Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 04:01-12 Bài Giảng Thứ Ba của Phi-e-rơ

1,292 views

YouTube: https://youtu.be/vnH32VvkdG0

44010 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 4:1-12
Bài Giảng Thứ Ba của Phi-e-rơ

  Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Kho chứa PDF các bài giảng:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 4:1-12

1 Họ đang nói với dân chúng thì các thầy tế lễ, viên đội trưởng lính của Đền Thờ, và những người Sa-đu-sê bỗng đến với họ.

2 Chúng bực tức vì họ đã dạy dân chúng và công bố trong Đức Chúa Jesus sự sống lại từ những kẻ chết.

3 Chúng đã ra tay bắt họ và giam họ vào ngục cho tới hôm sau, vì bấy giờ đã là buổi chiều.

4 Dù vậy, nhiều người đã nghe Lời được rao giảng thì tin. Số người lên đến khoảng năm ngàn.

5 Vào hôm sau, đã xảy ra sự nhóm hiệp của các kẻ cai trị, các trưởng lão, các thầy thông giáo, tại Giê-ru-sa-lem.

6 Có An-ne, là thầy tế lễ thượng phẩm, Cai-phe, Giăng, A-léc-xan-đơ và nhiều người thuộc về bà con của thầy tế lễ thượng phẩm.

7 Chúng đặt họ vào giữa, hỏi rằng: Trong thẩm quyền nào hoặc trong danh ai mà các ngươi đã làm điều ấy?

8 Bấy giờ, Phi-e-rơ được đầy dẫy thánh linh, đã nói với chúng: Hỡi các nhà cai trị của dân chúng và các trưởng lão của I-sơ-ra-ên!

9 Nếu hôm nay chúng tôi bị tra hỏi về việc lành làm cho một người tàn tật, bởi đó người ấy được chữa lành,

10 thì hết thảy các ông và hết thảy dân I-sơ-ra-ên hãy biết rằng, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ ở Na-xa-rét, Đấng các ông đã đóng đinh trên thập tự giá, Đấng Đức Chúa Trời đã làm cho sống lại từ những kẻ chết, trong Ngài, người này đứng trước các ông, khỏe mạnh.

11 Đấng ấy là khối đá bị xem thường bởi các ông, những kẻ xây nhà, đã trở nên khối đá chính của góc nhà. [Thi Thiên 118:22]

12 Chẳng có sự cứu rỗi trong ai khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho trong loài người, để chúng ta phải được cứu trong danh ấy.

Sau ngày Hội Thánh được thành lập, bài giảng thứ ba do Phi-e-rơ giảng, được ghi lại trong Thánh Kinh, là bài giảng ngắn, gọn dành cho các thầy tế lễ, viên đội trưởng lính của Đền Thờ, và những người Sa-đu-sê tại Giê-ru-sa-lem. Họ là những người thuộc giai cấp cầm quyền trong Do-thái Giáo. Họ tự xưng là những người hiểu biết Thánh Kinh. Thời ấy, Thánh Kinh chỉ có phần Cựu Ước; và bản dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy-lạp, gọi là Bản Dịch 70 [1], được thông dụng. Chính Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài cũng dùng bản dịch này.

Thế nhưng, qua lời giảng của Phi-e-rơ thì chúng ta thấy, họ đã không hiểu biết ý nghĩa của Thánh Kinh. Vì lý trí của họ đã bị chai cứng, lòng của họ có tấm màn che giấu sự vinh quang của lẽ thật từ Lời Chúa. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô, đã nói về họ, như sau:

Nhưng lý trí của họ đã bị chai cứng. Vì cho tới ngày nay, chính cái màn ấy vẫn còn ở trên sự đọc Cựu Ước, chẳng cất khỏi, mặc dù ấy là điều bị qua đi trong Đấng Christ. Vậy nên, mãi tới nay, khi các sách của Môi-se được đọc, cái màn ấy vẫn còn nằm ở trên tấm lòng của họ. Nhưng khi ai trở lại cùng Chúa, thì cái màn ấy bị cất khỏi.” (II Cô-rinh-tô 3:14-16).

Ngay cả khi họ được Phi-e-rơ rao giảng lẽ thật thì họ cũng vẫn không nhận thức được lẽ thật. Đã vậy, họ còn tìm cách đàn áp sự công bố lẽ thật. Sự ấy đã được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 4:1-12.

Chúng ta cần phân biệt rõ, sự thờ phượng Đức Chúa Trời của con dân chân thật của Chúa thời Cựu Ước với sự thờ phượng Đức Chúa Trời của Do-thái Giáo. Con dân chân thật của Chúa thờ phượng Đức Chúa Trời bởi đức tin vào trong Lời Chúa và thờ phượng Chúa theo Lời Chúa. Phần lớn những kẻ theo Do-thái Giáo không thật sự kính sợ Đức Chúa Trời mà chỉ thờ phượng Ngài bằng lễ nghi, hình thức bên ngoài; và họ hoàn toàn không có sự hiểu biết Lời Chúa.

Do-thái Giáo bắt đầu vào khoảng năm 444 TCN, khi Tòa Công Luận Lớn của dân I-sơ-ra-ên thiết lập những lời truyền khẩu diễn giải Ngũ Kinh (năm sách đầu của Thánh Kinh) làm nền tảng cho sự hiểu các điều răn và luật pháp trong Thánh Kinh. Đến thời của Đức Chúa Jesus, những người Pha-ri-si đã khẳng định rằng, một người không thể hiểu các điều răn và luật pháp nếu không tham khảo các lời truyền khẩu. Họ cho rằng, các lời truyền khẩu ấy chính là sự diễn giải trực tiếp từ Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se [2].

Tòa Công Luận là một hội đồng tòa án trong mỗi thị trấn của người I-sơ-ra-ên, chuyên về việc xử án. Tòa Công Luận Lớn ở tại Giê-ru-sa-lem, gồm 71 trưởng lão, nhóm họp mỗi ngày tại Đền Thờ, trừ ngày Sa-bát và các ngày lễ hội. Tòa Công Luận Lớn tại Giê-ru-sa-lem chuyên về việc xét xử các vấn đề liên quan đến việc áp dụng luật pháp của Đức Chúa Trời và các nghi lễ thờ phượng Đức Chúa Trời, xác định ngày trăng mới mỗi tháng, cùng thiết lập những ý tưởng Thần học [3].

Do-thái Giáo chia thành bốn giáo phái chính là phái Pha-ri-si, phái Sa-đu-sê, phái Ét-xen, và phái Xê-lốt. Chỉ có phái Pha-ri-si và phái Sa-đu-sê là được nói đến trong Thánh Kinh. Các chi tiết dưới đây được tham khảo từ https://www.britannica.com/.

1. Phái Pha-ri-si (Pharisees): Danh từ “Pha-ri-si” có nghĩa là những người được biệt riêng. Phái Pha-ri-si tự xem họ là những người được biệt riêng để lo việc sao chép Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh. Phần lớn họ là các Ra-bi (Rabbi – người chuyên việc giảng dạy Thánh Kinh), các thầy thông giáo (người sao chép và giải thích Thánh Kinh), và các nghị viên trong Tòa Công Luận. Mặc dù ngày nay, danh từ Pha-ri-si thường được dùng với nghĩa “kẻ giả hình” nhưng những người Pha-ri-si thuở ban đầu đã gắn bó sâu sắc với hành vi đạo đức và cách tiếp cận Thánh Kinh mang tính học thuật. Phái Pha-ri-si xuất hiện vào khoảng từ năm 165 TCN đến năm 160 TCN. Lập trường về đạo đức của họ bao gồm sự tuân thủ nghiêm khắc các khía cạnh hành vi của Luật pháp Môi-se. Chính họ đã phát triển và thiết lập những lời truyền khẩu diễn giải Ngũ Kinh. Những lời diễn giải ấy được gọi là “Luật Pháp Truyền Khẩu” (The Oral Torah) hoặc “Luật Pháp Bất Thành Văn” (The Unwritten Torah). Danh từ “Torah” trong tiếng Hê-bơ-rơ bao gồm các nghĩa: lời chỉ dẫn, sự giảng dạy, giáo lý, hoặc luật pháp; thường được dùng để gọi chung Ngũ Kinh. Khi chúng ta đọc trong Thánh Kinh, thấy danh từ “luật pháp” để chỉ về luật pháp của Đức Chúa Trời, thì danh từ ấy đặc biệt chỉ về tất cả các mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh, từ Sáng Thế Ký cho đến Phục Truyền Luật Lệ Ký. Trong một ý nghĩa rộng hơn, danh từ “luật pháp” bao gồm toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước.

Những người Pha-ri-si tin vào đời sau và sự phục sinh của thân thể xác thịt theo nghĩa đen. Họ tin vào sự tiền định bởi Thiên Chúa. Họ tìm cách giải thích ý nghĩa của Thánh Kinh sao cho có thể ứng dụng cụ thể vào nếp sống mỗi ngày. Họ chủ trương sự thờ phượng Đức Chúa Trời không chỉ giới hạn trong Đền Thờ tại Giê-ru-sa-lem mà là có thể thực hiện ngay cả ở những nơi xa Đền Thờ và ở ngoài Giê-ru-sa-lem. Vì thế, họ chủ trương xây dựng các nhà hội và tổ chức nhóm hiệp trong các nhà hội vào mỗi ngày Sa-bát.

Đến thời của Đức Chúa Jesus thì phái Pha-ri-si đã bị băng hoại trầm trọng. Ma-thi-ơ đoạn 15 ghi lại lời Đức Chúa Jesus lên án họ về sự dạy cho người ta theo lời truyền khẩu mà bỏ đi các điều răn của Đức Chúa Trời. Ma-thi-ơ đoạn 23 ghi lại lời Đức Chúa Jesus quở trách họ về sự giả hình của họ. Phần lớn những người Pha-ri-si giữ chức vụ thầy tế lễ. Dù vậy, sau khi Đền Thờ bị quân đội La-mã phá hủy vào năm 70, phái Pha-ri-si vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ để bảo tồn văn hóa và đức tin của dân I-sơ-ra-ên, qua sự giảng dạy của họ trong các nhà hội. Nhờ đó mà Do-thái Giáo vẫn còn lưu truyền cho tới ngày nay.

2. Phái Sa-đu-sê (Sadducees): Danh từ “Sa-đu-sê” có nghĩa là những người công chính. Phái Sa-đu-sê có lẽ ra từ dòng họ của Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Xa-đốc, là thầy tế lễ thượng phẩm trong triều đại của Vua Đa-vít và Vua Sa-lô-môn. Phái Sa-đu-sê bao gồm phần lớn giới thầy tế lễ thượng phẩm, các gia đình quý tộc, các thương gia, các nhà giàu có. Phái Sa-đu-sê khác biệt đáng kể với phái Pha-ri-si về thần học của họ. Người Sa-đu-sê không tin vào đời sau, không tin sự thực hữu của các thiên sứ, không tin sự phục sinh của thân thể xác thịt theo nghĩa đen. Ngoài ra, họ không tin những điều luật không được chép trong Thánh Kinh. Vì thế, họ không tin các lời truyền khẩu như phái Pha-ri-si. Họ giải thích và áp dụng các điều răn hoàn toàn theo nghĩa đen. Vì thế, họ nghiêm khắc trong việc thi hành án tử hình và luật “mắt đền mắt, răng đền răng”.

Trên thực tế, mối quan tâm chính của người Sa-đu-sê là chính trị. Họ sẵn sàng hợp tác với nhà cầm quyền. Điều này khiến họ trở thành những công cụ hữu ích cho nhà cầm quyền của đế quốc Hy-lạp và đế quốc La-mã, khi hai đế quốc này đô hộ dân I-sơ-ra-ên. Cũng chính vì thế mà dân I-sơ-ra-ên không ưa thích họ. Họ có khuynh hướng trở thành quý tộc và nắm quyền kiểm soát chức thầy tế lễ thượng phẩm. An-ne và Cai-phe, được đề cập trong Lu-ca 3:2 và Công Vụ Các Sứ Đồ 4:6, đều là người Sa-đu-sê.

Phái Sa-đu-sê đã góp phần tích cực trong việc lên án chết Đức Chúa Jesus. Họ cho rằng, Ngài đã phạm thượng khi xưng là Con của Đức Chúa Trời. Vì sinh hoạt của họ gắn bó chặt chẽ với sinh hoạt của Đền Thờ và sự hợp tác với nhà cầm quyền nên sau khi Đền Thờ bị phá hủy vào năm 70, phái Sa-đu-sê đã dần dần bị tan rã.

3. Phái Ét-xen (Essene): Danh từ “Ét-xen” có nghĩa là tin kính. Phái Ét-xen là một nhóm nhỏ khoảng vài ngàn người. Người Ét-xen sống đời tu sĩ độc thân, không có thành viên là phụ nữ, tài sản được xem là của chung. Họ cảm thấy được Đức Chúa Trời kêu gọi họ tách khỏi xã hội để chuẩn bị cho ngày tận thế. Họ cảm thấy ngày tận thế sắp xảy ra, và nhiệm vụ của họ là kiên nhẫn, thụ động, chờ đợi ngày tận thế. Ngày tận thế đối với họ là ngày mà Đấng Mê-si-a sẽ đến để tiêu diệt nhà cầm quyền La-mã, tái thiết lập vương quốc I-sơ-ra-ên. Họ sống nếp sống lao động chân tay và ẩn dật. Họ cẩn thận vâng giữ các điều răn và luật pháp, đặc biệt là ngày Sa-bát và các nghi thức tẩy uế. Họ dành riêng ngày Sa-bát để suy ngẫm Ngũ Kinh. Họ tin nhận sự sống đời đời và sự tội lỗi sẽ bị trừng phạt bởi Thiên Chúa. Nhưng họ không tin sự sống lại của thân thể xác thịt. Một số người trong phái Ét-xen xa lánh việc thờ phượng Đức Chúa Trời trong Đền Thờ, vì sự hủ hóa trong giới thầy tế lễ.

Thành viên mới chỉ được tiếp nhận sau một năm thử nghiệm nhưng không thể tham gia các bữa ăn chung trong hai năm kế tiếp. Những người đủ điều kiện làm thành viên được kêu gọi tuyên thệ lòng tin kính đối với Thiên Chúa, sống công chính đối với loài người, ghét sự giả dối, yêu lẽ thật, và trung thành tuân theo tất cả các nguyên lý khác của phái Ét-xen. Sau đó, họ mới được phép dùng bữa ăn trưa và bữa ăn tối trong sự im lặng, với những người khác.

Họ đã sản xuất các tài liệu viết tay được tìm thấy hàng ngàn năm sau đó, được gọi là Cuốn Sách Biển Chết (Dead Sea Scrolls). Những tài liệu vô cùng quan trọng này đã giúp cho chúng ta thấy, Thánh Kinh Cựu Ước đã được sao chép chính xác và bảo quản cẩn thận như thế nào, qua nhiều thế kỷ.

4. Phái Xê-lốt (Zealot): Danh từ “Xê-lốt” có nghĩa là cuồng tín. Xê-lốt giáo phái nhỏ, nghiêng về chính trị. Tương tự như phái Ét-xen, phái Xê-lốt tin rằng, ngày tận thế sắp đến. Tuy nhiên, thay vì sống thụ động như những người Ét-xen, họ nhiệt thành tin rằng, hành động của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thời điểm và cách thức ngày tận thế xảy ra. Họ tin rằng, họ được Đức Chúa Trời kêu gọi họ thực hiện các hành động bạo lực chống lại nhà cầm quyền La-mã và kích động những người khác tham gia với họ, để ngày tận thế sớm đến. Họ không thể chấp nhận những kẻ theo ngoại giáo, thờ đa thần, cai trị họ. Họ kỳ thị và khinh bỉ những người I-sơ-ra-ên nào muốn sống hòa bình với nhà cầm quyền La-mã. Họ tin rằng, họ phải thay mặt Thiên Chúa trừng trị những kẻ phạm tội, nếu không, Thiên Chúa sẽ hình phạt cả dân tộc I-sơ-ra-ên. Rất có thể, Ba-ra-ba mà dân I-sơ-ra-ên đòi Phi-lát tha ra, thay vì Đức Chúa Jesus, là một người thuộc phái Xê-lốt.

Về mặt thần học, người Xê-lốt hoàn toàn giống với người Pha-ri-si, ngoại trừ sự cuồng tín, xem sự chống lại nhà cầm quyền La-mã là thiên chức. Họ vừa xung đột với những người Sa-đu-sê vốn thân thiện, hợp tác với người La-mã, vừa đánh giết lính và quan chức người La-mã bằng các hình thức khủng bố và ám sát. Sự nổi loạn lần thứ nhất của họ từ năm 66 đến năm 70 đã khiến cho người La-mã mạnh tay đàn áp người I-sơ-ra-ên, dẫn đến sự Đền Thờ Thiên Chúa và thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 70. Sự nổi loạn lần thứ nhì vào năm 73 bị thất bại, toàn thể hơn 800 người Xê-lốt bị bao vây trên đỉnh núi Ma-xa-đa (Masada) đã tự sát thay vì đầu hàng người La-mã.

1 Họ đang nói với dân chúng thì các thầy tế lễ, viên đội trưởng lính của Đền Thờ, và những người Sa-đu-sê bỗng đến với họ.

Đại danh từ “họ” trong phân đoạn này là chỉ về Phi-e-rơ và Giăng. Trong lúc Phi-e-rơ và Giăng còn đang giảng giải cho khoảng 2.000 người về sự Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh Cựu Ước thì các thầy tế lễ, viên đội trưởng lính của Đền Thờ, và những người Sa-đu-sê bỗng xuất hiện.

Các thầy tế lễ là các thầy tế lễ đang có phiên trực hàng tuần vào lúc ấy. Viên đội trưởng lính của Đền Thờ là người cầm đầu một đội quân người I-sơ-ra-ên, được nhà cầm quyền La-mã cho phép trang bị vũ khí, để giữ gìn trật tự và bảo vệ Đền Thờ. Viên đội trưởng này là người có quyền lực thứ nhì, theo sau thầy tế lễ thượng phẩm. Những người Sa-đu-sê là những người I-sơ-ra-ên thuộc phái Sa-đu-sê đang có mặt để dự buổi dâng tế lễ và cầu nguyện buổi chiều. Vì người Sa-đu-sê, không tin về sự sống lại của thân thể xác thịt nên khi nghe tin có người rao giảng về sự người chết sống lại, thì họ đã kéo đến xem.

2 Chúng bực tức vì họ đã dạy dân chúng và công bố trong Đức Chúa Jesus sự sống lại từ những kẻ chết.

Công bố trong Đức Chúa Jesus” có nghĩa là công bố trong danh của Đức Chúa Jesus và công bố về Đức Chúa Jesus. Lời công bố của Phi-e-rơ về sự sống lại của Đức Chúa Jesus cũng chính là lời dạy về sự sống lại của thân thể xác thịt, là điều mà phái Sa-đu-sê cực lực bác bỏ. Đây là đề tài tranh cãi lớn giữa phái Pha-ri-si và phái Sa-đu-sê, mà Phao-lô đã tận dụng để khiến cho có sự bất đồng trong Tòa Công Luận, khi ông bị họ xét xử (Công Vụ Các Sứ Đồ 23).

3 Chúng đã ra tay bắt họ và giam họ vào ngục cho tới hôm sau, vì bấy giờ đã là buổi chiều.

Câu này hàm ý, với sự yêu cầu của những người Sa-đu-sê, với sự đồng ý của các thầy tế lễ, viên đội trưởng đã sai lính bắt giam Phi-e-rơ và Giăng để đưa ra xét xử trước Tòa Công Luận. Giờ cầu nguyện buổi chiều vào khoảng từ 2 tới 3 giờ chiều. Với sự kiện người què được chữa lành và lời rao giảng của Phi-e-rơ cho dân chúng, có lẽ khi Phi-e-rơ và Giăng bị bắt giam thì đã vào khoảng 4 tới 5 giờ chiều, mà khoảng 6 giờ thì mặt trời lặn, bước sang một ngày mới.

4 Dù vậy, nhiều người đã nghe Lời được rao giảng thì tin. Số người lên đến khoảng năm ngàn.

Danh từ “Lời” trong câu này chỉ về Lời Chúa, hàm ý, những gì Phi-e-rơ rao giảng là trực tiếp đến từ Đức Chúa Trời, bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh.

Số người” là số người tin nhận Tin Lành từ ngày Hội Thánh được thành lập cho tới thời điểm Phi-e-rơ và Giăng bị bắt giam. Trong ngày Hội Thánh được thành lập đã có khoảng 3.000 người tin nhận. Trong ngày người què từ trong lòng mẹ được chữa lành đã có khoảng 2.000 người tin nhận.

5 Vào hôm sau, đã xảy ra sự nhóm hiệp của các kẻ cai trị, các trưởng lão, các thầy thông giáo, tại Giê-ru-sa-lem.

Các kẻ cai trị” bao gồm thầy tế lễ thượng phẩm và các thầy tế lễ, cùng viên đội trưởng lính của Đền Thờ.

Các trưởng lão” là các nghị viên trong Tòa Công Luận.

Các thầy thông giáo” là những người phụ trách việc sao chép Thánh Kinh và giải thích Thánh Kinh.

6 Có An-ne, là thầy tế lễ thượng phẩm, Cai-phe, Giăng, A-léc-xan-đơ và nhiều người thuộc về bà con của thầy tế lễ thượng phẩm.

Trong Lu-ca 3:2 cho biết, cả An-ne và Cai-phe đều là thầy tế lễ thượng phẩm; nhưng An-ne là thầy tế lễ thượng phẩm do Thống Đốc Qui-ri-ni-u chỉ định từ năm 7 TCN tới năm 14. Khi Đức Chúa Jesus bị bắt và khi Phi-e-rơ cùng Giăng bị bắt, thì An-ne không còn ở trong chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm, mà là Cai-phe, nhưng An-ne vẫn được gọi là thầy tế lễ thượng phẩm. Có lẽ khi ấy An-ne là người đứng đầu Tòa Công Luận. An-ne là cha vợ của Cai-phe.

Chúng ta không biết gì về Giăng và A-léc-xan-đơ, nhưng có lẽ độc giả của Lu-ca vào thời ấy biết rõ. Có thể họ là hai nhân vật nổi tiếng trong Tòa Công Luận tại Giê-ru-sa-lem vào thời bấy giờ. Có lẽ họ cùng các người bà con của thầy tế lễ thượng phẩm đều thuộc phái Sa-đu-sê, là phái bài bác giáo lý thân thể xác thịt được sống lại.

7 Chúng đặt họ vào giữa, hỏi rằng: Trong thẩm quyền nào hoặc trong danh ai mà các ngươi đã làm điều ấy?

Các kẻ cai trị, các trưởng lão, các thầy thông giáo, các bà con của thầy tế lễ thượng phẩm đã nhóm hiệp thành một vòng tròn và Phi-e-rơ cùng Giăng bị giải ra, đặt đứng giữa vòng những người xét xử họ.

Làm điều ấy” là làm sự chữa lành người què và rao giảng về sự sống lại của Đức Chúa Jesus, công bố Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, tức Đấng Mê-si-a được hứa trong Cựu Ước.

Vào thời ấy, người nào muốn rao giảng về Thiên Chúa hoặc giảng dạy Thánh Kinh đều phải được sự chấp thuận của Tòa Công Luận, tức là phải rao giảng và dạy dỗ bởi thẩm quyền Tòa Công Luận ban cho. Những người làm phép lạ thì nhân danh thần linh mà họ tôn thờ. Vì thế, mà câu hỏi đặt ra cho Phi-e-rơ và Giăng là: Trong thẩm quyền nào hoặc trong danh ai mà các ngươi đã làm điều ấy?

8 Bấy giờ, Phi-e-rơ được đầy dẫy thánh linh, đã nói với chúng: Hỡi các nhà cai trị của dân chúng và các trưởng lão của I-sơ-ra-ên!

Con dân Chúa khi hết lòng tin kính Chúa và sống theo Lời Chúa thì luôn được đầy dẫy thánh linh. Nhưng trong sinh hoạt thường ngày, họ hoàn toàn được tự do chọn hành xử hoặc là theo thần trí hoặc là theo sự ham muốn bất chính của xác thịt. Khi họ hành động theo thần trí thì đó là hành động bởi sự đầy dẫy thánh linh. Khi họ hành động theo sự ham muốn bất chính của xác thịt thì đó là họ hành động trong sự giới hạn thánh linh mà Đấng Thần Linh đã ban cho họ (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:19). Ngoài ra, một người nói hoặc làm bởi sự được đầy dẫy thánh linh còn có nghĩa là Đức Thánh Linh nói và làm qua người ấy.

9 Nếu hôm nay chúng tôi bị tra hỏi về việc lành làm cho một người tàn tật, bởi đó người ấy được chữa lành,

10 thì hết thảy các ông và hết thảy dân I-sơ-ra-ên hãy biết rằng, trong danh của Đức Chúa Jesus Christ ở Na-xa-rét, Đấng các ông đã đóng đinh trên thập tự giá, Đấng Đức Chúa Trời đã làm cho sống lại từ những kẻ chết, trong Ngài, người này đứng trước các ông, khỏe mạnh.

Phi-e-rơ khẳng định rằng, việc người què từ trong lòng mẹ đã hơn 40 tuổi được chữa lành là một việc lành. Theo văn hóa của dân I-sơ-ra-ên, việc lành là việc đến từ Đức Chúa Trời. Vậy, Phi-e-rơ công bố việc làm của ông là đến từ Đức Chúa Trời. Việc làm đến từ Đức Chúa Trời thì đương nhiên là bởi thẩm quyền do Đức Chúa Trời ban cho.

Phi-e-rơ nói tiếp, việc làm lành bởi thẩm quyền của Đức Chúa Trời mà ông làm là làm trong danh của Đức Chúa Jesus Christ ở Na-xa-rét. Làm trong danh của Đức Chúa Jesus Christ ở Na-xa-rét có nghĩa là thay cho Đấng Christ để hành động. Phi-e-rơ dùng danh xưng Đức Chúa Jesus Christ ở Na-xa-rét để vừa nhấn mạnh Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, tức Đấng Mê-si-a, vừa nhấn mạnh đó là Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá. Vì khi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh, Tổng Đốc Phi-lát đã sai lính La-mã đóng trên thập tự giá một tấm bảng do ông viết bằng ba thứ tiếng: Hê-bơ-rơ, La-tinh (tức tiếng La-mã), và Hy-lạp. Lời được viết trên bảng là: “Jesus, Người Na-xa-rét, Vua của Dân Do-thái” (Giăng 19:19-20).

Phi-e-rơ tiếp tục công bố, Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá là bởi các kẻ đang tra xét ông và Giăng; và Ngài đã được Đức Chúa Trời làm cho sống lại. Phép lạ mà Phi-e-rơ làm ra trong danh của Đức Chúa Jesus Christ ở Na-xa-rét đã khiến cho người què từ trong lòng mẹ, đã hơn 40 tuổi, được khỏe mạnh. Tính từ “khỏe mạnh” có nghĩa là không có một tật bệnh gì trong thân thể.

11 Đấng ấy là khối đá bị xem thường bởi các ông, những kẻ xây nhà, đã trở nên khối đá chính của góc nhà. [Thi Thiên 118:22]

Phi-e-rơ tiếp tục dùng Thi Thiên 118:22 vừa để cáo tội những người đang xét xử ông và Giăng, vừa để khẳng định, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ. Ông cáo buộc họ là những kẻ cầm quyền trong dân I-sơ-ra-ên. Họ có nhiệm vụ gây dựng thuộc linh cho dân I-sơ-ra-ên. Họ có nhiệm vụ suy ngẫm Lời Chúa và nhận thức rằng, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Mê-si-a đã được hứa trong Thánh Kinh. Thế nhưng, chẳng những họ đã chối bỏ Ngài mà còn giết Ngài. Nhưng Đức Chúa Jesus Christ thật là khối đá chính của góc nhà để xây dựng nên nhà của Thiên Chúa, là Hội Thánh.

Vì chúng tôi là bạn cùng làm việc với Thiên Chúa. Các anh chị em là ruộng của Thiên Chúa, là nhà của Thiên Chúa.” (I Cô-rinh-tô 3:9).

Nhưng nếu ta chậm trễ, thì con biết cần phải xử sự như thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa Hằng Sống, trụ và nền của lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 3:15).

Lời cáo buộc và khẳng định của Phi-e-rơ cũng chính là lời cáo buộc và khẳng định của Đức Thánh Linh, vì Đức Thánh Linh đang phán qua môi miệng của Phi-e-rơ.

12 Chẳng có sự cứu rỗi trong ai khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho trong loài người, để chúng ta phải được cứu trong danh ấy.

Sự cứu rỗi được nói đến ở đây là sự cứu ra khỏi án phạt của sự phạm tội. Sự phạm tội là bất cứ ý nghĩ, lời nói, việc làm nào nghịch lại các điều răn của Thiên Chúa [4]. Án phạt ấy là sự bị hư mất đời đời trong hỏa ngục, như đã được Lời Chúa nói rõ.

Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Khải Huyền 20:11-15

11 Rồi, tôi đã thấy một ngai trắng, lớn, và Đấng ngự trên nó. Đất và trời trốn khỏi mặt Ngài, chẳng còn thấy chỗ của chúng.

12 Tôi đã thấy những kẻ chết, nhỏ lẫn lớn, đứng trước Đức Chúa Trời. Có những sách được mở ra. Lại có một sách khác là Sách Sự Sống được mở ra. Những kẻ chết bị phán xét bởi những việc đã được ghi lại trong những sách ấy, tùy theo những việc làm của họ.

13 Biển đã trao ra những kẻ chết trong nó. Sự chết và âm phủ cũng đã trao ra những kẻ chết trong chúng. Mỗi người bị phán xét tùy theo những việc làm của họ.

14 Sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là sự chết thứ nhì.

15 Bất cứ ai không được tìm thấy được chép trong Sách Sự Sống thì cũng bị ném vào hồ lửa.

Ở dưới trời” tức là ở trên đất, nơi Đức Chúa Trời đặt để loài người. Trên khắp đất chẳng có tên của bất cứ ai, ngoài tên của Đức Chúa Jesus, khiến cho loài người phải nhờ vào đó mà được cứu rỗi.

Được cứu trong danh của Đức Chúa Jesus có nghĩa là được cứu nhờ tin vào lời dạy và việc làm của Ngài. Bởi tin vào lời dạy và việc làm của Đức Chúa Jesus mà một người thật lòng hối cải, tức là đau đớn vì đã phạm các điều răn của Thiên Chúa và không còn muốn tái phạm; vui mừng tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus.

Ngày nay, trong thế gian có vô số các tổ chức tôn giáo đưa ra những phương cách cứu rỗi loài người. Thậm chí có những tổ chức tôn giáo mang danh của Đức Chúa Trời và danh của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng tất cả chỉ là sự lừa gạt của ma quỷ. Tất cả chỉ là cỏ lùng do ma quỷ gieo vào trong thế gian mà hàng tỉ người ngộ nhận đó là lúa mì. Không một giáo hội hay giáo phái nào là Hội Thánh. Chỉ có một Hội Thánh duy nhất là tập thể của bất cứ ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, hết lòng sống theo Thánh Kinh, và chịu báp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Bài giảng của Phi-e-rơ dành cho các kẻ cầm quyền trong dân I-sơ-ra-ên thời bấy giờ, tuy ngắn, gọn, nhưng đầy đủ. Bài giảng ấy vừa chỉ ra cho họ biết, Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ; vừa lên án họ đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá, thay vì tiếp nhận Ngài; vừa khẳng định sự sống lại của thân thể xác thịt; vừa khẳng định sự cứu rỗi chỉ có trong Đức Chúa Jesus Christ. Tiếc thay, không một người nào trong số những người đã nghe chịu tin nhận lời giảng của Phi-e-rơ. Họ chỉ muốn bảo vệ chức vụ và quyền hành trong tay.

Ngày nay, có nhiều người tự xưng là người rao giảng Tin Lành và giảng dạy Lời Chúa nhưng cũng mù lòa thuộc linh, không nhận biết lẽ thật của Lời Chúa. Họ không nhận biết rằng, Chúa chỉ lập nên Hội Thánh chứ Ngài không lập nên các giáo hội. Họ chối bỏ điều răn thứ tư, chối bỏ việc giữ ngày Sa-bát của Thiên Chúa. Họ vu khống và bách hại những ai giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy theo Thánh Kinh. Họ không thể nhìn thấy lẽ thật của Lời Chúa vì mắt thuộc linh của họ đã bị danh vọng, chức vụ, và quyền thế trong các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa làm cho mù lòa. Nếu họ không kịp thời ăn năn thì phần đã định cho họ đã được tiên tri trong Ô-sê 4:6. Hậu quả sự vô tín của họ gây hại đến con cháu của họ, vì chính họ dẫn dắt chúng đi vào con đường chống nghịch điều răn của Thiên Chúa. Có thể nói, bài giảng thứ ba của Phi-e-rơ, sau khi Hội Thánh được thành lập, cũng chính là bài giảng dành cho hàng giáo phẩm trong các tổ chức tôn giáo mang danh Chúa ngày nay. Rất tiếc, hầu hết những người trong số họ cũng như hàng giáo phẩm trong Do-thái Giáo cách nay gần hai ngàn năm, vẫn cứng lòng và mù lòng bởi những sự ham muốn bất chính của xác thịt.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/06/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://thewordtoyou.net/dictionary/B%E1%BA%A3n%20D%E1%BB%8Bch%2070

[2] https://www.patheos.com/library/judaism/origins/beginnings?p=2

[3] https://www.jewishvirtuallibrary.org/the-sanhedrin

[4] https://timhieutinlanh.com/cac-dieu-ran-cua-thien-chua/

Karaoke Thánh Ca: “Xin Mãi Chẳng Lìa Con”
https://karaokethanhca.net/xin-mai-chang-lia-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.