Chú Giải Hê-bơ-rơ 03:01-06 Đấng Christ Cao Trọng Hơn Môi-se

3,312 views

58006 Chú Giải Hê-bơ-rơ 3:1-6
Đấng Christ Cao Trọng Hơn Môi-se

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzc2NjE3NThf/58006_DangChristCaoTrongHonMoise_Heboro_03_01-06.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/58006-dangchristcaotronghonmoise-heboro-03-01-06
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/p3rjacwvcxo3x66/58006_DangChristCaoTrongHonMoise_Heboro_03_01-06.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Hê-bơ-rơ 3:1-6

1 Bởi cớ đó, hỡi các anh chị em thánh cùng Cha, những người dự phần sự kêu gọi từ trời! Hãy chăm xem sứ giả và thầy tế lễ thượng phẩm của sự tuyên xưng đức tin của chúng ta: Đấng Christ Jesus!

2 Ngài đã trung tín với Đấng đã lập Ngài, cũng như Môi-se đã trung tín trong cả nhà của Đấng ấy.

3 Vì Ngài đã được xem là đáng vinh quang hơn Môi-se, cũng như thợ cất nhà có sự vinh dự hơn ngôi nhà.

4 Vì mỗi một ngôi nhà được xây cất bởi ai đó, nhưng Đấng đã xây cất muôn vật là Thiên Chúa.

5 Còn Môi-se, thật đã trung tín trong cả nhà của Ngài, như một người hầu, cho chứng cớ về những lời sẽ được nói.

6 Nhưng Đấng Christ như con trai quản trị nhà của mình. Nhà của Ngài là chúng ta, nếu chúng ta giữ chắc sự dạn dĩ và sự vui mừng của sự trông cậy vững vàng cho đến cuối cùng.

Loài người là một linh hồn được dựng nên trong một thân thể thiêng liêng là tâm thần và trong một thân thể vật chất là xác thịt [1]. Thiên Chúa dựng nên người đầu tiên là A-đam. Từ A-đam mà dòng dõi loài người phát sinh và lưu truyền, nhưng cũng chính A-đam mang tội lỗi và sự chết vào trong thế gian, khiến cho loài người bị hủy diệt.

Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, để cứu chuộc loài người ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Ngài hoàn toàn là một người như chúng ta, nhưng Ngài cao trọng hơn bất cứ người nào; vì Ngài không chỉ là loài người mà Ngài còn là Thiên Chúa, và Ngài là Đấng Cứu Rỗi của nhân loại.

Đức Chúa Jesus Christ đã gánh thay hình phạt của tội lỗi cho toàn thể loài người, bằng cách chịu bị đóng đinh cho đến chết trên thập tự giá. Nhưng Ngài đã sống lại từ trong sự chết, phá hủy quyền lực của sự chết; phục hồi bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài; ban cho họ sự sống lại và sự sống đời đời; nên Thánh Kinh gọi Ngài là A-đam sau cùng, Thần Ban Sự Sống (I Cô-rinh-tô 15:45). Từ Đức Chúa Jesus Christ mà một dòng dõi thánh của loài người được phát sinh và lưu truyền cho đến đời đời, làm thành ý muốn và chương trình của Đức Chúa Trời:

Chẳng phải Ngài chỉ làm ra một loài người dù hơi linh của Ngài là dư dật sao? Vì sao chỉ làm ra một? Ấy là để tìm một dòng dõi thánh…” (Ma-la-chi 2:15).

Đối với dân I-sơ-ra-ên, ngoài Áp-ra-ham là tổ phụ của họ thì Môi-se là bậc cao trọng nhất; vì Môi-se là Tiên Tri của Thiên Chúa, đã đưa dắt họ ra khỏi ách nô lệ của người Ê-díp-tô, dẫn họ vào vùng đất trù phú Ca-na-an mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho họ. Tuy nhiên, Đức Thánh Linh, qua Hê-bơ-rơ 3:1-6, đã tỏ cho dân I-sơ-ra-ên và bất cứ ai tin nhận Đấng Christ biết rằng: Đấng Christ cao trọng hơn Môi-se.

Môi-se dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi một xứ nô lệ thuộc thể, vào trong một xứ trù phú thuộc thể; nhưng Đức Chúa Jesus Christ dẫn dân I-sơ-ra-ên và các dân tộc khác ra khỏi sự nô lệ thuộc linh cho tội lỗi và ma quỷ, vào trong Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời.

1 Bởi cớ đó, hỡi các anh chị em thánh cùng Cha, những người dự phần sự kêu gọi từ trời! Hãy chăm xem sứ giả và thầy tế lễ thượng phẩm của sự tuyên xưng đức tin của chúng ta: Đấng Christ Jesus!

Bởi cớ đó: Là bởi những điều đã được trình bày trong Hê-bơ-rơ đoạn 1 và 2, xác nhận rằng, thân thể xác thịt của Đức Chúa Jesus được Đức Chúa Trời sinh ra, hoàn toàn là loài người; nhưng về thuộc linh (tâm thần và linh hồn) thì Ngài là Thiên Chúa, là Đấng dựng nên muôn vật.

Các anh chị em thánh cùng Cha: Danh từ “các anh chị em cùng Cha” thường được Thánh Kinh Tân Ước dùng để gọi con dân Chúa trong Hội Thánh; vì họ cùng được Đức Chúa Trời tái sinh. Trong I Tê-sa-lô-ni-ca 5:27 và Hê-bơ-rơ 3:1, danh từ các anh chị em cùng Cha được thêm tính từ “thánh” vào. Lý do là để nói đến tính chất họ đã được Đức Chúa Jesus Christ làm cho sạch tội; được Đức Thánh Linh ngự trong thân thể xác thịt của họ; và được Đức Chúa Trời biệt riêng để cùng với Đấng Christ cai trị vương quốc của Ngài.

Dự phần sự kêu gọi từ trời: Dự phần là có phần trong một sự việc hay quyền lợi nào đó. Sự kêu gọi từ trời là sự kêu gọi đến từ Đức Chúa Trời:

  • Được gọi làm thánh đồ (Rô-ma 1:7; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:7; I Phi-e-rơ 1:15-16).

  • Được gọi cho mục đích của Đức Chúa Trời, khiến cho giống như Đức Chúa Jesus Christ (Rô-ma 8:28-29; II Ti-mô-thê 1:9).

  • Được gọi làm con cái của Đức Chúa Trời (Rô-ma 9:26; II Cô-rinh-tô 6:17-18).

  • Được gọi đến sự tự do (Ga-la-ti 5:13).

  • Được gọi vào trong sự trông cậy (Ê-phê-sô 4:4).

  • Được gọi chịu khổ vì danh Chúa (I Phi-e-rơ 2:21)

  • Được gọi sống nếp sống yêu thương, tha thứ (I Phi-e-rơ 3:8-9).

Bất cứ ai ở trong Hội Thánh cũng đều có phần về sự kêu gọi từ trời. Mỗi một con dân Chúa phải tự xét, xem mình có đáp ứng mọi phương diện của sự kêu gọi đến từ Đức Chúa Trời hay không. Mình đã sống thánh khiết theo lời Chúa dạy hay chưa? Mình có học tập và phấn đấu để trở nên giống như Đấng Christ ngày càng hơn hay không? Mình đã phân rẽ khỏi những sự và những người ô uế để xứng đáng mang danh là con trai hoặc con gái của Đức Chúa Trời chưa? Mình đang thật sự sống tự do trong Chúa hay vẫn còn nô lệ cho những thói xấu của tội lỗi? Nô lệ cho những ý kiến, quan điểm, phong tục, thói quen không đúng Lời Chúa của thế gian? Nô lệ cho những sự giảng dạy tà giáo? Mình được bình an, thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ, vững tin nơi tình yêu và sự thành tín của Chúa; hay vẫn sống trong sự lo lắng, sợ hãi, hoang mang, nghi ngờ? Mình đang sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa, giữ vững đức tin trước mọi thử thách và nghịch cảnh; hay chọn sự thỏa hiệp với thế gian để không bị thế gian bách hại? Mình có tình yêu chân thật đến từ Chúa, yêu người khác như chính mình, yêu anh chị em cùng Cha hơn chính mình, tha thứ, cầu thay, và chúc phước cho những kẻ thù nghịch hay không?

Hãy chăm xem: Động từ “chăm xem” được dùng trong câu này có nghĩa là tập trung tâm trí nhìn vào một ai hay một vật gì để xem xét, phân tích, và hiểu biết người ấy, vật ấy.

Sứ giả: Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, danh từ “sứ giả” được dùng trong câu này cũng chính là danh từ “sứ đồ” được dùng để gọi mười hai môn đồ của Chúa. Trong tiếng Hán Việt, sứ giả là người được sai đi; sứ đồ là học trò được sai đi. Danh từ sứ giả dùng cho Đức Chúa Jesus Christ với ý nghĩa, Ngài là người được Đức Chúa Trời sai vào trong thế gian để làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua.

Thầy tế lễ thượng phẩm: Là thầy tế lễ đứng đầu trong tất cả các thầy tế lễ phục vụ trong đền thờ của Thiên Chúa. A-rôn là thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên và là thầy tế lễ cho đền thờ trên đất. Đức Chúa Jesus Christ là thầy tế lễ thượng phẩm duy nhất và đời đời phục vụ trong đền thờ của thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời. Các thầy tế lễ thượng phẩm trên đất dâng sinh tế là mạng sống của các con thú. Đức Chúa Jesus Christ dâng chính mạng sống của mình làm sinh tế. Sinh tế là mạng sống được dâng lên Đức Chúa Trời để chuộc lại mạng sống của người phạm tội.

Sự tuyên xưng đức tin của chúng ta: Là xưng rằng, chúng ta có tội nhưng thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Đấng Christ Jesus: “Đấng Christ” có nghĩa là Đấng được Đức Chúa Trời xức dầu. Sự xức dầu tiêu biểu cho sự Đức Chúa Trời tuôn đổ năng lực của Thiên Chúa, tức thánh linh, trên người được Đức Chúa Trời ban cho chức vụ và thẩm quyền để làm thành ý định của Ngài. Đức Chúa Jesus được gọi là Đấng Christ vì Ngài được Đức Chúa Trời ban cho ba chức vụ:

  • Làm tiên tri để rao giảng về Đức Chúa Trời, về tình yêu của Ngài đối với loài người, và sự cứu rỗi của Ngài dành cho loài người.

  • Làm thầy tế lễ thượng phẩm để dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội cho loài người.

  • Làm vua để cai trị Hội Thánh trong đời này, cai trị Vương Quốc Ngàn Năm sẽ đến, và cai trị Vương Quốc Đời Đời trong trời mới đất mới.

Thánh Kinh dùng cách gọi “Christ Jesus” để nhấn mạnh về mục vụ và kết quả mục vụ của Đức Chúa Jesus Christ. Còn cách gọi “Jesus Christ” là để nhấn mạnh về phương diện Ngài là người được Đức Chúa Trời chọn làm Đấng Christ. Xin đọc thêm bài “Jesus Christ và Christ Jesus” trên khu mạng https://timhieutinlanh.com/thanhoc [2].

Ý nghĩa của Hê-bơ-rơ 3:1: Bởi cớ Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa nhập thế làm người mà chúng ta, những người đã được Đức Chúa Trời tái sinh, hãy nhìn xem Ngài cách chăm chú, để hiểu biết rằng, Ngài đã được Đức Chúa Trời sai đến, làm thầy tế lễ thượng phẩm, dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội cho chúng ta. Nhờ đó mà chúng ta có thể tuyên xưng đức tin của mình về sự ăn năn tội và vào trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Ngài chẳng những là thầy tế lễ thượng phẩm mà còn là tiên tri để giãi bày Đức Chúa Trời cho chúng ta; và vua để cai trị chúng ta là Hội Thánh của Đức Chúa Trời, và cai trị vương quốc của Đức Chúa Trời.

2 Ngài đã trung tín với Đấng đã lập Ngài, cũng như Môi-se đã trung tín trong cả nhà của Đấng ấy.

Trung tín có nghĩa là đáng tin cậy, luôn giữ đúng lời hứa và làm tròn bổn phận. Đức Chúa Trời đã lập Môi-se làm người dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi cuộc đời nô lệ tại xứ Ê-díp-tô để vào xứ Ca-na-an, nơi Đức Chúa Trời đã hứa ban cho dân I-sơ-ra-ên. Môi-se đã trung tín, hoàn thành công việc Đức Chúa Trời giao phó cho ông. Đức Chúa Trời đã lập Đức Chúa Jesus làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua. Đức Chúa Jesus đã trung tín với công việc Đức Chúa Trời giao phó cho Ngài. Ngài đã giãi bày cho loài người về Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Ngài đã dâng chính mạng sống của mình làm của lễ chuộc tội cho loài người. Ngài đã và đang cai trị Hội Thánh.

Dân I-sơ-ra-ên và Hội Thánh đều được gọi là nhà của Đức Chúa Trời. Người hầu việc Đức Chúa Trời trong dân I-sơ-ra-ên và trong Hội Thánh được gọi là người hầu việc Đức Chúa Trời trong nhà của Ngài. Cùng với Môi-se hầu việc Đức Chúa Trời trong dân I-sơ-ra-ên còn có A-rôn, anh của ông; Mi-ri-am, chị của ông; và bảy mươi trưởng lão trong dân I-sơ-ra-ên. Cùng với Đức Chúa Jesus hầu việc Đức Chúa Trời trong Hội Thánh còn có những người chăn, những giám mục, những trưởng lão, và những chấp sự.

3 Vì Ngài đã được xem là đáng vinh quang hơn Môi-se, cũng như thợ cất nhà có sự vinh dự hơn ngôi nhà.

4 Vì mỗi một ngôi nhà được xây cất bởi ai đó, nhưng Đấng đã xây cất muôn vật là Thiên Chúa.

Dù Môi-se và Đức Chúa Jesus Christ đều được Đức Chúa Trời giao phó cho công việc giải cứu con dân của Ngài; nhưng Đức Chúa Jesus Christ cao trọng hơn Môi-se, vì: Ngài là người như Môi-se nhưng Ngài còn là Thiên Chúa, và Môi-se chỉ giải cứu con dân Chúa phần thuộc thể nhưng Đức Chúa Jesus Christ giải cứu con dân Chúa từ thuộc thể đến thuộc linh.

Qua hai câu Thánh Kinh trên đây, chúng ta thấy:

  • Môi-se được ví như ngôi nhà.

  • Đức Chúa Jesus được ví như thợ cất nhà.

  • Muôn vật được ví như ngôi nhà.

  • Thiên Chúa được ví như thợ cất nhà.

Đức Chúa Jesus trong thân vị Thiên Chúa Ngôi Lời chính là Đấng dựng nên muôn vật, trong đó có Môi-se:

Vì trong sáu ngày, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dựng nên các tầng trời và trái đất, biển và muôn vật. Ngài nghỉ vào ngày Thứ Bảy. Vậy nên, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu ban phước cho ngày Sa-bát và thánh hóa nó.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:11).

Ngài là Đấng ấy! Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Chỉ một mình Ngài đã dựng nên các tầng trời, trời của các tầng trời, với hết thảy cơ binh của nó; trái đất và hết thảy vật ở trên nó; các biển và hết thảy vật mà Ngài bảo tồn chúng; và cơ binh của các tầng trời thờ phượng Ngài.” (Nê-hê-mi 9:6).

Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa. Vào lúc ban đầu, Đấng ấy hằng có cùng Đức Chúa Trời. Muôn vật đã được làm nên bởi Ngài, ngoài Ngài, không vật gì đã có được làm nên.” (Giăng 1:1-3).

Vì bởi Ngài muôn vật đã được dựng nên: những vật trong các tầng trời, những vật trên đất, thấy được và không thấy được, hoặc các ngai vị, hoặc các chủ quyền, hoặc các nhà cầm quyền, hoặc các thế lực, tất cả đều là bởi Ngài và vì Ngài.” (Cô-lô-se 1:16).

Với các câu khẳng định trên đây của Thánh Kinh mà những ai vẫn tin theo tà giáo, không công nhận Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa, thì những người ấy sẽ chuốc lấy sự hư mất cho chính họ, như lời nghiêm khắc của Đức Thánh Linh đã phán truyền qua Sứ Đồ Phi-e-rơ:

Lại phải nhìn biết rằng, sự nhẫn nại lâu dài của Chúa chúng ta là vì sự cứu rỗi, cũng như Phao lô, anh cùng Cha rất yêu dấu của chúng ta, đã đem sự khôn ngoan được ban cho mình mà viết thư cho các anh chị em vậy. Cũng như anh ấy đã viết trong mọi bức thư, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và không vững chắc đem giải sai ý nghĩa, như chúng nó đã làm với các phần Thánh Kinh khác, mà chuốc lấy sự hư mất riêng cho chúng nó.” (II Phi-e-rơ 3:15-16).

Tất cả những kẻ tin theo tà giáo đều là: hoặc vì thiếu hiểu biết mà bị các giáo sư giả dẫn dụ; hoặc vì kiêu ngạo, cho rằng mình thông hiểu Lời Chúa, như những kẻ được nói đến trong II Phi-e-rơ 3:16.

Đức Chúa Jesus Christ là người nhưng Ngài cũng là Thiên Chúa, vì thế, Ngài cao trọng hơn bất cứ người nào và Ngài cũng cao trọng hơn các thiên sứ.

5 Còn Môi-se, thật đã trung tín trong cả nhà của Ngài, như một người hầu, cho chứng cớ về những lời sẽ được nói.

Đức Thánh Linh, qua Thánh Kinh, đã xác nhận Môi-se trung tín trong công việc mà Đức Chúa Trời đã giao phó cho ông. Khi chúng ta đọc câu chuyện về công cuộc Môi-se dẫn dắt dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ tại Ê-díp-tô, tiến về vùng Đất Hứa, chúng ta thấy, chẳng những Môi-se trung tín trong công việc Đức Chúa Trời giao phó cho ông, mà ông còn đầy lòng thương xót dân I-sơ-ra-ên ngỗ nghịch, bội ơn. Môi-se đã nhiều lần đứng ra xin Đức Chúa Trời đừng hủy diệt dân I-sơ-ra-ên về sự bội nghịch của họ.

Danh từ “người hầu” (G2324) được dùng trong câu này để chỉ về Môi-se là một danh từ có nghĩa là “người hầu để sai vặt”. Danh từ này chỉ được dùng một lần trong Thánh Kinh. Môi-se được Đức Chúa Trời dùng để dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, vào trong xứ Ca-na-an; và ban hành luật pháp của Đức Chúa Trời qua chữ viết cho loài người. Môi-se đã trung tín hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, và trở thành chứng nhân cho những lời mà Đức Chúa Jesus sẽ nói để giãi bày về Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho loài người.

Môi-se là chứng cớ cho những lời Đức Chúa Jesus Christ sẽ nói vì Môi-se là người ban hành luật pháp của Đức Chúa Trời, mà luật pháp ấy được Đức Chúa Jesus Christ giảng dạy và làm trọn.

6 Nhưng Đấng Christ như con trai quản trị nhà của mình. Nhà của Ngài là chúng ta, nếu chúng ta giữ chắc sự dạn dĩ và sự vui mừng của sự trông cậy vững vàng cho đến cuối cùng.

Danh xưng “Đấng Christ” được dùng trong câu này để nhấn mạnh đến chức vụ và sự thi hành chức vụ của Đức Chúa Jesus, cũng như những thành quả của chức vụ. Trong khi Môi-se được ví như một người hầu, được chủ sai làm những công việc lặt vặt, thì Đấng Christ được ví như con trai của chủ nhà, làm công việc quản trị cơ nghiệp của gia đình.

Hê-bơ-rơ 10:21 và I Phi-e-rơ 4:7 gọi con dân Chúa là “nhà của Đức Chúa Trời”. Nhưng trong Hê-bơ-rơ 3:6 thì gọi con dân Chúa là “nhà của Đấng Christ”. Tương tự như vậy, I Cô-rinh-tô 1:2; 10:32; 11:22; 15:9; II Cô-rinh-tô 1:1; Ga-la-ti 1:13; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:14; II Tê-sa-lô-ni-ca 1:4 gọi Hội Thánh là “Hội Thánh của Đức Chúa Trời”. Nhưng trong Rô-ma 16:16 thì gọi là “Hội Thánh của Đấng Christ”. Qua đó, chúng ta thấy: Hội Thánh, tức tập thể của con dân Chúa, vừa là nhà của Đức Chúa Trời vừa là nhà của Đấng Christ. Chúng ta là nhà của Đức Chúa Trời vì chúng ta là những con trai và những con gái của Ngài. Chúng ta là nhà của Đấng Christ vì chúng ta được kết hiệp với Ngài, trở thành những chi thể của Ngài. Đồng thời, chúng ta cũng thuộc về Đức Thánh Linh, vì Ngài ngự trong thân thể của mỗi chúng ta và yêu chúng ta đến nỗi ghen tương (I Cô-rinh-tô 3:16; Gia-cơ 4:5).

Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể ở trong địa vị là nhà của Đức Chúa Trời, nhà của Đấng Christ khi chúng ta “giữ chắc sự dạn dĩ và sự vui mừng của sự trông cậy vững vàng cho đến cuối cùng”.

Sự trông cậy vững vàng là sự trông cậy vào lời hứa của Chúa về sự chúng ta sẽ được sống lại và sống đời đời hạnh phúc trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Đức Thánh Linh gọi đó là sự trông cậy hạnh phúc:

Tít 2:11-14

11 Vì ân điển của Đức Chúa Trời đem lại sự cứu rỗi, đã được tỏ ra cho tất cả mọi người,

12 dạy cho chúng ta rằng: Hãy chối bỏ sự không tin kính và những sự tham muốn của thế gian. Chúng ta nên sống cách tỉnh táo, công chính, và tin kính trong đời này,

13 chờ đợi sự trông cậy hạnh phúc và sự hiện ra trong vinh quang của Thiên Chúa Vĩ Đại và Đấng Giải Cứu Chúng Ta, Đức Chúa Jesus Christ,

14 Đấng ban chính mình Ngài cho chúng ta, để chuộc chúng ta ra khỏi mọi sự vi phạm luật pháp, và làm tinh sạch cho chính Ngài một dân thuộc về Ngài, sốt sắng về những việc lành.

Với sự trông cậy hạnh phúc đó, chúng ta có sự dạn dĩ và vui mừng:

  • Chúng ta dạn dĩ hướng về Chúa, đến trước Chúa để cầu xin mọi nhu cầu và ước muốn (Ê-phê-sô 3:12; Hê-bơ-rơ 10:19; I Giăng 3:21; 5:14).

  • Chúng ta dạn dĩ rao giảng Tin Lành, chẳng sợ bất cứ sự bách hại nào (Ê-phê-sô 6:19; Phi-líp 1:14).

  • Chúng ta vui mừng trong khi bị thử thách, nhẫn nại, chịu đựng mọi sự (II Cô-rinh-tô 8:2; Cô-lô-se 1:11; Gia-cơ 1:2; I Phi-e-rơ 1:6).

Đời sống của con dân Chúa là đời sống chiếu sáng vinh quang của Thiên Chúa cho thế gian, dạn dĩ và vui mừng trong mọi cảnh ngộ của đời sống, trong khi trông chờ ngày Đấng Christ hiện ra để đem chúng ta vào trong thiên đàng. Chúng ta phải giữ lòng dạn dĩ và vui mừng trong sự trông cậy hạnh phúc của chúng ta cho đến cuối cùng. Đức Chúa Jesus Christ gọi đó là: Trung tín cho đến chết! (Khải Huyền 2:10).

Nguyện lẽ thật sáng chói của Lời Chúa giúp cho chúng ta hiểu biết rằng, Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, để hoàn thành sự cứu chuộc loài người ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi, qua sự chết của chính Ngài, trên thập tự giá. Dù trong hơn ba mươi năm sống trong thân thể xác thịt của loài người trên đất, Ngài đã kém hơn các thiên sứ về thẩm quyền và năng lực, nhưng Ngài luôn cao trọng hơn các thiên sứ và bất cứ người nào. Vì Ngài là loài người nhưng Ngài cũng chính là Thiên Chúa. Những ai không chấp nhận lẽ thật này thì họ sẽ không có sự cứu rỗi.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/02/2019

Ghi Chú

[1] Xin đọc và nghe loạt bài giảng về loài người, tại đây:
https://timhieuthanhkinh.com/nhung-bai-can-doc-nghe-truoc/

[2] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/jesus-christ-va-christ-jesus-270/

Karaoke Thánh Ca: “Lời Chúa Tuyệt Vời”
https://karaokethanhca.net/loi-chua-tuyet-voi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.