Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL060 Lời Quở Trách và Lời Mời Gọi của Đức Chúa Jesus

133 views

YouTube: https://youtu.be/qLUUjvjqfX8

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL060 Lời Quở Trách và Lời Mời Gọi của Đức Chúa Jesus
Ma-thi-ơ 11:20-30

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 11:20-30

20 Rồi, Ngài bắt đầu quở trách các thành mà hầu hết những phép lạ của Ngài đã làm ra trong chúng. Vì họ chẳng ăn năn.

21 Khốn thay cho ngươi, thành Cô-ra-xin! Khốn thay cho ngươi thành Bết-sai-đa! Vì những phép lạ đã làm trong các ngươi nếu đã làm ra trong thành Ti-rơ và thành Si-đôn, thì họ đã ăn năn từ lâu trong áo gai và tro.

22 Vậy nên, Ta bảo các ngươi, trong ngày phán xét, thành Ti-rơ và thành Si-đôn sẽ được dễ chịu hơn các ngươi.

23 Còn ngươi, Ca-bê-na-um, đã được nâng lên đến trời, sẽ bị hạ xuống đến âm phủ! Vì những phép lạ đã làm trong ngươi nếu đã làm trong Sô-đôm, thì nó vẫn còn lại tới ngày nay.

24 Vậy nên, Ta bảo các ngươi rằng, trong ngày phán xét, đất Sô-đôm sẽ được dễ chịu hơn các ngươi.

25 Trong lúc đó, Đức Chúa Jesus tiếp tục nói và thưa: Hỡi Cha! Chúa của Trời và Đất! Con cảm tạ Ngài! Vì Ngài đã giấu những điều này khỏi những người khôn sáng, những người thông minh, mà đã tỏ chúng ra cho chúng, những trẻ thơ.

26 Thưa Cha, thật như vậy! Vì ấy là sự thỏa lòng trước Cha.

27 Mọi việc đã được giao cho Ta bởi Cha Ta. Ngoài Cha không có ai nhận biết Con. Cũng không có ai nhận biết Cha, ngoài Con và bất cứ ai mà Con muốn bày tỏ.

28 Hãy đến với Ta! Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng! Ta sẽ cho các ngươi sự yên nghỉ.

29 Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì các ngươi sẽ tìm thấy sự yên nghỉ cho linh hồn của các ngươi.

30 Vì ách của Ta dễ chịu và gánh của Ta là nhẹ nhàng.

Minh Họa Vị Trí Các Thành Cô-ra-xin, Bết-sai-đa, Ca-bê-na-um, Ti-rơ, và Si-đôn
Tải xuống: https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/03/IroraenVaoTheKyThuNhat.jpg

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về lời Đức Chúa Jesus quở trách dân trong các thành I-sơ-ra-ên đã không tin Ngài, dù họ đã được tận mắt chứng kiến nhiều phép lạ do Ngài làm ra. Chúng ta cũng học về lời Đức Chúa Jesus mời gọi bất cứ ai có nan đề đến với Ngài, để linh hồn được yên nghỉ.

20 Rồi, Ngài bắt đầu quở trách các thành mà hầu hết những phép lạ của Ngài đã làm ra trong chúng. Vì họ chẳng ăn năn.

Như chúng ta đã học biết, Đức Chúa Jesus là tiên tri làm ra nhiều phép lạ nhất, trong số tất cả các tiên tri trong dân I-sơ-ra-ên. Có thể nói, tất cả những phép lạ của tất cả các tiên tri đã làm ra cũng không nhiều bằng số phép lạ mà Đức Chúa Jesus đã làm ra. Sứ Đồ Giăng công bố:

Nhưng còn có nhiều việc mà Đức Chúa Jesus đã làm. Những việc ấy nếu được ghi chép theo từng việc thì ta tưởng rằng, chính thế gian không thể chứa hết các sách được ghi chép. A-men!” (Giăng 21:25).

Thánh Kinh ghi lại 40 phép lạ Đức Chúa Jesus đã làm ra. Có những phép lạ Đức Chúa Jesus đã làm ra trước hàng ngàn người, đem lại ích lợi cho hàng ngàn người, như hai lần Ngài hóa bánh ra nhiều cho khoảng bốn ngàn người và cho khoảng năm ngàn người ăn.

Những người I-sơ-ra-ên nghe Đức Chúa Jesus giảng dạy đều lấy làm lạ, vì Ngài giảng dạy cách có uy quyền (Ma-thi-ơ 7:28-29; 22:33; Mác 1:22; 11:18; Lu-ca 4:32). Thế nhưng, trong số hàng ngàn người nghe Ngài giảng dạy và nhìn thấy Ngài làm phép lạ, chẳng có bao nhiêu người tin Ngài. Họ có thể tin rằng, sự giảng dạy của Ngài là có uy quyền và hợp lý. Nhưng họ không ăn năn, tức là không tiếp nhận sự giảng dạy của Ngài. Tương tự như những người nghiện thuốc lá tin lời bác sĩ nói về sự tai hại thuốc lá gây ra cho thân thể họ, nhưng họ không từ bỏ sự hút thuốc lá.

Cũng chính vì thế mà Ngài phán lời quở trách về hai thành Cô-ra-xin và Bết-sai-đa, là hai thành mà Ngài đã đến, làm phép lạ và giảng dạy, sau khi Ngài đã sai mười hai sứ đồ đi đến các thành và các làng khác.

21 Khốn thay cho ngươi, thành Cô-ra-xin! Khốn thay cho ngươi thành Bết-sai-đa! Vì những phép lạ đã làm trong các ngươi nếu đã làm ra trong thành Ti-rơ và thành Si-đôn, thì họ đã ăn năn từ lâu trong áo gai và tro.

22 Vậy nên, Ta bảo các ngươi, trong ngày phán xét, thành Ti-rơ và thành Si-đôn sẽ được dễ chịu hơn các ngươi.

Nhìn vào bản đồ chúng ta thấy, thành Cô-ra-xin thuộc xứ Ga-li-lê, nằm về phía tây của sông Giô-đanh và ở phía bắc của thành Ca-bê-na-um. Cô-ra-xin (G5523) có nghĩa là “lò bốc khói”. Thành Bết-sai-đa cũng thuộc xứ Ga-li-lê nhưng nằm về phía đông của sông Giô-đanh, bên bờ Biển Ga-li-lê, đối ngang với thành Ca-bê-na-um. Đây là sinh quán của các sứ đồ Phi-líp, Phi-e-rơ, và Anh-rê. Và rất có thể cũng là sinh quán của hai sứ đồ Gia-cơ và Giăng. Bết-sai-đa (G966) có nghĩa là: “nhà đánh cá”.

Thành Cô-ra-xin, thành Bết-sai-đa, và thành Ca-bê-na-um đều là các thành của dân I-sơ-ra-ên. Dân chúng trong các thành này được ưu tiên nghe giảng Tin Lành và còn được chính Đức Chúa Jesus rao giảng cho họ. Đức Chúa Jesus đã làm ra nhiều phép lạ, cứu giúp những người đau yếu, tật bệnh; bao gồm các chứng: câm, điếc, mù, què, phong hủi, sốt rét; đuổi quỷ cho những người bị quỷ ám; thậm chí, gọi người chết sống lại. Thế nhưng, họ đã không ăn năn, không từ bỏ nếp sống tội để được vào trong Vương Quốc Trời.

Thành Ti-rơ và thành Si-đôn là hai thành thuộc dân ngoại. Ti-rơ nằm trên một hòn đảo bằng đá, còn Si-đôn thì nằm trên bờ Địa Trung Hải. Ti-rơ (G5184) có nghĩa là: “hòn đá”. Si-đôn (G4605) có nghĩa là: “săn bắn”. Hiện nay, cả hai thành này đều thuộc về Li-băng (Lebanon).

Khi Đức Chúa Jesus đã nói rằng, “Vì những phép lạ đã làm trong các ngươi nếu đã làm ra trong thành Ti-rơ và thành Si-đôn, thì họ đã ăn năn từ lâu trong áo gai và tro.” Thì chúng ta tin rằng, dân Ti-rơ và Si-đôn sẽ ăn năn, nếu họ được nghe Chúa giảng và thấy Chúa làm ra các phép lạ. Điều này dẫn đến một câu hỏi quan trọng. Chúa đã biết chắc dân thành Ti-rơ và Si-đôn sẽ ăn năn nếu Chúa đến giảng và làm ra những phép lạ, thì tại sao Chúa lại không thi hành linh vụ tại hai thành ấy? Câu trả lời chắc chắn là vì: Chúa muốn làm ơn cho ai thì Ngài sẽ làm ơn, Chúa muốn thương xót ai thì Ngài sẽ thương xót, và Chúa muốn làm cứng lòng ai thì Ngài sẽ làm (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19; Rô-ma 9:18). Còn lý do là vì Đức Chúa Jesus chỉ rao giảng cho dân I-sơ-ra-ên (Ma-thi-ơ 15:24). Rồi chính dân I-sơ-ra-ên sẽ rao giảng cho các dân tộc khác. Đó là chương trình của Đức Chúa Trời. Trong thực tế, Đức Chúa Jesus cũng có ghé qua Ti-rơ và Si-đôn. Tại đó, Ngài đã đuổi quỷ cho đứa con gái của một người đàn bà Ca-na-an (Ma-thi-ơ 15:21-28).

Ăn năn trong áo gai và tro” là hình thức thể hiện sự ăn năn của dân Trung Đông từ thời Cựu Ước cho tới lúc ấy. Người ăn năn tội mặc áo dệt bằng vải cây gai, thô nhám, rắc tro hoặc bụi đất trên đầu, và kiêng ăn.

Trong ngày phán xét chung cuộc, dân thành Ti-rơ và Si-đôn sẽ chịu án phạt nhẹ hơn dân thành Cô-ra-xin và dân thành Bết-sai-đa vào thời Đức Chúa Jesus.

23 Còn ngươi, Ca-bê-na-um, đã được nâng lên đến trời, sẽ bị hạ xuống đến âm phủ! Vì những phép lạ đã làm trong ngươi nếu đã làm trong Sô-đôm, thì nó vẫn còn lại tới ngày nay.

24 Vậy nên, Ta bảo các ngươi rằng, trong ngày phán xét, đất Sô-đôm sẽ được dễ chịu hơn các ngươi.

Ca-bê-na-um (G2584) có nghĩa là: “làng của sự an ủi”. Thành Ca-bê-na-um nằm trên bờ phía tây bắc của Biển Ga-li-lê. Thành này cũng được gọi là thành của Đức Chúa Jesus, vì Ngài cư trú tại đó, sau khi Ngài rời bỏ trú quán gần 30 năm của Ngài là thành Na-xa-rét.

Mệnh đề “đã được nâng lên đến trời” có lẽ bao gồm hai ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất là thành Ca-bê-na-um đã có vinh dự được Đức Chúa Jesus chọn làm nơi cư trú; và từ đó, Ngài đã rao giảng và làm nhiều phép lạ, chọn và sai 12 sứ đồ đi giảng Tin Lành. Nghĩa thứ nhì là thành Ca-bê-na-um vào thời ấy rất thịnh vượng, giàu có.

Mệnh đề “sẽ bị hạ xuống đến âm phủ” hàm ý thành sẽ bị hủy diệt và dân chúng sẽ bị hư mất đời đời. Trong thực tế, cả ba thành Cô-ra-xin, Bết-sai-đa, và Ca-bê-na-um vào thời ấy đã hoàn toàn bị hủy diệt bởi quân Hồi Giáo, vào thế kỷ thứ 7 và 8. Ngày nay, chỉ còn lại những tàn tích.

Dân Sô-đôm là độc ác và là những kẻ phạm tội rất nghiêm trọng trước Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (Sáng Thế Ký 13:13). Cùng với thành Gô-mô-rơ bên cạnh, thành Sô-đôm đã bị Đức Chúa Trời hủy diệt bằng lửa. Thế nhưng, trong ngày phán xét chung cuộc, dân thành Ca-bê-na-um vào thời của Đức Chúa Jesus sẽ bị án phạt nặng hơn dân thành Sô-đôm. Điều này khiến cho chúng ta hiểu rằng: Mọi việc làm tội lỗi của mỗi người sẽ bị phán xét cách công chính và bị hình phạt cách xứng đáng. Nhưng những ai có cơ hội nghe giảng Tin Lành mà không ăn năn, không tin nhận Tin Lành, thì sẽ bị hình phạt nặng hơn. Điều này cũng giúp cho chúng ta hiểu rằng, những người đã tin nhận Tin Lành nhưng về sau, quay lại sống trong tội, thì họ sẽ bị hình phạt nặng nhất.

25 Trong lúc đó, Đức Chúa Jesus tiếp tục nói và thưa: Hỡi Cha! Chúa của Trời và Đất! Con cảm tạ Ngài! Vì Ngài đã giấu những điều này khỏi những người khôn sáng, những người thông minh, mà đã tỏ chúng ra cho chúng, những trẻ thơ.

26 Thưa Cha, thật như vậy! Vì ấy là sự thỏa lòng trước Cha.

Ngay trong lúc Đức Chúa Jesus phán lời quở trách dân chúng của ba thành Cô-ra-xin, Bết-sai-đa, và Ca-bê-na-um thì Ngài đã dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời. Ngài gọi Đức Chúa Trời là Cha của Ngài và là Chúa của Trời và Đất. Đức Chúa Trời là Cha của Đức Chúa Jesus vì Đức Chúa Trời đã sinh ra thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus cách màu nhiệm, trong lòng trinh nữ Ma-ri. Đức Chúa Trời là Chúa của Trời và Đất vì Đức Chúa Trời là Thiên Chúa, Đấng dựng nên muôn loài, trong đó có các tầng trời và đất. Danh xưng “Chúa của Trời và Đất” được dùng chung cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì cả ba thân vị Thiên Chúa đồng công trong sự sáng tạo muôn loài. Ý muốn của Đức Chúa Trời, tiếng phán của Ngôi Lời, và năng lực của Đấng Thần Linh đã dựng nên muôn loài. Bởi đó, chúng ta cũng hiểu rằng, danh xưng “Chúa” của Đức Chúa Jesus và của Đấng Thần Linh (II Cô-rinh-tô 3:17) cũng có nghĩa là “Chúa của Trời và Đất”. Vương Quốc Trời được Thiên Chúa ban cho loài người và quyền cai trị được giao cho Đức Chúa Jesus, vì Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là loài người. Vì thế, Đức Chúa Jesus còn có danh xưng: “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa”.

Đức Chúa Jesus đã tạ ơn Đức Chúa Trời về sự kiện Đức Chúa Trời đã giấu những sự màu nhiệm về Tin Lành đối với những kẻ xưng mình là khôn sáng và thông minh. Nhưng Đức Chúa Trời đã tỏ ra Tin Lành màu nhiệm cho những trẻ thơ.

Những kẻ xưng mình là khôn sáng và thông minh chính là những người Pha-ri-si, những thầy thông giáo trong Do-thái Giáo. Họ là những người suốt đời suy ngẫm và giải thích Thánh Kinh Cựu Ước, giảng dạy ý nghĩa của Thánh Kinh Cựu Ước cho dân I-sơ-ra-ên. Nhưng họ không hiểu ý nghĩa những lời tiên tri về Đấng Mê-si-a và linh vụ của Ngài. Họ không hiểu Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời ban cho loài người qua Đấng Mê-si-a. Vì thế, họ không nhận biết Đức Chúa Jesus chính là Đấng Mê-si-a, tức là Đấng Christ. Đó là vì sự kiêu ngạo của họ. Đó cũng là tình trạng chung trong các trường Thánh Kinh và Thần học ngày nay của các giáo hội mang danh Chúa. Biết bao nhiêu người mang danh là tiến sĩ Thần học nhưng họ đã không hiểu được một lẽ thật căn bản, là con dân Chúa phải vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Trong đó, có sự phải tôn thánh ngày Thứ Bảy là ngày Sa-bát của Thiên Chúa.

Những trẻ thơ chính là những người bình dân thất học hoặc ít học, trong đó, có các môn đồ của Chúa. Chính Đức Chúa Jesus đã phán bảo mọi người phải trở nên như đứa trẻ để được vào Vương Quốc Trời, phải khiêm nhường như đứa trẻ để trở nên lớn, trong Vương Quốc Trời (Ma-thi-ơ 18:3-4).

Đức Chúa Jesus đã dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự hiểu biết màu nhiệm về Tin Lành mà Đức Chúa Trời đã ban cho những môn đồ của Ngài. Đức Chúa Jesus gọi sự những môn đồ của Ngài nhận biết Tin Lành, trong khi những kẻ khôn sáng của thế gian thì không nhận biết, là sự vui thỏa trước Đức Chúa Trời. Hay nói cách khác, Đức Chúa Trời thỏa lòng trong sự ấy. Về sau, Sứ Đồ Phao-lô đã nói lên lẽ thật này, trong I Cô-rinh-tô 1:26-29.

Đức Chúa Jesus đã lặp lại lời tuyên xưng này một lần nữa, được Lu-ca ghi lại trong Lu-ca 10:21-22, sau khi 70 môn đồ của Ngài được Ngài sai đi giảng Tin Lành đã hoàn thành linh vụ, và trở về báo cáo với Ngài.

27 Mọi việc đã được giao cho Ta bởi Cha Ta. Ngoài Cha không có ai nhận biết Con. Cũng không có ai nhận biết Cha, ngoài Con và bất cứ ai mà Con muốn bày tỏ.

Mọi việc” bao gồm các việc: rao giảng Tin Lành, giãi bày về Thiên Chúa, thi hành sự chết chuộc tội cho loài người, thiết lập và cai trị Hội Thánh, phán xét toàn thế gian trong Kỳ Tận Thế, thi hành sự phán xét chung cuộc, thiết lập và cai trị Vương Quốc Trời.

Đức Chúa Trời nhận biết Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, vì chính Ngài sinh ra thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus trong lòng trinh nữ Ma-ri, và ban chức vụ Đấng Christ cho Đức Chúa Jesus. Nếu không có sự giãi bày của Đức Chúa Trời trong thần trí của một người thì người ấy không thể nhận biết Đức Chúa Jesus là Đấng Christ. Khi Phi-e-rơ tuyên xưng Đức Chúa Jesus là “Đấng Christ, Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống”, thì Đức Chúa Jesus đã phán rằng: “Phước cho ngươi! Hỡi Si-môn, con của Giô-na! Vì chẳng phải thịt và máu tỏ cho ngươi nhưng Cha của Ta, Đấng ở trong các tầng trời” (Ma-thi-ơ 16:17).

Trong vòng loài người, chỉ một mình Đức Chúa Jesus nhận biết Đức Chúa Trời. Vì Ngài ra từ trời và cùng là Thiên Chúa như Đức Chúa Trời. Chính Ngài đã giãi bày về Thiên Chúa cho loài người (Giăng 1:18). Chỉ qua Đức Chúa Jesus mà một người mới có thể nhận biết, Đức Chúa Trời là Thiên Chúa và là Cha ở trên trời của mình. Đức Chúa Jesus chỉ bày tỏ về Đức Chúa Trời cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, hết lòng sống theo Lời Chúa. Sự nhận biết về Đức Chúa Trời đến từ Đức Chúa Jesus không phải là sự nhận biết bằng lý trí, như các giáo sư Thần học, mà là sự nhận biết bằng thần trí, làm rung động cả linh hồn.

28 Hãy đến với Ta! Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng! Ta sẽ cho các ngươi sự yên nghỉ.

Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa nhập thế làm người, đã chết thay cho loài người để cứu chuộc họ ra khỏi hậu quả của tội lỗi. Ngài đã đến với loài người và Ngài kêu gọi họ đến với Ngài. Loài người cần đến với Đức Chúa Jesus để được yên nghỉ khỏi sự mệt mỏi vì gánh nặng của tội lỗi; và ngay cả sự mệt mỏi vì gánh nặng của tôn giáo.

Loài người mệt mỏi vì mặc cảm phạm tội và vì hình phạt dành cho tội lỗi, trong đời này và trong đời sau. Mặc cảm phạm tội khiến cho loài người đau lòng và bất an, gớm ghét chính mình. Hình phạt dành cho tội lỗi trong đời này là ốm đau, tật bệnh, già yếu, và sự chết của thân thể xác thịt. Hình phạt dành cho tội lỗi trong đời sau là đời đời bị phân rẽ khỏi Thiên Chúa, chịu khổ trong hỏa ngục.

Loài người mệt mỏi vì gánh nặng tôn giáo khi đi tìm sự cứu rỗi trong các tôn giáo, kể cả các tôn giáo mang danh Chúa, như Do-thái Giáo, Công Giáo, Chính Thống Giáo, Anh Giáo, và Tin Lành. Vì các tôn giáo bẻ cong Lời Chúa, thêm vào hoặc bớt đi Lời Chúa, giảng dạy các tà giáo, dẫn những người tin theo chúng ngày càng cách xa lẽ thật. Các tôn giáo đặt ra nhiều gánh nặng về nghi thức, luật lệ tôn giáo hoàn toàn không có trong Thánh Kinh, áp đặt trên những người tin theo chúng. Nhưng các tôn giáo không hề đem lại sự bình an và yên nghỉ, tức là sự cứu rỗi thật ra khỏi mọi hậu quả của tội lỗi.

Đức Chúa Jesus hoàn toàn giải phóng những ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Họ được hoàn toàn nghỉ ngơi khỏi bất cứ gánh nặng nào. Họ được hoàn toàn tự do lựa chọn ở lại trong sự cứu rỗi của Ngài hoặc chọn quay về sống trong tội. Sự yên nghỉ Đức Chúa Jesus ban cho họ là sự bình an và thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ, chờ ngày được Đức Chúa Jesus đem họ vào trong thiên đàng.

29 Hãy mang lấy ách của Ta trên các ngươi và học theo Ta, vì Ta có lòng nhu mì và khiêm nhường, thì các ngươi sẽ tìm thấy sự yên nghỉ cho linh hồn của các ngươi.

30 Vì ách của Ta dễ chịu và gánh của Ta là nhẹ nhàng.

Ách là một nông cụ bằng gỗ, đặt trên vai của gia súc để chúng kéo cày, kéo bừa, hoặc kéo xe. Trong Thánh Kinh, cái ách được tiêu biểu cho các sự sau đây:

  • Sự nô lệ (Lê-vi Ký 26:13; Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:48).

  • Sự vâng phục và phụng sự Thiên Chúa (Giê-rê-mi 5:5).

  • Sự hình phạt kẻ phạm tội (Ca Thương 1:14).

  • Sự khó khăn trong đời sống (Ca Thương 3:27).

  • Những nghi thức tôn giáo vô nghĩa (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:10; Ga-la-ti 5:1).

  • Sự liên kết hoặc hiệp một (II Cô-rinh-tô 6:14).

Mang lấy ách của Đức Chúa Jesus có nghĩa là hiệp một với Ngài, cùng Ngài chịu khổ, vâng phục Đức Chúa Trời và phụng sự Đức Chúa Trời, ngay trong cuộc đời này.

Người đến với Đức Chúa Jesus cần phải học theo Ngài, nghĩa là trở nên môn đồ của Ngài, bắt chước nếp sống của Ngài. Với lòng nhu mì và khiêm nhường, Đức Chúa Jesus bước đi bên cạnh những ai tin nhận Ngài, làm gương cho họ, khích lệ họ, và khi cần thì nâng đỡ họ.

Chữ “nhu mì” (G4239) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là “mềm mại, dịu dàng”. Một người nhu mì là một người chậm nóng giận, dù bị đối xử bất công, sẵn sàng để tha thứ, tôn trọng mọi người, không ganh tị, vui mừng tiếp nhận sự khuyên bảo. Lòng nhu mì khiến cho một người chậm giận, dù là sự giận công chính, sự giận khi thấy các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời bị vi phạm. Lòng nhu mì khiến cho một người giúp cho người có lỗi, có tội đến với sự ăn năn.

Chữ “khiêm nhường” (G5011) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là không kiêu ngạo, không khoác lác, không khoe khoang quá mức giá trị thật của mình, không đòi hỏi người khác phải tôn cao mình, biết từ bỏ địa vị cao trọng của mình để hòa nhập với người khác hầu có thể nâng họ lên cùng một địa vị với mình. Khiêm nhường còn là nhận biết giá trị thật sự của mình để học tập nơi người hiểu biết hơn mình.

Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng dựng nên muôn loài bởi các lời phán của Ngài. Đức Chúa Jesus cũng là người duy nhất không hề phạm tội. Thế nhưng, Ngài có lòng nhu mì và khiêm nhường. Ngài kêu gọi những ai đến với Ngài hãy trở nên nhu mì và khiêm nhường giống như Ngài, bằng cách học theo Ngài.

Khi một người đến với Đức Chúa Jesus bởi đức tin và hết lòng học theo Ngài để trở nên giống như Ngài, tự hiệp một với Ngài trong sự vâng phục Đức Chúa Trời và phụng sự Đức Chúa Trời, thì linh hồn của người ấy được yên nghỉ khỏi mọi gánh nặng của tội lỗi và tôn giáo.

Linh hồn của một người chính là bản ngã thực hữu của người ấy, là cái “tôi”. Người đến với Đức Chúa Jesus, học theo Ngài, mang lấy ách của Ngài vẫn còn có những khốn khó trong xác thịt, vì đang sống trong thân thể xác thịt đang hao mòn, đang chết; và vì đang sống trong một thế gian tội lỗi đầy những bất công và khốn khó. Nhưng linh hồn của người ấy được yên nghỉ trong Đấng Christ. Vì người ấy nhận thức, mình đã thoát ách nô lệ của tội lỗi và tôn giáo. Chính sự bình an của Đấng Christ tuôn tràn trong người ấy.

Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus đã phán rằng, “ách của Ta dễ chịu và gánh của Ta là nhẹ nhàng”. Sự vâng phục Đức Chúa Trời và cùng Đấng Christ phụng sự Đức Chúa Trời là dễ chịu, không khốn khó như những hình phạt của tội lỗi và những nghi thức, những giáo điều của các tôn giáo. Sự vâng phục Đức Chúa Trời và cùng Đấng Christ phụng sự Đức Chúa Trời là nhẹ nhàng, không phải là gánh nặng, khiến cho loài người phải mệt mỏi và suy sụp. Vì sự ấy đã trở nên bản tính tự nhiên của một người được dựng nên mới trong Đấng Christ.

Trước khi một người biết bơi thì hồ bơi là sự sợ hãi và là nguy hiểm cho người ấy. Nhưng sau khi người ấy đã biết bơi thì hồ bơi là niềm vui thỏa và ích lợi cho người ấy. Trước khi một người được dựng nên mới trong Đấng Christ thì các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời là gánh nặng và là bản án chết đối với người ấy. Sau khi một người đến với Đức Chúa Jesus, được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus, thì các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời là sự vui thỏa và phước hạnh cho người ấy. Thi Thiên 119 là bài ca dài nhất trong Thánh Kinh diễn tả sự vui thỏa và phước hạnh, mà các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời mang lại cho những ai thuộc về Ngài.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/03/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Chúa Đã Yêu Con”
https://karaokethanhca.net/chua-da-yeu-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.