Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL035b Bài Giảng Trên Núi: Các Sự Dạy Dỗ Khác

420 views

YouTube: https://youtu.be/1hPx5pKIWmk

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL035b Bài Giảng Trên Núi: Các Sự Dạy Dỗ Khác
Ma-thi-ơ 5:33-48

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Ma-thi-ơ 5:33-48

33 Các ngươi đã nghe lời được nói bởi những người xưa rằng: Ngươi chớ thề dối, nhưng phải làm trọn lời thề của ngươi với Chúa! [Lê-vi Ký 19:12; Dân Số Ký 30:2; Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:21]

34 Nhưng Ta bảo các ngươi: Đừng thề gì hết! Đừng chỉ trời mà thề, vì là ngai của Đức Chúa Trời!

35 Đừng chỉ đất mà thề, vì là bệ chân của Ngài! Đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì là thành của vua lớn!

36 Ngươi cũng đừng chỉ đầu mình mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc nên trắng hay đen.

37 Nhưng lời nói của các ngươi hãy là: phải, phải; không, không. Còn những điều gì khác hơn như vậy thì đến từ kẻ dữ.

38 Các ngươi đã nghe lời được phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. [Xuất Ê-díp-tô Ký 21:24; Lê-vi Ký 24:20; Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:21]

39 Nhưng Ta bảo các ngươi: Đừng chống cự kẻ dữ! Nhưng ai tát má bên phải của ngươi, hãy xoay mình đưa má bên kia luôn cho người ấy!

40 Ai muốn kiện ngươi để lấy cái áo trong của ngươi, hãy cho kẻ ấy luôn cái áo ngoài!

41 Ai bắt ngươi mang vác một dặm đường, hãy đi hai dặm với kẻ ấy!

42 Hãy cho kẻ xin ngươi! Đừng xoay khỏi kẻ muốn mượn của ngươi!

43 Các ngươi đã nghe lời được lưu truyền rằng: Hãy yêu người lân cận ngươi và hãy ghét kẻ thù nghịch ngươi! 

44 Nhưng Ta bảo các ngươi: Hãy yêu những kẻ thù của các ngươi! Hãy chúc phước cho những kẻ rủa các ngươi! Hãy làm điều lành cho những kẻ ghét các ngươi! Hãy cầu nguyện cho những kẻ sỉ nhục các ngươi và bách hại các ngươi! [Lu-ca 6:27-28]

45 Như vậy, các ngươi sẽ là con cái của Cha các ngươi, Đấng ở trên các tầng trời. Vì Ngài khiến mặt trời của Ngài mọc trên những kẻ dữ cùng những người lành, và Ngài làm mưa trên những người công chính lẫn những kẻ không công chính.

46 Vì nếu các ngươi yêu những ai yêu các ngươi thì các ngươi sẽ được phần thưởng gì? Ngay cả những kẻ thu thuế chẳng làm như vậy sao?

47 Và nếu các ngươi chỉ chào đón những anh chị em của các ngươi thì các ngươi có làm gì hơn những kẻ khác? Ngay cả những kẻ thu thuế chẳng làm như vậy sao?

48 Vậy, các ngươi hãy nên trọn vẹn như Cha của các ngươi, Đấng ở trên các tầng trời, là trọn vẹn!

Chúng ta bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa của từng câu.

33 Các ngươi đã nghe lời được nói bởi những người xưa rằng: Ngươi chớ thề dối, nhưng phải làm trọn lời thề của ngươi với Chúa! [Lê-vi Ký 19:12; Dân Số Ký 30:2; Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:21]

Theo định nghĩa thông thường, lời thề là lời hứa khẳng định sẽ làm một điều gì đó, thường được người thề nhân danh một thần linh hoặc dùng danh dự hay mạng sống của mình để cam kết rằng, sẽ hết lòng thực hiện lời thề. Người ta thề với nhau, tức là long trọng cam kết sẽ làm điều gì đó cho nhau. Người ta thề với Thiên Chúa, tức là long trọng cam kết sẽ làm điều gì đó cho Thiên Chúa. Những người không tin Chúa có thể thề với các tà thần mà họ tin nhận.

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, chữ “lời thề” שָׁבַע (H7650), phiên âm /šāḇaʿ/, phát âm “sa-ve” có nghĩa là: được hoàn thành hoặc tự mình bảy lần, hàm ý, lặp lại câu tuyên bố bảy lần, tức là “thề”. Số bảy là số có ý nghĩa trọn vẹn về thuộc linh.

Trong câu phán này, Đức Chúa Jesus đã nhắc đến các mệnh lệnh của Thiên Chúa liên quan sự loài người hứa và thề với Thiên Chúa. Các mệnh lệnh ấy đã được Môi-se ghi chép lại trong Cựu Ước.

Các ngươi chớ dùng danh Ta thề dối mà làm ô danh Thiên Chúa của các ngươi. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Lê-vi Ký 19:12).

Thề dối có nghĩa là thề sẽ làm một điều gì đó nhưng lại không làm. Thiên Chúa nghiêm cấm loài người dùng danh Ngài để thề dối. Vì như vậy là làm ô danh Thiên Chúa. Ngài nghiêm khắc nhắc đến danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” của Ngài.

Một người lấy danh Chúa ra thề là hàm ý, nếu không làm theo lời thề thì sẽ bị Chúa phạt. Tuy nhiên, những kẻ không tin kính Chúa sẽ dễ dàng lạm dụng danh của Ngài. Họ nhân danh Chúa để thề mà ngay khi thề họ đã có ý không thực hiện lời thề. Nói cách khác, họ dùng danh Chúa để lừa gạt người khác, thu lợi cho mình. Hành động nhân danh Chúa để thề dối là việc làm cho danh Chúa bị sỉ nhục. Người ta dùng danh Chúa để thề dối là vì người ta không thật lòng tin Chúa, không tin rằng, Ngài có thật và Ngài sẽ hình phạt mình.

Nếu một người hứa lời hứa cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hoặc thề một lời thề trói buộc vào linh hồn mình thì chớ nên thất tín. Người phải làm hết thảy những lời ra từ miệng người.” (Dân Số Ký 30:2).

Khi một người hứa với Chúa hoặc thề với Chúa, người ấy phải làm trọn điều mình hứa hoặc thề. Lời hứa tuy không được nói ra cách long trọng như lời thề, vì không nhân danh ai hay nhân danh điều gì để hứa, nhưng cũng có giá trị như lời thề. Một khi đã hứa hay đã thề thì phải làm trọn mọi lời đã hứa, đã thề.

Thề một lời thề trói buộc vào linh hồn mình” có nghĩa là người thề hạn chế những sự vui thú mình ưa thích, cho tới khi hoàn tất lời thề. Điển hình là kiêng ăn, kiêng uống chất say, kiêng quan hệ tình dục…

Khi ngươi hứa lời hứa cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, thì chớ trì hoãn làm cho xong. Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, chắc chắn sẽ đòi sự ấy nơi ngươi và nó trở thành tội trong ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:21).

Khi một người đã hứa với Thiên Chúa bất cứ điều gì thì người ấy phải sốt sắng thực hiện lời hứa của mình. Có những lời hứa với Chúa mà sự thực hiện kéo dài suốt cả cuộc đời này của chúng ta. Lời hứa theo Chúa, vâng phục Chúa, sống cho Chúa, chết cho Chúa là lời hứa phải được thi hành ngay khi hứa, và kéo dài, cho tới khi chúng ta ra khỏi cuộc đời này. Trì hoãn (H309) là sự tích cực trốn tránh thi hành việc phải làm. Người đã hứa với Chúa mà trì hoãn việc thi hành lời hứa là có tội với Chúa. Trì hoãn thi hành là tội, không hoàn thành lời hứa thì càng thêm tội.

34 Nhưng Ta bảo các ngươi: Đừng thề gì hết! Đừng chỉ trời mà thề, vì là ngai của Đức Chúa Trời!

35 Đừng chỉ đất mà thề, vì là bệ chân của Ngài! Đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì là thành của vua lớn!

36 Ngươi cũng đừng chỉ đầu mình mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc nên trắng hay đen.

Đức Chúa Jesus truyền cho loài người đừng thề (G3660) bất cứ điều gì. Nghĩa là không cả hứa hoặc thề với Chúa. Chúa không hề đòi hỏi loài người phải hứa hoặc thề điều gì với Ngài. Ngài chỉ phán truyền thánh ý của Ngài và Ngài ban cho loài người quyền tự do vâng theo ý Ngài hoặc không vâng theo ý Ngài.

Qua Vua Sa-lô-môn, Đấng Thần Linh cũng đã dạy rằng:

Khi ngươi hứa lời hứa với Thiên Chúa, chớ trì hoãn làm cho xong. Vì Ngài chẳng vui thích nơi những kẻ dại. Hãy làm xong điều ngươi đã hứa. Thà ngươi đừng hứa hơn là ngươi hứa mà không làm xong.” (Truyền Đạo 5:4-5).

Những kẻ hứa với Thiên Chúa mà chậm trễ thực hiện lời hứa là những kẻ dại. Vì họ tự chuốc lấy sự hình phạt cho mình.

Dân I-sơ-ra-ên và một số dân Trung Đông có thói quen chỉ trời, chỉ đất để thề. Riêng dân I-sơ-ra-ên còn chỉ thành Giê-ru-sa-lem để thề. Trời và đất do Thiên Chúa dựng nên và tiêu biểu cho ngai cùng bệ chân của Ngài. Chúng không thuộc về loài người để loài người lấy chúng ra làm chứng cho lời thề của mình. Thành Giê-ru-sa-lem là thành của “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa”, không thuộc về loài người để loài người lấy ra, làm chứng cho lời thề của mình.

Cả dân I-sơ-ra-ên và một số dân Trung Đông cũng có thói quen chỉ vào đầu mình để thề. Hành động chỉ đầu để thề hàm ý, lấy mạng sống của chính mình ra thề. Tuy nhiên, không ai tự mình có sự sống và cũng không ai có quyền trên mạng sống của mình. Mạng sống của mỗi người đến từ Thiên Chúa và thuộc quyền của Ngài. Ngay cả tóc trên đầu mỗi người cũng không ai có thể làm cho nó nên trắng hay đen, nói chi là cầm quyền trên mạng sống. Dĩ nhiên, người ta có thể nhuộm tóc theo màu họ muốn, nhưng đen và trắng được nói ở đây là sự tóc đen và tóc trắng tự nhiên của người tuổi trẻ và của người tuổi già. Không phải là lớp màu bám bên ngoài sợi tóc.

37 Nhưng lời nói của các ngươi hãy là: phải, phải; không, không. Còn những điều gì khác hơn như vậy thì đến từ kẻ dữ.

Đức Chúa Jesus phán dạy rõ ràng, điều gì phải thì nói phải, điều gì không thì nói không. Không cần phải thề để mong cho người nghe tin lời nói của mình. Nếu có ai vu khống cho mình thì mình cũng chỉ cần nói lời đó không đúng sự thật, chứ không cần phải thề. Mọi lời vu khống đều đến từ kẻ dữ và Đức Chúa Trời sẽ báo trả những kẻ dữ cách xứng đáng. Kẻ dữ là kẻ cố tình làm hại người khác miễn sao có lợi cho mình hoặc khiến cho mình được vui thích.

38 Các ngươi đã nghe lời được phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. [Xuất Ê-díp-tô Ký 21:24; Lê-vi Ký 24:20; Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:21]

Lời phán của Đức Chúa Jesus nhắc đến luật báo trả trong Cựu Ước, như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, và Phục Truyền Luật Lệ Ký:

Còn nếu xảy ra sự thiệt hại gì thì ngươi sẽ lấy mạng thay cho mạng, mắt thay cho mắt, răng thay cho răng, tay thay cho tay, chân thay cho chân, phỏng thay cho phỏng, vết thương thay cho vết thương, vết bầm thay cho vết bầm.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:23-25).

Còn nếu một người làm thiệt hại cho người lân cận mình, thì sẽ làm như vậy cho nó như nó đã làm: gãy thay cho gãy, mắt thay cho mắt, răng thay cho răng. Sẽ được làm cho nó như nó đã làm thiệt hại cho người khác vậy.” (Lê-vi Ký 24:19-20).

Mắt ngươi chớ thương xót: mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 19:21).

Đó là luật pháp được thi hành trong dân I-sơ-ra-ên, trong thời Cựu Ước, kể từ khi Đức Chúa Trời ban hành luật pháp bằng chữ viết cho họ, qua Môi-se. Nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân được phép làm ra cho kẻ làm thiệt hại mình y như sự thiệt hại mình gánh chịu. Tuy nhiên, mục đích của luật pháp là để răn đe, không phải là để nạn nhân trả thù. Hình phạt được nêu lên để những kẻ muốn hành hung người khác biết cái giá phải trả, khi gây thiệt hại, thương tích cho người khác. Bởi đó, sẽ ngăn ngừa được những sự dữ.

39 Nhưng Ta bảo các ngươi: Đừng chống cự kẻ dữ! Nhưng ai tát má bên phải của ngươi, hãy xoay mình đưa má bên kia luôn cho người ấy!

Đức Chúa Jesus không dạy rằng, hãy bỏ qua, không thi hành luật pháp. Ngài nhấn mạnh đến sự đừng có ý muốn trả thù, khi bị kẻ dữ áp bức, bách hại. Con dân Chúa không tự mình trả thù ai. Vì sự trả thù thuộc về Đức Chúa Trời và Ngài đã đặt ra các bậc cầm quyền để thi hành sự công chính cho người lành, trừng phạt những kẻ làm ác.

Hỡi những người yêu dấu! Chớ tự mình trả thù nhưng hãy nhường chỗ cho sự giận của Đức Chúa Trời; vì có chép rằng, Chúa phán: Sự trả thù thuộc về Ta! Ta sẽ báo trả! [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35]” (Rô-ma 12:19).

Vì chúng ta biết Đấng đã phán: Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo trả! Chúa phán vậy. Lại phán: Chúa sẽ phán xét dân của Ngài. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35-36; Thi Thiên 135:14]” (Hê-bơ-rơ 10:30).

Vì những người cai trị không phải là sự khiếp sợ cho những người lành mà là cho những kẻ ác. Ngươi muốn không sợ chính quyền chăng? Hãy làm điều lành thì ngươi sẽ được khen. Vì người là tôi tớ của Thiên Chúa để làm ích cho ngươi. Nhưng nếu ngươi làm ác thì hãy sợ; vì người mang gươm chẳng phải là vô cớ. Người là tôi tớ của Thiên Chúa, là người thi hành hình phạt, giáng cơn giận trên kẻ làm ác.” (Rô-ma 13:3-4).

Ma-thi-ơ 5:39 thường bị hiểu lầm. Nhiều người cho rằng, Đức Chúa Jesus dạy con dân Ngài không được tự vệ chính đáng, trước kẻ dữ, kẻ ác. Nhưng thực tế, chính Đức Chúa Jesus bảo các môn đồ của Ngài bán áo, mua gươm, trong đêm Ngài bị bắt; đó là để dùng tự vệ (Lu-ca 22:36). Ý nghĩa lời phán của Đức Chúa Jesus trong câu 39 được Ngài giảng giải rõ trong các câu tiếp theo, từ câu 40 đến câu 48.

Đừng chống cự kẻ dữ không hề có nghĩa là đừng tự vệ để bảo vệ mạng sống, tài sản của mình, của gia đình mình, thậm chí của người lân cận, khi mình có thể. Trước hết, nó có nghĩa là đừng chống cự kẻ dữ, khi mình yếu thế, khiến cho sự chống cự đem thiệt hại đến cho mình càng hơn. Kế tiếp, nó có nghĩa là đừng chống cự kẻ dữ, khi sự thiệt hại không đáng kể. Và sau cùng, nó có nghĩa là đừng chống cự kẻ dữ, khi đó là kẻ cầm quyền, đặt ra các luật lệ bất công.

Bị ai đó tát vào mặt là một sự bị sỉ nhục. Không đánh trả và sẵn sàng bị sỉ nhục thêm lần nữa là ý nghĩa của sự bị tát má bên phải thì đưa luôn má bên trái. Không chống cự kẻ dữ không có nghĩa là không lên tiếng trước sự bất công. Chính Đức Chúa Jesus đã làm như vậy, khi Ngài bị một viên chức của Đền Thờ tát Ngài, trước mặt thầy tế lễ thượng phẩm, trong đêm Ngài bị bắt.

Ngài đã phán như vậy, một trong những viên chức có mặt đã tát Đức Chúa Jesus, nói: Ngươi đáp lời thầy tế lễ thượng phẩm vậy sao? Đức Chúa Jesus đáp lời kẻ ấy: Nếu Ta nói sai, hãy làm chứng về sự sai trái; nhưng nếu Ta đúng, sao ngươi đánh Ta?” (Giăng 18:22-23).

Đức Chúa Jesus cũng nói lên lẽ thật trước Thống Đốc Phi-lát. Nhưng khi viên thống đốc hèn nhát, không dám phán xử cách công chính dù biết Ngài vô tội, thì Đức Chúa Jesus im lặng, không trả lời ông ta nữa (Giăng 19:9). Con dân Chúa nên nhịn nhục, không nên chống cự kẻ dữ khi bị thất thế, hoặc khi sự thiệt hại không đáng kể, nhưng nên nói lên sự bất công và giãi bày lẽ thật. Nếu kẻ dữ không lắng nghe thì cũng không cần phải nói nữa.

40 Ai muốn kiện ngươi để lấy cái áo trong của ngươi, hãy cho kẻ ấy luôn cái áo ngoài!

41 Ai bắt ngươi mang vác một dặm đường, hãy đi hai dặm với kẻ ấy!

Áo trong gần giống như áo sơ-mi ngày nay, có tay áo và có thể dài quá đầu gối. Áo ngoài là áo khoác bên ngoài áo trong, thường là tấm vải vuông lớn, có thể bao trùm cả thân thể, xuống gần gót chân. Người nghèo thường không có áo ngoài. Người giàu có khi mặc hai cái áo trong.

Một dặm đường La-mã là một ngàn bước chân.

Vào thời của Đức Chúa Jesus, quân lính La-mã thường lạm dụng luật để trấn lột tài sản và sung công dân chúng. Họ có thể trưng thu vật dụng của dân chúng và bắt dân chúng mang vác hành lý của họ. Đức Chúa Jesus dạy các môn đồ của Ngài không nên chống cự những kẻ lạm dụng quyền thế, nhưng nhẫn nhịn, chịu thiệt để tránh bị thiệt hại càng hơn. Cho luôn cái áo ngoài hay đi hai dặm đường là cách nói biểu thị sự sẵn lòng nhẫn nhịn.

42 Hãy cho kẻ xin ngươi! Đừng xoay khỏi kẻ muốn mượn của ngươi!

Từ câu này trở đi, Đức Chúa Jesus dạy các môn đồ của Ngài về sự yêu thương, sẵn lòng cứu giúp những người thật sự có nhu cầu, kể cả những kẻ thù. Nếu có ai đó thật sự có nhu cầu, muốn xin hoặc mượn của chúng ta vật gì đó thì chúng ta hãy sẵn lòng đáp ứng. Điều này không có nghĩa là để cho kẻ xấu cố ý lợi dụng.

43 Các ngươi đã nghe lời được lưu truyền rằng: Hãy yêu người lân cận ngươi và hãy ghét kẻ thù nghịch ngươi! 

44 Nhưng Ta bảo các ngươi: Hãy yêu những kẻ thù của các ngươi! Hãy chúc phước cho những kẻ rủa các ngươi! Hãy làm điều lành cho những kẻ ghét các ngươi! Hãy cầu nguyện cho những kẻ sỉ nhục các ngươi và bách hại các ngươi! [Lu-ca 6:27-28]

Mệnh lệnh “hãy yêu người lân cận” được chép trong Lê-vi Ký 19:18. Phần lớn dân I-sơ-ra-ên thời ấy không có Thánh Kinh trong tay. Vì thời ấy chỉ có Thánh Kinh chép tay được dùng trong các nhà hội. Chỉ những người giàu có mới có thể sở hữu được một cuốn Thánh Kinh. Giá một cuốn Thánh Kinh chép tay vào thời ấy có thể tương đương với tiền công lao động suốt ba năm của một người. Phần lớn dân I-sơ-ra-ên cũng không biết chữ. Điển hình là Phi-e-rơ và Giăng đều là người không có học (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:13). Dân I-sơ-ra-ên chỉ nghe đọc Thánh Kinh tại nhà hội hoặc tại Đền Thờ và nghe những thầy thông giáo giảng dạy Lời Chúa. Tuy nhiên, thường khi sự giảng dạy bị uốn nắn theo các giáo điều của Do-thái Giáo, không theo lẽ thật của Thánh Kinh. Tương tự như vậy, ngày nay, sự giảng dạy trong các giáo hội mang danh Chúa cũng bị uốn nắn theo các giáo điều và tư tưởng Thần học của các giáo hội.

Mệnh lệnh “hãy yêu người lân cận” thì có trong Thánh Kinh nhưng mệnh lệnh “hãy ghét kẻ thù nghịch” thì không có trong Thánh Kinh. Đó chỉ là sự thêm vào Lời Chúa của những thầy thông giáo Do-thái Giáo mà dân I-sơ-ra-ên thường nghe họ giảng dạy.

Một số người cho rằng, Đức Chúa Jesus đã trích không đúng Thánh Kinh. Nhưng thực tế, không phải là Đức Chúa Jesus trích Thánh Kinh để giảng dạy, mà Ngài nói cho các môn đồ của Ngài biết, họ đã nghe giảng không đúng Thánh Kinh, họ đã nghe Lời Chúa bị thêm vào lời của loài người.

Kế tiếp, Đức Chúa Jesus truyền cho các môn đồ mệnh lệnh hãy yêu những kẻ thù của họ; hãy chúc phước cho những kẻ rủa sả họ; hãy làm điều lành cho những kẻ ghét họ; hãy cầu nguyện cho những kẻ sỉ nhục họ và bách hại họ. Đó chính là các điều Đức Chúa Jesus đã làm trong khi Ngài bị bắt, bị sỉ nhục, bị đánh đập tàn nhẫn, và bị đóng đinh trên thập tự giá.

Kẻ thù là bất cứ ai cố ý làm ra điều bất công nào cho mình. Kẻ rủa sả mình là kẻ vì bất cứ lý do gì nói những lời chúc dữ cho mình. Kẻ ghét mình là kẻ vì bất cứ lý do gì không chấp nhận hòa thuận với mình. Kẻ sỉ nhục và kẻ bách hại mình là kẻ vì bất cứ lý do gì không tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền của mình. Nhân phẩm là phẩm chất cao quý của loài người vì được Thiên Chúa dựng nên theo hình và tượng của Ngài, được Ngài ban cho quyền cai trị đất và muôn vật trên đất. Nhân quyền là quyền tự do Thiên Chúa ban cho loài người để sống bình an, hạnh phúc, và tự quyết.

45 Như vậy, các ngươi sẽ là con cái của Cha các ngươi, Đấng ở trên các tầng trời. Vì Ngài khiến mặt trời của Ngài mọc trên những kẻ dữ cùng những người lành, và Ngài làm mưa trên những người công chính lẫn những kẻ không công chính.

Để làm được các điều Đức Chúa Jesus dạy trong câu 44 thì một người phải có tình yêu thật. Tình yêu thật đến từ Thiên Chúa, là sự ban cho của Đức Chúa Trời, vì Ngài chính là tình yêu (I Giăng 4:8, 16).

Những người thật lòng tin nhận Đức Chúa Trời và ơn cứu rỗi của Ngài được trở nên những con trai hoặc những con gái của Ngài. Họ được gọi Ngài là Cha (II Cô-rinh-tô 6:18). Họ trở nên giống như Ngài, vì trong họ có tình yêu của chính Ngài. Chính vì thế mà họ có thể yêu những kẻ thù nghịch mình, ghét mình, sỉ nhục mình, bách hại mình. Mặc dù toàn thể loài người chống nghịch Đức Chúa Trời, từng giây, từng phút vi phạm các điều răn của Ngài từ trong ý tưởng cho tới lời nói và hành động, nhưng Đức Chúa Trời vẫn yêu họ. Ngài vẫn cho họ có cơ hội ăn năn và tiếp nhận tình yêu của Ngài. Ngài vẫn cho họ được hưởng những phúc lợi chung để duy trì sự sống.

46 Vì nếu các ngươi yêu những ai yêu các ngươi thì các ngươi sẽ được phần thưởng gì? Ngay cả những kẻ thu thuế chẳng làm như vậy sao?

47 Và nếu các ngươi chỉ chào đón những anh chị em của các ngươi thì các ngươi có làm gì hơn những kẻ khác? Ngay cả những kẻ thu thuế chẳng làm như vậy sao?

Loài người thường yêu ai yêu mình, cứu giúp ai cứu giúp mình, tiếp đãi ai tiếp đãi mình. Ngay cả những kẻ bị xem là tồi tệ nhất trong xã hội cũng cư xử như vậy. Nhưng cũng nhiều khi loài người lấy oán trả ơn, vì lòng tham muốn của loài người lớn hơn lòng biết ơn, khiến cho họ vô ơn, chỉ biết sống sao cho thỏa mãn chính mình.

Tình yêu của loài người là tình yêu đã bị biến dạng, trở thành tình yêu có điều kiện. Đó là tình yêu nếu và tình yêu vì. Nếu bạn đẹp thì tôi yêu bạn. Nếu bạn giàu thì tôi yêu bạn. Nếu bạn có quyền thế thì tôi yêu bạn. Hoặc là: vì bạn đẹp, vì bạn giàu, vì bạn có quyền thế nên tôi yêu bạn.

Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu vô điều kiện, còn gọi là tình yêu mặc dù. Mặc dù bạn thù nghịch tôi, tôi vẫn yêu bạn. Mặc dù bạn rủa sả tôi, tôi vẫn yêu bạn. Mặc dù bạn ghét tôi, tôi vẫn yêu bạn. Mặc dù bạn sỉ nhục tôi và bách hại tôi, tôi vẫn yêu bạn. Tình yêu của tôi dành cho bạn không đòi hỏi bạn phải làm gì, không đòi hỏi bạn phải như thế nào. Tình yêu của tôi dành cho bạn khiến cho tôi làm tất cả những gì có thể để bạn được an toàn và hạnh phúc, kể cả sự hy sinh mạng sống của chính tôi.

48 Vậy, các ngươi hãy nên trọn vẹn như Cha của các ngươi, Đấng ở trên các tầng trời, là trọn vẹn!

Tính từ “trọn vẹn” (G5046) có nghĩa là đã hoàn tất, không còn cần gì thêm. Trở nên trọn vẹn như Đức Chúa Trời là trở nên có tình yêu của chính Ngài, là yêu mọi người bằng tình yêu của Thiên Chúa. Trở nên trọn vẹn như Đức Chúa Trời còn có nghĩa là có đầy đủ tính chất của loài người như Đức Chúa Trời có đầy đủ tính chất của Thiên Chúa. Tính chất của loài người là tính chất mà Đức Chúa Trời ban cho loài người, khi Ngài dựng nên họ giống như Ngài trong sự yêu thương, thánh khiết, và công chính. Tính chất ấy chính là nhân phẩm Đức Chúa Trời đã ban cho loài người, không phải là tính chất đã bị băng hoại sau khi loài người phạm tội. Trở nên trọn vẹn như Đức Chúa Trời không có nghĩa là có đầy đủ mọi sự của Đức Chúa Trời, mà trở nên tốt đẹp hoàn toàn theo ý định Đức Chúa Trời đã định cho loài người, như Ngài là hoàn toàn tốt đẹp trong thân vị Thiên Chúa của Ngài.

Loài người chỉ có thể trở nên trọn vẹn khi biết Đức Chúa Trời, tiếp nhận tình yêu của Ngài, và được Ngài phục hồi nhân phẩm để loài người yêu Thiên Chúa và yêu nhau bằng tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
16/12/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Tín Trung, Thuận Phục Không Thôi”
https://karaokethanhca.net/tin-trung-thuan-phuc-khong-thoi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.