Chú Giải I Cô-rinh-tô 02:09-16 Khái Niệm Sai Lầm về Sự Giảng Tin Lành – Phần 2

3,882 views

 

Nguồn: https://youtu.be/uL8s66sgzUg

Chú Giải I Cô-rinh-tô 2:9-16
Khái Niệm Sai Lầm về Sự Giảng Tin Lành – Phần 2

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 2:9-16

9 Nhưng, như có chép rằng: Mắt chưa thấy, tai chưa nghe, cũng chưa nổi lên trong lòng người những sự Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho những ai yêu Ngài. [Ê-sai 64:4]

10 Đức Chúa Trời đã bởi Đấng Thần Linh của Ngài bày tỏ cho chúng ta. Vì Đấng Thần Linh dò xét mọi sự, cả những sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời.

11 Vì ai trong loài người biết những sự của loài người, ngoại trừ tâm thần của loài người ở trong người ấy? Cũng vậy, những sự của Đức Chúa Trời không người nào biết, ngoại trừ Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời.

12 Nhưng chúng ta chẳng nhận lãnh đấng thần linh của thế gian mà nhận lãnh Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời để chúng ta biết những sự đã ban cho chúng ta bởi Đức Chúa Trời.

13 Những sự ấy chúng ta cũng không nói trong những lời mà sự khôn sáng của loài người đã dạy, nhưng nói trong những lời mà thánh linh đã dạy, giãi bày những sự thiêng liêng bởi những lời thiêng liêng.

14 Con người thuộc thể không nhận được những sự thuộc về Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời; bởi vì đối với người ấy chúng là sự ngu dại. Người ấy cũng không thể hiểu được chúng, vì chúng phải được xem xét cách thiêng liêng.

15 Nhưng thực tế, người thuộc linh phán xét mọi sự, và chính mình không bị ai phán xét.

16 Vì ai đã biết tâm trí của Chúa để dạy dỗ Ngài? Nhưng chúng ta có tâm trí của Đấng Christ. [Ê-sai 40:13-14]

Trong bài trước chúng ta đã học biết rằng:

  • Sự giảng Tin Lành bao gồm sự công bố những lẽ thật về Tin Lành với mục đích cứu những người chưa tin Chúa, lẫn sự giải thích chu đáo những lẽ thật ấy để thêm sự hiểu biết thuộc linh cho những người đã tin Chúa.
  • Sự giảng Tin Lành phải bởi năng lực của Thiên Chúa và bởi sự Đức Thánh Linh đã tỏ ra trong thần trí của người giảng.
  • Sự giảng Tin Lành không phải là sự khoe khoang tài hùng biện, khoe khoang trí thức và sự khôn sáng theo thế gian của người giảng.
  • Tin Lành là sự khôn sáng mầu nhiệm của Thiên Chúa đã định sẵn cho sự vinh quang của con dân Chúa.

Trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau học biết rằng:

  • Tin Lành được Đức Chúa Trời sắm sẵn cho những ai yêu Ngài.
  • Người giảng Tin Lành lập lại những lời Đức Thánh Linh đã dạy cho người ấy và giãi bày những điều mình giảng bằng những lời thuộc về thần trí.
  • Người không được Đức Thánh Linh dẫn dắt thì không thể hiểu được Tin Lành.

Nhờ học biết các lẽ thật trên đây mà chúng ta sẽ không còn khái niệm sai lầm về Tin Lành và sự giảng Tin Lành. Đồng thời chúng ta cũng hiểu rằng, với quyền tự do lựa chọn Thiên Chúa ban cho, có nhiều người chọn sống theo ý riêng thay vì vâng phục Thiên Chúa nên họ sẽ không bao giờ tin nhận Tin Lành.

9 Nhưng, như có chép rằng: Mắt chưa thấy, tai chưa nghe, cũng chưa nổi lên trong lòng người những sự Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho những ai yêu Ngài. [Ê-sai 64:4]

Mệnh đề “chưa nổi lên trong lòng người” có nghĩa là chưa được loài người nghĩ đến và hiểu biết. Nội dung của Tin Lành và kết quả của sự giảng Tin Lành chính là điều trước đây chưa ai thấy, chưa ai nghe, và cũng chưa ai nghĩ đến để hiểu biết. Nhưng Tin Lành đã được Đức Chúa Trời sắm sẵn để ban cho những người yêu Ngài. Khi đến thời điểm Đức Chúa Trời đã định thì Tin Lành được công bố. Động từ “sắm sẵn” có nghĩa là được chuẩn bị, sắp xếp một cách đầy đủ và chu đáo những gì cần thiết để hoàn thành một mục đích.

Trước khi Tin Lành được công bố thì đã có những người yêu Đức Chúa Trời, tin cậy Ngài, vâng phục Ngài. Những người ấy đã qua đời trước khi Tin Lành được công bố nhưng đức tin của họ nơi Đức Chúa Trời và tình yêu của họ dành cho Ngài khiến cho họ cũng được vui hưởng năng lực của Tin Lành. Đó là họ được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội, được Đức Thánh Linh ban cho thánh linh của Thiên Chúa, thân thể xác thịt của họ sẽ được sống lại cách vinh quang, và họ sẽ sống hạnh phúc đời đời trong Nước Trời.

Người yêu Đức Chúa Trời là người tin rằng, Đức Chúa Trời có thật, kính sợ Ngài, và vâng phục Ngài. Khi một người với lý trí nhận biết rằng, Đức Chúa Trời có thật và kính sợ Ngài thì Đức Thánh Linh sẽ soi sáng thần trí của người ấy, giúp cho người ấy hiểu biết ý muốn của Đức Chúa Trời để vâng phục Ngài.

Vì loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa nên loài người đương nhiên có tri thức về sự có thật của Thiên Chúa. Mặc dù sau khi tổ phụ của loài người là A-đam sa ngã, phạm tội, mỗi một người được sinh ra đều bị nhiễm tội, ngoại trừ Đức Chúa Jesus, vì Ngài được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, nhưng tri thức của loài người về sự có thật của Thiên Chúa, về Đức Chúa Trời đã không hề mất đi. Tri thức ấy đã được chính Đức Chúa Trời chiếu ra trong mỗi người, như Lời Chúa đã khẳng định:

“Cơn giận của Thiên Chúa từ trên trời tỏ ra nghịch lại mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà đè nén lẽ thật. Bởi vì sự hiểu biết về Đức Chúa Trời được chiếu ra trong họ. Vì Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho họ những sự không thấy được của Ngài, từ sự sáng tạo thế gian là những vật thọ tạo được nhận biết, mà thấy rõ ràng cả năng lực và thần tính đời đời của Ngài; cho nên, họ không thể chữa mình.” (Rô-ma 1:18-20).

Một người chỉ cần ngước mắt nhìn lên bầu trời đầy sao sáng, cúi mắt nhìn xuống những bông hoa nhỏ bé xinh đẹp, đưa mắt nhìn chung quanh thấy loài người vượt trội hơn muôn vật thì đã hiểu rằng, phải có một Đấng Tạo Hoá Cao Siêu Tuyệt Đối dựng nên muôn loài và ban cho loài người quyền cai quản muôn vật trên đất. Một người chỉ cần tra xét lòng mình, thấy sự tranh chấp giữa hai ý tưởng thiện và ác thì đã hiểu rằng, Đấng Tạo Hóa Cao Siêu Tuyệt Đối là thiện còn bản thân mình là ác, vì mình ưa thích những điều nghịch lại điều thiện. Một người chỉ cần so sánh đời sống ngắn ngủi của loài người với sự trường tồn của trời đất thì đã hiểu được Đấng Tạo Hóa Cao Siêu Tuyệt Đối có một chương trình lâu dài cho loài người mà sự lâu dài đó phải là đời đời. Cũng chính vì thế mà Đức Chúa Trời đã đặt khái niệm về sự đời đời trong loài người (Truyền Đạo 3:11).

Tiếc thay, phần lớn loài người đã chọn sống theo những thú vui tội lỗi, như Lời Chúa trong Rô-ma 1:21-32 đã nói rõ:

21 Vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm vinh hiển Ngài như Thiên Chúa, và không tạ ơn Ngài nữa; nhưng cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm.

22 Họ tự xưng mình là khôn sáng, mà trở nên ngu dại;

23 họ đã đổi vinh quang của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.

24 Cho nên, Đức Chúa Trời đã phó họ rơi vào sự ô uế theo lòng tham muốn mình, đến nỗi tự làm nhục thân thể mình nữa,

25 vì họ đã đổi lẽ thật của Đức Chúa Trời lấy sự dối trá, kính thờ và hầu việc loài được dựng nên thế cho Đấng dựng nên, là Đấng đáng tôn vinh đời đời! A-men.

26 Ấy vì cớ đó mà Đức Chúa Trời đã phó họ cho sự tình dục xấu hổ; vì trong vòng họ, những người đàn bà đã đổi cách dùng tự nhiên ra cách khác nghịch với tính tự nhiên.

27 Những người đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng tự nhiên của người đàn bà mà un đốt tình dục người này với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông phạm sự xấu hổ, và chính mình họ phải chịu báo trả xứng với điều lầm lỗi của mình.

28 Tại họ không xem xét để giữ lấy Đức Chúa Trời trong tâm trí của họ, nên Đức Chúa Trời đã phó họ theo lòng hư xấu, để phạm những sự chẳng xứng đáng.

29 Họ đầy dẫy mọi sự: không công bình, tà dâm, ý xấu, tham lam, ác dữ; chan chứa những điều ganh ghét, giết người, cãi lẫy, gian trá, thói xấu, nói lén;

30 gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ;

31 dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót.

32 Họ là những kẻ biết rõ sự phán quyết của Đức Chúa Trời rằng, những kẻ làm ra các sự ấy là đáng chết; thế mà, chẳng những họ tự làm, họ còn vui thú với những kẻ làm các sự ấy.

Vào cuối Kỳ Tận Thế, sau khi Đức Chúa Trời đã phán xét toàn thế gian, tổng số người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời từ khi sáng thế cho đến khi tận thế sẽ chỉ là một phần nhỏ trong tổng số người đã được sinh ra trong thế gian. Chúng ta biết, dân số thế giới trong năm 2019 vào khoảng 7,7 tỷ người [1]. Trong đó, có khoảng 2,3 tỷ người xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ [2]. Thế nhưng Đức Chúa Jesus Christ đã phán rằng, khi Ngài đến (để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian) thì Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng:

“Ta nói với các ngươi, Ngài sẽ vội vàng làm sự bênh vực họ. Nhưng khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Lời phán ấy của Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là, số người thật sự tin nhận Tin Lành trong thời đại của chúng ta rất là ít, cho dù hiện có hơn 2,3 tỷ người xưng nhận mình là môn đồ của Đấng Christ. Nhưng trong bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế, dưới sự bách hại khủng khiếp của AntiChrist, giữa những thiên tai vô tiền khoáng hậu (trước chưa có và sau sẽ không có như vậy), số người tin nhận Tin Lành sẽ nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử của loài người.

Tiếp theo đó, trong thời kỳ Ngàn Năm Bình An dưới sự cai trị của Đức Chúa Jesus Christ, số người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời sẽ gia tăng đáng kể. Thời kỳ Ngàn Năm Bình An chính là thời kỳ chuẩn bị công dân cho Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới.

I Cô-rinh-tô 2:9 nhắc đến lời đã chép trong Ê-sai 64:4 để nhấn mạnh đến sự siêu việt của Tin Lành và kết quả của Tin Lành. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô đã so sánh Tin Lành và kết quả của Tin Lành với chính bản thân Thiên Chúa. Vì lời trong Ê-sai 64:4 là nói về Thiên Chúa:

“Từ xưa, loài người chưa hề nghe, chưa hề lắng nghe, mắt chưa hề thấy ngoài Ngài một Thiên Chúa nào, Đấng hành động cho người chờ đợi Ngài.” (Ê-sai 64:4).

Điều ấy càng khiến cho chúng ta nên theo gương của Phao-lô, có lòng sợ hãi và run rẩy khi rao giảng Tin Lành; thay vì rao giảng bởi lòng ganh ghét hay lòng cạnh tranh, hoặc vì muốn tìm kiếm vinh quang cho bản thân.

10 Đức Chúa Trời đã bởi Đấng Thần Linh của Ngài bày tỏ cho chúng ta. Vì Đấng Thần Linh dò xét mọi sự, cả những sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời.

11 Vì ai trong loài người biết những sự của loài người, ngoại trừ tâm thần của loài người ở trong người ấy? Cũng vậy, những sự của Đức Chúa Trời không người nào biết, ngoại trừ Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời.

Đấng Thần Linh của Thiên Chúa chính là Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh. Khi một người có lòng tìm kiếm Thiên Chúa, thì Đấng Thần Linh giúp cho người ấy hiểu biết Tin Lành. Khi người ấy tin nhận Tin Lành thì Đấng Thần Linh ngự vào trong thân thể của người ấy với danh xưng Đức Thánh Linh.

Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh Tân Ước thì Đấng Thần Linh Thiên Chúa, tâm thần của loài người, và tà linh đều cùng là một danh từ với mạo từ xác định đứng trước. Vì thế, danh xưng Đức Thánh Linh được dùng để phân biệt Đấng Thần Linh Thiên Chúa trong thân thể của một người với chính tâm thần của người ấy, với các tà linh vẫn thường tác động đến loài người hoặc nhập vào thân thể của loài người. Xin đọc thêm bài “Loài Người: Tâm Thần” đã được đăng trên timhieuthanhkinh.com [3].

Đấng Thần Linh dò xét mọi sự, cả những sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời vì Ngài chính là Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể dò xét Thiên Chúa và hiểu rõ Thiên Chúa. Chính vì thế mà Đấng Thần Linh làm công việc giãi bày về Tin Lành, là sự khôn sáng và mầu nhiệm của Thiên Chúa, cho những ai có lòng tìm kiếm Thiên Chúa. Người không có lòng tìm kiếm Thiên Chúa thì không được Đấng Thần Linh giãi bày, cho dù họ được nghe giảng Tin Lành hoặc tự họ đọc Thánh Kinh mà biết về Tin Lành. Chính vì thế mà chúng ta thấy, có nhiều người vô thần hoặc nhiều người thờ lạy tà thần phỉ báng Thiên Chúa, phỉ báng Thánh Kinh, phỉ báng Tin Lành, phỉ báng người giảng Tin Lành và người tin Tin Lành. Tin Lành đối với họ như những hạt giống gieo xuống trên lối đi, chưa kịp đâm chồi thì đã bị chim trời tha đi mất (Ma-thi-ơ 13:19).

Trong khi thân thể xác thịt của loài người được hình thành bằng vật chất thì thân thể thiêng liêng của loài người được hình thành từ hơi linh của Thiên Chúa:

“Và Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tạo hình loài người từ bụi của đất, thổi linh sự sống vào lỗ mũi của nó, thì loài người trở nên một linh hồn sống.” (Sáng Thế Ký 2:7).

Thân thể vật chất là xác thịt giúp cho loài người nhận thức và hiểu biết về thế giới thuộc thể; còn thân thể thiêng liêng là tâm thần thì giúp cho loài người nhận thức và hiểu biết về thế giới thuộc linh. Ngoài Thiên Chúa, chỉ có tâm thần của một người nhận thức và hiểu những điều sâu nhiệm của một người, những điều nằm trong lương tâm và thần trí của người ấy. Tương tự như vậy, chỉ có Đấng Thần Linh của Thiên Chúa nhận thức và hiểu biết những điều sâu nhiệm của Thiên Chúa. Một người chỉ có thể nhận thức và hiểu biết những sự sâu nhiệm của Thiên Chúa khi người ấy được chính Đấng Thần Linh giãi bày cho người ấy.

Tin Lành là một trong những sự khôn sáng và sâu nhiệm của Thiên Chúa, được Đức Chúa Trời sắm sẵn để ban cho những ai yêu Ngài. Vì thế, mặc dù Tin Lành được giảng ra khắp đất nhưng chỉ có những ai có lòng tìm kiếm Thiên Chúa, yêu kính Đức Chúa Trời thì mới được Đấng Thần Linh giúp cho họ hiểu và tin nhận Tin Lành. Nhiều người tin nhận Tin Lành theo lý trí của xác thịt vì thấy hợp lý và vì muốn được hưởng sự cứu rỗi. Nhưng họ yêu bản thân của họ, yêu những thú vui của tội lỗi hơn là yêu Đức Chúa Trời nên họ không được Đấng Thần Linh giãi bày cho họ sự sâu nhiệm của Tin Lành. Đức tin của những người như vậy khi đứng trước cám dỗ và thử thách sẽ chết đi như hạt giống mọc trên vùng đất có đá hoặc mọc giữa những bụi gai (Ma-thi-ơ 13:20-22).

12 Nhưng chúng ta chẳng nhận lãnh đấng thần linh của thế gian mà nhận lãnh Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời để chúng ta biết những sự đã ban cho chúng ta bởi Đức Chúa Trời.

Đấng thần linh của thế gian chính là Sa-tan. Sa-tan vừa là đức chúa trời của đời này (II Cô-rinh-tô 4:4), vừa là kẻ cầm quyền cai trị chốn không gian, mà cũng vừa là đấng thần linh của thế gian, đang tác động trong những kẻ chống nghịch Thiên Chúa (Ê-phê-sô 2:2). Sa-tan có thể nhập vào trong thân xác của những người thờ phượng nó để dạy cho họ biết những sự sâu thẳm của nó (Khải Huyền 2:24). Điển hình là những thầy bùa, thầy pháp, những thầy tế lễ trong các đền thờ tà thần.

Người thế gian có sự khôn sáng của loài người vì Thiên Chúa đã ban cho loài người sự khôn sáng để cai trị đất và muôn loài trên đất. Nhưng Sa-tan cũng có thể tác động vào thần trí của loài người, dạy cho họ những cách thức tiếp xúc, thờ phượng ma quỷ để họ nhận được những sự giúp đỡ từ ma quỷ là những sự chống nghịch Thiên Chúa. Một trong những cách Sa-tan thường dùng là gieo rắc những lý luận bẻ cong Lời Chúa, khiến cho loài người hiểu sai và áp dụng sai Lời Chúa. Ngay từ ban đầu, nó đã làm như vậy với bà Ê-va. Khi Đức Chúa Jesus chuẩn bị bước vào chức vụ, nó cũng đã làm như vậy với Ngài.

“Rắn nói với người nữ: Các ngươi sẽ chẳng chết đâu; nhưng Thiên Chúa biết rằng, trong ngày các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra, và các ngươi sẽ như Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác.” (Sáng Thế Ký 3:4-5).

“Kế đó, Ma Quỷ đem Ngài vào trong thành thánh, đặt Ngài trên đỉnh của đền thờ, và nói với Ngài: Nếu ngươi là Con của Đức Chúa Trời thì hãy gieo mình xuống; vì có chép rằng, Ngài sẽ truyền cho các thiên sứ chung quanh ngươi, họ sẽ nâng ngươi trong tay, kẻo chân ngươi vấp nhằm đá chăng.” (Ma-thi-ơ 4:5-6).

Mục đích của Sa-tan là tạo ra vô số tà giáo để dẫn loài người lạc khỏi lẽ thật của Lời Chúa. Ngụ ngôn về lúa mì và cỏ lùng cho thấy, Sa-tan đã gieo vào trong thế gian rất là nhiều người giả làm môn đồ của Đấng Christ (Ma-thi-ơ 13). Từ trong số đó đã có vô số giáo sư giả và tiên tri giả với tài hùng biện, đưa dắt hàng tỷ người đi xa khỏi lẽ thật của Lời Chúa, khiến họ tin nhận một Tin Lành khác, một Đức Chúa Jesus khác; thờ phượng đức chúa trời của đời này thay vì thờ phượng Đức Chúa Trời của Thánh Kinh.

Con dân chân thật của Chúa được nhận lãnh Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời vào trong thân thể của họ, vì thân thể của họ đã trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa. Nhờ đó, họ được Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời giãi bày cho họ về Tin Lành và những sự mầu nhiệm khác của Đức Chúa Trời, là những sự mà Đức Chúa Trời đã ban cho những ai yêu Ngài.

13 Những sự ấy chúng ta cũng không nói trong những lời mà sự khôn sáng của loài người đã dạy, nhưng nói trong những lời mà thánh linh đã dạy, giãi bày những sự thiêng liêng bởi những lời thiêng liêng.

“Những sự ấy” là những sự đã ban cho chúng ta, tức là những chi tiết về Tin Lành, từ phương cách Đức Chúa Trời cứu rỗi loài người đến nếp sống mới của người được cứu. Người rao giảng Tin Lành chân thật là người hoàn toàn dựa vào năng lực của Thiên Chúa và những sự Đức Thánh Linh đã giãi bày trong thần trí của người ấy.

“Giãi bày những sự thiêng liêng” là giãi bày về phương cách Đức Chúa Trời cứu rỗi loài người và giãi bày về nếp sống mới của người đã được cứu.

“Bởi những lời thiêng liêng” vừa là bởi những sự Đức Thánh Linh đã giãi bày trong thần trí của người rao giảng, vừa là bởi chính Lời Chúa là Thánh Kinh. Những sự Đức Thánh Linh giãi bày trong thần trí của người rao giảng sẽ không bao giờ nghịch lại Thánh Kinh.

Ngày nay, trong các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa, người ta mở ra các trường Thánh Kinh và Thần học để dạy triết lý của thế gian, tâm lý học của thế gian, Thần học theo sự khôn sáng của loài người thay vì dạy lẽ thật của Thánh Kinh. Qua những trường Thánh Kinh và Thần học đó, các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa đào tạo vô số những người giảng nhiều thứ Tin Lành khác, nhiều Đức Chúa Jesus Christ khác, không đúng với Tin Lành và Đức Chúa Jesus Christ của Thánh Kinh. Họ trở thành công cụ đắc lực cho Sa-tan trong chiến dịch dắt đưa loài người xa khỏi lẽ thật của Thiên Chúa, trong những ngày cuối cùng này.

14 Con người thuộc thể không nhận được những sự thuộc về Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời; bởi vì đối với người ấy chúng là sự ngu dại. Người ấy cũng không thể hiểu được chúng, vì chúng phải được xem xét cách thiêng liêng.

Tính từ “thuộc thể” được dùng trong câu này có nghĩa đen là “sống nhờ hơi thở” chỉ về sự sống của thân thể xác thịt. “Con người thuộc thể” là người sống theo bản năng, theo cảm xúc và lý trí của xác thịt, không quan tâm đến Thiên Chúa, không được sự soi sáng của Thiên Chúa nên không có khả năng nhận thức những sự thuộc linh đến từ Thiên Chúa. Người ấy không thể hiểu những gì đến từ Thiên Chúa bằng lý trí của xác thịt nên cho rằng, chúng là sự ngu dại.

Ngược lại với con người thuộc thể là con người thuộc linh. Con người thuộc linh là người sống theo thần trí, có lòng tìm kiếm Thiên Chúa, mong mỏi có thể sống thánh khiết theo lương tâm mà Thiên Chúa đã đặt để trong người ấy. Con người thuộc linh được Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh thăm viếng, đưa dắt đến với lẽ thật. Đấng Thần Linh sẽ giãi bày mọi lẽ thật trong thần trí của người ấy. Khi người ấy nhận biết lẽ thật thì lẽ thật giải phóng người ấy (Giăng 8:32). Người ấy được giải phóng khỏi sự ngu dốt, tối tăm; khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Nhờ được giải phóng khỏi sự ngu dốt, tối tăm mà người ấy có thể hiểu biết những sự khôn sáng và mầu nhiệm của Đức Chúa Trời ngày càng hơn.

15 Nhưng thực tế, người thuộc linh phán xét mọi sự, và chính mình không bị ai phán xét.

Lẽ thật là: Khi một người hiểu biết những sự khôn sáng và mầu nhiệm của Đức Chúa Trời thì người ấy có thể phán xét mọi sự theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Sự phán xét của người ấy hoàn toàn dựa trên sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa, như đã được thể hiện qua Lời Hằng Sống của Thiên Chúa là Thánh Kinh.

Động từ “phán xét” được dùng trong câu này có nghĩa là xem xét, phân tích để tìm ra sự thật giả, đúng sai, tốt xấu, thiện ác…

Từ ngữ “mọi sự” hàm ý tất cả những sự mà Đấng Thần Linh tỏ ra trong thần trí của người thuộc linh.

“Chính mình không bị ai phán xét” hàm ý không ai có thể phán xét người thuộc linh vì không ai có thể hiểu biết thần trí của người ấy để phán xét những sự thuộc linh bên trong người ấy. Tuy nhiên, lời nói, cử chỉ, thái độ, việc làm của người thuộc linh vẫn có thể bị phán xét bởi người khác.

16 Vì ai đã biết tâm trí của Chúa để dạy dỗ Ngài? Nhưng chúng ta có tâm trí của Đấng Christ. [Ê-sai 40:13-14]

Chắc chắn là không ai có thể biết tâm trí của Chúa để dạy dỗ Chúa như lời đã chép:

“Ai lường được thần của Thiên Chúa và làm mưu sĩ của Ngài để dạy Ngài? Ngài đã bàn luận với ai? Ai đã hướng dẫn Ngài, dạy Ngài đường công chính, dạy Ngài tri thức, chỉ cho Ngài đường lối của sự hiểu biết?” (Ê-sai 40:13-14).

Loài thọ tạo có giới hạn làm sao có thể hiểu biết tâm trí của Đấng Tạo Hóa vô hạn? Nhưng những ai thật lòng tin nhận Tin Lành, được hiệp một với Đức Chúa Jesus Christ thì họ có được tâm trí của Đấng Christ để hiểu biết những sự khôn sáng và mầu nhiệm của Đức Chúa Trời mà Đấng Thần Linh giãi bày cho họ.

Mặc dù Đấng Christ là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người nhưng chúng ta không có tâm trí của Ngôi Lời, vì Ngôi Lời là Thiên Chúa. Có tâm trí của Ngôi Lời là có tâm trí vô hạn của Thiên Chúa. Chúng ta có tâm trí của Đấng Christ là tâm trí của một người hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời, trọn vẹn vâng phục Đức Chúa Trời, đầy dẫy thánh linh của Đức Chúa Trời để hiểu được những sự khôn sáng và mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, khi những sự ấy được tỏ ra cho chúng ta.

Sự giảng Tin Lành là bổn phận của mọi con dân Chúa như mệnh lệnh Đức Chúa Jesus Christ đã truyền và được ghi lại trong Ma-thi-ơ 28:19-20. Một số người trong Hội Thánh được Chúa gọi vào trong chức vụ chuyên việc rao giảng Tin Lành, như những sứ đồ, những người chăn và người dạy.

Tin Lành phải được rao giảng khắp đất. Tuy nhiên, số người thật lòng tin nhận Tin Lành để được cứu rỗi và bước vào Vương Quốc Ngàn Năm Bình An sẽ rất ít, so với tổng số người được sinh ra trong thế gian từ khi sáng thế cho đến khi tận thế. Trong những ngày cuối cùng này, Sa-tan đã gieo vào trong khắp thế gian những tổ chức tôn giáo mạo nhận là Hội Thánh của Chúa, những giáo sư giả và tiên tri giả mạo nhận là những tôi tớ của Chúa, những tín đồ của các giáo hội mang danh Chúa mạo nhận là những môn đồ của Chúa.

Số người bị tà giáo dẫn dụ đi vào sự hư mất ngày càng nhiều. Nhưng họ bị dẫn dụ vì họ không có tấm lòng thật sự ăn năn tội và khao khát sự thánh khiết của Thiên Chúa. Phần lớn họ chỉ muốn đến với một tôn giáo dạy rằng, họ có thể tiếp tục sống trong những thú vui tội lỗi, chiều theo những sự ham muốn bất chính, tôn cao bản ngã của mình mà sẽ không bị hình phạt. Vì thế, họ dễ dàng chấp nhận và tin theo các tà giáo.

Riêng chúng ta là những con dân chân thật của Chúa, những người đã thật lòng chán ghét tội, ăn năn tội; hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; và hết lòng sống theo Lời Chúa, vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa; đã được tháp vào trong Hội Thánh thật là thân thể của Đấng Christ; chúng ta hãy trung tín cho đến chết hay cho đến khi Đấng Christ hiện ra giữa chốn không trung để đem chúng ta vào trong thiên đàng.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/11/2019

Ghi Chú

[1] https://www.worldometers.info/world-population/

[2] http://worldpopulationreview.com/countries/most-christian-countries/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/loai-nguoi-03-tam-than/

Karaoke Thánh Ca: “Rồi Con Sẽ Hát”
https://karaokethanhca.net/roi-con-se-hat/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.