Chú Giải II Cô-rinh-tô 12:11-21 Tấm Lòng của Phao-lô Đối với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô

2,213 views

YouTube: https://youtu.be/TKwNio576C8

Chú Giải II Cô-rinh-tô 12:11-21
Tấm Lòng của Phao-lô Đối với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô

 Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

II Cô-rinh-tô 12:11-21

11 Các anh chị em đã ép tôi trở nên kẻ khoe khoang dại dột. Vì tôi đáng được khen ngợi bởi các anh chị em. Vì tôi chẳng thua kém cho các sứ đồ rất cao trọng; và dù tôi chẳng là ai.

12 Thật, các dấu hiệu của chức vụ sứ đồ đã được làm trọn giữa các anh chị em trong mỗi sự nhẫn nại, trong những dấu kỳ và những phép lạ, cùng những năng lực.

13 Vì có sự gì mà các anh chị em thua kém cho các Hội Thánh khác? Nếu không là sự bởi chính mình tôi đã không làm gánh nặng cho các anh chị em. Xin tha thứ cho tôi sự không công bình đó!

14 Này là lần thứ ba tôi có dự bị đến với các anh chị em, và sẽ chẳng làm gánh nặng cho các anh chị em. Vì tôi chẳng tìm những sự thuộc về các anh chị em mà tìm chính các anh chị em. Vì con cái chẳng nên thu trữ cho cha mẹ nhưng cha mẹ thu trữ cho con cái.

15 Nhưng tôi rất vui lòng sẽ phí của và sẽ phí trọn cả mình tôi cho những linh hồn của các anh chị em. Cho dù ngay cả vì yêu các anh chị em thêm hơn mà tôi được yêu bớt đi.

16 Có phải tuy rằng, tôi đã chẳng làm gánh nặng cho các anh chị em; nhưng trở nên khôn khéo, dùng mưu, tôi đã bắt lấy các anh chị em.

17 Chẳng có ai trong số những người tôi đã sai đến với các anh chị em mà qua người ấy, tôi đã lợi dụng các anh chị em.

18 Tôi đã xin Tít đi và tôi đã sai một người anh em cùng Cha đi với người. Tít đã lợi dụng các anh chị em điều gì? Chúng tôi chẳng đã bước đi cùng một thần trí, chẳng đã theo cùng những dấu chân sao? [Ga-la-ti 5:16; I Phi-e-rơ 2:21]

19 Các anh chị em lại tưởng rằng, chúng tôi tự bào chữa trước các anh chị em. Trước mặt của Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ, chúng tôi nói: Nhưng hỡi những người yêu dấu! Mọi sự vì sự gây dựng của các anh chị em.

20 Vì tôi ngại rằng, có lẽ khi tôi đến, tôi sẽ chẳng tìm thấy các anh chị em như tôi mong muốn; và tôi sẽ chẳng được các anh chị em tìm thấy như các anh chị em mong muốn. Có lẽ chỉ có những cãi lẫy, những ganh tị, những thịnh nộ, những cạnh tranh, những vu khống, những nói xấu, những kiêu căng, những hỗn loạn chăng.

21 Kẻo khi tôi đến, Đức Chúa Trời của tôi lại khiến tôi ngã lòng đối với các anh chị em; và tôi sẽ khóc lóc về nhiều kẻ trước đã phạm tội và đã không ăn năn về những sự ô uế, ngay cả sự tà dâm, ngay cả sự phóng đãng mà họ đã phạm.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về tấm lòng của Phao-lô đối với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, được ông ghi lại trong II Cô-rinh-tô 12:11-21. Nhưng cũng qua những lời tâm tình này mà chúng ta nhận biết tấm lòng của Phao-lô đối với con dân Chúa khắp nơi, chứ không riêng gì với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Lời tâm tình trước đó của ông trong II Cô-rinh-tô 11:28-29 đã khẳng định như vậy:

“Ngoài những sự bên ngoài, những sự chống nghịch tôi suốt ngày, còn sự lo lắng về hết thảy các Hội Thánh. Có ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Có ai bị vấp ngã mà tôi chẳng như bị thiêu đốt?” (II Cô-rinh-tô 11:28-29).

Nói cách khác, tình cảm của Phao-lô đối với tất cả con dân Chúa là giống nhau. Ông yêu họ và hy sinh cho họ, như Chúa đã yêu ông và hy sinh cho ông. Riêng nan đề trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô đã là cơ hội, để Phao-lô thể hiện tình yêu của ông qua lời nói và chữ viết, để giúp cho họ hiểu mọi hành động của ông đối với họ đều xuất phát từ tình yêu tha thiết ông dành cho họ.

Không riêng gì những người phụng sự Chúa trong các chức vụ trong Hội Thánh, mà là tất cả con dân chân thật của Chúa đều cần học tấm gương yêu thương của Phao-lô. Chính Đức Thánh Linh, đã qua Phao-lô mà truyền cho con dân Chúa phải bắt chước Phao-lô, như Phao-lô bắt chước Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 4:16; 11:1). Chúng ta cần bắt chước Phao-lô trong nếp sống thánh khiết theo Lời Chúa, trong sự hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ Hội Thánh, trong sự chịu khổ vì danh Chúa trong mọi phương diện của đời sống. Nhưng trên hết, chúng ta cần bắt chước Phao-lô trong sự yêu thương tất cả anh chị em cùng Cha của chúng ta, những người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa.

Nếu không có tình yêu thì mọi lời chúng ta nói, mọi việc chúng ta làm đều là vô nghĩa. Vì “Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là Tình Yêu.” (I Giăng 4:8). Và Ma-thi-ơ 25:31-46 dạy cho chúng ta biết, nếu chúng ta yêu lẫn nhau và phục vụ lẫn nhau thì chính là chúng ta yêu Chúa và phụng sự Chúa. Yêu lẫn nhau như Đức Chúa Jesus đã yêu chúng ta chính là Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus Christ đã truyền cho những ai là môn đồ của Ngài (Giăng 13:34).

11 Các anh chị em đã ép tôi trở nên kẻ khoe khoang dại dột. Vì tôi đáng được khen ngợi bởi các anh chị em. Vì tôi chẳng thua kém cho các sứ đồ rất cao trọng; và dù tôi chẳng là ai.

Mặc dù khi cần thiết thì Phao-lô đã khoe mình trong sự tôn vinh Chúa, nhưng ông vẫn ý thức rằng, khi một người tự nói về những việc tốt mình đã làm thì dễ gây hiểu lầm cho người khác. Vì sự khoe mình trong thế gian luôn là hành động tự tìm kiếm vinh quang cho bản thân của những kẻ dại dột, không hiểu rằng, mọi sự mình có được, làm được đều bởi sự cho phép của Thiên Chúa. Phao-lô không muốn tự khoe mình, dù là khoe mình trong Chúa, nghĩa là khoe mình với mục đích tôn vinh Chúa, để tránh gây hiểu lầm và vấp phạm. Nhưng sự thiếu hiểu biết của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã khiến cho Phao-lô phải lên tiếng khoe mình, để giúp cho họ nhận thức, thế nào là sự khoe mình để tôn vinh Chúa, và thế nào là sự khoe mình kiêu ngạo để tôn vinh bản thân, như sự khoe khoang của các giáo sư giả đang phá hoại Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Ngoài ra, cũng để con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nhận thức sự chịu đựng gian khổ trong chức vụ và tình yêu đối với con dân Chúa của những sứ đồ chân thật.

Phao-lô viết: “Các anh chị em đã ép tôi trở nên kẻ khoe khoang dại dột” vì lẽ ra, con dân Chúa tại Cô-rinh-tô phải nhận thức công khó của Phao-lô trong suốt 18 tháng ông rao giảng Tin Lành và gây dựng Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Lẽ ra, với sự Đức Thánh Linh hành động trong họ, đổ đầy các ân tứ trên họ, họ phải nhận thức thẩm quyền sứ đồ của Phao-lô; nhận thức Phao-lô đã được Đấng Christ dùng để đem họ tới sự cứu rỗi và thiết lập Hội Thánh của Ngài tại Cô-rinh-tô.

Cách gọi “các sứ đồ rất cao trọng” của Phao-lô có lẽ dùng để chỉ Phi-e-rơ là người đứng đầu trong các sứ đồ và Giăng là người được Chúa yêu nhất trong 12 sứ đồ. Chẳng những họ được chính các sứ đồ và con dân Chúa tại Giê-ru-sa-lem xem trọng mà con dân Chúa trong các Hội Thánh giữa vòng các dân ngoại cũng rất xem trọng họ. Phi-e-rơ, Giăng, và Gia-cơ em của Chúa, giám mục của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem được xem là trụ cột của Hội Thánh lúc ban đầu. Điều này đã được Phao-lô xác nhận trong thư Ga-la-ti:

“Khi Gia-cơ, Sê-pha, và Giăng là các người được xem như cột trụ, nhận biết ân điển đã ban cho tôi, thì họ trao tay phải giao kết với tôi và Ba-na-ba, để cho chúng tôi đến với các dân ngoại, còn họ thì đến với người chịu cắt bì.” (Ga-la-ti 2:9).

Phao-lô công nhận có các sứ đồ rất cao trọng của Chúa nhưng ông cũng nhận rằng, ông không có gì thua kém họ, dù rằng, ông tự xét và thấy ông chẳng ra gì. Có lẽ lời tự xét nghiêm khắc nhất của ông là ông nhận mình là người đứng đầu trong những kẻ có tội (I Ti-mô-thê 1:15).

Đại danh từ “chẳng là ai” (G3762) có nghĩa chẳng là ai, chẳng là gì; hàm ý không có giá trị gì để nói tới. Phao-lô hiểu rằng, xét về phương diện cá nhân, ông chẳng có giá trị gì; vì thứ nhất: ông là một tội nhân đứng đầu trong những tội nhân, thứ nhì: tất cả những gì ông có là đến từ Thiên Chúa. Nhưng xét về phương diện chức vụ sứ đồ Chúa ban cho ông thì ông không hề thua kém bất cứ một sứ đồ nào trong các sứ đồ của Chúa, kể cả các sứ đồ được xem là rất cao trọng. Phao-lô có cùng chức vụ như họ. Phao-lô có cùng thẩm quyền như họ. Phao-lô có cùng thánh linh là năng lực từ Thiên Chúa như họ. Có lẽ điều duy nhất có thể Phao-lô không bằng họ là tấm lòng tận trung làm tròn chức vụ sứ đồ. Nhưng thực tế đã cho thấy, Phao-lô hoàn toàn xứng đáng với chức vụ sứ đồ Chúa ban cho ông. Vào cuối cuộc đời, Phao-lô đã vui mừng viết cho Ti-mô-thê:

“Ta đã đánh một trận đánh tốt lành. Ta đã xong cuộc đua. Ta đã giữ đức tin.” (II Ti-mô-thê 4:7).

Đứng về phía Hội Thánh để xem xét, thì Phao-lô xứng đáng là sứ đồ cao trọng nhất của Đức Chúa Jesus Christ. Vì mục vụ của ông chẳng những giúp ích cho Hội Thánh chung suốt gần hai ngàn năm qua, bởi các lá thư của ông; mà còn giúp ích cho con dân Chúa trong Vương Quốc Ngàn Năm. Vì qua các lá thư đó, con dân Chúa được hiểu biết sâu nhiệm về Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời, hiểu rõ về nếp sống thánh khiết trong Đấng Christ, và biết được phần nào về Hội Thánh lúc ban đầu. Ngoài mục vụ của Phao-lô, không có mục vụ của sứ đồ nào đem lại nhiều lợi ích lớn rộng và lâu dài như vậy cho Hội Thánh. Nói cách khác, chẳng những Phao-lô không thua kém bất cứ sứ đồ rất cao trọng nào, mà ông còn xứng đáng là người đứng đầu trong các sứ đồ rất cao trọng. Đó cũng là một điển hình cho lẽ thật trong lời phán của Đấng Christ: “Những người sau cùng sẽ nên những người đầu!” (Ma-thi-ơ 20:16; Mác 10:31; Lu-ca 13:30).

12 Thật, các dấu hiệu của chức vụ sứ đồ đã được làm trọn giữa các anh chị em trong mỗi sự nhẫn nại, trong những dấu kỳ và những phép lạ, cùng những năng lực.

Qua lời này của Phao-lô, Đức Thánh Linh dạy cho chúng ta biết rằng, dấu hiệu của chức vụ sứ đồ là:

  • Lòng nhẫn nại chịu đựng mọi gian khổ, mọi bất công; chịu đựng sự vô ơn, sự vô tín; chịu đựng mọi sự bách hại đến từ bên trong hoặc bên ngoài Hội Thánh.
  • Thực hiện những dấu kỳ và những phép lạ bởi năng lực của Thiên Chúa. Những dấu kỳ có thể là những hiện tượng siêu nhiên để ấn chứng hoặc báo trước các việc làm của Thiên Chúa, như: ngôi sao lạ đêm Đức Chúa Jesus được sinh ra, mặt trời trở nên tối đen, mặt trăng đỏ như máu. Cũng có thể là những dấu hiệu ấn chứng cho các sứ giả của Chúa, là những người Chúa sai làm việc cho Chúa trong thế gian, như: sự vinh quang trên khuôn mặt của Môi-se, sự Phi-e-rơ, Phao-lô, và Si-la được cứu ra khỏi tù. Những phép lạ là những sự siêu nhiên được làm ra bởi Chúa hay bởi các sứ giả của Chúa, như: đuổi quỷ, chữa lành tật bệnh cách siêu nhiên, gọi người chết sống lại…

Chúng ta cần ghi nhớ, Sa-tan và các sứ giả của nó cũng có thể làm ra những dấu kỳ và phép lạ để lừa gạt loài người. Vì thế, những dấu kỳ và phép lạ phải được đối chứng với Thánh Kinh để biết rằng, chúng đến từ Chúa hay đến từ tà linh. Những dấu kỳ và phép lạ đến từ Chúa chỉ được làm ra bởi những người sống theo Lời Chúa, giảng dạy đúng Lời Chúa. Những dấu kỳ và phép lạ ấy không nghịch lại các lẽ thật của Lời Chúa. Thí dụ: Những dấu kỳ về tượng này khóc, tượng kia chảy máu… đều là không đến từ Chúa. Nhưng dấu kỳ về tượng tà thần bị đánh đổ (I Sa-mu-ên 5:3-4) thì đúng Lời Chúa và đến từ Chúa. Vì Chúa cấm làm tượng và cấm thờ lạy tà thần (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3-6). Đức Thánh Linh dạy chúng ta phải thử các thần linh:

“Hỡi các con yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần trí, nhưng hãy thử cho biết các đấng thần linh có phải thuộc về Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã vào trong thế gian.” (I Giăng 4:1).

  • Có năng lực đến từ Thiên Chúa để sống theo Lời Chúa, giảng dạy Lời Chúa, và làm trọn những việc lành được Chúa giao phó. Danh từ “năng lực” (G1411) bao gồm sức mạnh và khả năng hành động. Vừa có nghĩa là năng lực tự nhiên của một thực thể, vừa có nghĩa là năng lực siêu nhiên đến từ Thiên Chúa.

Phao-lô khẳng định, dấu hiệu ấn chứng chức vụ sứ đồ của ông đã được làm trọn giữa con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Điều đó cũng hàm ý, những giáo sư giả đang khoe mình trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô không hề có dấu hiệu ấn chứng cho chức vụ mà họ tự xưng. Thế nhưng một số con dân Chúa tại Cô-rinh-tô đã vội tin theo lời của các giáo sư giả mà chống nghịch Phao-lô và sự giảng dạy của ông, gây phân rẽ trong Hội Thánh. Và Phao-lô lại tiếp tục dùng sự nhẫn nại để dẫn họ về với lẽ thật.

13 Vì có sự gì mà các anh chị em thua kém cho các Hội Thánh khác? Nếu không là sự bởi chính mình tôi đã không làm gánh nặng cho các anh chị em. Xin tha thứ cho tôi sự không công bình đó!

Qua lời trên đây, Phao-lô khẳng định rằng, ông đã làm trọn bổn phận sứ đồ của ông với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Ông đã chăm sóc, gây dựng họ để họ được lớn lên trong đức tin. So với các Hội Thánh địa phương khác, họ đã không thua sút một điểm nào, ngoại trừ việc Phao-lô không nhận sự tiếp trợ vật chất từ nơi họ. Phao-lô gọi sự nhận sự tiếp trợ vật chất từ con dân Chúa là làm gánh nặng cho con dân Chúa. Vì thực tế, khi con dân Chúa chia xẻ tiền bạc, vật dụng trong cuộc sống cho Phao-lô thì con dân Chúa cùng chung gánh vác gánh nặng về sự làm việc kiếm sống của ông. Kể từ khi loài người phạm tội thì sự làm việc kiếm sống đã trở thành một gánh nặng, vì đó là hình phạt của Chúa cho thân thể xác thịt, khiến cho nó trở nên mệt mỏi, già yếu, bệnh tật, rồi chết (Sáng Thế Ký 3:17-19).

Chính Phao-lô, bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, đã dạy rằng, con dân Chúa có bổn phận chu cấp nhu cầu vật chất cho những ai dạy Lời Chúa cho họ:

“Người nào được dạy trong Lời, thì người ấy hãy chia hết thảy trong của cải mình cho người dạy.” (Ga-la-ti 6:6).

Nhưng Phao-lô đã không nhận sự tiếp trợ vật chất từ Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Chúng ta không biết vì lý do gì Phao-lô từ chối, không nhận sự tiếp trợ vật chất từ Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Có lẽ Đức Thánh Linh biết trước sự phản nghịch trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô nên Ngài đã không cảm động ông nhận sự tiếp trợ của họ, để họ không có lý do bêu rếu ông. Chúng ta biết, trong thời gian Phao-lô rao giảng và gây dựng Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thì ông được sự tiếp trợ từ các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan (II Cô-rinh-tô 11:9).

Phao-lô gọi sự từ chối đó của ông là một “sự không công bình”. Không công bình vì ông đã không cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô được dự phần trong sự hầu việc Chúa của ông, qua sự tiếp trợ cho ông, như các Hội Thánh khác. Không công bình vì ông đã không cho họ được cơ hội nhận sự ban thưởng từ Chúa bởi sự họ tiếp trợ ông, như các Hội Thánh khác. Và Phao-lô nói lời xin lỗi. Nhưng thực tế cho thấy, họ đã phản nghịch ông. Như vậy, thà là trước kia ông không nhận sự tiếp trợ của họ, để khi họ phản nghịch ông thì họ không có cớ để nói xấu ông càng hơn. Nhờ đó, hình phạt của họ sẽ nhẹ hơn. Nên nhớ, những gì họ làm cho Phao-lô cũng chính là họ làm cho Chúa (Ma-thi-ơ 25:31-46). Vì thế, những sự bội nghịch, xúc phạm của họ đối với Phao-lô sẽ bị phán xét như họ đã làm ra cho Đấng Christ. Có thể nói, sự Chúa không cảm động lòng Phao-lô nhận sự tiếp trợ của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là sự thương xót của Chúa dành cho họ, khiến cho họ không có thêm lý do để nói xấu và vu khống Phao-lô.

Chúng ta cần hiểu điều này, khi Hội Thánh tại Cô-rinh-tô ăn năn và phục hòa với Phao-lô, trở lại vâng phục ông, thì họ được Đức Chúa Trời tha thứ, không hủy diệt họ, họ vẫn được cứu rỗi. Nhưng sự vô tín và bội nghịch của họ sẽ khiến cho họ mất đi những sự ban thưởng từ Đức Chúa Trời.

Về phần chúng ta, một ngày kia, khi chúng ta vào trong thiên đàng, chúng ta cũng sẽ rất ngạc nhiên, khi thấy có biết bao nhiêu phần thưởng Chúa dành ban cho chúng ta đã không được chúng ta tiếp nhận. Điển hình là sự Chúa đã dành ban cho chúng ta có những đứa con, là phần thưởng và cơ nghiệp đời đời trong xác thịt, nhưng nhiều người đã từ chối bằng hành động ngừa thai. Vì họ thiếu đức tin nơi Chúa, nghĩ rằng, họ sẽ không có khả năng nuôi nhiều con. Hoặc vì họ không muốn bị bận rộn khi có nhiều con. Cũng có biết bao nhiêu phần thưởng Chúa dành ban cho chúng ta bị trừ đi bởi những lời nói và việc làm không đẹp ý Chúa của chúng ta. Lời phán này của Đức Chúa Jesus Christ cần được chúng ta ghi nhớ:

“Nhưng Ta bảo các ngươi rằng, mỗi lời nói vô ích nào nếu loài người sẽ nói thì họ sẽ khai trình về chúng trong ngày phán xét.” (Ma-thi-ơ 12:36).

Mỗi một lời nói vô ích, không có tính gây dựng còn phải bị phán xét thì huống hồ gì là những việc làm vô ích hoặc độc ác, những việc làm nhằm thỏa mãn sự tức giận, lòng tự ái không đúng, hoặc sự kiêu ngạo.

Sự Phao-lô từ chối nhận sự tiếp trợ từ Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, xét cách khách quan thì là một sự không công bình. Nhưng khi chúng ta xét theo cách nhìn của Chúa thì đó là sự thương xót. Tương tự như vậy là bao nhiêu việc Chúa cho phép xảy ra trong cuộc đời này, điển hình như việc phá thai, bắt cóc trẻ con, mua bán trẻ con làm nô lệ tình dục… đều là những sự không công bình, độc ác đối với các nạn nhân. Nhưng nếu chúng ta tin vào sự thành tín và sự công chính của Thiên Chúa, thì chúng ta biết rằng, khi ngày phán xét đến, chính Chúa sẽ thi hành sự phán xét công chính.

Vậy, có những việc có thể xem là việc không công bình, theo nhận định khách quan hiện tại; nhưng nếu đó là sự cho phép của Chúa thì đó sẽ không còn là việc không công bình trong ngày việc đó được phán xét bởi Chúa. Điều đó có nghĩa là, có những lúc, người chăn hoặc trưởng lão trong Hội Thánh đưa ra một quyết định có thể xem là không công bình. Nhưng nếu người chăn hoặc trưởng lão thật sự là tôi tớ của Chúa, thì quyết định ấy được sự soi dẫn của Chúa và là quyết định có ích lợi cho Hội Thánh, là việc công bình theo quan điểm của Chúa. Thí dụ, nếu người chăn hoặc trưởng lão không cho phép ai đó đứng lên chia sẻ, làm chứng, tôn vinh, nói ngoại ngữ… trong buổi nhóm hiệp của Hội Thánh, thì khách quan mà nói, đó là việc không công bình, vì nghịch lại lời dạy của Chúa trong I Cô-rinh-tô 14:26. Nhưng về sau, khi người bị ngăn cản đó lộ ra là người không có sự hiểu biết Lời Chúa mà lại kiêu ngạo, muốn khoe mình để tìm kiếm sự khen ngợi cho bản thân, thì chứng minh được, quyết định trước đó của người chăn hoặc trưởng lão là đúng.

14 Này là lần thứ ba tôi có dự bị đến với các anh chị em, và sẽ chẳng làm gánh nặng cho các anh chị em. Vì tôi chẳng tìm những sự thuộc về các anh chị em mà tìm chính các anh chị em. Vì con cái chẳng nên thu trữ cho cha mẹ nhưng cha mẹ thu trữ cho con cái.

Mệnh đề “Này là lần thứ ba tôi có dự bị đến với các anh chị em” không có nghĩa Phao-lô đã đến Cô-rinh-tô hai lần rồi. Mà chỉ là từ khi Phao-lô rời Cô-rinh-tô, ông đã có ba lần chuẩn bị để trở lại đó. Hai lần chuẩn bị trước đã không thành (I Cô-rinh-tô 16:5; II Cô-rinh-tô 1:15-16). Lần này, khi Phao-lô trở lại Cô-rinh-tô ông cũng sẽ không là gánh nặng cho họ, nghĩa là ông sẽ không nhận sự tiếp trợ vật chất từ họ, ngoại trừ việc ông sai Tít đến trước, nhận số tiền họ dâng hiến để tiếp trợ cho con dân Chúa đang bị nạn đói tại xứ Giu-đê.

Chúng ta có thể tin rằng, Chúa không cảm động Phao-lô nhận sự tiếp trợ cho bản thân ông từ Hội Thánh tại Cô-rinh-tô, chứ không phải Phao-lô hành xử theo ý riêng. Ngoài ra, Phao-lô không có ý nương cậy nơi sự tiếp trợ của bất cứ ai. Ông hoàn toàn nương cậy nơi sự quan phòng của Đức Chúa Trời và khả năng kiếm sống Ngài đã ban cho ông. Nhưng khi cần, Phao-lô vẫn vui lòng nhận sự tiếp trợ của con dân Chúa tại Ma-xê-đoan.

Phao-lô đến Cô-rinh-tô là vì ông muốn đem ích lợi thuộc linh đến cho con dân Chúa tại đó, không phải ông muốn lợi dụng họ để họ cung phụng các nhu cầu vật chất cho ông, như các giáo sư giả đang lợi dụng họ. Ông xem họ như là con cái trong Chúa của ông. Vì chính ông đã dùng Tin Lành của Chúa để sinh họ ra trong Hội Thánh của Ngài:

“Bởi vì, dù cho các anh chị em có hàng vạn người giám hộ trong Đấng Christ nhưng chẳng có nhiều cha. Vì trong Đấng Christ Jesus, tôi đã bởi Tin Lành mà sinh ra các anh chị em.” (I Cô-rinh-tô 4:15).

Vì Phao-lô là người dùng lẽ thật trọn vẹn của Tin Lành giúp cho con dân Chúa thành Cô-rinh-tô được tái sinh mà Đức Thánh Linh đã thần cảm cho ông viết rằng: Vì trong Đấng Christ Jesus, tôi đã bởi Tin Lành mà sinh ra các anh chị em.

Người đầu tiên dùng Lời Chúa khai sáng thần trí của chúng ta, đưa chúng ta đến sự hoàn toàn đầu phục Chúa, được Chúa tái sinh, chính là bậc cha hay mẹ thuộc linh của chúng ta, dù cho có khi người ấy nhỏ tuổi hơn chúng ta rất nhiều. Người ấy yêu thương và chăm sóc thuộc linh của chúng ta như cha mẹ thuộc thể chăm sóc con cái. Chúng ta kính trọng và vâng phục người ấy như con cái thuộc thể kính trọng và vâng phục cha mẹ. Nhưng chúng ta không gọi người ấy bằng danh xưng cha hoặc mẹ theo ý nghĩa cha mẹ thuộc linh. Vì rõ ràng, mệnh lệnh của Chúa không cho phép chúng ta làm như vậy.

Quý ông bà anh chị em có thể đọc hoặc nghe lại bài giảng “Chú Giải I Cô-rinh-tô 04:14-21 Lời Khuyên về Sự Vâng Phục” đã được đăng trên khu mạng timhieuthanhkinh.com để biết thêm chi tiết về ý nghĩa của I Cô-rinh-tô 4:15 [1].

Theo lẽ thường thì cha mẹ lo thu trữ tài sản để lại cho con cái, chứ không phải con cái thu trữ tài sản cho cha mẹ. Phao-lô muốn mượn thông lệ đó để nói đến sự ông không muốn nương cậy vào sự tiếp trợ vật chất của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Phao-lô trở lại Cô-rinh-tô vì ông yêu thương con dân Chúa tại đó và muốn đem các phước hạnh thuộc linh đến cho họ, chứ ông không muốn những sự thuộc về họ.

15 Nhưng tôi rất vui lòng sẽ phí của và sẽ phí trọn cả mình tôi cho những linh hồn của các anh chị em. Cho dù ngay cả vì yêu các anh chị em thêm hơn mà tôi được yêu bớt đi.

Lời tha thiết chân tình của Phao-lô trong câu này có thể khiến cho những con dân chân thật của Chúa tại Cô-rinh-tô rơi nước mắt vì cảm động. Phao-lô chẳng những không lợi dụng con dân Chúa tại Cô-rinh-tô về vật chất mà ông còn sẵn lòng hao tốn vật chất lẫn chính bản thân ông, để linh hồn của họ được cứu rỗi và được thịnh vượng trong Chúa. Cách nói “phí trọn cả mình tôi” hàm ý, hao tốn toàn bộ của cải vật chất lẫn mạng sống của tôi.

Phao-lô chấp nhận một thực tế khó tránh, đó là vì quá yêu con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, ông phải hành xử như thế nào để có ích lợi cho họ nhất; cho dù vì hành xử như thế mà họ yêu ông kém đi. Đó cũng chính là phẩm chất phải có của một người chăn, của một trưởng lão chân thật.

16 Có phải tuy rằng, tôi đã chẳng làm gánh nặng cho các anh chị em; nhưng trở nên khôn khéo, dùng mưu, tôi đã bắt lấy các anh chị em?

17 Chẳng có ai trong số những người tôi đã sai đến với các anh chị em mà qua người ấy, tôi đã lợi dụng các anh chị em.

Phao-lô đưa ra một giả định là có thể những kẻ thù nghịch ông sẽ cho rằng, dù ông không tự mình tiếp nhận sự tiếp trợ của con dân Chúa tại Cô-rinh-tô, nhưng ông đã sai người tới đó thu gom tiền bạc. Và như vậy, theo những kẻ ấy, ông đã khôn khéo, dùng mưu kế để thu lợi từ con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Nhưng Phao-lô khẳng định rằng, ông đã chẳng làm việc đó. Không có bất cứ người nào ông đã sai đến Cô-rinh-tô là để làm công việc thu góp tiền bạc cho bản thân ông.

18 Tôi đã xin Tít đi và tôi đã sai một người anh em cùng Cha đi với người. Tít đã lợi dụng các anh chị em điều gì? Chúng tôi chẳng đã bước đi cùng một thần trí, chẳng đã theo cùng những dấu chân sao? [Ga-la-ti 5:16; I Phi-e-rơ 2:21]

Cách nói “tôi đã xin Tít đi” hàm ý, Phao-lô đã bàn bạc với Tít và xin Tít đi đến Cô-rinh-tô để phụ trách việc thu nhận tiền dâng hiến. Cách nói “tôi đã sai một người anh em cùng Cha” hàm ý, Phao-lô không có sự bàn bạc gì với người ấy mà chỉ yêu cầu người ấy cùng đi với Tít.

Vì Tít là người đứng ra làm công việc thu nhận tiền nên Phao-lô hỏi con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là bản thân của Tít có lợi dụng gì họ hay không? Chúng ta cần hiểu rằng, số tiền dâng hiến để cứu đói con dân Chúa tại Giu-đê được Tít thu nhận, nhưng có thư của Hội Thánh tại Cô-rinh-tô và các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan gửi cho các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem, cho biết tổng số quyên góp của mỗi Hội Thánh là bao nhiêu. Vì thế, sự thu góp và giao nhận rất là rõ ràng. Phao-lô tin rằng, Tít không hề lợi dụng con dân Chúa tại Cô-rinh-tô vì ông và Tít bước đi cùng một thần trí, theo cùng những dấu chân.

Nghĩa bóng của động từ “bước đi” trong Thánh Kinh luôn là sống nếp sống mỗi ngày. Nếp sống là cách thức sống, là suy nghĩ, là nói, là hành động mỗi ngày. Bước đi cùng một thần trí là sống nếp sống cùng một sự hiểu biết Thiên Chúa và Lời của Thiên Chúa. Tức là cùng một thần trí với Đấng Christ, là thần trí của Thiên Chúa (Rô-ma 8:9). Thần trí của Thiên Chúa là sự hiểu biết về Thiên Chúa được chính Thiên Chúa ban cho chúng ta, khác với thần trí đến từ ma quỷ. Thần trí đến từ ma quỷ là sự hiểu biết về những điều sâu kín của Sa-tan (Khải Huyền 2:24).

Nghĩa bóng của danh từ “dấu chân” có nghĩa là tấm gương về nếp sống. Theo cùng những dấu chân là theo cùng những tấm gương về nếp sống của Đấng Christ.

“Vậy, tôi nói rằng: Hãy bước đi theo thần trí! Chớ làm trọn những điều tham muốn của xác thịt!” (Ga-la-ti 5:16).

“Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó [sự chịu khổ vì danh Chúa], vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21).

Phao-lô muốn nói rằng, vì Phao-lô và Tít sống nếp sống cùng một thần trí với Đấng Christ, theo cùng những tấm gương về nếp sống của Đấng Christ, nên không thể nào có chuyện Tít lợi dụng con dân Chúa tại Cô-rinh-tô.

19 Các anh chị em lại tưởng rằng, chúng tôi tự bào chữa trước các anh chị em. Trước mặt của Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ, chúng tôi nói: Nhưng hỡi những người yêu dấu! Mọi sự vì sự gây dựng của các anh chị em.

Phao-lô nhận biết, có một số người sẽ cho rằng, Phao-lô và các bạn của ông nói những lời tự bào chữa. Nhưng thực tế, Phao-lô cùng các bạn của ông chỉ nêu ra các dữ kiện chân thật, để bác bỏ những lời phỉ báng và vu khống của các giáo sư giả. Và Phao-lô cùng các bạn của ông buộc phải nói lên những điều ấy, cho dù có bị xem là khoe mình, nhưng cũng chỉ là vì sự ích lợi cho con dân Chúa tại Cô-rinh-tô. Vì những lời chân thật ấy sẽ giúp cho họ phân biệt ai là tôi tớ thật của Chúa và ai là kẻ mạo nhận; ai là người thật lòng yêu thương họ, hy sinh cho họ và ai là kẻ lợi dụng họ.

Phao-lô tuyên xưng trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, trong danh của Đấng Christ và trong thân thể của Ngài, mà ông và các bạn của ông là các chi thể. Ông tuyên xưng rằng, con dân Chúa tại Cô-rinh-tô là những người mà ông và các bạn của ông yêu quý; tất cả mọi sự ông và các bạn của ông làm cho họ đều là vì sự gây dựng của họ.

20 Vì tôi ngại rằng, có lẽ khi tôi đến, tôi sẽ chẳng tìm thấy các anh chị em như tôi mong muốn; và tôi sẽ chẳng được các anh chị em tìm thấy như các anh chị em mong muốn. Có lẽ chỉ có những cãi lẫy, những ganh tị, những thịnh nộ, những cạnh tranh, những vu khống, những nói xấu, những kiêu căng, những hỗn loạn chăng.

Phao-lô cần viết rõ mọi sự trong thư, như đã viết, để con dân Chúa tại Cô-rinh-tô nhận thức đúng mọi sự mà sớm ăn năn, quay về với lẽ thật. Phao-lô không muốn rằng, khi ông trở lại Cô-rinh-tô thì ông thấy họ đã không ăn năn như ông muốn; còn họ thì thấy rằng, ông sẽ nghiêm khắc sửa phạt những kẻ sai trái trong Hội Thánh. Và như vậy, khi đó, trong Hội Thánh chỉ có:

  • Sự cãi lẫy của những kẻ không vâng phục.
  • Sự ganh tị của những kẻ thấy mình không đầy ơn như người khác mà không hiểu rằng, mình không được đầy ơn vì mình chưa thật lòng sống theo Lời Chúa.
  • Sự thịnh nộ của những kẻ vì kiêu ngạo không chấp nhận sự góp ý, khuyên bảo của người khác. Khi được ai góp ý hay khuyên bảo thì giận dữ, chống trả.
  • Sự cạnh tranh vì có những kẻ xem mình là tôn trọng hơn người khác, muốn người khác phải thán phục mình, tôn vinh mình.
  • Sự vu khống của những kẻ muốn cáo gian để hạ giá trị của người khác, nhằm đưa mình lên cao.
  • Sự nói xấu của những kẻ thích phê phán khuyết điểm của người khác.
  • Sự kiêu căng của những kẻ hay khoe khoang, muốn tỏ ra mình là hơn người.
  • Sự hỗn loạn đương nhiên phải có, khi trong Hội Thánh có các sự đã nêu trên. Không ai phục ai, không ai tôn trọng ai. Không có tình yêu thương. Không có sự hiện diện của Chúa. Hội Thánh trở thành một xã hội thu hẹp của những người không tin Chúa.

Phao-lô mong rằng, những gì ông viết trong thư II Cô-rinh-tô sẽ giúp cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô thức tỉnh, được lẽ thật thánh hóa, biết ăn năn, và được phục hồi.

21 Kẻo khi tôi đến, Đức Chúa Trời của tôi lại khiến tôi ngã lòng đối với các anh chị em; và tôi sẽ khóc lóc về nhiều kẻ trước đã phạm tội và đã không ăn năn về những sự ô uế, ngay cả sự tà dâm, ngay cả sự phóng đãng mà họ đã phạm.

Phao-lô không muốn khi ông trở lại Cô-rinh-tô thì ông phải bị rơi vào tình trạng bị ngã lòng, vì sự không ăn năn của Hội Thánh. Câu nói: “Đức Chúa Trời của tôi lại khiến tôi ngã lòng đối với các anh chị em” hàm ý, Đức Chúa Trời sẽ khiến Phao-lô ra tay kỷ luật Hội Thánh, và điều đó sẽ khiến cho ông xuống tinh thần, thay vì vui tươi, phấn khởi.

Trong sự kỷ luật Hội Thánh bằng cách dứt thông công những kẻ có tội mà không chịu ăn năn, Phao-lô sẽ phải khóc vì tiếc thương họ. Sự Hội Thánh phải dứt thông công một người là một sự đau buồn cho cả Hội Thánh. Nhưng đó là điều cần thiết để bảo tồn sự thánh khiết của Hội Thánh và danh Chúa. Người bị dứt thông công có lẽ sẽ cảm thấy tức giận, bất mãn, nhưng những người còn lại trong Hội Thánh phải mang lấy sự đau đớn dài lâu trong linh hồn. Một ngón tay bị chặt ra khỏi thân thể thì nó chết, nhưng cả thân thể đương nhiên phải chịu sự đau đớn và tiếc nuối lâu dài.

Những sự ô uế là bất cứ điều gì không đẹp lòng Đức Chúa Trời nhưng nổi bật là sự tà dâm và sự phóng đãng. Sự tà dâm là mọi hình thức quan hệ tình dục bất chính, vì không phải là quan hệ tình dục với vợ hay chồng của mình. Sự phóng đãng là sự ngang nhiên hành động để thỏa mãn bất cứ sự ham muốn nào của xác thịt một cách bất chính.

Cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta phân đoạn Thánh Kinh này để qua đó chúng ta biết, thế nào là tấm lòng của một tôi tớ chân thật của Chúa đối với Hội Thánh của Ngài. Qua đó chúng ta cũng học được những gương tốt của Phao-lô. Qua đó chúng ta còn học được rằng, có những sự theo nhận xét khách quan hiện tại thì là sự không công bình; nhưng nếu đó là quyết định của một tôi tớ chân thật của Chúa thì chắc chắn Đức Thánh Linh đã bày tỏ cho người ấy nhận xét theo quan điểm của Thiên Chúa. Nhận xét khách quan hiện tại là sự nhận xét trong lúc sự việc xảy ra và không nghiêng về bên nào, nhưng dựa trên các lý lẽ thông thường, dựa trên Lời Chúa. Nhận xét khách quan hiện tại không hoàn toàn, vì chúng ta không biết hết mọi sự. Chỉ khi chúng ta được Chúa tỏ ra cho chúng ta thấy sự việc theo cái nhìn của Ngài, thì chúng ta mới có được nhận xét đúng.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
30/01/2021

Ghi Chú

Các định nghĩa từ ngữ từ Thánh Kinh trong bài này là theo ý nghĩa trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp của Thánh Kinh: https://thewordtoyou.net/dictionary/

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-co-rinh-to-414-21-loi-khuyen-ve-su-vang-phuc/

Karaoke Thánh Ca: “Rồi Chúa Bỗng Đến”
https://karaokethanhca.net/roi-chua-bong-den/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.