Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 02:01-13 Hội Thánh Được Thành Lập

1,824 views

YouTube: https://youtu.be/EYvC4JmJKk0

44004 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-13
Hội Thánh Được Thành Lập

  Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-13

1 Khi ngày Lễ Ngũ Tuần đã đến trọn, hết thảy họ hiệp một tại một chỗ.

2 Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi mạnh, đầy khắp căn nhà mà họ đang ngồi.

3 Những lưỡi như lửa, được thấy bởi họ, chia ra, đậu trên mỗi một người trong bọn họ.

4 Hết thảy họ đều được đầy dẫy thánh linh, khởi sự nói các ngôn ngữ khác, theo như Đấng Thần Linh ban cho họ nói.

5 Có những người Do-thái trú tại Giê-ru-sa-lem, là những người tin kính, từ các dân thiên hạ.

6 Tiếng ấy vang ra, đám đông cùng đến và sững sờ, vì mỗi một người đều nghe họ nói tiếng nói của chính mình.

7 Hết thảy đều kinh ngạc, lấy làm lạ, nói với nhau: Kìa! Không phải hết thảy những người đang nói đó là những người Ga-li-lê sao?

8 Sao chúng ta nghe ai nấy đều nói tiếng nói của chúng ta, trong nơi chúng ta được sinh ra?

9 Những người Bạt-thê, Mê-đi, Ê-la-mít, những cư dân tại Mê-sô-bô-ta-mi, Giu-đê, Cáp-ba-đốc, Bông, A-si;

10 cùng với Phi-ri-gi, Bam-phi-li, Ê-díp-tô, các phần của Li-bi gần Si-ren, những ngoại kiều của Rô-ma; cùng với những người Do-thái và những người theo Do-thái Giáo,

11 những người Cơ-rết và Ả-rập. Chúng ta nghe họ nói trong ngôn ngữ của chúng ta về những sự cao trọng của Đức Chúa Trời.

12 Hết thảy đều kinh ngạc và bối rối, nói với nhau: Việc này là nghĩa làm sao?

13 Những người khác thì chế nhạo, nói: Họ say rượu ngọt.

Các giáo hội mang danh Chúa dạy rằng, Chúa chết vào ngày Thứ Sáu, phục sinh vào Chủ Nhật, thăng thiên vào ngày Thứ Năm, và Hội Thánh được thành lập vào Chủ Nhật. Giáo lý đó là hoàn toàn sai Thánh Kinh và sai lịch sử. Dựa trên các ghi chép trong Thánh Kinh và sử liệu mà chúng ta biết đúng các ngày liên quan đến các sự kiện Đấng Christ bị đóng đinh, chịu chết và được chôn, sống lại và thăng thiên, cùng với ngày Hội Thánh được thành lập. Tất cả các biến cố đó đều xảy ra vào mùa xuân của năm 27 Tây Lịch:

  • Thứ Tư ngày 14 tháng Nisan năm 3787, theo Lịch Do-thái (07/04/27), là ngày Lễ Vượt Qua. Trong ngày đó, Đấng Christ chịu chết trên thập tự giá và được chôn vào lòng đất trước khi mặt trời lặn.

  • Sau ba đêm và ba ngày ở trong lòng đất, Đấng Christ đã phục sinh vào chiều Thứ Bảy, ngày 17 tháng Nisan năm 3787, theo Lịch Do-thái (10/04/27), trước khi mặt trời lặn, nhằm ngày Sa-bát cuối tuần.

  • Sau khi phục sinh, Đấng Christ đã ở với các môn đồ trong 40 ngày, rồi thăng thiên vào Thứ Ba ngày 27 tháng Iyyar năm 3787, theo Lịch Do-thái (20/05/27), tại núi Ô-li-ve.

  • Hội Thánh được thành lập vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Thứ Sáu ngày 06 tháng Sivan năm 3787, theo Lịch Do-thái (28/05/27), tại thành Giê-ru-sa-lem.

Trong thực tế, ngày Chúa chết, ngày Chúa phục sinh, ngày Chúa thăng thiên, và ngày Hội Thánh được thành lập mỗi năm đều rơi vào các ngày thứ khác nhau trong tuần lễ:

  • Ngày Chúa chết có thể rơi vào các ngày Thứ Hai, Thứ Tư, Thứ Sáu, và Thứ Bảy.

  • Ngày Chúa phục sinh có thể rơi vào các ngày Thứ Hai, Thứ Ba, Thứ Năm, và Thứ Bảy.

  • Ngày Chúa thăng thiên có thể rơi vào các ngày Thứ Nhất (Chủ Nhật), Thứ Ba, Thứ Năm, và Thứ Bảy.

  • Ngày Hội Thánh được thành lập cũng là ngày Lễ Ngũ Tuần có thể rơi vào các ngày Thứ Nhất (Chủ Nhật), Thứ Hai, Thứ Tư, và Thứ Sáu.

Quý ông bà anh chị em có thể đọc thêm bài: “Bảy Mươi Tuần Lễ Năm của Đa-ni-ên” đã được đăng trên kytanthe.net [1] và bài “Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh” đã được đăng trên timhieutinlanh.com/thanhoc [2] để thấy các lời tiên tri trong Thánh Kinh về Đấng Christ được ứng nghiệm đúng từng thời điểm trong lịch sử.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự kiện Hội Thánh được thành lập, như đã được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:1-13.

1 Khi ngày Lễ Ngũ Tuần đã đến trọn, hết thảy họ hiệp một tại một chỗ.

Trong tiếng Hán Việt “ngũ” có nghĩa là năm, “tuần” có nghĩa là khoảng thời gian 10 ngày. “Ngũ tuần” có nghĩa là năm tuần, tức là 50 ngày. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh “pen-tây-cót-tây” (G4005) có nghĩa là năm mươi, hàm ý ngày thứ năm mươi sau ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men, được gọi là Lễ Các Tuần Lễ trong Xuất Ê-díp-tô Ký 34:22 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:10; được gọi là Lễ Mùa Gặt trong Xuất Ê-díp-tô Ký 23:16.

Lễ Ngũ Tuần tiêu biểu cho:

  • Sự tái sinh của những ai tin nhận Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 15:20-23), như hạt giống nảy mầm thành tạo vật mới, cho ra nhiều hạt.

  • Sự thành lập Hội Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 2), khi Đấng Christ gặt hái những bông trái đầu mùa của mục vụ rao giảng Tin Lành.

  • Sự luật pháp của Thiên Chúa được chép trong lòng con dân Chúa (Hê-bơ-rơ 8:10; Giê-rê-mi 31:33), bởi sự hiện diện của Đấng Thần Linh trong mỗi con dân Chúa. Ngày này cũng là ngày Đức Chúa Trời ban hành Mười Điều Răn và luật pháp của Ngài cho dân I-sơ-ra-ên tại núi Si-na-i (Xuất Ê-díp-tô Ký 19-20).

Ngày Lễ Ngũ Tuần được biệt riêng làm ngày Sa-bát. Ngày Sa-bát của lễ này làm hình bóng cho sự con dân Chúa được yên nghỉ khỏi gánh nặng của hình phạt từ các điều luật định tội của luật pháp (Rô-ma 8:1).

Khi ngày Lễ Ngũ Tuần đã đến trọn” là khi ngày ấy đã từ ban đêm chuyển sang ban ngày. Một ngày mới trong Thánh Kinh bắt đầu từ ngay sau khi mặt trời lặn của ngày hôm trước và kết thúc ngay khi mặt trời lặn của ngày hôm sau. Như vậy, một ngày mới đến từ buổi chiều tối và khi mặt trời lên thì xem như đã đến trọn.

Hết thảy họ” là hết thảy các môn đồ của Chúa. Họ đã cùng nhau nhóm hiệp tại một chỗ, trong phòng cao, cùng hiệp lòng cầu nguyện và khẩn xin trong suốt bảy ngày qua, kể từ sau khi Đấng Christ thăng thiên.

2 Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi mạnh, đầy khắp căn nhà mà họ đang ngồi.

Thình lình” là bất ngờ xảy ra, không có dấu hiệu hay lời báo trước.

Có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi mạnh” có nghĩa là tiếng động ấy đến từ trời và giống như tiếng gió thổi mạnh, nhưng không phải là tiếng gió.

Tiếng động ấy vang ra khắp căn nhà mà các môn đồ của Chúa đang ngồi nhóm.

3 Những lưỡi như lửa, được thấy bởi họ, chia ra, đậu trên mỗi một người trong bọn họ.

Nguồn: pixabay.com

Những lưỡi như lửa” là sự thánh linh của Thiên Chúa thể hiện như hình dáng ngọn lửa. Các lưỡi ấy chia ra, đáp xuống trên mỗi người đang có mặt trong phòng. Có lẽ các lưỡi ấy giống như ngọn lửa từ một tim đèn hay tim nến.

Những người thuộc các Phong Trào Ân Tứ Ngũ Tuần, nói tiếng lạ, đặt tay té ngã cho rằng, đây là sự kiện các môn đồ của Đấng Christ được Ngài báp-tem bằng lửa. Tuy nhiên, báp-tem có nghĩa là hoàn toàn nhúng chìm vào trong một chất liệu (dầu hay nước) theo nghĩa đen hoặc một hoàn cảnh (sự thương khó, sự bị bách hại, sự bị hình phạt, hay sự chết) theo nghĩa bóng. Một người bị báp-tem bằng lửa là một người bị nhúng chìm hoàn toàn trong lửa theo nghĩa đen, bị nhúng chìm hoàn toàn trong hình phạt đời đời theo nghĩa bóng. Đó chỉ là trường hợp sẽ xảy ra cho những người không có sự cứu rỗi, bị ném vào trong hồ lửa và chịu khổ trong đó cho tới đời đời. Con dân chân thật của Chúa không hề bị báp-tem bằng lửa, mà chỉ được báp-tem, tức được nhúng chìm, vào trong thánh linh của Thiên Chúa. Hơn nữa, Thánh Kinh nói rõ: những lưỡi như lửa, chứ không nói những lưỡi bằng lửa. Nghĩa là không có lửa mà chỉ có hình dáng giống như ngọn lửa. Con dân Chúa mà cầu xin Chúa báp-tem mình trong lửa là cầu xin sai trái trong sự thiếu hiểu biết Lời Chúa.

Đấng Thần Linh giáng xuống trên con dân Chúa và dùng các lưỡi như lửa, tức năng lực của Thiên Chúa được thể hiện qua hình dáng như ngọn lửa, để tiêu biểu cho các việc Ngài làm ra cho Hội Thánh, trong ngày Hội Thánh được thành lập.

Năng lực của Thiên Chúa được thể hiện qua hình dáng như ngọn lửa tiêu biểu cho:

  • Sự thánh hóa bởi Thiên Chúa được làm ra cho mỗi con dân Chúa (Ê-sai 6:6-7; II Tê-sa-lô-ni-ca 2:13).

  • Sự soi dẫn của Thiên Chúa được ban cho mỗi con dân Chúa (Thi Thiên 119:105; Giăng 16:13).

  • Sự thánh linh và các ân tứ của Thiên Chúa đã được ban cho mỗi con dân Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5, 8; I Cô-rinh-tô 12:4; Hê-bơ-rơ 2:4).

  • Sự ấn chứng mỗi con dân Chúa đã được đóng dấu bởi Thiên Chúa, rằng họ đã thuộc về Ngài (II Cô-rinh-tô 1:22; Ê-phê-sô 1:13; 4:30).

Sau sự kiện Đấng Thần Linh giáng trên con dân Chúa người I-sơ-ra-ên tại thành Giê-ru-sa-lem thì Thánh Kinh cũng ghi lại sự kiện Đấng Thần Linh giáng trên gia đình Cọt-nây khi họ đang nghe Phi-e-rơ rao giảng Tin Lành. Họ là những người thuộc dân ngoại (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:44). Sự kiện ấy khiến cho Phi-e-rơ hiểu rằng, Hội Thánh của Chúa bao gồm dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc khác. Gia đình Cọt-nây là những người ngoại đầu tiên được báp-tem trong thánh linh và được nhập vào trong Hội Thánh.

Kể từ đó, bất cứ ai, thuộc bất cứ dân tộc nào, bởi sự thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, được nhận vào trong Hội Thánh, thì đều đương nhiên được thánh hóa, được soi dẫn, được ban cho thánh linh và các ân tứ, được ấn chứng cho địa vị là con trai hoặc con gái của Đức Chúa Trời. Sự kiện này xảy ra một lần đủ cả, sẽ không bao giờ tái diễn trong Hội Thánh. Nghĩa là sẽ không bao giờ có lại sự kiện những lưỡi như lửa hiện ra và giáng xuống trên con dân Chúa.

4 Hết thảy họ đều được đầy dẫy thánh linh, khởi sự nói các ngôn ngữ khác, theo như Đấng Thần Linh ban cho họ nói.

Chúng ta cần phải hiểu rằng, được báp-tem trong thánh linh khác với đầy dẫy thánh linh. Một cái bình được ném chìm vào trong nước thì bình ấy được báp-tem vào trong nước. Nhưng nước có đầy dẫy bình ấy hay không là tùy thuộc bình ấy có hoàn toàn trống rỗng hay không. Một bình trống rỗng được nhúng chìm vào trong nước thì bình ấy sẽ chứa đầy dẫy nước. Nhưng một bình chứa đầy sỏi đá được nhúng chìm vào trong nước thì không thể nào được đầy dẫy nước. Vì số sỏi đá trong bình ấy đã khiến cho bình ấy không thể chứa đầy dẫy nước.

Mỗi con dân Chúa đều được báp-tem vào trong thánh linh ngay khoảnh khắc họ được tái sinh, nhờ thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Nhưng nếu lòng họ vẫn chất chứa những sự yêu thích thế gian thì họ không thể đầy dẫy thánh linh.

Ân tứ đầu tiên Đấng Thần Linh ban cho mỗi con dân Chúa trong ngày Hội Thánh được thành lập là ân tứ thấp nhất, ân tứ nói các ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ. Ân tứ nói các ngôn ngữ khác là ân tứ thấp nhất vì chỉ có thể gây dựng chính mình, không gây dựng cho Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 14:4).

Ân tứ nói các ngôn ngữ khác là do Đấng Thần Linh Thiên Chúa ban cho, không phải do tập luyện hay cầu xin. Thực tế, mỗi một ân tứ đều do Đấng Thần Linh Thiên Chúa chủ động ban cho, tùy ý Ngài:

Hết thảy những sự ấy là cùng một Đấng Thần Linh tác động, theo ý Ngài muốn, phân phát riêng cho mỗi người.” (I Cô-rinh-tô 12:11).

Nói các ngôn ngữ khác không phải là nói “ngôn ngữ lạ” hay nói “tiếng lạ”; không phải là lắp ba lắp bắp những âm thanh vô nghĩa, không có ngữ pháp. Thánh Kinh không hề dùng thuật ngữ “ngôn ngữ lạ” hoặc “tiếng lạ”. Người được ân tứ nói các ngôn ngữ khác là nói một trong các ngôn ngữ của loài người, khác với tiếng mẹ đẻ của mình hoặc tiếng mà mình đã học nói.

Các giáo hội theo các Phong Trào Ân Tứ Ngũ Tuần dạy cho người ta nói tiếng lạ là dạy cho người ta phát ra những âm thanh không phải là ngôn ngữ mà Thiên Chúa đã ban cho loài người. Các nhà ngôn ngữ học đã xác nhận, tiếng lạ họ nói chính là “tiếng lạ” tức là những âm thanh lạ, không phải là ngôn ngữ của loài người [3]. Phong Trào Ân Tứ Ngũ Tuần nói tiếng lạ, đặt tay té ngã là đến từ Sa-tan. Những người nói tiếng lạ và bị đặt tay té ngã đều bị tà linh xâm nhập. Xin quý ông bà anh chị em đọc cuốn sách “Sự Thật về Hiện Tượng Nói Tiếng Lạ và Đặt Tay Té Ngã” đã được liệt kê trong mục: “Sách và Thánh Kinh Điện Tử Miễn Phí” trên khu mạng timhieutinlanh.com và timhieuthanhkinh.com [4].

5 Có những người Do-thái trú tại Giê-ru-sa-lem, là những người tin kính, từ các dân thiên hạ.

Theo mệnh lệnh của Thiên Chúa trong thời Cựu Ước thì mỗi năm, tất cả những người nam I-sơ-ra-ên từ 20 tuổi trở lên đều phải về Giê-ru-sa-lem để nhóm hiệp tại Đền Thờ Thiên Chúa, trong ba kỳ lễ hội: Lễ Bánh Không Men, bao gồm Lễ Vượt Qua; Lễ Ngũ Tuần; và Lễ Lều Trại (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16).

Vào lúc ấy, nhằm Lễ Ngũ Tuần nên có nhiều người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo, có lòng tin kính Thiên Chúa, từ các nơi trong đế quốc La-mã hội tụ về Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Ngũ Tuần. Đế quốc La-mã thời bấy giờ gồm thâu nhiều quốc gia với nhiều dân tộc khác nhau. Dù hai ngôn ngữ chính thời ấy là tiếng La-tinh và tiếng Hy-lạp, nhưng dân địa phương vẫn dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ trên quê hương của họ. Những người I-sơ-ra-ên lưu lạc đến địa phương nào thì học theo tiếng của địa phương ấy. Con cháu của họ lớn lên đều nhận tiếng địa phương làm tiếng mẹ đẻ.

6 Tiếng ấy vang ra, đám đông cùng đến và sững sờ, vì mỗi một người đều nghe họ nói tiếng nói của chính mình.

Tiếng ấy” là âm thanh huyên náo từ sự các môn đồ tôn vinh Chúa bằng các ngôn ngữ khác nhau.

Tiếng ấy từ trong nhà vang ra đường phố, khiến cho nhiều người kéo đến tìm hiểu. Khi đám đông kéo đến thì ai nấy đều sững sờ, vì nghe các môn đồ nói tiếng nói thuộc về ngôn ngữ của chính mình.

7 Hết thảy đều kinh ngạc, lấy làm lạ, nói với nhau: Kìa! Không phải hết thảy những người đang nói đó là những người Ga-li-lê sao?

8 Sao chúng ta nghe ai nấy đều nói tiếng nói của chúng ta, trong nơi chúng ta được sinh ra?

Chúng ta không biết nhờ đâu mà đám đông nhận biết các môn đồ của Chúa là người Ga-li-lê. Có thể là cách mặc quần áo hay đội khăn của họ. Có thể khu phố đó thuộc về nơi cư trú của những người đến từ Ga-li-lê. Nhưng không phải là vì thổ âm xứ Ga-li-lê, vì các môn đồ của Chúa lúc ấy đang nói các ngôn ngữ khác.

Chúng ta có thể hiểu là những người cùng quê thì du hành chung với nhau về Giê-ru-sa-lem để tham dự lễ hội. Vì thế, trong đám đông kéo đến căn nhà các môn đồ của Chúa nhóm hiệp thì dân của địa phương nào tụ tập với dân của địa phương ấy, dùng tiếng mẹ đẻ của họ mà bàn tán với nhau. Lúc này, có lẽ các môn đồ của Chúa đã kéo ra ngoài đường phố. Có thể các môn đồ nói cùng một ngoại ngữ thì đứng gần nhau; và đám dân nghe, hiểu ngoại ngữ nào thì kéo đến gần các môn đồ đang nói các ngoại ngữ ấy.

9 Những người Bạt-thê, Mê-đi, Ê-la-mít, những cư dân tại Mê-sô-bô-ta-mi, Giu-đê, Cáp-ba-đốc, Bông, A-si;

10 cùng với Phi-ri-gi, Bam-phi-li, Ê-díp-tô, các phần của Li-bi gần Si-ren, những ngoại kiều của Rô-ma; cùng với những người Do-thái và những người theo Do-thái Giáo,

11 những người Cơ-rết và Ả-rập. Chúng ta nghe họ nói trong ngôn ngữ của chúng ta về những sự cao trọng của Đức Chúa Trời.

Theo danh sách liệt kê trong Công Vụ Các Sứ Đồ 2:9-11 chúng ta thấy, có ít nhất là 15 nhóm dân với 15 ngôn ngữ khác nhau đã kéo đến, nghe khoảng 120 môn đồ của Chúa dùng ngôn ngữ của họ mà tôn vinh Đức Chúa Trời. Lời Chúa ghi rõ, các ngôn ngữ do Đấng Thần Linh ban cho khoảng 120 môn đồ của Chúa nói đều là các ngôn ngữ của loài người, có người nghe và hiểu. Đó không phải là tiếng lạ, không phải là những âm thanh vô nghĩa.

Dưới đây là bản đồ minh họa địa phương của 15 dân tộc mà ngôn ngữ của họ đã được các môn đồ của Chúa dùng để tôn vinh Đức Chúa Trời trong ngày Hội Thánh được thành lập: Bạt-thê (Parthia), Mê-đi (Media), Ê-la-mít (Elam), Mê-sô-bô-ta-mi (Mesopotamia), Giu-đê (Judea), Cáp-ba-đốc (Cappadocia), Bông (Pontus), A-si (Asia), Phi-ri-gi (Phrygia), Bam-phi-li (Pamphylia), Ê-díp-tô (Egypt), Li-bi gần Si-ren (Cyrene), Rô-ma (Rome), Cơ-rết (Crete), Ả-rập (Arabia).

Nguồn: conformingtojesus.com

https://od.lk/f/NV8xNTU5NzQ3MzBf

12 Hết thảy đều kinh ngạc và bối rối, nói với nhau: Việc này là nghĩa làm sao?

Không riêng gì những người I-sơ-ra-ên đến từ 15 địa phương khác nhau trong đế quốc La-mã, mà ngay cả những cư dân của Giê-ru-sa-lem và các vùng lân cận cũng đều kinh ngạc trước hiện tượng các môn đồ của Chúa nói ngoại ngữ. Họ hỏi nhau ý nghĩa của sự kiện đang xảy ra trước mắt họ.

13 Những người khác thì chế nhạo, nói: Họ say rượu ngọt.

Tuy nhiên, cũng có một số người, có lẽ là cư dân của Giê-ru-sa-lem, vì không hiểu biết ngoại ngữ nên cho rằng, các môn đồ của Chúa đang say rượu và nói nhảm.

Rượu ngọt” là chất nước nho được chọn lấy làm rượu trước khi các trái nho được ép hoàn toàn trong thùng ép nho làm rượu. Loại rượu này giữ được vị ngọt của nước nho nhưng cũng rất dễ làm cho say.

Như chúng tôi đã đề cập trong phần mở đầu, chúng ta đã biết, ngày Lễ Ngũ Tuần có thể rơi vào các ngày Thứ Nhất (Chủ Nhật), Thứ Hai, Thứ Tư, và Thứ Sáu. Nhưng ngày Lễ Ngũ Tuần theo sau ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên vào năm 1446 TCN, sau khi dân I-sơ-ra-ên rời khỏi xứ Ê-díp-tô, đặt chân tới khu vực núi Si-na-i, là nơi Đức Chúa Trời đã ban hành Mười Điều Răn và luật pháp của Ngài cho họ, đã rơi vào Thứ Sáu ngày 02/05/1446 TCN. Ngày Lễ Ngũ Tuần của năm 27, khi Đấng Christ thành lập Hội Thánh, cũng rơi vào Thứ Sáu. Đó là ngày 28/05/27 [5].

Chúng ta cũng biết, Thiên Chúa đã dựng nên loài người vào ngày Thứ Sáu (Sáng Thế Ký 1:26-31). Thiên Chúa đã tái sinh quốc gia I-sơ-ra-ên về mặt thuộc thể vào ngày Thứ Sáu 14/05/1948 [6].

Qua đó, chúng ta thấy, ngày Thứ Sáu trong tuần dường như là ngày được Thiên Chúa chọn để sáng tạo loài người và tái tạo sự sống của con dân Ngài. Vì thế, chúng ta cũng có thể hy vọng rằng, Đấng Christ sẽ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian vào một ngày Thứ Sáu của Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa. Vì ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa tiêu biểu cho sự phục sinh.

Tính tới mùa xuân năm 2027 là tròn hai ngàn năm dân I-sơ-ra-ên bị Thiên Chúa đánh phạt, vì chối bỏ Đấng Christ, hoàn thành lời tiên tri trong Ô-sê 6:1-2. Và như vậy, đó cũng là thời điểm để Thiên Chúa tái sinh quốc gia I-sơ-ra-ên về mặt thuộc linh, trước khi thế gian đi vào Kỳ Tận Thế. Từ nay tới đó, Hội Thánh có thể được cất ra khỏi thế gian bất kỳ lúc nào nhưng các ngày Thứ Sáu nhằm Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa là đáng cho chúng ta chú ý hơn các ngày khác:

  • Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa năm 2023 nhằm Thứ Sáu ngày 07/04/2023.

  • Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa năm 2026 nhằm Thứ Sáu ngày 03/04/2026.

  • Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa năm 2027 nhằm Thứ Sáu ngày 23/04/2027.

Nhưng cũng có thể Đấng Christ sẽ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian vào ngày Sa-bát Thứ Bảy 02/10/2027, nhằm ngày Lễ Thổi Kèn, làm ứng nghiệm ý nghĩa của lễ ấy, là sự thổi kèn triệu tập con dân Chúa trong Hội Thánh vào sự an nghỉ của Sa-bát đời đời.

Ngày Hội Thánh được Đấng Christ đem ra khỏi thế gian, vào trong thiên đàng, sẽ là ngày kết thúc thời kỳ của Hội Thánh trên đất.

Chúng ta không biết chính xác ngày và giờ Đấng Christ sẽ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian nhưng chúng ta biết thời kỳ hay mùa của sự đến của Đấng Christ. Thời kỳ ấy đã đến. Chúng ta đang sống trong thời kỳ ấy. Đấng Christ có thể đến ngay trong hơi thở kế tiếp của chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau sẵn sàng để ra đi với Đấng Christ.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
24/04/2021

Ghi Chú

[1] https://kytanthe.net/006-bay-muoi-tuan-le-nam-cua-da-ni-en/

[2] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[3] https://www.skeptical-science.com/religion/speaking-in-tongues-the-real-story/

[4] https://tinyurl.com/noi-tieng-la

[5] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/thoi-diem-cua-le-phuc-sinh-va-le-ngu-tuan/

[6] https://mfa.gov.il/mfa/foreignpolicy/peace/guide/pages/declaration%20of%20establishment%20of%20state%20of%20israel.aspx

Karaoke Thánh Ca: “Con Thiết Tha Cầu Xin”
https://karaokethanhca.net/con-thiet-tha-cau-xin/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.