Chú Giải II Cô-rinh-tô 07:01-07 Niềm Vui của Phao-lô

2,038 views

YouTube: https://youtu.be/Bq6DuptVHoM

Chú Giải II Cô-rinh-tô 7:1-7
Niềm Vui của Phao-lô

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 7:1-7

1 Vậy, hỡi những người yêu dấu! Chúng ta có các lời hứa ấy, thì chúng ta hãy làm cho sạch chính mình khỏi mọi sự dơ bẩn của xác thịt và của thần trí, làm trọn sự nên thánh trong sự kính sợ Thiên Chúa.

2 Các anh chị em hãy mở lòng cho chúng tôi! Chúng tôi chẳng làm hại ai, chẳng làm bại hoại ai, chẳng lợi dụng ai.

3 Tôi chẳng nói vì sự buộc tội. Vì tôi đã nói trước rằng, trong những tấm lòng của chúng tôi, các anh chị em là những người sẵn sàng cho sự cùng chết và cùng sống với chúng tôi.

4 Lời nói ngay thẳng của tôi với các anh chị em là nhiều. Sự khoe khoang của tôi thay cho sự khoe khoang của các anh chị em là nhiều. Tôi đã được đổ đầy sự an ủi. Tôi được thêm nhiều quá mức sự vui mừng giữa mọi sự bách hại của chúng tôi.

5 Vì khi chúng tôi đã đến trong xứ Ma-xê-đoan, xác thịt của chúng tôi đã chẳng có sự yên nghỉ. Nhưng chúng tôi bị ép trong mọi sự. Bên ngoài là những cơn chiến trận, bên trong là những sự đáng sợ.

6 Nhưng Đức Chúa Trời, Đấng an ủi những người ngã lòng, đã an ủi chúng tôi trong sự đến của Tít.

7 Mà không chỉ trong sự đến của người nhưng cũng trong sự an ủi mà người đã được an ủi bởi các anh chị em. Người nói cho chúng tôi về sự khao khát của các anh chị em, sự khóc lóc của các anh chị em, lòng sốt sắng của các anh chị em đối với tôi, khiến tôi được vui mừng càng hơn.

Thi Thiên 126:5 chép: “Những ai gieo giống trong nước mắt sẽ gặt hái trong sự vui mừng.” Sự gieo giống tiêu biểu cho sự làm việc khó nhọc với lòng mong đợi sẽ đạt được kết quả theo ý muốn. Sự gặt hái trong sự vui mừng tiêu biểu cho sự đạt được kết quả của sự làm việc đúng như hoặc vượt trên lòng mong đợi.

Có lẽ ai nấy trong chúng ta cũng đều kinh nghiệm sự vui mừng khi đạt được kết quả tốt đẹp cho việc làm của mình. Có thể việc làm đó chỉ là một việc nhỏ, như trồng một cây ớt và thu hoạch được hàng trăm trái ớt chín mọng. Có thể việc làm đó là một việc làm tương đối lớn, như khi tốt nghiệp đại học đạt được ưu hạng, sau nhiều năm siêng năng học tập. Là con dân Chúa, chúng ta còn có cơ hội được kinh nghiệm sự vui mừng lớn, khi đạt được kết quả cho việc làm lớn. Việc làm lớn đó là giảng Tin Lành cho nhiều người được cứu.

Mặc dù Chúa đã lập ra một số chức vụ trong Hội Thánh để những người trong chức vụ chuyên tâm làm công việc rao giảng Tin Lành; nhưng mỗi con dân của Chúa đều có bổn phận rao giảng Tin Lành. Và nếu chúng ta yêu những người lân cận như mình thì chúng ta sẽ muốn cho những người chúng ta yêu có cơ hội nghe biết Tin Lành, để họ được cứu rỗi khỏi sự hư mất đời đời trong hỏa ngục. Chúng ta giảng Tin Lành trước hết là bằng lời tuyên xưng của chúng ta, rằng chúng ta là môn đồ của Đấng Christ. Kế tiếp là qua nếp sống của chúng ta, khiến cho mọi người biết thế nào là một người thật sự ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Sau cùng là qua lời nói của chúng ta, giúp cho những người nghe nhận biết họ cần sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời và cần phải làm gì để nhận được sự cứu rỗi. Chúng ta cũng nên tặng cho những người chúng ta gặp cuốn sách “Tin Lành Là Gì”. Quý con dân Chúa có thể tải xuống sách điện tử để email hoặc in ra và phân phát đến nhiều người. Xin vào khu mạng https://timhieutinlanh.com và bấm vào tiêu đề: “Sách và Thánh Kinh Điện Tử Miễn Phí” [1]. Ngoài ra, chúng ta nên giới thiệu cho họ ba khu mạng chính của Hội Thánh: kytanthe.net, timhieutinlanh.com, và timhieuthanhkinh.com.

Việc đưa dắt người khác đến với Tin Lành Cứu Rỗi là việc làm lớn hơn hết trong cuộc đời này của mỗi con dân Chúa. Vì linh hồn của một người quý hơn cả thế gian:

“Vì một người được ích lợi gì, nếu người ấy thu thập cả thế gian mà mất linh hồn của mình? Hay là một người sẽ trao ra gì để chuộc lại linh hồn của mình?” (Ma-thi-ơ 16:26).

Chính vì thế mà khi chúng ta sốt sắng, nhẫn nại, chịu khổ rao giảng Tin Lành, sau đó có người thật lòng tin nhận Tin Lành thì chúng ta được sự vui mừng lớn. Không những chúng ta được sự vui mừng lớn khi có người tin nhận Tin Lành mà trên thiên đàng cũng có sự vui mừng:

“Ta nói với các ngươi rằng, cũng vậy, trên trời sẽ có sự vui mừng cho một tội nhân ăn năn hơn là cho chín mươi chín người công bình vốn không có sự cần ăn năn.” (Lu-ca 15:7).

“Cũng vậy, Ta nói với các ngươi, sẽ có sự vui mừng trước các thiên sứ của Đức Chúa Trời cho một tội nhân ăn năn.” (Lu-ca 15:10).

Phao-lô trong chức vụ sứ đồ đã làm việc cực nhọc để xây dựng và gây dựng Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Vì thế, khi ông nhận được tin Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã vượt qua sự thử thách từ Chúa, đắc thắng sự đánh phá từ Sa-tan, thì ông đã có sự vui mừng lớn. Trong bài này, qua II Cô-rinh-tô 7:1-7, chúng ta cùng nhau học về niềm vui đó của Phao-lô. Các định nghĩa từ ngữ dưới đây đều được định nghĩa theo nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh [2].

1 Vậy, hỡi những người yêu dấu! Chúng ta có các lời hứa ấy, thì chúng ta hãy làm cho sạch chính mình khỏi mọi sự dơ bẩn của xác thịt và của thần trí, làm trọn sự nên thánh trong sự kính sợ Thiên Chúa.

Theo lẽ thì câu này nên xếp chung với II Cô-rinh-tô 6:14-18 để làm câu kết luận cho lời kêu gọi con dân Chúa hãy ra khỏi và phân rẽ khỏi sự kết hiệp và sự thông công với những kẻ chẳng tin. Nhưng ở trong vị trí mở đầu cho đoạn 7 thì câu này cũng có tính liên kết lời kêu gọi ấy với niềm vui của Phao-lô, khi ông hay tin con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã vâng phục sự giảng dạy của ông và các bạn của ông.

Phao-lô thường xuyên gọi con dân Chúa là “những người yêu dấu” vì ông yêu họ bằng tình yêu của Chúa; ông yêu họ hơn chính bản thân ông.

“Các lời hứa ấy” là các lời hứa đã có từ trong Cựu Ước mà Phao-lô đã trích dẫn trong II Cô-rinh-tô 6:16-18. Các lời hứa về sự: Thiên Chúa sẽ ở trong những người vâng phục Ngài; Thiên Chúa sẽ đi lại giữa họ; Thiên Chúa sẽ làm Thiên Chúa của họ và họ sẽ làm dân của Ngài; Thiên Chúa sẽ tiếp nhận họ; Thiên Chúa sẽ làm Cha cho họ và họ sẽ làm những con trai và những con gái cho Ngài.

“Làm cho sạch chính mình khỏi mọi sự dơ bẩn của xác thịt và của thần trí” chính là “làm trọn sự nên thánh” bởi lòng kính sợ Thiên Chúa.

Sự nên thánh bao gồm hai phương diện: phương diện Thiên Chúa làm cho chúng ta và phương diện chúng ta tiếp tục giữ mình ở trong sự thánh khiết Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Thiên Chúa đã tha thứ mọi sự phạm tội của chúng ta, đã dựng nên mới linh hồn và tâm thần của chúng ta, đã thánh hóa thân thể xác thịt của chúng ta. Nhưng chúng ta phải tiếp tục giữ gìn sự thánh sạch Thiên Chúa đã làm cho chúng ta bằng cách, làm cho sạch chính mình khỏi mọi sự dơ bẩn của xác thịt và của thần trí.

Sự dơ bẩn của xác thịt vừa là sự không giữ gìn vệ sinh thân thể xác thịt; vừa là sự làm ra tội lỗi; vừa là sự đi đến những đền thờ tà thần để vui chơi hoặc đụng chạm vào các hình tượng, thần tượng. Sự dơ bẩn của thần trí đứng đầu là lòng kiêu ngạo và lòng tự ái không đúng, kế tiếp là lòng tham lam, ý tưởng tà dâm, mưu kế dối trá… Chỉ khi chúng ta giữ mình khỏi mọi sự dơ bẩn từ thuộc thể đến thuộc linh thì chúng ta mới được hoàn toàn trong sự nên thánh. Chúng ta giữ mình khỏi mọi sự dơ bẩn từ thuộc thể đến thuộc linh là vì chúng ta kính sợ Thiên Chúa, biết ơn Thiên Chúa, và muốn mãi mãi thuộc về Ngài, được mãi mãi là những con trai và những con gái của Ngài.

2 Các anh chị em hãy mở lòng cho chúng tôi! Chúng tôi chẳng làm hại ai, chẳng làm bại hoại ai, chẳng lợi dụng ai.

Mở lòng có nghĩa là tiếp nhận và yêu bằng tình yêu trọn vẹn từ Thiên Chúa. Phao-lô đã kêu gọi:

“Hỡi những người Cô-rinh-tô! Miệng của chúng tôi đã há ra vì các anh chị em, lòng của chúng tôi đã được mở rộng.” (II Cô-rinh-tô 6:11).

“Vậy, với sự báo đáp tương tự, các anh chị em cũng hãy mở rộng lòng mình…” (II Cô-rinh-tô 6:13).

Một lần nữa, Phao-lô kêu gọi con dân Chúa tại thành Cô-rinh-tô hãy mở lòng của họ cho ông và các bạn của ông. Hãy tiếp nhận ông và các bạn của ông như ông và các bạn của ông đã tiếp nhận họ. Hãy yêu ông và các bạn của ông bằng tình yêu của Thiên Chúa như ông và các bạn của ông đã yêu họ. Vì ngoài tình yêu chân thật từ Thiên Chúa mà Phao-lô và các bạn của ông dành cho họ, thì ông và các bạn của ông không làm hại ai, không làm bại hoại ai, không lợi dụng ai.

“Làm hại” (G0091) có nghĩa là làm ra việc không công bình đối với người khác; làm tổn thương thân thể người khác; làm thiệt hại người khác.

“Làm bại hoại” (G5351) có nghĩa là làm cho người khác bị sa ngã, phạm tội dẫn đến sự người ấy bị hư mất.

“Lợi dụng” (G4122) có nghĩa là thu lợi từ người khác cách bất chính hoặc giành phần hơn trong sự chia chác.

3 Tôi chẳng nói vì sự buộc tội. Vì tôi đã nói trước rằng, trong những tấm lòng của chúng tôi, các anh chị em là những người sẵn sàng cho sự cùng chết và cùng sống với chúng tôi.

“Tôi chẳng nói vì sự buộc tội” hàm ý tất cả những gì Phao-lô nói hoặc trình bày trong các lá thư ông gửi cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đều không có mục đích để buộc tội họ, dù trong Hội Thánh đã có nhiều sự phạm tội được Hội Thánh dung dưỡng. Phao-lô chỉ nói lên sự thật là trong Hội Thánh đã có sự phạm tội. Ông gọi đích danh từng tội và kêu gọi Hội Thánh ăn năn, chứ không phải nêu ra sự phạm tội trong Hội Thánh để lên án Hội Thánh.

Phao-lô khẳng định với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, như ông đã từng khẳng định, trong lòng của Phao-lô và các bạn của ông chỉ có tình yêu chân thật từ Thiên Chúa đối với Hội Thánh. Và Phao-lô cùng các bạn của ông cũng nhận biết rằng, con dân Chúa tại Cô-rinh-tô có đức tin thật vào Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời. Họ sẵn sàng cùng chết và cùng sống với Phao-lô và các bạn của ông trong sự giữ vững đức tin. Cùng chết là cùng chịu gian khổ, cùng chịu bách hại. Cùng sống là cùng vâng theo Lời Chúa và cùng chia xẻ mọi nhu cầu vật chất với nhau. Sự phạm tội trong Hội Thánh chẳng qua là sự thiếu hiểu biết hoặc là sự yếu đuối nhất thời của xác thịt; bị các giáo sư giả dẫn dụ như việc chia bè, kết đảng; bị ham muốn của xác thịt xui khiến như người phạm tội tà dâm.

4 Lời nói ngay thẳng của tôi với các anh chị em là nhiều. Sự khoe khoang của tôi thay cho sự khoe khoang của các anh chị em là nhiều. Tôi đã được đổ đầy sự an ủi. Tôi được thêm nhiều quá mức sự vui mừng giữa mọi sự bách hại của chúng tôi.

“Lời nói ngay thẳng của tôi với các anh chị em là nhiều”: Phao-lô luôn nói và viết cho con dân Chúa những lời thẳng thắn, chân thật, với lòng nhiệt tình, kể cả những khi ông nghiêm khắc quở trách về những sai phạm của họ. Trong thực tế, những lời Phao-lô nói và viết cho con dân Chúa chính là những lời Chúa dùng ông để phán với họ. Ngày nay thì chúng ta biết như vậy; nhưng vào thời của Phao-lô, khi các Hội Thánh địa phương được nghe Phao-lô nói hoặc được đọc thư ông viết thì họ tiếp nhận lời của Phao-lô như lời của một người có thẩm quyền của Chúa. Họ chưa có sự nhận thức lời của Phao-lô cũng chính là Lời Chúa.

Vào khoảng năm 305 đến 310 thì Lu-xi-an (Lucian), một trưởng lão thuộc Hội Thánh tại An-ti-ốt đã biên tập các văn bản tiếng Hy-lạp được xem là nền tảng của Thánh Kinh Tân Ước.

Vào năm 367, trong một lá thư, Giám Mục A-tha-náy-xi-ốt (Athanasius) thuộc Hội Thánh tại A-léc-xan-tri (Alexandria), xứ Ai-cập, đã đề cập đến Thánh Kinh Tân Ước với 27 sách như chúng ta hiện có [3], [4]. Như vậy, trong khoảng thời gian từ khoảng năm 305 đến năm 367, Đức Thánh Linh đã thần cảm Hội Thánh chấp nhận sáu sách và 21 lá thư do con dân Chúa trong thế kỷ thứ nhất viết ra là Lời Chúa. Vậy, Thánh Kinh Tân Ước được hình thành vào thế kỷ thứ nhất, với sách cuối cùng là Khải Huyền, được Sứ Đồ Giăng viết vào khoảng năm 95. Nhưng mãi đến năm 367 mới được Hội Thánh chính thức công nhận là Lời Chúa qua lá thư của Giám Mục A-tha-náy-xi-ốt.

Ngày nay, khi chúng ta đọc Thánh Kinh, dù là Cựu Ước hay Tân Ước, hãy đọc với ý thức đó là Lời Chúa đang phán dạy trực tiếp cho bản thân mình. Có như vậy, chúng ta sẽ hiểu biết càng hơn và cảm nhận càng hơn những gì Chúa muốn truyền đạt cho mỗi chúng ta.

Phao-lô đã nói nhiều và viết nhiều cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nhưng lời ông khoe khoang họ trước các Hội Thánh địa phương khác cũng không ít. Thay vì họ tự nói những lời tốt lành về mình thì Phao-lô đã nói cho các Hội Thánh địa phương khác về những sự tốt lành của họ. Điển hình là lời Phao-lô khoe với Tít về con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô được ghi trong II Cô-rinh-tô 7:14.

Trong cuộc đời của Phao-lô, ông thường xuyên chịu khổ vì danh Chúa nhưng Chúa luôn an ủi ông và ban cho ông những niềm vui lớn. Phao-lô dùng cách nói: “đổ đầy sự an ủi” giúp cho chúng ta hiểu rằng, trong mọi sự khốn khó mà Phao-lô phải trải qua, ông đều được Chúa an ủi cách đầy trọn.

Động từ “thêm nhiều quá mức” (G5248) trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh chỉ được dùng có hai lần trong Thánh Kinh Tân Ước. Một lần tại đây và một lần trong Rô-ma 5:20 mà Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 dịch là “thêm lên dư dật”. Động từ này không được dùng trong văn chương ngoài Thánh Kinh. Có nghĩa là động từ này do Đức Thánh Linh thần cảm Phao-lô ghép hai từ ngữ “trên cả” (G5228) và “vượt trội” (G4052) làm thành.

Trong cuộc đời này, một người không chịu tin nhận sự cứu rỗi của Chúa là một sự đau buồn lớn. Nhưng sự đau buồn lớn nhất là một người đã tin nhận sự cứu rỗi của Chúa mà sau đó lui đi trong đức tin và bị hư mất đời đời.

Trong cuộc đời này, một người tin nhận sự cứu rỗi của Chúa là một sự vui mừng lớn. Nhưng sự vui mừng lớn hơn là người ấy giữ vững đức tin trong mọi nghịch cảnh và đắc thắng mọi sự tấn công của ma quỷ.

Phao-lô vui mừng khi sự rao giảng Tin Lành của ông và các bạn của ông có kết quả tốt đẹp, thành lập được nhiều Hội Thánh địa phương. Nhưng Phao-lô vui mừng càng hơn khi thấy con dân Chúa trong các Hội Thánh thắng được mưu kế của ma quỷ, thắng được sự ham muốn bất chính của xác thịt, và giữ vững đức tin. Niềm vui của Phao-lô vô cùng lớn, đến nỗi ông được Đức Thánh Linh thần cảm, tạo ra một từ ngữ mới: “được thêm nhiều quá mức” để mô tả mức độ sự vui mừng của mình.

5 Vì khi chúng tôi đã đến trong xứ Ma-xê-đoan, xác thịt của chúng tôi đã chẳng có sự yên nghỉ. Nhưng chúng tôi bị ép trong mọi sự. Bên ngoài là những cơn chiến trận, bên trong là những sự đáng sợ.

Trong II Cô-rinh-tô 1:12-2:4, chúng ta đã học biết rằng, vì những sự phạm tội trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô nên Phao-lô đã dời lại chuyến viếng thăm Cô-rinh-tô mà ông đã dự định trước đó. Trong khi chờ đợi cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô ăn năn thì Phao-lô đã sai Tít đến Cô-rinh-tô. Khi thời điểm đến, Phao-lô từ Ê-phê-sô đi lên phía bắc, ghé thăm các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan trước khi từ Ma-xê-đoan xuôi nam để đến Cô-rinh-tô. Phao-lô đã hẹn gặp Tít tại thành Trô-ách, trước khi vào địa phận xứ Ma-xê-đoan, để được nghe Tít tường thuật về hiện tình của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Nhưng tại Trô-ách, Phao-lô đã không gặp được Tít nên ông vội lìa Trô-ách để tiếp tục cuộc hành trình (II Cô-rinh-tô 2:12-13). Vì thế, khi đến Ma-xê-đoan, không những xác thịt mệt mỏi mà tâm thần của Phao-lô và các bạn của ông cũng không có sự thanh thản.

Mệnh đề: “bên ngoài là những cơn chiến trận” hàm ý, về phần thuộc thể, Phao-lô và các bạn của ông luôn đối diện với sức ép từ những sự khó khăn vì những sự thiếu thốn các nhu cầu vật chất, vì những sự nguy hiểm trên các hành trình, vì những sự bị bách hại đức tin từ những người I-sơ-ra-ên theo Do-thái Giáo, từ những người theo ngoại giáo, và từ nhà cầm quyền La-mã. Bởi ân điển và sức toàn năng của Chúa họ đều vượt qua tất cả, nhưng đó là những cuộc chiến đấu đầy áp lực.

Mệnh đề “bên trong là những sự đáng sợ” hàm ý, trong tâm thần của Phao-lô và các bạn của ông, cũng như của những tôi tớ chân thật khác của Đấng Christ, luôn đối diện với sức ép khi quan tâm, lo lắng về tình trạng thuộc linh của con dân Chúa. Phao-lô đã tâm sự về sự áp lực trong tâm thần đó như sau:

“Chưa kể những sự khác, sự hiệp nhau chống nghịch tôi mỗi ngày, sự lo lắng về hết thảy các Hội Thánh. Có ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi chẳng như bị thiêu đốt?” (II Cô-rinh-tô 11:28-29).

Sự quan tâm, lo lắng về tình trạng thuộc linh của con dân Chúa về những sự đáng sợ như: sợ con dân Chúa bị tà giáo dẫn dụ; sợ con dân Chúa vì thiếu hiểu biết mà phạm tội; sợ con dân Chúa vì yếu đuối mà chiều theo những sự ham muốn bất chính của xác thịt… khác với sự lo lắng và sợ hãi trong tâm thần vì không có đức tin nơi Chúa và không có sự bình an của Chúa.

6 Nhưng Đức Chúa Trời, Đấng an ủi những người ngã lòng, đã an ủi chúng tôi trong sự đến của Tít.

Những người ngã lòng có thể là những người bị xã hội khinh thường vì thấp kém về địa vị, tài sản, học thức, gia thế… có thể là những người quá buồn bã và thất vọng về một điều gì. Khi Phao-lô và các bạn của ông quá lo lắng về tình trạng thuộc linh của con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, lòng không được thanh thản, vội vã rời Trô-ách của xứ Tiểu Á để vào Ma-xê-đoan (II Cô-rinh-tô 2:13), thì Đức Chúa Trời đã cho Tít gặp họ tại thành Phi-líp của xứ Ma-xê-đoan. Phao-lô và các bạn của ông đã an lòng và vui mừng với những tin vui về Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, do Tít thuật lại.

7 Mà không chỉ trong sự đến của người nhưng cũng trong sự an ủi mà người đã được an ủi bởi các anh chị em. Người nói cho chúng tôi về sự khao khát của các anh chị em, sự khóc lóc của các anh chị em, lòng sốt sắng của các anh chị em đối với tôi, khiến tôi được vui mừng càng hơn.

Được gặp mặt Tít tại Ma-xê-đoan là một sự an ủi lớn cho Phao-lô và các bạn của ông, nhưng Phao-lô và các bạn của ông được an ủi càng hơn khi nghe Tít tường trình về Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, về cách thức con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đối xử với Tít, và về tấm lòng của họ đối với Phao-lô.

Tít được Phao-lô sai đến Cô-rinh-tô, mang theo một lá thư của ông (II Cô-rinh-tô 7:8), để quở trách những người có tội trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô và kêu gọi họ ăn năn. Thư ấy đã thất lạc nên chúng ta không biết được nội dung của nó. Dựa vào những gì Phao-lô ghi lại trong II Cô-rinh-tô 7:8-16 mà chúng ta biết, con dân Chúa trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã đau buồn với lòng ăn năn, thống hối. Sự đau buồn với lòng ăn năn thống hối xuất phát từ sự khao khát được sống theo Lời Chúa, được ở lại trong tình yêu và ân điển của Chúa. Dù Phao-lô viết thư quở trách họ nhưng con dân Chúa tại Cô-rinh-tô hiểu được tình yêu và sự quan tâm của ông đối với họ, nên họ có nhiệt tình đối với ông. Sự việc đó đã an ủi Tít và khi Tít tường thuật cho Phao-lô cùng các bạn của ông thì họ cũng được sự an ủi và sự vui mừng lớn.

Ngay sau đó, Phao-lô đã sai Tít quay lại Cô-rinh-tô, mang theo thư II Cô-rinh-tô. Vì Phao-lô muốn lưu lại Ma-xê-đoan thêm một thời gian để thăm viếng các Hội Thánh địa phương tại đó.

Qua những lời tâm tình của Phao-lô mà chúng ta học được trong phân đoạn này, chúng ta thấy rằng, Chúa luôn cho phép cám dỗ hoặc thử thách xảy ra trong đời sống của con dân Chúa. Vì cám dỗ và thử thách giúp cho con dân Chúa nhận thức sự yếu đuối của mình và sự cần thiết phải ở trong Chúa, vâng phục Chúa để có thể đắc thắng. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, cùng một danh từ mang cả hai nghĩa cám dỗ và thử thách. Là cám dỗ khi sự ấy đến từ loài người hoặc ma quỷ để xui khiến hoặc ép chúng ta phạm tội. Là thử thách đến từ Chúa khi Ngài cho phép sự cám dỗ xảy ra. Câu chuyện Sa-tan tạo ra các nghịch cảnh để Gióp mất đức tin nơi Chúa mà phạm tội là sự cám dỗ đến từ Sa-tan. Nhưng Chúa cho phép Sa-tan cám dỗ Gióp thì đó là sự thử thách đến từ Chúa để Gióp có cơ hội thể hiện lòng trông cậy của ông nơi Chúa. Vậy, cùng một sự việc nhưng là thử thách đến từ Chúa và là cám dỗ đến từ Sa-tan hoặc loài người. Nếu chúng ta thật lòng tin cậy Chúa, hết lòng sống theo Lời Chúa thì không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào mà chúng ta không thể vượt qua. Lời Chúa đã khẳng định:

“Không có sự cám dỗ hoặc thử thách nào đã nắm giữ được các anh chị em, ngoại trừ nếu sự ấy thuộc về bản tính của loài người. Nhưng Đức Chúa Trời thành tín, là Đấng sẽ không để cho các anh chị em chịu cám dỗ hoặc thử thách nào vượt quá năng lực của các anh chị em; nhưng Ngài sẽ làm cho cùng với sự cám dỗ hoặc thử thách có một lối thoát, để các anh chị em có năng lực chịu đựng.” (I Cô-rinh-tô 10:13).

Chúng ta chỉ thất bại khi sự cám dỗ đến từ bản tính ham muốn phạm tội của chúng ta. Nghĩa là khi chúng ta không thật lòng ăn năn, từ bỏ sự phạm tội. Chỉ vì chúng ta muốn phạm tội mà chúng ta không thắng được sự cám dỗ [5].

Chúng ta cũng thấy rằng, những người phục vụ Chúa qua các chức vụ trong Hội Thánh luôn đối diện với mọi nghịch cảnh như mọi người khác trong Hội Thánh, nhưng họ còn phải chịu thêm những áp lực trong mục vụ chăm sóc Hội Thánh. Họ bị căng thẳng và lo buồn mỗi khi có tà giáo thâm nhập Hội Thánh, mỗi khi có con dân Chúa phạm tội trong Hội Thánh, và mỗi khi Hội Thánh phải trải qua những sự bách hại. Họ phải chịu khổ trong chức vụ nhưng Chúa luôn đổ đầy sự an ủi của Ngài trong họ và luôn thêm nhiều quá mức sự vui mừng cho họ.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/10/2020

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/tin-lanh-van-pham/

[2] https://thewordtoyou.net/dictionary/

[3] https://www.christianitytoday.com/history/issues/issue-43/how-we-got-our-bible-christian-history-timeline.html

[4] https://christianhistoryinstitute.org/magazine/article/athanasius-defines-new-testament

[5] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-co-rinh-to-1001-13-guong-xau-cua-dan-i-so-ra-en/

Karaoke Thánh Ca: “Ta Hãy Cùng Đi Qua Ngàn Lối”
https://karaokethanhca.net/ta-hay-cung-di-qua-ngan-loi/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.