Chú Giải I Phi-e-rơ 02:21-25 Con Dân Chúa Được Kêu Gọi Đến Sự Chịu Khổ và Theo Gương Chịu Khổ của Đấng Christ

4,894 views


YouTube: https://youtu.be/VgI2nPJD6gA

906009 Chú Giải I Phi-e-rơ 2:21-25
Con Dân Chúa Được Kêu Gọi Đến Sự Chịu Khổ
và Theo Gương Chịu Khổ của Đấng Christ

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:
906009_I-Phiero_2_21-25.mp3 – OpenDrive (od.lk)

Hoặc:
Listen to 906009 I-Phiero 2 21-25 by Huynh Christian Timothy in Chú Giải Phi-e-rơ I & II playlist online for free on SoundCloud

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
906009_I-Phiero_2_21-25.pdf – OpenDrive (od.lk)

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

I Phi-e-rơ 2:21-25

21 Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó [sự chịu khổ vì danh Chúa], vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.

22 Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá.

23 Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề hăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng phán xét công chính.

24 Chính mình Ngài đã gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, để cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công chính. Bởi những lằn đòn của Ngài mà các anh chị em đã được lành bệnh [Ê-sai 53:4-6].

25 Vì các anh chị em vốn như những con chiên lạc, mà bây giờ đã trở về cùng Đấng Chăn Chiên và Đấng Giám Mục của linh hồn các anh chị em.

Là con dân Chúa chúng ta vừa phải chịu khổ những sự khổ chung của tất cả những người khác trong thế gian vì chúng ta đang sống trong một thế gian băng hoại, đầy tội lỗi; nhưng chúng ta còn phải chịu khổ vì thế gian ghét chúng ta và bách hại chúng ta. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã báo trước:

“Con đã truyền Lời của Ngài cho họ, và thế gian ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con không thuộc về thế gian. Con chẳng cầu Ngài cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Ngài giữ gìn họ cho khỏi Kẻ Dữ. Họ không thuộc về thế gian, cũng như con không thuộc về thế gian.” (Giăng 17:14-16).

Và càng gần ngày cuối cùng chừng nào thì sự bách hại càng gia tăng chừng nấy (Ma-thi-ơ 24:9). Ngay tại Mỹ là quốc gia được toàn thế giới công nhận là đứng đầu về tự do dân chủ, được thiết lập bởi những con dân của Chúa, dựa trên đức tin vào Lời của Chúa, tuyên xưng đức tin nơi Chúa trên mỗi đồng tiền của mình, nay cũng đã ban hành nhiều điều luật bách hại con dân Chúa. Con dân Chúa không được cầu nguyện, không được đọc Thánh Kinh, không được nói đến Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời trong trường học; nhưng vừa qua, học sinh trung học đệ nhất cấp tại Tiểu Bang Tennessee phải học về “Năm Cột Trụ của Hồi Giáo”, phải viết khẩu hiệu: “Allah là Thiên Chúa Duy Nhất” [1], [2].

Chúng ta thật sự đang sống trong những ngày cuối cùng và vì vậy, sự chịu khổ vì danh Chúa sẽ càng gia tăng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có hơn 10 người bị giết vì danh Chúa và biết bao nhiêu người khác bị tra tấn, hãm hiếp, đánh đập, cướp đoạt tài sản và quyền tự do vì danh Chúa [3]. Hãy nhớ đến các anh chị em cùng đức tin với chúng ta đang chịu khổ vì danh Chúa mà cầu thay cho họ. Hãy học gương trung tín của họ. Hãy cậy ơn Chúa để đứng vững trước những cám dỗ, thử thách mà chúng ta đang đối diện. Bởi vì, không một con dân chân thật nào của Chúa mà không được kêu gọi đến sự chịu khổ vì danh Chúa.

21 Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó [sự chịu khổ vì danh Chúa], vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.

“Sự đó” tức là sự chịu khổ vì danh Chúa. Là con dân Chúa chúng ta được kêu gọi đến sự chịu khổ vì danh Chúa, chịu khổ để sống đúng theo Lời Chúa. Tức là mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Chúa. Thập tự giá tiêu biểu cho sự chịu sỉ nhục, chịu khổ, và chịu chết vì người mình yêu. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã chịu khổ vì chúng ta và là một tấm gương sáng cho chúng ta. Chúng ta cần sống như Đức Chúa Jesus Christ đã sống: hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời qua sự vâng phục Thánh Kinh. “Theo dấu chân Ngài” tức là sống như Ngài đã sống.

22 Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá.

23 Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề hăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng phán xét công chính.

Chính bản thân của Đức Chúa Jesus Christ không hề làm ra tội. Ngay cả một lời nói dối cũng không có trong Ngài. Khi bị đối xử bất công, bị làm nhục Ngài cũng không hăm dọa. Từ ngữ được dịch là “hăm dọa” trong câu 23, trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là lên tiếng ngăn cấm hoặc phản ứng cách hung bạo. Đức Chúa Jesus Christ đã không lên tiếng ngăn cấm, cũng không phản ứng cách hung bạo những kẻ làm nhục Ngài, bách hại Ngài. Trái lại, Ngài cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ cho họ. Bởi vì, Ngài biết rõ, Ngài được kêu gọi đến sự đó.

Ngày nay, mỗi con dân Chúa đều được kêu gọi đến sự chịu khổ vì danh Chúa như Đức Chúa Jesus Christ đã được kêu gọi đến sự chịu khổ vì chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy bước đi theo dấu chân của Đức Chúa Jesus Christ, hãy phó mình cho Đấng phán xét công chính là Đức Chúa Trời.

24 Chính mình Ngài đã gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, để cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công chính. Bởi những lằn đòn của Ngài mà các anh chị em đã được lành bệnh [Ê-sai 53:4-6].

Hai câu cuối cùng của I Phi-e-rơ đoạn 2 nhắc cho chúng ta nhớ rằng, Đức Chúa Jesus Christ đã làm gì cho chúng ta. Ngài đã gánh tội lỗi của chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ có nghĩa là Ngài đã công khai, tình nguyện gánh lấy hậu quả của tội lỗi là sự sỉ nhục, sự đau đớn, và sự chết thay cho chúng ta. Nhờ đó, chúng ta được thoát khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Tội lỗi không còn có quyền bắt chúng ta phải làm ra những việc nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa và chúng ta không còn bị án phạt vì bất cứ tội lỗi nào của mình:

“Nhưng tôi thấy một luật khác trong các chi thể của tôi, giao chiến với luật trong tâm trí của tôi và bắt tôi làm tù binh cho luật của tội lỗi, là luật ở trong các chi thể của tôi. Tôi là một người khốn khổ! Ai sẽ giải cứu tôi thoát khỏi thân thể của sự chết này? Tôi dâng lời cảm tạ! Ấy là Đức Chúa Trời, qua Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa của chúng ta! Như vậy, thật ra, chính mình tôi: trong tâm trí thì chịu phục luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng trong xác thịt thì chịu phục luật pháp của tội lỗi.” (Rô-ma 7:23-25).

“Cho nên, hiện nay chẳng có án phạt cho những người ở trong Đấng Christ Jesus, là những người không bước theo xác thịt nhưng bước theo thần trí. Vì luật pháp của Đấng Thần Linh Sự Sống trong Đấng Christ Jesus đã giải cứu tôi khỏi luật pháp của sự tội lỗi và sự chết.” (Rô-ma 8:1-2).

Nếu chúng ta thật sự ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì chúng ta hoàn toàn thoát khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi, vì Đức Chúa Jesus Christ đã giải phóng chúng ta. Khi chúng ta thật lòng ăn năn và tuyên xưng đức tin của mình nơi Đức Chúa Jesus Christ thì chúng ta đã đặt bản ngã tội lỗi của chúng ta vào trong Ngài và để cho bản ngã ấy bị đóng đinh trên thập tự giá qua thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ. Rồi chúng ta cùng sống lại với Đức Chúa Jesus Christ thành một con người mới, “là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật… đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy!” (Ê-phê-sô 4:24; Cô-lô-se 3:10). Tôi muốn quý ông bà anh chị em cùng tôi đọc lại những lời sau đây của Đức Thánh Linh trong Rô-ma 6:1-18, để hiểu một cách thông suốt I Phi-e-rơ 2:24:

1 Vậy, chúng ta sẽ nói gì? Chúng ta sẽ cứ ở trong tội lỗi để cho ân điển được thêm lên chăng?

2 Chẳng hề như vậy! Chúng ta đã chết đối với tội lỗi, sao còn sống trong tội lỗi nữa?

3 Các anh chị em chẳng biết rằng, bất cứ những ai đã được báp-tem vào trong Đấng Christ Jesus, tức là được báp-tem vào trong sự chết của Ngài sao?

4 Vậy, chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi được báp-tem vào trong sự chết, để cho Đấng Christ bởi sự vinh quang của Đức Cha được sống lại từ trong những kẻ chết thế nào, thì chúng ta cũng sẽ bước đi trong sự mới của đời sống thế ấy.

5 Vì nếu chúng ta được tháp làm một với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ được tháp làm một với Ngài trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài.

6 Hãy biết rằng: Người cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Ngài, để cho thân thể của tội lỗi bị tiêu diệt đi, và chúng ta không còn bị nô lệ cho tội lỗi nữa.

7 Vì ai đã chết thì được thoát khỏi tội lỗi một cách công chính.

8 Nếu chúng ta đã chết với Đấng Christ, thì chúng ta tin rằng, chúng ta cũng sẽ sống với Ngài.

9 Hãy biết rằng, Đấng Christ đã sống lại từ những kẻ chết thì chẳng chết nữa; sự chết chẳng còn cai trị Ngài.

10 Vì Ngài đã chết là Ngài đã chết cho tội lỗi một lần. Và Ngài sống là Ngài sống cho Đức Chúa Trời.

11 Vậy, các anh chị em cũng hãy coi mình đã thật sự chết về tội lỗi nhưng đang sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ, Chúa của chúng ta.

12 Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong thân thể sẽ chết của các anh chị em, khiến các anh chị em vâng phục những sự tham muốn của nó.

13 Cũng chớ đặt để các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự không công chính cho tội lỗi. Nhưng hãy trình dâng chính mình các anh chị em cho Đức Chúa Trời, như được sống từ trong những kẻ chết, và các chi thể của các anh chị em như các công cụ của sự công chính cho Đức Chúa Trời.

14 Vì tội lỗi sẽ không cai trị trên các anh chị em; bởi các anh chị em chẳng ở dưới luật pháp, mà ở dưới ân điển.

15 Vậy thì sao? Vì chúng ta không ở dưới luật pháp nhưng ở dưới ân điển thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy!

16 Các anh chị em chẳng biết rằng, nếu các anh chị em đã nộp mình làm những nô lệ vào trong sự vâng phục sự gì, thì các anh chị em là những nô lệ của sự mà mình vâng phục, hoặc nô lệ của tội lỗi để vào trong sự chết, hoặc nô lệ của sự vâng phục để vào trong sự công chính sao?

17 Nhưng cảm tạ Đức Chúa Trời, các anh chị em từng là những nô lệ cho tội lỗi nhưng trong lòng các anh chị em đã vâng phục khuôn khổ của giáo lý mà các anh chị em đã được giao vào đó.

18 Vậy, các anh chị em đã được giải thoát khỏi tội lỗi; các anh chị em đã trở nên những nô lệ của sự công chính.

Cũng nhờ những lằn roi đánh trên thân thể của Đức Chúa Jesus Christ mà chúng ta được thoát khỏi mọi bệnh tật nào là hậu quả của tội lỗi. Lời Chúa trong Gia-cơ 5:15-16 dạy rằng:

“Và sự cầu nguyện bởi đức tin sẽ cứu người bệnh, Chúa sẽ đỡ người dậy; nếu người đã phạm tội, những tội ấy cũng sẽ được tha. Vậy, hãy xưng những lỗi lầm của các anh chị em cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, để cho các anh chị em được lành bệnh. Lòng sốt sắng khẩn xin của người công chính, thật có linh nghiệm nhiều.”

Có nghĩa là, nếu chúng ta thật lòng ăn năn tội, xưng tội với Chúa trước Hội Thánh, và được Hội Thánh cầu nguyện cho thì mọi bệnh tật trong chúng ta sẽ được chữa lành, vì thân thể của Đức Chúa Jesus Christ đã chịu đòn vì mọi tội lỗi của chúng ta.

Nhưng nếu chúng ta thật lòng ăn năn, xưng tội và được Hội Thánh cầu nguyện trong đức tin, mà chúng ta vẫn không được chữa lành, thì phải hiểu rằng, tật bệnh ấy không phải vì chúng ta phạm tội mà là sự tấn công của Sa-tan trên thân thể của chúng ta mà Đức Chúa Trời đã cho phép, như ngày xưa Ngài đã cho phép Sa-tan gieo chứng bệnh ung độc trên thân thể của ông Gióp và gieo một tật bệnh nào đó như cái dằm xóc vào da thịt của Sứ Đồ Phao-lô. Chúng ta hãy đứng dậy, vui mừng cảm tạ Chúa, rao truyền danh Chúa cho mọi người, vì biết rằng, Chúa ban cho chúng ta cơ hội chịu khổ vì danh Chúa; và trên hết là đồng chịu khổ với Đức Chúa Jesus Christ:

“Hỡi những người yêu dấu! Khi các anh chị em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng các anh chị em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, để cho đến ngày vinh quang của Ngài hiện ra, thì các anh chị em cũng được vui mừng lớn.” (I Phi-e-rơ 4:12-13).

Bất cứ bệnh tật nào trong thân thể xác thịt của chúng ta mà không được Chúa chữa lành, thì đó là sự thử thách Chúa ban cho chúng ta để chúng ta được dự phần trong sự thương khó của Đức Chúa Jesus Christ. Cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ, chính Ngài sẽ ban ân điển cho chúng ta để chúng ta được mạnh mẽ, chịu đựng với lòng vui mừng và biết ơn (II Cô-rinh-tô 12:9).

25 Vì các anh chị em vốn như những con chiên lạc, mà bây giờ đã trở về cùng Đấng Chăn Chiên và Đấng Giám Mục của linh hồn các anh chị em.

Khi chúng ta nhận biết lẽ thật được nêu ra trong I Phi-e-rơ 2:25 thì chúng ta hoàn toàn yên tâm, cho dù có phải trải qua bất cứ cảnh ngộ nào trong cuộc sống. Bởi vì, chính Đức Chúa Jesus Christ, Đấng yêu thương chúng ta đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha của Ngài (Khải Huyền 1:6), cũng chính là Đấng chăn giữ chúng ta và cai trị chúng ta (Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa). Ngài chính là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu được nói đến trong Thi Thiên 23.

Trước đây, chúng ta như những con chiên đi lạc; nhưng giờ đây, trong Hội Thánh của Chúa, chúng ta như những con chiên được cho ăn đúng giờ, được chăm sóc, được bảo vệ; và những người được Chúa giao cho công việc chăn dắt chúng ta, cũng được chính Chúa chăn dắt họ và xem xét công tác chăn bầy của họ. Họ được chính Chúa nắm trong bàn tay của Ngài (Khải Huyền 1:16). Vì thế, chúng ta phải tôn trọng, biết ơn, và vâng phục họ:

“Hãy vâng lời những người dắt dẫn các anh chị em và chính mình các anh chị em chịu phục họ. Vì họ thức canh về linh hồn của các anh chị em, mà họ phải khai trình, để cho họ làm việc đó với sự vui mừng, mà không phiền lòng. Vì sự phiền lòng ấy chẳng ích lợi cho các anh chị em.” (Hê-bơ-rơ 13:17).

Dĩ nhiên, chúng ta cần phải phân biệt ai là người chăn thật đến từ Chúa, ai là người chăn thuê đến từ các tổ chức giáo hội, và ai là kẻ trộm (Giăng 10).

Từ ngữ “người chăn” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ lẫn Hy-lạp đều dùng để gọi người cho gia súc ăn, chăm sóc chúng, và bảo vệ chúng. Từ ngữ “giám mục” trong nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là: người có bổn phận và trách nhiệm xem xét việc làm của những người khác. Khi được dùng trong quan hệ xã hội thì có thể dịch là “đốc công” hay “giám đốc”. Khi được dùng trong Hội Thánh thì được dịch là “giám mục”. Giám là xem xét. Mục là công việc chăn dắt. Vì thế, “giám mục” có nghĩa là xem xét công việc chăn bầy của những người chăn trong Hội Thánh. Chức vụ “giám mục” trong Hội Thánh là chức vụ đứng đầu các trưởng lão.

Đức Chúa Jesus Christ là Người Chăn Hiền Lành của Hội Thánh và cũng là Đấng đứng đầu những người chăn trong Hội Thánh, tức là Đấng Giám Mục của Hội Thánh. Ngài đã chịu khổ vì chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta hãy theo gương chịu khổ của Ngài để vì Ngài mà chịu khổ. Cảm tạ Ngài vì Ngài đã ban cho chúng ta cơ hội và vinh dự được chịu khổ vì Ngài.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
26/09/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] http://dailycaller.com/2015/09/05/public-school-parents-angry-after-middle-schoolers-instructed-to-write-allah-is-the-only-god/

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/N%C4%83m_C%E1%BB%99t_tr%E1%BB%A5_c%E1%BB%A7a_H%E1%BB%93i_gi%C3%A1o

[3] http://www.opendoorsusa.org/christian-persecution/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.