Chú Giải I Ti-mô-thê 03:01-16

4,529 views

Chú Giải I Ti-mô-thê 3:1-16
Tư Cách của Giám Mục và Chấp Sự
Sự Mầu Nhiệm của Sự Tin Kính

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

1 Lời {này là} thật: Nếu người nào mong muốn chức giám mục, thì người ấy ham muốn một việc lành.

2 Vậy, người giám mục cần phải không chỗ trách được, {là} chồng của một vợ, tỉnh táo, biết tự kiềm chế, có nề nếp, hiếu khách, khéo dạy dỗ,

3 không say rượu, không hung bạo, không tham lợi, nhưng dịu dàng, không tranh cạnh, không tham tiền.

4 Là người khéo canh giữ nhà riêng của mình, giữ con cái của mình trong sự vâng phục với trọn lòng tôn kính.

5 Vì nếu một người không biết canh giữ nhà riêng của mình, thì làm sao người ấy sẽ chăm sóc Hội Thánh của Thiên Chúa?

6 Không phải là người mới tin, kẻo người ấy tự kiêu mà rơi vào án phạt của ma quỷ.

7 Ngoài ra, người ấy phải có lời chứng tốt từ những người ngoại, kẻo người ấy rơi vào sự sỉ nhục và bẫy rập của ma quỷ.

8 Những chấp sự cũng {phải} đáng tôn trọng, không nói hai lời, không ghiền rượu, không tham lợi,

9 giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin trong một lương tâm thanh sạch.

10 Những người ấy cũng phải chịu thử nghiệm trước, rồi họ mới phục vụ cách không chỗ trách được.

11 Những phụ nữ cũng vậy, đáng tôn trọng, không vu khống, không say rượu, trung tín trong mọi sự.

12 Những chấp sự là những người chồng của một vợ, khéo cai trị con cái và nhà riêng của họ.

13 Vì ai khéo phục vụ thì đạt được cho mình sự cao trọng, và lòng dạn dĩ lớn trong đức tin, là sự ở trong Đấng Christ Jesus.

14 Ta viết những lời này cho con, mong sớm đến thăm con.

15 Nhưng nếu ta chậm trễ, thì con biết cần phải xử sự như thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa Hằng Sống, trụ và nền của lẽ thật.

16 Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt, đã được xưng nghĩa trong tâm thần, đã được các thiên sứ trông thấy, đã được giảng ra cho các dân ngoại, đã được tin cậy trong thế gian, đã được cất lên trong sự vinh quang.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/f/MV8xNTgwOTQ4NDZf
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9054030-i-ti-mo-the-3_1-16
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/7tmyprlhr84eemq/9054030_I_Timothe_3_1-16.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

Hội Thánh địa phương ở mỗi thành phố có thể chia thành nhiều nhóm khác nhau. Các gia đình ở gần nhau nhất thì nhóm hiệp chung với nhau trong một nhóm. Mỗi nhóm có một trưởng lão là người hiểu biết Lời Chúa, sống thánh khiết, được Chúa giao cho công việc chăn dắt và cai trị con dân Chúa, gọi là giám mục. Nếu nhóm có đông người thì Chúa sẽ ban cho có nhiều trưởng lão khác, phụ giúp giám mục trong việc chăn dắt con dân Chúa. Vậy, giám mục vừa là người cho chiên của Chúa ăn Lời Chúa, vừa làm gương tốt, vừa là người bảo vệ, khích lệ, quở trách, kỷ luật con dân Chúa, vừa là người điều hành các mục vụ trong mỗi nhóm.

Danh từ “chức giám mục” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là chức vụ xem xét và chăn dắt, được dịch từ nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh “ἐπισκοπή”, G1984, (episkopē), /ê-pít-ka-pây/, có nghĩa hẹp là chức điều tra, khám xét, thăm viếng; có nghĩa rộng là chức giám sát, giám thị, quản nhiệm; khi được dùng trong Hội Thánh thì có nghĩa là chức vụ quản lý Hội Thánh. Người làm chức giám mục được gọi là “giám mục”. Danh xưng “giám mục” được dịch từ nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh “ἐπίσκοπος”, G1985, (episkopos), /ê-pít-ko-pót/. Trong Tít 1:7 gọi giám mục là người quản gia của Thiên Chúa. Người quản gia của Thiên Chúa là người trông nom, xem xét mọi sự việc, canh giữ, bảo vệ nhà của Thiên Chúa là Hội Thánh.

Rất tiếc là ngày nay, có nhiều người được Chúa đặt để vào chức vụ giám mục, nhưng chỉ thi hành một chức năng của chức giám mục, là giảng Lời Chúa, mà bỏ qua sáu chức năng còn lại. Họ không bảo vệ con dân Chúa khi thấy tà giáo, tội lỗi xâm nhập Hội Thánh; không lên tiếng bênh vực, khích lệ người bị đối xử bất công hay người đang đối diện với thử thách; không dám lên tiếng thẳng thắn quở trách người có lỗi, có tội; không dám thi hành kỷ luật người có tội mà cứng lòng không chịu ăn năn; không dám nhận trách nhiệm điều hành các mục vụ trong Hội Thánh; và như thế, họ đã không làm gương tốt. Họ như người nông dân chỉ biết vun phân tưới nước mà không làm gì khi đồng ruộng bị sâu, rầy cắn phá, bị cỏ hoang xâm lấn.

Trong Hội Thánh cũng có những người được các trưởng lão chọn ra làm chấp sự. Danh từ “chấp sự” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là người giúp việc cho cấp trên, được dịch từ nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh “διάκονος”, G1249, (diakonos), /đi-a-kô-nót/, có nghĩa hẹp là người hầu bàn, có nghĩa rộng là người phục vụ, người chăm lo cho nhu cầu của người khác.

Chấp sự trong Hội Thánh là người chuyên về những việc giúp cho nhu cầu vật chất của con dân Chúa trong Hội Thánh. Chức vụ chấp sự không do Đức Chúa Trời thiết lập mà là do các sứ đồ thiết lập. Nguồn gốc của chức vụ chấp sự ra từ biến cố được ghi chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 6:1-6:

1 Trong những ngày đó, những môn đồ thêm lên nhiều; xảy ra việc những người Hê-lê-nít lầm bầm nghịch lại những người Hê-bơ-rơ, vì những góa phụ của họ đã bị bỏ bê trong sự cấp phát thức ăn mỗi ngày.

2 Mười hai {sứ đồ} gọi số đông những môn đồ {nhóm lại mà} nói: Đó không phải là lý do {khiến} chúng ta bỏ Lời Đức Chúa Trời để giúp việc bàn ăn.

3 Vậy, các anh chị em cùng Cha hãy tìm chọn trong các anh chị em bảy người có tiếng tốt, đầy dẫy thánh linh và sự khôn sáng, {là} những người chúng ta sẽ giao việc này cho.

4 Còn chúng ta sẽ cứ tiếp tục sự cầu nguyện và chức vụ giảng Lời {Chúa}.

5 Lời {ấy} đẹp lòng cả hội chúng. Họ chọn Ê-tiên, {là} người đầy đức tin và thánh linh, Phi-líp, Bô-cô-rơ, Ni-ca-no, Ti-môn, Ba-mê-na và Ni-cô-la, là người An-ti-ốt mới theo Do-thái Giáo;

6 {rồi} trình bảy người đó trước các sứ đồ. {Các sứ đồ} cầu nguyện và đặt tay lên họ.

Dù chức vụ chấp sự do các sứ đồ thiết lập để chăm lo các nhu cầu thuộc thể cho con dân Chúa trong Hội Thánh, nhưng phẩm chất của chấp sự không khác với phẩm chất của giám mục. Chúng ta có thể xem Công Vụ Các Sứ Đồ 6:3 và I Ti-mô-thê 3:8-12 là tiêu chuẩn Đức Thánh Linh đưa ra để các trưởng lão chọn chấp sự. Từ đó, chúng ta nhận thấy rằng, từ thuộc thể đến thuộc linh, con dân Chúa hoàn toàn thuộc về Chúa, và có bổn phận sống thánh khiết theo Lời Chúa, không để cho thân thể xác thịt của mình bị ô uế vì các việc làm tội lỗi, không để cho thân thể thuộc linh của mình bị ô uế vì các ý tưởng tội lỗi.

Trong những Hội Thánh địa phương có số ít người, nhiều khi trưởng lão làm luôn công việc của các chấp sự. Nhưng khi trong Hội Thánh có người hội đủ tiêu chuẩn để làm chấp sự thì các trưởng lão phải nhanh chóng giao việc cho họ. Có như vậy, các mục vụ trong Hội Thánh mới được dễ dàng phát triển và kết quả tốt.

1 Lời {này là} thật: Nếu người nào mong muốn chức giám mục, thì người ấy ham muốn một việc lành.

Khi một người thật lòng đầu phục Chúa thì người ấy được Chúa ban ơn và kêu gọi vào trong các chức vụ trong Hội Thánh. Chức vụ quan trọng hơn hết trong Hội Thánh là chức vụ giám mục. Vì người giám mục vừa làm công việc rao giảng Lời Chúa cho Hội Thánh, vừa trông nom, xem xét mọi sự việc trong Hội Thánh, vừa canh giữ, bảo vệ Hội Thánh, và phải làm gương tốt cho Hội Thánh. Từ ngữ được dịch là “mong muốn” trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là: Đưa tay ra để nắm lấy. Sự một người mong muốn chức giám mục được nói đến ở đây không phải là sự mong muốn của riêng người ấy, mà là sự mong muốn được chính Chúa tác động trong tâm thần của người ấy. Lời Chúa dạy rõ:

Vì chính Thiên Chúa tác động trong các anh chị em để {các anh chị em} vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.” (Phi-líp 2:13).

Vậy, sự mong muốn chức giám mục được tác động bởi Chúa là ham muốn một việc lành. Chức giám mục trong Hội Thánh của Chúa hoàn toàn khác xa với chức giám mục trong các giáo hội Công Giáo, Chính Thống Giáo, và Tin Lành. Dưới đây là các điều kiện ắt phải có để có thể làm giám mục trong Hội Thánh, do Đức Thánh Linh quy định. Không có điều kiện phải tốt nghiệp trường Thánh Kinh hoặc trường thần học.

2 Vậy, người giám mục cần phải không chỗ trách được, {là} chồng của một vợ, tỉnh táo, biết tự kiềm chế, có nề nếp, hiếu khách, khéo dạy dỗ,

Không chỗ trách được: Không có nghĩa là người không bao giờ phạm lỗi, nhưng là người biết nhận lỗi và chân thành nói lời xin lỗi khi phạm lỗi. Người không chỗ trách được là người hết lòng sống theo Lời Chúa, không cố ý phạm tội.

Chồng của một vợ: Vào lúc thư I Ti-mô-thê được viết, chế độ đa thê (cùng lúc có nhiều vợ) được chấp nhận trong đế quốc La-mã và ngay cả trong văn hóa của người I-sơ-ra-ên. Trong Hội Thánh thời bấy giờ, vẫn có những người cùng lúc có nhiều vợ. Tuy nhiên, Chúa muốn rằng, người làm giám mục chỉ là chồng của một vợ.

Chồng của một vợ không có nghĩa là suốt đời chỉ có một vợ, không tái hôn sau khi vợ qua đời hay sau khi ly dị. Chồng của một vợ chỉ có nghĩa đơn giản là không được cùng một lúc có nhiều vợ. Chồng của một vợ cũng không có nghĩa là người giám mục phải có vợ. Một số giáo phái thuộc Chính Thống Giáo buộc người làm giám mục trong giáo hội của họ phải có vợ và nếu vợ qua đời thì người ấy không còn được làm giám mục. Một số các giáo phái Tin Lành thì không cho phép giám mục hoặc người chăn được tái hôn. Đây là sự hiểu sai và áp dụng sai Lời Chúa. Đức Chúa Jesus Christ được gọi là Đấng Giám Mục của linh hồn chúng ta nhưng Ngài không có vợ (I Phi-e-rơ 2:25). Phao-lô và Ti-mô-thê cũng sống độc thân hầu việc Chúa. Chúa cho phép con dân Chúa được ly dị khi vợ hoặc chồng phạm tà dâm hoặc là người không tin Chúa. Chúa cũng cho phép con dân Chúa được tái hôn. Chúa dạy những người độc thân không có khả năng tự kiềm chế nhu cầu tính dục thì nên kết hôn, để tránh phạm tội tà dâm.

Tỉnh táo: Có khả năng quan sát, nhận xét, và suy luận cách tinh tế, chính xác; không bị ngoại cảnh, hay cảm xúc tâm lý, hay các chất kích thích thần kinh chi phối sự quan sát, nhận xét, và suy luận.

Biết tự kiềm chế: Có nghĩa là không để cho bất cứ điều gì làm cho mình mất bình tĩnh, mất tự chủ, không để cho cảm xúc lấn áp lý trí, không ghiền bất cứ thứ gì.

Có nề nếp: Điều độ và trật tự trong mọi sự.

Hiếu khách: Có lòng sốt sắng, tiếp đón, chăm sóc khách ghé lại nhà mình. Nhưng không có nghĩa là phải cung phụng những kẻ chỉ muốn lợi dụng mình.

Khéo dạy dỗ: Biết giảng dạy Lời Chúa thích ứng với nhu cầu của Hội Thánh; biết hướng dẫn con dân Chúa áp dụng Lời Chúa vào đời sống; biết dùng Lời Chúa để quở trách, sửa trị, giáo dục trong sự công bình (II Ti-mô-thê 3:16).

3 không say rượu, không hung bạo, không tham lợi, nhưng dịu dàng, không tranh cạnh, không tham tiền.

Không say rượu: Không có nghĩa là không được uống rượu, mà chỉ có nghĩa là không uống cho đến say, không còn kiềm chế được mình.

Không hung bạo: Không tấn công người khác, bằng cách dùng sức mạnh thể chất hoặc lời nói với mục đích làm cho người khác bị tổn thương. Nhưng có quyền dùng sức mạnh thể lực và lời nói chân thật để tự vệ khi bị tấn công.

Không tham lợi: Không tham bất cứ một điều gì đem lại lợi ích cho mình; nghĩa là không vì sự lợi ích mà thỏa hiệp với những điều không đúng, hoặc không vì lợi ích mà tự mình làm ra những sự không đúng với Lời Chúa.

Dịu dàng: Không nóng giận, to tiếng; không có thái độ cộc cằn, lời nói cay đắng. Thái độ và lời nói phải phát xuất từ tình yêu thật trong Chúa, với sự nhu mì và khiêm nhường.

Không tranh cạnh: Luôn nhường nhịn người khác, xem người khác là tôn trọng hơn mình. Không áp đặt quan niệm, sở thích, ý muốn của mình lên người khác, buộc họ phải chìu theo mình. Nếu quan niệm, sở thích, ý muốn của anh chị em mình không nghịch lại Lời Chúa, thì mình hãy đặt quan niệm, sở thích, ý muốn của họ trước của mình. Nhưng không có nghĩa là bỏ qua sự sai trái mà không nói lên lẽ thật, không giúp cho anh chị em của mình thấy họ đã phạm lỗi, phạm tội.

Không tham tiền: Không để lòng nương cậy nơi tiền bạc, không say mê việc kiếm tiền, và không kiếm tiền cách bất hợp pháp. Lòng tham tiền là cội rễ của mọi điều ác (I Ti-mô-thê 6:10).

4 Là người khéo canh giữ nhà riêng của mình, giữ con cái của mình trong sự vâng phục với trọn lòng tôn kính.

Khéo canh giữ nhà riêng: Từ ngữ “canh giữ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: Canh chừng, bảo vệ, giúp đỡ, chăm sóc, dẫn dắt. Người giám mục phải khôn sáng, hết lòng trong sự canh chừng, bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ, và dẫn dắt mỗi thành viên trong gia đình, sao cho họ không bị rơi vào cạm bẫy của ma quỷ mà được lớn mạnh trong đức tin, trong sự hiểu biết Lời Chúa, và trong nếp sống thánh khiết theo Lời Chúa.

Giữ con cái trong sự vâng phục với trọn lòng tin kính: Người giám mục dạy và tập cho con cháu trong gia đình biết vâng phục thẩm quyền bởi lòng tin cậy và kính sợ Thiên Chúa.

5 Vì nếu một người không biết canh giữ nhà riêng của mình, thì làm sao người ấy sẽ chăm sóc Hội Thánh của Thiên Chúa?

Nhà riêng là một đơn vị nhỏ, Hội Thánh là một đơn vị lớn hơn, bao gồm nhiều nhà riêng. Người không biết canh giữ một đơn vị nhỏ thì làm sao có thể quản lý một đơn vị lớn bao gồm nhiều đơn vị nhỏ? Trong câu này chúng ta thấy cách dùng chữ: “Hội Thánh của Thiên Chúa”. Đây là một trong mười danh xưng chính thức của Hội Thánh, được dùng trong Thánh Kinh [1].

6 Không phải là người mới tin, kẻo người ấy tự kiêu mà rơi vào án phạt của ma quỷ.

Từ ngữ “mới tin” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: Cây mới được trồng. Người giám mục phải là người tin Chúa lâu năm, đã được tinh luyện bởi Lời Chúa; được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa ít nhất là một năm, theo ý nghĩa chiên con giáp một năm tuổi mới được dùng làm sinh tế dâng lên Chúa. Về tuổi đời thì ít nhất cũng phải là 30 tuổi, theo gương Đức Chúa Jesus bước vào chức vụ khi Ngài được khoảng 30 tuổi (Lu-ca 3:23). Người mới tin Chúa chưa có đủ thời gian để đọc và suy ngẫm Lời Chúa, chưa có đủ thời gian để được tinh luyện bởi Lời Chúa, nên dễ sa vào sự kiêu ngạo, rồi bị hư mất, chịu cùng một án phạt với ma quỷ đời đời trong hỏa ngục.

7 Ngoài ra, người ấy phải có lời chứng tốt từ những người ngoại, kẻo người ấy rơi vào sự sỉ nhục và bẫy rập của ma quỷ.

Dù giám mục là người phục vụ trong Hội Thánh nhưng người ấy trước hết phải là người chiếu sáng sự vinh quang của Thiên Chúa giữa những người không tin Chúa; người ấy phải là muối của đất, sự sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5:13-14), được lời chứng tốt từ những người ngoại. Lời chứng tốt từ những người ngoại không nhất thiết phải là lời khen. Vì những lời chê cười, phỉ báng của người ngoại về nếp sống tin kính Chúa của con dân Chúa cũng chính là lời chứng, rằng họ đã sống đúng theo Lời Chúa và chịu sự bắt bớ, sỉ nhục của thế gian.

Nhưng nếu một người bị thế gian lên án vì việc làm hay nếp sống tội lỗi đang khi người ấy mang danh là con dân Chúa, thì người ấy không thể làm hoặc không thể tiếp tục làm giám mục trong Hội Thánh, cho dù sau khi phạm tội, người ấy đã thật lòng ăn năn. Vì nếu người ấy làm giám mục, thì ma quỷ sẽ tiếp tục sỉ nhục người ấy qua tiếng đồn của những người ngoại và gài bẫy cho người ấy phạm tội.

8 Những chấp sự cũng {phải} đáng tôn trọng, không nói hai lời, không ghiền rượu, không tham lợi,

Trong câu 8 và 9, Phao-lô nói về phẩm chất của các chấp sự trong Hội Thánh.

Đáng tôn trọng: Có nghĩa là xứng đáng để làm gương cho người khác trong nếp sống theo Lời Chúa.

Không nói hai lời: Thành ngữ “người nói hai lời” có nghĩa là một người nói hai lời khác nhau về cùng một sự việc, để phục vụ cho mục đích bất chính của mình. Có thể là cùng một sự việc mà nói với người này lời nói khác với khi nói với người kia. Có thể là nói với người này thì lời nói nghiêng về người này, bênh vực người này; nhưng khi nói với người kia thì lời nói nghiêng về người kia, bênh vực người kia. Có thể là nói với một người nhưng lần nói sau khác với lần nói trước.

Không ghiền rượu: Ghiền rượu là bị nô lệ cho rượu, không thể ngưng sự uống rượu, mà cứ uống nhiều rượu quá mức chịu đựng của cơ thể, khiến cho cơ thể bị hủy hoại bởi rượu.

9 giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin trong một lương tâm thanh sạch.

Lẽ mầu nhiệm của đức tin: Đức tin được nói đến ở đây là đức tin vào Tin Lành cứu rỗi của Thiên Chúa. Lẽ mầu nhiệm của đức tin là lẽ mầu nhiệm của Tin Lành. Tin Lành được gọi là mầu nhiệm vì đó là bí mật của Đức Chúa Trời trong các thời đại trước đây của loài người. Sau khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người thì Đức Chúa Trời mạc khải sự mầu nhiệm ấy cho loài người qua Đức Chúa Jesus Christ. Xin đọc và nghe bài giảng Chú Giải Cô-lô-se 1:21-29 [2].

Giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin trong một lương tâm thanh sạch là hoàn toàn tin nhận và sống theo lẽ thật của Tin Lành; không bằng cảm xúc hay lý trí của xác thịt mà bằng tri thức của tâm thần đã được dựng nên mới trong Đấng Christ.

10 Những người ấy cũng phải chịu thử nghiệm trước, rồi họ mới phục vụ cách không chỗ trách được.

Câu 10 nói chung về cả những người giám mục lẫn chấp sự. Động từ “thử nghiệm” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là chứng minh phẩm chất bằng sự thử thách, như vàng được thử bằng lửa. Dù một người tỏ ra có đủ các phẩm chất đã liệt kê trong các câu từ 2 đến 9 nhưng cũng phải được thử nghiệm trước khi nhận chức vụ giám mục hay chấp sự, thì họ mới phục vụ một cách không chỗ trách được.

Sự thử nghiệm được nói đến ở đây chính là những thử thách Chúa cho phép xảy ra trong đời sống của họ, và họ đã đứng vững trong đức tin, vượt qua những thử thách ấy, với sự chứng kiến của Hội Thánh.

11 Những phụ nữ cũng vậy, đáng tôn trọng, không vu khống, không say rượu, trung tín trong mọi sự.

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống và một vài bản dịch Anh ngữ, kể cả bản King James, dịch là: “Vợ của các chấp sự” là không đúng với nguyên ngữ và văn mạch. Mặc dù trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì danh từ “γυνή”, G1135, (gynē), /gù-nê/ có nghĩa là vợ hoặc đàn bà; nhưng trong nguyên ngữ thì câu 11 không có nhóm chữ “của các chấp sự”. Vì thế, theo văn mạch, danh từ “γυνή” phải được dịch là “phụ nữ”.

Câu 11 nói chung về những phụ nữ trong chức vụ giám mục và chấp sự. Nhiều giáo phái Tin Lành không cho phép phụ nữ làm giám mục, trưởng lão, người chăn, và chấp sự trong tổ chức tôn giáo của họ, vì họ hiểu sai Lời Chúa. Tuy nhiên, Phao-lô có đề cập đến nữ chấp sự Phê-bê trong Rô-ma 16:1. Và khi không có người nam đủ tư cách cai trị dân I-sơ-ra-ên thì Thiên Chúa đã dấy lên nữ Tiên Tri Đê-bô-ra làm quan xét để cai trị họ. Cũng vậy, khi trong Hội Thánh không có người nam đủ tư cách làm giám mục thì một người nữ vẫn có thể đảm nhận chức vụ giám mục cho đến khi Hội Thánh có một nam giám mục. Riêng về chấp sự thì Hội Thánh luôn cần các nữ chấp sự để phục vụ cho các chị em trong Hội Thánh. Có những việc mà nam chấp sự không thuận tiện để giúp đỡ, phục vụ các phụ nữ.

Không vu khống: Phần đông phụ nữ nghiêng về tình cảm hơn là lý trí và hay phỏng đoán sự việc hơn là dựa vào chứng cớ, nên dễ nói không đúng sự thật, trở thành vu khống. Có thể đó là lý do Lời Chúa dành riêng mệnh lệnh này cho các chị em. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là vì thói xấu này không được liệt kê trong khi nói về các nam giám mục và các nam chấp sự, thì các nam giám mục và nam chấp sự có thể vu khống.

Không say rượu: Phụ nữ cũng có thể uống rượu nhưng không được uống đến say.

Trung tín trong mọi sự: Có nghĩa là làm tròn mọi bổn phận. Trung tín trong mọi sự là phẩm chất chung cho con dân Chúa. Nhưng trong câu này, hàm ý về mọi bổn phận của một giám mục hoặc một chấp sự nữ, có lẽ vì sự yếu đuối chung của phụ nữ (I Phi-e-rơ 3:7), nhất là về phương diện cảm xúc. Thí dụ: Sự buồn giận thái quá có thể khiến cho một người buông xuôi công việc.

12 Những chấp sự là những người chồng của một vợ, khéo cai trị con cái và nhà riêng của họ.

Câu 12 lập lại hai phẩm chất của nam giám mục cũng áp dụng cho các nam chấp sự.

13 Vì ai khéo phục vụ thì đạt được cho mình sự cao trọng, và lòng dạn dĩ lớn trong đức tin, là sự ở trong Đấng Christ Jesus.

Câu 13 vừa áp dụng chung cho tất cả các chức vụ trong Hội Thánh, vừa áp dụng cho sự phục vụ Chúa ngoài các chức vụ trong Hội Thánh, vừa áp dụng cho sự phục vụ người khác. Điều ấy đã được Lời Chúa khẳng định trong Cô-lô-se 3:23-24:

Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người. Hãy biết rằng, các anh chị em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng, vì các anh chị em phụng sự Chúa, {là} Đấng Christ.”

Sự cao trọng được nói đến ở đây là sự được Hội Thánh tôn trọng và được Chúa khen thưởng. Lòng dạn dĩ lớn trong đức tin là sự vững vàng hành xử chức vụ theo đúng với đức tin trong Đấng Christ. Đức tin trong Đấng Christ là tin cậy và làm theo một cách không điều kiện tất cả những gì được Đấng Christ giảng dạy. Người giám mục hoặc chấp sự càng trung tín phục vụ Chúa qua Hội Thánh bao nhiêu thì càng vững vàng trong đức tin bấy nhiêu, vì sự thi hành chức vụ đòi hỏi người ấy phải luôn xem xét mọi sự dưới ánh sáng của Lời Chúa, và luôn hành xử đúng theo lẽ thật của Lời Chúa.

Những người giám mục và chấp sự nào không khéo phục vụ, tức không hết lòng thi hành đúng các chức năng của chức vụ theo Lời Chúa, thì không được Hội Thánh tôn trọng, sẽ bị Chúa quở trách, và đức tin của họ không được lớn mạnh.

14 Ta viết những lời này cho con, mong sớm đến thăm con.

15 Nhưng nếu ta chậm trễ, thì con biết cần phải xử sự như thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa Hằng Sống, trụ và nền của lẽ thật.

Đang khi Phao-lô viết hoặc đọc cho người khác viết thư I Ti-mô-thê cho Ti-mô-thê, thì lòng ông mong ước là ông có thể sớm đến Ê-phê-sô để gặp Ti-mô-thê. Nhưng nếu vì lý do gì đó mà ông chậm trễ, thì Ti-mô-thê vẫn có thể dựa vào những gì đã được viết trong thư, để điều hành các sinh hoạt của Hội Thánh tại Ê-phê-sô.

Nhà của Thiên Chúa: Có nghĩa là nơi ngự của Thiên Chúa, nơi con dân Chúa ra mắt Chúa và thờ phượng Chúa. Tuy nhiên, đó không phải là một cấu trúc xây dựng bằng các loại vật liệu, mà là sự hiệp một trong tâm thần của con dân Chúa. Vì thế, bất cứ nơi nào có sự nhóm hiệp của hai hay ba người trong danh Chúa, thì đó là Hội Thánh, và sự nhóm hiệp ấy là sự nhóm hiệp của Hội Thánh, trước sự hiện diện của Chúa.

Hội Thánh của Thiên Chúa Hằng Sống: Là một tên gọi chính thức của Hội Thánh.

Hội Thánh được gọi là trụ và nền của lẽ thật: Là nền có nghĩa là Hội Thánh được xây dựng trên chính Thiên Chúa Ngôi Lời, làm nền tảng đời đời cho Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Là trụ có nghĩa là Hội Thánh chiếu ra vinh quang của Lời Chúa bằng cách rao giảng và sống đúng theo Lời Chúa.

16 Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt, đã được xưng nghĩa trong tâm thần, đã được các thiên sứ trông thấy, đã được giảng ra cho các dân ngoại, đã được tin cậy trong thế gian, đã được cất lên trong sự vinh quang.

Sự tin kính là đức tin và lòng kính yêu Thiên Chúa. Đức tin và lòng kính yêu Thiên Chúa được dựa trên bảy lẽ thật sau đây:

  • Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt: Lẽ thật này xác nhận Ngôi Lời là Thiên Chúa và vì thế, Đức Chúa Jesus Christ vừa là Thiên Chúa vừa là người. Đó là một sự mầu nhiệm:

Vào lúc ban đầu hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. Vào lúc ban đầu Ngài hằng có cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.” (Giăng 1:1-3).

Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, đóng trại giữa chúng ta. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài, là vinh quang của Con Một đến từ nơi Cha, đầy ơn và lẽ thật.” (Giăng 1:14).

  • Thiên Chúa trong xác thịt đã được xưng nghĩa trong tâm thần: Dù Thiên Chúa được sinh ra làm người nhưng thân vị người của Ngài không bị nhiễm tội, vì tâm thần của Ngài là tâm thần Thiên Chúa. Thân thể xác thịt của Ngài gánh thay tội lỗi của loài người và chịu chết, nhưng tâm thần của Ngài thì vẫn sống. Đó là một sự mầu nhiệm:

Đấng Christ cũng vì những tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng tâm thần thì sống.” (I Phi-e-rơ 3:18).

  • Thiên Chúa trong xác thịt đã được các thiên sứ trông thấy: Chẳng những các thiên sứ trông thấy Thiên Chúa trong xác thịt mà họ còn hầu việc Ngài khi Ngài rao giảng Tin Lành và thi hành chương trình cứu rỗi nhân loại. Các thiên sứ là nhân chứng cho sự kiện Thiên Chúa đã trở nên xác thịt. Đó là một sự mầu nhiệm:

Rồi thì Ma Quỷ lìa khỏi Ngài. Kìa, có các thiên sứ đến mà phục vụ Ngài.” (Ma-thi-ơ 4:11).

Có một thiên sứ từ trời hiện ra với Ngài, thêm sức cho Ngài.” (Lu-ca 22:43).

  • Thiên Chúa trong xác thịt đã được giảng ra cho các dân ngoại: Dù Ngài bị chính dân tộc phần xác thịt của Ngài chối bỏ Ngài và giao Ngài vào trong tay dân ngoại, để giết chết Ngài; dù ngay từ ban đầu những ai rao giảng về Ngài thì bị bách hại; nhưng Ngài vẫn được giảng ra cho muôn dân, muôn nước, trong muôn tiếng nói. Khi sự rao giảng đã đến khắp cùng thế gian thì Ngài sẽ giáng lâm, để thiết lập Vương Quốc Trời. Đó là một sự mầu nhiệm:

Tin Lành này về Vương Quốc {Trời} sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ, sự cuối cùng sẽ đến.” (Ma-thi-ơ 24:14).

  • Thiên Chúa trong xác thịt đã được tin cậy trong thế gian: Giữa thế gian điên cuồng chống nghịch sự rao giảng về Thiên Chúa thành người, chịu chết để chuộc tội cho nhân loại, thì vẫn có những người tin nhận và nương cậy vào Ngài, được gọi là Hội Thánh của Ngài. Đó là một sự mầu nhiệm:

Bởi vì Lời về thập tự giá những kẻ bị hư mất cho là ngu dại, nhưng đối với chúng ta, là những người được cứu chuộc, là năng lực của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 1:18).

  • Thiên Chúa trong xác thịt đã được cất lên trong sự vinh quang: Câu này hàm ý thân thể xác thịt của Ngài đã phục sinh sau khi chết. Đó là một sự mầu nhiệm:

Ngài đã bị nộp vì những sự vi phạm của chúng ta, và đã được sống lại vì sự xưng công bình của chúng ta.” (Rô-ma 4:25).

Sự kiện thân thể xác thịt phục sinh của Ngài được cất lên thiên đàng trong sự vinh quang cũng là một sự mầu nhiệm:

{Khi} Ngài đã phán các lời ấy, họ nhìn thấy Ngài được cất lên. Có một đám mây tiếp Ngài khỏi mắt của họ.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:9).

Bảy lẽ thật mầu nhiệm này hợp thành sự mầu nhiệm lớn của đức tin và lòng yêu kính Thiên Chúa trong mọi con dân Chúa. Những giám mục và chấp sự trong Hội Thánh phải thi hành chức vụ của mình với đức tin và lòng yêu kính Thiên Chúa dựa trên bảy lẽ thật này.

Các chấp sự do các trưởng lão chọn ra để giao phó các công việc trong Hội Thánh. Giám mục đầu tiên của một Hội Thánh địa phương chính là người đến đó rao giảng Lời Chúa và gây dựng Hội Thánh địa phương, hoặc là người được các trưởng lão trong một Hội Thánh địa phương cử ra làm giám mục cho một nhóm mới của Hội Thánh. Chính Đức Thánh Linh tác động trong lòng một người để người ấy nhận biết mình được Chúa kêu gọi vào chức mục giám mục; và Đức Thánh Linh cũng tác động trong lòng con dân Chúa, để họ nhận biết người mà Chúa đã kêu gọi vào chức giám mục.

Cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban cho Hội Thánh những lời dạy dỗ về tư cách của giám mục và chấp sự trong Hội Thánh. Cảm tạ Đức Thánh Linh đã giúp cho chúng ta hiểu được những điều Đức Chúa Trời dạy dỗ chúng ta về chức vụ giám mục và chấp sự. Cảm tạ Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đã ban cho Hội Thánh các giám mục và chấp sự. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ Hội Thánh của Ngài cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/09/2017

Ghi Chú

Karaoke: “Từ ngày Có Jesus”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/karaoke-tu-ngay-co-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/hoi-thanh-01-ten-goi-y-nghia-va-dac-tinh/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-1_21-29/