Chú Giải I Cô-rinh-tô 15:35-49 Bản Chất của Thân Thể Xác Thịt Phục Sinh

2,459 views

YouTube: https://youtu.be/ZztqAoNS4lI

Chú Giải I Cô-rinh-tô 15:35-49
Bản Chất của Thân Thể Xác Thịt Phục Sinh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

I Cô-rinh-tô 15:35-49

35 Nhưng có người sẽ nói: Làm thế nào những người chết được sống lại? Họ trở lại với thân thể xác thịt nào?

36 Hỡi kẻ dại! Vật ngươi gieo sẽ không được sống trừ khi nó chết.

37 Vật ngươi gieo, ngươi không gieo cái hình thể nó sẽ là, nhưng chỉ là một hạt giống, có thể là hạt giống lúa mì hay là hạt giống nào khác.

38 Đức Chúa Trời ban cho nó một hình thể theo ý Ngài. Mỗi một hạt giống có hình thể riêng của nó.

39 Mọi xác thịt chẳng phải cùng xác thịt. Nhưng thực tế, xác thịt của loài người khác, xác thịt của loài thú khác, xác thịt của loài cá khác, xác thịt của loài chim khác.

40 Cũng có những hình thể thuộc về trời và những hình thể thuộc về đất. Nhưng thực tế, sự vinh quang của hình thể thuộc về trời khác và sự vinh quang của hình thể thuộc về đất khác.

41 Sự vinh quang của mặt trời khác. Sự vinh quang của mặt trăng khác. Sự vinh quang của những ngôi sao khác. Vì ngôi sao này khác ngôi sao kia trong sự vinh quang.

42 Sự sống lại của những người chết cũng như vậy. Vật được gieo ra trong sự hư nát nhưng được sống lại trong sự không thể hư nát.

43 Vật được gieo ra trong sự nhục nhưng được sống lại trong sự vinh. Vật được gieo ra trong sự yếu đuối nhưng được sống lại trong sức mạnh.

44 Vật được gieo ra trong thân thể thiên nhiên nhưng được sống lại trong thân thể thiêng liêng. Có thân thể thiên nhiên và có thân thể thiêng liêng.

45 Vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhất là A-đam đã là một linh hồn sống. A-đam sau cùng là Thần Ban Sự Sống. [Sáng Thế Ký 2:7]

46 Nhưng chẳng phải thể thiêng liêng đến trước, mà là thể thiên nhiên, rồi đến thể thiêng liêng.

47 Người thứ nhất bởi đất mà ra, thuộc về đất. Người thứ nhì là Chúa, bởi trời mà ra.

48 Sự thuộc về đất thế nào, thì những kẻ thuộc về đất cũng thế ấy. Sự thuộc về trời thế nào, thì những ai thuộc về trời cũng thế ấy.

49 Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của người thuộc về trời.

Như chúng ta đã học biết qua Thánh Kinh, loài người là linh hồn ở trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần, cùng lúc ở trong một thân thể vật chất là xác thịt. Linh hồn là bản ngã, có cảm xúc, có nhận thức, có suy luận, và có ý chí. Ý chí là sự tự do lựa chọn điều mình muốn. Khi chúng ta nói: Nguyễn Văn A, hoặc nói: Linh hồn Nguyễn Văn A, hoặc nói: Bản ngã Nguyễn Văn A, là chúng ta nói đến một thực thể loài người có tên là Nguyễn Văn A. Linh hồn Nguyễn Văn A hay bản ngã Nguyễn Văn A chính là Nguyễn Văn A.

Khi Thiên Chúa sáng tạo loài người, Ngài dùng bụi đất kết thành thân thể vật chất. Ngài thổi linh sự sống của Ngài vào thân thể vật chất khiến cho nó trở thành xác thịt. Ngay khi linh sự sống của Thiên Chúa đi vào thân thể vật chất thì linh ấy trở thành thân thể thiêng liêng và linh hồn xuất hiện. Và như vậy, linh hồn ở trong thân thể thiêng liêng là tâm thần; tâm thần ở trong thân thể vật chất là xác thịt. Nói cách khác, mỗi người là một linh hồn có hai bản thể: bản thể thiêng liêng là tâm thần và bản thể vật chất là xác thịt. Tâm thần giúp cho linh hồn nhận thức về thế giới thuộc linh. Xác thịt giúp cho linh hồn nhận thức về thế giới vật chất.

Khi linh hồn và tâm thần bị phân rẽ khỏi xác thịt thì xác thịt trở về cùng bụi đất. Đó là sự chết của thân thể xác thịt. Sự chết của thân thể xác thịt xảy ra sau khi loài người phạm tội, không vâng phục Thiên Chúa. Sự chết của thân thể xác thịt chấm dứt sự phạm tội của loài người. Khi sự chết của xác thịt xảy ra thì tâm thần trở về cùng Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó (Truyền Đạo 12:7); còn linh hồn thì vào trong âm phủ để chờ ngày thân thể xác thịt được sống lại, ra trước tòa phán xét của Đức Chúa Trời. Linh hồn ở trong âm phủ, dù bị phân rẽ khỏi tâm thần và xác thịt, vẫn còn ký ức và khả năng suy luận, nhưng không còn được tự do lựa chọn.

Trước khi Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chết chuộc tội cho loài người thì trong âm phủ được chia làm ba khu vực. Khu vực phước hạnh, gọi là Ba-ra-đi, được dành cho những linh hồn có đức tin nơi Thiên Chúa, như: Môi-se, Áp-ra-ham, Đa-vít. Khu vực bất hạnh dành cho những linh hồn không có đức tin nơi Thiên Chúa. Và vực sâu dành để giam giữ một số thiên sứ phạm tội (Lu-ca 16; II Phi-e-rơ 2:4; Khải Huyền 9). Sau khi thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá và được chôn vào lòng đất, thì linh hồn và tâm thần của Ngài đi vào âm phủ, công bố sự đắc thắng của Tin Lành trước những thiên sứ phạm tội, bị giam trong vực sâu nơi âm phủ.

“Đấng Christ cũng vì những tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng Công Bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài thật đã chịu chết, nhưng tâm thần thì sống. Bởi tâm thần ấy, Ngài đã đi giảng cho các thần linh ở trong ngục, tức là những kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhẫn nại đã có lần chờ đợi cho chiếc tàu được đóng nên, trong đó chỉ có một số ít, là tám linh hồn, được cứu qua nước.” (I Phi-e-rơ 3:19-20).

Xin quý ông bà anh chị em đọc và nghe lại bài giảng “Vài Giả Thuyết Liên Quan đến Sự Chết và Sự Sống Lại của Đức Chúa Jesus Christ” đã được đăng trên timhieutinlanh.com/thanhoc [1].

Sau khi thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus Christ được sống lại, thì Ngài đã đem linh hồn của các thánh đồ thời trước Cựu Ước và thời Cựu Ước từ Ba-ra-đi của âm phủ vào trong thiên đàng:

“Vậy nên, có lời phán: Khi Ngài đã lên nơi cao, Ngài dẫn theo những người bị cầm tù, và ban các ơn cho loài người. [Thi Thiên 68:18]” (Ê-phê-sô 4:8).

Linh hồn của các thánh đồ thời trước Cựu Ước và thời Cựu Ước dù ở trong nơi phước hạnh của âm phủ, nhưng vẫn là một hình thức tạm giam để chờ cho Đức Chúa Jesus Christ hoàn thành sự chết chuộc tội.

Kể từ khi Đức Chúa Jesus Christ thăng thiên cho đến nay và mãi đến Kỳ Tận Thế, những ai tin nhận Tin Lành, khi chết thì thân thể xác thịt ngủ yên trong bụi đất, chờ ngày sống lại, còn linh hồn và tâm thần thì vào trong thiên đàng. Thánh Kinh nói rõ, những thánh đồ qua đời trong Kỳ Tận Thế đều được vào trong thiên đàng, ở dưới bàn thờ trong thành thánh Giê-ru-sa-lem:

“Khi Ngài tháo dấu ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có linh hồn những kẻ đã bị giết vì Lời của Đức Chúa Trời và vì chứng cớ mà họ đã giữ lấy.” (Khải Huyền 6:9).

Thân thể xác thịt của những thánh đồ thuộc Hội Thánh sẽ được sống lại hoặc được biến hóa vào ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.

Thân thể xác thịt của những thánh đồ qua đời trong Kỳ Tận Thế sẽ được sống lại vào cuối Kỳ Tận Thế, trước khi Đấng Christ thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm. Rất có thể cùng một thời điểm với sự sống lại của các thánh đồ thời trước Cựu Ước và thời Cựu Ước.

Thân thể xác thịt của tất cả những người không phải là thánh đồ của Chúa sẽ sống lại sau thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

Từ xưa, nhiều người đã thắc mắc về sự thân thể xác thịt của loài người sẽ sống lại hay sẽ biến hóa như thế nào. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, đã giãi bày cho Hội Thánh chung được biết, qua I Cô-rinh-tô 15:35-49.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của I Cô-rinh-tô 15:35-49.

35 Nhưng có người sẽ nói: Làm thế nào những người chết được sống lại? Họ trở lại với thân thể xác thịt nào?

Đối diện với sự kiện thân thể xác thịt sau khi chết, bị tan rã thành bụi đất hoặc bị thiêu đốt ra tro, thật sự khó mà hình dung ra làm sao thân thể xác thịt đã chết và bị tan rã như vậy có thể sống lại. Nhưng chẳng phải Thánh Kinh đã dạy cho chúng ta biết, thân thể xác thịt của loài người đã được Thiên Chúa tạo ra từ bụi đất hay sao? Và không phải cả thế giới vật chất này đã được Thiên Chúa tạo ra bởi lời phán của Ngài hay sao? Nghĩa là từ chỗ không có vật chất, bởi lời phán của Thiên Chúa mà các loài vật chất xuất hiện, thành thế giới vật chất như chúng ta thấy ngày nay. Nếu là vậy thì có gì là khó đối với Thiên Chúa, trong việc làm cho thân thể xác thịt của một người sống lại từ trong bụi đất?

Ngoài ra, vào buổi đầu sáng thế, khi Thiên Chúa dựng nên loài người, thì thân thể xác thịt của loài người đã được dựng nên với chức năng phản ứng theo điều kiện. Hoặc là chết, tức là bị phân rẽ khỏi linh hồn và tâm thần, trở về với bụi đất; hoặc là không hề chết, nghĩa là luôn kết hiệp với linh hồn và tâm thần.

Nếu loài người không vâng phục Thiên Chúa, thể hiện bằng hành động ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, thì thân thể xác thịt của loài người sẽ chết. Nếu loài người vâng phục Thiên Chúa, thể hiện qua hành động ăn trái của cây sự sống, thì thân thể xác thịt của loài người sẽ không hề chết. Tiếc thay! Loài người đã chọn không vâng phục Thiên Chúa nên sự chết đã vào trong thế gian; và tội lỗi, tức sự không vâng phục Thiên Chúa, cũng vào trong thế gian. Sự độc ác của tội lỗi rất lớn, đến nỗi loài người sẵn sàng giết hại lẫn nhau. Từ đó, mọi người đều đã phạm tội và thân thể xác thịt của mỗi người đều chết. Sự chết của thân thể xác thịt là cần thiết, để chấm dứt sự phạm tội của mỗi người. Và Đức Chúa Trời đã tiền định sự sống lại của loài người để mỗi người phải chịu sự phán xét về mỗi tội lỗi đã làm ra.

“Theo như đã định cho loài người: Chết một lần, sau đó là sự phán xét.” (Hê-bơ-rơ 9:27).

Vì sự sống lại của thân thể xác thịt loài người là ý muốn của Đức Chúa Trời nên Ngài chắc chắn sẽ làm thành ý muốn của Ngài, cho dù một người đã chết hàng nhiều ngàn năm, và thân thể xác thịt của người ấy đã tan rã thành các nguyên tử hóa học, phân tán đi khắp nơi, hình thành các hình thể vật chất khác. Không có gì là không thể được với Thiên Chúa Toàn Năng (Ma-thi-ơ 19:26; Lu-ca 1:37).

36 Hỡi kẻ dại! Vật ngươi gieo sẽ không được sống trừ khi nó chết.

Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, gọi người không tin về sự sống lại của thân thể xác thịt là kẻ dại. Kẻ dại là kẻ thiếu hiểu biết mà lại thiếu suy nghĩ để có thể hiểu biết các lẽ thật.

Đức Thánh Linh cũng qua Phao-lô, nói lên một lẽ thật về sự gieo trồng trong thế giới vật chất của chúng ta. Đó là hạt giống sau khi được gieo xuống đất thì phải chết đi, trước khi phát triển thành một thực vật mới. Sự chết của hạt giống là sự nó phải bỏ đi cái hình thể vốn có của nó để biến hóa thành một hình thể mới. Động từ chết trong câu này chỉ có nghĩa là biến hóa từ một thực thể này sang một thực thể khác.

37 Vật ngươi gieo, ngươi không gieo cái hình thể nó sẽ là, nhưng chỉ là một hạt giống, có thể là hạt giống lúa mì hay là hạt giống nào khác.

38 Đức Chúa Trời ban cho nó một hình thể theo ý Ngài. Mỗi một hạt giống có hình thể riêng của nó.

Khi một người gieo giống, thì người ấy gieo ra những hạt giống của từng loại thực vật mà Đức Chúa Trời đã sáng tạo. Loại nào có hạt giống riêng của loại ấy và hạt giống của loại nào có hình thể riêng của loại ấy. Ngay cả những hạt giống của cùng một loại, mỗi hạt cũng có hình dáng khác nhau. Hình thể của hạt giống được gieo ra hoàn toàn khác với hình thể của thực vật được biến hóa từ hạt giống ấy.

39 Mọi xác thịt chẳng phải cùng xác thịt. Nhưng thực tế, xác thịt của loài người khác, xác thịt của loài thú khác, xác thịt của loài cá khác, xác thịt của loài chim khác.

Thân thể xác thịt của các loài động vật cũng khác nhau và khác với loài người. Khác về chất liệu, khác về số lượng các chất liệu, khác về hình thể, khác về chức năng của các chi thể. Riêng loài người được dựng nên theo hình và tượng của Thiên Chúa. Vì thế, loài người là cao quý hơn hết trong các loài thọ tạo.

40 Cũng có những hình thể thuộc về trời và những hình thể thuộc về đất. Nhưng thực tế, sự vinh quang của hình thể thuộc về trời khác và sự vinh quang của hình thể thuộc về đất khác.

41 Sự vinh quang của mặt trời khác. Sự vinh quang của mặt trăng khác. Sự vinh quang của những ngôi sao khác. Vì ngôi sao này khác ngôi sao kia trong sự vinh quang.

Theo văn mạch, những hình thể thuộc về trời bao gồm mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao. Những hình thể thuộc về đất chính là trái đất và muôn vật trên đất. Sự vinh quang của mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao khác với sự vinh quang của trái đất và muôn vật trên đất.

Ngay cả sự vinh quang của mặt trời cũng khác với sự vinh quang của mặt trăng, và sự vinh quang của mỗi ngôi sao cũng khác nhau.

42 Sự sống lại của những người chết cũng như vậy. Vật được gieo ra trong sự hư nát nhưng được sống lại trong sự không thể hư nát.

Thân thể xác thịt của loài người khi được sống lại sẽ khác với thân thể bị chết. Thân thể bị chết là vật được gieo ra trong sự hư hại. Sự hư hại ở đây là sự thân thể xác thịt bị tan rã thành bụi đất vì hậu quả của tội lỗi. Thân thể xác thịt được sống lại sẽ không thể bị hư hại, tức là sẽ không bao giờ bị tan rã thành bụi đất nữa. Thân thể xác thịt được sống lại của người thuộc về Chúa sẽ đời đời kết hiệp với linh hồn và tâm thần, sống hạnh phúc trong Vương Quốc Đời Đời. Thân thể xác thịt được sống lại của người không thuộc về Chúa sẽ đời đời kết hiệp với linh hồn, chịu khổ đời đời trong hỏa ngục, bởi án phạt của sự chống nghịch Đấng Thiên Chúa Đời Đời. Họ sẽ không có thân thể thiêng liêng là tâm thần. Vì trong hỏa ngục, họ đời đời bị xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9); họ không cần có tâm thần để nhận thức về Thiên Chúa và mọi sự khác trong thế giới thuộc linh.

43 Vật được gieo ra trong sự nhục nhưng được sống lại trong sự vinh. Vật được gieo ra trong sự yếu đuối nhưng được sống lại trong sức mạnh.

Thân thể xác thịt của mỗi người khi chết đều chết trong sự yếu đuối, bệnh tật; và nhiều khi trong sự bị đối xử bất công, như những thai nhi bị giết từ trong bụng mẹ. Cái chết của mỗi người đều là hậu quả của tội lỗi nên mỗi người đều chết trong sự nhục và trong sự yếu đuối.

Thân thể xác thịt của mỗi người khi được sống lại đều là được sống lại trong Đấng Christ nên sẽ sống lại trong vinh quang và trong sức mạnh. Trong vinh quang của sự sáng tạo tốt lành Đức Chúa Trời đã định sẵn và ban cho mỗi người. Trong sức mạnh vì đắc thắng quyền lực của sự chết và có thể sinh hoạt trong thế giới thuộc linh, như thiên đàng hoặc hỏa ngục.

Đối với người thuộc về Chúa thì họ sẽ sống đời đời trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời. Đối với người không thuộc về Chúa thì họ sẽ chịu sự phán xét chung cuộc cho mỗi tội lỗi họ đã làm ra, rồi chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục.

44 Vật được gieo ra trong thân thể thiên nhiên nhưng được sống lại trong thân thể thiêng liêng. Có thân thể thiên nhiên và có thân thể thiêng liêng.

Thân thể thiên nhiên là thân thể xác thịt do cha mẹ sinh ra. Thân thể thiêng liêng là thân thể xác thịt do Đức Chúa Trời tái sinh từ thân thể thiên nhiên đã chết. Đối với một số người trong Hội Thánh, thân thể thiêng liêng là thân thể xác thịt do Đức Chúa Trời biến hóa từ thân thể thiên nhiên đang sống.

Chúng ta cần phân biệt, thân thể thiêng liêng đang được nói ở đây là thân thể xác thịt thiêng liêng, khác với thân thể thiêng liêng là tâm thần. Thân thể thiêng liêng là tâm thần của loài người ra từ hơi linh của Thiên Chúa; còn thân thể xác thịt thiêng liêng của loài người là thân thể vật chất được phục sinh hoặc được biến hóa thành một thân thể vật chất siêu nhiên, có khả năng sinh hoạt trong thế giới thuộc thể lẫn thế giới thuộc linh.

45 Vậy, có lời chép rằng: Người thứ nhất là A-đam đã là một linh hồn sống. A-đam sau cùng là Thần Ban Sự Sống. [Sáng Thế Ký 2:7]

Sáng Thế Ký 2:7 ghi lại sự kiện, sau khi Thiên Chúa thổi linh sự sống của Ngài vào lỗ mũi của thân thể xác thịt loài người được làm ra từ bụi đất, thì loài người trở nên một linh hồn sống. Từ ngữ “a-đam” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là loài người và được dùng làm tên riêng cho thân vị loài người đầu tiên được tạo dựng. Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời, khi a-đam được dùng để chỉ loài người thì được dịch là loài người. Khi a-đam được dùng để chỉ riêng người thứ nhất thì được phiên âm là A-đam.

A-đam thứ nhất là một linh hồn sống, ở trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần và ở trong một thân thể vật chất là xác thịt.

A-đam sau cùng là Đức Chúa Jesus Christ, là Thần Ban Sự Sống (Giăng 5:21; 6:33, 39-40, 54, 57; 11:25), vì Ngài cầm quyền trên sự chết, trở thành nguồn sống của muôn vật, và ban sự sống cho những người thuộc về Ngài. Những người thuộc về Ngài là những ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, và hết lòng sống theo Lời Ngài.

46 Nhưng chẳng phải thể thiêng liêng đến trước, mà là thể thiên nhiên, rồi đến thể thiêng liêng.

Trong chương trình của Đức Chúa Trời, loài người được dựng nên với một thân thể vật chất có thể bị hư hại nếu loài người phạm tội chống nghịch Thiên Chúa. Đó là thân thể xác thịt thiên nhiên, ở dưới những định luật vật lý của thế giới vật chất và sinh hoạt trong thế giới vật chất.

Nhưng Đức Chúa Trời cũng định sẵn cho thân thể xác thịt của loài người có thể biến hóa thành siêu vật chất, không thể bị hư hại, nếu loài người tin kính và vâng phục Thiên Chúa. Đó là thân thể xác thịt thiêng liêng hay thân thể xác thịt siêu vật chất, không ở dưới những định luật vật lý của thế giới vật chất, có thể sinh hoạt trong thế giới vật chất lẫn trong thế giới thuộc linh.

Thân thể xác thịt thiên nhiên được dựng nên. Thân thể xác thịt thiêng liêng được biến hóa từ thân thể thiên nhiên.

47 Người thứ nhất bởi đất mà ra, thuộc về đất. Người thứ nhì là Chúa, bởi trời mà ra.

Người thứ nhất là A-đam. Thân thể xác thịt của A-đam được Thiên Chúa làm ra từ bụi đất nên thuộc về đất. Toàn thể loài người ra từ A-đam. Vì thế, thân thể xác thịt của mỗi người cũng ra từ đất và thuộc về đất, như A-đam. Danh từ đất cần được hiểu là những nguyên tố hóa học ở trong bụi đất. Nhóm chữ thuộc về đất cần được hiểu là thuộc về thế giới vật chất trên đất.

Người thứ nhì là Chúa. Danh từ Chúa trong câu này có nghĩa là Đấng cầm quyền cai trị trên muôn loài, tức là Đức Chúa Jesus Christ. Dù Ngài cũng có thân thể xác thịt nhưng thân thể xác thịt của Ngài do Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri. Vì thế, dù là loài người nhưng Ngài được gọi là Con của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 16:16; Mác 5:7; Lu-ca 8:28; Giăng 6:69; 9:35; 11:4; Rô-ma 1:4; Hê-bơ-rơ 6:6; I Giăng 3:8; 5:5, 12, 20), do Đức Chúa Trời sinh ra (Thi Thiên 2:7; Công Vụ Các Sứ Đồ 13:33; Hê-bơ-rơ 1:5; 5:5), và Ngài từ trời mà xuống (Giăng 3:13, 31; 6:33, 38; 6:50-51, 58).

48 Sự thuộc về đất thế nào, thì những kẻ thuộc về đất cũng thế ấy. Sự thuộc về trời thế nào, thì những ai thuộc về trời cũng thế ấy.

Sự thuộc về đất là tất cả những gì trong thế giới vật chất trên trái đất; là những sự sẽ bị hư hại bởi hậu quả của tội lỗi. Thân thể xác thịt vốn có của loài người là thuộc về đất, được sinh ra trong tội lỗi, thì cũng sẽ bị hư hại.

Sự thuộc về trời là tất cả những gì ở trong thiên đàng hoặc được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, như thân thể xác thịt được phục sinh hoặc được biến hóa của loài người; là những sự được phản chiếu vinh quang của Thiên Chúa và không bao giờ bị hư hại.

49 Như chúng ta đã mang hình ảnh của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của người thuộc về trời.

Mỗi một người trong thế gian đều ra từ A-đam nên thân thể xác thịt đều thuộc về đất như A-đam, mang hình ảnh tội lỗi của A-đam. Mỗi một thánh đồ của Chúa sẽ có thân thể xác thịt được phục sinh hoặc được biến hóa vinh quang và bất tử, như thân thể phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ, Đấng đến từ trời và thuộc về trời. Mang hình ảnh của người thuộc về trời là mang hình ảnh của Đấng Christ theo như ý muốn của Đức Chúa Trời:

“Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:29).

Hình ảnh của Đấng Christ chính là hình ảnh của Thiên Chúa được phục hồi cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời:

“Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ thì người ấy là một tạo vật mới; những sự cũ đã qua đi, này, mọi sự đều trở nên mới.” (II Cô-rinh-tô 5:17).

“…và mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công bình và sự thánh sạch chân thật.” (Ê-phê-sô 4:24)

“…mà mặc lấy người mới, đã được đổi ra mới trong sự tri thức, theo hình ảnh của Đấng đã dựng nên người ấy!” (Cô-lô-se 3:10).

Sự sống lại của thân thể xác thịt loài người là điều sẽ chắc chắn xảy ra. Thân thể xác thịt được sống lại hoặc được biến hóa sẽ là một thân thể vinh quang, bất tử. Vinh quang như A-đam và Ê-va trong ngày được Thiên Chúa dựng nên. Bất tử nghĩa là không còn bao giờ bị phân rẽ khỏi linh hồn là bản ngã của mỗi người.

Thân thể xác thịt được sống lại hoặc được biến hóa của những người thuộc về Chúa, còn gọi là những thánh đồ, thì cứ vinh quang càng hơn tùy theo sự Chúa ban thưởng cho họ về những việc lành trên đất mà họ đã làm ra. Họ sẽ đời đời sống trong hạnh phúc, trong Vương Quốc Trời.

Thân thể xác thịt được sống lại của những người không thuộc về Chúa thì sẽ mất dần sự vinh quang tùy theo mỗi tội họ đã làm ra bị phán xét. Vì sự phạm tội khiến cho loài người bị mất đi sự vinh quang đã được Đức Chúa Trời ban cho họ (Rô-ma 3:23). Họ sẽ đời đời chịu khổ trong hỏa ngục vì không có lòng ăn năn tội, không tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
04/07/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/vai-gia-thuyet-lien-quan-den-su-chet-va-su-song-lai-cua-duc-chua-jesus-christ/

Karaoke Thánh Ca: “Tình Chúa Con Không Hề Quên”
https://karaokethanhca.net/tinh-chua-con-khong-he-quen/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây:
https://christ.thanhkinhvietngu.net