Chú Giải I Cô-rinh-tô 12:01-11 Các Ân Tứ của Đấng Thần Linh

2,543 views

 

YouTube: https://youtu.be/pYrySzNE7tE

Chú Giải I Cô-rinh-tô 12:1-11
Các Ân Tứ của Đấng Thần Linh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 12:1-11

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết về những sự thiêng liêng.

2 Các anh chị em biết rằng, các anh chị em đã là những dân ngoại, bị dẫn đưa đến các thần tượng câm, như vẫn bị dẫn dụ.

3 Bởi đó, tôi tỏ cho các anh chị em biết rằng, chẳng ai bởi thần trí của Thiên Chúa mà nói: Đức Chúa Jesus đáng bị rủa sả! Và chẳng ai có thể nói: Đức Chúa Jesus là Chúa! Nếu chẳng bởi thánh linh.

4 Có các ân tứ khác nhau, nhưng cùng một Đấng Thần Linh. [Các ân tứ là các kỹ năng, đức tính, thẩm quyền, và năng lực được Đấng Thần Linh ban cho cách đặc biệt. Ân = ơn. Tứ = ban cho.]

5 Có các chức vụ khác nhau, nhưng cùng một Chúa. [Các chức vụ trong Hội Thánh.]

6 Có các việc làm khác nhau, nhưng hết thảy là cùng một Thiên Chúa hành động trong mọi sự.

7 Sự tỏ ra của Đấng Thần Linh được ban cho mỗi người, cho sự ích lợi.

8 Thực tế, người thì được ban cho bởi Đấng Thần Linh lời nói của sự khôn sáng; nhưng người khác được ban cho lời nói của sự hiểu biết bởi cùng Đấng Thần Linh.

9 Người khác được ban cho đức tin bởi cùng Đấng Thần Linh; nhưng người khác được ban cho ân tứ chữa lành tật bệnh bởi cùng Đấng Thần Linh.

10 Người khác được ban cho sự làm những việc quyền năng; người khác được ban cho sự nói tiên tri; người khác được ban cho sự nhận thức tinh tế các thần; người khác được ban cho sự nói các nhánh ngôn ngữ; người khác được ban cho sự thông giải nhiều ngôn ngữ.

11 Hết thảy những sự ấy là cùng một Đấng Thần Linh tác động, theo ý Ngài muốn, phân phát riêng cho mỗi người.

Trước khi chúng ta cùng nhau học về ý nghĩa của I Cô-rinh-tô 12:1-11, chúng ta cần ôn lại các lẽ thật sau đây:

1. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “πνεῦμα” (G4151), phiên âm quốc tế: pneuma, phiên âm tiếng Việt: níu-ma, có nhiều nghĩa khác nhau.

  • Danh từ “níu-ma” có mạo từ xác định và dùng cho Thiên Chúa, thì được dịch là Đấng Thần Linh, khi có chữ thánh kèm theo được dịch là Đức Thánh Linh, để chỉ về Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh. Danh xưng Đấng Thần Linh được dùng để chỉ thân vị Thần Linh của Thiên Chúa hành động bên ngoài thân thể xác thịt của loài người. Danh xưng Đức Thánh Linh được dùng để chỉ thân vị Thần Linh của Thiên Chúa hành động bên trong thân thể xác thịt của loài người. Chữ “thánh” dùng để phân biệt linh của Thiên Chúa với linh của loài người và linh của ma quỷ. Ma quỷ có thể nhập vào thân thể xác thịt của loài người hay loài vật.
  • Danh từ “níu-ma” có mạo từ xác định đứng trước và dùng cho thiên sứ được dịch là “thần linh”; nếu dùng cho thiên sứ phạm tội thì được dịch là “tà linh”; nếu dùng cho loài người thì được dịch là “tâm thần” để chỉ phần thân thể thiêng liêng của loài người.
  • Danh từ “níu-ma” không có mạo từ xác định đứng trước, khi dùng cho Thiên Chúa, được dịch là “Thần” để chỉ bản thể thiêng liêng của Thiên Chúa, hoặc dịch là thần trí để chỉ tư tưởng và ý chí của Thiên Chúa, hoặc dịch là linh (dịch là thánh linh, khi có chữ thánh kèm theo) để chỉ sức sống, năng lực, thẩm quyền, ân tứ (các sự ban cho) ra từ Thiên Chúa.
  • Danh từ “níu-ma” không có mạo từ xác định, khi dùng cho loài người được dịch là thần trí, tinh thần, khuynh hướng để chỉ sự nhận thức và ý muốn của tâm thần. Thần trí của loài người là sự nhận thức và ý chí của tâm thần. Sự nhận thức và ý chí của xác thịt được gọi là lý trí. Sự tổng hợp của thần trí và lý trí trong linh hồn được gọi là tâm trí.

2. Thánh Kinh không hề nói đến sự kiện “nói tiếng lạ” mà Thánh Kinh chỉ nói đến sự kiện con dân Chúa được Đấng Thần Linh thần cảm cho họ nói các ngôn ngữ khác của loài người mà họ chưa từng biết. Trong Thánh Kinh cũng không hề dùng danh từ “tiếng lạ” mà chỉ dùng danh từ “ngôn ngữ”, “các ngôn ngữ” (G1100). Lần đầu tiên khi hiện tượng con dân Chúa nói các ngôn ngữ khác nhau xảy ra là vào ngày Hội Thánh được thành lập trong Lễ Ngũ Tuần của năm 27. Công Vụ Các Sứ Đồ 2:6-11 ghi lại rõ ràng tên của 14 ngôn ngữ mà Đức Thánh Linh đã thần cảm cho con dân Chúa nói ra để tôn vinh Đức Chúa Trời. Hiện tượng “nói tiếng lạ” xảy ra trong các giáo hội từ đầu thế kỷ 20 đến nay là sự ma quỷ giả mạo ơn nói các ngôn ngữ được Thiên Chúa ban cho con dân của Ngài. Tất cả những người nói tiếng lạ là những người lắp bắp một chuỗi âm thanh vô nghĩa mà các nhà nghiên cứu ngữ học đã khẳng định, những âm thanh đó không có cấu trúc của một ngôn ngữ [1]. Những người nói tiếng lạ đều bị ma quỷ giả làm Chúa, khống chế họ. Một số trong bọn họ có thể làm ra các phép lạ, tương tự như các thuật sĩ của Pha-ra-ôn ngày xưa (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:9-8:7), và tương tự như tiên tri của AntiChrist trong những ngày sắp tới (Khải Huyền 13:13-15).

3. Tất cả các chức vụ trong Hội Thánh do Đức Chúa Trời lập ra, do Đấng Christ ban cho một số người, và tất cả các ân tứ Đấng Thần Linh ban cho mỗi người trong Hội Thánh vẫn ở lại với Hội Thánh, cho đến ngày Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian. Vì các chức vụ đó và các ân tứ đó là cần thiết cho sự gây dựng và phát triển Hội Thánh. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh nói đến sự kết thúc một chức vụ hay một ân tứ nào trong khi Hội Thánh còn đang ở trên đất.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của I Cô-rinh-tô 12:1-11.

1 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết về những sự thiêng liêng.

Sứ Đồ Phao-lô mong muốn cho con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô được biết rõ những sự thuộc về thiêng liêng, tức là những sự thuộc linh. Tính từ “thuộc linh” có nghĩa là thuộc về thế giới thiêng liêng, mắt thường không thể nhìn thấy; ngược lại với “thuộc thể” có nghĩa là thuộc về thế giới vật chất, có hình thể mà mắt thường nhìn thấy được.

“Những sự thiêng liêng” là những sự không thuộc về thế giới vật chất, không thuộc về con người xác thịt, mà thuộc về thế giới thiêng liêng, chỉ có thể nhận thức bởi linh hồn và tâm thần của loài người. Như chúng ta đã học biết, loài người là một linh hồn ở trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần, đồng thời ở trong một thân thể vật chất là xác thịt. Về phương diện thuộc thể, loài người tương tác với thế giới vật chất qua thân thể xác thịt. Về phương diện thuộc linh, loài người tương tác với thế giới thiêng liêng qua thân thể thiêng liêng là tâm thần.

Những sự thiêng liêng mà Phao-lô muốn trình bày cho con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô là những sự ban cho của Thiên Chúa, được ông liệt kê trong I Cô-rinh-tô đoạn 12. Trước hết là sự Đấng Thần Linh ban cho con dân Chúa các khả năng thiêng liêng, gọi là các ân tứ của Đấng Thần Linh, như được trình bày từ câu 7 đến câu 11. Kế đến là sự Đấng Christ ban cho con dân Chúa quyền trở nên các chi thể của thân Ngài, tức là Hội Thánh, như được trình bày từ câu 12 đến câu 27 mà chúng ta sẽ học trong bài kế tiếp. Sau cùng là sự Đấng Christ ban cho các chức vụ khác nhau trong Hội Thánh, là những chức vụ được Đức Chúa Trời lập ra và tác động vào mỗi chức vụ, như được trình bày từ câu 5 đến câu 6 và từ câu 28 đến câu 30.

2 Các anh chị em biết rằng, các anh chị em đã là những dân ngoại, bị dẫn đưa đến các thần tượng câm, như vẫn bị dẫn dụ.

“Những dân ngoại” là những dân không thuộc về dân tộc I-sơ-ra-ên, không có Lời Chúa, không có sự mạc khải về Thiên Chúa qua Thánh Kinh, cho đến khi họ được nghe giảng về Tin Lành và được giảng dạy Lời Chúa. Hầu hết con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là những dân ngoại. Họ vốn quen thuộc với sự thờ lạy thần tượng, bởi sự dẫn dụ của phong tục, tập quán, của sự giáo huấn trong gia đình và xã hội. Các thần tượng được những dân ngoại thờ lạy là những thần tượng câm, không biết nói, do tay người làm ra. Với lý trí bình thường ai cũng có thể nhận thấy rằng, việc loài người làm ra những hình tượng, tôn chúng làm thần, thờ lạy chúng, dâng các lễ vật cho chúng, rồi cầu xin chúng ban phước hoặc cầu xin chúng ngưng các tai họa là điều rất vô lý. Thế nhưng, hàng tỷ người trên thế giới vẫn thờ lạy thần tượng, kể cả những người xưng mình là con dân của Thiên Chúa. Ngày nay, người ta còn tôn kính và cầu nguyện với những tấm ảnh chụp các hình tượng hoặc tấm ảnh của những người đã chết.

Sự dẫn dụ đến với thần tượng của phong tục, tập quán và của sự giáo huấn trong gia đình và xã hội vẫn tiếp diễn đối với những người đã tin nhận Chúa, đã thuộc về Hội Thánh. Động từ “bị dẫn dụ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng với thì quá khứ chưa hoàn thành. Có nghĩa là trước đây đã bị dẫn dụ và sự dẫn dụ ấy vẫn đang tiếp diễn.

3 Bởi đó, tôi tỏ cho các anh chị em biết rằng, chẳng ai bởi thần trí của Thiên Chúa mà nói: Đức Chúa Jesus đáng bị rủa sả! Và chẳng ai có thể nói: Đức Chúa Jesus là Chúa! Nếu chẳng bởi thánh linh.

“Bởi đó” là bởi sự con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã có kinh nghiệm về sự thờ lạy thần tượng và vẫn đang bị dẫn dụ. Vì thế, họ cần biết một lẽ thật thuộc linh về sự một người không có thần trí của Thiên Chúa và một người có thần trí của Thiên Chúa.

Thần trí của Thiên Chúa là sự hiểu biết thuộc linh về Thiên Chúa đến từ Thiên Chúa. Thần trí của Thiên Chúa còn là ý muốn của Thiên Chúa. Người có thần trí của Thiên Chúa là người được Thiên Chúa bày tỏ cho về chính Ngài, khiến người ấy có sự tri thức về Thiên Chúa, về ý muốn của Thiên Chúa.

Người có thần trí của Thiên Chúa không thể nào nói rằng: Đức Chúa Jesus đáng bị rủa sả! Vì người ấy biết rõ Đức Chúa Jesus chính là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời nhập thế làm người, chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc loài người ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Mặt khác, không ai có thể thật lòng tuyên xưng: Đức Chúa Jesus là Chúa! Nếu người ấy không thuộc về Chúa, không có thánh linh của Đức Thánh Linh tác động trong người ấy để thần trí của người ấy nhận thức rõ về Đức Chúa Jesus.

4 Có các ân tứ khác nhau, nhưng cùng một Đấng Thần Linh. [Các ân tứ là các kỹ năng, đức tính, thẩm quyền, và năng lực được Đấng Thần Linh ban cho cách đặc biệt. Ân = ơn. Tứ = ban cho.]

Danh từ “ân tứ” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là ơn ban cho. Danh từ này được dùng để dịch danh từ “χάρισμα“ (G5486) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, phiên âm quốc tế: charisma, phiên âm tiếng Việt: kha-rít-ma. Danh từ này bao gồm các nghĩa:

  • Ơn ban cho vô điều kiện.
  • Sự ban cho của Thiên Chúa.
  • Các đức tính, các kỹ năng, sức mạnh, sự tri thức được Đấng Thần Linh ban cho con dân Chúa để họ sống và phụng sự Thiên Chúa trong Đấng Christ.

Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ban cho con dân Chúa trong Hội Thánh mỗi người một hay nhiều ân tứ. Dù có những ân tứ khác nhau nhưng đều là sự ban cho của cùng một Đấng Thần Linh.

Chúng ta thấy, trong phân đoạn này, Thánh Kinh dùng cách gọi Đấng Thần Linh để nhấn mạnh sự kiện Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ban cho con dân Chúa các ân tứ, khác với sự kiện Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh ngự trong thân thể của con dân Chúa để giúp họ phát huy các ân tứ ấy. Khi Đấng Thần Linh ngự trong thân thể của con dân Chúa và hành động trong thân thể của con dân Chúa thì Thánh Kinh dùng danh xưng Đức Thánh Linh. Điều này là quan trọng trong tiếng Hy-lạp. Vì trong tiếng Hy-lạp, cùng một danh từ “níu-ma” có mạo từ xác định được dùng để chỉ hoặc là Đấng Thần Linh Thiên Chúa, hoặc là tâm thần của loài người, hoặc là một thiên sứ hay một tà linh, là những thân vị thiêng liêng có thể hành động trong thân thể xác thịt của loài người. Tính từ “thánh” đi với danh từ “níu-ma” có mạo từ xác định khiến cho danh từ “níu-ma” có nghĩa là Đấng Thần Linh Thánh, tức Thiên Chúa, mà con dân Chúa người Việt đã quen gọi là Đức Thánh Linh. Còn nếu không có mạo từ xác định thì có nghĩa là thánh linh, tức năng lực thánh đến từ Đấng Thần Linh.

τό (G3588) πνεῦμα (G4151) τό (G3588) αγιον (G40) = Đấng Thần Linh Thánh, tức Đức Thánh Linh

πνεῦμα (G4151) αγιον (G40) = thánh linh

τό (G3588) là mạo từ xác định. πνεῦμα (G4151) có nghĩa là linh hoặc thần linh. αγιον (G40) có nghĩa là thánh. Khi chúng ta phân biệt được cách dùng Đấng Thần Linh, Đức Thánh Linh, và thánh linh trong Thánh Kinh thì chúng ta sẽ hiểu rõ ý nghĩa của các câu Thánh Kinh có các từ ngữ ấy.

5 Có các chức vụ khác nhau, nhưng cùng một Chúa. [Các chức vụ trong Hội Thánh.]

Danh từ “chức vụ” (G1248) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là sự phục vụ của những người thi hành mệnh lệnh của cấp trên. Khi được dùng trong Thánh Kinh thì có nghĩa là sự phục vụ bằng năng lực đến từ Đức Thánh Linh của những người được Đấng Christ giao phó cho những việc làm mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho họ.

Danh từ “Chúa” (G2962) trong câu này chỉ chung Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, tức Đức Chúa Trời; Đức Con, tức Đức Chúa Jesus Christ, là Ngôi Lời; và Đức Thánh Linh, tức Đấng Thần Linh.

Trong Hội Thánh có những chức vụ khác nhau nhưng đều do cùng một Đức Chúa Trời lập ra, do cùng một Đấng Christ ban cho một số người, và do cùng một Đức Thánh Linh ban cho năng lực để họ hoàn thành.

6 Có các việc làm khác nhau, nhưng hết thảy là cùng một Thiên Chúa hành động trong mọi sự.

Trong Hội Thánh, mỗi chức vụ có việc làm khác nhau. Cũng có những việc làm không có chức vụ. Nhưng mỗi việc làm trong Hội Thánh đều là việc làm của Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh. Chính Đấng Thần Linh hành động qua con dân Chúa trong Hội Thánh để xây dựng và phát triển Hội Thánh của Ngài.

7 Sự tỏ ra của Đấng Thần Linh được ban cho mỗi người, cho sự ích lợi.

Danh từ “sự tỏ ra” (G5321) có nghĩa là sự bày ra cho thấy thực chất, bản tính của một thực thể hay một sự việc. Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh đã tỏ ra bản tính của Thiên Chúa và bản tính mọi việc làm của Thiên Chúa, qua các ân tứ được ban cho mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh, để đem lại sự ích lợi cho Hội Thánh.

Kết quả các việc làm của Thiên Chúa trong Hội Thánh khiến cho Hội Thánh đạt được những sự ích lợi lớn, khiến cho Hội Thánh được đầy dẫy các đặc tính như đã được liệt kê trong Ga-la-ti 5:22-23:

  • tình yêu
  • sự vui mừng
  • sự bình an
  • sự nhẫn nại
  • sự nhân từ
  • sự ngay lành
  • đức tin
  • sự nhu mì
  • sự tiết độ.

Mỗi một chức vụ trong Hội Thánh, mỗi một ân tứ của Đấng Thần Linh phải hội đủ chín đặc tính trên đây. Nếu không, chức vụ đó không đến từ Thiên Chúa mà chỉ đến từ các tổ chức tôn giáo của loài người; ân tứ đó chỉ là ân tứ giả đến từ các tà linh mạo nhận danh Chúa. Chức vụ giả và ân tứ giả làm thiệt hại những người tin theo, nhưng khiến cho các tổ chức tôn giáo lớn mạnh càng hơn trong sự lừa gạt những người nhẹ dạ. Những người nhẹ dạ là những người không thực sự tìm kiếm lẽ thật cứu rỗi của Thiên Chúa và nếp sống thánh khiết theo Lời Chúa, mà chỉ tìm kiếm cảm giác thích thú qua phép lạ, qua sự được vỗ về lòng tự ái không đúng, qua sự giá trị bản thân được đề cao.

8 Thực tế, người thì được ban cho bởi Đấng Thần Linh lời nói của sự khôn sáng; nhưng người khác được ban cho lời nói của sự hiểu biết bởi cùng Đấng Thần Linh.

“Thực tế” có nghĩa là sự việc xảy ra đúng như được trình bày.

Trong Hội Thánh có người được ban cho lời nói của sự khôn sáng, có người được ban cho lời nói của sự hiểu biết, nhưng đều là sự ban cho của cùng một Đấng Thần Linh.

“Lời nói của sự khôn sáng” là lời nói giải thích cách áp dụng mọi tri thức và trí thức vào trong cuộc sống. Tri thức là sự hiểu biết đến trực tiếp từ Thiên Chúa mà không qua sự học hỏi, hoặc kinh nghiệm. Trí thức là sự hiểu biết do suy luận từ học hỏi (học thức) và kinh nghiệm (kiến thức).

“Lời nói của sự hiểu biết” là lời nói giải thích các lẽ thật. Danh từ “sự hiểu biết” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là sự hiểu rõ nguyên lý của một sự việc hay một sự vật; hiểu rõ sự khác nhau giữa thiện và ác, giữa đúng và sai.

Một người có thể vừa có ân tứ nói lời của sự khôn sáng, vừa có ân tứ nói lời của sự hiểu biết. Đây là hai ân tứ cần thiết cho chức vụ chăn bầy và giảng dạy Lời Chúa. Nhưng hai ân tứ này không chỉ riêng ban cho những người chăn bầy chiên của Chúa và giảng dạy Lời Chúa. Thực tế, Đấng Thần Linh vẫn ban hai ân tứ này cho những người không giữ một chức vụ nào trong Hội Thánh.

Khi cần, Đức Thánh Linh sẽ cảm động con dân Chúa trong Hội Thánh nói lời của sự khôn sáng và lời của sự hiểu biết để gây dựng lẫn nhau.

9 Người khác được ban cho đức tin bởi cùng Đấng Thần Linh; nhưng người khác được ban cho ân tứ chữa lành tật bệnh bởi cùng Đấng Thần Linh.

Trong Hội Thánh có người được ban cho đức tin, có người được ban cho ân tứ chữa lành tật bệnh, nhưng đều là sự ban cho của cùng một Đấng Thần Linh.

Danh từ “đức tin” (G4102) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh trước hết có nghĩa là công nhận sự có thật của một Thiên Chúa Toàn Năng, là Đấng Tạo Hóa của muôn loài; công nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa ban cho loài người qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; và công nhận Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Đó là đức tin căn bản. Kế tiếp, đức tin còn có nghĩa là tin rằng, mọi lời hứa của Thiên Chúa luôn ứng nghiệm, và con dân Chúa có thể làm được mọi sự theo thánh ý của Thiên Chúa, bởi sức toàn năng của Đấng Christ (Phi-líp 4:13). Đó là đức tin thực dụng, tức là sự áp dụng đức tin vào trong nếp sống mỗi ngày.

Mỗi một con dân Chúa đều được ban cho sự tri thức về Thiên Chúa và được ban cho đức tin để tin cậy Thiên Chúa và sống theo Lời Chúa. Về phương diện đức tin thực dụng, sự ban cho đức tin sẽ tăng dần theo thời gian và tùy theo hoàn cảnh sống của mỗi con dân Chúa:

“Vì tôi không hổ thẹn về Tin Lành của Đấng Christ, là năng lực của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp; [Danh từ người Hy-lạp theo nghĩa rộng là: Các dân ngoại (dân không thuộc chủng tộc Do-thái);] vì trong đó, sự công bình của Thiên Chúa được bày tỏ từ đức tin đến đức tin, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin.” (Rô-ma 1:16-17).

Nhóm chữ “từ đức tin đến đức tin” có nghĩa là từ đức tin cơ bản về sự thực hữu của Thiên Chúa và sự cứu rỗi Thiên Chúa ban cho loài người, đến đức tin về sự quan phòng của Thiên Chúa trên con dân Chúa trong đời này và sự sống đời đời của con dân Chúa trong Vương Quốc Đời Đời. Đức tin về sự quan phòng của Thiên Chúa được ban cho con dân Chúa cách riêng biệt, tùy theo hoàn cảnh sống và nhu cầu của mỗi người.

Ân tứ chữa lành các tật bệnh là ơn chữa lành các tật bệnh bằng sự nhân danh của Đức Chúa Jesus Christ để truyền cho một người được lành khuyết tật hoặc lành bệnh. Công Vụ Các Sứ Đồ 3:1-8 ghi lại sự kiện Sứ Đồ Phi-e-rơ chữa lành một người bị què từ khi mới được sinh ra. Công Vụ Các Sứ Đồ 14:8-10 ghi lại sự kiện Sứ Đồ Phao-lô chữa lành một người bị què từ khi mới được sinh ra. Công Vụ Các Sứ Đồ 28:8-9 ghi lại sự kiện Sứ Đồ Phao-lô chữa lành bệnh sốt và kiết lỵ cùng nhiều loại bệnh khác.

Ân tứ chữa lành các tật bệnh khác với sự cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho người có tật bệnh. Nếu chúng ta không được ban cho ân tứ chữa lành các tật bệnh thì chúng ta có thể cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho người có tật bệnh. Trong một số trường hợp chúng ta phải theo lời Chúa dạy trong Gia-cơ 5:14-16.

Chúng ta cần phải hiểu rằng, không phải tật bệnh nào cũng là hậu quả của tội lỗi. Ma quỷ vẫn có thể gây ra tật bệnh trên thân thể của loài người, như xưa kia nó đã gây ra cho ông Gióp. Chúng ta cũng cần hiểu rằng, có trường hợp Chúa không chữa lành tật bệnh mà Ngài chỉ ban thêm sức cho chúng ta gánh chịu, như trường hợp của Sứ Đồ Phao-lô, người từng chữa lành cho nhiều người nhưng bản thân lại không được Chúa chữa lành (II Cô-rinh-tô 12:7-10).

10 Người khác được ban cho sự làm những việc quyền năng; người khác được ban cho sự nói tiên tri; người khác được ban cho sự nhận thức tinh tế các thần; người khác được ban cho sự nói các nhánh ngôn ngữ; người khác được ban cho sự thông giải nhiều ngôn ngữ.

“Sự làm những việc quyền năng” được dịch diễn ý là làm ra những phép lạ, là sự làm ra những việc mà chỉ có sức mạnh siêu nhiên mới có thể làm được. Tiêu biểu là sự khiến cho người nói dối Đức Thánh Linh bị ngã chết, như được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 5:1-11; sự gọi người chết sống lại, như được ghi trong Công Vụ Các Sứ Đồ 9:40 và 20:9-10; sự khiến cho tôi tớ của ma quỷ bị mù, như được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 13:11.

“Sự nói tiên tri” là sự nói ra những gì mà Đức Chúa Trời muốn cho một người nói với một hay nhiều người khác. Người nói tiên tri có thể nói những sự do chính Đức Chúa Trời mạc khải riêng cho người ấy qua giấc mơ, qua khải tượng, qua lời phán, hoặc nói những gì đã được ghi lại trong Thánh Kinh. Mục đích của sự nói tiên tri có thể là cảnh báo về một sự việc sắp xảy ra để con dân Chúa sẵn sàng ứng phó; hoặc cáo trách một người, một dân tộc, hoặc một Hội Thánh địa phương phạm tội và kêu gọi ăn năn. Mục đích của sự nói tiên tri cũng có thể là để khích lệ con dân Chúa trong sự chịu khổ vì danh Chúa.

“Sự nhận thức tinh tế các thần” là sự nhận thức các tà linh giả mạo danh Chúa, các giáo sư giả, các tiên tri giả, các tổ chức tôn giáo giả mạo danh Hội Thánh. Danh từ “sự nhận thức tinh tế” (G1253) có nghĩa là nhận biết cách chi tiết và rõ ràng đúng bản chất của sự việc, sự vật. Người được ban cho ân tứ nhận thức tinh tế các thần nhận biết ngay các tà linh và những người, những tổ chức bị tà linh sai khiến có những chỗ nào không đúng với Lời Chúa.

“Sự nói các nhánh ngôn ngữ” là sự nói được nhiều loại ngôn ngữ của loài người. Thiên Chúa dựng nên chỉ một loài người và ban tiếng nói cho loài người. Sau khi loài người phạm tội không vâng phục Thiên Chúa trong sự kiện xây dựng một ngọn tháp tại thành Ba-bên, thì Thiên Chúa làm cho tiếng nói của loài người chia thành nhiều nhánh khác nhau (Sáng Thế Ký 11:1-9). Danh từ “nhánh” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là ra từ một nguồn gốc. Các nhánh ngôn ngữ là các ngôn ngữ ra từ ngôn ngữ đầu tiên của loài người. Đây không phải là các thứ tiếng lạ, cũng không phải là tiếng của thiên sứ. Đây là các thứ tiếng ra từ tiếng nói đầu tiên của loài người; là các thứ tiếng nói có ý nghĩa, có người hiểu, như Công Vụ Các Sứ Đồ 2:7-11 và I Cô-rinh-tô 14:10 đã xác định. Đức Thánh Linh đã cẩn thận dùng cách nói “các nhánh ngôn ngữ” để con dân Chúa biết rằng, sự lắp bắp các âm thanh vô nghĩa của những người nói tiếng lạ không phải là ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ.

Thực tế, các nhà nghiên cứu ngữ pháp cũng đã công bố rằng, âm thanh do những người nói tiếng lạ phát ra không có cấu trúc của ngôn ngữ [1]. Xin đọc sách “Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã” [2]. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, đã có hàng trăm triệu người trên thế giới bị phong trào nói tiếng lạ dẫn dụ đi vào tà giáo.

Những người được ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ, tức là nói các loại tiếng khác nhau của ngôn ngữ loài người, là những người vốn không biết các loại tiếng nói đó. Họ được Đấng Thần Linh ban cho họ khả năng nói một hay nhiều ngôn ngữ mà trước đó họ không biết để tôn vinh Đức Chúa Trời. Và khi một người nói một ngôn ngữ mà Hội Thánh không biết thì phải có người thông giải hoặc chính người đó cầu xin Đức Thánh Linh ban cho mình ơn thông giải ngôn ngữ mà mình đang nói (I Cô-rinh-tô 14:13). Nếu không có ai thông giải thì người được ơn nói các nhánh ngôn ngữ phải im lặng, không được nói ngôn ngữ không có người hiểu trong Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 14:28).

Ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ không phải là dấu hiệu của một người được báp-tem bằng thánh linh. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy như vậy. Trái lại, Thánh Kinh dạy rằng, không phải ai cũng được ban cho ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ (I Cô-rinh-tô 12:30). Trong khi đó, sự được báp-tem bằng thánh linh là cho tất cả con dân Chúa. Hơn nữa, ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ chỉ tự gây dựng cho bản thân người nói, còn ân tứ nói tiên tri thì gây dựng cho cả Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 14:4).

“Sự thông giải nhiều ngôn ngữ” là sự hiểu và thông dịch các ngôn ngữ khác sang ngôn ngữ mà cả Hội Thánh cùng biết. Người được ân tứ thông giải nhiều ngôn ngữ vốn không biết các ngôn ngữ mà mình thông dịch, nhưng người ấy được Đấng Thần Linh ban cho sự hiểu biết để thông giải cho Hội Thánh.

11 Hết thảy những sự ấy là cùng một Đấng Thần Linh tác động, theo ý Ngài muốn, phân phát riêng cho mỗi người.

“Những sự ấy” là những ân tứ được Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh làm ra, ảnh hưởng đến Hội Thánh.

Đấng Thần Linh tùy theo ý muốn của Ngài để ban ân tứ cho mỗi người trong Hội Thánh cách riêng biệt. Điều ấy có nghĩa là Đấng Thần Linh nhìn biết người nào với các ân tứ nào sẽ đem lại ích lợi lớn nhất cho Hội Thánh. Điều đó có nghĩa là không phải do sự cầu xin của con dân Chúa, ngoại trừ một người đã được ban cho ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ thì nên xin được thêm ân tứ thông giải các ngôn ngữ để ân tứ nói các nhánh ngôn ngữ của mình gây dựng cho cả Hội Thánh. Tuy nhiên, con dân Chúa có thể khao khát ân tứ nói tiên tri để có thể tích cực gây dựng Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 14:1-4).

Không ai có thể khiến cho người khác nhận được bất cứ một ân tứ nào của Đấng Thần Linh. Vì ân tứ đến từ Đấng Thần Linh là sự ban cho theo ý của Ngài, riêng cho mỗi người. Việc những người nói tiếng lạ đặt tay cho người khác cũng nói tiếng lạ như mình là việc làm của tà linh. Sự nói tiếng lạ là biểu hiện bị tà linh xâm nhập và kiềm chế. Sự đặt tay của những người nói tiếng lạ là sự truyền tà linh từ họ qua những người tin theo họ.

Qua I Cô-rinh-tô 12:1-11 chúng ta thấy, có chín ân tứ được Đấng Thần Linh ban cho con dân Chúa trong Hội Thánh:

  • Lời nói của sự khôn sáng
  • Lời nói của sự hiểu biết
  • Đức tin
  • Sự chữa lành các tật bệnh
  • Sự làm những việc quyền năng
  • Sự nói tiên tri
  • Sự nhận thức tinh tế các thần
  • Sự nói các nhánh ngôn ngữ
  • Sự thông giải nhiều ngôn ngữ.

Nếu có ai xưng nhận người ấy có một ân tứ từ Đấng Thần Linh mà ân tứ ấy không thuộc về chín ân tứ được liệt kê trên đây, thì đó là ân tứ giả. Thí dụ, sự bói toán không phải là ân tứ của Đấng Thần Linh mà chỉ là ma thuật của tà linh. Tà linh biết rõ quá khứ của nhiều người. Tà linh biết rõ vị trí của những vật bị thất lạc. Tà linh biết rõ các vụ án. Tà linh có thể tạo ra các tai nạn trong tương lai…

Chúng ta cần hiểu điều này, Hội Thánh là tập hợp tất cả con dân Chúa ở khắp nơi, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, phái tính, tuổi tác, trình độ, địa vị, giai cấp… Tùy theo nhu cầu của từng Hội Thánh địa phương mà Đấng Thần Linh sẽ phân phát các ân tứ. Có thể chúng ta không thấy một vài ân tứ được ban cho trong Hội Thánh địa phương của mình, nhưng các ân tứ ấy vẫn được ban cho trong các Hội Thánh địa phương khác, tùy theo nhu cầu của các Hội Thánh địa phương ấy.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/05/2020

Ghi Chú

[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Glossolalia

[2] https://tinyurl.com/noi-tieng-la

Karaoke Thánh Ca: “Đời Con Luôn Được An Vui”
https://karaokethanhca.net/doi-con-luon-duoc-an-vui/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu