Chú Giải Hê-bơ-rơ 12:14-29 Nguy Hiểm của Sự Không Giữ Mình Thánh Khiết

3,315 views


Nguồn: https://youtu.be/F85TBGfYKfk

Chú Giải Hê-bơ-rơ 12:14-29
Nguy Hiểm của Sự Không Giữ Mình Thánh Khiết

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 12:14-29

14 Hãy theo đuổi sự bình an với mọi người, cùng theo đuổi sự thánh khiết. Vì nếu không bởi đó thì chẳng người nào sẽ thấy Chúa.

15 Hãy coi chừng! Kẻo có người trật phần ân điển của Đức Chúa Trời! Kẻo có rễ đắng nào sinh ra, làm ngăn trở, và bởi đó nhiều người bị ô uế! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:18]

16 Kẻo có ai là đĩ đực, hoặc là người phạm thượng như Ê-sau, người chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng của mình.

17 Vì các anh chị em biết rằng, sau đó, người muốn thừa hưởng phước, thì người bị từ bỏ; vì người không tìm được chỗ cho sự ăn năn, dù người đã tìm kiếm với nước mắt. [Sáng Thế Ký 27:36-39]

18 Vì các anh chị em chẳng đến gần một hòn núi bị chạm và bị thiêu bởi lửa; hoặc sự u ám; hoặc sự tối tăm; hoặc cuồng phong;

19 hoặc tiếng loa; hoặc giọng của những lời phán mà những kẻ nghe đã nài xin đừng thêm một lời nào cho mình nữa.

20 Vì họ không chịu nổi mệnh lệnh: Dù một con thú chạm đến hòn núi nó cũng sẽ bị ném đá hoặc bị bắn tên. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:12-13]

21 Cảnh tượng đó rất kinh khiếp, đến nỗi Môi-se đã nói rằng: Ta sợ hãi và run rẩy.

22 Nhưng các anh chị em đến gần núi Si-ôn; gần thành của Thiên Chúa Hằng Sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời; gần muôn vàn các thiên sứ;

23 gần hội chúng và Hội Thánh của những con đầu lòng được ghi tên trong các tầng trời; gần Thiên Chúa, Đấng Phán Xét của mọi người; gần những tâm thần của những người công chính đã được làm cho vẹn lành;

24 gần Đức Chúa Jesus, Đấng Trung Bảo của giao ước mới; và gần máu rưới ra, máu đó nói tốt hơn máu của A-bên.

25 Hãy coi chừng! Các anh chị em chớ từ chối Đấng phán với mình! Vì nếu những kẻ từ chối đấng phán trên đất chẳng thoát khỏi hình phạt, thì hình phạt sẽ càng hơn đối với chúng ta, nếu chúng ta quay khỏi Đấng phán từ trời.

26 Giọng của Ngài lúc ấy làm rúng động đất, nhưng hiện nay, Ngài đã hứa rằng: Còn một lần nữa, Ta sẽ chẳng những làm rúng động đất mà cả trời nữa. [A-ghê 2:6]

27 Và, lời này: “Còn một lần nữa,” tỏ ra sự cất đi những vật hay bị rúng động, như những vật đã được làm ra, để cho những vật không bị rúng động sẽ còn lại.

28 Như vậy, chúng ta nhận được một vương quốc không thể bị rúng động, chúng ta hãy giữ lấy ân điển, để bởi đó chúng ta có thể phụng sự Đức Chúa Trời cách đẹp lòng Ngài, với lòng tôn trọng và kính sợ.

29 Vì Đức Chúa Trời của chúng ta là đám lửa thiêu đốt. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:24]

Thiên Chúa là yêu thương, thánh khiết, và công chính. Vương Quốc của Thiên Chúa, tức Nước Trời, là vương quốc của yêu thương, thánh khiết, và công chính. Công dân của Nước Trời phải là những người giống như Thiên Chúa, tức là những người có bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính. Để một người được trở nên giống như Thiên Chúa thì người ấy phải được chính Thiên Chúa dựng nên mới và người ấy phải tiếp nhận sự được dựng nên mới ấy:

“Các anh chị em hãy bỏ nếp sống trước đây của con người cũ, là người đã bị hư hỏng theo sự lừa gạt của những sự tham muốn, mà chịu làm nên mới trong tâm thần về sự hiểu biết của mình, và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:22-24).

“Nhưng bây giờ, các anh chị em cũng đã trừ bỏ những sự đó: sự giận, sự thịnh nộ, sự độc ác, sự phạm thượng, sự tục tĩu ra từ miệng của các anh chị em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng mọi việc làm của nó, mà mặc lấy người mới, đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy!” (Cô-lô-se 3:8-10).

Công dân của Nước Trời được Đức Chúa Trời chọn ra từ loài người do Ngài dựng nên và thử nghiệm họ trên đất. Đó là ý muốn và mục đích của Ngài khi Ngài dựng nên loài người:

“Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh…” (Ma-la-chi 2:15).

Công dân của Nước Trời phải là những người yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự, yêu những người lân cận như chính mình, và yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình. Người lân cận là bất cứ ai chúng ta gặp mặt, (xem ý nghĩa về người lân cận qua ngụ ngôn trong Lu-ca 10:30-37). Anh chị em cùng Cha là những ai thật sự ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và hết lòng sống theo Lời Chúa.

Thiên Chúa đã thánh hoá chúng ta qua sự chúng ta được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội, được Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của chúng ta và đổ đầy chúng ta năng lực của Thiên Chúa là thánh linh. Khi chúng ta thật sự yêu Chúa và yêu người theo lời phán dạy của Thánh Kinh thì chúng ta giữ mình trong sự thánh hóa Thiên Chúa đã làm ra cho chúng ta và chúng ta được Đức Chúa Trời xưng là những người công bình, tức là những người có đức tin nơi Thiên Chúa và thể hiện đức tin qua nếp sống mỗi ngày. Nhưng nếu chúng ta lui đi trong đức tin, nghĩa là không còn thể hiện đức tin thành hành động qua nếp sống mỗi ngày, thì chúng ta sẽ không còn giữ mình trong sự thánh khiết, và sẽ không còn được Đức Chúa Trời xưng là những người công bình. Những người lui đi trong đức tin, nếu không kịp thời ăn năn thì sẽ bị trật phần ân điển, rơi trở lại vào trong sự hư mất đời đời mà hình phạt dành cho họ còn nặng hơn so với hình phạt dành cho những người không hề có đức tin nơi Thiên Chúa (Hê-bơ-rơ 6:4-8; 10:25-31; II Phi-e-rơ 2:20-22).

Hê-bơ-rơ 12:14-29 là lời cảnh báo con dân Chúa về mối nguy hiểm của sự không giữ mình trong sự thánh khiết mà Thiên Chúa đã làm ra cho chúng ta.

14 Hãy theo đuổi sự bình an với mọi người, cùng theo đuổi sự thánh khiết. Vì nếu không bởi đó thì chẳng người nào sẽ thấy Chúa.

Động từ “theo đuổi” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là chạy theo để nắm bắt cho được một người hay một vật; cũng có nghĩa là chạy đua để đạt được đích đến. Nghĩa bóng là sốt sắng theo đuổi cho đến khi đạt được một mục đích.

“Theo đuổi sự bình an với mọi người” có nghĩa là tìm cách sống hoà thuận với mọi người, sẵn sàng tha thứ và làm ơn cho mọi người, kể cả những kẻ thù nghịch chúng ta. Dù những kẻ thù nghịch đối xử bất công với chúng ta, chúng ta cũng không được phép trả thù, thậm chí, không nghĩ đến sự trả thù. Vì sự báo thù thuộc về Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời sẽ làm ra sự báo thù cho con dân của Ngài:

“Hỡi những người yêu dấu! Chớ tự mình trả thù nhưng hãy nhường chỗ cho sự giận của Đức Chúa Trời; vì có chép rằng, Chúa phán: Sự trả thù thuộc về Ta! Ta sẽ báo trả!” (Rô-ma 12:19).

Đức Chúa Jesus Christ đã dạy con dân Chúa cách cư xử với kẻ thù như sau:

“Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận ngươi và hãy ghét kẻ thù nghịch ngươi. Nhưng Ta bảo các ngươi: Hãy yêu những kẻ thù của các ngươi, chúc phước cho những kẻ rủa các ngươi, làm điều lành cho những kẻ ghét các ngươi, cầu nguyện cho những kẻ sỉ nhục các ngươi và bách hại các ngươi! Như vậy, các ngươi được làm con cái của Cha các ngươi, Đấng ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cùng người lành, và Ngài làm mưa trên người công bình lẫn kẻ không công bình.” (Ma-thi-ơ 5:43-45).

Vào thời điểm thư Hê-bơ-rơ được viết ra thì Hội Thánh chung đang bị sự bách hại từ Do-thái Giáo. Sau đó ít năm thì xảy ra sự bách hại từ nhà cầm quyền La-mã. Sự bách hại nào cũng khốc liệt. Người Do-thái Giáo thì đánh đập, bỏ tù, và ném đá con dân Chúa. Lính La-mã thì đánh đập, bỏ tù, tịch thu tài sản, và đóng đinh hoặc chém đầu con dân Chúa. Bản thân Hoàng Đế Nê-rô cho tẩm dầu và nhựa thông vào thân thể con dân Chúa, cột họ vào các trụ đồng, đốt sống họ, làm đuốc soi sáng thượng uyển (vườn hoa trong cung vua). Theo lẽ thường của người đời, khi bị hà hiếp thì nạn nhân căm giận kẻ đối xử bất công với mình và muốn trả thù. Nhưng là con dân Chúa thì chúng ta phải yêu thương, tha thứ, chúc phước, cầu thay, và làm những điều lành cho những kẻ thù của chúng ta.

Chúng ta luôn ghi nhớ, tất cả những sự độc ác nhất mà những kẻ thù có thể làm ra trên chúng ta thì chính Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay án phạt của họ trên thân thể của Ngài. Nếu họ ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài thì họ trở thành anh chị em cùng Cha với chúng ta. Nếu họ không ăn năn thì sự báo trả thuộc về Chúa. Khi chúng ta tự mình trả thù là chúng ta đã không công nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ cho những kẻ thù của mình. Và bởi vì Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay án phạt về những điều bất công họ làm ra cho chúng ta mà chúng ta lại trả thù họ, thì việc trả thù của chúng ta trở thành việc làm không công bình.

Theo đuổi sự bình an với mọi người còn có nghĩa là trong lòng chúng ta không có sự ganh tị hay ghét bỏ bất cứ ai. Trong Hội Thánh có những người nhân danh tình yêu thương trong Chúa, nhân danh sự giúp nhau rửa chân mà trong lòng thì có sự ganh tị hoặc ghét bỏ anh chị em của mình. Ganh tị vì thấy anh chị em của mình được ơn hoặc được Chúa ban phước. Ghét bỏ vì anh chị em của mình không chiều theo ý của mình hoặc vì họ chỉ ra những sự sai trái của mình. Sự ganh tị hoặc ghét bỏ ấy thể hiện ra rõ ràng trong lời nói, cử chỉ, thái độ, và hành động.

Sự tích cực tìm cách sống hòa thuận với mọi người, phải đồng thuận với nếp sống thánh khiết mà Thiên Chúa đã làm ra cho chúng ta. Nghĩa là chúng ta không thể vi phạm luật pháp của Thiên Chúa để giữ sự bình an với mọi người. Con dân Chúa phải luôn tự mình phân rẽ khỏi những gì là ô uế, tội lỗi như Lời Chúa dạy trong Thi Thiên 1 và II Cô-rinh-tô 6:14-18.

Danh từ “sự thánh khiết” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh vừa có nghĩa là sự được Thiên Chúa làm cho trở nên sạch tội, vừa có nghĩa là sự được dành riêng cho Thiên Chúa, vừa có nghĩa là sự không nhiễm tội. Thiên Chúa đã làm cho chúng ta được sạch tội và biệt riêng chúng ta ra khỏi những người trong thế gian để chúng ta làm con cái của Đức Chúa Trời và làm công dân của Nước Trời. Vì thế, chúng ta cần phải tìm đủ cách để giữ mình trong sự không nhiễm tội mà Thiên Chúa đã làm ra cho chúng ta.

“Vì nếu không bởi đó thì chẳng người nào sẽ thấy Chúa.” Không bởi đó là không bởi sự theo đuổi sự bình an với mọi người cùng theo đuổi sự thánh khiết. “Thấy Chúa” không có nghĩa đơn giản là nhìn thấy Ngài, vì tất cả mọi người không tin nhận Chúa cũng sẽ nhìn thấy Chúa trong ngày phán xét chung cuộc. “Thấy Chúa” được dùng ở đây với nghĩa được vui sống bên Chúa, không bao giờ bị xa cách Chúa như những người không tin nhận Ngài:

“Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

“Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17).

Như vậy, “thấy Chúa” đối với chúng ta có nghĩa là thân thể xác thịt của chúng ta sẽ được biến hóa hoặc được phục sinh, cất lên không trung để gặp Chúa trong ngày Chúa trở lại, và được mãi mãi ở bên cạnh Ngài, như lời Ngài đã hứa:

“Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Ta sẽ trở lại và sẽ đem các ngươi đến với Ta, để Ta ở đâu các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:3).

Ngày ấy đã gần, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng ta hãy tự xét xem mình có đang theo đuổi sự bình an với mọi người cùng sự thánh khiết hay không.

15 Hãy coi chừng! Kẻo có người trật phần ân điển của Đức Chúa Trời! Kẻo có rễ đắng nào sinh ra, làm ngăn trở, và bởi đó nhiều người bị ô uế! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:18]

“Trật phần ân điển của Đức Chúa Trời” có nghĩa là không còn được dự phần trong ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Thư Hê-bơ-rơ được viết cho con dân của Chúa, tức là những người đang ở trong ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Ý nghĩa của Hê-bơ-rơ 12:15 là lời cảnh báo về nguy cơ con dân Chúa có thể bị mất phần trong ơn cứu rỗi, nếu không giữ mình trong sự thánh khiết.

Danh từ “rễ đắng” ra từ lời của Môi-se căn dặn dân I-sơ-ra-ên, trước khi họ đặt chân vào Đất Hứa Ca-na-an:

“Trong các ngươi, chớ có người nam, người nữ, gia đình, hay chi phái nào mà ngày nay trở lòng, bỏ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của chúng ta, để đi hầu việc các thần của những dân tộc ấy. Trong các ngươi chớ có rễ sinh ra chất độc và ngải cứu.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:18).

Tất cả cây cỏ đều sống nhờ bộ rễ. Bộ rễ của tất cả cây cỏ đều cùng hút chung chất bổ dưỡng từ đất nhưng lại cho kết quả khác nhau. Có những cây sinh ra trái ngọt và có những cây sinh ra trái đắng. Lại có những cây sinh ra trái độc.

Danh từ “chất độc” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh được dùng để chỉ những chất độc như nọc độc của rắn và cũng dùng để gọi cây thuốc phiện. Chất độc làm chết người. Ngải cứu là một loại cây có vị đắng, được tiêu biểu cho sự đau khổ trong đời sống. Lời căn dặn của Môi-se cảnh báo rằng, sự thờ lạy thần tượng sẽ dẫn đến sự đau khổ và sự chết.

Thật là đáng ngạc nhiên nếu cùng là con dân Chúa, cùng được ăn nuốt Lời Hằng Sống của Thiên Chúa mà lại có người sinh ra lòng ganh tị, ghét bỏ anh chị em cùng Cha của mình; vì người ấy tự tôn thờ bản ngã xác thịt của mình, tôn thờ lòng kiêu ngạo, lòng tự ái không đúng.

Động từ “làm ngăn trở” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là làm cho trở ngại, phiền toái, gây ra khó khăn. Sự tôn thờ bản ngã xác thịt khiến cho một người không thể yêu Chúa trên tất cả mọi sự, không thể yêu người khác như chính mình, không thể yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình. Và khiến cho người ấy bị ô uế vì đã thần tượng hóa chính mình.

16 Kẻo có ai là đĩ đực, hoặc là người phạm thượng như Ê-sau, người chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng của mình.

Danh từ “đĩ đực” trong Thánh Kinh chỉ về người nam bán thân làm đĩ trong các đền thờ tà thần, hoặc những người nam đồng tính luyến ái, hoặc những người nam đắm mình trong sự tà dâm. Những người như vậy cũng chính là những người tôn thờ bản ngã xác thịt, thờ phượng thân thể xác thịt của mình bằng thú vui của tội lỗi.

Câu chuyện Ê-sau bán quyền con trưởng để được ăn một bát canh đậu được chép trong Sáng Thế Ký 25:29-34. Đó cũng là một hình thức tôn thờ bản ngã xác thịt, sẵn sàng chiều theo sự ham muốn của xác thịt mà bỏ đi ân điển của Thiên Chúa. Quyền con trưởng là quyền được quy định trong luật pháp của Đức Chúa Trời, cho nên, khi Ê-sau khinh quyền trưởng nam thì ông cũng khinh dể luật pháp của Đức Chúa Trời. Vì thế, ông mang tội phạm thượng đối với Đức Chúa Trời.

Ngày nay, khi chúng ta vì chiều theo bất cứ một sự ham muốn nào của bản ngã xác thịt mà xem thường ân điển của Thiên Chúa thì chúng ta cũng cùng lúc mang thêm tội phạm thượng.

17 Vì các anh chị em biết rằng, sau đó, người muốn thừa hưởng phước, thì người bị từ bỏ; vì người không tìm được chỗ cho sự ăn năn, dù người đã tìm kiếm với nước mắt. [Sáng Thế Ký 27:36-39]

Đức Thánh Linh dùng câu chuyện về Ê-sau để cảnh báo Hội Thánh về sự xem thường ân điển của Thiên Chúa, không giữ mình trong sự thánh khiết mà Thiên Chúa đã làm ra cho con dân của Ngài. Dù ngày nay sự thương xót của Chúa rất lớn đối với Hội Thánh nhưng Chúa cũng không chịu bị khinh dể:

“Đừng để bị lừa gạt! Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu; vì ai gieo giống gì, sẽ gặt giống ấy. Ai gieo cho xác thịt của mình, sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát. Ai gieo cho tâm thần, sẽ từ tâm thần mà gặt sự sống đời đời.” (Ga-la-ti 6:7-8).

Ai nghĩ rằng, mình chỉ phạm tội thêm một lần nữa thôi, rồi sẽ xưng tội với Chúa và sẽ được Chúa tha thứ là người ấy đang tự lừa gạt chính mình và khinh dể Thiên Chúa.

“Không tìm được chỗ cho sự ăn năn” có nghĩa là cho dù thật lòng ăn năn, hối tiếc, muốn được tha thứ và được phục hồi thì cũng không còn có cơ hội. Vì như Lời Chúa đã khẳng định, Thiên Chúa không chịu bị khinh dể đâu! Người đã cố tình xem thường ân điển của Chúa để sống cho sự ham muốn của xác thịt, để thỏa mãn lòng kiêu ngạo hoặc lòng tự ái không đúng là người gieo cho xác thịt của mình và sẽ từ xác thịt mà gặt sự hư nát, tức sự hư mất đời đời trong hỏa ngục.

Cảm tạ Chúa! Trong sự nghiêm khắc, oai nghi, vĩ đại của Thiên Chúa, Ngài cũng ban cho con dân của Ngài một thời điểm để ăn năn, như đã được tỏ ra trong năm lá thư gửi cho năm Hội Thánh địa phương có tội, được ghi lại trong Khải Huyền đoạn 2 và đoạn 3. Điều quan trọng và đáng sợ là chúng ta không biết khi nào thì một người không còn cơ hội để ăn năn.

18 Vì các anh chị em chẳng đến gần một hòn núi bị chạm và bị thiêu bởi lửa; hoặc sự u ám; hoặc sự tối tăm; hoặc cuồng phong;

19 hoặc tiếng loa; hoặc giọng của những lời phán mà những kẻ nghe đã nài xin đừng thêm một lời nào cho mình nữa.

Ngày xưa, dân I-sơ-ra-ên chỉ đến gần một hòn núi trên đất trong ngày Đức Chúa Trời kết giao ước với họ, tại đồng vắng Si-na-i. Cảnh trạng vinh quang bởi sự hiện diện của Đức Chúa Trời và lời phán oai nghi của Ngài đã khiến cho họ khiếp sợ. Cả núi Si-na-i rúng động, có sấm vang, có mây dày đặc bao phủ, có khói, như khói ra từ một lò lửa lớn, khi Đức Chúa Trời giáng lâm trong lửa.

“Hòn núi bị chạm và bị thiêu bởi lửa” là hòn núi mà loài người và thú vật có thể đến gần và bị lửa thiêu đốt khi Đức Chúa Trời giáng lâm trong lửa.

“Sự u ám” và “sự tối tăm” là do mây dày đặc bao phủ cả ngọn núi.

“Cuồng phong” là cơn gió lớn phát sinh bởi sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trong không khí do sấm sét trong mây và lửa thiêu ngọn núi.

“Tiếng loa” là tiếng loa báo hiệu sự giáng lâm của Đức Chúa Trời do các thiên sứ thổi lên.

“Giọng của những lời phán” là giọng nói của Đức Chúa Trời khi Ngài phán ra Mười Lời, tức Mười Điều Răn.

Tiếng phán oai nghi của Đức Chúa Trời khiến cho dân I-sơ-ra-ên sợ hãi. Họ van xin Môi-se thay cho Đức Chúa Trời lập lại những gì Ngài phán, thay vì họ nghe Đức Chúa Trời phán trực tiếp (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:19).

20 Vì họ không chịu nổi mệnh lệnh: Dù một con thú chạm đến hòn núi nó cũng sẽ bị ném đá hoặc bị bắn tên. [Xuất Ê-díp-tô Ký 19:12-13]

21 Cảnh tượng đó rất kinh khiếp, đến nỗi Môi-se đã nói rằng: Ta sợ hãi và run rẩy.

Mệnh lệnh nghiêm khắc của Đức Chúa Trời về việc không ai, kể cả một con thú, được đến gần sự hiện diện của Ngài, ngoại trừ người Ngài cho phép, càng khiến dân I-sơ-ra-ên run sợ càng hơn. Ngay bản thân của Môi-se là người được phép đến gần, cũng sợ hãi và run rẩy. Sự Môi-se sợ hãi và run rẩy không được ghi lại trong lời tường thuật của Môi-se trong Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 19 và 20. Nhưng được ghi lại trong các sách ngoài Thánh Kinh của dân I-sơ-ra-ên, là những sách ghi lại các lời truyền khẩu về lịch sử của dân I-sơ-ra-ên. Tương tự như vậy là lời thuật lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 7:32 về sự Môi-se run sợ khi nhìn thấy bụi gai cháy mà không tàn, trong khi Xuất Ê-díp-tô Ký 3:6 thì không nói đến sự Môi-se run rẩy.

22 Nhưng các anh chị em đến gần núi Si-ôn; gần thành của Thiên Chúa Hằng Sống, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời; gần muôn vàn các thiên sứ;

Ngày nay, con dân Chúa không đến gần một hòn núi trên đất nhưng trong tâm thần được dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời ngay trong thiên đàng. Nơi ngự của Thiên Chúa trong thiên đàng được gọi là thành Giê-ru-sa-lem ở trên núi Si-ôn. Nói cách khác, thành Giê-ru-sa-lem và núi Si-ôn trên đất được đặt tên theo thành Giê-ru-sa-lem và núi Si-ôn trên trời. Giê-ru-sa-lem có nghĩa là thành của sự bình an hoặc nền tảng của sự bình an. Si-ôn có nghĩa là đỉnh cao. Trong nơi ngự của Thiên Chúa nơi thiên đàng có vô số thiên sứ phụng sự Ngài.

23 gần hội chúng và Hội Thánh của những con đầu lòng được ghi tên trong các tầng trời; gần Thiên Chúa, Đấng Phán Xét của mọi người; gần những tâm thần của những người công chính đã được làm cho vẹn lành;

Trong thiên đàng còn có tập thể của những thánh đồ thời Cựu Ước và thời trước Cựu Ước, được gọi là hội chúng. Danh từ “hội chúng” được dùng để chỉ sự nhóm hiệp của một số đông người. Lại có sự hiện diện của Hội Thánh là tập thể của những thánh đồ thời Tân Ước. Các thánh đồ thời Tân Ước kể từ khi Hội Thánh được thành lập cho đến khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian, được biệt riêng để hiệp một với Đức Chúa Jesus Christ và đồng trị với Ngài. Đó là sự lựa chọn và định sẵn của Đức Chúa Trời, không phải hễ ai muốn thì được.

Mỗi chi thể trong Hội Thánh được gọi là “con đầu lòng được ghi tên trong các tầng trời” vì con dân Chúa trong Hội Thánh là những người được Đức Chúa Trời tái sinh đầu tiên trong các thánh đồ. Tên của họ được ghi chép trong các tầng trời (Lu-ca 10:20).

“Thiên Chúa, Đấng Phán Xét của mọi người” bao gồm cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Đức Chúa Trời phán xét toàn thế gian qua Đức Chúa Jesus Christ (Rô-ma 2:16; Khải Huyền 20:12). Đức Chúa Jesus Christ thay quyền của Đức Chúa Trời làm công việc phán xét (Giăng 5:22; II Cô-rinh-tô 5:10). Đấng Thần Linh, tức Đức Thánh Linh, làm công việc phán xét trong lòng người, cáo trách những ai phạm tội (Sáng Thế Ký 6:3).

“Tâm thần của những người công chính đã được làm cho vẹn lành” là thân thể thiêng liêng của tất cả các thánh đồ đang ở trong thiên đàng. Hiện nay, ngoài Hê-nóc và Ê-li là hai người có thân thể xác thịt không trải qua sự chết, thì thân thể xác thịt của những thánh đồ ở trong thiên đàng chưa được phục sinh. Tất cả các thánh đồ của Chúa đều được gọi là người công chính vì họ đã được Đấng Christ rửa sạch bản tính tội lỗi và được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi. Họ đã được Thiên Chúa làm cho trở nên trọn vẹn tốt lành.

24 gần Đức Chúa Jesus, Đấng Trung Bảo của giao ước mới; và gần máu rưới ra, máu đó nói tốt hơn máu của A-bên.

Trong thiên đàng có sự hiện diện của Đức Chúa Jesus, Đấng đang ngự trên ngai với Đức Chúa Trời. Ngài là Đấng Trung Bảo của Tân Ước giữa Đức Chúa Trời và loài người. Chúng ta đã học về vai trò trung bảo của Ngài khi chúng ta học về Ga-la-ti 3:20; I Ti-mô-thê 2:5; Hê-bơ-rơ 8:6; 9:15.

Máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ vẫn còn đó trên bàn thờ trong thiên đàng. Thành ngữ “máu lên tiếng” hàm ý, một người dùng mạng sống của mình để lên tiếng, vì trong máu có sự sống:

“Vì sinh mạng của mọi xác thịt, ấy là máu nó, trong máu có sinh mạng…” (Lê-vi Ký 17:14).

Sự lên tiếng đó có thể là để đòi hỏi sự báo thù, đòi hỏi sự công chính, như có nhiều người đã tự sát để đòi hỏi quyền làm người; hoặc là để van xin sự tha thứ cho người khác dựa trên sự hy sinh mạng sống của chính mình. Máu của Đấng Christ nói tốt hơn máu của A-bên vì máu của A-bên kêu gọi Đức Chúa Trời báo thù công chính cho một người, còn máu của Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi Đức Chúa Trời tha thứ cho mọi tội lỗi của toàn thể loài người.

25 Hãy coi chừng! Các anh chị em chớ từ chối Đấng phán với mình! Vì nếu những kẻ từ chối đấng phán trên đất chẳng thoát khỏi hình phạt, thì hình phạt sẽ càng hơn đối với chúng ta, nếu chúng ta quay khỏi Đấng phán từ trời.

“Đấng phán trên đất” là Môi-se. “Đấng phán từ trời” là Đức Chúa Trời. Ngày nay, Đức Chúa Trời phán với con dân của Ngài qua Đức Thánh Linh và qua Lời Hằng Sống của Ngài là Thánh Kinh. Khi cần, Đức Chúa Trời hay Đức Chúa Jesus Christ cũng sẽ phán trực tiếp với mỗi con dân của Ngài. Nhưng hàm ý của Hê-bơ-rơ 12:25 là nhấn mạnh đến Thánh Kinh cùng sự cáo trách của Đức Thánh Linh. “Quay khỏi Đấng phán từ trời” là quay khỏi những sự dạy dỗ của Thánh Kinh và quay khỏi sự cáo trách của Đức Thánh Linh, không vâng theo.

26 Giọng của Ngài lúc ấy làm rúng động đất, nhưng hiện nay, Ngài đã hứa rằng: Còn một lần nữa, Ta sẽ chẳng những làm rúng động đất mà cả trời nữa. [A-ghê 2:6]

27 Và, lời này: “Còn một lần nữa,” tỏ ra sự cất đi những vật hay bị rúng động, như những vật đã được làm ra, để cho những vật không bị rúng động sẽ còn lại.

“Giọng của Ngài lúc ấy làm rúng động đất” nhắc lại sự kiện Đức Chúa Trời giáng lâm trên núi Si-na-i, phán ra Mười Lời, tức Mười Điều Răn (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:18). Lời hứa Đức Chúa Trời sẽ làm rúng động cả đất lẫn trời như được ghi lại trong A-ghê 2:6 là chỉ về sự trời cũ đất cũ sẽ qua đi, như lời tiên tri của Sứ Đồ Phi-e-rơ:

“Nhưng, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm. Trong ngày ấy, các tầng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tan, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.” (II Phi-e-rơ 3:10).

Trời cũ đất cũ và muôn vật trong chúng đều là vật hay bị rúng động vì cớ sự phạm tội của các thiên sứ và loài người. Sau sự qua đi của trời cũ đất cũ là sự hiện ra của trời mới đất mới và Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời là những sự không rúng động:

“Tuy nhiên, theo lời hứa của Chúa, chúng ta trông mong các tầng trời mới và đất mới, là nơi sự công bình cư ngụ.” (II Phi-e-rơ 3:13).

Trước đó là thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, sau khi Đức Chúa Trời đã phán xét toàn thế gian qua bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế. Thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm là giai đoạn để chuẩn bị công dân cho Vương Quốc Đời Đời. Loài người được sống trong bình an, phước hạnh dưới sự cai trị của Đức Chúa Jesus Christ, tiếp tục sinh sôi, làm cho đầy dẫy đất. Sa-tan và các thiên sứ phạm tội bị giam lại. Sự hiểu biết về Thiên Chúa tràn ngập trong tâm thần của mỗi người. Tiếc thay, trong thời kỳ của Vương Quốc Ngàn Năm vẫn có rất nhiều người chọn sống theo ý riêng, vi phạm các điều răn của Thiên Chúa.

28 Như vậy, chúng ta nhận được một vương quốc không thể bị rúng động, chúng ta hãy giữ lấy ân điển, để bởi đó chúng ta có thể phụng sự Đức Chúa Trời cách đẹp lòng Ngài, với lòng tôn trọng và kính sợ.

Vương quốc không thể bị rúng động là toàn thể trời mới đất mới và mọi công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời được tái lập trong đó. Vương quốc ấy còn gọi là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời, đã sắm sẵn để ban cho những ai hoàn toàn tin cậy và vâng phục Thiên Chúa. Sự ban cho đó được gọi là ân điển của Đức Chúa Trời. Ân điển là sự thương xót ban cho kẻ không xứng đáng để được thương xót. Chúng ta không xứng đáng được thương xót vì ai nấy trong chúng ta đều nhiều lần cố ý vi phạm luật pháp của Thiên Chúa, kể cả sau khi chúng ta đã tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài. Cảm tạ Đức Chúa Trời về sự thương xót rất lớn của Ngài.

Chúng ta chỉ có thể phần nào báo đáp ân điển của Đức Chúa Trời bằng cách nắm giữ ân điển mà Ngài đã ban cho chúng ta, để chúng ta được dự phần phụng sự Ngài. Chúng ta dự phần trong việc phụng sự Đức Chúa Trời ngay trong đời này, trong vai trò thầy tế lễ của mỗi chúng ta, qua sự dâng chính thân thể xác thịt của chúng ta, làm của lễ sống và thánh lên Ngài, được Ngài dùng để làm ra những việc lành. Chúng ta hãy cùng nhau phụng sự Đức Chúa Trời của chúng ta cũng là Cha yêu thương của chúng ta với lòng tôn trọng và kính sợ.

29 Vì Đức Chúa Trời của chúng ta là đám lửa thiêu đốt. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:24]

Đức Chúa Trời là Cha yêu thương của chúng ta nhưng Ngài cũng là Đức Chúa Trời của sự thánh khiết và công chính. Ngài không chấp nhận tội lỗi và Ngài sẽ hình phạt tội lỗi. Đức Chúa Trời đã từng thiêu đốt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ (Sáng Thế Ký 19:24). Ngài đã từng thiêu đốt hai con trai của A-rôn là hai thầy tế lễ phạm tội (Lê-vi Ký 10:2). Ngài đã từng thiêu đốt những người I-sơ-ra-ên phản nghịch Ngài (Dân Số Ký 16:35). Trên hết mọi sự ấy, Đức Chúa Trời đã sắm sẵn lửa đời đời của hỏa ngục cho những thiên sứ phạm tội và những người không tin nhận sự cứu rỗi của Ngài.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, thêm sự khôn sáng và sức mạnh cho chúng ta trên bước đường theo Chúa và phụng sự Chúa.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
07/09/2019

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Còn Chi Hoài Mong”
https://karaokethanhca.net/con-chi-hoai-mong/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.