Chú Giải II Cô-rinh-tô 06:01-13 Lòng Trung Tín của Phao-lô

2,238 views

YouTube: https://youtu.be/e6148Wz1xUk

Chú Giải II Cô-rinh-tô 6:1-13
Lòng Trung Tín của Phao-lô

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 6:1-13

1 Vậy, là những người cùng làm việc, chúng tôi cùng kêu gọi các anh chị em chớ nhận lãnh ân điển của Đức Chúa Trời cách vô ích.

2 Vì Ngài phán rằng: Ta đã nghe ngươi trong thì thuận tiện, và trong ngày cứu rỗi Ta đã tiếp trợ ngươi. [Ê-sai 49:8] Kìa, hiện nay là thì thuận tiện! Kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!

3 Chúng tôi chẳng đưa ra cơ hội vấp phạm trong bất cứ sự gì để chức vụ không bị tai tiếng.

4 Nhưng trong mọi sự, phô trương chính chúng tôi như những người phụng sự của Thiên Chúa. Trong sự rất nhẫn nại: trong những sự hoạn nạn; trong những sự thiếu thốn; trong những sự khốn khó;

5 trong những sự đòn vọt; trong những sự lao tù; trong những sự rối loạn; trong những sự khó nhọc. Trong những sự tỉnh thức. Trong những sự kiêng ăn.

6 Trong sự thanh sạch. Trong sự hiểu biết. Trong sự khoan nhẫn. Trong sự nhân từ. Trong thánh linh. Trong tình yêu chân thật.

7 Trong Lời của Lẽ Thật. Trong năng lực của Thiên Chúa. Bởi những khí giới của sự công bình của những tay phải và của những tay trái.

8 Bởi sự vinh và sự nhục. Bởi sự mang tiếng xấu và sự mang tiếng tốt. Như những kẻ lường gạt mà là những người thật thà.

9 Như đang bị bỏ quên mà đang được quen biết. Như đang gần chết mà kìa, chúng tôi sống. Như đang bị sửa phạt mà không đang bị giết.

10 Như đang bị buồn rầu nhưng thường vui mừng. Như những kẻ nghèo túng nhưng đang làm giàu cho nhiều người. Như đang không có mà đang sở hữu mọi sự.

11 Hỡi những người Cô-rinh-tô! Miệng của chúng tôi đã há ra vì các anh chị em, lòng của chúng tôi đã được mở rộng.

12 Các anh chị em chẳng bị ép trong chúng tôi nhưng các anh chị em bị ép trong những tấm lòng của chính các anh chị em.

13 Vậy, với sự báo đáp tương tự, các anh chị em cũng hãy mở rộng lòng mình. Tôi nói như với trẻ con.

Có thể nói, II Cô-rinh-tô 6:1-13 và 11:16-33 là hai phân đoạn trong Thánh Kinh giúp cho chúng ta hiểu rõ lòng trung tín và sự gian khổ của Sứ Đồ Phao-lô, cùng các bạn đồng hành và đồng công của ông, trong khi họ thi hành chức vụ. Dù cả hai phân đoạn đều là những lời tâm sự của Phao-lô; nhưng Đức Chúa Trời đã dùng những lời ấy để tỏ ra sự trung tín và sự gian khổ điển hình của những người phụng sự Ngài, qua các chức vụ trong Hội Thánh. Vì thế, hai phân đoạn ấy cũng chính là Lời của Đức Chúa Trời, được Đức Thánh Linh dùng để dạy cho con dân Chúa trong Hội Thánh.

Trong bài này, qua II Cô-rinh-tô 6:1-13, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lòng trung tín của Phao-lô và cũng là lòng trung tín mà Đức Chúa Trời mong chờ nơi mỗi con dân của Ngài.

1 Vậy, là những người cùng làm việc, chúng tôi cùng kêu gọi các anh chị em chớ nhận lãnh ân điển của Đức Chúa Trời cách vô ích.

Phao-lô và các bạn của ông là những sứ giả của Đấng Christ như đã nói trong II Cô-rinh-tô 5:20; và là những người cùng phụng sự Chúa, cùng rao giảng Tin Lành, cùng xây dựng và gây dựng các Hội Thánh địa phương thời bấy giờ, trong đế quốc La-mã. Động từ “làm việc” được dùng trong câu này là nói đến mọi hoạt động mục vụ của Phao-lô và các bạn của ông.

Qua Thánh Kinh, chúng ta biết, những người cùng làm việc với Phao-lô trong mục vụ xây dựng và gây dựng Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là: A-qui-la, Bê-rít-sin, A-bô-lô, Si-la, Ti-mô-thê, Tít, Lu-ca, và các trưởng lão tại địa phương. Trong phân đoạn này, Phao-lô thay cho mọi người cùng làm việc với ông, gửi lời tâm tình và kêu gọi đến con dân Chúa tại Cô-rinh-tô.

Ân điển của Đức Chúa Trời được nói đến ở đây là sự Đức Chúa Trời ban cho loài người Tin Lành Cứu Rỗi. Người tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi không nên nhận ơn Chúa cách vô ích mà phải kết quả xứng đáng với sự Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi của mình, dựng mình thành người mới trong Đấng Christ, ban cho mình thánh linh để có thể sống thánh khiết theo Lời Chúa.

Nhận lãnh ân điển của Đức Chúa Trời cách vô ích là khi chúng ta đã tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi nhưng lại quay về sống trong tội, không vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời, hoặc không vâng giữ điều răn mới của Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 13:34) và điều răn nên thánh của Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29).

Người cố tình quay lại sống trong tội, vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời sẽ không còn cơ hội được cứu rỗi. Lời Chúa trong Hê-bơ-rơ 10:25-31 đã khẳng định như vậy. Trong Ma-thi-ơ 25:31-46 ghi lại lời Đức Chúa Jesus Christ tiên tri về sự hư mất của những người tin nhận Tin Lành trong Kỳ Tận Thế nhưng không vâng giữ điều răn mới của Ngài. Ê-phê-sô 4:30 cho chúng ta biết: “Chớ làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì trong Ngài các anh chị em được ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc.” Không vâng giữ điều răn nên thánh của Đức Thánh Linh là một trong những hành động làm buồn Đức Thánh Linh, có thể khiến cho chúng ta không còn sự ấn chứng của Ngài và bị hư mất đời đời.

2 Vì Ngài phán rằng: Ta đã nghe ngươi trong thì thuận tiện, và trong ngày cứu rỗi Ta đã tiếp trợ ngươi. [Ê-sai 49:8] Kìa, hiện nay là thì thuận tiện! Kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!

“Hiện nay” là từng khoảnh khắc, lúc mỗi người đang còn sống trong thân thể xác thịt.

“Thì thuận tiện” là thời gian thuận tiện để tiếp nhận sự cứu rỗi, vì Đức Chúa Trời vẫn chờ đợi sự ăn năn của những kẻ có tội, chưa lấy đi mạng sống của họ.

“Ngày cứu rỗi” được dùng trong câu này là chỉ về thời kỳ sự cứu rỗi được ban cho loài người, tức thời kỳ Tân Ước, kéo dài từ khi Đấng Christ chịu chết trên thập tự giá cho đến khi kết thúc Vương Quốc Ngàn Năm.

Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ, đây không phải là lời dành cho những người chưa tin Chúa, mà đây là lời Đức Thánh Linh, qua Phao-lô, đã dùng lời phán của Thiên Chúa được ghi lại trong Ê-sai 49:8 để nhắc cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô cũng như con dân Chúa trong Hội Thánh chung rằng, cơ hội được cứu rỗi và sự cứu rỗi đang được ban cho Hội Thánh. Vì trong Hội Thánh vẫn có người đang sống trong tội, như các lá thư Đấng Christ gửi cho các Hội Thánh, được ghi lại trong Khải Huyền đoạn 2 và đoạn 3.

Con dân Chúa trong Hội Thánh là những người đã tin nhận Tin Lành Cứu Rỗi, nhưng có nhiều người vẫn đang sống trong tội, đang sống nếp sống thù nghịch thập tự giá (Phi-líp 3:18), nên Đức Thánh Linh cảnh cáo và kêu gọi họ, hãy thật lòng trong sự ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đang khi còn có cơ hội. Đừng để cho ân điển của Đức Chúa Trời thành ra vô ích đối với họ.

Trong khi Đức Chúa Trời vẫn còn ban cho họ cơ hội để ăn năn thì Ngài sẽ lắng nghe lời xưng tội của họ. Trong khi ân điển cứu rỗi vẫn còn được ban cho thì Đức Chúa Trời sẽ tiếp trợ họ trong mọi sự để họ có thể vượt qua mọi cám dỗ và thử thách mà đứng vững trong đức tin (I Cô-rinh-tô 10:13).

Ngày cứu rỗi sẽ kéo dài cho đến cuối của thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, nhưng thì thuận tiện của mỗi người thì khác nhau. Chúng ta không biết thì thuận tiện Đức Chúa Trời ban cho mỗi người sẽ kéo dài bao lâu. Thì thuận tiện của một người có thể chỉ ngắn như một hơi thở.

3 Chúng tôi chẳng đưa ra cơ hội vấp phạm trong bất cứ sự gì để chức vụ không bị tai tiếng.

“Đưa ra cơ hội vấp phạm” là tạo ra dịp để cho chính mình hoặc người khác phạm tội (như thân mật đụng chạm xác thịt với người khác phái không phải là chồng hay vợ của mình); hoặc chính mình phạm tội khiến cho người khác vì thế mà phạm tội.

Người ở trong chức vụ giảng hòa mà lại làm cho người khác phạm tội thì rõ ràng là đã làm nghịch lại thiên chức, khiến cho chức vụ bị tai tiếng. Có ba loại tội nổi bật khiến cho những người ở trong các chức vụ của Hội Thánh làm cho người khác vấp phạm là: kiêu ngạo, tham lam, tà dâm. Ba loại tội ấy đều dẫn đến loại tội thứ tư là dối trá.

Phao-lô khẳng định, ông và các bạn của ông không hề đưa ra cơ hội khiến cho con dân Chúa bị vấp phạm trong bất cứ sự gì. Điều này có nghĩa là Phao-lô và các bạn của ông không làm gì sai trái, cũng không bao giờ có ý khiến con dân Chúa bị vấp phạm. Nhưng sự công chính của họ vẫn có thể khiến cho những kẻ xấu vấp phạm. Thí dụ, sự Phao-lô lên án và dứt thông công người phạm tội tà dâm loạn luân trong Hội Thánh, tại Cô-rinh-tô, có thể khiến cho một số người không đồng ý và nói xấu ông. Đó chẳng phải là Phao-lô đưa ra cơ hội vấp phạm cho những kẻ ấy, nhưng chính họ đã dựa theo tiêu chuẩn riêng của họ, chống nghịch lại tiêu chuẩn của Lời Chúa, mà tự mình phạm tội.

II Cô-rinh-tô 6:4-10 tựa như là một bài thơ hoặc một bài ca mà từ hình thức đến nội dung, lẫn tiết điệu đều tuyệt vời. Phao-lô liệt kê các phương diện mà qua đó ông và các bạn của ông đã thể hiện phẩm chất của những người phụng sự Thiên Chúa. Họ rất nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh khó khăn và thử thách. Họ luôn sốt sắng trong nếp sống tin kính Chúa và yêu người. Họ luôn vững vàng và đắc thắng trong mọi cuộc chiến thuộc linh. Và họ luôn bình an, thỏa lòng cho dù thế gian đối với họ như thế nào, nhận xét họ như thế nào.

Chúng tôi xin trình bày II Cô-rinh-tô 6:4-10 cách diễn ý như một bài thơ tự do, với tựa đề “Lòng Trung Tín của Những Người Phụng Sự Thiên Chúa”, qua hình thức dưới đây:

Lòng Trung Tín của Những Người Phụng Sự Thiên Chúa

Trong mọi sự, chúng tôi phô trương chính mình,
Như những người phụng sự của Thiên Chúa.

Chúng tôi rất nhẫn nại:
Trong những sự hoạn nạn;
Trong những sự thiếu thốn;
Trong những sự khốn khó;
Trong những sự đòn vọt;
Trong những sự lao tù;
Trong những sự rối loạn;
Trong những sự khó nhọc.

Chúng tôi luôn sốt sắng:
Trong những sự tỉnh thức.
Trong những sự kiêng ăn.
Trong sự thanh sạch.
Trong sự hiểu biết.
Trong sự khoan nhẫn.
Trong sự nhân từ.
Trong thánh linh.
Trong tình yêu chân thật.
Trong Lời của Lẽ Thật.
Trong năng lực của Thiên Chúa.

Chúng tôi luôn vững vàng và đắc thắng:
Bởi những khí giới của sự công bình
Của những tay phải và của những tay trái.
Bởi sự vinh và sự nhục.
Bởi sự mang tiếng xấu và sự mang tiếng tốt.

Chúng tôi luôn bình an và thỏa lòng
Cho dù thế gian xem chúng tôi:
Như những kẻ lường gạt nhưng chúng tôi là những người thật thà.
Như đang bị bỏ quên nhưng chúng tôi đang được quen biết.
Như đang gần chết mà kìa, chúng tôi sống.
Như đang bị sửa phạt nhưng chúng tôi không đang bị giết.
Như đang bị buồn rầu nhưng chúng tôi thường vui mừng.
Như những kẻ nghèo túng nhưng chúng tôi đang làm giàu cho nhiều người.
Như đang không có nhưng chúng tôi đang sở hữu mọi sự.

Tiếp theo đây, chúng tôi xin định nghĩa các từ ngữ theo ý nghĩa trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh. Nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là tiếng Hy-lạp cổ được dùng để viết Thánh Kinh Tân Ước [1]. Quý con dân Chúa có thể tham khảo các từ ngữ này trên khu mạng từ điển của Hội Thánh. Xin gõ mã số Strong hoặc gõ từ ngữ trong tiếng Việt vào khung tìm kiếm [2]. Khu mạng từ điển này đang trong tiến trình biên soạn nên chưa có đầy đủ các từ ngữ. Một số hồ sơ ghi âm cách phát âm các từ ngữ Hê-bơ-rơ và Hy-lạp cũng chưa kịp tải lên. Các con dân Chúa phụ trách biên soạn vẫn thường xuyên cập nhật.

“Trong mọi sự, chúng tôi phô trương chính mình, như những người phụng sự của Thiên Chúa”: Trong mọi sự là trong mọi phương diện của đời sống. Phô trương chính mình là tự thể hiện đức tin, tình cảm, phẩm chất, và năng lực của mình cho người khác nhận biết. Phao-lô và các bạn của ông đã thể hiện trước mọi người, dù là người tin Chúa hoặc người không tin Chúa: đức tin, tình cảm, phẩm chất, và năng lực của họ, qua từng cảnh ngộ của đời sống, trong các chức vụ của những người phụng sự Thiên Chúa.

“Trong sự rất nhẫn nại”: Nhẫn nại là một trong các phẩm chất của tâm thần:

“Nhưng trái của tâm thần là: tình yêu, sự vui mừng, sự bình an, sự nhẫn nại, sự nhân từ, sự ngay lành, đức tin, sự nhu mì, và sự tiết độ. Không có luật pháp nào nghịch lại các sự đó.” (Ga-la-ti 5:22-23).

Sự nhẫn nại (G5281) là sự bền vững chịu đựng mọi khó khăn, nghịch cảnh cho đến khi đạt được kết quả trong Chúa. Những người phụng sự Thiên Chúa chẳng những có sự nhẫn nại mà còn là “rất nhẫn nại”, tức là sức chịu đựng rất nhiều, rất bền. Họ bền vững, chịu đựng trong sự hoạn nạn, sự thiếu thốn, sự khốn khó, sự đòn vọt, sự lao tù, sự rối loạn, và sự khó nhọc. Bảy hoàn cảnh này tiêu biểu cho mọi thử thách và cám dỗ trong cuộc sống.

  • “Sự hoạn nạn”: (G2347) nghĩa đen là sự ép hoặc sức ép. Nghĩa bóng là sự đàn áp; sự đau khổ; sự hoạn nạn. Nghĩa thường được dùng trong Tân Ước là “hoạn nạn”, bao gồm những sự đau khổ do thiên tai, dịch bệnh, đói kém, chiến tranh, và sự bách hại đức tin từ AntiChrist, như hàm ý trong lời phán của Đức Chúa Jesus Christ:

“Vì lúc ấy sẽ có sự hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi sự bắt đầu của thế gian cho tới bây giờ chưa có như vậy, mà sau này cũng sẽ không có nữa.” (Ma-thi-ơ 24:21).

  • “Sự thiếu thốn”: (G0318) nghĩa đen là sự thiếu những vật dụng và phương tiện cần thiết trong cuộc sống; thường là do sự nghèo về tiền bạc, tài sản, khiến cho không có chỗ ở, không có thức ăn, không có quần áo lành lặn, và không có phương tiện để làm việc kiếm sống. Nghĩa bóng là sự nghèo khổ.
  • “Sự khốn khó”: (G4730) nghĩa đen là chỗ chật hẹp, khó xoay trở. Nghĩa bóng là sự khó khăn, khổ sở vì cùng đường trong nghịch cảnh.
  • “Sự đòn vọt”: (G4127) nghĩa đen là sự đánh đòn hoặc vết thương do sự bị đánh. Nghĩa bóng là sự bị thương vì bị đánh đập, tra tấn.
  • “Sự lao tù”: (G5438) nghĩa đen là sự canh giữ, phiên gác, người lính canh. Nghĩa bóng là nhà tù, sự bị ở tù.
  • “Sự rối loạn”: (G0181) là tình trạng hỗn loạn, mất trật tự trong xã hội; như khi xảy ra thiên tai, chiến tranh, hoặc bạo loạn chính trị.
  • “Sự khó nhọc”: (G2873) nghĩa đen là sự khó nhọc trong khi làm việc. Nghĩa bóng là sự lao động để kiếm sống hay sự lao động vì bị cưỡng bách trong thân phận nô lệ hoặc tù nhân.

Ngoài sự rất nhẫn nại trong mọi nghịch cảnh, những người phụng sự Thiên Chúa luôn sốt sắng trong nếp sống tin kính Chúa, yêu Chúa và yêu người. Họ thể hiện lòng tin kính và tình yêu của họ qua mười phương diện sau đây:

  • “Sự tỉnh thức”: (G0070) nghĩa đen là không ngủ để canh gác. Đối với con dân Chúa có nghĩa bóng là luôn canh chừng sự tấn công của kẻ thù để kịp thời tự vệ và đánh trả; luôn canh chừng sự đến của Đức Chúa Jesus Christ để sẵn sàng ra đi với Ngài.
  • “Sự kiêng ăn”: (G3521) là sự không ăn vì không có thức ăn, hoặc sự không ăn để cầu nguyện với Thiên Chúa.
  • “Sự thanh sạch”: (G0054) nghĩa đen là sự tinh sạch, không tì, không vết. Nghĩa bóng là sự công chính trong đời sống, là sự sống một đời sống thánh khiết theo Lời Chúa.
  • “Sự hiểu biết”: (G1108) còn gọi là trí thức, là sự hiểu biết do suy luận từ tri thức (sự biết đến từ Thiên Chúa), kiến thức (sự biết qua kinh nghiệm), và học thức (sự biết qua học tập) [3].
  • “Sự khoan nhẫn”: (G3115) bao gồm sự khoan dung và nhẫn nại, sẵn lòng tha thứ và bền lòng chịu đựng sự bất công, mong chờ kẻ có lỗi ăn năn.
  • “Sự nhân từ”: (G5544) là sự đối xử tốt với người khác qua sự yêu thương, dịu dàng, chân thật, đồng cảm, tha thứ, cứu giúp, và khích lệ.
  • “Thánh linh”: (G0040) và (G4151) là sự sống mới, các ân tứ, thẩm quyền, và sức mạnh từ Thiên Chúa, được Đức Thánh Linh ban cho con dân Chúa để giúp con dân Chúa sống thánh khiết theo Lời Chúa, phụng sự Chúa, và giúp ích lẫn nhau.
  • “Tình yêu chân thật”: Là tình yêu đến từ Thiên Chúa không phải tình yêu thuộc về bản ngã cũ của con người xác thịt. Tình yêu thuộc về bản ngã cũ của con người xác thịt là tình yêu vị kỷ (vì mình), yêu chính mình trên mọi sự. Tình yêu chân thật đến từ Thiên Chúa là tình yêu vị tha (vì người khác), yêu Thiên Chúa trên mọi sự, yêu người khác như chính mình, và yêu anh chị em cùng đức tin hơn chính mình.
  • “Lời của Lẽ Thật”: Vừa là Thánh Kinh vừa là lời đúng theo Thánh Kinh. Mọi lời công bố, giảng dạy, khuyên bảo, quở trách, an ủi, hướng dẫn, khích lệ đúng theo Thánh Kinh đều là Lời của Lẽ Thật.
  • “Năng lực của Thiên Chúa”: Là sức toàn năng và đắc thắng của Đấng Christ:

“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).

Với nếp sống rất nhẫn nại trong mọi nghịch cảnh, sốt sắng trong sự tin kính Thiên Chúa, yêu Thiên Chúa và yêu người, những người phụng sự Thiên Chúa luôn vững vàng và đắc thắng trong mọi cuộc chiến thuộc linh.

  • “Bởi những khí giới của sự công bình của những tay phải và của những tay trái”: Là sự dùng các vũ khí của Đức Chúa Trời đã ban cho Hội Thánh để chống trả mọi sự tấn công của kẻ thù, dù là từ loài người hay từ ma quỷ, và ngay cả từ những sự ham muốn bất chính của bản thân.

Khí giới cầm trong tay phải, như gươm, là để tấn công; và khí giới cầm trong tay trái, như thuẫn, là để tự vệ.

Những khí giới của Đức Chúa Trời đã được liệt kê trong Ê-phê-sô 6:13-18, như sau: thắt lưng trong lẽ thật; áo giáp của sự công bình; sự sẵn sàng của Tin Lành bình an ràng buộc nơi chân; thuẫn của đức tin; mão của sự cứu rỗi; gươm của Đấng Thần Linh là Lời phán của Thiên Chúa; lời cầu nguyện và khẩn xin [4].

  • “Bởi sự vinh và sự nhục”: Cho dù là được tôn kính bởi con dân Chúa chân thật trong Hội Thánh hay bị xúc phạm bởi nhiều người của thế gian và những kẻ giả hình trong Hội Thánh.
  • “Bởi sự mang tiếng xấu và sự mang tiếng tốt”: Cho dù là bị vu khống bởi nhiều người của thế gian và những kẻ giả hình trong Hội Thánh hay được tiếng khen bởi những con dân Chúa chân thật trong Hội Thánh.

Những người phụng sự Thiên Chúa luôn bình an và thỏa lòng cho dù nhiều người của thế gian và những kẻ giả hình trong Hội Thánh đối với họ như thế nào, nhận xét họ như thế nào. Vì họ biết rằng, cái nhìn của bất cứ ai đối với họ, dù sai hay đúng cũng không làm thay đổi sự thật về phẩm chất của họ, sự thật về thành quả mục vụ của họ.

  • “Như những kẻ lường gạt nhưng chúng tôi là những người thật thà”: Họ thật thà, hết lòng rao giảng Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa, phục hòa nhiều người với Đức Chúa Trời; nhưng thường bị những kẻ thiếu hiểu biết hiểu lầm, và những kẻ xấu vu khống họ là những kẻ lường gạt.
  • “Như đang bị bỏ quên nhưng chúng tôi đang được quen biết”: Họ được chính Đức Chúa Trời và những ai tin nhận sự rao giảng, dạy dỗ của họ quen biết họ; nhưng đối với nhiều người, dường như chẳng có ai quan tâm tới họ, biết gì về họ.
  • “Như đang gần chết mà kìa, chúng tôi sống”: Họ trải qua những hoạn nạn, khốn khó, bị bách hại có khi gần chết; nhưng họ vẫn sống và hoàn thành bổn phận phụng sự Thiên Chúa. Và họ thật sự có sự sống đời đời.
  • “Như đang bị sửa phạt nhưng chúng tôi không đang bị giết”: Những hoạn nạn, khốn khó đổ xuống trên họ khiến cho nhiều người nghĩ rằng, vì một cớ gì đó mà Thiên Chúa đang hình phạt họ; nhưng mọi nghịch cảnh xảy đến cho họ chỉ là sự thử thách để rèn luyện họ, không phải để giết họ (Rô-ma 8:1, 28).
  • “Như đang bị buồn rầu nhưng chúng tôi thường vui mừng”: Với nhiều nghịch cảnh xảy đến cho họ, nhiều người nghĩ rằng, họ phải là những kẻ sống trong sự buồn rầu; nhưng họ là những người thường vui mừng. Vì họ biết rằng, sự chịu khổ của họ chỉ là tạm thời và là phương tiện để đem lại phước hạnh cho họ (I Phi-e-rơ 3:14; 5:10). Họ hiểu rằng, sự chịu khổ của họ là cùng chịu khổ với Đấng Christ và bởi đó, họ sẽ cùng được vinh quang với Đấng Christ (Rô-ma 8:17).
  • “Như những kẻ nghèo túng nhưng chúng tôi đang làm giàu cho nhiều người”: Họ không giàu có về tiền bạc, của cải vật chất; nhưng họ lại làm cho những ai tin và sống theo sự rao giảng và dạy dỗ của họ được giàu có về thuộc thể lẫn thuộc linh trong đời sau. Vì những người đó sẽ được hưởng cơ nghiệp của Đức Chúa Trời cho đến đời đời.
  • “Như đang không có nhưng chúng tôi đang sở hữu mọi sự”: Họ như những người nghèo khó vì không có tiền bạc, của cải dư dật; nhưng họ đang sở hữu trọn vẹn cơ nghiệp của Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 1:12).

11 Hỡi những người Cô-rinh-tô! Miệng của chúng tôi đã há ra vì các anh chị em, lòng của chúng tôi đã được mở rộng.

“Miệng của chúng tôi đã há ra vì các anh chị em” hàm ý, chúng tôi đã rao giảng, dạy dỗ Lời Chúa cách rõ ràng, chân thật, và đầy đủ để các anh chị em nhận biết lẽ thật; mà không ngại các anh chị em hiểu lầm hoặc buồn giận chúng tôi.

“Lòng của chúng tôi đã được mở rộng” hàm ý, tình yêu của chúng tôi dành cho các anh chị em là trọn vẹn và đã được thể hiện qua mọi lời rao giảng, dạy dỗ của chúng tôi, để cho các anh chị em được cứu rỗi và giữ mình trong sự được cứu rỗi. “Vì do sự đầy dẫy của lòng mà miệng nói ra.” (Ma-thi-ơ 12:34b).

12 Các anh chị em chẳng bị ép trong chúng tôi nhưng các anh chị em bị ép trong những tấm lòng của chính các anh chị em.

Động từ “bị ép” (G4729) có nghĩa đen là bị ở trong một chỗ chật hẹp; có nghĩa bóng là bị căng thẳng về tinh thần.

“Các anh chị em chẳng bị ép trong chúng tôi” hàm ý, lòng của chúng tôi chẳng thiếu chỗ cho các anh chị em nhưng mở rộng cho các anh chị em. Chúng tôi yêu các anh chị em cách đầy trọn bằng tình yêu chân thật đến từ Chúa. Chúng tôi luôn nghĩ về các anh chị em, luôn muốn làm ra những điều tốt lành cho các anh chị em.

“Các anh chị em bị ép trong những tấm lòng của chính các anh chị em” hàm ý, các anh chị em đã khép lòng mình, không mở lòng ra cho chúng tôi. Các anh chị em không yêu chúng tôi đủ như chúng tôi yêu các anh chị em.

13 Vậy, với sự báo đáp tương tự, các anh chị em cũng hãy mở rộng lòng mình. Tôi nói như với trẻ con.

Vì chúng tôi đối với các anh chị em bằng tình yêu chân thật, thể hiện bằng sự chịu khổ, chịu bị hiểu lầm, gắng sức rao giảng, dạy dỗ Lời Chúa cho các anh chị em, làm gương sáng cho các anh chị em, thì các anh chị em cũng hãy đối với chúng tôi bằng tình yêu chân thật, hãy mở rộng lòng ra đón nhận chúng tôi.

“Tôi nói như với trẻ con” hàm ý, khi tôi yêu cầu các anh chị em báo đáp chúng tôi tương tự như chúng tôi đối với các anh chị em thì lời yêu cầu ấy chẳng khác nào như lời trẻ con đòi hỏi sự đáp trả công bình, khi chúng làm ơn cho nhau. Như: Tôi cho bạn chơi đồ chơi của tôi thì bạn cũng phải cho tôi chơi đồ chơi của bạn!

Thực tế, Phao-lô phải nói như với trẻ con với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là vì họ chẳng khác gì trẻ con, không tự nhận thức rằng, họ phải yêu thương và biết ơn Phao-lô cùng các bạn của ông, khi Phao-lô và các bạn của ông đã chịu khổ để đem họ đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, đến với sự hiểu biết đúng về Lời Chúa.

Những đặc tính về lòng trung tín của Phao-lô và các bạn của ông mà chúng ta học được trong bài này không chỉ dành riêng cho những người có chức vụ trong Hội Thánh, mà là đặc tính chung của tất cả con dân Chúa. Vì mỗi con dân Chúa là một thầy tế lễ, phụng sự Đức Chúa Trời qua Đấng Christ, trong Hội Thánh, và trong chính thân thể xác thịt của mình là Đền Thờ của Thiên Chúa. Mỗi con dân Chúa là một người lính của Đấng Christ, đang liên tục chiến đấu trong chiến trận thuộc linh, cho tới ngày ra khỏi thân thể xác thịt hiện tại hoặc cho tới ngày Đấng Christ đến.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
03/10/2020

Ghi Chú

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFng_Hy_L%E1%BA%A1p_Koine

[2] https://thewordtoyou.net/dictionary/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-2_1-7/

[4] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-e-phe-so-6_10-24/

Karaoke Thánh Ca: “Đời Con Kính Dâng Cha”
https://karaokethanhca.net/doi-con-kinh-dang-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.