Chú Giải Cô-lô-se 04:02-18

5,228 views


YouTube: https://youtu.be/UMZwjzxy7hQ?si=1Gg5PJ8uJuejaoN3

Chú Giải Cô-lô-se 4:2-18
Nếp Sống Mới Tỉnh Thức Cầu Nguyện và Cư Xử Khôn Sáng

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

 2 Hãy luôn luôn cầu nguyện! Các anh chị em hãy tỉnh thức trong sự ấy, trong sự tạ ơn.

3 Đồng thời, cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để Đức Chúa Trời mở cửa truyền giảng cho chúng tôi rao truyền sự mầu nhiệm của Đấng Christ, bởi sự ấy mà tôi bị xiềng xích,

4 để tôi giãi bày sự ấy ra như tôi đáng phải rao truyền.

5 Hãy bước đi trong sự khôn sáng đối với những người ngoại. Hãy tận dụng thì giờ.

6 Lời nói của các anh chị em phải luôn ở trong ân điển, được nêm muối, để các anh chị em biết nên đối đáp mỗi người là thế nào.

7 Mọi việc thuộc về tôi sẽ được Ti-chi-cơ thông báo cho các anh chị em. {Anh ấy} là một anh em yêu dấu cùng Cha, một người phục vụ trung tín và cùng là tôi tớ trong Chúa.

8 Tôi gửi anh ấy đến với các anh chị em vì mục đích này: để anh ấy biết hoàn cảnh của các anh chị em và an ủi lòng của các anh chị em.

9 Cùng với Ô-nê-sim, người anh em cùng Cha trung tín và yêu dấu, người ra từ các anh chị em. Họ sẽ khiến cho các anh chị em biết hết mọi sự ở đây.

10 A-ri-tạc, bạn cùng bị tù với tôi, chào các anh chị em. Mác, anh em họ của Ba-na-ba {cũng có lời thăm các anh chị em}. Về người, các anh chị em đã nhận lời dạy bảo rồi; nếu người đến với các anh chị em, hãy tiếp đón người.

11 Giê-xu gọi là Giúc-tu {cũng có lời thăm các anh chị em}. Họ là những người chịu cắt bì. Chỉ những người này {là} bạn đồng công {với tôi} vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Họ là một sự an ủi cho tôi.

12 Ê-pháp-ra, người ra từ các anh chị em, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, chào các anh chị em. {Người} luôn vì các anh chị em chiến đấu trong sự cầu nguyện, để các anh chị em đứng vững trọn vẹn và hoàn thành mọi ý muốn của Đức Chúa Trời.

13 Vì tôi làm chứng cho người rằng, người rất sốt sắng đối với các anh chị em, với những người ở Lao-đi-xê và những người ở Hi-ê-ra-bô-li nữa.

14 Lu-ca, người thầy thuốc yêu dấu, và Đê-ma chào các anh chị em.

15 Xin chào các anh chị em cùng Cha ở Lao-đi-xê, Nim-pha cùng Hội Thánh {nhóm} trong nhà người.

16 Các anh chị em đọc thư này rồi, hãy đưa cho Hội Thánh ở Lao-đi-xê đọc với. Các anh chị em cũng hãy đọc {thư} từ Lao-đi-xê.

17 Hãy nói với A-chíp rằng: Hãy cẩn thận về mục vụ ông đã nhận trong Chúa để hoàn thành nó.

18 Lời chào {viết} bởi chính tay tôi, Phao-lô. Hãy nhớ sự xiềng xích của tôi. Ân điển {ở} cùng các anh chị em! A-men! [Viết từ Rô-ma bởi Ti-chi-cơ.]

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này,
có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

 Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNTQwNzU5NDZf/9051040_Colose_4_2-18.mp3

SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/9051040-co-lo-se-4_2-18
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/ye1q37yd0sbsimb/9051040_Colose_4_2-18.mp3

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
OpenDrive:  https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
MediaFire:  https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

Nếp sống mới trong Đấng Christ thể hiện những sự tốt lành của Thiên Chúa qua đời sống của con dân Thiên Chúa. Nếp sống ấy là sự ban cho từ Thiên Chúa cho những ai thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Tuy nhiên, sự phát huy và tiếp tục duy trì cuộc sống ấy hoàn toàn tùy thuộc vào con dân Chúa với hai nguyên tắc: cầu nguyện không thôi và ứng xử cách khôn sáng, nhất là qua lời nói. Cuối thư Cô-lô-se, Phao-lô đã dùng đó để đúc kết lời khuyên con dân Chúa về nếp sống mới.

2 Hãy luôn luôn cầu nguyện! Các anh chị em hãy tỉnh thức trong sự ấy, trong sự tạ ơn.

Cầu nguyện không chỉ đơn giản là cầu xin một điều gì. Cầu nguyện bao gồm tất cả những gì mà chúng ta muốn tâm tình, chia sẻ với Thiên Chúa. Cầu nguyện cũng không phải chỉ là một mình chúng ta nói. Cầu nguyện là đối thoại với Thiên Chúa, chúng ta nói, Thiên Chúa lắng nghe và Ngài đáp lời chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện khắp mọi nơi, trong mọi lúc. Chúng ta có thể cầu nguyện chung với các anh chị em cùng đức tin hoặc cầu nguyện cách riêng tư. Chúng ta có thể cầu nguyện ra tiếng hoặc cầu nguyện trong tâm thần.

Khi chúng ta cầu xin sự quan phòng hoặc xưng tội thì chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Khi chúng ta tâm tình và chia sẻ vui buồn trong cuộc sống thì chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Jesus Christ. Khi chúng ta tìm kiếm sự an ủi và dẫn dắt thì chúng ta cầu nguyện với Đức Thánh Linh. Khi chúng ta tôn vinh và cảm tạ thì chúng ta cầu nguyện với cả Ba Ngôi Thiên Chúa qua danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, hoặc Thiên Chúa, hoặc Chúa.

Từ ngữ “luôn luôn” được dùng trong câu này, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: sốt sắng một cách liên tục. Luôn luôn cầu nguyện là lúc nào tâm thần của chúng ta cũng tha thiết hướng về Thiên Chúa và chúng ta luôn ở trong tình trạng trò chuyện với Thiên Chúa, lắng nghe sự phán dạy của Thiên Chúa. Mệnh lệnh của Đức Thánh Linh trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17 là: “Hãy cầu nguyện không thôi!”

Cầu nguyện không thôi có nghĩa là cầu nguyện không ngừng nghỉ. Vì thế, có người đã ví sự cầu nguyện với hơi thở. Dù chúng ta đang làm bất cứ điều gì chúng ta cũng có thể ở trong sự cầu nguyện. Ngay cả khi chúng ta đang đọc sách, xem phim, nghe nhạc, ngoạn cảnh để giải trí, chúng ta vẫn có thể ở trong sự cầu nguyện bằng cách thầm cảm tạ Chúa về những điều hay, đẹp chúng ta đang nhận thức, bằng cách thảo luận với Chúa về những điều chúng ta đang nhận thức.

Hãy tỉnh thức trong sự ấy” là hãy tỉnh thức trong sự cầu nguyện. Từ ngữ “tỉnh thức” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: canh gác, như người một lính canh, đề phòng những sự bất trắc. Tỉnh thức trong sự cầu nguyện có nghĩa là cầu nguyện một cách có ý thức chứ không phải là chiếu lệ, là thật lòng trò chuyện với Chúa, lắng nghe sự phán dạy của Ngài, tha thiết trong sự thông công với Ngài. Chẳng những con dân Chúa tỉnh thức trong sự cầu nguyện, mà còn tỉnh thức trong sự tạ ơn. Nói cách khác, sự tạ ơn luôn có trong sự cầu nguyện. Lời Chúa đã dạy rõ như vậy:

Hãy luôn trong danh của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta mà tạ ơn Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta, về mọi sự.” (Ê-phê-sô 5:20).

Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6).

Mặc dù các anh chị em nói hay làm, cũng phải trong danh Đức Chúa Jesus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Cha.” (Cô-lô-se 3:17).

Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).

Tạ ơn Thiên Chúa trong mọi sự là nét đặc thù của nếp sống mới trong Đấng Christ; vì lẽ thật là: bất cứ điều gì xảy đến cho con dân Chúa cũng đều hiệp lại để làm ích cho họ, như Đức Thánh Linh đã khẳng định:

Chúng ta biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” (Rô-ma 8:28).

Ngay cả khi con dân Chúa vì phạm tội mà bị Chúa sửa phạt thì đó cũng là điều đáng cho họ tạ ơn Chúa; bởi vì:

Nhưng khi chúng ta bị phán xét, thì bị Chúa sửa phạt, để cho chúng ta không bị định tội với thế gian.” (I Cô-rinh-tô 11:32).

Những ai Ta yêu thì Ta quở trách và sửa phạt. Vậy, hãy sốt sắng và ăn năn.” (Khải Huyền 3:19).

Hê-bơ-rơ 12:5-11 đã nói rõ vì sao sự sửa phạt từ Chúa là một ơn phước lớn đối với con dân Chúa.

Chúng ta càng tỉnh thức trong sự cầu nguyện và trong sự tạ ơn bao nhiêu thì chúng ta càng thỏa lòng, đắc thắng, và kết nhiều quả bấy nhiêu trong nếp sống mới.

3 Đồng thời, cũng hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để Đức Chúa Trời mở cửa truyền giảng cho chúng tôi rao truyền sự mầu nhiệm của Đấng Christ, bởi sự ấy mà tôi bị xiềng xích,

4 để tôi giãi bày sự ấy ra như tôi đáng phải rao truyền.

Đồng thời” có nghĩa là cùng một lúc. Phao-lô muốn con dân Chúa tại Cô-lô-se đang khi tỉnh thức trong sự cầu nguyện và trong sự tạ ơn thì cũng cầu thay cho ông và các bạn của ông. Phao-lô muốn họ cầu xin Đức Chúa Trời về sự mở cửa cho công cuộc truyền giáo của ông và các bạn của ông. Mặc dù Đức Chúa Trời giao phó cho Phao-lô công việc rao giảng Tin Lành cho: “các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15); và chắc chắn là Ngài ban cho ông đủ mọi ơn để ông hoàn thành mục vụ. Nhưng mỗi khi có sự tiếp sức của con dân Chúa qua sự cầu thay và tiếp trợ các nhu cầu vật chất cho Phao-lô, thì sự gian nan, khốn khó trong chức vụ của Phao-lô được giảm đi, và ông được an ủi, khích lệ.

Chúng ta hãy nhớ đến câu chuyện Đức Chúa Jesus Christ vác thập tự giá đi từ trong thành Giê-ru-sa-lem ra đến đồi Gô-gô-tha. Sau một đêm không ngủ, bị tra tấn, đánh đập, Ngài đã đuối sức. Chặng đường từ trong trường án của Phi-lát ra nơi xử hình chỉ vào khoảng ½ km; nhưng đó chính là một cực hình đối với Đức Chúa Jesus Christ. Giăng 19:17 cho chúng ta biết Đức Chúa Jesus Christ phải vác thập tự giá của Ngài; và Ma-thi-ơ 27:32; Mác 15:21; Lu-ca 23:26 cho chúng ta biết quân lính buộc một người dân tên là Si-môn phải vác thập tự giá, đi theo Chúa. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu, Đức Chúa Jesus đã quá đuối sức, không thể tiếp tục vác thập tự giá, nên quân lính trưng dụng nhân công theo luật, buộc một người dân phải vác thập tự giá cho Đức Chúa Jesus, để họ có thể sớm hoàn tất cuộc hành hình. Nhân đây cũng xin nói rõ là Chúa chỉ vác thanh ngang của thập tự giá, là một thanh gỗ dài chừng hai mét, nặng khoảng 50 kg. Thanh đứng của thập tự giá đã được dựng sẵn trên đồi Gô-gô-tha. Thời bấy giờ, đồi Gô-gô-tha được dùng làm nơi đóng đinh các tử tội trong khu vực Giê-ru-sa-lem, nên trên đồi đã dựng sẵn các thanh đứng của thập tự giá. Tội nhân chỉ cần vác thanh ngang của thập tự giá từ nhà tù hoặc từ tòa án ra pháp trường. Các hình và phim ảnh minh họa Chúa vác toàn bộ thập tự giá là không đúng với sự thật. Toàn bộ thập tự giá có thể nặng đến 130 kg với thanh đứng dài khoảng 3 mét.

Bài học rút ra là:

  • Đức Chúa Trời biết trước mọi sự. Ngài biết trước có những công việc Ngài giao cho chúng ta sẽ có lúc vượt quá sức chịu đựng của chúng ta; nhưng Ngài luôn mở đường cho chúng ta ra khỏi, để chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Đức Chúa Trời sắm sẵn những người sẽ giúp chúng ta, từ những người không tin Chúa đến các anh chị em cùng Cha trong Hội Thánh.

  • Là con dân Chúa, chúng ta là chi thể của cùng một thân, chúng ta có nhiệm vụ mang lấy gánh nặng cho nhau qua sự cầu thay và cứu giúp lẫn nhau:

Hãy mang lấy những gánh nặng cho nhau, vì như vậy, các anh chị em làm trọn luật pháp của Đấng Christ.” (Ga-la-ti 6:2).

Luật pháp của Đấng Christ chính là điều răn mới:

Ta ban cho các ngươi một điều răn mới: Các ngươi hãy yêu lẫn nhau. Như Ta đã yêu các ngươi thế nào, thì các ngươi cũng hãy yêu lẫn nhau thế ấy. Nếu các ngươi yêu lẫn nhau, thì bởi đó, mọi người sẽ biết các ngươi là những môn đồ của Ta.” (Giăng 13:34-35).

  • Sự cầu thay cho nhau và cứu giúp lẫn nhau chính là cơ hội Chúa ban cho chúng ta được cùng với các anh chị em cùng Cha của chúng ta phục vụ Ngài. Chúng ta sẽ cùng nhận chung một phần thưởng với họ (Ma-thi-ơ 10:40-42).

  • Những gì con dân Chúa làm cho nhau trong Chúa chính là làm cho Chúa. Những gì cần phải làm cho nhau mà con dân Chúa từ chối làm thì là phạm tội và sẽ bị hư mất đời đời (Ma-thi-ơ 25:31-46).

  • Nếu chúng ta từ chối dự phần trong sự cầu thay và cứu giúp lẫn nhau trong Hội Thánh thì Chúa vẫn có người làm thay cho chúng ta và chúng ta sẽ bị diệt. Chúng ta hãy học theo gương của bà Ê-xơ-tê mà nói rằng: Tôi sẽ tận sức để cầu thay và cứu giúp cho các anh chị em cùng Cha của tôi, nếu vì thế mà tôi có phải chết thì tôi chết! (Ê-xơ-tê 4:14-16).

Phao-lô gọi Tin Lành là sự mầu nhiệm của Đấng Christ, bởi vì: Tin Lành là sự Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người một cách mầu nhiệm để chịu khổ và chịu chết, chuộc tội cho toàn thể nhân loại, để giãi bày về Đức Chúa Trời và ý muốn của Ngài đối với loài người, và để cai trị những ai tin nhận Tin Lành.

Phao-lô muốn giãi bày Tin Lành cho những ai chưa biết về Tin Lành qua sự rao truyền, nhưng ông lại bị tù vì sự rao truyền Tin Lành. Từ ngữ “giãi bày” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: bằng đủ mọi cách làm cho hiểu biết rõ ràng, chính xác, và đầy đủ về một điều gì hay một người nào. Điều mà Phao-lô muốn giãi bày là Tin Lành. Người mà Phao-lô muốn giãi bày là Đấng Christ.

Là con dân Chúa, chúng ta có thể giãi bày Đấng Christ, giãi bày Tin Lành cho người khác qua sự rao truyền, nhưng chúng ta cũng có thể giãi bày qua chính nếp sống mới của chúng ta trong Đấng Christ. Và chắc chắn là chúng ta cũng sẽ bị bắt bớ bởi thế gian như chính Đấng Christ và Phao-lô đã bị bắt bớ, như biết bao nhiêu anh chị em cùng đức tin với chúng ta đã bị bắt bớ từ suốt gần hai ngàn năm nay. Vì đó là sự kêu gọi của chúng ta (I Phi-e-rơ 2:19-21).

5 Hãy bước đi trong sự khôn sáng đối với những người ngoại. Hãy tận dụng thì giờ.

Hãy bước đi” là hãy sống nếp sống. Con dân Chúa sống một cách khôn sáng đối với những người ngoại, vừa để chiếu sáng Tin Lành cho họ vừa để giảm bớt sự bách hại từ phía họ. Người ngoại là người ở bên ngoài Hội Thánh, người chưa tin nhận Tin Lành. Khi Chúa sai các môn đồ của Ngài vào trong thế gian để giảng Tin Lành, thì Ngài đã phán:

Kìa, Ta sai các ngươi đi như chiên vào giữa bầy sói. Vậy, hãy khôn khéo như những rắn và đơn sơ như những bồ câu.” (Ma-thi-ơ 10:16).

Chữ “khôn sáng” trong Cô-lô-se 4:5 có nghĩa là: đầy dẫy sự hiểu biết về nhiều phương diện và biết ứng dụng sự hiểu biết vào trong cuộc sống. Chữ “khôn khéo” trong Ma-thi-ơ 10:16 có nghĩa là: thông minh, nhanh trí, biết tự bảo vệ.

Từ ngữ “lợi dụng” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa đen là: bỏ tiền ra để chuộc về, hoặc là bỏ tiền ra mua để dùng; nghĩa bóng là: tận dụng. Tận dụng thì giờ có nghĩa là: đừng hoang phí thời gian mà hãy hết sức làm ra những điều ích lợi trong suốt thời gian chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt này. Đừng tốn thời gian cho việc than thân, trách phận. Đừng chán nản, buông xuôi, để mặc cho thời gian trôi qua. Đừng hoang phí thời gian cho những việc không ích lợi, không gây dựng, không vì sự vinh quang của Thiên Chúa.

Chúng ta đã học qua ngụ ngôn về các ta-lâng (Ma-thi-ơ 25:13-30) và các nén bạc (Lu-ca 19:12-26). Chúng ta hiểu rằng, mỗi người dù ở trong địa vị, giai cấp, trình độ, hoàn cảnh nào cũng đều là tôi tớ của Chúa và được Chúa ban cho các ân tứ để hầu việc Ngài qua Hội Thánh. Người có nhiều ân tứ người có ít ân tứ. Được ban cho nhiều hay ít không phải là vấn đề, mà vấn đề là chúng ta sẽ làm gì với ân tứ Chúa đã ban cho chúng ta. Chúng ta có làm lợi ra hay là chúng ta giấu kín đi. Chắc chắn ân tứ mà ai cũng có là thời gian. Một người bệnh nằm liệt giường vẫn có thời gian và có thể dùng thời gian để cầu thay cho người khác, cầu thay cho Hội Thánh.

6 Lời nói của các anh chị em phải luôn ở trong ân điển, được nêm muối, để các anh chị em biết nên đối đáp mỗi người là thế nào.

Loài người được dựng nên giống như Thiên Chúa, vì thế, lời nói của loài người cũng có sức mạnh. Sức mạnh của lời nói có thể cứu người mà cũng có thể giết người. Sức mạnh của lời nói có thể giúp hồi phục một người bị sụp đổ tinh thần mà cũng có thể khiến cho một người bị đau đớn hay sợ hãi đến mất tinh thần. Là con dân Chúa chúng ta không thể nào dùng lời nói của mình để xúc phạm hoặc làm hại người khác. Tuy nhiên, lời nói gây dựng và quở trách phải lẽ của chúng ta vẫn có thể khiến cho người nghe khó chịu, nếu người ấy có lòng tự ái không đúng hoặc có lòng kiêu ngạo. Trong trường hợp như vậy, chúng ta không có lỗi.

Lời nói luôn ở trong ân điển là lời nói luôn thấm nhuần ơn yêu thương của Thiên Chúa, đúng với Lời Chúa, được nói ra với mục đích đem lại ích lợi cho người nghe, gây dựng người nghe, và vì sự vinh quang của Thiên Chúa.

Thức ăn được nêm với muối sao cho đúng với mỗi thức ăn và đúng với khẩu vị của người ăn, để giúp cho người ăn được ngon miệng mà ăn vào toàn bộ thức ăn, nuôi dưỡng thân thể. Tương tự như vậy, lời nói cũng cần được cân nhắc, để nói sao cho thích hợp với trình độ hiểu biết của người nghe. Có như vậy, lời nói mới giúp ích và gây dựng cho người nghe một cách trọn vẹn.

Con dân Chúa không tìm cách nói để lấy lòng người nghe. Tục ngữ Việt Nam có câu:

Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau!”

Nếu lựa lời dối trá để nói cho vừa lòng nhau thì là điều không nên. Nhưng nếu lựa lời êm dịu để nói ra lẽ thật nhằm gây dựng thì là điều đáng làm.

Lời nói được nêm muối còn có nghĩa là lời nói được thánh hóa, tức là lời nói hoàn toàn đúng theo Lời Chúa và được sự thần cảm của Chúa. Trong Cựu Ước, mọi của lễ chay được rắc muối. Của lễ chay là của lễ thức ăn làm bằng bột mì mịn hoặc hạt lúa đầu mùa. Muối với đặc tính khử trùng, giữ cho thức ăn được tươi và thêm hương vị cho thức ăn, tiêu biểu cho sự thánh hóa thức ăn thuộc thể của chúng ta và sự thánh khiết của Lời Chúa cho thức ăn thuộc linh của chúng ta.

Lời nói ra từ miệng của con dân Chúa phải luôn được thánh hóa bằng lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 17:17). Chúng ta phải hết sức cẩn thận về mọi lời nói của mình. Lời Chúa dạy rõ về sự chúng ta có trách nhiệm về mọi lời nói của mình:

Người có tri thức kiềm giữ những lời nói của mình {là} một người hiểu biết có tinh thần cao quý.” (Châm Ngôn 17:27).

Ta bảo các ngươi rằng, mỗi một lời nói vô ích mà loài người sẽ nói thì họ sẽ phải khai trình trong ngày phán xét. Vì bởi những lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi những lời nói mà ngươi sẽ bị án phạt.” (Ma-thi-ơ 12:36-37).

Chớ có lời trò chuyện hư xấu nào ra từ miệng của các anh chị em, nhưng là lời lành có ích cho sự gây dựng và mang ơn đến cho những người nghe.” (Ê-phê-sô 4:29).

Chúng ta đều vấp phạm trong nhiều sự. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói, thì người ấy là trọn vẹn, có thể bắt phục cả thân thể.” (Gia-cơ 3:2).

Cùng một miệng mà ra lời tôn vinh và lời rủa sả! Hỡi các anh chị em cùng Cha của tôi, không nên như vậy. Có lẽ nào một nguồn nước kia, cùng một mạch mà ra cả nước ngọt lẫn nước đắng sao?” (Gia-cơ 3:10-11).

Nghe một người nói chuyện hay đọc những lời phát biểu, góp ý của người ấy trên các trang mạng điện tử, chúng ta có thể nhận biết người ấy có thật sự đang sống một đời sống mới trong Chúa hay không. Hãy ghi nhớ lời phán dạy và cũng là lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 12:36-37. Lời nói vô ích là lời nói không đem lại ích lợi, không gây dựng, không vì sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 10:23, 31).

7 Mọi việc thuộc về tôi sẽ được Ti-chi-cơ thông báo cho các anh chị em. {Anh ấy} là một anh em yêu dấu cùng Cha, một người phục vụ trung tín và cùng là tôi tớ trong Chúa.

Theo sử liệu của Hội Thánh thì Ti-chi-cơ là người giúp Phao-lô chép thư Cô-lô-se, đang khi ông bị tù lần thứ nhất tại Rô-ma. Theo Công Vụ Các Sứ Đồ 20:4; Ê-phê-sô 6:21; và II Ti-mô-thê 4:12; và Tít 3:12 thì Ti-chi-cơ là một trong các người đồng hành với Phao-lô trong các chuyến truyền giáo, từ khoảng năm 54 đến năm 64. Vào năm 67 và 68 khi Phao-lô bị chính quyền La-mã bắt giam lần thứ nhì thì Ti-chi-cơ lại đến Rô-ma, để giúp việc cho Phao-lô, cho đến khi Phao-lô bị xử chém vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm 68. Có thể Ti-chi-cơ là anh em với Trô-phim. Suốt mười năm theo chân Phao-lô trong các chuyến truyền giáo cùng gánh chịu những gian nan, thử thách như Phao-lô đã mô tả trong II Cô-rinh-tô 11:23-27, và có mặt bên cạnh Phao-lô trong những ngày tháng cuối cùng của Phao-lô trên đất, Ti-chi-cơ thật xứng đáng là bạn đồng công phục vụ Chúa cách trung tín với Phao-lô.

Ti-chi-cơ cũng chính là người mang thư Cô-lô-se đến cho Hội Thánh tại Cô-lô-se.

8 Tôi gửi anh ấy đến với các anh chị em vì mục đích này: để anh ấy biết hoàn cảnh của các anh chị em và an ủi lòng của các anh chị em.

Vì sự quan tâm lớn của Phao-lô với Hội Thánh tại Cô-lô-se và các vùng phụ cận (Cô-lô-se 2:1) mà ông đã gửi Ti-chi-cơ, người cộng sự thân thiết và đắc lực của ông đến với họ, để Ti-chi-cơ thay ông, tìm hiểu hoàn cảnh của con dân Chúa tại đó và an ủi họ.

9 Cùng với Ô-nê-sim, người anh em cùng Cha trung tín và yêu dấu, người ra từ các anh chị em. Họ sẽ khiến cho các anh chị em biết hết mọi sự ở đây.

Ô-nê-sim là người nô lệ bỏ trốn khỏi nhà của chủ mình là Phi-lê-môn, đến Rô-ma, được nghe Phao-lô giảng Tin Lành cho, thật lòng tin nhận Tin Lành, và bằng lòng quay về thân phận nô lệ dưới tay Phi-lê-môn. Phi-lê-môn là giám mục của Hội Thánh tại Cô-lô-se [1]. Phao-lô đã viết thư cho Phi-lê-môn, xin Phi-lê-môn hãy tiếp nhận trở lại Ô-nê-sim như một người anh em trong Chúa, không như một nô lệ. Có lẽ, Ô-nê-sim đích thân mang lá thư Phao-lô viết cho Phi-lê-môn đến Cô-lô-se để trao cho Phi-lê-môn.

Ô-nê-sim cùng với Ti-chi-cơ thuật lại cho con dân Chúa tại Cô-lô-se và vùng phụ cận biết những gì đã xảy ra với Phao-lô tại Rô-ma. Cách nói “người ra từ các anh chị em” cùng nghĩa với: người là đồng hương với các anh chị em.

10 A-ri-tạc, bạn cùng bị tù với tôi, chào các anh chị em. Mác, anh em họ của Ba-na-ba {cũng có lời thăm các anh chị em}. Về người, các anh chị em đã nhận lời dạy bảo rồi; nếu người đến với các anh chị em, hãy tiếp đón người.

A-ri-tạc là người thành Tê-sa-lô-ni-ca, thuộc xứ Ma-xê-đoan và là một trong những người cùng tham dự hành trình truyền giáo lần thứ ba của Phao-lô (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:29; 20:4; 27:2; Phi-lê-môn câu 24). Phao-lô gọi A-ri-tạc là “bạn cùng bị tù với tôi” nhưng chúng ta không biết là A-ri-tạc tình nguyện ở tù chung với Phao-lô để chăm sóc Phao-lô hay là ông thật sự bị bỏ tù vì đức tin như Phao-lô. Có lẽ, ông tình nguyện đi theo Phao-lô để chăm sóc Phao-lô (Công Vụ Các Sứ Đồ 27:2). Theo sử liệu của Hội Thánh thì A-ri-tạc bị xử chết theo lệnh của Hoàng Đế Nê-rô của La-mã trong cơn bách hại lớn của chính quyền La-mã đối với Hội Thánh.

Mác là anh em họ của Ba-na-ba và từng là lý do khiến cho có sự bất hòa lớn giữa Phao-lô với Ba-na-ba (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:2). Có lẽ trong thời điểm Phao-lô viết thư Cô-lô-se thì Mác cũng đang có mặt tại Rô-ma để thăm Phao-lô. Danh từ “anh em họ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh vào thời của Phao-lô được dùng với nghĩa là “anh em họ” để chỉ anh em chú bác hoặc anh em cô cậu, nhưng về sau thì được dùng để chỉ “cháu trai”; vì thế, có một số bản Thánh Kinh Anh ngữ, trong đó có bản King James Version dịch là “con trai của người chị em”. Trước khi Phao-lô viết thư Cô-lô-se, có lẽ ông đã nhắn tin cho các Hội Thánh tại Tiểu Á về việc tiếp nhận Mác, nhằm thông báo cho các Hội Thánh là lòng tin của Phao-lô nơi Mác đã được phục hồi. Từ ngữ “lời dạy bảo” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh theo nghĩa đen là: mệnh lệnh.

11 Giê-xu gọi là Giúc-tu {cũng có lời thăm các anh chị em}. Họ là những người chịu cắt bì. Chỉ những người này {là} bạn đồng công {với tôi} vì Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Họ là một sự an ủi cho tôi.

Tên “Giê-xu” trùng với tên của Đức Chúa Jesus. Giê-xu là tên trong tiếng Hy-lạp, còn Giúc-tu là tên trong tiếng La-mã (La-tinh). Chúng ta không biết gì hơn về người này.

Cả ba: A-ri-tạc, Mác, và Giê-xu đều là người Do-thái, chịu cắt bì. Trong những người Do-thái chịu cắt bì, tin nhận Tin Lành, thì chỉ có ba người này là bạn cùng hiệp tác với Phao-lô trong mục vụ truyền giáo của ông, để mở mang Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Vì thế, họ là sự an ủi của Phao-lô.

Là con dân Chúa, chúng ta có Đức Thánh Linh là Thần An Ủi, ngự trong chúng ta, an ủi chúng ta, dẫn dắt chúng ta, cầu thay cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần sự an ủi của loài người, vì chúng ta là loài người; mà loài người “ở một mình thì không tốt” (Sáng Thế Ký 2:18). Thiên Chúa là tình yêu và Thiên Chúa thực hữu trong ba thân vị, vì tình yêu đòi hỏi phải có thân vị yêu, thân vị được yêu, và thân vị nhân chứng cho tình yêu. Cả ba thân vị Thiên Chúa yêu lẫn nhau, nhận lấy tình yêu từ nhau, và là nhân chứng cho lẫn nhau. Khi Thiên Chúa dựng nên loài người, Ngài dựng nên một thân vị nam và một thân vị nữ, để hai thân vị ấy kết hiệp với nhau, sinh ra một dòng dõi thánh (Ma-la-chi 2:15). Vì thế, hễ là loài người thì chúng ta cần có người đồng cảm với mình và đồng công với mình, để hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời và đáp ứng các nhu cầu tâm lý và sinh lý mà Thiên Chúa đã đặt để trong loài người. Loài người thật sự cần có những người giúp đỡ “giống như mình”.

12 Ê-pháp-ra, người ra từ các anh chị em, tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ, chào các anh chị em. {Người} luôn vì các anh chị em chiến đấu trong sự cầu nguyện, để các anh chị em đứng vững trọn vẹn và hoàn thành mọi ý muốn của Đức Chúa Trời.

Ê-pháp-ra là người đồng hương với con dân Chúa tại Cô-lô-se. Trong thư gửi cho Phi-lê-môn, được viết cùng lúc với thư Cô-lô-se, Phao-lô gọi Ê-pháp-ra là “bạn cùng bị tù trong Đấng Christ Jesus”. Chúng ta không có chi tiết nào khác trong Thánh Kinh hay trong sử liệu của Hội Thánh về việc Ê-pháp-ra cùng bị tù chung với Phao-lô vì Đấng Christ. Có lẽ Ê-pháp-ra nghe tin Phao-lô bị tù thì đến Rô-ma thăm và ở lại phục vụ Phao-lô một thời gian.

Có thể Ê-pháp-ra là một trưởng lão trong Hội Thánh tại Cô-lô-se; vì thế, Phao-lô nhận rằng Ê-pháp-ra cùng là tôi tớ phục vụ Đấng Christ với ông, và Ê-pháp-ra đã trung tín trong chức vụ. Chính Ê-pháp-ra đã làm chứng về đức tin của con dân Chúa tại Cô-lô-se cho Phao-lô. Dù đang xa cách con dân Chúa tại Cô-lô-se, nhưng Ê-pháp-ra vẫn luôn nhớ đến họ và cầu thay cho họ. Ê-pháp-ra là tấm gương sáng về sự con dân Chúa cầu thay cho nhau. Mục đích chính của sự con dân Chúa cầu thay cho nhau là để toàn thể Hội Thánh được đứng vững trọn vẹn, và hoàn thành mọi ý muốn của Đức Chúa Trời đã định sẵn riêng cho mỗi người và chung cho cả Hội Thánh.

13 Vì tôi làm chứng cho người rằng, người rất sốt sắng đối với các anh chị em, với những người ở Lao-đi-xê và những người ở Hi-ê-ra-bô-li nữa.

Phao-lô có thể làm chứng cho Ê-pháp-ra về tấm lòng sốt sắng của Ê-pháp-ra đối với con dân Chúa tại Cô-lô-se và hai vùng phụ cận là Lao-đi-xê và Hi-ê-ra-bô-li, là vì, Phao-lô được nghe những lời chứng sống động về họ do Ê-pháp-ra sôi nổi thuật lại và nhìn thấy sự tha thiết cầu thay của Ê-pháp-ra dành cho họ. Là con dân Chúa, nếp sống của chúng ta có thể hiện sự sốt sắng của chúng ta đối với các anh chị em cùng Cha của mình, nhất là những người cùng trong Hội Thánh tại địa phương của mình, hay không? Hay là chúng ta chỉ thể hiện sự ngăn cách, phân rẽ, không quan tâm, thậm chí còn là nói xấu anh chị em của mình?

14 Lu-ca, người thầy thuốc yêu dấu, và Đê-ma chào các anh chị em.

Lu-ca là người đồng hành xuyên suốt với Phao-lô trong các chuyến truyền giáo, ngay cả khi Phao-lô bị tù. Lu-ca là một bác sĩ và là một người Hy-lạp. Có lẽ Lu-ca là một trong những người Hy-lạp đến với Phi-líp để được giới thiệu với Đức Chúa Jesus Christ, như đã đề cập trong Giăng 12:20-22. Ông là người ghi chép sách Lu-ca và sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Chúng ta có thể nhận thấy, sự đồng hành của Lu-ca với Phao-lô là sự sắm sẵn của Đức Chúa Trời, để Lu-ca vừa chăm sóc sức khoẻ cho Phao-lô, vừa làm chứng nhân ghi lại các hành trình truyền giáo của Phao-lô.

Chúng ta không biết gì nhiều về Đê-ma. Có thể Đê-ma tin Chúa qua sự rao giảng của Phao-lô khi Phao-lô bị tù lần thứ nhất tại Rô-ma, và cùng dự phần trong việc rao giảng Tin Lành với Phao-lô tại Rô-ma. Vì thế, Phao-lô đã gọi Đê-ma là bạn đồng công với ông trong Phi-lê-môn câu 24. Tuy nhiên, trong II Ti-mô-thê 4:10 thì Phao-lô báo tin cho Ti-mô-thê biết là Đê-ma đã say mê thế gian mà lìa bỏ Phao-lô, để đi qua thành Tê-sa-lô-ni-ca.

Có những nhân vật trong Thánh Kinh, như: Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:1-11), Đê-ma, và Đi-ô-trép (III Giăng câu 9)… điển hình cho những ai có tên được ghi trong Sách Sự Sống, nhưng rồi lại bị xóa đi (Thi Thiên 69:8; Khải Huyền 3:5). Ngày nay, trong Hội Thánh cũng không thiếu những người như vậy. Có người sa ngã vì sống theo ý riêng như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, có người sa ngã vì dối trá như A-na-nia và Sa-phi-ra, có người sa ngã vì ham mê thế gian như Đê-ma, có người sa ngã vì kiêu ngạo như Đi-ô-trép.

15 Xin chào các anh chị em cùng Cha ở Lao-đi-xê, Nim-pha cùng Hội Thánh {nhóm} trong nhà người.

Phao-lô gửi lời chào đến con dân Chúa tại Lao-đi-xê, vì họ cũng sẽ đọc lá thư ông đang viết cho Hội Thánh tại Cô-lô-se. Nim-pha là một trưởng lão tại Lao-đi-xê, dùng nhà của mình làm nơi nhóm hiệp của Hội Thánh. Cảm tạ Chúa về sự Ngài vui nhận nhà riêng của con dân Chúa làm nơi nhóm hiệp của Hội Thánh. Những người vui lòng dâng hiến nhà riêng của mình lên Chúa làm nơi nhóm hiệp của Hội Thánh chắc chắn sẽ nhận được nhiều ơn phước trong đời này và trong đời sau.

16 Các anh chị em đọc thư này rồi, hãy đưa cho Hội Thánh ở Lao-đi-xê đọc với. Các anh chị em cũng hãy đọc {thư} từ Lao-đi-xê.

Rất có thể cùng lúc với thư Cô-lô-se và Phi-lê-môn thì Phao-lô cũng có viết một thư cho Hội Thánh tại Lao-đi-xê. Hội Thánh không còn lưu giữ được thư ấy.

17 Hãy nói với A-chíp rằng: Hãy cẩn thận về mục vụ ông đã nhận trong Chúa để hoàn thành nó.

Theo sử liệu của Hội Thánh thì A-chíp là con trai của Phi-lê-môn. Trong Phi-lê-môn câu 2, Phao-lô gọi A-chíp là bạn cùng đánh trận, nghĩa là cùng chiến đấu trong mục vụ rao giảng Tin Lành. Rất có thể A-chíp thay thế cho Ê-pháp-ra để điều hành các mục vụ của Hội Thánh tại Cô-lô-se, khi Ê-pháp-ra rời Cô-lô-se để đến Rô-ma giúp đỡ Phao-lô. Cũng có thể A-chíp phụ trách việc giảng dạy Lời Chúa cho Hội Thánh tại Lao-đi-xê. Dù là trong trường hợp nào thì có lẽ A-chíp mới bắt đầu nhận lãnh mục vụ, nên Phao-lô đưa ra lời khuyến cáo trong câu 17.

18 Lời chào {viết} bởi chính tay tôi, Phao-lô. Hãy nhớ sự xiềng xích của tôi. Ân điển {ở} cùng các anh chị em! A-men! [Viết từ Rô-ma bởi Ti-chi-cơ.]

Lời chào” tức là trọn câu 18, do chính Phao-lô cầm bút viết, thay vì đọc cho Ti-chi-cơ viết. Theo sử liệu của Hội Thánh, mắt Phao-lô bị yếu nên ông thường đọc các thư tín của ông cho người khác viết. Cuối thư, Phao-lô tự cầm viết để viết lời chào kết thúc lá thư như là một hình thức xác chứng toàn bộ nội dung lá thư là của chính ông. Ga-la-ti 4:15 và 6:11 dường như hỗ trợ cho việc Phao-lô bị trở ngại về thị lực. Có thể đó là hậu quả về sự ông bị mù ba ngày khi ông gặp Chúa trên đường từ Giê-ru-sa-lem đến Đa-mách để bách hại Hội Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:1-18).

Lời kêu gọi: “Hãy nhớ sự xiềng xích của tôi,” có nghĩa là Phao-lô muốn con dân Chúa tại Cô-lô-se nhớ cầu thay cho sự bị tù của ông, để ông sớm được trả tự do, tiếp tục các hành trình truyền giáo của ông.

Chúng ta cũng cần nêu lên các nhu cầu và nan đề của mình giữa Hội Thánh, để mọi người cùng biết và cầu thay cho chúng ta. Nhờ đó, mọi người trong Hội Thánh có cơ hội mang lấy gánh nặng với chúng ta hoặc đồng công trong mục vụ với chúng ta.

Ân điển là mọi sự ban cho từ Thiên Chúa. Phao-lô chúc cho con dân Chúa tại Cô-lô-se được mọi sự ban cho từ Thiên Chúa.

Cảm tạ Chúa đã dùng thư Cô-lô-se để nhắc nhở chúng ta và dạy dỗ chúng ta về nếp sống mới trong Đấng Christ. Nguyện lẽ thật của Lời Chúa bao phủ chúng ta và là năng lực giúp cho chúng ta sống thánh khiết theo thánh ý của Ngài. Nguyện Lời Chúa an ủi chúng ta trong suốt hành trình còn lại của chúng ta về chốn quê hương trên trời.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/04/2017

Ghi Chú

Karaoke Thánh Ca: “Con Vững Tin Thiên Chúa Yêu Con”
http://thanhca.timhieutinlanh.net/con-vung-tin-thien-chua-yeu-con/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-phi-le-mon-905701_phi-le-mon-1-7/