Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ – TL024 Lời Chứng Sau Cùng của Giăng Báp-tít về Đức Chúa Jesus

622 views

YouTube: https://youtu.be/8tgTXe8URtg

Chú Giải Bốn Sách Tin Lành
Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ
TL024 Lời Chứng Sau Cùng của Giăng Báp-tít
về Đức Chúa Jesus
Giăng 3:22-36

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Giăng 3:22-36

22 Sau các sự ấy, Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đã đến trong đất Giu-đê. Ngài đã ở đó với họ, và làm báp-tem. [Báp-tem là sự tẩy uế bằng cách dìm mình vào trong nước. Sự chịu báp-tem của người tin nhận Tin Lành tiêu biểu cho sự người ấy bằng lòng chết đi con người cũ với Đấng Christ, khi được dìm xuống nước; và được sống lại với Ngài, thành một người mới, khi ra khỏi nước.]

23 Giăng cũng đang làm báp-tem tại Ê-nôn, gần Sa-lim, bởi nơi ấy có nhiều nước nên người ta đã đến và chịu báp-tem.

24 Vì Giăng chưa bị ném vào tù.

25 Thế rồi, đã xảy ra sự tranh luận giữa các môn đồ của Giăng với mấy người Do-thái về sự tẩy uế.

26 Họ đã đến với Giăng và nói với người: Ra-bi! Người đã ở với ông bên kia sông Giô-đanh, người mà ông đã làm chứng cho, kìa, người ấy làm báp-tem và mọi người đến với người ấy.

27 Giăng đã đáp lời và nói: Một người không thể nhận được gì, trừ khi người ấy đã được ban cho từ trời.

28 Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng, ta đã nói: Ta không phải là Đấng Christ nhưng mà ta đã được sai đến trước Ngài.

29 Người có cô dâu là chàng rể, nhưng bạn của chàng rể đứng bên và nghe chàng thì vui mừng lớn vì tiếng của chàng rể. Vậy nên, sự vui mừng này của ta là trọn vẹn.

30 Ngài phải thêm lên nhưng ta phải giảm xuống.

31 Đấng từ trên cao đến là trên hết tất cả. Kẻ ra từ đất thì thuộc về đất và nói về đất. Đấng từ trời đến là trên hết tất cả.

32 Sự Ngài đã thấy và đã nghe thì Ngài làm chứng. Nhưng không ai nhận lời chứng của Ngài.

33 Ai đã nhận lời chứng của Ngài thì ấn chứng rằng: Đức Chúa Trời là thật.

34 Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến nói những lời phán của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời phó thác Đấng Thần Linh cho Ngài không bởi sự đo lường.

35 Đức Cha yêu Đức Con, và đã giao hết mọi sự vào trong tay Ngài.

36 Ai tin nơi Đức Con thì được sự sống vĩnh cửu, còn ai không tin Đức Con thì sẽ chẳng thấy sự sống, nhưng cơn giận của Đức Chúa Trời ở lại trên người ấy.

Trong bài này, chúng ta tìm hiểu mấy lời chứng sau cùng của Giăng Báp-tít về Đức Chúa Jesus. Vào thời điểm này, Đức Chúa Jesus vừa mới bắt đầu linh vụ, sau khi đã kêu gọi một số môn đồ đầu tiên.

Kể từ hôm nay, chúng tôi sẽ dùng từ ngữ “linh vụ”, có nghĩa là công việc thuộc linh, thay cho từ ngữ mục vụ. Vì từ ngữ mục vụ có nghĩa là công việc chăn dắt con dân Chúa. Công việc của Giăng Báp-tít và của Đức Chúa Jesus đang khi rao giảng Tin Lành, không phải là chăn dắt con dân Chúa. Vì thế, nên gọi là linh vụ thay vì gọi là mục vụ. Từ trước tới giờ, từ ngữ mục vụ được dùng trong Giáo Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam để chỉ mọi công việc thuộc linh. Các giáo hội khác tại Việt Nam có sau Giáo Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam nên cũng dùng các từ ngữ Thánh Kinh và Thần học đã có sẵn. Vì thế, con dân Chúa người Việt, trong đó có chúng tôi, đã quen với cách dùng như vậy. Thực tế, chúng tôi đã thường dùng từ ngữ mục vụ trong các bài giảng, khi nói đến các việc làm thuộc linh của các tiên tri thời Cựu Ước, của Giăng Báp-tít, của Đức Chúa Jesus, của các sứ đồ, và của Hội Thánh. Nay, chúng tôi xin cáo lỗi cùng Hội Thánh và xin sửa sai.


https://timhieuthanhkinh.com/wp-content/uploads/2023/03/IroraenVaoTheKyThuNhat.jpg

Xin xem bản đồ minh họa các thành trong xứ Giu-đê để hình tưởng chặng đường Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài từ Giê-ru-sa-lem đi vào xứ Giu-đê.

22 Sau các sự ấy, Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đã đến trong đất Giu-đê. Ngài đã ở đó với họ, và làm báp-tem. [Báp-tem là sự tẩy uế bằng cách dìm mình vào trong nước. Sự chịu báp-tem của người tin nhận Tin Lành tiêu biểu cho sự người ấy bằng lòng chết đi con người cũ với Đấng Christ, khi được dìm xuống nước; và được sống lại với Ngài, thành một người mới, khi ra khỏi nước.]

Thực tế thì thành Giê-ru-sa-lem nằm trong khu vực của xứ Giu-đê nhưng dân I-sơ-ra-ên không xem thành Giê-ru-sa-lem là thuộc về xứ Giu-đê. Xứ Giu-đê là phần đất được chia cho chi phái Giu-đa nhưng thành Giê-ru-sa-lem được xem là khu biệt lập. Vì thế, dân I-sơ-ra-ên mới có cách nói: “Từ Giê-ru-sa-lem đi vào xứ Giu-đê” hoặc “Từ xứ Giu-đê đi lên thành Giê-ru-sa-lem”.

Sau các sự ấy” là sau các sự việc được ghi lại trong Giăng từ 1:35 đến 3:21. Chúng ta không biết Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đã đi đến các thành nào trong xứ Giu-đê. Nhưng có lẽ là Ngài hướng về phía bắc, để sẽ đi ngang xứ Sa-ma-ri mà về lại xứ Ga-li-lê. Có lẽ Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đã từ Giê-ru-sa-lem đi đến thành Em-ma-út, rồi lần lượt đi đến các thành Giê-ri-cô, Ép-ra-im, và A-ri-ma-thê, trước khi tiến vào xứ Sa-ma-ri.

Ngài đã ở đó với họ” là Đức Chúa Jesus đã ở trong xứ Giu-đê với các môn đồ. Có lẽ lúc này các môn đồ của Chúa chỉ có: Anh-rê, Phi-e-rơ, Giăng, Phi-líp và Na-tha-na-ên. Cũng có thể lúc này đã có thêm Gia-cơ, anh của Giăng. Nếu Gia-cơ không đến dự tiệc cưới tại Ca-na và gặp Chúa tại đó thì có lẽ ông cũng đã đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua và gặp Đức Chúa Jesus tại đó.

Trong câu này, Sứ Đồ Giăng ghi rõ là Đức Chúa Jesus làm báp-tem. Trong câu 26, những người Do-thái cũng xác nhận Đức Chúa Jesus làm báp-tem. Làm báp-tem có nghĩa là làm báp-tem cho người tin lời rao giảng của Chúa. Nhưng sự báp-tem này cũng giống như sự báp-tem Giăng Báp-tít làm. Đó là sự báp-tem vào trong sự ăn năn tội. Nghĩa là sự báp-tem thể hiện lòng ăn năn tội, muốn được nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Sự báp-tem này không phải là sự báp-tem được ghi lại trong Ma-thi-ơ 28:19. Đây cũng không phải Đức Chúa Jesus làm báp-tem trong thánh linh. Vì Đức Chúa Jesus chưa hoàn thành sự chết chuộc tội cho loài người và Đấng Thần Linh cũng chưa giáng xuống, ở lại với người tin nhận Tin Lành. Sau khi Đức Chúa Jesus sống lại thì Ngài mới báp-tem cho các môn đồ trong thánh linh, như Giăng 20:22 đã ghi. Sau khi Hội Thánh được thành lập thì ai thật lòng tin nhận Tin Lành, chịu báp-tem theo lời phán dạy của Đức Chúa Jesus thì Ngài báp-tem người ấy trong thánh linh, ngay khi người ấy chịu báp-tem trong nước. Ngoại trừ trường hợp của gia đình Đại Đội Trưởng Cọt-nây. Vì thế, khi một người đã thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, vâng theo lời phán dạy của Ngài, chịu báp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa, tức là danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, thì người ấy không cần phải cầu xin được báp-tem bằng thánh linh. Giáo lý dạy con dân Chúa tìm kiếm và cầu xin được báp-tem bằng thánh linh là tà giáo. Thậm chí, có giáo phái còn dạy cho thành viên của họ cầu xin được Đức Chúa Jesus báp-tem cho họ bằng lửa. Vì họ không hiểu rằng, báp-tem trong lửa là bị nhúng chìm vào trong hồ lửa. Đó là hình phạt đời đời dành cho những ai chối bỏ Tin Lành.

Một số nhà giải kinh cho rằng, không phải Đức Chúa Jesus trực tiếp làm báp-tem mà là các môn đồ của Ngài. Họ đưa ra Giăng 4:1-2 để giải thích rằng, không phải Đức Chúa Jesus mà các môn đồ của Ngài đã làm báp-tem cho những ai tin nhận lời rao giảng của Ngài. Tuy nhiên, Giăng đoạn 4 ghi lại sự việc xảy ra vào cuối khoảng thời gian Đức Chúa Jesus lưu lại xứ Giu-đê, sau khi tham dự Lễ Vượt Qua của năm 25. Còn sự việc được ghi lại trong phân đoạn chúng ta đang học đây, cho phép chúng ta hiểu rằng, chính Đức Chúa Jesus làm báp-tem cho những người tin nhận lời rao giảng của Ngài. Vì đây là lời tường thuật trực tiếp của Sứ Đồ Giăng, người đồng hành với Chúa, chứ không phải là tin đồn mà những người Pha-ri-si nghe. Chúng ta có thể hiểu rằng, vào lúc đầu, Đức Chúa Jesus là người làm báp-tem, sau đó, khi có nhiều người tin thì Đức Chúa Jesus đã giao việc làm báp-tem lại cho các môn đồ của Ngài. Không thể nào Giăng có lời ghi chú trong Giăng 4:2 mà ngay tại đây, ông lại không viết rõ là các môn đồ của Chúa làm báp-tem. Ngữ pháp của câu văn rất là rõ ràng: “Ngài đã ở đó với họ, và làm báp-tem.” Động từ “làm báp-tem” được dùng với hình thức ngôi thứ ba, số ít, chỉ về Đức Chúa Jesus. Nếu Giăng có ý muốn viết, các môn đồ của Chúa làm báp-tem, thì ông đã viết: “Ngài đã ở đó với họ, và họ làm báp-tem”.

23 Giăng cũng đang làm báp-tem tại Ê-nôn, gần Sa-lim, bởi nơi ấy có nhiều nước nên người ta đã đến và chịu báp-tem.

24 Vì Giăng chưa bị ném vào tù.

Giăng Báp-tít đã di chuyển từ khu vực gần thành Bê-tha-ni phía đông sông Giô-đanh để đến gần thành Ê-nôn, ở phía bắc của xứ Đê-ca-bô-lơ. Nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy, thành Ê-nôn ở ngay bên dưới thành Sa-lim, sát với sông Giô-đanh và gần biên giới phía đông bắc của xứ Sa-ma-ri. Có lẽ Giăng Báp-tít đã chuyển về phía thượng nguồn của sông Giô-đanh, tìm đến nơi có độ sâu, chứa đủ nước, để làm báp-tem; vì lúc bấy giờ, nước sông gần Bê-tha-ni đã cạn, không còn đủ sâu để dìm người chịu báp-tem chìm vào trong nước.

Sự việc xảy ra trong phân đoạn Thánh Kinh chúng ta đang học đã xảy ra trước khi Giăng Báp-tít bị Vua Hê-rốt nhốt tù.

25 Thế rồi, đã xảy ra sự tranh luận giữa các môn đồ của Giăng với mấy người Do-thái về sự tẩy uế.

26 Họ đã đến với Giăng và nói với người: Ra-bi! Người đã ở với ông bên kia sông Giô-đanh, người mà ông đã làm chứng cho, kìa, người ấy làm báp-tem và mọi người đến với người ấy.

Chúng ta không biết nội dung sự tranh luận giữa những người Do-thái với các môn đồ của Giăng Báp-tít là gì. Nhưng đề tài tranh luận là sự tẩy uế. Mà sự tẩy uế thì liên quan đến sự báp-tem trong nước. Vì sự báp-tem trong nước là nghi thức dìm mình hoàn toàn dưới nước để tiêu biểu cho sự bằng lòng được thanh tẩy toàn thể con người. Rất có thể, những người Do-thái được Đức Chúa Jesus làm báp-tem cho đã nói với các môn đồ của Giăng Báp-tít rằng, được Đức Chúa Jesus làm báp-tem có giá trị hơn là được Giăng Báp-tít hay các môn đồ của ông làm báp-tem.

Đại danh từ “họ” trong câu 26 là chỉ về các môn đồ của Giăng Báp-tít. Sau khi tranh luận với mấy người Do-thái, họ đã đến gặp Giăng Báp-tít để báo cáo sự việc với ông. Qua lời báo cáo của họ, chúng ta có thể cảm nhận là họ không hiểu những gì Giăng Báp-tít đã nói về Đức Chúa Jesus. Họ tin lời rao giảng của Giăng, chịu báp-tem để dọn lòng đón nhận Đấng Christ, đi theo Giăng Báp-tít để phụ giúp ông trong việc báp-tem cho những người tin lời rao giảng của ông. Thế nhưng, sau khi Giăng Báp-tít đã nhiều lần làm chứng về Đức Chúa Jesus mà họ vẫn không đi theo Đức Chúa Jesus, như Anh-rê và Giăng. Giờ đây, trong lời họ báo cáo với Giăng Báp-tít dường như có giọng điệu ganh tị, bực tức, khi thấy có nhiều người đến với Đức Chúa Jesus.

Ngay từ buổi ban đầu, khi Tin Lành được rao giảng, chúng ta thấy, đã có những người chỉ muốn tạo ra các giáo hội, giáo phái và họ sẵn sàng hành động để bảo vệ giáo hội, giáo phái của họ. Sự tin Chúa của họ hoàn toàn theo lý trí, không theo thần trí. Họ chỉ muốn tạo ra một hệ thống tín ngưỡng hay tôn giáo mà họ là thành phần đứng đầu, mà những người khác phải tôn kính họ, quỵ lụy họ. Thực tế, họ chiếm lấy sự vinh quang của Thiên Chúa mà họ rao giảng; họ tạo ra một “vương quốc” tôn giáo để phục vụ cho phe nhóm của họ.

27 Giăng đã đáp lời và nói: Một người không thể nhận được gì, trừ khi người ấy đã được ban cho từ trời.

Đáp lại lời báo cáo của các môn đồ, Giăng Báp-tít đã nói lên lời chứng cuối cùng của ông về Đấng Christ, trước khi ông bị Vua Hê-rốt An-ti-ba bắt giam vào ngục và sau đó ra lệnh chém đầu.

Trước hết, Giăng Báp-tít đã nói lên một lẽ thật. Đó là một người không thể nhận được gì, trừ khi người ấy đã được ban cho từ trời.

Trong thế gian xưa nay, có biết bao nhiêu người nghĩ rằng, mọi thành tích mình đạt được là do mình tài giỏi, khôn khéo, can đảm… Từ nhiều ngàn năm trước, Đại Đế Nê-bu-cát-nết-sa của đế quốc Ba-bi-lôn, sau khi chinh phục nhiều quốc gia, xây dựng một đế quốc Ba-bi-lôn hùng mạnh, giàu có, đã tự hào rằng:

…Đây chẳng phải là Ba-bi-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi sức mạnh của quyền lực của ta, cho kinh đô của vương quốc, và cho sự vinh quang của sự oai nghi của ta sao?” (Đa-ni-ên 4:30).

Ngay lập tức, vua đã bị Đức Chúa Trời đánh hạ, phải sống ngoài đồng, ăn cỏ như bò trong bảy năm. Lời Chúa chép rằng:

Trong khi lời còn trong miệng vua, có tiếng từ trời xuống rằng: Hỡi Vua Nê-bu-cát-nết-sa! Được phán cho ngươi: Vương quốc đã bị lấy khỏi ngươi. Họ sẽ đuổi ngươi khỏi loài người. Ngươi sẽ ở với những thú đồng. Họ sẽ khiến ngươi ăn cỏ như bò. Rồi bảy năm sẽ trải qua trên ngươi, cho tới khi ngươi nhận biết rằng, Đấng Rất Cao cai trị trong vương quốc của loài người, và ban nó cho bất cứ ai mà Ngài muốn. Ngay lập tức, sự việc đã ứng nghiệm trên Nê-bu-cát-nết-sa. Người đã bị đuổi khỏi loài người; ăn cỏ như bò; thân thể của người bị ướt bởi sương móc từ trời, cho đến nỗi tóc của người đã mọc như lông của đại bàng, và các móng của người như móng của loài chim.” (Đa-ni-ên 4:31-33).

Tất cả những phép lạ Đức Chúa Jesus làm đều là bởi sự ban cho từ Đức Chúa Trời. Thẩm quyền, năng lực, và ân tứ thi hành chức vụ Đấng Christ của Đức Chúa Jesus đều đến từ Đức Chúa Trời.

Giăng Báp-tít vừa khẳng định sự ban cho của Đức Chúa Trời đối với Đức Chúa Jesus lại vừa nhắc cho các môn đồ của ông biết rằng, ngay cả những gì ông và họ đang làm cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta không biết các môn đồ của Giăng Báp-tít có hiểu rõ điều Giăng dạy họ hay không.

28 Chính các ngươi làm chứng cho ta rằng, ta đã nói: Ta không phải là Đấng Christ nhưng mà ta đã được sai đến trước Ngài.

Kế tiếp, Giăng Báp-tít nhắc cho các môn đồ của ông nhớ rằng, ông từng nói, ông không phải là Đấng Christ mà ông chỉ là người được sai đến trước Đấng Christ để dọn đường cho Ngài. Lời nói này của Giăng Báp-tít một lần nữa, nhấn mạnh Đức Chúa Jesus là Đấng Christ, như lời chứng trước đó của ông:

Giăng làm chứng về Ngài và đã kêu lên rằng: Đây là Đấng mà ta đã nói, Đấng đến sau ta hằng có trước ta, vì Ngài hằng có trước ta. Từ sự đầy dẫy của Ngài, hết thảy chúng ta đã nhận, ơn càng thêm ơn.” (Giăng 1:15-16).

Thế nhưng dường như các môn đồ của Giăng Báp-tít hoặc là không tin lời nói của ông; hoặc là họ không quan tâm đến Đấng Christ mà chỉ quan tâm đến tổ chức tôn giáo họ đang thành lập. Thánh Kinh cho chúng ta biết, đến lúc Giăng Báp-tít bị Vua Hê-rốt An-ti-ba giết, ông vẫn có các môn đồ theo ông.

Chẳng phải bổn phận của Giăng Báp-tít là dọn lòng họ để họ đón nhận Đấng Christ và đi theo Đấng Christ sao? Vì sao các môn đồ của Giăng Báp-tít cứ đi theo ông, không đi theo Đức Chúa Jesus, là một câu hỏi mà chúng ta không biết chắc câu trả lời.

29 Người có cô dâu là chàng rể, nhưng bạn của chàng rể đứng bên và nghe chàng thì vui mừng lớn vì tiếng của chàng rể. Vậy nên, sự vui mừng này của ta là trọn vẹn.

Giăng Báp-tít dùng hình ảnh cô dâu, chú rể, và bạn của chàng rể để minh họa quan hệ giữa ông và Đấng Christ. Nhưng thực tế, Đức Chúa Jesus chính là chàng rể của Hội Thánh. Bản thân của Giăng Báp-tít không thuộc về Hội Thánh, nên ông không có mối liên kết mật thiết với Đấng Christ như Hội Thánh. Ông chỉ là bạn của Đấng Christ, như các thánh đồ của Đức Chúa Trời trước thời kỳ Hội Thánh, như những người I-sơ-ra-ên tin kính Đức Chúa Trời trong thời kỳ Hội Thánh và trong Kỳ Tận Thế mà không thuộc về Hội Thánh.

Giăng Báp-tít nói rằng, sự vui mừng của ông khi được làm bạn của chàng rể, được kề cận chàng rể, và được nghe tiếng của chàng rể là sự vui mừng trọn vẹn; hàm ý, ông thỏa lòng với địa vị Đức Chúa Trời ban cho ông.

Ngày nay, có nhiều người được Đức Chúa Trời ban cho địa vị là một chi thể trong Hội Thánh của Chúa mà họ lại không vui mừng. Có khi còn than trách Chúa, vì phải chịu khổ để đi theo Chúa.

30 Ngài phải thêm lên nhưng ta phải giảm xuống.

Động từ “thêm lên” (G837) có nghĩa là gia tăng về kích thước hoặc số lượng, như sự tăng trưởng của loài thực vật, hoặc sự gia tăng nhân số trong một đám đông. Nhưng ở đây nói về sự thêm lên về danh tiếng, về sức ảnh hưởng của Đức Chúa Jesus trong linh vụ của Ngài.

Động từ “giảm xuống” (G1642) có nghĩa là làm cho kém đi trong cấp bậc, trong quyền thế, hay trong sức ảnh hưởng. Như vậy, chính Giăng Báp-tít đã nhận thức được rằng, đã tới lúc công tác của ông phải kết thúc và công tác của Đấng Christ được phát triển ngày càng hơn, kết nhiều quả.

31 Đấng từ trên cao đến là trên hết tất cả. Kẻ ra từ đất thì thuộc về đất và nói về đất. Đấng từ trời đến là trên hết tất cả.

Giăng Báp-tít gọi Đức Chúa Jesus là “Đấng từ trên cao đến” có nghĩa là ông chấp nhận thần tính của Ngài. Ông gọi Ngài là “trên hết tất cả” với ý nghĩa Ngài là trên hết muôn loài vạn vật và mọi quyền thế.

Giăng Báp-tít tự nhận mình là kẻ ra từ đất và nói về đất. Ông ra từ đất và thuộc về đất vì cha mẹ ông đều là loài người được sinh ra trên đất. Ông nói về đất là nói những điều xảy ra trên đất, trong đó, có sự loài người phạm tội, loài người cần ăn năn, loài người cần tin nhận Đấng Christ. Những điều Giăng Báp-tít nói về đất là những việc làm của Đức Chúa Trời trên đất, không phải những việc của thế gian, là những việc chống nghịch Thiên Chúa.

Giăng Báp-tít nói rõ, “Đấng từ trên cao đến” tức là “Đấng từ trời đến”. Chính vì thế mà Đấng ấy là “trên hết tất cả”.

32 Sự Ngài đã thấy và đã nghe thì Ngài làm chứng. Nhưng không ai nhận lời chứng của Ngài.

Sự Đức Chúa Jesus đã thấy và đã nghe là những sự Ngài đã thấy và đã nghe ở trên trời. Vì Ngài là Đấng từ trời đến, dù Ngài đang ở trong thể trạng của loài người. Chỉ có Ngài mới có thể giãi bày về Thiên Chúa cho loài người.

Chẳng ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, ngoài Đấng Con Một, Đấng ở trong lòng của Đức Cha. Ngài đã giãi bày về Thiên Chúa.” (Giăng 1:18).

Mặc dù thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus được Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri, ở trên đất, nhưng bản ngã, tức linh hồn, và thân thể thiêng liêng của Ngài, tức tâm thần, lại chính là Thiên Chúa Ngôi Lời, ở bên cạnh Đức Chúa Trời cách vô cùng mật thiết, ở trong thiên đàng. Thành ngữ “ở trong lòng” nói đến mối quan hệ vô cùng thân thiết, như khi Đức Chúa Jesus nói người ăn mày La-xa-rơ, sau khi qua đời, được thiên sứ đem để trong lòng của Áp-ra-ham (Lu-ca 16:22).

Còn ai có thể giãi bày về Thiên Chúa, ngoài Đức Chúa Jesus, là Đấng thấy rõ các thân vị Thiên Chúa và chính Ngài cũng là một thân vị Thiên Chúa? Tuy nhiên, lúc bấy giờ, lời chứng của Đức Chúa Jesus về Thiên Chúa không có nhiều người tin nhận.

Câu nói “Nhưng không ai nhận lời chứng của Ngài” là câu nói dùng tính cường điệu (hyperbole) để nhấn mạnh đến số lượng rất ít người tin nhận. Tính cường điệu trong văn chương thường được sử dụng nhiều trong Thánh Kinh để nhấn mạnh các chi tiết về sự quá lớn, quá nhỏ; quá nhiều, quá ít; quá nhanh, quá chậm; quá khó, quá dễ…

Dưới đây là vài câu Thánh Kinh điển hình cho sự dùng lối văn cường điệu:

Tôi mòn mỏi vì than thở, mỗi đêm tôi làm trôi giường tôi, dầm nó với nước mắt.” (Thi Thiên 6:6).

Tôi bị đổ ra như nước. Mọi xương cốt tôi đều rời rã. Trái tim tôi như sáp, tan ra trong lòng tôi.” (Thi Thiên 22:14).

Hỡi kẻ mù dẫn đường, các ngươi lọc con ruồi nhỏ mà nuốt con lạc đà!” (Ma-thi-ơ 23:24).

Chúng ta biết câu 32 là một câu dùng cách nói cường điệu vì ngay trong câu 33 tiếp theo đã xác nhận, có người tin lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ.

33 Ai đã nhận lời chứng của Ngài thì ấn chứng rằng: Đức Chúa Trời là thật.

Người nào tin nhận lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ về các sự ở trên trời thì người ấy công nhận sự thực hữu của Đức Chúa Trời nói riêng và của Thiên Chúa nói chung. Động từ “ấn chứng” (G4972) có nghĩa là đóng con dấu để chứng thực một văn kiện, được dùng ở đây để nói đến sự người tin lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ thì đức tin của người ấy đã đóng dấu trong thần trí của người ấy về sự thực hữu của Đức Chúa Trời. Người ấy cũng dùng chính lời tuyên xưng của mình về Đức Chúa Trời để ấn chứng, tức công nhận, sự có thật của Đức Chúa Trời. Công nhận sự có thật của Đức Chúa Trời cũng chính là công nhận mọi sự thuộc về Đức Chúa Trời và mọi sự ra từ Đức Chúa Trời là thật.

34 Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến nói những lời phán của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời phó thác Đấng Thần Linh cho Ngài không bởi sự đo lường.

Trong Giăng 8:26, 40, Đức Chúa Jesus đã khẳng định với những người Do-thái tìm cách bắt bẻ Ngài rằng, Đức Chúa Trời là thật, là Đấng đã sai Ngài, và Ngài đã nói những gì mà Ngài nghe từ Đức Chúa Trời.

Sự kiện Đức Chúa Trời phó thác Đấng Thần Linh cho Đức Chúa Jesus không bởi sự đo lường có nghĩa là Đức Chúa Trời cho phép Đức Chúa Jesus có toàn quyền sử dụng mọi năng lực, mọi ân tứ từ Đấng Thần Linh. Thành ngữ “không bởi sự đo lường” cùng nghĩa với “không giới hạn”. Chúng ta hãy suy ngẫm về sự một con người được hoàn toàn sử dụng không giới hạn năng lực của Thiên Chúa. Đó cũng sẽ là điều được ban cho Hội Thánh khi Hội Thánh đồng trị với Đấng Christ trong Vương Quốc Trời. Bởi vì, đồng trị với Đấng Christ có nghĩa là cùng dùng chung một thẩm quyền, một nguồn năng lực với Đấng Christ. Hơn nữa, đó cũng là lúc Hội Thánh đã được hiệp một cách mầu nhiệm với Đấng Christ trong Lễ Cưới Chiên Con.

35 Đức Cha yêu Đức Con, và đã giao hết mọi sự vào trong tay Ngài.

Từ đời đời, Ba Ngôi Thiên Chúa đã yêu lẫn nhau và hiệp một trong tình yêu. Nhưng khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người thì Đức Chúa Trời yêu con người xác thịt mang tên Jesus ấy, và quyền cai trị toàn bộ cơ nghiệp của Thiên Chúa đã được giao vào trong tay của con người xác thịt ấy. Dù vậy, đang lúc chưa hoàn thành sự cứu chuộc nhân loại thì Đức Chúa Jesus không sử dụng thần tính của Thiên Chúa, cũng không sử dụng quyền cai trị ấy. Ngay sau khi thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus sống lại từ trong những kẻ chết thì thần tính của Thiên Chúa được thể hiện qua thân thể xác thịt của Ngài. Từ đó, cho tới đời đời, thần tính và nhân tính của Thiên Chúa Ngôi Lời là một với danh hiệu Chiên Con. Vì thế, chúng ta thấy, trong sách Khải Huyền, khi nói về trời mới và đất mới, đã gọi Thiên Chúa Ngôi Lời bằng danh hiệu Chiên Con. Danh hiệu ấy đời đời nói cho muôn loài thọ tạo biết, sự cứu rỗi Thiên Chúa đã ban cho loài người qua Đức Chúa Jesus Christ.

Không bao lâu nữa, Đức Chúa Jesus sẽ dùng danh hiệu “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” tái lâm trên đất, tiêu diệt hoàn toàn mọi thế lực chống nghịch Thiên Chúa của loài người, và thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm trên đất.

Sau thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm là cuộc phán xét chung cuộc loài người cũng do Đức Chúa Jesus Christ làm thẩm phán. Liền sau đó là sự dựng nên trời mới đất mới và Vương Quốc Đời Đời. Đức Chúa Jesus Christ sẽ là Vua Đời Đời trong Vương Quốc Đời Đời. Hội Thánh sẽ đời đời đồng trị với Ngài.

36 Ai tin nơi Đức Con thì được sự sống vĩnh cửu, còn ai không tin Đức Con thì sẽ chẳng thấy sự sống, nhưng cơn giận của Đức Chúa Trời ở lại trên người ấy.

Tin nơi Đức Con” tức là tin nơi Đức Chúa Jesus Christ. Là tin rằng, Ngài là Đấng Cứu Rỗi của loài người. Là tin rằng, Ngài là Con của Đức Chúa Trời. Là tin rằng, Ngài vừa hoàn toàn là Thiên Chúa vừa hoàn toàn là loài người. Là tin rằng, sự chết của Ngài trên thập tự giá đủ để gánh thay mọi hình phạt của tội lỗi cho toàn thể loài người. Là vâng theo lời kêu gọi của Ngài mà ăn năn tội và tin nhận Tin Lành. Bất cứ ai tin nơi Đức Chúa Jesus Christ thì sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu trong Vương Quốc Đời Đời. Bất cứ ai không tin nơi Đức Chúa Jesus Christ thì hình phạt của tội lỗi vẫn ở trên họ và họ sẽ bị phán xét về mỗi một tội mà họ đã làm ra, dù là trong tư tưởng, qua lời nói, hay bởi hành động.

Cơn giận của Đức Chúa Trời” tức là thái độ công chính của Ngài đối với bất cứ ai vi phạm các điều răn của Ngài.

Chúng ta kết thúc bài học này tại đây.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
11/03/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Tình Yêu Chúa”
https://karaokethanhca.net/tinh-yeu-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.