Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 09:19-31 Sau-lơ Giảng Tin Lành, Bị Bách Hại…

1,329 views

YouTube: https://youtu.be/isLdA_VEwzs

44024 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 9:19-31
Sau-lơ Giảng Tin Lành, Bị Bách Hại,
Về Lại Giê-ru-sa-lem, Về Lại Tạt-sơ

   Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Công Vụ Các Sứ Đồ 9:19-31

19 Khi người đã nhận lấy thức ăn thì được mạnh khỏe lại. Sau-lơ đã ở lại vài ngày với các môn đồ tại thành Đa-mách.

20 Người liền công bố Đấng Christ trong các nhà hội, rằng, Ngài là Con của Đức Chúa Trời.

21 Hết thảy những người nghe đều ngạc nhiên mà nói: Chẳng phải người này đã tàn sát những người cầu khẩn danh ấy, tại Giê-ru-sa-lem, và vì đó đã đến đây để trói họ, giải về cho các thầy tế lễ thượng phẩm sao?

22 Nhưng Sau-lơ đã vững mạnh càng hơn, làm rối trí những người Do-thái cư trú tại Đa-mách, mà chứng tỏ rằng, [Jesus] này là Đấng Christ.

23 Sau nhiều ngày trọn, những người Do-thái đã hội ý để giết người.

24 Nhưng kế hoạch của chúng đã được Sau-lơ biết. Chúng cũng đã ngày đêm canh giữ các cổng thành để giết người.

25 Nhưng ban đêm, các môn đồ đã đem người đi; thả người xuống tại vách thành, trong một cái giỏ.

26 Sau-lơ đã đến tận Giê-ru-sa-lem. Người đã thử hiệp với các môn đồ; nhưng hết thảy đều sợ người, không tin rằng, người đã là môn đồ.

27 Ba-na-ba đã đem người đi, đưa đến các sứ đồ và thuật cho họ, thế nào người đã gặp Chúa trên đường đi, và rằng, Ngài đã phán với người; thế nào người đã giảng dạy cách dạn dĩ trong danh của Đức Chúa Jesus, tại thành Đa-mách.

28 Rồi, người đã ở với họ, tới lui trong thành Giê-ru-sa-lem.

29 Người cũng đã nói cách dạn dĩ trong danh của Đức Chúa Jesus, tranh luận với những người Hê-lê-nít; nhưng chúng đã dự định giết người.

30 Khi các anh chị em cùng Cha đã biết điều đó, thì đem người xuống thành Sê-sa-rê, và gửi người đến Tạt-sơ.

31 Sau đó, thực tế các Hội Thánh trong khắp xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê, và xứ Sa-ma-ri có sự bình an, được gây dựng, bước đi trong sự kính sợ Chúa và sự khích lệ của Đức Thánh Linh, được thêm nhiều.

Trong bài học này, chúng ta sẽ cùng nhau học về ba sự kiện liên tiếp xảy ra, liên quan đến Sau-lơ, sau khi ông đã được chữa lành sự mù mắt và được báp-tem vào trong Hội Thánh. Trước hết là sự Sau-lơ lập tức rao giảng về Đức Chúa Jesus. Kế tiếp là bởi sự rao giảng đó mà ông bị bách hại; con dân Chúa tại Đa-mách đã lén đưa ông trốn về Giê-ru-sa-lem. Sau đó, cũng bởi sự ông bị bách hại mà con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem đã gửi ông về lại Tạt-sơ, là sinh quán của ông.

Một số nhà giải kinh đã cho rằng, giữa Công Vụ Các Sứ Đồ 9:19 và 9:20 có một khoảng thời gian chừng ba năm. Họ cho rằng, sau khi Sau-lơ ở lại vài ngày với các môn đồ của Chúa tại thành Đa-mách, thì ông đã đi qua xứ A-ra-bi, trước khi trở lại thành Đa-mách và bị bách hại. Họ trích dẫn Ga-la-ti 1:15-19:

15 Nhưng khi Đức Chúa Trời đẹp lòng, Ngài đã biệt riêng tôi từ trong lòng mẹ, gọi tôi bởi ân điển của Ngài,

16 để mạc khải Con của Ngài trong tôi, để cho tôi giảng về Con ấy trong các dân ngoại, thì lập tức tôi chẳng bàn với thịt và máu,

17 tôi cũng không lên thành Giê-ru-sa-lem, đến với những sứ đồ trước tôi, nhưng tôi đi qua xứ A-ra-bi rồi trở về thành Đa-mách.

18 Rồi, sau ba năm, tôi lên thành Giê-ru-sa-lem, để gặp mặt trao đổi với Phi-e-rơ, và ở với anh ấy mười lăm ngày.

19 Nhưng tôi không gặp một sứ đồ nào khác, trừ ra Gia-cơ là em của Chúa.

Tuy nhiên, văn mạch từ câu 19 đến câu 20 của Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 9 khiến cho chúng ta hiểu rằng, trong thời gian Sau-lơ ở lại vài ngày với các môn đồ của Chúa trong thành Đa-mách, thì ông đã lập tức công bố Đấng Christ trong các nhà hội.

Ngoài ra, Công Vụ Các Sứ Đồ 9:27 ghi rằng, Ba-na-ba đem Sau-lơ đến gặp các sứ đồ chứ không chỉ một mình Phi-e-rơ, như Ga-la-ti 1:18 chép. Và Công Vụ Các Sứ Đồ 9:30 cho biết, Sau-lơ đã từ thành Sê-sa-rê đi thẳng đến Tạt-sơ, trong khi Ga-la-ti 1:21 thì ghi rằng, sau khi gặp Phi-e-rơ trong 15 ngày tại Giê-ru-sa-lem, thì Sau-lơ đã đi qua các miền thuộc xứ Si-ri và xứ Si-li-si.

Chúng tôi chọn hiểu rằng, Sau-lơ đã bị bách hại tại thành Đa-mách chỉ vài ngày, sau khi ông tin nhận Đấng Christ, chứ không phải mãi tới ba năm sau đó.

19 Khi người đã nhận lấy thức ăn thì được mạnh khỏe lại. Sau-lơ đã ở lại vài ngày với các môn đồ tại thành Đa-mách.

Nhóm chữ “nhận lấy thức ăn” hàm ý, ăn uống. Trước đó, Sau-lơ đã suốt ba ngày không ăn, không uống. Sau khi ăn uống trở lại thì Sau-lơ được phục hồi sức khỏe. Sau-lơ đã ở lại với con dân Chúa trong thành Đa-mách. Ông đã ở lại với những người mà trước đó vài ngày, ông đã trên đường đến để tìm bắt họ. Trước khi Sau-lơ gặp Đức Chúa Jesus và tin nhận Ngài, thì họ là những người mà ông ghét và gắng sức bách hại. Sau khi Sau-lơ gặp Chúa và tin Chúa, thì họ là những anh chị em cùng Cha của ông, cưu mang ông, và khi cần thì cứu giúp ông.

20 Người liền công bố Đấng Christ trong các nhà hội, rằng, Ngài là Con của Đức Chúa Trời.

Sau-lơ đã không chậm trễ trong việc công bố Đấng Christ trong các nhà hội của những người I-sơ-ra-ên tại thành Đa-mách. Nhà hội (trong tiếng Anh: synagogue), (G4864), là căn nhà được người I-sơ-ra-ên dùng làm nơi nhóm hiệp để cầu nguyện, để được nghe đọc Thánh Kinh và nghe các thầy thông giáo, các thầy dạy luật giảng giải Thánh Kinh. Nhà hội có thể được chia ra nhiều phòng khác nhau: phòng nhóm hiệp chung; phòng cầu nguyện; phòng học Thánh Kinh. Nhà hội có thể do một người I-sơ-ra-ên giàu có xây cất; có thể do một nhóm người I-sơ-ra-ên xây cất. Nhờ có các nhà hội mà người I-sơ-ra-ên lưu truyền được văn hóa và đức tin vào Thiên Chúa, trong suốt hơn hai ngàn năm trăm năm vong quốc. Sau khi Đền Thờ Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem bị phá hủy vào năm 70, các nhà hội đã trở thành nơi nhóm hiệp thờ phượng Thiên Chúa của dân I-sơ-ra-ên.

Động từ “công bố” (G2784) có nghĩa là chính thức tuyên xưng trước công chúng một lẽ thật hoặc một sự kiện đã xảy ra. Công bố Đấng Christ có nghĩa là tuyên xưng lẽ thật về sự Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ, đã được Đức Chúa Trời hứa qua các lời tiên tri trong Cựu Ước.

Những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo biết rõ các lời tiên tri về một Đấng Christ (trong tiếng Hê-bơ-rơ là Đấng Mê-si-a) sẽ được Đức Chúa Trời ban cho dân I-sơ-ra-ên. Họ hiểu rằng, Đấng Christ là người được Đức Chúa Trời xức dầu, tức là được Đức Chúa Trời chọn và đổ đầy thánh linh để làm người giải cứu con dân của Ngài. Nhưng họ không hiểu Đấng Christ được hứa trong Cựu Ước cũng là Đấng Giải Cứu của mọi dân tộc. Họ không hiểu rằng, Đấng Christ không giải phóng họ khỏi ách đô hộ của ngoại bang, mà giải phóng họ khỏi ách nô lệ của tội lỗi, khỏi sự chết đời đời bằng sự Ngài chịu chết để gánh thay án phạt của tội lỗi cho họ và cho mọi dân tộc khác. Chính vì thế mà họ không thể chấp nhận Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá là Đấng Christ.

Ngoài ra, đối với người I-sơ-ra-ên, ai xưng nhận mình là “Con của Đức Chúa Trời” thì người ấy phạm thượng. Vì cách nói “Con của Đức Chúa Trời” cũng có nghĩa nói rằng, cùng bản thể với Đức Chúa Trời, ngang bằng với Đức Chúa Trời. Tương tự như cách Đức Chúa Jesus tự xưng là “Con Người”, tức “con của loài người”, hàm ý, Ngài có bản thể của loài người và hoàn toàn là loài người.

Lòng sốt sắng công bố lẽ thật của Sau-lơ là do sự tác động của Đức Thánh Linh, và Sau-lơ đã vâng phục. Con dân chân thật của Chúa luôn có sự tác động của Đức Thánh Linh để sốt sắng rao truyền danh Chúa và Tin Lành cứu rỗi của Ngài. Vấn đề là có nhiều người đã không vâng phục sự tác động của Đức Thánh Linh. Ngày nay, có nhiều người xưng nhận mình là con dân Chúa nhưng lại sốt sắng chia sẻ những tin giật gân trên các trang mạng xã hội hơn là rao giảng Tin Lành. Ngược lại, cũng có nhiều người rao giảng Tin Lành theo ý riêng, không theo sự tác động của Đức Thánh Linh. Mục đích của sự giảng Tin Lành theo ý riêng hoặc là để được tiếng khen, hoặc là để lạm dụng sự tiếp trợ vật chất của Hội Thánh.

21 Hết thảy những người nghe đều ngạc nhiên mà nói: Chẳng phải người này đã tàn sát những người cầu khẩn danh ấy, tại Giê-ru-sa-lem, và vì đó đã đến đây để trói họ, giải về cho các thầy tế lễ thượng phẩm sao?

“Hết thảy những người nghe” là những người theo Do-thái Giáo đang nhóm họp trong các nhà hội mà Sau-lơ đã tìm đến để công bố Đấng Christ. Có thể trong số đó cũng có những người đã tin nhận Đấng Christ, đến để được nghe đọc Thánh Kinh. Mọi người đều nhận biết, Sau-lơ là kẻ bách hại Hội Thánh của Chúa. Vì thế, khi nghe Sau-lơ công bố Đấng Christ thì ai nấy đều ngạc nhiên.

22 Nhưng Sau-lơ đã vững mạnh càng hơn, làm rối trí những người Do-thái cư trú tại Đa-mách, mà chứng tỏ rằng, [Jesus] này là Đấng Christ.

Sau-lơ đã không để cho mặc cảm phạm tội bắt phục ông. Kể từ khi ông tin nhận Đấng Christ và tiếp nhận sự tha thứ của Ngài, ông không màng đến quá khứ, mà chỉ sốt sắng công bố lẽ thật, rao truyền danh Chúa.

Là con dân Chúa, chúng ta đã là những người được dựng nên mới trong Đấng Christ. Mọi sự trong quá khứ của chúng ta dù xấu xa đến đâu cũng đều đã được rửa sạch bởi máu thánh của Đấng Christ. Nếu có ai đem quá khứ tội lỗi của chúng ta ra bêu rếu, chúng ta chỉ cần nói: Thật, trước kia tôi là người tội lỗi như vậy, nhưng cảm tạ Chúa, Ngài đã cứu tôi, tha thứ mọi tội lỗi của tôi, và dựng tôi thành một người mới, ban cho tôi sự sống đời đời. Tôi mong muốn bạn cũng được như tôi.

Động từ “làm rối trí” (G4797) hàm ý, những lời công bố và giảng giải của Sau-lơ đã khiến cho những người theo Do-thái Giáo không thể phản biện, nhưng lại không chịu chấp nhận lẽ thật, mà lại nổi giận vì đuối lý.

Động từ “chứng tỏ” (G4822) hàm ý, sắp xếp các dữ kiện với nhau để chứng minh một lẽ thật. Sau-lơ đã sắp xếp các dữ kiện từ các lời tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước để chứng minh Đức Chúa Jesus chính là Đấng Christ.

Chúng ta nên nhớ, dù được sinh ra tại Tạt-sơ nhưng từ bé, Sau-lơ đã được gia đình đưa về Giê-ru-sa-lem sống; và ông đã theo học Lời Chúa với Giáo Sư Ga-ma-li-ên, một giáo sư Thánh Kinh và Thần học danh tiếng nhất, thời bấy giờ. Cùng với tấm lòng tin kính Chúa của ông, luôn gắng sức giữ trọn các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, Sau-lơ đã có một khối lượng trí thức lớn về Thánh Kinh Cựu Ước. Chỉ cần Sau-lơ tin nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Christ thì lập tức cái màn che thuộc linh rơi khỏi con mắt thuộc linh (II Cô-rinh-tô 3:14-16) và ông hiểu ngay những lời tiên tri về Đấng Christ trong Cựu Ước. Vì thế, những người theo Do-thái Giáo đã không thể phản biện những lời công bố và trình bày của ông về Đức Chúa Jesus.

23 Sau nhiều ngày trọn, những người Do-thái đã hội ý để giết người.

“Sau nhiều ngày trọn” có nghĩa là sau một khoảng thời gian nhiều ngày. Trong khoảng thời gian đó, Sau-lơ cứ tiếp tục công bố Đức Chúa Jesus là Đấng Christ và dùng Thánh Kinh để chứng minh lời công bố của mình, trong các nhà hội, mà không ai có thể phản biện.

Biện pháp cuối cùng của những kẻ muốn đàn áp lẽ thật, đàn áp những người công bố lẽ thật vẫn là “giết người bịt miệng”. Vì thế, những người theo Do-thái Giáo đã hội họp, bàn mưu bắt giết Sau-lơ.

24 Nhưng kế hoạch của chúng đã được Sau-lơ biết. Chúng cũng đã ngày đêm canh giữ các cổng thành để giết người.

25 Nhưng ban đêm, các môn đồ đã đem người đi; thả người xuống tại vách thành, trong một cái giỏ.

Chúng ta không biết kế hoạch bắt giết Sau-lơ của những người theo Do-thái Giáo là thế nào. Chúng ta không biết chi tiết về việc nhờ đâu Sau-lơ biết được kế hoạch ấy. Có thể ai đó trong nhóm họ đã báo tin cho Sau-lơ, theo sự sắp xếp của Chúa.

Trong thư viết cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, Sau-lơ đã thuật lại sự ông được con dân Chúa giúp cho trốn khỏi thành Đa-mách, như sau:

“Tại Đa-mách, thống đốc của Vua A-rê-ta đã giữ thành Đa-mách để bắt tôi. Nhưng tôi đã được thả xuống qua cửa sổ, xuyên vách thành, trong một cái giỏ, và tôi đã thoát khỏi tay của người.” (II Cô-rinh-tô 11:32-33).

Vua A-rê-ta là cha vợ của Vua Hê-rốt An-ti-ba (người giết Giăng Báp-tít). Trong cuộc chiến chống Vua Hê-rốt An-ti-ba, vì vua này đã ly dị con gái của Vua A-rê-ta để có thể cưới em dâu của mình là Hê-rô-đia (Mác 6:17), Vua A-rê-ta đã nhân cơ hội chiếm thành Đa-mách và lập thống đốc cai trị thành ấy. Viên thống đốc của thành Đa-mách lúc ấy có thể là một người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo, đã đồng mưu trong việc bắt giết Sau-lơ. Chính vì thế mà thành Đa-mách đã được canh gác nghiêm nhặt bởi cả quân lính lẫn những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo để tìm bắt Sau-lơ.

Nhưng Chúa đã dùng các con dân của Ngài để giải cứu Sau-lơ. Khi cần, Chúa sẽ làm phép lạ để giải cứu con dân Chúa, nhưng Chúa sẽ thường xuyên dùng chính con dân Chúa cứu giúp, tiếp trợ lẫn nhau. Vì đó là cơ hội để con dân Chúa thể hiện tình yêu đối với nhau và là lý do để Chúa ban thưởng cho những ai biết yêu thương, cứu giúp, tiếp trợ các anh chị em cùng Cha của mình.

26 Sau-lơ đã đến tận Giê-ru-sa-lem. Người đã thử hiệp với các môn đồ; nhưng hết thảy đều sợ người, không tin rằng, người đã là môn đồ.

Sau-lơ đã an toàn về lại được Giê-ru-sa-lem. Ông tìm đến các con dân Chúa để sinh hoạt với họ nhưng không ai tin rằng, Sau-lơ đã trở thành một môn đồ của Đấng Christ. Họ sợ rằng, Sau-lơ giả vờ làm tín đồ để xâm nhập Hội Thánh và bắt giết họ.

Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Chẳng lẽ Đức Thánh Linh không tác động trong lòng con dân Chúa để họ nhận biết Sau-lơ đã thật sự trở nên môn đồ của Đấng Christ? Câu trả lời là: Đức Thánh Linh đã không tỏ ra điều ấy trong lòng con dân Chúa, vì Ngài muốn họ luôn sắc bén trong sự nhận định và suy luận. Họ đã nhìn thấy Sau-lơ bách hại Hội Thánh, nhưng họ chưa nhìn thấy các chứng cớ về sự Sau-lơ đã thay đổi. Bài học dành cho chúng ta là: Nếu không có sự trực tiếp bày tỏ của Chúa, thì chúng ta phải tinh tế trong sự nhận thức của mình, dựa trên sự khôn sáng Chúa ban với khả năng nhận thức, lý luận chung (tiếng Anh: common sense); và mọi việc cần phải có chứng cớ rõ ràng, đáng tin cậy.

27 Ba-na-ba đã đem người đi, đưa đến các sứ đồ và thuật cho họ, thế nào người đã gặp Chúa trên đường đi, và rằng, Ngài đã phán với người; thế nào người đã giảng dạy cách dạn dĩ trong danh của Đức Chúa Jesus, tại thành Đa-mách.

28 Rồi, người đã ở với họ, tới lui trong thành Giê-ru-sa-lem.

Ba-na-ba là người được nói đến trong Công Vụ Các Sứ Đồ 4:36 và sau này là người cùng tham dự hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Sau-lơ. Có lẽ Ba-na-ba đã được con dân Chúa tại Đa-mách làm chứng về Sau-lơ, đã trò chuyện với Sau-lơ, và nhận biết Sau-lơ đã trở thành môn đồ của Đấng Christ, nên ông đã đưa Sau-lơ đến, giới thiệu với các sứ đồ.

Sau đó, Sau-lơ đã ở với các sứ đồ, có lẽ là trong căn nhà có phòng cao, nơi cư trú thường xuyên của các sứ đồ.

Nhóm chữ “tới lui trong thành Giê-ru-sa-lem” hàm ý, đi đây, đi đó trong thành Giê-ru-sa-lem; bao gồm việc tới lui Đền Thờ Thiên Chúa để thờ phượng Chúa, tới lui nhà của các môn đồ để nhóm hiệp, thông công với họ, và tới lui các nhà hội để công bố Đấng Christ.

29 Người cũng đã nói cách dạn dĩ trong danh của Đức Chúa Jesus, tranh luận với những người Hê-lê-nít; nhưng chúng đã dự định giết người.

Cũng như tại Đa-mách, Sau-lơ đã tìm đến những người theo Do-thái Giáo tại Giê-ru-sa-lem để công bố Đấng Christ cho họ và tranh luận với họ, đặc biệt là những người Hê-lê-nít, là những người theo Do-thái Giáo nói tiếng Hy-lạp. Đây cũng là một cơ hội Chúa ban cho những người ấy được nghe một người thông thạo tiếng Hy-lạp rao giảng về Đấng Christ cho họ, trong chính ngôn ngữ của họ.

Sau-lơ tranh luận là tranh luận trong danh của Đức Chúa Jesus. Có nghĩa là ông tranh luận theo sự hiểu biết đến từ Chúa, không theo ý riêng. Hơn nữa, những sự ông học biết về Thánh Kinh trước khi tin nhận Đấng Christ hoàn toàn không giúp ông hiểu được Lời Chúa, cho tới khi ông tin nhận Đấng Christ.

Động từ “tranh luận” (G4802) có nghĩa là đặt ra các câu hỏi để thảo luận với ai về một điều gì, để xem xét một vấn đề gì, để bác bỏ những gì không đúng.

Là con dân Chúa, chúng ta có thể tranh luận để làm sáng tỏ một vấn đề, nhưng phải là tranh luận trong danh Chúa.

Tuy nhiên, những người Hê-lê-nít theo Do-thái Giáo đã không tin nhận lời rao giảng của Sau-lơ mà còn dự định giết ông.

30 Khi các anh chị em cùng Cha đã biết điều đó, thì đem người xuống thành Sê-sa-rê, và gửi người đến Tạt-sơ.

Con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem đã đem Sau-lơ rời khỏi Giê-ru-sa-lem, xuống thành Sê-sa-rê, một thành phố nằm cạnh biển, để từ đó, Sau-lơ có thể đáp tàu đi Tạt-sơ, về lại sinh quán của ông. Đây cũng là một cơ hội để Sau-lơ rao giảng Tin Lành nơi sinh quán của ông.

31 Sau đó, thực tế các Hội Thánh trong khắp xứ Giu-đê, xứ Ga-li-lê, và xứ Sa-ma-ri có sự bình an, được gây dựng, bước đi trong sự kính sợ Chúa và sự khích lệ của Đức Thánh Linh, được thêm nhiều.

Sau khi Sau-lơ rời khỏi Giê-ru-sa-lem thì cơn bách hại Hội Thánh từ những người theo Do-thái Giáo đã lắng dịu. Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem và Hội Thánh trong các miền phụ cận đều được sự bình an, được gây dựng, và sống nếp sống kính sợ Chúa. Hội Thánh các nơi đã được Đức Thánh Linh khích lệ và số người tin nhận Chúa ngày càng thêm lên.

“Bước đi trong sự kính sợ Chúa” là sống nếp sống vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa.

“Sự khích lệ của Đức Thánh Linh” là sự Đức Thánh Linh qua các con dân Chúa làm ra những dấu kỳ và phép lạ để ấn chứng Thiên Chúa đang hành động qua họ và ban ơn cho họ, khiến họ vững vàng đức tin càng hơn; và khiến người ngoài tin vào lời rao giảng của con dân Chúa.

Chúa cho phép sự bách hại xảy ra để thử thách con dân Chúa hoặc để chuyển họ từ nơi này sang nơi khác, loan truyền Tin Lành của Ngài cho muôn dân. Nhưng Chúa cũng ban cho con dân Chúa sự bình an, thịnh vượng, lớn lên trong sự hiểu biết Lời Chúa, trong đức tin, và có năng lực sống theo Lời Chúa. Chỉ cần con dân Chúa lúc nào cũng sống nếp sống tin kính Chúa, vâng giữ các điều răn của Chúa thì Đức Thánh Linh sẽ luôn hành động qua họ, để làm tôn vinh Thiên Chúa và ban phước cho Hội Thánh của Ngài.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
18/09/2021

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

Karaoke Thánh Ca: “Ngài Mong Ta”
https://karaokethanhca.net/ngai-mong-ta/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.