Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 10:01-08 Khải Tượng của Cọt-nây

1,334 views

YouTube: https://youtu.be/HX0GaArUYHQ

44026 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 10:1-8
Khải Tượng của Cọt-nây

   Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 10:1-8

1 Trong thành Sê-sa-rê, có một người kia tên là Cọt-nây, là đại đội trưởng trong đội binh gọi là I-ta-li,

2 là người tin kính và cùng cả nhà người kính sợ Đức Chúa Trời. Người cũng làm nhiều sự bố thí cho dân chúng, và hằng cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

3 Khoảng giờ thứ chín, ban ngày, người đã thấy rõ ràng trong khải tượng, một thiên sứ của Đức Chúa Trời đến với người và nói với người: Hỡi Cọt-nây! [Dân I-sơ-ra-ên chia ban ngày từ khi mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng. Giờ thứ chín bắt đầu vào khoảng 2 giờ chiều.]

4 Người đã nhìn chăm đấng ấy và sợ hãi, nói: Lạy chúa! Có việc gì? Đấng ấy đã nói với người: Những lời cầu nguyện của ngươi và những sự cứu giúp của ngươi đã lên đến sự ghi nhớ trước Đức Chúa Trời.

5 Vậy, bây giờ, hãy sai người đến thành Giốp-bê, mời Si-môn, người cũng gọi là Phi-e-rơ.

6 Người ấy hiện ở trọ nơi Si-môn kia, là thợ thuộc da, nhà ở gần biển. Người ấy sẽ nói cho ngươi biết, ngươi phải làm gì.

7 Khi thiên sứ nói với Cọt-nây đã đi khỏi, người đã gọi hai người trong các tôi tớ của mình và một người lính tin kính trong những người luôn cận kề mình.

8 Người đã thuật lại mọi điều cho họ; rồi sai họ đến thành Giốp-bê.

Sự kiện Đức Thánh Linh tác động Phi-e-rơ để ông làm cuộc hành trình đi thăm con dân Chúa và rao giảng Tin Lành, từ Giê-ru-sa-lem đến Giốp-bê, đã được đánh dấu bằng hai phép lạ lớn. Đó là phép lạ chữa lành Ê-nê tại thành Li-đa, người đã bị bại liệt tám năm; và phép lạ gọi Ta-bi-tha, một nữ môn đồ của Đấng Christ tại thành Giốp-bê, sống lại từ trong những kẻ chết. Liền theo đó, tại thành Giốp-bê, Chúa đã ban cho Phi-e-rơ một khải tượng quan trọng, dẫn đến việc tiếp nhận những người tin nhận Đấng Christ từ các dân tộc khác vào trong Hội Thánh. Khải tượng đó đã theo sau khải tượng Chúa ban cho Đại Đội Trưởng Cọt-nây, một sĩ quan trong quân đội La-mã, trú đóng tại thành Sê-sa-rê.

Trong bài này, chúng ta sẽ học về khải tượng của Cọt-nây.

Vị trí thành Sê-sa-rê so với thành Giốp-bê và thành Giê-ru-sa-lem [1]

1 Trong thành Sê-sa-rê, có một người kia tên là Cọt-nây, là đại đội trưởng trong đội binh gọi là I-ta-li,

2 là người tin kính và cùng cả nhà người kính sợ Đức Chúa Trời. Người cũng làm nhiều sự bố thí cho dân chúng, và hằng cầu nguyện với Đức Chúa Trời.

Thành Sê-sa-rê nằm trên bờ phía đông của Địa Trung Hải, ở về phía bắc của thành Giốp-bê, cách Giốp-bê khoảng 63 km, tính theo lộ trình xa lộ ngày nay.

Thành Sê-sa-rê nằm bên bờ Địa Trung Hải khác với thành Sê-sa-rê Phi-líp nằm gần núi Hẹt-môn, ở về phía bắc của Giê-ru-sa-lem. Thành Sê-sa-rê cách thành Sê-sa-rê Phi-líp khoảng 145 km, tính theo lộ trình xa lộ ngày nay.

Vị trí thành Sê-sa-rê so với thành Sê-sa-rê Phi-líp [2]

Cọt-nây” ra từ tiếng La-tinh, có nghĩa là thuộc về chất sừng, hàm ý có sức mạnh.

Đại đội trưởng” trong quân đội La-mã thời bấy giờ là sĩ quan cầm đầu một đội binh 100 lính. Một quân đoàn của quân đội La-mã thời bấy giờ bao gồm 6.000 lính, chia thành 10 trung đoàn. Mỗi trung đoàn bao gồm ba tiểu đoàn. Mỗi tiểu đoàn bao gồm hai đại đội. Mỗi đại đội bao gồm 100 lính.

Đội binh gọi là I-ta-li” là một tiểu đoàn bao gồm những người lính thuộc dân Ý, tức dân La-mã chính gốc; và họ là những người lính tình nguyện, chuyên nghiệp. Cọt-nây đã chỉ huy một trong hai đại đội của tiểu đoàn này.

Cọt-nây là người La-mã, tức người Ý. Theo sử liệu thì ông thuộc giới quý tộc và thuộc một dòng họ danh tiếng ở thành Rô-ma, có quen biết với các hoàng đế và các nghị sĩ La-mã. Dân La-mã là dân theo tín ngưỡng đa thần nhưng Cọt-nây và gia đình của ông, cùng các bạn thân của ông là những người đã có lòng tin kính Đấng Thiên Chúa được giãi bày trong Thánh Kinh của dân I-sơ-ra-ên. Họ đọc Thánh Kinh của dân I-sơ-ra-ên, tin, thờ phượng Thiên Chúa, cầu nguyện cùng Thiên Chúa, sống theo lời dạy của Thiên Chúa như đã chép trong Thánh Kinh. Dân I-sơ-ra-ên gọi họ là những người “theo Đạo ngoài cổng”. Cổng ở đây là cổng vào Đền Thờ Thiên Chúa. Vì người nào tin nhận Thiên Chúa nhưng không phải dân I-sơ-ra-ên thì không được vào bên trong Đền Thờ để thờ phượng Thiên Chúa. Họ có thể giao sinh tế cho các thầy tế lễ dâng lên Thiên Chúa nhưng họ chỉ được thờ phượng Thiên Chúa trong khu vực gọi là hành lang dành cho dân ngoại.

Chúng ta có thể rút ra được những điều sau đây về Cọt-nây:

  • Cọt-nây phải là người có lòng khao khát, tìm kiếm lẽ thật nên ông mới chịu khó đọc Thánh Kinh của dân I-sơ-ra-ên. Nhờ đọc Thánh Kinh mà ông có sự hiểu biết về Thiên Chúa. Khi có sự hiểu biết về Thiên Chúa thì ông đã tin nhận Ngài và thờ phượng Ngài. Vào thời bấy giờ, Do-thái Giáo có tín ngưỡng vào Một Thiên Chúa, hoàn toàn trái nghịch tín ngưỡng đa thần, và là tôn giáo duy nhất có Thánh Kinh ghi lại sự thực hữu của Thiên Chúa, công trình sáng tạo của Ngài, luật pháp của Ngài. Do-thái Giáo cũng là tôn giáo duy nhất thời bấy giờ có bộ môn Thần học được hệ thống một cách chặt chẽ. Chúng ta có thể tin rằng, Cọt-nây, cũng như Phao-lô, đã từng đọc qua các tác phẩm của các nhà triết học danh tiếng thời bấy giờ, nhưng Cọt-nây đã không gặp được lẽ thật trong các tác phẩm triết học ấy. Chỉ trong Thánh Kinh, Lời Hằng Sống của Thiên Chúa, mà Cọt-nây đã gặp được lẽ thật và nguồn của lẽ thật là Thiên Chúa có một không hai.

  • Cọt-nây đã rao truyền lẽ thật về Thiên Chúa cho người nhà, cho những bạn thân của ông, thậm chí cho các tôi tớ và các lính dưới quyền của ông, khiến họ cũng được biết Chúa, tin Chúa, và thờ phượng Chúa như ông.

  • Cọt-nây đã sốt sắng làm lành qua sự bố thí nhiều mà chúng ta có thể tin rằng, ông đã bố thí trong danh Chúa và nói về Chúa cho người nhận của bố thí. Sự bố thí thể hiện bản tính nhân ái của những người tin Chúa và sống theo Lời Chúa: yêu người khác như chính mình.

Sự “bố thí cho dân chúng” hàm ý, bố thí cho những người I-sơ-ra-ên tại địa phương, có hoàn cảnh khó nghèo. Có thể họ là những người bệnh tật, tàn phế, phải đi ăn xin. Có thể họ là những trẻ mồ côi và những phụ nữ góa, nghèo khổ…

Hằng cầu nguyện với Đức Chúa Trời” là hình thức thờ phượng Thiên Chúa, qua sự thường xuyên tương giao với Ngài, bằng sự trò chuyện với Ngài. Sự cầu nguyện hay trò chuyện đó bao gồm: những lời tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa, những lời cầu xin Thiên Chúa bảo vệ, ban phước, giải cứu khỏi những nghịch cảnh, và tâm tình những vui buồn trong cuộc sống với Thiên Chúa. Sự hằng cầu nguyện này hàm ý, thần trí luôn hướng về Chúa, đúng theo lời kêu gọi của Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô:

Hãy cầu nguyện không thôi!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17).

Con dân Chúa lúc nào cũng có thể trò chuyện với Chúa trong thần trí. Con dân Chúa nên “hằng cầu nguyện với Đức Chúa Trời”. Có hằng cầu nguyện với Đức Chúa Trời thì chúng ta mới kinh nghiệm được sự hiện diện của Ngài trong đời sống của chúng ta. Có hằng cầu nguyện với Đức Chúa Trời thì chúng ta mới thân thiết càng hơn với Chúa và nhận thức được càng hơn tình yêu của Chúa đối với chúng ta. Có hằng cầu nguyện với Đức Chúa Trời thì những ý tưởng cám dỗ mới không thể xâm nhập chúng ta. Có hằng cầu nguyện với Đức Chúa Trời thì chúng ta mới hiểu biết Chúa và Lời Chúa ngày càng hơn. Có hằng cầu nguyện với Đức Chúa Trời thì chúng ta mới hằng phản chiếu vinh quang của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.

3 Khoảng giờ thứ chín, ban ngày, người đã thấy rõ ràng trong khải tượng, một thiên sứ của Đức Chúa Trời đến với người và nói với người: Hỡi Cọt-nây! [Dân I-sơ-ra-ên chia ban ngày từ khi mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn thành 12 giờ. Giờ thứ nhất bắt đầu vào khoảng 6 giờ sáng. Giờ thứ chín bắt đầu vào khoảng 2 giờ chiều.]

Khải tượng là sự nhìn thấy đang khi còn tỉnh thức. Có thể là sự nhìn thấy bằng con mắt xác thịt mà cũng có thể là sự nhìn thấy trong thần trí. Khải tượng có thể đến từ Chúa, đến từ các thiên sứ, mà cũng có thể đến từ ma quỷ. Những người ngồi thiền thường thấy những khải tượng đến từ ma quỷ, mà trong những khải tượng đó, ma quỷ thường mạo nhận là Chúa hoặc tự xưng là các thần thánh, qua các danh xưng của các tà thần. Đặc biệt, những người “nói tiếng lạ” cũng thường có khải tượng đến từ ma quỷ. Trong khải tượng của họ, ma quỷ thường giả làm Chúa hoặc thiên sứ. Và nội dung của khải tượng thì hoàn toàn nghịch lại Lời Chúa.

Người I-sơ-ra-ên có phong tục ban ngày cầu nguyện ba lần: buổi sáng vào giờ thứ ba, buổi trưa vào giờ thứ sáu, và buổi chiều vào giờ thứ chín; tương đương với 8 giờ sáng, 11 giờ trưa, và 2 giờ chiều của chúng ta. Như vậy, trong khi Cọt-nây đang cầu nguyện lần thứ ba trong ngày thì ông đã thấy khải tượng.

Danh từ “thiên sứ của Đức Chúa Trời” không có mạo từ xác định nên không phải là thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời, như trong Cựu Ước, mà chỉ là một thiên sứ trong các thiên sứ.

Cọt-nây đang thức, đang cầu nguyện thì thấy rõ ràng một thiên sứ xuất hiện, phán gọi ông. Có thể điều khiến ông nhận ra đó là thiên sứ là sự bỗng nhiên xuất hiện trong trang phục sáng chói của thiên sứ.

4 Người đã nhìn chăm đấng ấy và sợ hãi, nói: Lạy chúa! Có việc gì? Đấng ấy đã nói với người: Những lời cầu nguyện của ngươi và những sự cứu giúp của ngươi đã lên đến sự ghi nhớ trước Đức Chúa Trời.

Cọt-nây vừa ngạc nhiên nhìn chăm vào thiên sứ, vừa sợ hãi trước sự oai nghi và vinh quang của thiên sứ. Ông đã thưa với thiên sứ: Lạy chúa! Có việc gì?

Cọt-nây gọi thiên sứ bằng danh xưng “chúa” với ý nghĩa ông hoàn toàn phục tùng thiên sứ, như tôi tớ vâng phục chủ, cấp dưới vâng phục cấp trên, vợ vâng phục chồng… chứ không có ý gọi thiên sứ là Đấng cầm quyền tuyệt đối trên muôn loài, là Thiên Chúa. Cũng chính vì thế mà chữ “chúa” không được viết hoa.

Thiên sứ đã đáp lời Cọt-nây, nói cho ông biết, những lời cầu nguyện và những sự cứu giúp người khác của ông đã lên đến tận thiên đàng.

Cách nói “sự ghi nhớ trước Đức Chúa Trời” hàm ý, những lời cầu nguyện và những việc lành của Cọt-nây đã được ghi vào trong sách của Đức Chúa Trời.

Trong Thi Thiên, Vua Đa-vít đã kêu cầu với Chúa, xin Chúa chẳng những chứa những giọt nước mắt của ông trong ve của Chúa mà còn ghi chúng vào trong sổ của Ngài.

Ngài đếm sự tha hương của tôi! Xin Ngài để nước mắt của tôi trong ve của Ngài. Chúng không được ghi trong sổ của Ngài sao?” (Thi Thiên 56:8).

Trong Khải Huyền, ghi lại khải tượng Sứ Đồ Giăng nhìn thấy trong ngày phán xét chung cuộc, có nói đến những sách được mở ra và những tội nhân bị phán xét bởi những việc làm đã được ghi trong những sách ấy:

Tôi đã thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách được mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét bởi những việc đã được ghi lại trong những sách ấy, tùy theo những việc làm của họ.” (Khải Huyền 20:12).

Qua đó, chúng ta hiểu rằng, từng việc làm của chúng ta, dù thiện hay ác, từng nỗi đau khổ, buồn chán của chúng ta, vì bị đối xử bất công, Chúa đều ghi lại trong những cuốn sách của Ngài. Khi thời điểm tới, Chúa sẽ an ủi và ban thưởng chúng ta hoặc lên án phạt chúng ta, tùy theo mỗi việc đã được ghi nhớ trước Đức Chúa Trời.

Đối với con dân Chúa, chúng ta sẽ không bị hình phạt hư mất đời đời vì những tội lỗi của chúng ta. Vì chúng ta đã thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Sau khi chúng ta tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ mà chúng ta còn lỡ phạm tội, nhưng nếu kịp thời ăn năn, thì Chúa vẫn tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta được sạch tội (I Giăng 1:9). Tuy nhiên, chúng ta sẽ bị mất nhiều phần thưởng cho những việc lành trước đó. Vì chúng sẽ không được nhớ lại. Còn nếu chúng ta không kịp thời ăn năn thì chúng ta sẽ chết trong sự phạm tội của mình. Lời Chúa dạy:

Nhưng nếu người công chính xoay khỏi sự công chính của mình và phạm sự gian ác, làm theo mọi sự gớm ghiếc mà kẻ ác làm, thì người ấy sẽ sống không? Mọi việc công chính người ấy đã làm sẽ không được nhớ lại. Trong sự phạm pháp mà người ấy đã phạm, trong sự tội lỗi mà người ấy đã phạm, người ấy sẽ chết trong chúng.” (Ê-xê-chi-ên 18:24).

Không kịp thời ăn năn là khi chúng ta chưa kịp ăn năn thì Chúa đã cất đi mạng sống của chúng ta; hoặc khi Ngài bỏ mặc chúng ta vì sự cứng lòng của chúng ta.

Có nhiều người tin Chúa, đặc biệt là những người “nói tiếng lạ”, nhưng sống trong tội lỗi, bị ma quỷ lừa dối, ban cho năng lực làm ra một số phép lạ, ban cho sự giàu có về vật chất, thì họ tưởng rằng, đó là ân tứ của Đức Thánh Linh và ơn phước của Đức Chúa Trời. Vì thế, họ tưởng rằng, mình đang ở trong sự cứu rỗi của Chúa, mình đang thuộc về Chúa. Sa-tan đã làm mù lý trí của họ (II Cô-rinh-tô 4:4), khiến họ không còn nhận thức rằng, Đức Chúa Trời không thể chấp nhận tội lỗi thì người đang sống trong tội lỗi không thể nào có được ân tứ của Đức Thánh Linh để làm phép lạ hay bất cứ sự gì trong danh Chúa; không thể nào nhận được các ơn phước từ Chúa. Chẳng những bản thân họ bị hư mất đời đời mà họ còn đưa dắt bao nhiêu người khác cùng đi vào chỗ hư mất với họ. Lời Chúa dạy:

Hãy mặc họ! Họ là những kẻ mù làm người dẫn đưa những kẻ mù. Nếu kẻ mù dẫn đưa kẻ mù, cả hai sẽ cùng ngã xuống hố.” (Ma-thi-ơ 15:14).

Những người mù chọn đi theo những kẻ mù dẫn đường cũng là những người bị mù lý trí vì ưa thích sống trong tội.

5 Vậy, bây giờ, hãy sai người đến thành Giốp-bê, mời Si-môn, người cũng gọi là Phi-e-rơ.

6 Người ấy hiện ở trọ nơi Si-môn kia, là thợ thuộc da, nhà ở gần biển. Người ấy sẽ nói cho ngươi biết, ngươi phải làm gì.

Tiếp theo, thiên sứ đã truyền cho Cọt-nây điều ông phải làm. Lời truyền của thiên sứ rất rõ ràng và chi tiết.

Chúng tôi từng chứng kiến những người “nói tiếng lạ” tụ tập nhau ngồi gục gặc đầu hoặc lắc lư người cầu nguyện, xin Chúa cho họ thấy “khải tượng”. Rồi sau đó, họ đua nhau kể ra các “khải tượng” và cùng nhau bàn bạc ý nghĩa. Việc làm của họ là hoàn toàn không đúng Thánh Kinh. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy con dân Chúa cùng nhau tụ tập, cầu xin Chúa cho thấy khải tượng. Những người đó thật có thấy các khải tượng, nhưng đó là các khải tượng giả dối, như Lời Chúa trong Giê-rê-mi 14:14 đã chép. Những khải tượng đó chắc chắn đến từ ma quỷ.

Khải tượng đến từ Chúa là sự Chúa tỏ ra cho chúng ta theo ý muốn của Chúa, không theo ý muốn của chúng ta. Điều quan trọng là ngày nay chúng ta đã có trọn vẹn Lời Chúa là Thánh Kinh, có những người chăn và những người giảng dạy Lời Chúa trong Hội Thánh. Chúng ta không cần mỗi ngày chờ trông khải tượng từ Chúa. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của các thời đại nên Chúa sẽ ban cho những người già các sự hiện thấy qua các giấc mơ, ban cho những người trẻ các sự hiện thấy qua các khải tượng (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:17). Khi nào Chúa ban cho thì chúng ta tiếp nhận và làm theo sự truyền dạy của Chúa.

7 Khi thiên sứ nói với Cọt-nây đã đi khỏi, người đã gọi hai người trong các tôi tớ của mình và một người lính tin kính trong những người luôn cận kề mình.

8 Người đã thuật lại mọi điều cho họ; rồi sai họ đến thành Giốp-bê.

Cọt-nây đã lập tức làm theo lời phán truyền của thiên sứ. Ông cho gọi hai người tôi tớ và một người lính thân cận, thuật lại cho họ nghe mọi điều, rồi sai họ đến thành Giốp-bê để tìm và mời Phi-e-rơ.

Thuật lại mọi điều” là thuật lại khải tượng của Cọt-nây. Cọt-nây có thể chỉ cần truyền lệnh cho tôi tớ đi tìm và mời Phi-e-rơ đến nhà, nhưng ông đã chọn thuật lại khải tượng của mình, có lẽ vì hai lý do:

  • Cọt-nây tin tưởng người cùng đức tin với mình.

  • Cọt-nây muốn họ biết rõ sự việc để khi cần thì kể lại cho Phi-e-rơ.

Chúng ta có thể tin rằng, các tôi tớ trong nhà của Cọt-nây đều thuộc về những người tin kính Chúa, như ông. Riêng trong đội quân 100 người do ông chỉ huy, cũng có một số quân lính tin kính Chúa, mà chắc chắn là do sự giảng dạy của ông. Cọt-nây đã chọn một người lính tin kính Chúa, thường gần gũi ông, có thể là cận vệ của ông, sai đi theo hai người tôi tớ; có lẽ để làm nhiệm vụ bảo vệ.

Cảm tạ Chúa đã ghi lại tấm gương sáng trong sự tìm kiếm Chúa và gặp được Chúa của Cọt-nây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
02/10/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2021/10/Gierusalem-Sesare.png

[2] https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2021/10/Sesare-Sesare_Philip.png

Karaoke Thánh Ca: “Rồi, Con Sẽ”
https://karaokethanhca.net/roi-con-se/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.