Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16-34 Phao-lô tại A-thên

1,124 views

Youtube: https://youtu.be/EJ31wBAaU1I

44042 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16-34
Phao-lô tại A-thên

    Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16-34

16 Phao-lô đã đợi họ tại thành A-thên. Tâm thần của người đã tức giận trong người, khi người thấy thành phố đầy những thần tượng.

17 Vậy, thực tế, người đã biện luận trong nhà hội với những người Do-thái và những người thờ phượng tại đó; lại cứ mỗi ngày, biện luận với những người đã gặp trong chợ.

18 Có mấy nhà triết học về phái Ê-pi-cố-rai-ốt (Epicuriens) và phái Stôi-cót (Stociens) cũng cãi lẽ với người. Kẻ thì hỏi: Người già mồm này muốn nói gì đó? Kẻ khác nói: Người dường như giảng về các thần ngoại quốc. Vì người đã giảng cho chúng về Đức Chúa Jesus và sự sống lại. [Phái triết học Ê-pi-cố-rai-ốt chủ trương tìm kiếm sự vui thú chân thật mà không cần lẽ thật tuyệt đối. Phái triết học Stôi-cót tin vào thuyết định mệnh và chủ trương loài người chỉ tìm được hạnh phúc khi hòa mình với thiên nhiên.]

19 Chúng đã bắt người, đem đến A-rê-ô-ba, mà hỏi: Chúng tôi có thể biết giáo lý mới mà ông dạy là gì chăng? [A-rê-ô-ba = Ngọn đồi của thần Mars (Hỏa Tinh), nơi dân A-thên thiết lập tòa án.]

20 Vì ông đem một số sự lạ đến lỗ tai của chúng tôi, vậy, chúng tôi muốn biết, các sự ấy có nghĩa gì.

21 Hết thảy người A-thên và những người ngoại quốc tạm cư không tốn thời gian cho việc gì khác, hơn là kể và nghe chuyện gì mới.

22 Phao-lô đã đứng tại giữa A-rê-ô-ba, nói rằng: Hỡi những người của A-thên! Ta thấy, trong mọi sự các ngươi rất sùng tín.

23 Vì khi ta trải qua, xem những sự thờ phượng của các ngươi, thì thấy một bàn thờ, trên nó được chạm chữ: Thần Không Biết. Vậy, Đấng các ngươi thờ phượng mà không biết đó, ta đang rao truyền cho các ngươi.

24 Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong nó. Ấy là Chúa của trời và đất. Ngài chẳng ngự trong các đền thờ được làm bằng tay.

25 Ngài cũng chẳng được phụng sự bởi bàn tay của loài người như là Ngài cần điều gì. Chính Ngài ban từng sự sống và hơi thở đến cho tất cả.

26 Ngài cũng đã làm ra mỗi dân tộc của loài người từ một dòng máu, để ở khắp trên mặt đất. Ngài xác định thời gian đã được định sẵn cùng các biên giới chỗ ở của họ;

27 để cho họ tìm kiếm Chúa. Nếu như họ thật lòng cảm nhận Ngài và tìm kiếm Ngài, dù Ngài chẳng ở xa khỏi mỗi một người trong chúng ta.

28 Vì trong Ngài, chúng ta sống, động, và thực hữu; theo như có lần một vài thi nhân của các ngươi đã nói: Vì chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài.

29 Vậy, chúng ta là dòng dõi của Đức Chúa Trời, thì chớ nên nghĩ, bản thể của Thiên Chúa giống như là hình tượng chạm đúc bằng vàng, bạc, hay đá, bởi tài nghệ và ý tưởng của loài người.

30 Vậy, thực tế, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các thời ngu muội đó, mà nay, truyền cho tất cả mọi người trong mọi nơi hãy ăn năn.

31 Vì Ngài đã chỉ định một ngày, trong ngày đó, Ngài sẽ phán xét thế gian trong sự công chính, bởi Người mà Ngài đã lập. Ngài đã ban sự chắc chắn về điều ấy cho hết thảy mọi người. Ngài đã khiến Người sống lại từ trong những kẻ chết.

32 Khi chúng đã nghe về sự sống lại của những kẻ chết, thực tế, kẻ thì nhạo báng, kẻ thì nói: Chúng ta sẽ nghe ngươi lần sau, về việc đó.

33 Vậy, Phao-lô đã đi khỏi giữa chúng.

34 Nhưng có mấy kẻ đã bám theo người và tin. Trong số đó có Đê-ni, là một quan tòa nơi A-rê-ô-ba, và một người đàn bà tên là Đa-ma-ri, cùng các người khác với họ.

Bản Đồ Minh Họa Hành Trình Truyền Giáo Lần Thứ Nhì của Phao-lô [1]
Tải Xuống: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/03/HanhTrinhTruyenGiao_2.png

Sau khi hay tin những người theo Do-thái Giáo tại thành Tê-sa-lô-ni-ca đang đến thành Bê-rê để bách hại Phao-lô, thì các anh chị em cùng Cha tại thành Bê-rê đã đưa ông theo đường biển, đến thành A-thên để tránh sự bách hại của chúng.

Danh từ A-thên (G116) là tên của một nữ tà thần trong thần thoại Hy-lạp, được cho là nữ thần của sự khôn sáng và là thần linh sáng lập thành A-thên. Nhưng điều trớ trêu là ý nghĩa của chữ A-thên lại có nghĩa là: không chắc chắn. Thần của sự khôn sáng mà lại có tên là: Không Chắc Chắn.

Tính theo đường bộ ngày nay thì thành A-thên cách thành Bê-rê khoảng 505 km; đường biển sẽ xa hơn đường bộ khoảng 200 km, vì phải đi vòng các bán đảo và mũi đất. (Tên hiện nay của Bê-rê là Veria [2].) Vào thời của Phao-lô, nếu đi đường bộ thì mất khoảng 10 ngày đường. Nếu đi đường biển, thuận gió, với tốc độ 10 km/giờ thì sẽ mất khoảng ba ngày ba đêm.

A-thên hiện nay là thủ đô của Hy-lạp và là một trong các thành phố xưa nhất của thế giới, liên tục có người cư trú. A-thên được xây dựng vào khoảng năm 437 TCN. Vào thời của Phao-lô, A-thên là trung tâm điểm của văn hóa và nghệ thuật Hy-lạp. Ngay cả sau khi đế quốc Hy-lạp bị đế quốc La-mã chinh phục, thì văn hóa và nghệ thuật vẫn từ A-thên, lan truyền đi khắp nơi trong đế quốc La-mã. Thi Sĩ Hôratiut của La-mã đã từng nói: “Người Hy-lạp bị người La-mã chinh phục, nhưng những người bị chinh phục ấy lại chinh phục trở lại kẻ đã chinh phục mình. Văn học nghệ thuật của Hy-lạp đã tràn sang đất La-tinh hoang dã…” Lời ấy có nghĩa là đế quốc La-mã đã chinh phục đế quốc Hy-lạp; nhưng văn hóa và nghệ thuật của Hy-lạp đã chinh phục đế quốc La-mã.

Một trong các đặc điểm nổi bật của dân thành A-thên vào thời của Phao-lô là họ rất sùng tín trong việc thờ phượng các thần linh. Như Công Vụ Các Sứ Đồ 17:16 và câu 23 đã cho chúng ta thấy. Một nhà văn của La-mã từng nói rằng: “Đi tìm một vị thần ở A-thên dễ hơn là đi tìm một người”. Trong bối cảnh đó của thành A-thên, Phao-lô đã được Chúa đem đến để giảng Tin Lành cho cư dân tại A-thên.

16 Phao-lô đã đợi họ tại thành A-thên. Tâm thần của người đã tức giận trong người, khi người thấy thành phố đầy những thần tượng.

Đại danh từ “họ” trong câu này được dùng để chỉ Si-la và Ti-mô-thê. Có thể Lu-ca đã cùng đi với Phao-lô đến A-thên. Thời gian Phao-lô chờ đợi Si-la và Ti-mô-thê ít nhất là 20 ngày. Vì những người phụ trách hành trình cho Phao-lô, mang theo lệnh truyền của ông cho Si-la và Ti-mô-thê, cần ít nhất là 10 ngày đi đường để về lại Bê-rê. Rồi, Si-la và Ti-mô-thê cũng cần ít nhất là 10 ngày đi đường để xuống đến A-thên. Trong khoảng thời gian đó, Phao-lô đã đi dạo các nơi trong thành A-thên và nhận thấy, thành phố đầy những thần tượng. Có nghĩa là có rất nhiều đền thờ đủ loại tà thần; nhưng cũng có rất nhiều tượng tà thần ở những nơi công cộng, trong hay ngoài những cửa hàng, lẫn những nhà riêng. Chẳng những dân A-thên thờ phượng các tà thần trong truyền thuyết mà họ còn thờ các ý tưởng và cảm xúc. Họ có những bàn thờ cho Sự Thương Xót, Sự Hổ Thẹn, Sự Danh Tiếng, Sự Khao Khát… Thậm chí, họ còn sợ họ thiếu sót trong sự thờ phượng các thần linh nên đã lập ra một bàn thờ để thờ Thần Không Biết.

Một sự tức giận đã nổi lên trong thần trí của Phao-lô nhưng không thể hiện ra ngoài. Vì Lời Chúa nói rõ là tâm thần của Phao-lô đã tức giận trong ông. Phao-lô tức giận vì thấy thành A-thên đã hoàn toàn bị ma quỷ chiếm ngự. Tâm trí của những cư dân tại A-thên đã hoàn toàn bị ma quỷ khống chế. Khiến cho loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa phải quỳ lạy các vật vô tri, vô giác do tay loài người làm ra; và quỳ lạy các ý tưởng cùng các cảm xúc của chính mình.

17 Vậy, thực tế, người đã biện luận trong nhà hội với những người Do-thái và những người thờ phượng tại đó; lại cứ mỗi ngày, biện luận với những người đã gặp trong chợ.

Danh từ “những người thờ phượng” (G3588 G4576) trong câu này hàm ý, những người không phải là dân I-sơ-ra-ên nhưng tin nhận Thiên Chúa, nên đến nhà hội để nghe giảng Lời Chúa và thờ phượng Thiên Chúa.

Vào các ngày Sa-bát, Phao-lô đã vào trong nhà hội của những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo, để biện luận Lời Chúa với họ và với những người dân ngoại có lòng tin kính Chúa. Còn ngày thường thì ông biện luận về tín ngưỡng với những người ông gặp trong chợ.

Phao-lô không phải chỉ rao giảng Tin Lành mà ông còn biện luận về Lời Chúa, để giúp những ai nghe ông được hiểu biết đúng Lời Chúa. Nhờ đó, họ nhận biết rằng, ông đang rao giảng về một Đấng Cứu Rỗi đã được tiên tri trong Thánh Kinh.

18 Có mấy nhà triết học về phái Ê-pi-cố-rai-ốt (Epicuriens) và phái Stôi-cót (Stociens) cũng cãi lẽ với người. Kẻ thì hỏi: Người già mồm này muốn nói gì đó? Kẻ khác nói: Người dường như giảng về các thần ngoại quốc. Vì người đã giảng cho chúng về Đức Chúa Jesus và sự sống lại. [Phái triết học Ê-pi-cố-rai-ốt chủ trương tìm kiếm sự vui thú chân thật mà không cần lẽ thật tuyệt đối. Phái triết học Stôi-cót tin vào thuyết định mệnh và chủ trương loài người chỉ tìm được hạnh phúc khi hòa mình với thiên nhiên.]

Vào thời của Phao-lô, tại thành A-thên, có hai trường phái triết học Hy-lạp được ưa chuộng. Đó là trường phái Ê-pi-cố-rai-ốt (Epicuriens) và trường phái Stôi-cót (Stociens). Phái Ê-pi-cố-rai-ốt quan tâm đến sự sống thuộc thể, bác bỏ thế giới thuộc linh, chỉ cần được yên tĩnh và không bị đau khổ là được hạnh phúc. Phái Stôi-cót quan tâm đến trí thức và đạo đức, tìm hiểu để hòa mình với các quy luật của tự nhiên và rèn tập đức hạnh, chỉ cần có trí thức và có đạo đức là được hạnh phúc.

Trường phái Ê-pi-cố-rai-ốt do Triết Gia Epicurus /é-pơ-kiu-rus/ người Hy-lạp sáng lập vào khoảng năm 307 TCN. Trường phái Ê-pi-cố-rai-ốt nghiêng về chủ nghĩa duy vật, cho rằng, vật chất là chất cơ bản trong tự nhiên. Tất cả mọi thứ, bao gồm cả trạng thái tinh thần và ý thức, là kết quả từ sự tương tác của vật chất. Do đó, lý trí và ý thức là sản phẩm phụ của các tiến trình tương tác của vật chất, như hoạt động sinh hóa của bộ não và thần kinh hệ. Nếu không có chúng thì lý trí và ý thức không tồn tại. Chính vì thế mà trường phái Ê-pi-cố-rai-ốt phản đối tất cả những sự mê tín dị đoan và những sự can thiệp của thế giới thần linh.

Những người theo trường phái Ê-pi-cố-rai-ốt tin rằng, lợi ích lớn nhất của đời người là tìm kiếm niềm vui đơn sơ, bền vững dưới trạng thái yên tĩnh và tự do khỏi sự sợ hãi cùng sự không bị đau đớn về thể xác. Họ tin rằng, điều đó có thể đạt được thông qua trí thức về sự hoạt động của thế giới và hạn chế sự ham muốn. Vì thế, họ thường rút lui khỏi chính trường. Họ cho rằng, sự tham chính có thể dẫn đến những thất vọng và tham vọng, khiến gây xung đột trực tiếp với việc theo đuổi sự bình yên trong tâm trí và phát triển các đức tính.

Trường phái Stôi-cót do Triết Gia Zeno /di-nô/ người Hy-lạp sáng lập vào đầu thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, ngay tại thành A-thên. Trường phái Stôi-cót nghiêng về chủ nghĩa khắc kỷ, tức là một người phải nghiêm khắc với bản thân để đạt đến đức hạnh, thông qua sự suy luận và quan điểm của người ấy về bản chất của thế giới.

Những người theo trường phái Stôi-cót cho rằng, vì loài người là một sinh vật thuộc về xã hội, nên loài người chỉ có thể tìm được hạnh phúc bởi sự chấp nhận mọi thứ đang diễn ra, không cho phép bản thân bị kiểm soát bởi những khao khát cần được thỏa mãn hoặc bởi sự sợ hãi trước những đau đớn. Loài người cần sử dụng trí óc của mình để hiểu thế giới này và sống theo quy luật tự nhiên. Đạo đức là điều tốt duy nhất cho loài người. Những thứ bên ngoài, như: sức khoẻ, sự giàu có, sự khoái lạc… tự bản thân chúng không tốt cũng không xấu. Chúng chỉ là chất liệu để đạo đức hành động qua chúng. Loài người cần hoàn toàn tự chủ, sao cho: “Ốm đau nhưng vẫn hạnh phúc, hiểm nguy nhưng vẫn hạnh phúc, chết đi nhưng vẫn hạnh phúc, lưu đày nhưng vẫn hạnh phúc, sống ô nhục nhưng vẫn hạnh phúc”.

Người theo hai trường phái triết học duy vật và khắc kỷ đương nhiên có sự biện luận với Phao-lô. Vì những gì Phao-lô giảng dạy ngược lại các quan điểm triết học của họ. Người duy vật không chấp nhận thế giới thần linh mà Phao-lô thì giảng về Thiên Chúa. Người khắc kỷ nghiêng về sự rèn luyện đạo đức mà Phao-lô thì giảng về sự phạm tội của loài người. Người duy vật muốn tránh khổ đau và được yên tĩnh, người khắc kỷ muốn có trí thức và đạo đức nhưng cả hai đều không chấp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Danh từ “người già mồm” (G4691) được họ dùng để gọi Phao-lô trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa bóng là người nói nhiều, nhưng chỉ là nói những điều xu nịnh hoặc vô ích.

19 Chúng đã bắt người, đem đến A-rê-ô-ba, mà hỏi: Chúng tôi có thể biết giáo lý mới mà ông dạy là gì chăng? [A-rê-ô-ba = Ngọn đồi của thần Mars (Hỏa Tinh), nơi dân A-thên thiết lập tòa án.]

20 Vì ông đem một số sự lạ đến lỗ tai của chúng tôi, vậy, chúng tôi muốn biết, các sự ấy có nghĩa gì.

Động từ “bắt” (G1949) trong câu 19 có nghĩa là dùng tay nắm giữ nhưng không nhất thiết là có ác ý.

Danh từ “A-rê-ô-ba” (G697) có nghĩa là “Vầng Đá Hỏa Tinh”, là tên gọi một ngọn đồi đá tại A-thên, nơi có đền thờ tà thần Hỏa Tinh. Đó cũng là nơi xử án. Có lẽ đó là nơi rộng rãi để có thể tập trung nhiều người, nên họ đã đem Phao-lô đến đó.

Họ muốn nghe Phao-lô nói cách chi tiết về những gì ông đang rao giảng mà trước giờ họ chưa nghe biết.

21 Hết thảy người A-thên và những người ngoại quốc tạm cư không tốn thời gian cho việc gì khác, hơn là kể và nghe chuyện gì mới.

Chẳng những người Hy-lạp tại A-thên mà cả những người ngoại quốc đến cư trú tại A-thên cũng đều ưa thích diễn thuyết và nghe diễn thuyết về những điều mới lạ. Đó cũng là một trong các đặc điểm của thành A-thên, trung tâm văn hóa của tây phương vào thời bấy giờ. Có lẽ phần lớn trong số họ là những người giàu có, thuộc giới thượng lưu, không phải bận tâm về việc kiếm sống mỗi ngày.

22 Phao-lô đã đứng tại giữa A-rê-ô-ba, nói rằng: Hỡi những người của A-thên! Ta thấy, trong mọi sự các ngươi rất sùng tín.

23 Vì khi ta trải qua, xem những sự thờ phượng của các ngươi, thì thấy một bàn thờ, trên nó được chạm chữ: Thần Không Biết. Vậy, Đấng các ngươi thờ phượng mà không biết đó, ta đang rao truyền cho các ngươi.

Phao-lô đã bắt đầu rao giảng cho đám đông dân A-thên đang muốn nghe ông nói. Ông đã nói lên nhận định của ông về sự sốt sắng tin vào các thần linh, làm ra nhiều hình tượng, đền thờ, và bàn thờ cho các tà thần của họ. Ông nhắc cho họ nhớ là họ đã cẩn thận lập ra một bàn thờ dành cho thần linh mà họ không biết. Rồi, ông nói cho họ biết là ông đang giảng về Thần Không Biết ấy cho họ.

24 Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong nó. Ấy là Chúa của trời và đất. Ngài chẳng ngự trong các đền thờ được làm bằng tay.

25 Ngài cũng chẳng được phụng sự bởi bàn tay của loài người như là Ngài cần điều gì. Chính Ngài ban từng sự sống và hơi thở đến cho tất cả.

Phao-lô đã giảng rằng, Thần mà họ không biết ấy chính là Đức Chúa Trời, là Đấng đã dựng nên thế giới và muôn vật trong thế giới, là chủ tể của trời và của đất. Vì muôn vật do Ngài dựng nên, cho nên Ngài không ngự trong các đền thờ do tay người làm ra. Ngài cũng chẳng cần loài người phụng sự Ngài. Trái lại, Ngài là Đấng ban từng sự sống cho muôn vật, ban không khí cho muôn vật có hơi thở.

Động từ “ngự” (G2730) có nghĩa là cư trú thường xuyên. Thiên Chúa ở ngoài muôn loài do Ngài tạo nên. Ngài gọi trời là ngai của Ngài và đất là bệ chân của Ngài:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Trời là ngai Ta, đất là bệ chân Ta. Các ngươi sẽ xây nhà thế nào cho Ta? Các ngươi sẽ lấy nơi nào làm chỗ nghỉ ngơi cho Ta?” (Ê-sai 66:1).

Ngài ngự hay cư trú trong thiên đàng, còn gọi là tầng trời thứ ba, do chính Ngài làm ra. Thiên Chúa không ngự trong Đền Tạm hay trong Đền Thờ, mà là danh của Ngài ngự trong chúng (Ê-xơ-ra 6:12). Chỉ có sự kiện Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ngự trong thân thể của con dân Chúa là sự hiện diện thường xuyên của Thiên Chúa trong xác thịt của loài người.

Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16).

Động từ “ở” (G3611) trong I Cô-rinh-tô 3:16 có nghĩa là cư trú, như cư trú trong một căn nhà, với hàm ý là cùng sống chung với ai đó trong một căn nhà.

Thân thể xác thịt hiện nay của chúng ta được Thánh Kinh gọi là nhà trên đất, là lều trại. Thân thể xác thịt sẽ được phục sinh hay sẽ được biến hóa của chúng ta được Thánh Kinh gọi là dinh thự từ Thiên Chúa, còn mãi trong các tầng trời:

II Cô-rinh-tô 5:1-4

1 Vì chúng ta biết rằng, nếu nhà trên đất của lều trại chúng ta bị đổ nát thì chúng ta có dinh thự từ Thiên Chúa, là nhà không bởi tay người làm ra, vĩnh hằng trong các tầng trời.

2 Vì trong chỗ ở này thì chúng ta than thở, ước mong mặc lấy chỗ ở từ trời của chúng ta.

3 Miễn là chúng ta cũng được mặc thì chúng ta sẽ không bị bắt gặp trần truồng.

4 Vì chúng ta là những người đang ở trong lều trại, than thở dưới gánh nặng; trong khi không muốn bởi đó mà bị lột trần, nhưng được mặc, để sự có thể chết bị nuốt bởi sự sống.

Chúng ta, tức là linh hồn, sống trong thân thể thiêng liêng là tâm thần và cùng tâm thần cư trú (G2730) trong thân thể vật chất là xác thịt. Sau khi chúng ta tin nhận Tin Lành thì linh hồn và tâm thần cùng được tái sinh, tức là được dựng nên mới. Thân thể xác thịt được thánh hóa để Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh có thể cùng sống chung (G3611) với chúng ta trong thân thể xác thịt của chúng ta. Khi Thiên Chúa Đấng Thần Linh cùng sống chung với chúng ta trong thân thể xác thịt của chúng ta thì Thánh Kinh gọi Ngài bằng danh xưng Đức Thánh Linh. Lý do là để phân biệt bản thể của Thiên Chúa với bản thể thiêng liêng của chúng ta và bản thể của ma quỷ. Ma quỷ, tức là các thiên sứ phạm tội, với bản thể thiêng liêng cũng có thể cùng cư trú với chúng ta trong thân thể xác thịt của chúng ta. Thánh Kinh gọi đó là bị quỷ ám, bị tà linh xâm nhập và điều khiển thân thể xác thịt. Người thế gian vô thần thì gọi là bị bệnh tâm thần.

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “thần” hay “linh” với mạo từ xác định được dùng để chỉ bản thể thiêng liêng của Thiên Chúa; của các thiên sứ, kể cả các thiên sứ phạm tội, trở thành ma quỷ, còn gọi là tà linh; và bản thể thiêng liêng của loài người.

Tiếng Hê-bơ-rơ:

  • ה = mạo từ xác định.

      • רוח = thần, linh; thần trí của Thiên Chúa, thần trí của loài người, thần trí của thiên sứ, thần trí của ma quỷ.

  • הרוח = Đấng Thần Linh, một trong ba thân vị của Thiên Chúa.

  • הרוח = tâm thần, thân thể thiêng liêng của loài người.

  • הרוח = thần thể, linh thể, thân thể thiêng liêng của thiên sứ.

  • הרוח = thần thể, linh thể, thân thể thiêng liêng của ma quỷ.

Tiếng Hy-lạp:

  • το = mạo từ xác định.

  • πνευμα = thần, linh; thần trí của Thiên Chúa, thần trí của loài người, thần trí của thiên sứ, thần trí của ma quỷ.

  • το πνευμα = Đấng Thần Linh, một trong ba thân vị của Thiên Chúa.

  • το πνευμα = tâm thần, thân thể thiêng liêng của loài người.

  • το πνευμα = thần thể, linh thể, thân thể thiêng liêng của thiên sứ.

  • το πνευμα = thần thể, linh thể, thân thể thiêng liêng của ma quỷ.

  • το αγιον = Đấng Thánh.

  • το πνευμα το αγιον = Đấng Thần Linh Đấng Thánh = Đức Thánh Linh.

Chẳng những Thiên Chúa không cần loài người xây Đền Thờ làm chỗ ở cho Ngài mà Ngài cũng không cần loài người phụng sự Ngài. Thật ra, sự loài người xây Đền Thờ Thiên Chúa là để họ có nơi nhóm hiệp nhau thờ phượng Thiên Chúa mà nhận lãnh sự ban ơn của Ngài. Sự loài người phụng sự Thiên Chúa là cơ hội để họ được gần gũi Thiên Chúa, được dự phần vào công việc của Ngài, và được Ngài ban thưởng. Đó là vì sự ích lợi và phước hạnh của loài người mà Thiên Chúa cho phép loài người xây Đền Thờ cho Ngài và phụng sự Ngài. Chứ Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng Tạo Hóa của muôn loài không cần ai xây nhà cho Ngài hay làm bất cứ điều gì cho Ngài cả.

26 Ngài cũng đã làm ra mỗi dân tộc của loài người từ một dòng máu, để ở khắp trên mặt đất. Ngài xác định thời gian đã được định sẵn cùng các biên giới chỗ ở của họ;

27 để cho họ tìm kiếm Chúa. Nếu như họ thật lòng cảm nhận Ngài và tìm kiếm Ngài, dù Ngài chẳng ở xa khỏi mỗi một người trong chúng ta.

Theo thống kê, trong thế giới có đến hàng trăm dân tộc [3] nhưng tất cả đều thuộc về một loài người, có chung một dòng máu của loài người. Máu của loài người chia thành bốn nhóm chính: A, B, AB, và O; từ bốn nhóm máu chính lại chia ra đến 43 nhóm máu phụ [4], nhưng máu của loài người hoàn toàn khác với máu của các sinh vật khác.

Ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã truyền cho loài người phải sinh sản, thêm nhiều, và làm cho đầy dẫy đất dòng giống của loài người.

Thiên Chúa ban phước cho họ và phán: Hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất! Hãy làm cho đất phục tùng! Hãy quản trị loài cá biển, loài chim trời, cùng mỗi vật sống hành động trên mặt đất!” (Sáng Thế Ký 1:28).

Đối với mỗi người và mỗi dân tộc, Thiên Chúa đã định sẵn chỗ ở của họ và tuổi thọ của họ. Từ khi sáng thế cho tới nay, có hàng tỷ người đã qua đời, có nhiều dân tộc đã bị tiêu diệt, nhưng mục đích chính của Đức Chúa Trời dành cho mỗi người, mỗi dân tộc không hề thay đổi. Đó là để cho mỗi người, mỗi dân tộc tìm kiếm Chúa trong khoảng thời gian và tại nơi địa lý mà Ngài đã định sẵn cho họ. Rồi, Ngài sẽ nhóm hiệp những ai biết tìm kiếm Ngài, tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, làm thành một dòng dõi thánh, thừa hưởng Vương Quốc Đời Đời của Ngài. Trong Vương Quốc của Đức Chúa Trời, dân tộc nào cũng sống theo dân tộc đó trên các vùng lãnh thổ mà Đức Chúa Trời đã định cho họ.

Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh.” (Ma-la-chi 2:15a).

Vì thế, chúng ta không nên tin vào giả thuyết có loài người trên các hành tinh khác trong vũ trụ. Lời Chúa đã khẳng định là mọi hành tinh trong vũ trụ đều đã được Ngài phân chia cho muôn dân trên đất.

Và hãy giữ, kẻo ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quỳ xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú này mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi đã phân chia cho muôn dân dưới trời chăng.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:19).

Chúng ta có thể hiểu rằng, các hiện tượng về những vật thể biết bay chưa được xác định, gọi tắt theo tiếng Anh là UFO (unidentified flying object) chính là các hiện tượng do ma quỷ làm ra để dụ dỗ loài người tin nhận vào thuyết tiến hóa và thuyết người đến từ các hành tinh khác trong vũ trụ. Qua đó, chúng khiến cho loài người không còn quan tâm rằng, Kỳ Tận Thế đã đến rất gần, mọi người cần kịp thời thật lòng ăn năn tội và tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời.

Thực tế, Đức Chúa Trời chẳng ở xa loài người. Ngài vẫn kéo mỗi người đến với sự cứu rỗi của Ngài. Vì Ngài “yêu thương thế gian” và Ngài “muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.” (Giăng 3:16; I Ti-mô-thê 2:4). Ngài không vui về sự chết của kẻ bị chết. Ngài muốn họ ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta không vui về sự chết của kẻ bị chết. Vậy, các ngươi hãy quay lại để được sống!” (Ê-xê-chi-ên 18:32).

Ngài đã khẳng định rằng:

Các ngươi sẽ tìm và gặp được Ta, khi các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta.” (Giê-rê-mi 29:13).

Vì thế, một người chỉ cần cảm nhận sự thực hữu của Thiên Chúa, hết lòng tìm kiếm Ngài, kêu cầu Ngài thì người ấy chắc chắn sẽ gặp được Ngài.

28 Vì trong Ngài, chúng ta sống, động, và thực hữu; theo như có lần một vài thi nhân của các ngươi đã nói: Vì chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài.

Trong Ngài” có nghĩa là trong sự cứu rỗi của Ngài, trong sự quan phòng của Ngài (quan phòng có nghĩa là chăm sóc và bảo vệ), trong sự tương giao với Ngài.

Động từ “sống” (G2198) vừa nói đến sự sống của thân thể xác thịt hiện tại, vừa nói đến sự sống đời đời của thân thể xác thịt được phục sinh hoặc biến hóa. Nhưng cũng hàm ý là sự được tương giao với Thiên Chúa trong cả ba phương diện: linh hồn, tâm thần, và xác thịt.

Động từ “động” (G2795) nói đến mọi hành động của người thuộc về Chúa trong đời này lẫn trong đời sau.

Động từ “thực hữu” (G2070) nói đến sự có thật của mỗi người, do chính Thiên Chúa dựng nên. Mỗi người là một bản ngã, tức là một linh hồn, cư trú trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần, và cùng tâm thần cư trú trong một thân thể vật chất là xác thịt.

Nhóm chữ “dòng dõi của Ngài” (G1085) hàm ý, được Thiên Chúa dựng nên để hưởng cơ nghiệp của Ngài, như con cháu thừa hưởng cơ nghiệp của ông bà cha mẹ. Loài người được Thiên Chúa dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa, nghĩa là được mang lấy các tính cách và hình dáng như Thiên Chúa [5]. Nhưng loài người không có cùng bản thể với Thiên Chúa.

Loài người được dựng nên theo hình của Thiên Chúa, tức là được mang các đặc tính của Thiên Chúa, mang lấy sự vinh quang của Thiên Chúa, như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Chữ hình ở đây có nghĩa là tình trạng, không có nghĩa là hình dáng. Thiên Chúa là Đấng yêu thương, thánh khiết, và công chính. Loài người được dựng nên trong tình trạng có khái niệm về yêu thương, thánh khiết, công chính giống như Thiên Chúa; và biết thể hiện sự yêu thương, thánh khiết, công chính qua ý nghĩ, tình cảm, lời nói, và hành động của mình.

Loài người được dựng nên theo tượng của Thiên Chúa, tức là được mang hình thể thiêng liêng và hình thể vật chất giống như hình thể thiêng liêng và hình thể vật chất của Thiên Chúa. Chữ tượng ở đây có nghĩa là dáng dấp, hình thể. Tâm thần của loài người có hình thể giống như hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa. Xác thịt của loài người có hình thể giống như hình thể xác thịt của Thiên Chúa, khi Ngài nhập thế làm người. Loài người đã được nhìn thấy và sờ chạm hình thể xác thịt của Thiên Chúa qua Đức Chúa Jesus.

Ngôi Lời đã chịu trở nên xác thịt và đã đóng trại giữa chúng ta. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài; sự vinh quang như của Con Một đến từ Cha, đầy dẫy ân điển và lẽ thật.” (Giăng 1:14).

Đấng có từ ban đầu, là Đấng chúng tôi đã nghe, Đấng mắt chúng tôi đã thấy, Đấng chúng tôi đã ngắm, và tay chúng tôi đã chạm đến, thuộc về Ngôi Lời của Sự Sống.” (I Giăng 1:1).

Phao-lô đã được sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đế quốc La-mã hùng mạnh. Ông mang quốc tịch La-mã, thông thạo văn hóa Hy-lạp và được học Thánh Kinh với giáo sư danh tiếng của I-sơ-ra-ên, là Ga-ma-li-ên. Có thể nói, Phao-lô là người trí thức khuôn mẫu thời bấy giờ, trong cả hai nền văn hóa: văn hóa Do-thái Giáo và văn hóa Hy-lạp. Phao-lô chắc chắn đã đọc nhiều sách của các triết gia và thi sĩ Hy-lạp. Trong II Ti-mô-thê 4:13, Phao-lô đã dặn Ti-mô-thê khi đến với ông, thì hãy đem cái áo choàng cùng những sách vở, nhất là những sách bằng giấy da, mà ông đã để lại tại thành Trô-ách. Vì thế, Phao-lô không lạ gì các tư tưởng triết học và thơ văn của người Hy-lạp. Phao-lô có ý nhắc tới lời của vài thi nhân Hy-lạp để những người Hy-lạp hiểu rằng, chính các thi nhân nổi tiếng của họ cũng đã công nhận một lẽ thật của Thánh Kinh. Đó là loài người là dòng dõi của Đức Chúa Trời.

29 Vậy, chúng ta là dòng dõi của Đức Chúa Trời, thì chớ nên nghĩ, bản thể của Thiên Chúa giống như là hình tượng chạm đúc bằng vàng, bạc, hay đá, bởi tài nghệ và ý tưởng của loài người.

Vào thời của Phao-lô, nghệ thuật điêu khắc của Hy-lạp đã lên đến tột đỉnh. Nhiều loại hình tượng, từ hình tượng của các tà thần đến hình tượng của các vua, các nhân vật nổi tiếng, và ngay cả hình tượng của các loài thú vật, đã được điêu khắc cách khéo léo, và vẫn còn lại cho tới ngày nay. Vì thế, ý tưởng điêu khắc hình tượng rất là quen thuộc với người Hy-lạp thời bấy giờ. Nhất là điêu khắc hình tượng các thần linh để thờ phượng. Nhưng Phao-lô nói cho họ biết, Đức Chúa Trời mà ông đang giảng cho họ, chẳng những không cần loài người xây cất Đền Thờ cho Ngài, không cần loài người phụng sự Ngài, mà Ngài là cao siêu tuyệt đối, các hình tượng do tay người làm ra, dù bằng các vật liệu quý giá nhất cũng không sao thể hiện được bản thể của Ngài. Vì Ngài là Thần (Giăng 4:24). Ai đã có thể thấy được Ngài để mà điêu khắc hình tượng của Ngài? Và hình tượng chết làm sao thể hiện được bản thể thiêng liêng, sống động của Thiên Chúa?

30 Vậy, thực tế, Đức Chúa Trời đã bỏ qua các thời ngu muội đó, mà nay, truyền cho tất cả mọi người trong mọi nơi hãy ăn năn.

Phao-lô gọi các thời đã qua là các thời ngu muội, vì trong các thời ấy, loài người nói chung, không nhìn biết Thiên Chúa, không được nghe giảng về Thiên Chúa, chỉ biết thờ lạy các tà thần qua các hình tượng. Đức Chúa Trời đã bỏ qua sự ngu dốt đó của loài người, vẫn cho phép họ được tiếp nối nhau từ đời này sang đời khác. Giờ đây, khi Đấng Christ đã đến, đã rao giảng Tin Lành, đã hoàn thành sự cứu rỗi loài người, đã sai các môn đồ của Ngài đi khắp nơi rao giảng Tin Lành, thì mệnh lệnh của Đức Chúa Trời dành cho tất cả mọi người trong mọi nơi là: Hãy ăn năn!

31 Vì Ngài đã chỉ định một ngày, trong ngày đó, Ngài sẽ phán xét thế gian trong sự công chính, bởi Người mà Ngài đã lập. Ngài đã ban sự chắc chắn về điều ấy cho hết thảy mọi người. Ngài đã khiến Người sống lại từ trong những kẻ chết.

Ngày mà Đức Chúa Trời sẽ phán xét thế gian trong sự công chính được nói ở đây chính là Kỳ Tận Thế. Sự phán xét sẽ do chính Đấng Christ thi hành. Đức Chúa Trời đã ban sự chắc chắn về Kỳ Tận Thế cho hết thảy mọi người qua chính lời tiên tri của Đấng Christ, về sau được ghi chép trong Thánh Kinh. Vào thời điểm Phao-lô đang giảng thì chưa có Thánh Kinh Tân Ước, Đấng Christ cũng chưa ban cho Sứ Đồ Giăng khải tượng để viết sách Khải Huyền. Nhưng lời tiên tri của Đấng Christ về sự phán xét thế gian trong Kỳ Tận Thế đã được các môn đồ của Ngài ghi nhớ và rao giảng khắp nơi.

Phao-lô giảng về sự Đức Chúa Trời đã lập Đấng Christ làm thẩm phán để phán xét toàn thế gian trong Kỳ Tận Thế; giảng về sự Đức Chúa Trời đã khiến Đấng Christ sống lại từ trong những kẻ chết.

32 Khi chúng đã nghe về sự sống lại của những kẻ chết, thực tế, kẻ thì nhạo báng, kẻ thì nói: Chúng ta sẽ nghe ngươi lần sau, về việc đó.

33 Vậy, Phao-lô đã đi khỏi giữa chúng.

Nhưng Phao-lô chưa kịp giảng về ý nghĩa sự chết và sự sống lại của Đấng Christ thì đã có nhiều người chế nhạo và có nhiều người không muốn nghe tiếp. Những người đem Phao-lô đến A-rê-ô-ba ngày hôm ấy đa số là những người có trí thức, theo đuổi các trường phái triết học. Mà hai trường phái triết học thịnh hành tại A-thên thời bấy giờ thì lại không tin về đời sau, không tin về sự sống lại của thân thể xác thịt. Sự trí thức của thế gian không thể hiểu, không thể tin Thiên Chúa và những gì thuộc về Thiên Chúa. Chỉ những ai có tấm lòng khao khát tìm kiếm Thiên Chúa để được cứu rỗi và được thờ phượng Ngài, thì Thiên Chúa Đấng Thần Linh mới khai sáng thần trí của họ, để họ có thể hiểu và tin những lời rao giảng về Thiên Chúa.

Khi Phao-lô thấy đám đông không muốn nghe ông nói nữa thì ông đã rời khỏi họ.

34 Nhưng có mấy kẻ đã bám theo người và tin. Trong số đó có Đê-ni, là một quan tòa nơi A-rê-ô-ba, và một người đàn bà tên là Đa-ma-ri, cùng các người khác với họ.

Động từ “bám” (G2853) có nghĩa là gắn bó với, dính dáng tới, bám sát vào nhau… được dùng ở đây hàm ý, theo sát Phao-lô để nghe thêm và học hỏi.

Dù phần lớn những người nghe Phao-lô rao giảng đã chế nhạo ông hoặc không muốn nghe ông nói tiếp, nhưng cũng có một số người theo sát ông để nghe thêm và hỏi thêm chi tiết về những gì ông đã nói. Kết quả lời rao giảng của Phao-lô tại A-rê-ô-ba vào ngày hôm ấy là có một số người tin nhận Tin Lành. Trong đó, có hai người được nêu tên, một nam, một nữ. Có lẽ vì họ thuộc về những người nổi tiếng tại A-thên.

Thánh Kinh không nói gì thêm về Đê-ni nhưng sử liệu của Hội Thánh cho biết, về sau, ông là giám mục đầu tiên của Hội Thánh tại A-thên. Năm 96, trong cơn bách hại Hội Thánh của Hoàng Đế Đô-mi-tiên (Domitian), Đê-ni đã bị chết chém. Theo một số sử liệu thì phải là người có học thức cao, đã từng nắm giữ các chức vụ cao trong chính quyền, và trên 60 tuổi thì mới được làm quan tòa trong tòa án A-rê-ô-ba. Chắc chắn, sự tin nhận Tin Lành của Đê-ni đã tạo ra ảnh hưởng tốt cho Hội Thánh ban đầu tại A-thên.

Chúng ta cũng không biết gì hơn về người phụ nữ tên là Đa-ma-ri. Nhưng có lẽ bà cũng là người có học thức cao và giàu có, thậm chí có quyền thế tại A-thên. Và như vậy, bà cũng có ảnh hưởng tốt đến những phụ nữ thượng lưu tại A-thên.

Cùng các người khác với họ” có nghĩa là ngoài Đê-ni và Đa-ma-ri còn có một số người khác cũng tin nhận Tin Lành. Có thể là những người nhà của họ.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/03/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2022/03/HanhTrinhTruyenGiao_2.png

[2] https://www.google.com/maps/dir/Athens,+Greece/Veria,+591+32,+Greece/@39.3547439,21.7073753,7.42z/data=!4m14!4m13!1m5!1m1!1s0x14a1bd1f067043f1:0x2736354576668ddd!2m2!1d23.7275388!2d37.9838096!1m5!1m1!1s0x1357929b585a717b:0xeb32bf959919125a!2m2!1d22.2052162!2d40.5193618!3e0

[3] https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_contemporary_ethnic_groups

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Blood_type

[5] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-sang-the-ky-01_26-31/

Karaoke Thánh Ca: “Có Chúa bên Con”
https://karaokethanhca.net/co-chua-ben-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.