Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 02:22-36 Bài Giảng Đầu Tiên của Phi-e-rơ (2)

1,372 views

YouTube: https://youtu.be/e7avg5CZvVU

44006 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 2:22-36
Bài Giảng Đầu Tiên của Phi-e-rơ (2)

  Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:22-36

22 Hỡi những người I-sơ-ra-ên, hãy nghe những lời này! Đức Chúa Jesus ở Na-xa-rét, một người đẹp lòng Đức Chúa Trời giữa các ngươi, bởi những quyền phép, những phép lạ, và những dấu kỳ mà Đức Chúa Trời đã làm bởi Ngài trong vòng các ngươi, như chính các ngươi cũng đã biết.

23 Ngài đã bị nộp, theo ý định và sự biết trước của Đức Chúa Trời. Các ngươi đã bắt lấy Ngài bởi những bàn tay độc ác, đóng đinh Ngài và diệt trừ Ngài.

24 Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm cho sống lại, cởi bỏ những đau đớn của sự chết, vì là không thể để Ngài bị nắm giữ bởi nó.

25 Vì Đa-vít nói về Ngài rằng: Tôi đã thấy trước, Chúa hằng ở trước mặt tôi. Vì Ngài ở bên tay phải của tôi để tôi chẳng bị rúng động.

26 Bởi đó, lòng tôi vui vẻ, lưỡi tôi mừng rỡ. Hơn thế nữa, xác thịt tôi cũng sẽ yên nghỉ trong sự trông cậy.

27 Vì Ngài sẽ chẳng bỏ rơi linh hồn tôi nơi âm phủ; Ngài cũng sẽ chẳng trao ra Đấng Thánh của Ngài để thấy sự hư nát.

28 Ngài đã cho tôi biết các con đường của sự sống. Ngài sẽ làm cho tôi đầy sự vui mừng với mặt Ngài. [Thi Thiên 16:8-11]

29 Hỡi các người, hỡi các anh chị em! Ấy là hợp pháp để tự do nói với các anh chị em về tổ phụ Đa-vít rằng, người đã chết và cũng đã được chôn. Mồ mả của người ở giữa chúng ta cho tới ngày nay.

30 Nhưng, người là một tiên tri và biết rằng, Đức Chúa Trời đã thề hứa với người, từ bông trái của hông người, theo xác thịt, Ngài sẽ dấy lên Đấng Christ để ngồi trên ngai của người. [Thi Thiên 89:3-4; 132:11]

31 Người đã thấy trước và đã nói về sự sống lại của Đấng Christ rằng, linh hồn của Ngài đã chẳng bị bỏ lại nơi âm phủ, xác thịt của Ngài đã chẳng thấy sự hư nát. [Thi Thiên 16:10]

32 Đức Chúa Jesus này, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, mà hết thảy chúng ta là những chứng nhân.

33 Vậy, Ngài được tôn cao bên phải Đức Chúa Trời và nhận lấy lời hứa của Đức Cha về Đức Thánh Linh. Ngài ban phát sự này mà các ngươi đang thấy và nghe.

34 Vì Đa-vít chẳng lên trên trời nhưng chính người nói, Chúa đã phán với Chúa của tôi: Hãy ngồi bên phải Ta,

35 cho tới khi Ta đặt những kẻ thù của ngươi làm bệ chân cho chân của ngươi. [Thi Thiên 110:1]

36 Vậy, cả nhà I-sơ-ra-ên hãy biết chắc rằng, Đức Chúa Trời đã làm cho Jesus này, mà các ngươi đã đóng đinh, vừa là Chúa vừa là Đấng Christ.

Trong bài trước, chúng ta đã học về sự Sứ Đồ Phi-e-rơ công bố sự ứng nghiệm các lời tiên tri của Giô-ên về những ngày sau cùng trong lịch sử tự trị của loài người. Trong bài này, chúng ta cùng nhau học về sự Sứ Đồ Phi-e-rơ công bố các lời tiên tri của Vua Đa-vít về sự chết, sự sống lại, và sự thăng thiên của Đức Chúa Jesus Christ. Cũng có nghĩa là công bố sự hoàn thành chương trình cứu chuộc loài người của Đức Chúa Trời.

22 Hỡi những người I-sơ-ra-ên, hãy nghe những lời này! Đức Chúa Jesus ở Na-xa-rét, một người đẹp lòng Đức Chúa Trời giữa các ngươi, bởi những quyền phép, những phép lạ, và những dấu kỳ mà Đức Chúa Trời đã làm bởi Ngài trong vòng các ngươi, như chính các ngươi cũng đã biết.

Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng, Đức Chúa Trời đã chọn ra một người là Áp-ra-ham để qua dòng dõi của ông mà Ngài hoàn thành ân điển cứu chuộc nhân loại. Trong số các con của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời đã chọn ra I-sác. Trong số các con của I-sác, Đức Chúa Trời đã chọn ra Gia-cốp. Qua Gia-cốp mà về sau Đức Chúa Trời đổi tên cho ông thành I-sơ-ra-ên, Đức Chúa Trời đã chọn ra 12 chi phái, ra từ 12 con trai của ông. Mười hai chi phái được gọi chung là dân I-sơ-ra-ên. Danh từ I-sơ-ra-ên có nghĩa là: Người chiếm ưu thế với Thiên Chúa. Phi-e-rơ dùng cách gọi “những người I-sơ-ra-ên” vì bài giảng đầu tiên của ông, ngay sau khi Hội Thánh được thành lập, là giảng cho dân I-sơ-ra-ên. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại ra từ chi phái Giu-đa, thuộc dân I-sơ-ra-ên; và Đức Chúa Trời đã định cho dân I-sơ-ra-ên thành một nước thầy tế lễ, nghĩa là trong Vương Quốc Trời, dân I-sơ-ra-ên sẽ đóng vai trò thầy tế lễ, hướng dẫn các dân tộc khác thờ phượng Đức Chúa Trời. Vì thế, bài giảng đầu tiên của Hội Thánh phải là giảng cho dân I-sơ-ra-ên.

“Các ngươi sẽ là một vương quốc thầy tế lễ và một dân thánh cho Ta. Đó là những lời mà ngươi sẽ nói cho con cháu của I-sơ-ra-ên.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:6).

“Các ngươi thờ phượng sự các ngươi không biết. Chúng ta biết sự chúng ta thờ phượng. Vì sự cứu rỗi là từ dân Do-thái.” (Giăng 4:22).

Phi-e-rơ mời gọi những người I-sơ-ra-ên nghe lời giảng giải của ông về Đức Chúa Jesus Christ. Trong số hàng trăm ngàn người I-sơ-ra-ên từ các nơi hội tụ về Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Ngũ Tuần, chắc chắn có những người đã có mặt trong ngày Lễ Vượt Qua trước đó. Và dù có mặt hay không có mặt trong Lễ Vượt Qua thì có thể nói hết thảy họ đều đã nghe biết chuyện Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá và lời đồn về sự Ngài đã phục sinh. Giờ đây, với phép lạ hàng trăm môn đồ của Đức Chúa Jesus tôn vinh Đức Chúa Trời trong các ngoại ngữ, Phi-e-rơ lớn tiếng công bố, Đức Chúa Jesus là Đấng Christ đã được hứa trong Thánh Kinh. Sự công bố đó là mạnh mẽ và rõ ràng, cùng với sự tác động của Đấng Thần Linh trong tâm trí của những người nghe, giúp cho họ nhận ra lẽ thật.

Phi-e-rơ công bố rằng, bởi những quyền phép, bởi những phép lạ, bởi những dấu kỳ mà Đức Chúa Trời đã làm qua Đức Chúa Jesus, giữa vòng họ, đã chứng minh Đức Chúa Jesus là một người đẹp lòng Đức Chúa Trời. Dân I-sơ-ra-ên hiểu rằng, một người đẹp lòng Đức Chúa Trời là một người kính sợ và vâng phục Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Trời chọn và ban ơn để làm ra những sự lạ lùng trong các chức vụ mà Đức Chúa Trời ban cho người ấy.

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:5 đã xác định, những người Do-thái từ các nơi hội tụ về Giê-ru-sa-lem là những người tin kính. Và có lẽ trong suốt hơn hai năm liền trước đó, mỗi khi họ về Giê-ru-sa-lem dự các kỳ lễ hội, họ đều được chứng kiến sự giảng dạy và làm phép lạ của Đức Chúa Jesus. Nhưng qua bài giảng và lời chứng của Phi-e-rơ về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus mà họ nhận biết, Ngài chính là Đấng Christ đã được Đức Chúa Trời hứa trong Thánh Kinh.

23 Ngài đã bị nộp, theo ý định và sự biết trước của Đức Chúa Trời. Các ngươi đã bắt lấy Ngài bởi những bàn tay độc ác, đóng đinh Ngài và diệt trừ Ngài.

Phi-e-rơ khẳng định rằng, Đức Chúa Jesus đã bị nộp, tức là bị các thầy tế lễ và các trưởng lão của dân I-sơ-ra-ên ra lệnh bắt, sau đó giao nộp cho chính quyền La-mã. Dù những người trực tiếp đi bắt Đức Chúa Jesus là những người lính bảo vệ Đền Thờ, do các thầy tế lễ và các trưởng lão của dân I-sơ-ra-ên sai đi, nhưng trước mắt Đức Chúa Trời, Ngài kể đó là sự phạm tội của cả dân tộc I-sơ-ra-ên. Vì thế, Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Phi-e-rơ dùng nhân xưng đại danh từ “các ngươi” để nói rằng, dân I-sơ-ra-ên đã bởi những bàn tay độc ác bắt lấy Chúa, đóng đinh Ngài và diệt trừ Ngài.

Bàn tay độc ác là bàn tay làm ra tội ác, nghịch lại điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời. Dù những người lính La-mã trực tiếp đóng đinh Đức Chúa Jesus nhưng những người I-sơ-ra-ên là thủ phạm chính, khi họ đồng thanh kêu la: “Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự” (Ma-thi-ơ 27:22-23; Mác 15:14; Lu-ca 23:21, 23; Giăng 19:6, 15).

Một cách gián tiếp, mỗi một người đều dự phần trong sự đóng đinh Đức Chúa Jesus, vì sự Ngài bị đóng đinh là để chết, chuộc tội cho mọi người. Cũng chính vì thế, mà Đức Thánh Linh cho biết, sau khi một người đã tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus mà người ấy trở lại phạm tội là người ấy lại đóng đinh Chúa thêm lần nữa:

“Vì không thể nào những người đã một lần được soi sáng, đã nếm sự ban cho từ trên trời, được trở nên những người dự phần về thánh linh, đã nếm Lời phán lành của Thiên Chúa và những năng lực của đời sau, rồi họ lại sa ngã, mà được phục hồi vào trong sự ăn năn. Vì họ đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài.” (Hê-bơ-rơ 6:4-6).

Động từ “diệt trừ” (G337) có nghĩa đen là mang đi bỏ, và nghĩa bóng là giết bỏ.

Sự Đức Chúa Jesus bị dân I-sơ-ra-ên bắt và giao nộp cho người La-mã là điều Đức Chúa Trời đã định như vậy và đã biết trước sẽ xảy ra đúng như vậy. Đức Chúa Trời định như vậy, vì đó là phương cách duy nhất để cứu chuộc loài người. Đức Chúa Trời biết trước sự việc sẽ xảy ra đúng như vậy, vì Ngài là Đấng Toàn Năng, luôn làm thành ý định của mình.

Không riêng gì sự Đức Chúa Jesus phải chịu thương khó và chịu chết là theo ý định và sự biết trước của Đức Chúa Trời, mà tất cả mọi việc xảy ra cho những con dân chân thật của Ngài đều là theo ý định và sự biết trước của Ngài. Lời Chúa đã khẳng định:

“Chúng ta đã biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, là những người được gọi theo một mục đích của Ngài. Vì những ai Ngài đã biết trước thì Ngài cũng đã định sẵn để giống như hình ảnh của Con Ngài, để Con ấy là Con đầu lòng trong nhiều anh chị em cùng Cha.” (Rô-ma 8:28-29).

Vì thế mà con dân chân thật của Chúa có sự hiểu biết Lời Chúa luôn an lòng trong mọi cảnh ngộ, mà tạ ơn Đức Chúa Trời và dâng trình mọi nan đề, mọi nhu cầu lên Ngài.

“Hãy luôn trong danh của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta mà tạ ơn Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta, về mọi sự.” (Ê-phê-sô 5:20).

“Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6).

“Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Lời Chúa rất rõ ràng và chắc chắn, việc còn lại là chúng ta có hoàn toàn tin nhận và vâng theo hay không.

24 Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm cho sống lại, cởi bỏ những đau đớn của sự chết, vì là không thể để Ngài bị nắm giữ bởi nó.

Sự chết được nói ở đây là sự chết thuộc thể, tức là sự chết của thân thể xác thịt. Đức Chúa Jesus là người duy nhất trong loài người hoàn toàn vô tội. Vì thế, dù Ngài chịu chết để gánh thay hình phạt của tội lỗi cho toàn thể nhân loại nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài sống lại.

Khi một người có tội chết thì Đức Chúa Trời thu hồi tâm thần là thân thể thiêng liêng của người ấy. Không có thân thể thiêng liêng thì không thể thông công với Thiên Chúa trên phương diện thuộc linh. Đó là sự đau đớn thứ nhất của sự chết. Tiếp theo đó, thân thể xác thịt của người ấy sẽ bị tan rã, trở về với bụi đất. Đó là sự đau đớn thứ nhì của sự chết (Truyền Đạo 12:7). Linh hồn tạm thời chịu khổ trong âm phủ, chờ ngày thể xác được sống lại để chịu phán xét (Lu-ca 16:19-31). Đó là sự đau đớn thứ ba của sự chết. Và sau cùng là thân thể xác thịt được sống lại để cùng linh hồn chịu khổ đời đời trong hỏa ngục. Đó là sự đau đớn đời đời của sự chết. Đức Chúa Trời đã cởi bỏ những đau đớn của sự chết cho Đức Chúa Jesus khi Ngài làm cho Đức Chúa Jesus sống lại.

Lý do Đức Chúa Trời không thể để cho sự chết nắm giữ Đức Chúa Jesus vì Đức Chúa Jesus là người công chính. Điều đó cũng sẽ xảy ra cho tất cả mọi con dân chân thật của Thiên Chúa, là những ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa. Họ được Đức Chúa Trời xưng là những người công chính.

Kính thưa Hội Thánh, trong các bản dịch Thánh Kinh Việt Ngữ chúng ta thường dùng tính từ “công bình” để dịch “xa-đích” (H6662) trong tiếng Hê-bơ-rơ và “đi-kai-ót” (G1342) trong tiếng Hy-lạp. Công bình trong tiếng Hán Việt có nghĩa là không nghiêng về bên nào, giữ cho hai bên bằng nhau. Nhưng nếu dịch là “công chính” thì sẽ đủ nghĩa hơn. Công chính là từ ghép của công bình và chính trực. Chính trực có nghĩa là ngay thẳng, hàm ý liêm khiết, không ham muốn bất chính, không để cho bị mua chuộc. Vì thế, từ nay, chúng tôi xin thay thế các chữ “công bình” thành “công chính” trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời.

25 Vì Đa-vít nói về Ngài rằng: Tôi đã thấy trước, Chúa hằng ở trước mặt tôi. Vì Ngài ở bên tay phải của tôi để tôi chẳng bị rúng động.

Tất cả các bài Thi Thiên đều là do Đấng Thần Linh thần cảm con dân Chúa trong thời Cựu Ước viết ra để ca hát, tôn vinh Thiên Chúa. Nhưng trong đó cũng bao gồm các lời tiên tri về Đấng Christ, về chương trình cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời, về Hội Thánh, về những kẻ chống nghịch Thiên Chúa. Trong thực tế, không riêng gì sách Thi Thiên mà cả Thánh Kinh đều nói về Đấng Christ, như Ngài đã giảng giải cho hai môn đồ của Ngài:

“Bắt đầu từ Môi-se và hết thảy các tiên tri, Ngài giảng giải cho họ những điều chỉ về Ngài trong cả Thánh Kinh. [Thời ấy chưa có Thánh Kinh Tân Ước.]” (Lu-ca 24:27).

Thi Thiên 16 là một bài ca đặc biệt, tiên tri về sự chết và sự sống lại của Đấng Christ. Mặc dù người viết ra Thi Thiên 16, là Vua Đa-vít, đã viết ra lòng trông cậy của ông nơi Thiên Chúa, nhưng Đấng Thần Linh đã dùng lời ca của ông làm lời tiên tri về Đấng Christ. Vì thế, về phương diện tiên tri, đại danh từ “tôi” trong Thi Thiên 16 là tiếng tự xưng của Đấng Christ; và Phi-e-rơ khẳng định rằng, Vua Đa-vít đã nói về Đấng Christ trong Thi Thiên 16.

“Tôi đã thấy trước” hàm ý, tôi đã nhìn thấy Chúa từ trước khi các hoạn nạn xảy ra cho tôi.

Về phương diện đức tin của Vua Đa-vít, ông đã luôn nhìn thấy Thiên Chúa ở bên cạnh ông trong mọi nơi, mọi lúc. Vị trí bên phải của một người là vị trí tôn trọng. Vua Đa-vít luôn nhìn thấy Chúa ở bên cạnh ông, trong một vị trí đáng tôn, đáng kính để che chở ông, dẫn dắt ông nên ông không lo lắng, không sợ hãi, trong mọi cảnh ngộ của đời sống.

Về phương diện tiên tri, Vua Đa-vít đã được Đức Chúa Trời thần cảm cho ông nói tiên tri về đức tin của Đấng Christ nơi Đức Chúa Trời.

26 Bởi đó, lòng tôi vui vẻ, lưỡi tôi mừng rỡ. Hơn thế nữa, xác thịt tôi cũng sẽ yên nghỉ trong sự trông cậy.

“Bởi đó” là bởi điều đã được nói trong câu trước, tức là sự luôn nhìn thấy Đức Chúa Trời hiện diện bên cạnh, trước khi các cảnh ngộ xảy ra trong cuộc đời.

“Lòng tôi vui vẻ” là lòng của Vua Đa-vít cũng như lòng của Đấng Christ luôn vui mừng, thỏa mãn trong sự quan phòng của Đức Chúa Trời. Quan phòng có nghĩa là canh giữ, bảo vệ, và chu cấp mọi nhu cầu.

“Lưỡi tôi mừng rỡ” có nghĩa là môi miệng của Vua Đa-vít cũng như môi miệng của Đấng Christ luôn nói những lời tôn vinh, cảm tạ Đức Chúa Trời, và nói ra những sự cao trọng của Đức Chúa Trời.

“Hơn thế nữa” là ngoài sự lòng vui mừng, thỏa mãn, miệng tôn vinh, cảm tạ, và rao giảng về Đức Chúa Trời, Vua Đa-vít cũng như Đấng Christ đều có lòng tin vững chắc rằng, thân thể xác thịt của mình sẽ được yên nghỉ sau khi chết, trong khi chờ đợi Đức Chúa Trời làm cho nó sống lại trong vinh quang. Mặc dù thân thể xác thịt của Vua Đa-vít đã chờ đợi gần 3.000 năm qua nhưng thân thể của Đấng Christ chỉ chờ đợi trọn ba ngày và ba đêm. Vì Đấng Christ là trái đầu mùa của sự sống lại và sự thân thể của Đấng Christ được sống lại phải xảy ra ngay sau khi chết ba ngày, ba đêm để lời tiên tri của chính Ngài được ứng nghiệm, để sự cứu chuộc nhân loại được hoàn thành. Sự thân thể xác thịt của tất cả những người khác được sống lại phải theo thứ tự mà Đức Chúa Trời đã định sẵn. Trước hết là con dân Chúa thuộc về Hội Thánh. Kế tiếp là con dân Chúa chết trong Kỳ Tận Thế và các thánh đồ thời Cựu Ước lẫn thời trước Cựu Ước. Sau cùng là những người không có sự cứu rỗi, những người không phải là con dân Chúa hoặc đã từng là con dân Chúa nhưng lại lui đi đức tin, sống trong tội lỗi.

27 Vì Ngài, sẽ chẳng bỏ rơi linh hồn tôi nơi âm phủ; Ngài cũng sẽ chẳng trao ra Đấng Thánh của Ngài để thấy sự hư nát.

Chữ “Ngài” trong câu 27 và 28 đều chỉ về Đức Chúa Trời. Chữ “tôi” vừa chỉ về Vua Đa-vít vừa chỉ về Đấng Christ.

Đối với Vua Đa-vít, linh hồn không bị bỏ rơi nơi âm phủ có nghĩa là vào thời của ông, dù sự cứu chuộc nhân loại chưa được Đấng Christ hoàn thành khiến cho linh hồn của Đa-vít cũng như của các thánh đồ thời Cựu Ước và thời trước Cựu Ước, sau sự chết của thân thể xác thịt, đều phải tạm trú trong âm phủ, nhưng họ được ở trong khu vực gọi là Lạc Viên, có nghĩa là Vườn Vui Thỏa. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh khu vực này được gọi là Ba-ra-đi (Lu-ca 23:43).

Động từ “đí-đô-mi” (G1325) được dịch là “trao ra” trong câu trên đây để nhấn mạnh ý nghĩa Đức Chúa Trời đã trao Đức Chúa Jesus ra để trả giá cho sự phạm tội của loài người.

Danh từ “Đấng Thánh” có thể dịch là “người thánh” để chỉ chung mọi thánh đồ của Đức Chúa Trời nhưng cũng dùng để chỉ riêng Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đứng đầu mọi thánh đồ. Đức Chúa Jesus Christ tự chính Ngài là thánh khiết vì Ngài không hề phạm tội; trong khi các thánh đồ được nên thánh là bởi Ngài.

“Không thấy sự hư nát” có ý nói về thân thể xác thịt không bị tan rã thành bụi đất. Chi tiết này đã không ứng nghiệm cho Vua Đa-vít nhưng đặc biệt ứng nghiệm cho Đức Chúa Jesus. Vì thế, càng minh chứng Thi Thiên 16 là lời tiên tri về Đấng Christ, dù có một số chi tiết có thể áp dụng cho Vua Đa-vít và những con dân Chúa.

28 Ngài đã cho tôi biết các con đường của sự sống. Ngài sẽ làm cho tôi đầy sự vui mừng với mặt Ngài. [Thi Thiên 16:8-11]

Danh từ “con đường của sự sống” được dùng với hình thức số nhiều trong câu này. Chúng ta có thể hiểu:

  • Con đường của sự sống của một người khi được sinh ra là tin cậy và vâng phục Thiên Chúa. Trường hợp này bao gồm A-đam và Ê-va, dù họ không được sinh ra.
  • Con đường của sự sống của một người khi đã lỡ phạm tội, bị rơi vào sự chết là ăn năn và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
  • Con đường của sự sống của một người đã được cứu rỗi là cứ ở lại trong sự tin cậy và vâng phục Thiên Chúa.

Vua Đa-vít và Đức Chúa Jesus trước khi kinh nghiệm sự chết của thân thể xác thịt đã được Đức Chúa Trời cho biết các con đường của sự sống. Vua Đa-vít đã kinh nghiệm cả ba con đường này nhưng Đấng Christ chỉ kinh nghiệm con đường thứ nhất, vì Ngài không hề phạm tội và không cần được cứu rỗi. Trái lại, Ngài chính là Đấng cứu chuộc loài người. Hơn ai hết, Ngài hiểu rõ sức mạnh của sự cứu rỗi dành cho những ai ăn năn và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, cho những ai cứ ở lại trong sự tin cậy và vâng phục Thiên Chúa. Vì Ngài chính là Đấng ban sự sống và sự sống lại cho những người như vậy.

Cách nói “đầy sự vui mừng với mặt Ngài” có nghĩa là đầy sự vui mừng bởi sự hiện diện của Ngài. Con đường của sự sống nào cũng đưa đến sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong cuộc sống; và chính sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong cuộc sống khiến cho loài người được đầy sự vui mừng. Trái lại những kẻ không có sự cứu rỗi, đời đời bị xa cách mặt Chúa, sẽ đời đời không có sự vui mừng.

“Họ sẽ bị hình phạt hư mất mãi, xa cách mặt Chúa và sự vinh quang của sức mạnh Ngài…” (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Sự bị xa cách mặt Chúa, tức là xa cách sự hiện diện của Chúa đang xảy ra ngay trong cuộc đời này cho bất cứ ai không tin cậy Ngài, không vâng phục Ngài. Vì tội lỗi của họ làm cho họ bị xa cách khỏi Thiên Chúa.

“Nhưng bởi sự gian ác của các ngươi đã làm phân cách giữa các ngươi và Thiên Chúa của các ngươi; và những tội lỗi của các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi mà Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Ê-sai 59:2).

Là con dân Chúa, nếu chúng ta nhận biết mình đã lỡ phạm tội thì chúng ta phải lập tức ăn năn để không bị gián đoạn sự thông công với Chúa. Càng kéo dài thời gian ăn năn là chúng ta càng chứng tỏ sự khinh thường Chúa; bị mất nhiều ơn phước của Chúa càng hơn; và có thể sẽ không còn cơ hội để ăn năn mà sẽ bị Chúa làm cho cứng lòng, như trường hợp của Pha-ra-ôn xứ Ai-cập vào thời của Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 7-11).

29 Hỡi các người, hỡi các anh chị em! Ấy là hợp pháp để tự do nói với các anh chị em về tổ phụ Đa-vít rằng, người đã chết và cũng đã được chôn. Mồ mả của người ở giữa chúng ta cho tới ngày nay.

“Hợp pháp để tự do nói” có nghĩa là nói đúng với Thánh Kinh mà không ai có thể ngăn cản hay bắt bẻ. Về sau, Sứ Đồ Phao-lô cũng đã nói tương tự như Phi-e-rơ về Vua Đa-vít (Công Vụ Các Sứ Đồ 13:36).

Theo I Các Vua 2:10 thì Vua Đa-vít được chôn trong thành Đa-vít. Thành Đa-vít chính là thành Giê-ru-sa-lem sau này (II Sa-mu-ên 5:7). Quý ông bà anh chị em có thể xem hình ảnh trong ngôi mộ của Vua Đa-vít và đọc các bài viết liên quan trên mạng [1]. Xin dùng chức năng phiên dịch các trang mạng của Google đã có sẵn trong trình duyệt để dịch sang tiếng Việt.

Phi-e-rơ cũng như Phao-lô nhấn mạnh sự kiện Vua Đa-vít đã chết, được chôn trong mộ, chưa hề sống lại để khẳng định, Thi Thiên 16 là lời tiên tri về sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ.

30 Nhưng, người là một tiên tri và biết rằng, Đức Chúa Trời đã thề hứa với người, từ bông trái của hông người, theo xác thịt, Ngài sẽ dấy lên Đấng Christ để ngồi trên ngai của người. [Thi Thiên 89:3-4; 132:11]

Ngoài chức vụ vua, Đa-vít còn là một tiên tri của Đức Chúa Trời mà hầu hết các Thi Thiên do ông viết ra đều là các lời tiên tri. Ngoài Đa-vít còn có các tác giả khác của Thi Thiên đã tiên tri về sự dòng dõi của ông sẽ đời đời làm vua của dân I-sơ-ra-ên. Ngai của Đa-vít tức là ngai vua của dân I-sơ-ra-ên. Khi Đức Chúa Jesus bị đóng đinh, Tổng Đốc Phi-lát đã sai lính La-mã đóng trên thập tự giá một tấm bảng do ông viết bằng ba thứ tiếng: Hê-bơ-rơ, La-tinh (tức tiếng La-mã), và tiếng Hy-lạp. Lời được viết trên bảng là: “Jesus, Người Na-xa-rét, Vua của Dân Do-thái” (Giăng 19:19-20).

Sáng Thế Ký đoạn 2 ghi lại câu chuyện Thiên Chúa lấy một phần xác thịt từ hông của A-đam để tạo ra Ê-va. Vì thế, dân I-sơ-ra-ên có thành ngữ “bông trái của hông người” để chỉ con cháu của một người.

Đức Chúa Jesus là con cháu của Vua Đa-vít nhưng đó là trên phương diện xác thịt. Đức Chúa Jesus do bà Ma-ri sinh ra nên Ngài là con trai của bà nhưng chỉ trên phương diện xác thịt. Vì thế, không thể nào nói, bà Ma-ri là “mẹ của Thiên Chúa” như cách lý luận của Giáo Hội Công Giáo. Nếu có thể nói bà Ma-ri là mẹ của Thiên Chúa thì cũng có thể nói Vua Đa-vít là tổ phụ của Thiên Chúa; và như vậy cũng có thể nói, A-đam là tổ phụ của Thiên Chúa. Nhưng Thánh Kinh ghi rõ, A-đam là con của Đức Chúa Trời (Lu-ca 3:38). Tà giáo dạy rằng, bà Ma-ri là mẹ của Thiên Chúa là hàm hồ, vô lý nhưng lại được hàng tỉ người trên thế giới tuyên xưng.

31 Người đã thấy trước và đã nói về sự sống lại của Đấng Christ rằng, linh hồn của Ngài đã chẳng bị bỏ lại nơi âm phủ, xác thịt của Ngài đã chẳng thấy sự hư nát. [Thi Thiên 16:10]

Sau khi Vua Đa-vít qua đời, linh hồn của ông đã phải ở trong âm phủ suốt 997 năm, cho tới khi Đấng Christ phục sinh và đem linh hồn của ông cùng các thánh đồ khác từ âm phủ vào thiên đàng (Ê-phê-sô 4:8), làm ứng nghiệm lời tiên tri của chính Đa-vít (Thi Thiên 68:18). Nhưng xác thịt của Đa-vít đã hư nát, trở về cùng cát bụi, và đang chờ ngày được sống lại. Vì thế, lời tiên tri trong Thi Thiên 16:10 là dành riêng cho Đấng Christ và đã ứng nghiệm.

32 Đức Chúa Jesus này, Đức Chúa Trời đã khiến sống lại, mà hết thảy chúng ta là những chứng nhân.

Sự Đức Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên cây thập tự cho đến chết là điều những người có mặt tại Giê-ru-sa-lem đều biết, hoặc là tận mắt chứng kiến, hoặc là nghe thuật lại. Sự Đức Chúa Jesus phục sinh cũng đã được bàn tán khắp thành Giê-ru-sa-lem gần 50 ngày qua. Giờ đây, Phi-e-rơ công bố ông và các môn đồ của Chúa là những chứng nhân về sự Đức Chúa Jesus thật đã sống lại. Họ đã tận mắt nhìn thấy Ngài sau khi Ngài sống lại; họ cũng đã cùng trò chuyện và ăn uống với Ngài sau khi Ngài sống lại; họ cũng đã nhìn thấy Ngài thăng thiên. Họ là những chứng nhân sống.

33 Vậy, Ngài được tôn cao bên phải Đức Chúa Trời và nhận lấy lời hứa của Đức Cha về Đức Thánh Linh. Ngài ban phát sự này mà các ngươi đang thấy và nghe.

Vị trí bên phải của một người luôn là vị trí dành cho người mà người ấy tôn trọng. Đức Chúa Trời đặt con người xác thịt Jesus vào vị trí tôn trọng nhất đối với Đức Chúa Trời là bên phải của Ngài; và cũng đã ban cho Đức Chúa Jesus danh hiệu “Đức Chúa Trời” (Giăng 17:11; Hê-bơ-rơ 1:8-9).

Đức Chúa Trời hứa ban Đấng Thần Linh cho những người tin nhận Đấng Christ (Giăng 14:16, 26; Công Vụ Các Sứ Đồ 1:4) để Đấng Thần Linh đời đời cư trú trong mỗi con dân Chúa qua danh hiệu Đức Thánh Linh. Đây là một sự huyền nhiệm mà chúng ta cần ghi nhớ và thường xuyên suy ngẫm, để luôn cảm nhận ân điển vô biên của Đức Chúa Trời đã khiến cho chúng ta có địa vị và giá trị cao quý vô cùng. Đức Chúa Trời ban Đấng Thần Linh cho Hội Thánh qua Đấng Christ. Vì thế Đấng Christ trực tiếp ban phát Đấng Thần Linh cho mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh và làm báp-tem cho mỗi người trong thánh linh.

Sự kiện các môn đồ của Chúa đang tôn vinh Đức Chúa Trời trong các ngoại ngữ mà đám đông thấy và nghe, chính là dấu hiệu của sự Đấng Christ đã ban phát Đấng Thần Linh cho con dân Chúa và đã báp-tem Hội Thánh trong thánh linh.

34 Vì Đa-vít chẳng lên trên trời nhưng chính người nói, Chúa đã phán với Chúa của tôi: Hãy ngồi bên phải Ta,

35 cho tới khi Ta đặt những kẻ thù của ngươi làm bệ chân cho chân của ngươi. [Thi Thiên 110:1]

Vào thời điểm Phi-e-rơ công bố những lời này thì linh hồn Vua Đa-vít đã ở trong thiên đàng nhưng xác thịt của ông vẫn còn ngủ yên trong bụi đất. Lời tiên tri của ông trong Thi Thiên 110:1 không thể áp dụng cho bản thân ông. Vua Đa-vít cũng không hề được ban cho chức vụ thầy tế lễ. Vì thế, toàn bộ Thi Thiên 110 là tiên tri về Đấng Christ.

Trong câu 34, chúng ta thấy danh từ “Chúa” cùng lúc được dùng cho cả Đức Chúa Trời và Đấng Christ. Trong thực tế, các danh từ: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa, và Chúa đều được Thánh Kinh dùng để gọi chung cả ba thân vị Thiên Chúa hoặc gọi riêng từng thân vị Thiên Chúa.

36 Vậy, cả nhà I-sơ-ra-ên hãy biết chắc rằng, Đức Chúa Trời đã làm cho Jesus này, mà các ngươi đã đóng đinh, vừa là Chúa vừa là Đấng Christ.

“Cả nhà I-sơ-ra-ên” là hết thảy 12 chi phái I-sơ-ra-ên.

“Chúa” khi dùng cho ba thân vị Thiên Chúa có nghĩa là Đấng cầm quyền tuyệt đối.

“Đấng Christ” là danh xưng xác nhận người duy nhất được Đức Chúa Trời chọn làm Đấng Cứu Chuộc toàn thể loài người. Nghĩa đen của danh xưng “Đấng Christ” là người được xức dầu; nghĩa bóng là người được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ, thẩm quyền, và năng lực để làm một điều gì đó cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Jesus được gọi là Đấng Christ, bởi vì, Ngài được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ đấng tiên tri, thầy tế lễ, và nhà vua.

  • Trong chức vụ đấng tiên tri: Đức Chúa Jesus giãi bày Đức Chúa Trời cho nhân loại (Giăng 1:18).
  • Trong chức vụ thầy tế lễ: Đức Chúa Jesus dâng sinh tế chuộc tội cho nhân loại (Hê-bơ-rơ 7:27); và cầu thay cho những ai tin nhận sự chuộc tội của Ngài (Hê-bơ-rơ 7:25).
  • Trong chức vụ nhà vua: Đức Chúa Jesus là “Vua của Các Vua, Chúa của Các Chúa” (Khải Huyền 19:16), cai trị Vương Quốc của Đức Chúa Trời trong lòng người tin Chúa, trong Vương Quốc Ngàn Năm, và trong Vương Quốc Đời Đời.

Nghi thức xức dầu thời Cựu Ước cho các tiên tri, thầy tế lễ, và vua là hình bóng cho sự người nhận chức vụ được Đức Chúa Trời ban cho đầy dẫy thánh linh của Ngài; tức là thẩm quyền, năng lực, và các ân tứ để người ấy hoàn thành chức vụ. Đấng Christ được Đức Chúa Trời kêu gọi cùng một lúc vào cả ba chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ, và vua, nhưng không hề có nghi thức xức dầu của thời Cựu Ước được thi hành trên Ngài. Vì Ngài trực tiếp nhận lãnh Đức Thánh Linh và được đổ đầy thánh linh, ngay sau khi Ngài chịu báp-tem và ra khỏi nước của sông Giô-đanh (Ma-thi-ơ 3:16). Tiên tri Ê-sai đã tiên tri về sự Đấng Christ được đổ đầy thánh linh, như sau:

“Và ngự trên Ngài là Thần của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thần Khôn Sáng và Hiểu Biết, Thần Mưu Định và Mạnh Sức, Thần Tri Thức và Kính Sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Ê-sai 11:2).

Đức Chúa Jesus Christ vừa là Đấng cầm quyền tuyệt đối trên muôn loài, vừa là Đấng Cứu Chuộc của mọi người. Tiếp nhận quyền cai trị của Ngài và sự cứu chuộc của Ngài hoặc không tiếp nhận là quyền tự do tuyệt đối của mỗi người.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây và sẽ tiếp tục học phần còn lại về “Bài Giảng Đầu Tiên của Phi-e-rơ” trong bài học kế tiếp.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/05/2021

Ghi Chú

[1] http://www.keverdavid.co.il/ (Nếu không truy cập được, bạn có thể vào trang https://server6.kproxy.com/ rồi dán đường link vào ô tìm kiếm).

Karaoke Thánh Ca: “Nguyện Xin Sống cho Ngài Thôi”
https://karaokethanhca.net/nguyen-xin-song-cho-ngai-thoi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.