Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 01:01-11 Đấng Christ Là Nền Tảng của Hội Thánh

2,717 views

YouTube: https://youtu.be/blYridjAIjQ

44002 Chú Giải Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1-11
Đấng Christ Là Nền Tảng của Hội Thánh

  Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1-11

1 Thật! Hỡi Thê-ô-phi-lơ! Giáo lý thứ nhất tôi đã biên soạn là về mọi điều mà Đức Chúa Jesus đã bắt đầu làm và dạy,

2 cho tới ngày mà Ngài đã được cất lên. Ngài đã bởi thánh linh ra lệnh cho các sứ đồ mà Ngài đã chọn.

3 Với họ Ngài cũng đã tỏ ra chính mình Ngài là sống, trong nhiều chứng cớ, sau sự thương khó của Ngài; được nhìn thấy bởi họ bốn mươi ngày; và phán bảo những sự về Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

4 Trong khi nhóm họp, Ngài đã truyền bảo họ, họ không nên rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng: Hãy chờ đợi lời hứa của Đức Cha mà các ngươi đã nghe nơi Ta.

5 Vì Giăng thật đã làm báp-tem trong nước, nhưng không còn bao nhiêu những ngày này nữa, các ngươi sẽ được báp-tem trong thánh linh.

6 Rồi, thực tế, những người nhóm họp đã hỏi Ngài rằng: Lạy Chúa! Có phải trong lúc này Ngài sẽ lập lại vương quốc I-sơ-ra-ên?

7 Nhưng Ngài phán với họ: Các thời và các kỳ mà Đức Cha đã đặt trong quyền của Ngài, không là điều các ngươi biết.

8 Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và là những chứng nhân cho Ta chẳng những tại Giê-ru-sa-lem, tại cả xứ Giu-đê và Sa-ma-ri, mà cho đến tận cùng của trái đất.

9 Khi Ngài đã phán các lời ấy, họ đã nhìn thấy Ngài được cất lên. Có một đám mây tiếp Ngài khỏi mắt của họ.

10 Cùng lúc họ nhìn chăm lên trời trong khi Ngài ngự lên, thì kìa, có hai người nam đứng bên cạnh họ, trong trang phục trắng,

11 và nói: Hỡi các người Ga-li-lê! Sao các ngươi đứng nhìn lên trời? Đức Chúa Jesus này đã được cất lên khỏi các ngươi vào trong thiên đàng, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài đi vào thiên đàng.

Thánh Kinh đã dạy một cách rất rõ ràng, Đức Chúa Jesus Christ là nền tảng của Hội Thánh. Chính Đấng Christ đã khẳng định:

Nhưng Ta cũng phán với ngươi rằng, ngươi là Phi-e-rơ, và trên khối đá này Ta sẽ lập Hội Thánh của Ta. Các cửa của âm phủ sẽ chẳng thắng được nó.” (Ma-thi-ơ 16:18).

Tên “Phi-e-rơ” (G4074) có nghĩa là hòn đá, viên đá; và là một danh từ giống đực. Danh từ “khối đá” (G4073) có nghĩa là khối đá, vầng đá; và là một danh từ giống cái. Khối đá hay vầng đá lớn hơn hòn đá rất nhiều. Kích thước trung bình của một hòn đá vào khoảng một nắm tay, nhưng một khối đá thì có thể lớn bằng một mét khối; và một vầng đá có thể lớn bằng một tòa nhà. Danh từ “Hội Thánh” (G1577) cũng là một danh từ giống cái. Trong các ngôn ngữ cổ như tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh, một danh từ chỉ sự vật hay sự việc được phân loại là giống cái khi sự vật hay sự việc ấy là nguồn phát sinh, hoặc có tính cách sinh sôi, phát triển, hoặc là một danh từ tập hợp… Khối đá hay vầng đá là vật có thể bị đập vỡ để cho ra nhiều hòn đá. Hội Thánh là một danh từ tập hợp và có tính phát triển. Vì thế, lời phán của Đức Chúa Jesus về việc xây dựng Hội Thánh trên khối đá, hàm ý là trên chính mình Ngài, được tiêu biểu bởi khối đá góc nhà, chứ không phải trên Phi-e-rơ, được tiêu biểu bởi tên gọi có nghĩa là hòn đá. Phi-e-rơ cũng như các sứ đồ khác của Chúa, cùng với các tiên tri được dự phần trong sự những lời giảng dạy của họ được liên kết với Đấng Christ để làm thành nền tảng của Hội Thánh. Nhưng Phi-e-rơ hay bất cứ ai khác không phải là nền tảng của Hội Thánh.

Nền tảng của Hội Thánh là lẽ thật chắc chắn và cần thiết để Hội Thánh được thành lập và dựa trên đó mà phát triển. Bản thể loài người trọn vẹn và vô tội của Đức Chúa Jesus Christ cùng các việc Ngài đã làm để cứu chuộc loài người ra khỏi tội lỗi, đem sự hiểu biết về Thiên Chúa đến cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài, chính là nền tảng để Hội Thánh được thành lập và được gây dựng.

Sự kiện Đức Chúa Jesus Christ là nền tảng của Hội Thánh đã được chính Thiên Chúa tiên tri qua Ê-sai:

Vậy nên, Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán như thế này: Kìa, Ta đặt tại Si-ôn một khối đá để làm nền, là khối đá đã được thử nghiệm, là khối đá góc nhà quý báu, là nền tảng bền vững. Ai tin sẽ chẳng nên vội vàng.” (Ê-sai 28:16).

Danh từ giống cái “khối đá” (H68) được nói đến là khối đá được dùng làm đá góc nhà. Đá góc nhà được dùng làm chuẩn, để xây dựng nền nhà. Hội Thánh là nhà của Thiên Chúa sẽ được xây dựng trên nền được thiết lập theo khối đá góc nhà là Đấng Christ, qua sự giảng dạy của các tiên tri và các sứ đồ:

Ê-phê-sô 2:19-22

19 Vì thế, các anh chị em chẳng còn là những khách lạ, những người ở trọ nữa, nhưng là những người đồng hương với các thánh đồ, và là những người nhà của Đức Chúa Trời,

20 đã được xây dựng trên nền tảng của các sứ đồ và các tiên tri. Chính Đức Chúa Jesus Christ là đá góc nhà.

21 Trong Ngài, cả cấu trúc cùng nhau phát triển thành một đền thờ thánh trong Chúa.

22 Trong Ngài, các anh chị em được kiến trúc thành chỗ ở của Đức Chúa Trời, trong thuộc linh.

Trong các câu mở đầu cho sách Công Vụ Các Sứ Đồ, Lu-ca đã tóm lược những chi tiết để chỉ ra sự kiện Đấng Christ là nền tảng của Hội Thánh.

1 Thật! Hỡi Thê-ô-phi-lơ! Giáo lý thứ nhất tôi đã biên soạn là về mọi điều mà Đức Chúa Jesus đã bắt đầu làm và dạy,

2 cho tới ngày mà Ngài đã được cất lên. Ngài đã bởi thánh linh ra lệnh cho các sứ đồ mà Ngài đã chọn.

Như chúng ta đã học biết trong bài “Giới Thiệu Sách Công Vụ Các Sứ Đồ”, tên Thê-ô-phi-lơ có nghĩa là “bạn của Thiên Chúa”. Có lẽ ông là một người Hy-lạp thuộc giới quý tộc, có quen biết lớn với Lu-ca, và là người bảo trợ cho Lu-ca trong việc viết sách. Bảo trợ tức là cung cấp chi phí giấy mực và tiền sinh sống cho Lu-ca trong thời gian Lu-ca viết sách. Vào thời ấy, giấy là một loại vật liệu khó làm và giá bán rất mắc. Theo Lu-ca 1:1-4 thì Thê-ô-phi-lơ là một môn đồ của Đấng Christ, đã được học tập về giáo lý của Đấng Christ. Ngoài các chi tiết trên đây thì chúng ta không biết gì nhiều về Thê-ô-phi-lơ.

Giáo lý thứ nhất” tức là nội dung của sách Lu-ca. Sách Lu-ca được viết trước sách Công Vụ Các Sứ Đồ, ghi lại cuộc đời của Đấng Christ. Danh từ “giáo lý” (G3588 G3056) trong câu này cũng chính là từ ngữ được dùng làm danh hiệu của Thiên Chúa Ngôi Lời và dùng để chỉ các lời phán của Thiên Chúa.

Mọi điều Đức Chúa Jesus đã bắt đầu làm và dạy, cho tới ngày mà Ngài đã được cất lên” không có ý bao gồm tất cả những gì Đức Chúa Jesus đã làm và dạy trong khi Ngài bước đi trên đất. Vì như Sứ Đồ Giăng đã viết:

Nhưng còn có nhiều việc mà Đức Chúa Jesus đã làm. Những việc ấy nếu được ghi chép theo từng việc thì ta tưởng rằng, chính thế gian không thể chứa hết các sách được ghi chép. A-men!” (Giăng 21:25).

Vì thế, ý của câu văn là trong sách thứ nhất của Lu-ca, ông chỉ ghi chép lại những gì mà Đức Chúa Jesus đã làm và dạy từ khi Ngài thi hành mục vụ, chứ không ghi chép những gì các sứ đồ đã làm và dạy, như trong sách thứ nhì mà ông bắt đầu viết.

Động từ “ra lệnh” (G1781) có nghĩa là sai bảo làm một việc gì đó. Đức Chúa Jesus đã bởi thánh linh, ra lệnh cho các sứ đồ của Ngài làm nhiều việc, nhưng tất cả cũng vì mục vụ rao giảng Tin Lành cho muôn dân, làm báp-tem cho những ai tin nhận Tin Lành, và dạy họ vâng giữ mọi điều Đức Chúa Jesus đã phán dạy (Ma-thi-ơ 28:19-20).

Sự Đức Chúa Jesus ra lệnh cho các sứ đồ xảy ra trong hai thời kỳ. Thời kỳ trước khi và thời kỳ sau khi Ngài phục sinh. Thời kỳ trước khi Đức Chúa Jesus phục sinh thì Ngài hoàn toàn hành động trong thân vị loài người, nên sự Ngài ra lệnh cho các sứ đồ là bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh. Nghĩa là Đức Thánh Linh tác động trong thần trí của Ngài để sự ra lệnh của Ngài đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Thời kỳ sau khi Đức Chúa Jesus phục sinh thì Ngài hành động trong thân vị Thiên Chúa, trong thân thể xác thịt của loài người, nên sự Ngài ra lệnh cho các sứ đồ là bởi chính thẩm quyền và năng lực toàn năng của Thiên Chúa Ngôi Lời.

Các sứ đồ của Đức Chúa Jesus là do chính Ngài chọn. Chức vụ sứ đồ hay bất cứ chức vụ nào khác trong Hội Thánh là do Đức Chúa Trời lập ra (I Cô-rinh-tô 12:28), do Đức Chúa Jesus ban cho (Ê-phê-sô 4:11), và do Đức Thánh Linh ấn chứng (I Cô-rinh-tô 12:4). Đức Thánh Linh ấn chứng trong thần trí của người được ban cho và ấn chứng trong thần trí của con dân Chúa trong Hội Thánh để họ công nhận chức vụ của người được ban cho.

3 Với họ Ngài cũng đã tỏ ra chính mình Ngài là sống, trong nhiều chứng cớ, sau sự thương khó của Ngài; được nhìn thấy bởi họ bốn mươi ngày; và phán bảo những sự về Vương Quốc của Đức Chúa Trời.

Sau khi Đức Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên thập tự giá vào ngày Lễ Vượt Qua của năm 27 [1], chịu chết và được chôn trong lòng đất suốt ba ngày ba đêm, Ngài đã phục sinh và hiện ra cho nhiều môn đồ và các sứ đồ trong nhiều lần. Môn đồ là người tin nhận Tin Lành nhưng không được Chúa ban cho chức vụ trong Hội Thánh. Sứ đồ là người tin nhận Tin Lành và được Chúa ban cho chức vụ đi khắp nơi rao giảng Tin Lành, thành lập Hội Thánh địa phương. Ngài đã cho phép họ sờ vào thân thể Ngài. Ngài đã cùng ăn và uống với họ, trò chuyện với họ. Tất cả để chứng minh, Ngài đã thật sống lại. Ngài đã ở với họ suốt bốn mươi ngày, tiếp tục giảng dạy cho họ về Vương Quốc Trời, trước khi Ngài thăng thiên.

4 Trong khi nhóm họp, Ngài đã truyền bảo họ, họ không nên rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng: Hãy chờ đợi lời hứa của Đức Cha mà các ngươi đã nghe nơi Ta.

Phần đầu của câu 4 là lời tường thuật của Lu-ca. Sau dấu hai chấm là Lu-ca trích dẫn lời phán của Đức Chúa Jesus.

Trong khi nhóm họp là trong buổi các môn đồ cùng nhóm hiệp vào buổi tối của ngày Thứ Nhất, tiếp liền sau ngày Chúa phục sinh. Chúa phục sinh vào chiều Thứ Bảy ngày hôm trước. Sáng sớm ngày Thứ Nhất Ngài đã hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri, mẹ của Gia-cơ. Tiếp theo đó, Ngài đã hiện ra và đi chung đường với hai môn đồ từ Giê-ru-sa-lem về Em-ma-út. Khi hai môn đồ ấy nhận biết Chúa thì họ lập tức quay về Giê-ru-sa-lem, đến nơi các môn đồ đang nhóm hiệp để báo tin. Trong khi mọi người đang bàn tán câu chuyện do hai môn đồ thuật lại thì Đức Chúa Jesus đã hiện ra giữa họ, cho họ xem tay và chân của Ngài. Đó là lần thứ nhất Chúa hiện ra chung cho các môn đồ, và đó là lần Ngài phán bảo họ, hãy chờ đợi trong thành Giê-ru-sa-lem cho tới khi được nhận lấy quyền phép từ trên cao (Lu-ca 24:48-49).

Lời hứa của Đức Cha” là lời hứa về sự ban Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Jesus đã phán trước cho các môn đồ, được ghi lại trong Giăng 14:16, 26; 15:26. Lời hứa này sẽ được Đức Chúa Jesus Christ thực hiện trong ngày Hội Thánh được thành lập.

5 Vì Giăng thật đã làm báp-tem trong nước, nhưng không còn bao nhiêu những ngày này nữa, các ngươi sẽ được báp-tem trong thánh linh.

Giăng được nói đến trong câu này là “Giăng Báp-tít”. Danh từ “báp-tít” có nghĩa là: người làm báp-tem. Tên “Giăng Báp-tít” có nghĩa: Giăng, người làm báp-tem. Chúng ta có thể nói, Giăng Báp-tít vừa là tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước vừa là tiên tri đầu tiên của thời Tân Ước. Ông là tiên tri cuối cùng của thời Cựu Ước vì ông tiên tri về sự đến của Đấng Christ, liền trước khi thời Tân Ước bắt đầu. Ông là tiên tri của thời Tân Ước vì ông làm báp-tem cho Đấng Christ và giới thiệu Ngài cho dân I-sơ-ra-ên.

Nghi thức làm báp-tem, còn được gọi là “phép báp-tem”, là nghi thức dìm một người hoàn toàn vào trong nước. Trong lịch sử, chưa có tiên tri nào làm báp-tem cho người tin nhận sứ điệp của mình để thể hiện sự người ấy thật lòng ăn năn tội và sẵn sàng đón nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Nghi thức báp-tem do Giăng Báp-tít thực hiện tiêu biểu cho sự người ăn năn tội muốn được rửa sạch tội. Giăng Báp-tít là người đầu tiên làm báp-tem cho những người ăn năn tội và muốn tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, qua Đấng Christ, như đã hứa trong Thánh Kinh. Tiếp theo là các môn đồ của ông, rồi đến các môn đồ của Đấng Christ cũng làm báp-tem cho những người có lòng ăn năn tội.

Đức Chúa Jesus đã chịu báp-tem dưới sông Giô-đanh bởi Giăng Báp-tít nhưng sự chịu báp-tem của Ngài không phải để thể hiện lòng ăn năn tội và sẵn sàng tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Vì Ngài không hề phạm tội; Ngài không cần được cứu rỗi. Trái lại, Ngài chính là Đấng cứu chuộc nhân loại ra khỏi hậu quả của sự phạm tội. Sự Đức Chúa Jesus chịu báp-tem là chịu báp-tem vào trong cùng một lúc cả ba chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ thượng phẩm, và vua. Cả ba chức vụ này trong thời Cựu Ước thường được thầy tế lễ dùng dầu ô-li-ve xức cho người nhận chức vụ, bằng cách đổ dầu từ trên đầu của người ấy. Cũng không hề có ai cùng lúc nhận lãnh cả ba chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ thượng phẩm, và vua. Ý nghĩa của sự Đức Chúa Jesus chịu báp-tem là Ngài sẵn lòng chịu chết vì tội lỗi của loài người, gánh lấy án phạt của tội lỗi từ Đức Chúa Trời. Nhưng sau đó thì Ngài sẽ phục sinh. Xin đọc bài “Ý Nghĩa Các Phép Báp-tem Trong Thánh Kinh” đã được đăng trên khu mạng timhieuthanhkinh.com [2].

Sự xức dầu trong thời Cựu Ước cho người nhận chức vụ tiêu biểu cho sự người ấy được đổ đầy thánh linh của Thiên Chúa, có thẩm quyền, có năng lực, và có ân tứ để thi hành chức vụ. Chính vì thế mà sau khi Đức Chúa Jesus vừa được báp-tem xong, ra khỏi nước, thì Đấng Thần Linh của Thiên Chúa đã lấy hình chim bồ câu giáng xuống trên Ngài, và Ngài được báp-tem trong thánh linh.

Những ngày này” là khoảng thời gian từ sau khi Đấng Christ phục sinh, hiện ra lần thứ nhất với các môn đồ và các sứ đồ cho tới ngày Lễ Ngũ Tuần; là khi Hội Thánh sẽ được thành lập, Đấng Thần Linh sẽ giáng lâm trên Hội Thánh, ngự vào trong mỗi con dân Chúa, và Hội Thánh được báp-tem trong thánh linh. Ngày Lễ Ngũ Tuần là ngày thứ 50 sau ngày Sa-bát thứ nhất của Lễ Bánh Không Men [3].

Được báp-tem trong thánh linh” là được nhúng chìm vào trong năng lực của Thiên Chúa, nhận lãnh chức vụ, thẩm quyền, và năng lực từ Đức Chúa Trời để phụng sự Thiên Chúa. Chúng ta sẽ đi vào chi tiết của sự được báp-tem bằng thánh linh, khi chúng ta học đến sự kiện Hội Thánh được thành lập và Đấng Thần Linh giáng lâm trên Hội Thánh.

6 Rồi, thực tế, những người nhóm họp đã hỏi Ngài rằng: Lạy Chúa! Có phải trong lúc này Ngài sẽ lập lại vương quốc I-sơ-ra-ên?

7 Nhưng Ngài phán với họ: Các thời và các kỳ mà Đức Cha đã đặt trong quyền của Ngài, không là điều các ngươi biết.

Khi chúng ta đối chiếu Lu-ca 24:13-53 với các phân đoạn khác trong Ma-thi-ơ, Mác, và Giăng thì chúng ta hiểu rằng, giữa Công Vụ Các Sứ Đồ 1:5 và 1:6 có một khoảng cách là 39 ngày.

Các chi tiết trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:4-5 đã xảy ra trong ngày Thứ Nhất, tiếp theo ngày Thứ Bảy Chúa phục sinh, vào buổi chiều tối, trong khi các môn đồ đang nhóm hiệp, bàn tán về tin Chúa đã sống lại (Lu-ca 24:13-49). Ngày này nhằm Chủ Nhật 11/04/27 và là ngày đầu tiên, sau khi Chúa phục sinh [4].

Các chi tiết trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:6-11 đã xảy ra bên ngoài làng Bê-tha-ni, khi Chúa nhóm hiệp các môn đồ và phán dạy những lời sau cùng với họ, liền trước khi Ngài thăng thiên (Lu-ca 24:50-53). Ngày này nhằm Thứ Năm 20/05/27 và là ngày thứ bốn mươi, sau khi Chúa phục sinh [4].

Các môn đồ của Chúa hiểu lầm sự thành lập Vương Quốc Trời là sự giải phóng dân I-sơ-ra-ên khỏi sự cai trị của đế quốc La-mã và tái lập vương quốc I-sơ-ra-ên. Họ hỏi Đức Chúa Jesus rằng, có phải đã tới thời điểm I-sơ-ra-ên được tái lập quốc. Nhưng Đức Chúa Jesus đã trả lời rằng, các thời và các kỳ liên quan đến sự tái lập I-sơ-ra-ên là sự Đức Chúa Trời đã đặt trong thẩm quyền của Đức Chúa Trời mà các môn đồ lúc bấy giờ không được biết.

Các thời là các thời điểm cho các sự kiện xảy ra. Các kỳ là các giai đoạn diễn tiến của các sự kiện sau khi các sự kiện ấy đã xảy ra. Chúng ta thấy hai danh từ “thời” và “kỳ” đều được dùng với số nhiều là vì sự tái lập I-sơ-ra-ên bao gồm hai phương diện: phương diện thuộc thể và phương diện thuộc linh, như khải tượng về hài cốt được làm cho sống lại trong Ê-xê-chi-ên đoạn 37.

Thực tế, I-sơ-ra-ên đã được tái lập phần thuộc thể trong thời đại của chúng ta, vào ngày 14/05/1948. Sự tái lập thuộc linh của I-sơ-ra-ên có lẽ sẽ xảy ra vào ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa năm 2027, theo lời tiên tri trong Ô-sê 6:1-2 [5].

8 Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và là những chứng nhân cho Ta chẳng những tại Giê-ru-sa-lem, tại cả xứ Giu-đê và Sa-ma-ri, mà cho đến tận cùng của trái đất.

Qua lời phán của Đức Chúa Jesus trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:7-8, chúng ta hiểu rằng, con dân Chúa không cần phải quan tâm đến sự I-sơ-ra-ên được tái lập quốc, mà hãy quan tâm đến sự xây dựng Vương Quốc Trời mà tích cực rao giảng Tin Lành.

Lời phán của Đức Chúa Jesus trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8 áp dụng ngay cho các môn đồ của Ngài trong lúc ấy và cho tất cả những ai sẽ là môn đồ của Ngài, cho tới khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian.

Đức Thánh Linh giáng trên con dân Chúa và ở lại với con dân Chúa, vì Ngài ngự trong thân thể của họ (I Cô-rinh-tô 3:16; 6:19). Con dân Chúa được đổ đầy thánh linh của Thiên Chúa, là năng lực và thẩm quyền từ Thiên Chúa, để họ sống đời sống mới trong Đấng Christ, phụng sự Đấng Christ, và thờ phượng Đức Chúa Trời.

Chứng nhân là người thuật lại những sự tai nghe, mắt thấy về một sự kiện nào đó, để người khác biết được sự thật về sự kiện ấy. Con dân Chúa thời bấy giờ đã được nghe Đức Chúa Jesus giảng, được nhìn thấy những việc làm của Ngài, được chứng kiến sự phục sinh và sự thăng thiên của Ngài, nên họ là những chứng nhân trung thực cho Ngài. Con dân Chúa thời bấy giờ là những chứng nhân của Đấng Christ khi họ thuật lại những sự dạy bảo của Ngài và những gì họ được nhìn thấy nơi Ngài. Lời chứng của họ khiến cho nhiều người nghe tin nhận Tin Lành và được sự cứu rỗi, làm phát triển Vương Quốc Trời.

Con dân Chúa các thời đại sau vẫn là những chứng nhân của Đấng Christ, khi họ thuật lại những gì Đấng Christ đã làm ra trong đời sống của họ cùng những lời giảng dạy của Ngài. Họ vẫn tiếp nối công việc làm chứng về Đấng Christ để xây dựng Vương Quốc Trời, cho tới khi Hội Thánh được Đấng Christ đem ra khỏi thế gian.

Sự làm chứng về Đấng Christ, tức là sự rao giảng Tin Lành, bắt đầu tại thành Giê-ru-sa-lem, đến xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, và cho đến tận cùng của trái đất. Thành ngữ “tận cùng của trái đất” có nghĩa đen là: nơi xa nhất trên mặt đất; nghĩa bóng là: toàn cầu; tức là khắp nơi trên đất.

Nguyên tắc ấy áp dụng cho con dân Chúa ngày nay là mỗi người làm chứng về Chúa, tức là giảng Tin Lành, ngay trong địa phương cư trú của mình, đến vùng đất thuộc đơn vị hành chánh lớn nhất, bao gồm địa phương của mình, như: tỉnh, tiểu bang; đến các vùng đất thuộc đơn vị hành chánh lớn nhất, gần với địa phương của mình, như các tỉnh hoặc các tiểu bang lân cận. Và sau cùng là khắp nơi trên thế giới.

Cảm tạ Chúa! Ngày nay chúng ta có các phương tiện truyền thông mạng, rất dễ dàng để chúng ta làm chứng về Đấng Christ cho nhiều người qua các phương tiện: email, tin nhắn, và lời góp ý trên các trang mạng xã hội cá nhân… Thực tế, mỗi ngày quý con dân Chúa có thể dành ra một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn 30 phút, dạo qua các diễn đàn mạng, để gõ vào phần góp ý, giới thiệu các khu mạng timhieuthanhkinh.com; timhieutinlanh.com; và kytanthe.net. Mỗi ngày, trong khi gặp gỡ người khác, con dân Chúa có thể tặng họ một danh thiếp, một mặt in tên của ba khu mạng nói trên, một mặt in câu Thánh Kinh “Kỳ đã trọn và Vương Quốc của Đức Chúa Trời đã gần. Các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành.” (Thánh Kinh, Sách Mác đoạn 1, câu 15). Con dân Chúa ở những nơi có danh bạ điện thoại (phone book) cũng có thể dựa vào danh bạ để gửi danh thiếp qua đường bưu điện đến địa chỉ nhà của từng người trong danh bạ điện thoại. Đối với những người nói tiếng Trung Quốc thì hãy giới thiệu khu mạng: preachingfromthebible.net/chinese. Đối với những người nói tiếng Anh thì hãy giới thiệu khu mạng: preachingfromthebible.net.

9 Khi Ngài đã phán các lời ấy, họ đã nhìn thấy Ngài được cất lên. Có một đám mây tiếp Ngài khỏi mắt của họ.

Các lời ấy” là các lời đã được ghi lại trong câu 7 và câu 8. Sau khi Đức Chúa Jesus đã phán xong các lời ấy thì Ngài được cất lên không trung trước mắt các môn đồ. Họ đã nhìn theo Ngài cho tới khi có một đám mây che khuất Ngài.

10 Cùng lúc họ nhìn chăm lên trời trong khi Ngài ngự lên, thì kìa, có hai người nam đứng bên cạnh họ, trong trang phục trắng,

11 và nói: Hỡi các người Ga-li-lê! Sao các ngươi đứng nhìn lên trời? Đức Chúa Jesus này đã được cất lên khỏi các ngươi vào trong thiên đàng, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài đi vào thiên đàng.

Dù có đám mây đã che khuất Đức Chúa Jesus nhưng các môn đồ vẫn còn chăm chú nhìn lên trời. Bỗng nhiên, có hai người nam xuất hiện bên cạnh họ, trong trang phục màu trắng. Hai người ấy được hiểu là hai thiên sứ hiện ra trong hình dạng của người nam, nói với các môn đồ của Chúa.

Hai thiên sứ gọi các môn đồ của Chúa là “các người Ga-li-lê”. Chi tiết này giúp cho chúng ta hiểu rằng, có lẽ phần lớn các môn đồ có mặt tại đó là người thuộc xứ Ga-li-lê. Thánh Kinh cho biết bảy sứ đồ đầu tiên của Chúa đều là người Ga-li-lê: Phi-e-rơ, Anh-rê, Giăng, Gia-cơ, Phi-líp, Na-tha-na-ên, và Ma-thi-ơ. Thánh Kinh không nói đến quê quán của năm sứ đồ còn lại. Thánh Kinh cũng cho biết có nhiều phụ nữ từ xứ Ga-li-lê đi theo Đức Chúa Jesus (Ma-thi-ơ 27:55; Mác 15:41; Lu-ca 23:55). Công Vụ Các Sứ Đồ 2:7 cho thấy, dường như trong khoảng 120 môn đồ của Chúa nhóm lại trong ngày Hội Thánh được thành lập phần lớn là người thuộc xứ Ga-li-lê. Bản thân Đức Chúa Jesus lớn lên tại thành Na-xa-rét, xứ Ga-li-lê và Ngài nói tiếng A-ra-mai với thổ âm Ga-li-lê.

Danh từ “ô-na-rót” (G3772) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh tùy theo văn mạch, có các nghĩa sau đây: không trung, không gian, khoảng không; trời, bầu trời, tầng trời; thiên đàng. Cùng trong một câu văn mà danh từ “ô-na-rót” có thể được dịch với hai nghĩa khác nhau. Ý nghĩa của Công Vụ Các Sứ Đồ 1:11 là: Các môn đồ nhìn lên trời nhưng Đức Chúa Jesus được cất lên trời để vào trong thiên đàng.

Lời hai thiên sứ tiên tri về sự tái lâm của Đấng Christ là nói về sự Ngài tái lâm giữa chốn không trung để gọi Hội Thánh cùng lên với Ngài. Đây không phải là lời tiên tri về sự Đấng Christ sẽ tái lâm trên đất vào cuối Kỳ Tận Thế:

Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17).

Đức Chúa Jesus đã thăng thiên giữa một đám mây và một ngày không bao lâu nữa, Ngài sẽ trở lại giữa những đám mây, vì có các thiên sứ cùng đến với Ngài. Hội Thánh sẽ được cất lên không trung, gặp Đức Chúa Jesus giữa những đám mây ấy. Đó là sự trông cậy hạnh phúc của mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh.

Mong rằng, Lời Chúa trong Công Vụ Các Sứ Đồ 1:1-11 đã giúp cho chúng ta hiểu một cách chắc chắn và rõ ràng rằng: Nền tảng của Hội Thánh chính là bản thân, những việc làm, và những lời phán dạy của Đức Chúa Jesus Christ .

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/04/2021

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/y-nghia-cac-phep-bap-tem-trong-thanh-kinh/

[3] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-2_16-23/

[4] Xin tham khảo Lịch Hê-bơ-rơ tại đây: https://abdicate.net/print.aspx?sdn=1731018

[5] https://kytanthe.net/067-ky-tan-the-va-nam-2027/

Thứ Tư 14 tháng Nisan, nhằm 07/04/27 là ngày Lễ Vượt Qua; Đấng Christ đã chết trên thập tự giá và được chôn trước khi mặt trời lặn. Thứ Bảy 17 tháng Nisan, nhằm 10/04/27; sau ba ngày ba đêm được chôn trong lòng đất, Đấng Christ đã phục sinh trước khi mặt trời lặn. Chủ Nhật 18 tháng Nisan, nhằm 11/04/27; Đấng Christ hiện ra lần thứ nhất với các môn đồ và là ngày đầu tiên, sau khi Chúa phục sinh. Thứ Năm ngày 27 tháng Iyyar, nhằm 20/05/27; Đấng Christ hiện ra lần cuối cùng với các môn đồ và là ngày thứ bốn mươi, sau khi Chúa phục sinh. Đây cũng là ngày Chúa thăng thiên. Thứ Sáu ngày 06 tháng Sivan, nhằm ngày 28/05/27 là ngày Lễ Ngũ Tuần; Hội Thánh được thành lập; Đấng Thần Linh giáng lâm trên Hội Thánh và ở lại với Hội Thánh; Đấng Christ báp-tem Hội Thánh trong thánh linh.

Karaoke Thánh Ca: “Cuộc Đời Trong Jesus”
https://karaokethanhca.net/cuoc-doi-trong-jesus/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.