sa-ra chính mình nhận được sức mạnh cho sự thai dựng con cái, và sinh con khi tuổi đã cao. Vì bà nghĩ rằng, Đấng đã hứa là thành tín.

12 Cũng vì đó mà từ một người già yếu, sinh ra con cháu nhiều như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể đếm được.

Câu chuyện Sa-ra đã già 90 tuổi mà còn có thể mang thai và sinh con được ghi lại trong Sáng Thế Ký đoạn 17 và đoạn 18. Mặc dù khi Sa-ra nghe Chúa phán, bà sẽ có một con trai thì bà cười thầm và nghĩ rằng: “Sau khi tôi đã già yếu thế này, tôi có được niềm vui ấy sao? Chúa của tôi cũng đã già rồi” (Sáng Thế Ký 18:12). Chữ “Chúa của tôi” là lời Sa-ra nói về Áp-ra-ham. Khi ấy Áp-ra-ham đã 99 tuổi còn Sa-ra đã 90 tuổi. Sa-ra đã không còn kinh nguyệt. Tuy nhiên, sau khi bị Chúa quở trách, chắc chắn Sa-ra đã ăn năn và tin nhận lời phán của Ngài.

Nhóm chữ “Sa-ra chính mình nhận được…” hàm ý, tự bản thân của Sa-ra đã nhận được kết quả từ đức tin của chính bà. Hê-bơ-rơ 11:11 là lời chứng của Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta biết, Sa-ra đã thật sự ăn năn về sự hồ nghi của mình và có đức tin nơi Đức Chúa Trời.

Trong cuộc sống, chúng ta có thể hồ nghi Chúa vì chúng ta dựa trên hoàn cảnh và khả năng thực tế của chúng ta trong thế giới vật chất. Nhưng nếu là lời Chúa phán thì chúng ta phải tin nhận hoàn toàn, bất kể hoàn cảnh và khả năng của chúng ta như thế nào. Chúa có thể biến không thành có, khiến chết thành sống thì có điều gì mà Chúa không thể làm được? Thực tế, trong Sáng Thế Ký 18:14 Đức Chúa Trời đã hỏi Sa-ra: “Có điều gì quá khó cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu?” Trong thời Tân Ước, Thiên Sứ Gáp-ri-ên cũng đã phán với nữ đồng trinh Ma-ri: “Vì với Đức Chúa Trời chẳng việc gì mà không thể được” (Lu-ca 1:37) để nói về sự Ma-ri sẽ đồng trinh mà mang thai Đức Chúa Jesus.

Bởi đức tin của Áp-ra-ham lẫn Sa-ra mà từ một phụ nữ già yếu 90 tuổi như Sa-ra đã sinh ra dân tộc I-sơ-ra-ên. Một dân tộc đông đúc và tồn tại qua mọi biến cố của lịch sử. Thành ngữ: “Nhiều như sao trên trời, như cát bãi biển, không thể đếm được” hàm ý, rất nhiều, rất đông, không thể đếm để có một con số chính xác.

13 Hết thảy họ đã chết trong đức tin, chưa nhận những lời hứa, nhưng trông thấy chúng từ xa, được bắt phục và vui nhận chúng; xưng mình là khách lạ và người ở nhờ trên đất.

“Hết thảy họ” trước hết là bao gồm: Áp-ra-ham, Sa-ra, I-sác, và Gia-cốp là những người đã chết trong khi giữ vững đức tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời, trong khi lời hứa ấy chưa hiện thực. Mãi hơn 470 năm sau khi Đức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham, thì con cháu của ông là dân I-sơ-ra-ên mới nhận lãnh Đất Hứa Ca-na-an làm cơ nghiệp. Dân I-sơ-ra-ên đã sống khoảng 30 năm bình an tại xứ Ê-díp-tô trong thời Giô-sép. Sau đó, họ đã bị dân Ê-díp-tô bắt làm nô lệ trong suốt 400 năm. Rồi, họ được Đức Chúa Trời giải cứu, đem họ vào trong Đất Hứa Ca-na-an. Nhưng vì sự bội nghịch của họ mà họ bị Đức Chúa Trời hình phạt phải lang thang 40 năm trong các đồng vắng, trước khi vào được Đất Hứa.

“Hết thảy họ…” cũng có thể bao gồm luôn A-bên và Nô-ê. Hai người này cũng chết trong đức tin tuy không có lời hứa đặc biệt dành cho họ. Nhưng có thể họ cũng đã được Đức Chúa Trời ban cho lời hứa về thiên đàng, là lời hứa mà họ chỉ nhận được sau khi Đấng Christ phục sinh. Riêng Hê-nóc thì không trải qua sự chết.

“Trông thấy chúng từ xa” là sự trông thấy trong thần trí qua chiêm bao hoặc khải tượng. Chính Đức Chúa Jesus đã xác nhận, Áp-ra-ham đã trông thấy từ hơn hai ngàn năm trước, ngày của Đấng Christ:

“Áp-ra-ham, tổ phụ của các ngươi, đã mừng rỡ vì người đã nhìn thấy ngày của Ta; người đã thấy và đã vui mừng.” (Giăng 8:56).

“Được bắt phục” là hoàn toàn công nhận, không có sự nghi ngờ. Các người ấy đã được bắt phục bởi sự trông thấy trong thần trí mà vững vàng càng hơn trong đức tin về lời hứa của Đức Chúa Trời.

Chắc chắn, không phải họ chỉ được trông thấy trong thần trí sự hiện thực những lời Đức Chúa Trời đã hứa với họ về những gì Ngài sẽ làm ra trên đất này cho họ, mà chúng ta có thể tin rằng, Đức Chúa Trời cũng đã mạc khải cho họ về thiên đàng. Vì thế, trong khi họ vui nhận những sự Đức Chúa Trời hứa ban cho họ và con cháu của họ trên đất, thì họ lại hướng về những sự ở trên trời càng hơn. Vì thế, họ xem như cuộc đời trăm năm trên đất, trong thân xác hiện tại chỉ là cuộc sống tạm bợ, mà mong chờ ngày thân xác được biến hóa và sống vinh quang đời đời trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Ngày nay, nhiều con dân chân thật của Chúa, hết lòng tin kính Chúa và sống theo Lời Chúa, luôn hướng lòng về Chúa cũng được Chúa ban cho những mạc khải về sự Chúa đến, về thiên đàng, để họ được an ủi và khích lệ càng hơn trong cuộc sống hiện tại, chịu khổ vì danh Chúa, vì sống theo Lời Chúa.

14 Những người nói như thế, tỏ rõ rằng, họ đang mong muốn một quê hương.

“Nói như thế” là nói rằng: “mình là khách lạ và người ở nhờ trên đất”. Những người nói như vậy là những người đang mong chờ Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Đó sẽ là quê hương tuyệt vời và vĩnh cửu của họ. Quê hương ấy bắt đầu từ thiên đàng và sẽ hiện ra trên đất trong trời mới đất mới.

15 Nếu như họ thật nhớ nó, nơi mà họ đã từ đó ra đi, thì họ vẫn nắm giữ cơ hội quay lại.

“Thật nhớ nó” là thật nhớ quê hương trên đất, thuộc về đời này. Những người không biết Chúa thì thường có tấm lòng thương nhớ quê hương trên đất của họ rất là sâu đậm. Rất nhiều người sống tha hương, nhưng khi qua đời thì muốn thân xác được mang về chôn cất trên quê hương mà họ đã từ đó ra đi. Nhiều người đã tính toán, sắp xếp cho sự mang thân xác về lại quê hương trên đất. Nhiều người về già đã quay lại sống những ngày cuối cùng nơi quê hương trên đất. Tình cảm đó không có gì sai trái. Vì quê hương trên đất cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời cho mỗi người:

“Ngài cũng đã làm ra mỗi dân tộc của loài người từ một dòng máu, để ở khắp trên mặt đất, và đã xác định thời gian được định sẵn cùng các biên giới chỗ ở của họ; để cho họ tìm kiếm Chúa. Nếu họ thật lòng cảm nhận Ngài và tìm kiếm Ngài, dù Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:26-27).

Chúng ta có bổn phận yêu thương, trân quý, và bảo vệ quê hương trên đất của chúng ta đang khi chúng ta còn ở trong thân thể xác thịt này. Nhưng chúng ta nên hướng về quê hương đời đời hơn là quê hương tạm bợ rồi sẽ qua đi với mọi sự trong cuộc đời này. Vì đất và mọi công trình trên đất đều đã được định sẵn cho lửa. Lửa sẽ thiêu đốt tất cả để thánh hóa mọi nguyên tố vật chất, trước khi Đức Chúa Trời dựng nên trời mới đất mới. Lời Chúa đã tiên tri rất rõ ràng:

II Phi-e-rơ 3:10-14

10 Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.

11 Vì mọi vật này đều phải tiêu tan thì các anh chị em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào,

12 trong khi trông mong cho ngày của Đức Chúa Trời mau đến, là ngày các tầng trời sẽ bị đốt mà tiêu tan, các thể chất sẽ bị cháy mà tan chảy!

13 Tuy nhiên, theo lời hứa của Chúa, chúng ta trông mong các tầng trời mới và đất mới, là nơi sự công bình cư ngụ.

14 Vậy nên, hỡi những người yêu dấu! Vì các anh chị em trông đợi những sự đó, thì phải sốt sắng để Ngài thấy các anh chị em được bình an, không tì, không vết.

Chúng ta hãy nắm giữ cơ hội được vào quê hương vĩnh cửu trong đời sau thay vì lo tìm kiếm cơ hội quay về với quê hương trên đất thuộc về đời này.

16 Nhưng giờ đây, họ khao khát sự tốt hơn là sự ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn khi được gọi là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.

Trạng từ “giờ đây” là chỉ vào thời điểm họ xưng nhận mình là khách lạ và người ở nhờ trên đất. Sự xưng nhận này không nhất thiết phải nói thành lời, chỉ cần trong thần trí họ xưng nhận như vậy với Chúa, và họ thể hiện sự xưng nhận ấy qua nếp sống mỗi ngày của họ. Sự xưng nhận ấy đã tỏ ra lòng họ không màng đến những sự thuộc về thế gian mà chỉ hướng đến những sự thuộc về thiên đàng. Lòng có hướng đến những sự thuộc về thiên đàng thì mới khao khát tìm kiếm Chúa và vui thỏa trong sự tương giao với Chúa. Họ là những người sống theo lời Đức Thánh Linh dạy cho Hội Thánh trong thời Tân Ước:

“Những người dùng thế gian này thì chớ lạm dụng nó; vì hình trạng của thế gian này đang qua đi.” (I Cô-rinh-tô 7:31).

Chính vì thế mà Đức Chúa Trời không hổ thẹn khi được gọi là Đức Chúa Trời của họ, là Cha của họ. Chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã phân chia sẵn chỗ cho họ trong thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời và Đức Chúa Jesus Christ đang sắm sửa chỗ ở cho từng người, như lời Ngài đã hứa:

“Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Ta sẽ trở lại và sẽ đem các ngươi đến với Ta, để Ta ở đâu các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:3).

Chúng ta hãy theo gương các tiền nhân trong gia đình của Đức Chúa Trời mà hết lòng tin kính, vâng phục, và trông cậy nơi Đức Chúa Trời. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là những con trai và những con gái của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 6:18). Và Đức Chúa Trời sẽ không hổ thẹn vì chúng ta!

Nguyện mọi lẽ thật của Lời Chúa khiến cho chúng ta được bền vững trong đức tin. Nguyện sự trông cậy của chúng ta hoàn toàn đặt trên lẽ thật của Lời Chúa. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
20/07/2019

Ghi Chú

[1] https://www.physicscentral.com/explore/action/atom.cfm

[2] http://www.atomsinmotion.com/book/chapter1/atoms

Karaoke Thánh Ca: “Hỡi Người Muôn Nơi Hãy Ăn Năn”
https://karaokethanhca.net/hoi-nguoi-muon-noi-hay-an-nan/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.