Chú Giải Hê-bơ-rơ 12:04-13 Sự Sửa Phạt của Đức Chúa Trời

2,920 views

Nguồn: https://youtu.be/FjqzG-tkdX0

Chú Giải Hê-bơ-rơ 12:4-13
Sự Sửa Phạt của Đức Chúa Trời

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Hê-bơ-rơ 12:4-13

4 Các anh chị em chống trả chưa đến nỗi đổ máu, khi chiến đấu với tội lỗi;

5 lại đã quên sự khích lệ là lời khuyên các anh chị em như những con trẻ: Hỡi con của Ta! Chớ xem thường sự sửa phạt của Chúa, cũng đừng nao sờn khi bị Ngài quở trách.

6 Vì người Chúa yêu thì Ngài sửa phạt. Ngài đánh đòn bất cứ ai mà Ngài nhận làm con; [Gióp 5:17; Châm Ngôn 3:11-12]

7 nếu các anh chị em kiên trì trong sự bị sửa phạt mà Đức Chúa Trời đối đãi các anh chị em như các con. Vì có ai là con mà cha không sửa phạt? [Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:5; II Sa-mu-ên 7:14; Châm Ngôn 13:24]

8 Nhưng nếu các anh chị em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng dự phần, thì các anh chị em là những con ngoại tình, chứ không phải những con thật.

9 Hơn nữa, chúng ta có những cha xác thịt của chúng ta sửa phạt và chúng ta tôn kính họ, thì chúng ta chẳng càng vâng phục hơn Cha của các thần linh để chúng ta sẽ sống?

10 Thực tế, trong một ít ngày, họ đã sửa phạt theo ý họ. Nhưng Ngài vì làm ích cho sự chúng ta dự phần sự thánh khiết của Ngài.

11 Không sự sửa phạt nào trong hiện tại dường như là sự vui mừng nhưng là sự buồn bã. Nhưng về sau, nó sinh ra trái bình an của sự công chính cho những ai đã được luyện tập qua nó.

12 Vậy, hãy nhấc những bàn tay yếu đuối của các anh chị em lên, luôn cả những đầu gối lỏng lẻo nữa.

13 Hãy làm những lối đi ngay thẳng cho chân của các anh chị em, để người què không bị đuổi ra một bên nhưng lại được chữa lành. [Ê-sai 35:3; Châm Ngôn 4:26]

Đời sống của một môn đồ Đấng Christ bắt đầu từ khi người ấy thật lòng ăn năn tội, có nghĩa là thật lòng hối tiếc vì đã vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, sẵn sàng từ bỏ sự vi phạm; và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời còn được gọi là Mười Lời của Đức Chúa Trời. Mười Lời ấy được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17 và được nhắc lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21. Tội lỗi là sự vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Động từ “ăn năn” trong Thánh Kinh có nghĩa là quay lại. Quay lại ở đây có nghĩa là quay lại với sự tin kính Thiên Chúa và sự vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Sự quay lại đó phải xuất phát từ lòng đau thương, thống hối, vì nhận biết mình đã chống nghịch Thiên Chúa khi mình vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời. Sự quay lại đó bao gồm sự sẵn sàng và quyết tâm từ bỏ mọi tội lỗi, tức là mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm nào khiến cho mình vi phạm dù chỉ một điều răn của Đức Chúa Trời. Nếu một người chỉ tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ chỉ vì sợ bị Đức Chúa Trời hình phạt sự phạm tội của mình; nhưng trong lòng không có sự ăn năn tội thì sự tin nhận đó trở nên vô ích. Lời giảng đầu tiên của Đức Chúa Jesus Christ cho toàn thể loài người là: “Hãy ăn năn và tin nhận Tin Lành” (Mác 1:15). Nếu chỉ có ăn năn mà không tin nhận Tin Lành, tức là không tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, thì sự ăn năn đó không giúp ích gì cho chúng ta. Cũng vậy, nếu chỉ tin nhận Tin Lành mà không ăn năn thì sự tin nhận đó cũng không giúp ích gì cho chúng ta.

Từ xưa đến nay, có nhiều người gia nhập Hội Thánh, tin nhận Tin Lành nhưng không ăn năn tội. Điển hình là vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra, như đã chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 5:1-11. Họ tin nhận sự chết chuộc tội của Chúa, được báp-tem vào trong Hội Thánh, bán tài sản để dâng vào công vụ của Hội Thánh. Nhưng họ vẫn tham lam, dối trá, giả hình, dám dối gạt Đức Thánh Linh và Hội Thánh; cho nên họ đã bị Đức Thánh Linh đánh chết. Cũng có nhiều người thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; nhưng họ không hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Họ cho rằng, họ cần phải làm thêm một số việc để họ có thể được Đức Chúa Trời hoàn toàn tha thứ mọi tội lỗi của họ. Điển hình cho những người như vậy là một số người trong Giáo Hội Công Giáo. Họ tin tà giáo về ngục luyện tội, còn gọi là luyện ngục, của Giáo Hội Công Giáo. Tà giáo này dạy rằng, sau khi con dân Chúa chết thì phải đi vào ngục luyện tội, chịu hình phạt trong lửa một thời gian để được thanh luyện, trước khi được vào thiên đàng. Tà giáo này dạy rằng, để được giảm thiểu thời gian ở trong ngục luyện tội thì một người cần người thân, bạn bè trong giáo hội còn sống dâng lời cầu thay, dâng hiến tiền bạc vào giáo hội, hoặc thay người ấy làm các việc công đức. Nhưng có nhiều nhất trong Hội Thánh là những người mang danh môn đồ của Đấng Christ mà họ không hề ăn năn tội, không hề tin nhận Tin Lành. Họ dối trá, xin gia nhập Hội Thánh nhằm lợi dụng Hội Thánh hoặc do ma quỷ cài đặt vào để lũng đoạn Hội Thánh. Cũng có thể họ xin gia nhập Hội Thánh để làm vừa lòng người thân hoặc bạn bè; hoặc để kết hôn với người ở trong Hội Thánh.

Trong Hội Thánh, chỉ có rất ít người thật sự có đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ và thể hiện đức tin của mình qua nếp sống mỗi ngày. Đặc biệt là trong giai đoạn liền trước Kỳ Tận Thế, là giai đoạn gần với thời điểm Đức Chúa Jesus Christ giáng lâm giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, tức là thời đại hiện nay của chúng ta. Vì chính Chúa đã phán:

“…Nhưng khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).

Dù vậy, không có nghĩa là hễ những ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì họ không còn phạm tội. Ngày nào chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt đang chết này thì ngày đó chúng ta vẫn có khả năng phạm tội vì sự yếu đuối của thân thể xác thịt, vì sự thiếu hiểu biết, hoặc vì vô ý. Trong bảy lá thư của Đức Chúa Jesus Christ gửi cho bảy Hội Thánh ở miền Tiểu Á, được ghi lại trong Khải Huyền đoạn 2 và đoạn 3, đã có năm lá thư Chúa kêu gọi năm Hội Thánh ăn năn tội.

Nhưng sự phạm tội của con dân Chúa khác với sự phạm tội của những người không phải là con dân Chúa. Những người không phải là con dân Chúa, kể cả những người tự xưng mình là con dân Chúa cách dối trá, là những người sống trong tội. Họ không có thánh linh của Chúa, tức năng lực đến từ Chúa để giúp họ đắc thắng tội lỗi. Họ vẫn còn nô lệ cho tội lỗi nên cứ phạm tội, kể cả khi họ không muốn phạm tội. Trong số đó, có nhiều người biết rõ về Tin Lành, nhưng vì họ ưa thích sự phạm tội nên họ chọn sống trong tội. Nhiều nhất là những người sống trong sự tà dâm, rồi đến những người sống trong sự kiêu ngạo, những người sống trong sự tham lam. Còn con dân Chúa có thánh linh của Chúa, nên chỉ cần họ quyết định không phạm tội thì họ sẽ không phạm tội. Con dân Chúa chỉ phạm tội khi vô ý; khi thiếu hiểu biết; hoặc khi yếu đuối nhất thời trước sự cám dỗ mà không biết kêu cầu danh Chúa và không biết dùng sức toàn năng của Chúa để thắng sự cám dỗ.

Khi con dân Chúa phạm tội thì họ sẽ bị Đức Chúa Trời sửa phạt, và hình phạt sẽ tương xứng, tùy theo sự phạm tội nặng nhẹ của mỗi người. Lời Chúa chép:

“Bởi cớ đó, trong các anh chị em có nhiều kẻ yếu đuối, bệnh tật, và có lắm kẻ ngủ!” (I Cô-rinh-tô 11:30).

“Bởi cớ đó” là bởi cớ đã phạm tội, chưa ăn năn, chưa xưng tội với Chúa mà lại dự Tiệc Thánh của Chúa. Yếu đuối là trở nên mất năng lực, mất các ân tứ. Bệnh tật là bị đau ốm. Ngủ là bị chết.

Sự sửa phạt của Đức Chúa Trời đối với con dân của Ngài phát xuất từ tình yêu, không phải từ lòng ghét bỏ. Sự sửa phạt của Đức Chúa Trời đi từ sự cảnh cáo đến sự hình phạt; và khi đã hình phạt thì đi từ nhẹ đến nặng. Khi Đức Chúa Trời sửa phạt con dân của Ngài thì Ngài vô cùng đau xót:

“Ta sẽ khóc lóc thở than về các núi, sẽ hát bài ca sầu não về nội cỏ nơi đồng vắng, vì chúng bị đốt cháy, chẳng còn ai đi qua đó nữa. Chẳng còn nghe tiếng của súc vật lẫn chim trời. Các loài thú đều đã trốn. Chúng đã đi mất.” (Giê-rê-mi 9:10).

“Ngươi hãy bảo cho chúng nó lời này: Mắt Ta rơi lệ đêm ngày chẳng thôi; vì gái đồng trinh của dân Ta bị tan nát bởi cơn tàn hại lớn, bởi thương tích nặng nề.” (Giê-rê-mi 14:17).

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự Đức Chúa Trời sửa phạt con dân của Ngài như một người cha sửa phạt con cái phạm lỗi, như đã chép trong Hê-bơ-rơ 12:4-13.

4 Các anh chị em chống trả chưa đến nỗi đổ máu, khi chiến đấu với tội lỗi;

Bị đổ máu tức là bị đánh đập cách dã man hoặc bị giết chết. Chúng ta đã biết, từ buổi đầu sáng thế cho đến nay, và mãi đến Kỳ Tận Thế, con dân Chúa luôn bị đổ máu bởi sự bị bắt bớ vì đức tin. Vì sống theo Lời Chúa, vì không chối bỏ danh Chúa mà biết bao nhiêu người đã bị sỉ nhục, đánh đập, tù đày, tra tấn, và bị giết chết. Nhưng không có ai vì quyết tâm không phạm tội mà lại bị đổ máu. Tội lỗi thôi thúc chúng ta phạm tội. Chúng ta muốn phạm tội vì muốn đạt được sự kiêu ngạo của lòng, sự ưa thích của linh hồn, và sự cảm giác của xác thịt do sự phạm tội đưa đến [1]. Nếu chúng ta cương quyết không phạm tội thì chúng ta có thể cảm thấy khó chịu vì các sự tham muốn của chúng ta không được thỏa mãn, nhưng chắc chắn là không đến nỗi đổ máu.

Là con dân Chúa, chúng ta vừa có quyền kêu cầu danh Chúa để Ngài cứu chúng ta ra khỏi sự phạm tội, vừa có quyền nhân danh Chúa để truyền cho sự cám dỗ phải lui xa khỏi chúng ta, vừa có sức mạnh của Thiên Chúa đã ban cho trong chúng ta để chúng ta thắng mọi sự cám dỗ. Nếu chúng ta sử dụng các đặc quyền này thì chúng ta sẽ luôn đắc thắng tội lỗi và ngay lập tức, sự khao khát phạm tội biến mất; thay vào đó, sự bình an, vui thỏa, vượt trên những bình an và vui thỏa của thế gian, tràn ngập chúng ta.

5 lại đã quên sự khích lệ là lời khuyên các anh chị em như những con trẻ: Hỡi con của Ta! Chớ xem thường sự sửa phạt của Chúa, cũng đừng nao sờn khi bị Ngài quở trách.

6 Vì người Chúa yêu thì Ngài sửa phạt. Ngài đánh đòn bất cứ ai mà Ngài nhận làm con; [Gióp 5:17; Châm Ngôn 3:11-12]

7 nếu các anh chị em kiên trì trong sự bị sửa phạt mà Đức Chúa Trời đối đãi các anh chị em như các con. Vì có ai là con mà cha không sửa phạt? [Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:5; II Sa-mu-ên 7:14; Châm Ngôn 13:24]

Trong ba câu trên đây, Phao-lô đã trích dẫn Lời Chúa trong Thánh Kinh Cựu Ước từ sách Phục Truyền Luật Lệ Ký cho đến sách Châm Ngôn:

“Ngươi nhận biết trong lòng của ngươi rằng, như một người sửa phạt con mình, Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi sửa phạt ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:5).

“Ta sẽ làm cha của nó và nó sẽ làm con của Ta. Nếu nó phạm tội ác, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của loài người và những lằn đòn của con cái loài người…” (II Sa-mu-ên 7:14).

“Kìa, phước cho người mà Thiên Chúa quở trách! Vậy, chớ khinh sự răn dạy của Đấng Toàn Năng.” (Gióp 5:17).

“Hỡi con của ta, chớ khinh sự răn dạy của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, chớ buồn bực về sự quở trách của Ngài. Vì người Đấng Tự Hữu Hằng Hữu yêu thì Ngài trách phạt; như một người cha đối với con trai mà mình ưa thích.” (Châm Ngôn 3:11-12).

“Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình; nhưng ai yêu nó thì sốt sắng răn dạy nó.” (Châm Ngôn 13:24).

Qua sự trích dẫn Lời Chúa của Phao-lô mà chúng ta hiểu rằng, nội dung của Thánh Kinh Cựu Ước là cho toàn thể con dân Chúa trong mọi thời đại, chứ không dành riêng cho con dân Chúa trong thời Cựu Ước. Từ các điều răn, luật lệ, những mệnh lệnh, cho đến những lời hứa… đều áp dụng cho con dân Chúa trong mọi thời đại, ngoại trừ những sự hình bóng chỉ về những điều sẽ được Đấng Christ hoàn thành trong thời Tân Ước. Những sự hình bóng đó bao gồm các nghi thức về sự dâng tế lễ chuộc tội và các nghi thức về sự thờ phượng Đức Chúa Trời.

Lời Chúa xác nhận rằng, Đức Chúa Trời yêu những ai thuộc về Ngài và Ngài quan tâm, răn dạy, quở trách, và khi cần thì sửa trị họ bằng hình phạt như một người cha kỷ luật con cái của mình. Điều quan trọng là chúng ta phải xác định rõ, mình có phải là con cái của Đức Chúa Trời hay không. Nếu chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời thì những nghịch cảnh đến với chúng ta có thể là:

  • Sự Đức Chúa Trời trực tiếp thử thách đức tin của chúng ta.
  • Sự cám dỗ đến từ ma quỷ được Đức Chúa Trời cho phép để thử thách đức tin của chúng ta.
  • Hoặc là sự chúng ta bị Đức Chúa Trời sửa phạt vì chúng ta phạm lỗi, phạm tội.

Ngay cả trong trường hợp chúng ta thoát nạn trong đường tơ, kẽ tóc, sau khi chúng ta cảm tạ Chúa đã giải cứu mình, chúng ta cũng cần xét lòng và xin Đức Thánh Linh chỉ ra cho chúng ta biết. Sự thoát hiểm đó là do ma quỷ định làm hại chúng ta và Chúa đã can thiệp, giải cứu chúng ta. Hay đó là vì chúng ta phạm tội mà không ăn năn nên Chúa cảnh cáo chúng ta, như trường hợp Ngài đã làm ra với Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:24).

Tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta khiến cho Ngài bao dung trước sự phạm tội của chúng ta. Trước hết, Ngài ban cho chúng ta sự cứu rỗi qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Kế tiếp, Ngài thánh hóa chúng ta và ban cho chúng ta thánh linh của Ngài qua mục vụ của Đức Thánh Linh cùng với sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong chúng ta để chúng ta được sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh và có năng lực sống theo Lời Chúa, chiến thắng tội lỗi.

Vì thế, chúng ta cần phải nhạy bén trước mọi sự răn dạy, quở trách, sửa trị của Đức Chúa Trời đối với sự phạm tội của chúng ta mà kịp thời ăn năn và không tái phạm. Chúa có thể dùng một câu Thánh Kinh, một bài giảng, một lời thánh ca, hoặc một anh chị em nào đó của chúng ta để răn dạy, quở trách, sửa trị chúng ta. Chúa có thể dùng một câu nói bâng quơ của ai đó, một tai nạn, một nghịch cảnh… để răn dạy, quở trách, sửa trị chúng ta. Nếu chúng ta bỏ qua mọi sự răn dạy, quở trách, sửa trị của Đức Chúa Trời thì sẽ đến một lúc Đức Chúa Jesus Christ mửa chúng ta ra và Đức Chúa Trời sẽ chặt bỏ chúng ta ra khỏi Hội Thánh. Khi đó, chúng ta sẽ không còn cơ hội để ăn năn mà sẽ cứng lòng càng hơn.

Kiên trì trong sự bị sửa phạt có nghĩa là không ngã lòng; không tự ti mặc cảm, nghĩ rằng mình không còn xứng đáng để được Chúa yêu và tha thứ. Còn bị Đức Chúa Trời sửa phạt có nghĩa là chúng ta vẫn còn ở trong địa vị làm con của Ngài. Vậy nên, mỗi khi bị Đức Chúa Trời sửa phạt, chúng ta hãy hạ mình, cảm tạ Ngài và nhanh chóng ăn năn, để vẫn được là con của Ngài.

8 Nhưng nếu các anh chị em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng dự phần, thì các anh chị em là những con ngoại tình, chứ không phải những con thật.

Nếu chúng ta mang danh là con dân Chúa nhưng khi chúng ta phạm tội mà không bị Ngài sửa phạt thì chúng ta chỉ là con dân Chúa theo tên gọi, chứ không thật sự là con dân của Ngài. Vì không có một người nào sau khi được Đức Chúa Trời tái sinh làm con trai hoặc con gái của Ngài mà không có nhiều lần lỡ phạm tội khi vẫn còn sống trong thân thể xác thịt đang chết. Và khi con dân Chúa lỡ phạm tội thì họ sẽ bị Đức Chúa Trời sửa phạt. Chúng ta, những con dân chân thật của Chúa, vẫn còn có lúc phạm tội là điều đương nhiên, ngoài ý muốn của chúng ta. Vì thân thể xác thịt đang chết này vẫn cần được chúng ta dùng thần trí và thánh linh mà bắt nó phải phục các điều răn của Thiên Chúa. Thần trí là sự hiểu biết về Thiên Chúa và Lời Hằng Sống của Ngài. Thánh linh là năng lực của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Các điều răn của Thiên Chúa bao gồm Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21), điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 13:34), và điều răn nên thánh của Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29). Nhưng vẫn có lúc chúng ta yếu đuối nhất thời trước sự tham muốn của xác thịt, trước sự đe dọa của những kẻ bắt bớ chúng ta, trước tình cảm đối với những người thân yêu; hoặc chúng ta thiếu hiểu biết Lời Chúa; hoặc chúng ta không cẩn thận làm theo Lời Chúa; mà chúng ta phạm tội.

Chỉ có những kẻ không thật sự là con cái của Đức Chúa Trời thì họ mới không bị Ngài sửa phạt khi họ phạm tội, ngay cả khi đời sống của họ đắm chìm trong tội. Nhìn vào các tổ chức giáo hội mang danh Chúa, chúng ta thấy rõ, biết bao nhiêu người, kể cả những người mang danh là người chăn, trưởng lão, hoặc chấp sự đang sống trong tội mà chúng ta không thấy Đức Chúa Trời sửa phạt họ. Chỉ vì một lý do duy nhất: Họ không phải là con cái thật của Đức Chúa Trời; và hình phạt cho sự phạm tội của họ sẽ được tích trữ cho ngày phán xét chung cuộc. Ngoại trừ những khi sự phạm tội của họ cũng vi phạm luật pháp của quốc gia thì họ sẽ bị luật pháp của quốc gia hình phạt.

Danh từ “con ngoại tình” gợi cho chúng ta hình ảnh một người vợ ngoại tình, sinh ra một đứa con. Đứa con ấy không được người chồng thừa nhận, không được người chồng quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ, sửa phạt, phân chia tài sản. Quốc gia I-sơ-ra-ên được gọi là vợ của Đức Chúa Trời. Hội Thánh được gọi là vợ của Đấng Christ. Cách gọi ấy nhằm nói lên mỗi thành viên trong dân I-sơ-ra-ên và trong Hội Thánh đều là con cái của Thiên Chúa. Nhưng khi quốc gia I-sơ-ra-ên từ bỏ Đức Chúa Trời, quay sang thờ lạy tà thần thì dân I-sơ-ra-ên chẳng khác gì con ngoại tình, bị Đức Chúa Trời bỏ mặc. Khi Hội Thánh từ bỏ lẽ thật của Lời Chúa để tiếp nhận tà giáo đến từ Sa-tan thì tín đồ trong Hội Thánh cũng chẳng khác gì con ngoại tình, bị Đức Chúa Trời bỏ mặc.

9 Hơn nữa, chúng ta có những cha xác thịt của chúng ta sửa phạt và chúng ta tôn kính họ, thì chúng ta chẳng càng vâng phục hơn Cha của các thần linh để chúng ta sẽ sống?

Trong thực tế của đời sống, khi chúng ta có người cha về phần xác yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ, sửa phạt chúng ta thì chúng ta tôn kính, biết ơn, và vâng phục cha phần xác của mình. Kể cả trong một số trường hợp chỉ là cha nuôi. Như vậy, chúng ta lại càng cần phải tôn kính, biết ơn, và vâng phục Đức Chúa Trời càng hơn khi Ngài sửa phạt chúng ta. Đức Chúa Trời chẳng những là Cha của chúng ta, những người vâng giữ các điều răn của Ngài và có đức tin nơi Đấng Christ, mà Ngài còn là Cha của các thiên sứ, là những thần linh do Ngài dựng nên. Có như vậy thì chúng ta sẽ sống, tức là sẽ mãi mãi an vui, hạnh phúc trong vương quốc của Đức Chúa Trời.

10 Thực tế, trong một ít ngày, họ đã sửa phạt theo ý họ. Nhưng Ngài vì làm ích cho sự chúng ta dự phần sự thánh khiết của Ngài.

Thật vậy, cha phần xác của chúng ta theo ý của họ mà sửa phạt chúng ta chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, khi chúng ta còn sống dưới quyền của họ. Trung bình là 20 năm đầu của đời sống chúng ta. Và không phải người cha nào cũng công chính trong sự sửa phạt con cái. Còn Đức Chúa Trời thì chăm sóc và sửa phạt chúng ta trọn đời sống của chúng ta một cách yêu thương và công chính, hướng chúng ta đến sự thánh khiết để chúng ta trở nên giống như Ngài. Đức Chúa Trời vẫn chăm sóc và sửa phạt chúng ta cho dù là khi chúng ta đã tuổi cao, tác lớn, tóc đã bạc mầu:

“Cho đến chừng các ngươi già cả, tóc bạc, Ta là Đấng sẽ bồng ẵm các ngươi. Ta đã làm ra và Ta sẽ gánh vác. Ta sẽ bồng ẵm và sẽ giải cứu các ngươi.” (Ê-sai 46:4).

Mục đích sự sửa phạt của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, những con dân chân thật của Ngài, là để chúng ta được dự phần sự thánh khiết của Ngài. Nghĩa là Đức Chúa Trời sửa phạt chúng ta để chúng ta hoàn toàn thánh khiết, không còn phạm tội nữa, trở nên giống như Đấng Christ:

“Vì những ai Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của con Ngài, để con ấy là con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

Chính vì vậy khi chúng ta vui mừng, tiếp nhận sự Đức Chúa Trời sửa phạt chúng ta thì kết quả sẽ là phước hạnh còn đến đời đời cho chúng ta, như Phao-lô đã viết tiếp trong câu 11:

11 Không sự sửa phạt nào trong hiện tại dường như là sự vui mừng nhưng là sự buồn bã. Nhưng về sau, nó sinh ra trái bình an của sự công chính cho những ai đã được luyện tập qua nó.

Dĩ nhiên, chúng ta bị Đức Chúa Trời sửa phạt là vì chúng ta có lỗi, có tội, cho nên, đó chính là điều buồn bã, đáng hổ thẹn. Nhưng về mặt tích cực thì đó là một sự vui mừng, vì chứng tỏ rằng, Đức Chúa Trời vẫn còn xem chúng ta là con cái của Ngài. Nếu chúng ta hạ mình, ăn năn, xưng tội với Chúa thì Ngài sẽ tha thứ chúng ta và phục hồi chúng ta, y theo lời hứa của Đức Thánh Linh:

“Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công bình.” (I Giăng 1:9).

Bởi vì, Đấng Christ đã mang lấy mọi hình phạt cho mọi sự phạm tội của chúng ta:

“Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng, cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và máu của Đức Chúa Jesus Christ, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.” (I Giăng 1:7).

Đi trong sự sáng là sống theo Lời Chúa. Khi lỡ phạm tội biết ăn năn, xưng tội, và quyết tâm từ bỏ, không tái phạm. Trái lại, dù một người hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ nhưng không có lòng ăn năn, thống hối, vẫn tìm kiếm thú vui của tội lỗi, sống trong sự phạm tội thì người ấy không bao giờ nhận được sự tha thứ tội lỗi.

“Trái bình an của sự công chính” có nghĩa là sự công chính của Đức Chúa Trời khiến cho bất cứ ai vâng phục Ngài thì được bình an. Hành động chúng ta vâng phục Đức Chúa Trời thể hiện đức tin của chúng ta nơi Ngài được Ngài kể chúng ta là công chính và Ngài ban sự bình an của Ngài cho chúng ta.

Sự sửa phạt của Đức Chúa Trời dành cho con dân của Ngài cũng là cơ hội để mỗi người luyện tập sống đời sống đức tin trong Đấng Christ. Chúng ta không muốn phạm tội, nhưng sẽ có những lúc chúng ta phạm tội ngoài ý muốn. Sự lỡ phạm tội:

  • Tỏ ra sự yếu đuối vẫn còn trong chúng ta.
  • Hoặc là tỏ ra chúng ta chưa yêu Chúa, chưa yêu anh chị em cùng Cha như đáng phải yêu.
  • Hoặc là không cẩn thận, không ý tứ trong khi làm theo Lời Chúa.
  • Hoặc là thiếu sự hiểu biết Lời Chúa.

Đức Chúa Trời sửa phạt chúng ta để chúng ta qua đó luyện tập mà trở nên mạnh mẽ ngày càng hơn; yêu kính Chúa trên mọi sự; yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình; khôn sáng và cẩn thận làm theo Lời Chúa ngày càng hơn; để không còn phạm tội.

12 Vậy, hãy nhấc những bàn tay yếu đuối của các anh chị em lên, luôn cả những đầu gối lỏng lẻo nữa.

13 Hãy làm những lối đi ngay thẳng cho chân của các anh chị em, để người què không bị đuổi ra một bên nhưng lại được chữa lành. [Ê-sai 35:3; Châm Ngôn 4:26]

Đôi bàn tay nhấc lên để dọn đường và đôi đầu gối nhấc lên để đôi chân có thể đi trên con đường đã được đôi bàn tay dọn cho ngay thẳng.

Thánh Kinh dùng hình ảnh con đường làm tiêu biểu cho cuộc đời và dùng bước chân làm tiêu biểu cho nếp sống mỗi ngày của chúng ta. Nếp sống bao gồm mọi ý nghĩ, lời nói, thái độ, cử chỉ, và việc làm của chúng ta. Như mỗi bước chân tiếp nối nhau trên một con đường, làm thành lộ trình, nếp sống mỗi ngày của chúng ta kết nối thành cuộc đời của chúng ta.

Mỗi người có thể sống cuộc đời của mình theo ý riêng của mình hoặc theo ý Chúa. Là con dân Chúa đương nhiên chúng ta chọn sống theo ý Chúa. Sống theo ý Chúa là sống theo sự dạy dỗ của Lời Chúa đã được ghi chép trong Thánh Kinh, là bắt chước Đức Chúa Jesus Christ:

“Ai nói mình ở trong Ngài, thì người ấy cũng phải bước đi như chính Ngài đã bước đi.” (I Giăng 2:6).

Đức Chúa Jesus Christ xưng nhận Ngài là “Đường Đi” (Giăng 14:6). Lời ấy có nghĩa, Đấng Christ là gương mẫu cho đời sống của chúng ta. Ngài đã làm gương cho chúng ta trong sự:

  • Tôn kính và vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết.
  • Yêu thương, tha thứ, hy sinh cho mọi người.

Đời sống của Đức Chúa Jesus Christ là đời sống vâng giữ trọn vẹn luật pháp của Đức Chúa Trời bởi sự Ngài không hề phạm tội; và làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời để cứu chuộc loài người, bằng cách nhận lãnh án phạt của luật pháp cho mọi tội lỗi của loài người.

Sống như Đấng Christ đã sống là chúng ta hết lòng vâng giữ trọn vẹn luật pháp của Đức Chúa Trời, nghĩa là giữ mình không phạm tội; đồng thời yêu thương mọi người như chính mình, xem người khác là tôn trọng hơn mình, và sẵn sàng hy sinh giúp anh chị em cùng Cha của mình đạt đến địa vị và phẩm chất mà Đức Chúa Trời đã định sẵn cho họ.

“Nhấc những bàn tay yếu đuối” để “làm những lối đi ngay thẳng cho chân” có nghĩa là chúng ta phải ra sức làm việc, chỉnh sửa lối sống của mình để nếp sống luôn luôn công chính. Chúng ta tích cực đọc và suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm để cẩn thận làm theo. Dựa vào Lời Chúa và thánh linh Chúa ban để lấp bằng những lỗ thủng lầm lỗi, sai trái; san bằng những gò nghi ngờ, nhát sợ. Chúng là những sự làm cho đời sống theo Chúa của chúng ta bị khó khăn, nhiều khi gây ra tai nạn và thương tích thuộc linh.

“Người què” tiêu biểu cho người có nếp sống bị ảnh hưởng bởi hậu quả của tội lỗi. Chúng ta có thể lỡ phạm tội, bị ảnh hưởng của sự phạm tội tác động như người bị què thuộc linh. Nhưng nếu chúng ta gắng sức phục hồi bởi ân điển của Chúa; tích cực làm những lối đi ngay thẳng cho chân thì chúng ta sẽ cứ tiếp tục ở trong cuộc sống công chính và được chữa lành chứng què thuộc linh; thay vì bị gạt bỏ qua một bên.

Hê-bơ-rơ 12:12-13 được dựa trên sự dạy dỗ trong Ê-sai và Châm Ngôn:

“Hãy ban bằng lối đi của chân con thì mọi đường lối của con được vững lập.” (Châm Ngôn 4:26).

“Hãy làm cho mạnh những tay yếu đuối của các ngươi và hãy làm cho vững những đầu gối lỏng lẻo!” (Ê-sai 35:3).

Những hang lỗ, gò nổng thuộc linh trong đời sống của chúng ta phần lớn là do chúng ta tự làm ra, do chúng ta thờ lạy thần tượng là các tà thần hoặc những người chúng ta yêu quý; hoặc do chúng ta thần tượng hóa bản ngã, cái “tôi”, của chính mình; hoặc do chúng ta thần tượng hóa những sự tham muốn. Lời Chúa trong Ê-xê-chi-ên 14:3-7 và Ma-thi-ơ 5:29-30 đã tỏ rõ như vậy. Mỗi một sự vấp phạm của chính chúng ta có thể trở thành sự vấp phạm cho nhiều người khác, bao gồm người trong Chúa lẫn người ngoài Chúa.

Ngoài việc ban bằng lối đi của chính mình, chúng ta còn có bổn phận giúp ban bằng lối đi của các anh chị em cùng Cha của chúng ta. Chúng ta giúp anh chị em cùng Cha của mình nhận biết lỗi và sửa lỗi. Chúng ta tạo điều kiện và phương tiện cho anh chị em cùng Cha của mình sống theo Lời Chúa. Chúng ta tích cực chia sẻ Lời Chúa và làm chứng ơn phước Chúa trên đời sống của chúng ta cho anh chị em cùng Cha của mình.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, thêm sự khôn sáng và sức mạnh cho chúng ta trên bước đường theo Chúa và phụng sự Chúa.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
31/08/2019

Ghi Chú

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-giang-906205_i-giang-215-29/

Karaoke Thánh Ca: “Nào Ngờ Thiên Chúa Yêu Tôi”
https://karaokethanhca.net/nao-ngo-thien-chua-yeu-toi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.