Chú Giải Nhã Ca 08:05-14

2,136 views


YouTube: https://youtu.be/XGaeweh4JDU

22012 Chú Giải Nhã Ca 8:5-14
Tình Yêu Cứ Mặn Nồng Theo Thời Gian
Hai Mặt của Tình Yêu

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzQzNDY3MDNf/22012NhaCa_12_HaiMatCuaTinhYeu_08_5-14.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/22012nhaca_12_haimatcuatinhyeu_08_5-14
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/ik8cffzfo4cku12/22012NhaCa_12_HaiMatCuaTinhYeu_08_5-14.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Nhã Ca 8:5-14

5 [Dân chúng:] Người {nữ} này là ai, từ đồng vắng đi lên, nương dựa vào người yêu của nàng? [Su-la-mít:] Em đã đánh thức anh tại dưới cây táo. Nơi đó, mẹ của anh đã chuyển dạ. Nơi đó, bà đã chuyển dạ, sinh ra anh.

6 Hãy để em như một cái ấn trên lòng anh, như một cái ấn trên cánh tay anh. Vì tình yêu mạnh như sự chết, lòng ghen dữ như âm phủ. Sự nóng cháy của nó {là sự nóng cháy} của ngọn lửa.

7 Nước nhiều không có thể dập tắt được tình yêu; những dòng nước cũng chẳng nhận chìm hoặc cuốn trôi {nó} đi. Cho dù một người hiến hết sản nghiệp của nhà mình vì tình yêu, {thì cũng} chẳng đáng gì.

8 [Dân chúng:] Chúng tôi có một em gái nhỏ, chưa có ngực. Chúng tôi sẽ làm gì cho em gái của chúng tôi, trong ngày người ta hỏi nó?

9 Nếu nó là một vách thành, chúng tôi sẽ xây một vọng canh bằng bạc trên nó. Nếu nó là một cái cửa, chúng tôi sẽ đóng kín lại bằng ván hương nam.

10 [Su-la-mít:] Tôi {là} một tường thành, bờ ngực tôi như những ngọn tháp. Bấy giờ, trong mắt chàng, tôi tìm được sự bình an.

11 Sa-lô-môn có một vườn nho tại Ba-anh Ha-môn. Người giao vườn nho cho những kẻ canh giữ. Về trái của nó, người ta đem đến một ngàn miếng bạc.

12 Vườn nho của tôi ở trước mặt tôi. Hỡi Sa-lô-môn! Một ngàn {miếng bạc về phần anh}, còn hai trăm về những người canh giữ hoa lợi {của vườn}.

13 [Sa-lô-môn:] Hỡi người ở trong vườn! Những người bạn đều lắng nghe tiếng em! Xin hãy cho ta nghe {tiếng em}!

14 [Su-la-mít:] Hỡi người yêu của em! Hãy {đến} mau! Hãy {nhanh nhẹn} như con linh dương hay con nai tơ trên núi hương liệu.

Kính thưa Hội Thánh,

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học những câu cuối cùng của sách Nhã Ca. Đó là Nhã Ca 8:5-14. Những câu cuối cùng này, ghi lại chuyến du hành dã ngoại [1] của Sa-lô-môn và Su-la-mít. Họ đã trải qua những đồng cỏ xanh non của mùa xuân và tiến vào một làng quê, nơi có các vườn nho của Sa-lô-môn. Có lẽ, đó cũng là nơi mà Sa-lô-môn được sinh ra.

Su-la-mít nói lên một câu tổng kết sự tri thức của nàng về tình yêu, và một lần nữa, khẳng định tình yêu của nàng dành cho Sa-lô-môn.

Dân chúng địa phương ngắm nhìn Sa-lô-môn và Su-la-mít tiến vào thôn làng của họ; và nói lên quan điểm của họ về sự phụ nữ cần phải giữ mình trong sạch về tình dục, nói lên bổn phận của những người anh đối với danh tiếng của em gái.

Dưới đây là sự phân câu theo văn mạch của Nhã Ca 8:5-14:

I. Giai đoạn đính hôn (1:2-3:5)

A. Tình yêu dành cho nhau (1:2-2:7)

1. Tình yêu của Su-la-mít dành cho Sa-lô-môn (1:2-8)

2. Ngôn ngữ của tình yêu (1:9-2:7)

B. Tình yêu chín muồi (2:8-3:5)

1. Mùa xuân của tình yêu (2:8-17)

2. Nỗi lo trong tình yêu (3:1-5)

II. Hôn lễ (3:6-5:1)

A. Cảnh rước dâu (3:6-11)

B. Đêm tân hôn (4:1-5:1)

III. Đời sống hôn nhân (5:2-8:14)

A. Lỗi nhỏ trong tình yêu (5:2-6:3)

1. Một khoảnh khắc thiếu quyết định (5:2-5:8)

2. Nhớ người yêu (5:9-6:3)

B. Tình yêu không chấp nhặt (6:4-7:9)

1. Sa-lô-môn nhận thức giá trị của Su-la-mít (6:4-13)

2. Hương vị của tình yêu (7:1-9)

C. Tình yêu cứ mặn nồng theo thời gian (7:10-8:14)

1. Tình yêu không thay đổi (7:10-8:4)

2. Hai Mặt của Tình Yêu (8:5-14)

(1) [Dân chúng:] Người {nữ} này là ai, từ đồng vắng đi lên, nương dựa vào người yêu của nàng?

(2) [Su-la-mít:] Em đã đánh thức anh tại dưới cây táo. Nơi đó, mẹ của anh đã chuyển dạ. Nơi đó, bà đã chuyển dạ, sinh ra anh. Hãy để em như một cái ấn trên lòng anh, như một cái ấn trên cánh tay anh. Vì tình yêu mạnh như sự chết, lòng ghen dữ như âm phủ. Sự nóng cháy của nó {là sự nóng cháy} của ngọn lửa. Nước nhiều không có thể dập tắt được tình yêu; những dòng nước cũng chẳng nhận chìm hoặc cuốn trôi {nó} đi. Cho dù một người hiến hết sản nghiệp của nhà mình vì tình yêu, {thì cũng} chẳng đáng gì.

(3) [Dân chúng:] Chúng tôi có một em gái nhỏ, chưa có ngực. Chúng tôi sẽ làm gì cho em gái của chúng tôi {cho đến} ngày người ta hỏi nó? Nếu nó là một vách thành, chúng tôi sẽ xây một vọng canh bằng bạc trên nó. Nếu nó là một cái cửa, chúng tôi sẽ đóng kín lại bằng ván hương nam.

(4) [Su-la-mít:] Tôi {là} một tường thành, bờ ngực tôi như những ngọn tháp. Bấy giờ, trong mắt chàng, tôi tìm được sự bình an.

(5) [Su-la-mít:] Sa-lô-môn có một vườn nho tại Ba-anh Ha-môn. Người giao vườn nho cho những kẻ canh giữ. Về trái của nó, người ta đem đến một ngàn miếng bạc. Vườn nho của tôi ở trước mặt tôi. Hỡi Sa-lô-môn! Một ngàn {miếng bạc về phần anh}, còn hai trăm về những người canh giữ hoa lợi {của vườn}.

(6) [Sa-lô-môn:] Hỡi người ở trong vườn! Những người bạn đều lắng nghe tiếng em! Xin hãy cho ta nghe {tiếng em}!

(7) [Su-la-mít:] Hỡi người yêu của em! Hãy {đến} mau! Hãy {nhanh nhẹn} như con linh dương hay con nai tơ trên núi hương liệu.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu:

(1) [Dân chúng:] Người {nữ} này là ai, từ đồng vắng đi lên, nương dựa vào người yêu của nàng?

Theo như chương trình đã định, sáng sớm Sa-lô-môn và Su-la-mít đã cùng nhau rời cung điện, làm cuộc du hành dã ngoại đến các vườn nho. Chúng ta không biết rõ vị trí các vườn nho của Sa-lô-môn, nhưng chung quanh thành Giê-ru-sa-lem, đặc biệt là về phía nam, có nhiều vườn nho và sân ép nho để làm rượu. Có lẽ các vườn nho của Sa-lô-môn nằm gần thành Bết-lê-hem, cách cung điện khoảng 10 km.

Sa-lô-môn và Su-la-mít cùng dạo bước bên nhau trong nắng sớm, trên những đồng cỏ xanh non, thưởng thức làn không khí trong lành của mùa xuân. Khi họ đến gần thôn xóm thì có lẽ Su-la-mít cũng đã thấm mệt, nên dựa vào người Sa-lô-môn. Dân chúng địa phương đi ra để làm việc trong các vườn nho, họ nhìn thấy Sa-lô-môn và Su-la-mít, nhưng có lẽ chưa nhận biết đó là vua và hoàng hậu trong trang phục vi hành của hai người [2]. Dân chúng trầm trồ trước sắc đẹp của Su-la-mít.

Câu (1) có thể được diễn ý như sau: Lời của dân chúng nơi vùng thôn quê: Người nữ xinh đẹp, đáng yêu này là ai? Nàng từ đồng vắng đi lên, nương dựa vào người yêu của nàng.

Bài học thuộc linh: Nếp sống của Hội Thánh phải sao cho người thế gian nhìn thấy sự thông công mật thiết giữa Hội Thánh và Đấng Christ, nhìn thấy đức tin của Hội Thánh nơi Đấng Christ. Người thế gian phải nhìn thấy sự vinh quang của Đấng Christ qua Hội Thánh. Vì thế mà Đấng Christ đã phán dạy: “Các ngươi là sự sáng của thế gian…” (Ma-thi-ơ 5:14).

Sự thông công mật thiết giữa Hội Thánh và Đấng Christ tùy thuộc vào tình yêu và đức tin của Hội Thánh dành cho Đấng Christ. Đấng Christ đã yêu Hội Thánh và phó chính mình Ngài cho Hội Thánh. Phần còn lại là Hội Thánh có yêu Đấng Christ đến nỗi sẵn sàng phó chính mình cho Đấng Christ hay không. Khi nói đến sự phó chính mình cho Đấng Christ, có lẽ chúng ta thường nghĩ đến sự sẵn sàng chịu chết thay vì chối Chúa. Điều đó không sai. Nhưng thật ra, chúng ta cần phó mình cho Đấng Christ mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta, bằng cách phó mình cho các anh chị em cùng Cha của mình. Vì mỗi một anh chị em cùng đức tin của chúng ta là một chi thể của Đấng Christ. Vì những gì chúng ta làm ra cho các anh chị em cùng đức tin của chúng ta là chúng ta làm cho chính Đấng Christ. Chúng ta cần quan tâm, chăm sóc, thăm viếng, tiếp trợ anh chị em cùng đức tin của chúng ta như chúng ta quan tâm, chăm sóc, thăm viếng, tiếp trợ chính Đấng Christ:

Thật! Ta nói với các ngươi, các ngươi đã làm cho một người thấp hèn nhất trong các anh chị em này của Ta, ấy là các ngươi đã làm cho chính mình Ta vậy.” (Ma-thi-ơ 25:40).

Ta ban cho các ngươi một điều răn mới: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy. Bởi điều này mọi người sẽ biết rằng, các ngươi là những môn đồ của Ta: Nếu các ngươi có tình yêu trong nhau.” (Giăng 13:34-35).

Chớ mệt nhọc về sự làm lành; vì nếu chúng ta không chậm trễ, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt. Vậy, đang lúc chúng ta có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, trước hết {là} cho những người nhà trong đức tin {của chúng ta}.” (Ga-la-ti 6:9-10).

Chúng ta hãy sống sao cho người thế gian nhìn thấy đức tin của chúng ta nơi Đấng Christ, nhìn thấy chúng ta có mối thông công vô cùng mật thiết với Đấng Christ, nhìn thấy chúng ta luôn chiếu ra tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Ngài.

(2) [Su-la-mít:] Em đã đánh thức anh tại dưới cây táo. Nơi đó, mẹ của anh đã chuyển dạ. Nơi đó, bà đã chuyển dạ, sinh ra anh. Hãy để em như một cái ấn trên lòng anh, như một cái ấn trên cánh tay anh. Vì tình yêu mạnh như sự chết, lòng ghen dữ như âm phủ. Sự nóng cháy của nó {là sự nóng cháy} của ngọn lửa. Nước nhiều không có thể dập tắt được tình yêu; những dòng nước cũng chẳng nhận chìm hoặc cuốn trôi {nó} đi. Cho dù một người hiến hết sản nghiệp của nhà mình vì tình yêu, {thì cũng} chẳng đáng gì.

Có lẽ vườn nho Sa-lô-môn và Su-la-mít sắp bước vào chính là nơi mà họ đã gặp nhau lần đầu, và yêu nhau. Lần đầu họ gặp nhau và phải lòng nhau là bên một gốc cây táo trong vườn nho. Cây táo ấy lại là nơi mẹ của Sa-lô-môn là Bát-sê-ba, đã chuyển dạ, sinh ra Sa-lô-môn.

Có lẽ trong tuần cuối của thai kỳ, Bát-sê-ba đã đến thăm vườn nho và bất ngờ chuyển dạ sinh con đang khi ngoạn cảnh trong vườn. Bên gốc cây táo ấy, mẹ của Sa-lô-môn đã thức tỉnh ông từ giấc ngủ trong lòng mẹ, để ông chào đời. Rồi cũng bên gốc cây táo ấy, khoảng 30 năm sau, Su-la-mít đã thức tỉnh ông giữa những đam mê của cuộc đời, để ông bước vào tình yêu nam nữ.

Trong văn chương của các dân tộc vùng Trung Đông, cây táo được làm biểu tượng cho tình yêu. Nhưng chúng ta có thể hiểu, cây táo được nói đến trong lời ca của Su-la-mít tại đây, là một cây táo có thật.

Động từ được dịch là “chuyển dạ” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là một động từ có nghĩa: Quằn quại, đau đớn, rên siết trong khi chờ đợi đứa con được sinh ra.

Su-la-mít nhắc lại buổi đầu hai người phải lòng nhau bên gốc cây táo, để đánh dấu không gian và địa điểm làm bối cảnh cho sự khởi đầu của tình yêu nam nữ giữa hai người. Rồi Su-la-mít nói với Sa-lô-môn niềm ao ước trong lòng nàng. Nàng muốn được như một cái ấn trên lòng của Sa-lô-môn và như một cái ấn trên cánh tay của Sa-lô-môn.

Trong thời Cựu Ước, cái ấn, còn gọi là con dấu, mang phù hiệu hoặc ký hiệu của một người, được dùng để đóng dấu trên các văn bản, tiêu biểu cho quyền sở hữu của một người đối với những tài sản của người ấy. Cái ấn có thể được chạm trổ trên mặt của một chiếc nhẫn đeo nơi ngón tay; hoặc chiếc nhẫn ấy có thể được móc vào tấm lắc đeo nơi cổ tay; cũng có thể được móc vào sợi dây chuyền đeo trên cổ, thòng xuống trước ngực. Su-la-mít muốn Sa-lô-môn thuộc quyền sở hữu của nàng. Nàng muốn tấm lòng của Sa-lô-môn và hành động của Sa-lô-môn đều hướng về nàng, đều vì nàng. Nàng muốn chiếm hữu con người bên trong lẫn con người bên ngoài của Sa-lô-môn.

Su-la-mít nhận thức sức mạnh của tình yêu, đồng thời, nàng cũng nhận thức hai phương diện của tình yêu: Phương diện tích cực: cảm xúc say mê; và phương diện tiêu cực: cảm xúc ghen tương.

Sức mạnh của sự chết hầu như bắt phục toàn thể loài người. Cho đến ngày Đấng Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, không ai có thể thoát được sự chết, ngoại trừ Hê-nóc và Ê-li (Sáng Thế Ký 5:24; II Các Vua 2:11). Tình yêu mạnh như sự chết có nghĩa là không ai có thể thoát khỏi sức mạnh của tình yêu. Khi yêu, chúng ta say mê, quý mến, thương nhớ, khao khát luôn được ở bên cạnh người mình yêu. Chúng ta không thể nào thoát ra được những cảm xúc ấy. Nhưng trong khi sức mạnh của sự chết đem đến sự hủy diệt và đau buồn, thì sức mạnh của tình yêu đem đến sự gây dựng và vui thỏa. Đó là phương diện cảm xúc say mê của tình yêu. Tình yêu mạnh như sự chết còn có nghĩa là vì yêu mà người ta có thể chịu chết thay cho người mình yêu. Lời Chúa dạy:

Chẳng ai có tình yêu nào lớn hơn điều này, ấy là một người phó sự sống mình cho các bạn hữu mình.” (Giăng 15:13).

Phương diện cảm xúc ghen tương là cảm xúc đau buồn, tức giận, khó chịu khi người mình yêu thân mật với người khác; nhất là khi người yêu của mình từ bỏ mình để yêu người khác. Âm phủ có nghĩa đen là mồ mả chôn xác chết; có nghĩa bóng là nơi giam giữ linh hồn người chết. Vì thế, âm phủ được dùng để tiêu biểu cho sự chết. Lòng ghen dữ như âm phủ cùng nghĩa lòng ghen đem lại những hậu quả đau buồn như sự chết. Sự nóng cháy của lòng ghen là sự tàn phá, hủy diệt của lòng ghen trong đời sống của người có lòng ghen và của những nạn nhân của người ấy. Sự tàn phá hủy diệt của lòng ghen mạnh và đáng sợ như sự hủy diệt của lửa. Trong tin tức mỗi ngày, chúng ta thấy có biết bao nhiêu là vụ tự tử, hoặc giết người, hoặc tự làm tổn thương thân thể của mình, hoặc làm tổn thương thân thể của người khác vì lòng ghen. Ghen không có gì sai. Nhưng vì ghen mà phạm tội thì sai. Chính Thiên Chúa là Đấng hay ghen (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5; 34:14; Dân Số Ký 25:11; Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:24; 5:9; 6:15; 29:20; Giô-suê 24:19) [3].

Sự nóng cháy của tình yêu là sự nóng cháy cả về hai phương diện tích cực lẫn tiêu cực; sự nóng cháy của lòng say mê lẫn sự nóng cháy của lòng ghen. Su-la-mít ví sự nóng cháy ấy như sự nóng cháy của ngọn lửa. Lửa có thể giúp ích cho đời sống mà lửa cũng có thể hủy diệt đời sống. Dù là giúp ích hay hủy diệt thì sức mạnh của lửa rất lớn. Thường thì nước có thể dập tắt được lửa nhưng nước nhiều cũng không thể dập tắt được tình yêu. Cho dù là những dòng nước lớn cũng không thể nhấn chìm hay cuốn trôi được tình yêu.

Nước nhiều” hay “những dòng nước” tiêu biểu cho những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống, như đã được ghi lại trong Thi Thiên 32:6; 69:1-2, 14-15; Ê-sai 43:2; Ca Thương 3:54. “Nước nhiều” hay “những dòng nước” còn tiêu biểu cho sức mạnh của những kẻ thù nghịch con dân Chúa, như đã chép trong II Sa-mu-ên 22:17-18; Thi Thiên 18:16-17; 124:4-5; 144:7; Ê-sai 8:7; Giê-rê-mi 47:2. Nhưng tất cả những tai ương, hoạn nạn, và những kẻ thù hung hãn nhất trong cuộc sống cũng không thể thắng được tình yêu hay xua đuổi được tình yêu. Trái lại, tình yêu chấp nhận mọi đau khổ và sự chết để người yêu được an vui và được sống!

Tình yêu là vô giá. Vì thế, cho dù một người bỏ hết gia tài của mình ra để mua tình yêu thì cũng không thể mua được; cho dù một người hiến dâng trọn vẹn sản nghiệp của mình cho người mình yêu thì sự hiến dâng ấy cũng chẳng đáng gì. Chỉ có sự hiến dâng chính mình mới xứng đáng với tình yêu và là sự duy nhất mà tình yêu đòi hỏi. Sự hiến dâng ấy khiến cho hai người trở nên một.

Câu (2) có thể được diễn ý như sau: Lời Su-la-mít nói với Sa-lô-môn: Anh yêu dấu ơi! Anh có nhớ, cũng nơi vườn nho này, em đã gặp anh và đánh thức trái tim anh tại dưới cây táo? Cũng dưới cây táo đó, mẹ của anh đã chuyển dạ, đánh thức anh và sinh ra anh trong cuộc đời này. Anh yêu dấu ơi! Xin anh hãy để em như một cái ấn trên lòng anh, như một cái ấn trên cánh tay anh, để em được trọn vẹn chiếm hữu anh, từ trong ra ngoài. Vì tình yêu mạnh như sự chết, lòng ghen dữ như âm phủ. Sự nóng cháy của lòng ghen là sự nóng cháy của ngọn lửa. Nước nhiều bao nhiêu cũng không thể dập tắt được tình yêu; những dòng sông lớn, nước chảy cuồn cuộn cũng chẳng thể nhấn chìm hay cuốn trôi tình yêu. Cho dù một người bỏ ra cả gia tài cũng không thể mua được tình yêu. Cho dù một người hiến hết sản nghiệp của mình vì tình yêu, thì cũng chẳng đáng gì.

Bài học thuộc linh: Thiên Chúa yêu loài người (Giăng 3:16). Ngài muốn chiếm hữu trọn vẹn tâm thần, linh hồn, và thể xác của loài người, để Ngài đổ đầy tình yêu của Ngài trong mỗi người. Ngài muốn chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí, hết sức mà yêu Ngài và yêu lẫn nhau (Lu-ca 10:27).

Là con dân của Thiên Chúa, chúng ta có muốn hoàn toàn chiếm hữu Ngài hay không? Chúng ta có luôn dựa vào Ngài bằng đức tin mỗi khi chúng ta mỏi mệt trong cuộc sống?

Tình yêu là sự trao đổi cảm xúc hai chiều. Thiên Chúa yêu chúng ta và đã làm hết những gì cần làm, đáng làm, để tỏ bày tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta có đáp ứng tình yêu của Ngài như Ngài mong chờ nơi chúng ta hay không? Nếu chúng ta không đáp ứng tình yêu của Ngài, nếu chúng ta yêu ai khác hay sự gì hơn là yêu Thiên Chúa, thì Ngài sẽ nổi ghen đối với chúng ta (Gia-cơ 4:5). Lửa hỏa ngục phát xuất từ lòng ghen của Thiên Chúa. Lửa ấy đời đời thiêu đốt những ai không đáp ứng hoặc phản bội tình yêu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa không muốn gì nơi chúng ta hơn là chúng ta dâng chính mình lên Thiên Chúa, để chúng ta sống là sống cho Chúa, chết là chết cho Chúa; dù sống hay chết thì chúng ta đời đời thuộc về Chúa, ở trong tình yêu của Ngài, vui hưởng Ngài và khiến Ngài đẹp lòng về chúng ta (Rô-ma 14:8). Chắc chắn, không có một sự gì có thể ngăn trở chúng ta đến với tình yêu của Thiên Chúa và cũng không có điều gì có thể phân rẽ chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, trừ sự tự do lựa chọn của chúng ta:

Rô-ma 8:35-39 [4]

35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đấng Christ? {Có phải} sự hoạn nạn, hoặc sự khốn cùng, hoặc sự bách hại, hoặc sự đói khát, hoặc sự trần truồng, hoặc sự nguy hiểm, hoặc gươm giáo chăng?

36 Như có chép: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày. Chúng tôi bị xem như chiên để làm thịt. [Thi Thiên 44:2]

37 Trái lại, trong mọi sự đó, qua Đấng yêu chúng ta mà chúng ta hơn cả những người thắng trận.

38 Vì tôi tin chắc rằng: Chẳng phải sự chết, chẳng phải sự sống, chẳng phải các thiên sứ, chẳng phải các kẻ cầm quyền, chẳng phải các quyền lực, chẳng phải những sự bây giờ, chẳng phải những sự sẽ đến,

39 chẳng phải bề cao, chẳng phải bề sâu, chẳng phải bất cứ một tạo vật nào có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, Chúa của chúng ta.

Nhân cơ hội học Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy xét xem tình yêu của mình dành cho Chúa có phải ở mức độ mà Chúa mong chờ nơi chúng ta.

(3) [Dân chúng:] Chúng tôi có một em gái nhỏ, chưa có ngực. Chúng tôi sẽ làm gì cho em gái của chúng tôi {cho đến} ngày người ta hỏi nó? Nếu nó là một vách thành, chúng tôi sẽ xây một vọng canh bằng bạc trên nó. Nếu nó là một cái cửa, chúng tôi sẽ đóng kín lại bằng ván hương nam.

Đây là câu hát của dân chúng, khi Sa-lô-môn và Su-la-mít đã đến gần họ, nói lên quan điểm của họ về sự giữ gìn phẩm chất các thiếu nữ trong gia đình họ.

Trong truyền thống của người I-sơ-ra-ên, phụ nữ luôn được gia đình dạy dỗ và bảo vệ trong sự giữ mình trong sạch về tình dục, từ khi chưa đến tuổi dậy thì. Trong những gia đình mà người con gái có các anh em trai, thì các anh em trai rất quan tâm đến sự bảo vệ danh giá cho người chị em của mình. Sáng Thế Ký 34 đã ghi lại sự kiện Đi-na, con gái của Gia-cốp, bị Si-chem, hoàng tử xứ Hê-vít bắt cóc và cưỡng hiếp. Dù Si-chem yêu quý Đi-na và bằng lòng kết hôn với Đi-na, nhưng hai anh của Đi-na là Si-mê-ôn và Lê-vi đã lập mưu giết chết Si-chem và các người nam trong thành của Si-chem, để trả thù cho việc Si-chem làm nhục em gái của họ.

Em gái nhỏ, chưa có ngực”: Em gái còn nhỏ tuổi, chưa đến tuổi dậy thì, thân thể chưa phát triển đầy đủ.

Chúng tôi sẽ làm gì cho em gái của chúng tôi {cho đến} ngày người ta hỏi nó”: Đây không phải là một câu hỏi để được trả lời, mà là câu hỏi để giới thiệu cho câu tự trả lời vấn đề được đặt ra trong câu hỏi. Ngày mà “người ta hỏi nó” là ngày mà có người đến cầu hôn với cô gái.

Nếu nó là một vách thành, chúng tôi sẽ xây một vọng canh bằng bạc trên nó”: Vách thành tiêu biểu cho sự phòng thủ vững chắc, nói đến sự đoan trang, nghiêm chính của cô gái, biết giữ mình trước sự dụ dỗ của những kẻ xấu. Vọng canh bằng bạc tiêu biểu cho sự khen thưởng của những người anh đối với cô gái, bằng cách hết sức giúp cho nàng có thể luôn giữ mình trong sạch.

Nếu nó là một cái cửa, chúng tôi sẽ đóng kín lại bằng ván hương nam”: Cái cửa tiêu biểu cho sự cởi mở, phóng khoáng, nói đến tính nết lả lơi của cô gái, hay mở đường cho những kẻ xấu có cơ hội lợi dụng, làm hại. Gỗ hương nam có tính vững chắc, tiêu biểu cho sự ngăn ngừa có hiệu quả của những người anh, đối với người em gái có tính lẳng lơ của họ, để nàng không phạm tội.

Câu (3) có thể được diễn ý như sau: Lời của dân chúng nói với Sa-lô-môn và Su-la-mít về quan điểm của họ đối với sự giữ gìn phẩm chất các thiếu nữ trong gia đình họ: Chúng tôi có một em gái nhỏ, chưa đến tuổi dậy thì. Chúng tôi sẽ làm gì cho em gái của chúng tôi cho đến khi nó đủ tuổi để người ta đến cầu hôn nó? Nếu nó đoan trang, nghiêm chính, biết giữ mình như một vách thành, thì chúng tôi sẽ khen ngợi và khích lệ nó, như xây một vọng canh bằng bạc trên vách thành. Nếu nó cởi mở, phóng khoáng, tính nết lẳng lơ như một cái cửa mở rộng, thì chúng tôi sẽ bảo vệ nó như cánh cửa làm bằng ván hương nam, đóng kín cửa lại.

Bài học thuộc linh: Những trưởng lão trong Hội Thánh có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ con dân Chúa trong Hội Thánh sống đời sống thánh sạch, trung tín với Chúa. Những trưởng lão cần khen ngợi, khích lệ những người có nếp sống tốt, gương mẫu trong Hội Thánh. Đồng thời, những trưởng lão cần kịp thời quở trách, sửa trị những người phạm lỗi, phạm tội, và thi hành các biện pháp kỷ luật thích hợp, để luôn giữ gìn sự thánh khiết của Hội Thánh.

(4) [Su-la-mít:] Tôi {là} một tường thành, bờ ngực tôi như những ngọn tháp. Bấy giờ, trong mắt chàng, tôi tìm được sự bình an.

Đây là lời Su-la-mít nói với dân chúng về phẩm chất của nàng. Su-la-mít xác nhận nàng là một thiếu nữ đoan trang, nghiêm chính, như một tường thành. Khi nàng đã trưởng thành, thân thể phát triển đầy đủ, thì nàng tìm gặp tình yêu nơi Sa-lô-môn. Tên riêng của Sa-lô-môn có nghĩa là sự bình an. Câu: “trong mắt chàng, tôi tìm được sự bình an” là một lối chơi chữ.

Su-la-mít tìm gặp sự bình an trong mắt của Sa-lô-môn, vì nhìn vào mắt của ông, Su-la-mít biết ông yêu nàng thật lòng.

Câu (4) có thể được diễn ý như sau: Lời của Su-la-mít nói với dân chúng: Tôi là một người nữ đoan trang, nghiêm chính, như một bức tường thành. Khi tôi trưởng thành, tôi tìm được sự bình an trong mắt của người yêu tôi, vì chàng yêu tôi chân thành.

Bài học thuộc linh: Hội Thánh cứ giữ mình tinh sạch trong Chúa thì Hội Thánh sẽ luôn có sự bình an từ nơi Chúa. Sự bình an dành cho những ai thuộc về Ngài. Sự bình an vì biết mình được Chúa yêu và luôn thuộc về Ngài.

(5) [Su-la-mít:] Sa-lô-môn có một vườn nho tại Ba-anh Ha-môn. Người giao vườn nho cho những kẻ canh giữ. Về trái của nó, người ta đem đến một ngàn miếng bạc. Vườn nho của tôi ở trước mặt tôi. Hỡi Sa-lô-môn! Một ngàn {miếng bạc về phần anh}, còn hai trăm về những người canh giữ hoa lợi {của vườn}.

Sa-lô-môn có nhiều vườn nho nằm khắp nơi trên lãnh thổ I-sơ-ra-ên. Vườn nho tại Ba-anh Ha-môn không phải là vườn nho nằm gần Bết-lê-hem mà Sa-lô-môn và Su-la-mít đang thăm viếng. Địa danh Ba-anh Ha-môn có nghĩa là “Chúa của sự dư dật” và có lẽ là một vùng đất trù phú nằm nơi chân núi Hẹt-môn, cách Giê-ru-sa-lem về phía bắc khoảng 191 km. Su-la-mít nhắc đến vườn nho danh tiếng nhất và đắt giá nhất của Sa-lô-môn với tổng sản lượng hàng năm vào thời bấy giờ đáng giá một ngàn miếng bạc. Một miếng bạc có lẽ là một ta-lâng bạc, tương đương với 3.000 siếc-lơ bạc (đồng tiền bạc). Mỗi siếc-lơ cân nặng tương đương 11 grams. Theo thời giá hiện nay thì một gram bạc có giá trị $0,46 đô-la Mỹ. Suy ra:

  • Một siếc-lơ bạc = $5,06 đô-la Mỹ.

  • Một miếng bạc (3.000 siếc-lơ) = $15.180,00 đô-la Mỹ.

  • Một ngàn miếng bạc = $15.180.000,00 đô-la Mỹ

  • Hai trăm miếng bạc = $3.036.000,00 đô-la Mỹ.

Trong Thánh Kinh, I Các Vua 10:27; II Sử Ký 1:15; và II Sử Ký 9:27 cho biết, Vua Sa-lô-môn đã làm cho bạc và vàng ra thường như đá sỏi. Qua đó, chúng ta thấy sự giàu có của Vua Sa-lô-môn rất là lớn. Sự giàu có đó do chính Thiên Chúa ban cho Vua Sa-lô-môn, như đã chép trong I Các Vua 3:13.

Câu: “Vườn nho của tôi ở trước mặt tôi” có nghĩa: Tôi có toàn quyền quyết định về vườn nho của tôi. Su-la-mít không nói đến một vườn nho theo nghĩa đen, mà là Su-la-mít ví nàng như vườn nho danh tiếng nhất và đắt giá nhất của Sa-lô-môn. Dù vậy, nàng dâng trọn chính mình nàng cho Sa-lô-môn và nhắc khéo Sa-lô-môn trả công cho các anh của nàng về sự họ giữ gìn nàng, bảo vệ nàng được trọn vẹn, cho đến ngày nàng trở nên vợ của ông.

Câu (5) có thể được diễn ý như sau: Lời ví von của Su-la-mít nói với Sa-lô-môn: Vua Sa-lô-môn có một vườn nho danh tiếng và đắt giá nhất tại Ba-anh Ha-môn. Người giao vườn nho ấy cho những kẻ canh giữ. Người ta phải trả một ngàn miếng bạc để mua các trái nho trong vườn. Còn vườn nho của tôi do tôi quyết định. Hỡi Sa-lô-môn! Vườn nho của em đã giao trọn cho anh, xin hãy trả công hai trăm miếng bạc cho những người canh giữ vườn.

Bài học thuộc linh: Chúa dùng những người chăn và những trưởng lão để canh giữ Hội Thánh của Ngài. Khi những người chăn và những trưởng lão chu toàn bổn phận của họ thì Hội Thánh của Chúa sẽ được kết quả tốt. Chúa sẽ ban thưởng xứng đáng cho những người chăn và những trưởng lão.

(6) [Sa-lô-môn:] Hỡi người ở trong vườn! Những người bạn đều lắng nghe tiếng em! Xin hãy cho ta nghe {tiếng em}!

Có lẽ sau khi Su-la-mít hát xong câu ví von về vườn nho thì nàng đã nhanh chân chạy vào trong vườn. Sa-lô-môn không còn nhìn thấy nàng, nên ông muốn được nghe tiếng của nàng để tìm đến bên nàng.

Tình yêu chân thật của vợ chồng không bao giờ già đi theo năm tháng, theo tuổi tác của cả vợ lẫn chồng. Đẹp ý Chúa, họ được sống bên nhau đến thời tóc bạc, thì tình yêu của họ vẫn tươi mới như buổi ban đầu.

Sa-lô-môn gọi Su-la-mít là “người ở trong vườn” vì Su-la-mít đã ẩn mình trong khu vườn, nhưng cũng hàm ý, Su-la-mít là người làm chủ khu vườn. Trước đây, khu vườn thuộc về Sa-lô-môn, nhưng giờ đây, Su-la-mít là vợ của Sa-lô-môn thì nàng cũng là chủ của khu vườn.

Những người bạn được Sa-lô-môn nói đến có lẽ là dân chúng của thành Bết-lê-hem, đi ra làm vườn và nhìn thấy Sa-lô-môn cùng Su-la-mít, chào hỏi, trò chuyện cùng Sa-lô-môn và Su-la-mít. Sa-lô-môn gọi họ là những người bạn, có lẽ vì trong thực tế, họ là bạn cùng thôn xóm với ông từ khi ông còn thơ ấu. Thành Bết-lê-hem là quê nhà của Vua Đa-vít và có lẽ, khi còn thơ ấu, Sa-lô-môn sống tại Bết-lê-hem và vẫn thường nô đùa với trẻ con trong thôn xóm.

Câu (6) có thể được diễn ý như sau: Lời của Sa-lô-môn nhắn gọi Su-la-mít: Hỡi em yêu dấu của anh! Em là chủ của khu vườn! Những người bạn của anh đều lắng nghe tiếng em, khi em nói! Xin hãy cho anh nghe tiếng em, để anh tìm đến bên em!

Bài học thuộc linh: Đấng Christ yêu Hội Thánh và Ngài muốn luôn được thông công mật thiết với Hội Thánh. Đấng Christ muốn được nghe chúng ta trò chuyện với Ngài.

(7) [Su-la-mít:] Hỡi người yêu của em! Hãy {đến} mau! Hãy {nhanh nhẹn} như con linh dương hay con nai tơ trên núi hương liệu.

Su-la-mít thúc giục người yêu hãy vội đến với nàng. Có lẽ, Su-la-mít đã vào đến giữa vườn, và đến bên cạnh gốc cây táo, nơi trước đây mẹ của Sa-lô-môn đã chuyển dạ, sinh ra ông, cũng là nơi nàng và Sa-lô-môn gặp nhau lần đầu, và yêu nhau. Nàng muốn được nhìn thấy dáng dấp khoẻ khoắn, nhanh nhẹn của chàng như sự nhanh và khoẻ của linh dương hoặc nai tơ giữa triền núi mọc đầy những loài cây cỏ tỏa ngát hương thơm. Đây cũng là lời mời gọi Sa-lô-môn bước vào cuộc giao tình với nàng, giữa khung cảnh thiên nhiên của vườn nho.

Câu (7) có thể được diễn ý như sau: Lời của Su-la-mít mời gọi Sa-lô-môn: Hỡi người yêu của em! Hãy nhanh chóng đến với em! Hãy nhanh nhẹn như con linh dương hay con nai tơ trên núi hương liệu.

Bài học thuộc linh: Hội Thánh mong chờ sự đến của Đấng Christ như lời Sứ Đồ Giăng đã thốt lên và được ghi lại trong Khải Huyền 22:20: “Lạy Đức Chúa Jesus! Xin hãy đến!”

Tới đây, chúng ta đã kết thúc sự tìm hiểu về ý nghĩa của Nhã Ca 8:5-14. Chúng tôi xin tổng hợp những lời chúng tôi diễn ý về Nhã Ca 8:5-14, như sau:

Người nữ xinh đẹp, đáng yêu này là ai? Nàng từ đồng vắng đi lên, nương dựa vào người yêu của nàng.

Anh yêu dấu ơi! Anh có nhớ, cũng nơi vườn nho này, em đã gặp anh và đánh thức trái tim anh tại dưới cây táo? Cũng dưới cây táo đó, mẹ của anh đã chuyển dạ, đánh thức anh và sinh ra anh trong cuộc đời này. Anh yêu dấu ơi! Xin anh hãy để em như một cái ấn trên lòng anh, như một cái ấn trên cánh tay anh, để em được trọn vẹn chiếm hữu anh, từ trong ra ngoài. Vì tình yêu mạnh như sự chết, lòng ghen dữ như âm phủ. Sự nóng cháy của lòng ghen là sự nóng cháy của ngọn lửa. Nước nhiều bao nhiêu cũng không thể dập tắt được tình yêu; những dòng sông lớn, nước chảy cuồn cuộn cũng chẳng thể nhấn chìm hay cuốn trôi tình yêu. Cho dù một người bỏ ra cả gia tài cũng không thể mua được tình yêu. Cho dù một người hiến hết sản nghiệp của mình vì tình yêu, thì cũng chẳng đáng gì.

Chúng tôi có một em gái nhỏ, chưa đến tuổi dậy thì. Chúng tôi sẽ làm gì cho em gái của chúng tôi cho đến khi nó đủ tuổi để người ta đến cầu hôn nó? Nếu nó đoan trang, nghiêm chính, biết giữ mình như một vách thành, thì chúng tôi sẽ khen ngợi và khích lệ nó, như xây một vọng canh bằng bạc trên vách thành. Nếu nó cởi mở, phóng khoáng, tính nết lẳng lơ như một cái cửa mở rộng, thì chúng tôi sẽ bảo vệ nó như cánh cửa làm bằng ván hương nam, đóng kín cửa lại.

Tôi là một người nữ đoan trang, nghiêm chính, như một bức tường thành. Khi tôi trưởng thành, tôi tìm được sự bình an trong mắt của người yêu tôi, vì chàng yêu tôi chân thành.

Vua Sa-lô-môn có một vườn nho danh tiếng và đắt giá nhất tại Ba-anh Ha-môn. Người giao vườn nho ấy cho những kẻ canh giữ. Người ta phải trả một ngàn miếng bạc để mua các trái nho trong vườn. Còn vườn nho của tôi do tôi quyết định. Hỡi Sa-lô-môn! Vườn nho của em đã giao trọn cho anh, xin hãy trả công hai trăm miếng bạc cho những người canh giữ vườn.

Hỡi em yêu dấu của anh! Em là chủ của khu vườn! Những người bạn của anh đều lắng nghe tiếng em, khi em nói! Xin hãy cho anh nghe tiếng em, để anh tìm đến bên em!

Hỡi người yêu của em! Hãy nhanh chóng đến với em! Hãy nhanh nhẹn như con linh dương hay con nai tơ trên núi hương liệu.

Nguyện ân điển của Thiên Chúa và sự soi dẫn của Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta hiểu rõ ý nghĩa tình yêu nam nữ của vợ chồng, để qua đó, phần nào chúng ta hiểu được tình yêu giữa Đấng Christ và Hội Thánh. Nguyện chúng ta luôn được ở trong tình yêu của Đấng Christ, luôn sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, và luôn là niềm vui của Đấng Christ.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/11/2018

Chú Thích

A. Karaoke Thánh Ca: “Những Bước Linh Trình”
https://www.timhieuthanhkinh.com/karaoke/nhung-buoc-linh-trinh/

B. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] Du hành dã ngoại: Đi rong chơi bên ngoài thành phố, giữa khung cảnh thiên nhiên. Du = rong chơi. Hành = đi. Dã = cảnh thiên nhiên ngoài thành phố. Ngoại = bên ngoài.

[2] Các vua chúa thời xưa thường cải trang, giả dạng thường dân để đi quan sát đời sống của dân. Những chuyến đi như vậy, gọi là “vi hành”. Vi = dò xét; trinh sát. Hành = đi.

[3] Xin đọc và nghe bài “Tình Yêu và Lòng Ghen”:
http://www.timhieutinlanh.net/tuoi-day-thi-09-tinh-yeu-va-long-ghen/

[4] Xin đọc và nghe bài “Chú Giải Rô-ma 8:31-39”:
https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-8_31-39/