Loài Người (07): Theo Hình Thiên Chúa, Như Tượng Thiên Chúa

5,794 views

Loài Người (07): Theo Hình Thiên Chúa, Như  Tượng Thiên Chúa

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2OTM4X1Vqenpz

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống MP3 bài giảng này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTIyMTE4XzB1MlRH
hoặc:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/117_loainguoi

Phần âm thanh có nhiều chi tiết hơn phần bài viết

Dẫn Nhập

Trong sáu bài trước, chúng ta đã nói về nguồn gốc của loài người: loài người được Thiên Chúa sáng tạo; người là một linh hồn ở trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần và ở trong một thân thể vật chất là xác thịt. Chúng ta cũng đã tìm hiểu ý nghĩa của những câu Thánh Kinh liên quan đến tâm thần. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự kiện Đức Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình Ngài và như tượng Ngài. Dưới đây là các câu Thánh Kinh làm nền tảng [A]:

“Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất! Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài. Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa. Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ.” (Sáng Thế Ký 1:26-27).

Đây là sách về dòng dõi của A-đam. Ngày mà Thiên Chúa sáng tạo loài người, Ngài đã làm ra loài người như tượng của Thiên Chúa.” (Sáng Thế Ký 5:1).

Theo Hình Thiên Chúa và Như Tượng Thiên Chúa

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của mệnh đề “theo hình Chúng Ta, như  tượng Chúng Ta”. Đây là lời tuyên bố rất rõ ràng của Thiên Chúa về hình thể, bản chất và bản tính của loài người mà Ngài sẽ sáng tạo. “Theo hình Chúng Ta” nói đến bản tính của loài người sẽ giống như bản tính của Thiên Chúa; còn “như tượng Chúng Ta” nói đến hình thể và bản chất của loài người sẽ giống như hình thể và bản chất của Thiên Chúa. Vậy, chúng ta hãy tìm xem Thánh Kinh nói gì về hình thể, bản chất và bản tính của Thiên Chúa.

1. Hình thể của Thiên Chúa: Thiên Chúa có hình thể thiêng liêng là “thần” và hình thể vật chất là “xác thịt”. Thánh Kinh cho chúng ta biết:

“Cũng có những hình thể thuộc về trời và những hình thể thuộc về đất. Nhưng thực tế, sự vinh quang của hình thể thuộc về trời khác và sự vinh quang của hình thể thuộc về đất khác.” (I Cô-rinh-tô 15:40).

Hình thể vật chất của Thiên Chúa chính là thân thể xác thịt của Đức Chúa Con, khi Ngài nhập thế làm người, mang tên Jesus. Hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa thì con mắt xác thịt của chúng ta không thể thấy được, nhưng con mắt thiêng liêng của chúng ta có thể thấy được. Trong các khải tượng Thiên Chúa ban cho con dân của Ngài thì con dân của Ngài có thể nhìn thấy hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa.

Tiên Tri Ê-sai nhìn thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang: “Về năm Vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy Đền Thờ. Những sê-ra-phim đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phim có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay. Các sê-ra-phim cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh quang Ngài!” (Ê-sai 6:1-3).

Tiên Tri Đa-ni-ên nhìn thấy Thiên Chúa Ngôi Cha: “Ta nhìn xem cho đến khi các ngai đã được đặt xuống, và Đấng Thượng Cổ của Các Thời Đại đã ngồi. Áo Ngài trắng như tuyết, và tóc trên đầu Ngài như len tinh sạch. Ngai của Ngài như những ngọn lửa, và các bánh xe của nó như lửa cháy.” (Đa-ni-ên 7:9).

Kế tiếp, Đa-ni-ên nhìn thấy Thiên Chúa Ngôi Con trong hình thể của một con người: “Ta nhìn thấy trong những khải tượng ban đêm, này, có một Đấng giống như con người, đến với những đám mây trời. Đấng ấy đến với Đấng Thượng Cổ của Các Thời Đại, và họ đem Người đến trước mặt Ngài.” (Đa-ni-ên 7:13).

Chấp Sự Ê-tiên, trước khi tử Đạo, nhìn thấy Đức Chúa Con đứng bên hữu Đức Chúa Cha: “Nhưng được đầy dẫy thánh linh, người đã nhìn chăm lên trời, thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, và thấy Đức Chúa Jesus đứng bên phải Đức Chúa Trời. Người đã nói: Kìa, ta thấy các tầng trời mở ra, và Con Người đứng bên phải Đức Chúa Trời.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 7:55-56).

Giăng 1:18 nói đến sự kiện, ngoài Đức Chúa Con ra thì chưa hề có ai nhìn thấy Đức Chúa Cha: “Chẳng có ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, ngoại trừ Đấng Con Một, Đấng ở trong lòng của Đức Cha. Ngài đã giãi bày về Thiên Chúa.” Tuy nhiên, động từ thấy “ὁράω” G3708, phát âm quốc tế /horaō/, phát âm tiếng Việt [hơ-rá-ô], được dùng trong câu này và trong Giăng 14:7, 9 có nghĩa đen là nhìn thấy bằng con mắt xác thịt và nghĩa bóng là sự nhận thức, hiểu biết trong tâm trí. Dựa vào văn mạch của Giăng 1:18 và 14:7, 9 chúng ta biết từ ngữ “thấy” được dùng trong các câu này với nghĩa bóng, để chỉ sự hiểu biết về Đức Chúa Cha. Ý nghĩa của các câu Thánh Kinh đó như sau:

“Chẳng có ai đã hiểu biết về Thiên Chúa bao giờ, ngoại trừ Đấng Con Một, Đấng ở trong lòng của Đức Cha. Ngài đã giãi bày về Thiên Chúa.” (Giăng 1:18).

“Nếu các ngươi biết Ta, thì cũng biết Cha Ta; và từ nay, các ngươi biết Ngài và đã hiểu biết về Ngài.” (Giăng 14:7).

“Đức Chúa Jesus đáp rằng: Hỡi Phi-líp, Ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết Ta! Ai đã hiểu biết về Ta, tức là đã hiểu biết về Cha. Sao ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi?” (Giăng 14:9).

2. Bản chất của Thiên Chúa: Bản chất thân thể thiêng liêng của Thiên Chúa là thần (spirit) và bản chất thân thể vật chất của Thiên Chúa là xác thịt, bụi của đất (matter).

Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời…Ngôi Lời đã chịu trở nên xác thịt và đã đóng trại giữa chúng ta. Chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài; sự vinh quang như của Con Một đến từ Cha, đầy dẫy ân điển và lẽ thật.” (Giăng 1:1, 14).

Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật.” (Giăng 4:24).

3. Bản tính của Thiên Chúa: Bản tính của Thiên Chúa là yêu thương, thánh khiết, và công chính.

Vậy, khi Thiên Chúa phán rằng, Ngài sẽ làm ra loài người theo hình Thiên Chúa và như tượng Thiên Chúa, thì Ngài có ý nói rằng, loài người sẽ:

  • mang hình thể thiêng liêng giống như hình thể thiêng liêng của Thiên Chúa; mang hình thể vật chất giống như hình thể vật chất của Thiên Chúa;
  • có bản chất thiêng liêng (tâm thần) và bản chất vật chất (xác thịt);
  • có bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính.

Dù chúng ta không nhìn thấy tâm thần, tức thân thể thiêng liêng của mình, nhưng chúng ta nhận thức được nó. Và vì cớ chúng ta nhận thức được tâm thần mà chúng ta ý thức bản tính yêu thương, thánh khiết, và công chính mà Thiên Chúa đã dựng nên trong chúng ta. Bản tính nguyên thủy đó đã bị băng hoại sau khi loài người phạm tội; nhưng hễ ai thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, thì được Đức Thánh Linh tái sinh, tức là tâm thần và linh hồn được dựng nên mới, với bản tính giống như Thiên Chúa. Ê-phê-sô 4:24 cho biết, những người được dựng nên mới là những người: “…mặc lấy con người mới, là người đã được dựng nên giống như Thiên Chúa, trong sự công chính và sự thánh sạch chân thật.”

Bản tính giống như Thiên Chúa có nghĩa là yêu những gì Thiên Chúa yêu, ghét những gì Thiên Chúa ghét và làm những gì Thiên Chúa làm. Khi loài người bị băng hoại bởi tội lỗi thì loài người không có khả năng hành động theo tiêu chuẩn yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa. Nhưng hễ ai đã được dựng nên mới trong Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy có năng lực của chính Thiên Chúa để sống theo tiêu chuẩn của Ngài. Vấn đề là, người đã được dựng nên mới có biết tận dụng ân điển Thiên Chúa đã ban cho mình để sống một đời sống mới trong Chúa, hay không.

Hầu hết các nhà Thần học cho rằng, loài người được dựng nên như tượng Thiên Chúa chỉ có ý nghĩa thuộc linh, và họ nhấn mạnh sự giống về bản tính của Thiên Chúa mà không bàn đến hình thể. Đối với họ, nói rằng Thiên Chúa có hình thể và loài người được dựng nên theo hình thể của Thiên Chúa là điều họ không thể chấp nhận. Quan điểm của các nhà Thần học chỉ là ý kiến của loài người, còn Thánh Kinh là Lời của Đức Chúa Trời. Lời Chúa đã nhấn mạnh rằng, loài người được dựng nên như tượng của Ngài và giống như bản tính của Ngài. Lời của Chúa cũng cho chúng ta biết Thiên Chúa là thần nhưng khi Ngài nhập thế làm người thì Ngài được sinh ra bởi xác thịt và có thân thể xác thịt bằng vật chất. Lời Chúa nói đến sự Thiên Chúa dựng nên loài người như tượng Ngài, với ý nghĩa là một hình thể nhìn thấy được:

“Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất! Thiên Chúa đã sáng tạo loài người như hình Ngài. Ngài đã sáng tạo loài người như hình Thiên Chúa. Ngài đã sáng tạo họ, nam và nữ.” (Sáng Thế Ký 1:26-27).

Điều thú vị là trong Sáng Thế Ký 5:3, Thánh Kinh dùng đúng hai từ ngữ này để nói đến sự kiện A-đam sinh ra Sết như tượng ông và theo hình như ông:

“A-đam sống đến một trăm ba mươi tuổi thì sinh con như tượng của mình, theo hình của mình, và đặt tên cho nó là Sết.”

So sánh với Bản Dịch King James:

Genesis 1:26-27 “And God said, Let us make man in our image, after our likeness: and let them have dominion over the fish of the sea, and over the fowl of the air, and over the cattle, and over all the earth, and over every creeping thing that creepeth upon the earth. So God created man in his own image, in the image of God created he him; male and female created he them.”

Genesis 5:3 “And Adam lived an hundred and thirty years, and begat a son in his own likeness, after his image; and called his name Seth.”

Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa Ngôi Con nhập thế làm người khoảng 4.000 năm sau khi loài người được dựng nên, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, hình ảnh mà Thiên Chúa chọn để thể hiện khi Ngài đi vào thế giới vật chất đã có trong tâm trí của Thiên Chúa từ trước, và Ngài đã dựng nên thân thể vật chất của loài người theo hình ảnh ấy. Rất có thể, công cuộc sáng tạo loài người đã diễn tiến như sau: Thiên Chúa Ngôi Cha truyền lệnh, “Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta”; Thiên Chúa Ngôi Con xuất hiện trong thế giới vật chất với một hình thể vật chất, rồi Ngài gom bụi của đất để làm nên một hình thể giống như hình thể vật chất của Ngài; kế tiếp, Thiên Chúa Ngôi Thánh Linh thổi hơi thở sống của Ngài vào hình thể đó, và loài người xuất hiện. Chúng ta có thể yên tâm, dựa vào Lời Chúa để tin rằng, tâm thần và xác thịt của loài người được dựng nên như hình thể thần và hình thể xác thịt của Thiên Chúa, còn linh hồn tức bản ngã của chúng ta, thì có bản tính giống như bản tính của Thiên Chúa. Bản ngã của Thiên Chúa cũng được Thánh Kinh gọi là linh hồn (Hê-bơ-rơ 10:38).

Thân Thể “Siêu Vật Chất”

Chúng ta đã biết, sự chết thứ nhất của loài người bao gồm sự chết thuộc linh lẫn sự chết thuộc thể. Sự chết thuộc linh là sự tâm thần, linh hồn bị tội lỗi làm cho ngăn cách với Thiên Chúa, mất đi sự tương giao với Ngài. Sự chết thuộc thể là thân thể vật chất bị băng hoại, rồi cuối cùng bị phân rẽ với tâm thần và linh hồn, tan rã thành bụi đất. Thánh Kinh gọi chung sự chết thuộc linh và thuộc thể đó là sự chết thứ nhất. Thiết tưởng cũng nên nhắc lại về sự chết thứ hai tại đây. Sự chết thứ hai cũng bao gồm thuộc thể lẫn thuộc linh, sẽ xảy ra trong ngày phán xét chung cuộc, là khi thân thể xác thịt của những người không thuộc về Chúa được gọi sống lại, chịu kết án và bị ném vào trong hồ lửa. Trong hồ lửa đó, mỗi linh hồn không thuộc về Chúa sẽ ở trong thân thể xác thịt, chịu khổ đời đời vì bị phân rẽ khỏi mặt Chúa và bị phân rẽ khỏi sự vinh quang của sức mạnh Ngài (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Vì bị phân rẽ khỏi mặt Chúa nên không thể kêu cầu cùng Chúa. Vì bị phân rẽ khỏi sự vinh quang của sức mạnh Ngài nên không còn cơ hội hưởng năng lực cứu rỗi của Tin Lành, cho dù lúc bấy giờ, họ thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, Thánh Kinh dạy rằng: “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện! Kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!” (II Cô-rinh-tô 6:2). Hiện nay, có nghĩa là lúc chúng ta còn sống trong thân thể xác thịt này.

Khi một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy lập tức được Đức Thánh Linh tái sinh tâm thần và linh hồn, được phục hòa mối tương giao với Thiên Chúa, được phục hồi địa vị làm con thừa kế (con được hưởng cơ nghiệp) của Đức Chúa Trời. Điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời được Đức Thánh Linh chép vào trong lương tâm mới của người được tái sinh (Hê-bơ-rơ 8:10; 10:16); năng lực của Đức Thánh Linh tuôn tràn trong tâm thần của người được tái sinh để giúp cho người ấy hiểu biết mọi lẽ thật của Lời Chúa và có năng lực sống theo Lời Chúa. Riêng phần thân thể vật chất thì chưa được tái sinh nhưng vẫn được Đức Thánh Linh thánh hóa để làm đồ dùng về sự công chính của Đức Chúa Trời (Rô-ma 6:13). Thân thể vật chất của người thuộc về Chúa sẽ được tái sinh trong ngày Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận thế.

Khi đó, thân thể vật chất đang sống sẽ được biến hóa, thân thể vật chất đã trở về cùng bụi đất sẽ được phục sinh. Dù sống lại hay được biến hóa đang khi còn sống thì thân thể vật chất được tái sinh của người tin Chúa sẽ kết hợp với thân thể thiêng liêng là tâm thần, trở thành một thân thể siêu vật chất, có thể sinh hoạt trong thế giới vật chất lẫn thế giới thuộc linh, như thân thể phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Sự kết hợp mầu nhiệm đó chúng ta không thể nào hiểu được cho đến khi chúng ta bước vào trong cõi đời đời, mặt đối mặt với Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 13:12).

Điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ, dù là thân thể vật chất được tái sinh thành thân thể siêu vật chất, thì thân thể đó của chúng ta cũng vẫn giống như hình thể của Thiên Chúa, tức là giống như hình thể của thân thể phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ. Cá nhân chúng tôi tin rằng, khi thân thể vật chất được tái sinh thì linh hồn, tâm thần và xác thịt của những người trong Chúa sẽ kết hợp cách lạ lùng, bất khả phân ly, vì sự chết, tức là sự phân rẽ, không còn có quyền trên những ai thuộc về Chúa. Hơn nữa, sự chết cũng sẽ bị ném vào hỏa ngục trong ngày phán xét chung cuộc (Khải Huyền 20:14).

“Theo” và “Như” hoàn toàn khác với “Là”

Sự kiện loài người được Thiên Chúa sáng tạo như hình thể của Ngài và theo như bản tính của Ngài hoàn toàn khác với sự kiện loài người là Thiên Chúa hoặc loài người trở nên hay trở thành Thiên Chúa. Ngày nay, có một số giáo phái Ân Tứ và Ngũ Tuần dạy rằng, khi một người được Thiên Chúa tái sinh thì người đó trở nên Thiên Chúa, gọi là những “Thiên Chúa con” hay những “Đức Chúa Trời con”. Giáo lý đó hoàn toàn không có trong Thánh Kinh và hoàn toàn vô lý. Bởi vì, không ai có thể trở thành Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng tự có, muôn loài vạn vật đều do Thiên Chúa dựng nên thì không thể có một loài thọ tạo nào trở thành Thiên Chúa. Ngay cả cách nói “trở thành” Thiên Chúa đã là vô lý. Thiên Chúa là Đấng tự có thì làm sao có ai hay vật gì “trở thành” Thiên Chúa?

Một giáo lý khác dạy rằng, loài người ra từ Thiên Chúa nên có cùng bản thể với Thiên Chúa. Giáo lý này cũng không đúng với Thánh Kinh và ảnh hưởng bởi Ấn Giáo. Dù thân thể thiêng liêng của loài người được dựng nên khi Thiên Chúa thổi hơi sống của Ngài vào thân thể vật chất của loài người, nhưng loài người không phải là Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không hề dùng bản thể của Ngài để tạo nên loài người. Nếu loài người có cùng bản thể với Thiên Chúa thì loài người cũng là Thiên Chúa và có các thần tính của Thiên Chúa: tự hữu, toàn năng, toàn tại, toàn tri, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ.

Và một giáo lý khác nữa, dạy rằng, vì Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ mà Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, cho nên, Hội Thánh cũng là Thiên Chúa. Như đã nói ở trên, không hề có sự kiện ai đó hay vật gì đó “trở thành” Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, cho nên, hoặc là Thiên Chúa hoặc không phải là Thiên Chúa, không có chuyện từ chỗ không phải là Thiên Chúa mà “trở thành” Thiên Chúa. Hội Thánh do Đức Chúa Jesus Christ lập ra, Hội Thánh không tự có cho nên Hội Thánh không phải là Thiên Chúa. Ý nghĩa của mệnh đề “Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ” nói đến sự kiện Hội Thánh được kết hợp với Đấng Christ bằng tình yêu của Ngài, sự sống của Đấng Christ tuôn chảy trong Hội Thánh, sự vinh quang của Đấng Christ bao phủ Hội Thánh, và Hội Thánh vâng phục Đấng Christ để làm theo mọi ý muốn của Đấng Christ.

Sự hiệp một của Hội Thánh với Đấng Christ là sự hiệp một của đồng một tâm tình, đồng một sự sống, không phải là đồng một bản thể, đồng một thần tính. Thiên Chúa có thể trở nên loài người nhưng loài người không bao giờ trở thành Thiên Chúa.

Kết Luận

Loài người được Thiên Chúa dựng nên giống như hình thể thiêng liêng và hình thể vật chất của Thiên Chúa. Loài người được Thiên Chúa dựng nên với bản chất thần và bản chất xác thịt. Loài người được Thiên Chúa dựng nên với bản tính giống như Thiên Chúa trong sự công chính và thánh sạch chân thật. Tuy nhiên, loài người không có cùng bản thể với Thiên Chúa, không là Thiên Chúa và sẽ không bao giờ trở thành Thiên Chúa.

Bốn điểm nêu trên được xác chứng bởi Thánh Kinh. Tất cả những tư tưởng Thần học nào và những giáo lý nào giảng dạy nghịch lại bốn điểm trên đây, đều không dựa trên Thánh Kinh, con dân Chúa cần phải tránh xa.

Huỳnh Christian Timothy
24/11/2012

Ghi Chú

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Dùng nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ trên Internet: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H0001 (thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).

[C] Dùng nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hy-lạp trên Internet: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G0001 (thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).