Chú Giải I Tê-sa-lô-ni-ca 01:01-10 Con Dân Chúa Bắt Chước Nhau và Bắt Chước Chúa

5,987 views


YouTube: https://youtu.be/cgCegej_XN0?si=Kvkaof6uTzyLU8yr

Chú Giải I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1-10
Con Dân Chúa Bắt Chước Nhau và Bắt Chước Chúa

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Tê-sa-lô-ni-ca (Thessaloniki hoặc Thessalonica) là một thành phố Hy-lạp, nằm bên bờ biển, trước đây, thuộc vương quốc cổ Ma-xê-đoan, được xây dựng vào năm 315 TCN. Tê-sa-lô-ni-ca từng là bộ chỉ huy lực lượng hải quân của vương quốc Ma-xê-đoan. Đến năm 168 TCN thì đế quốc La-mã chinh phục Ma-xê-đoan, và Tê-sa-lô-ni-ca trở thành thủ phủ của một trong bốn tỉnh thuộc xứ Ma-xê-đoan, dưới quyền cai trị của La-mã. Vào năm 146 TCN, La-mã thống nhất xứ Ma-xê-đoan thành một tỉnh duy nhất, và Tê-sa-lô-ni-ca trở thành thủ đô của tỉnh Ma-xê-đoan. Vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, người La-mã cho xây dựng một bến cảng lớn tại Tê-sa-lô-ni-ca, biến nó thành một trung tâm thương mãi sầm uất.

Từ năm 1453 đến năm 1828, Hy-lạp ở dưới sự cai trị của đế quốc Thổ. Sau cuộc chiến tranh dành độc lập, từ năm 1928 đến nay, Hy-lạp là một quốc gia độc lập với Tê-sa-lô-ni-ca được xem là thủ đô văn hóa. Năm 1997, Tê-sa-lô-ni-ca được Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học, và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chọn làm “Thành Phố Văn Hóa của Châu Âu”. Hiện nay, Tê-sa-lô-ni-ca là thành phố lớn thứ nhì của Hy-lạp, sau A-thên, với dân số trên 790.000 người. Hội Thánh của Chúa vẫn hiện diện tại Tê-sa-lô-ni-ca, nhưng chúng ta không biết con số thánh đồ là bao nhiêu. Phần lớn con dân Chúa sinh hoạt trong Giáo Hội Chính Thống Đông Phương. Sự hình thành Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca được thuật lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ 17.

Thư I Tê-sa-lô-ni-ca do Sứ Đồ Phao-lô viết cho Hội Thánh tại thành Tê-sa-lô-ni-ca trong khoảng thời gian ông phải lánh nạn tại thành A-thên. Công Vụ Các Sứ Đồ 17 ghi lại rằng, khi Phao-lô và Si-la giảng dạy tại thành Tê-sa-lô-ni-ca thì có những người Do-thái trong Do-thái Giáo làm loạn, tìm bắt ông và Si-la, cho nên, Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca đã đưa ông và Si-la đến thành Bê-rê. Tuy nhiên, khi những người Do-thái Giáo hay tin Phao-lô và Si-la đang giảng dạy tại thành Bê-rê thì họ lại tìm đến để tiếp tục bắt bớ hai ông. Vì thế, Hội Thánh phải đưa Phao-lô theo đường biển đến thành A-thên. Trong khi đó, Si-la và Ti-mô-thê vẫn ở lại thành Bê-rê.

Sau khi đến thành A-thên, Phao-lô nhắn tin cho Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca gửi Si-la và Ti-mô-thê cùng đến với ông. Dựa vào lời mở đầu của thư I Tê-sa-lô-ni-ca mà chúng ta biết rằng, Phao-lô viết thư này sau khi Si-la và Ti-mô-thê đã đến A-thên. Thư I Tê-sa-lô-ni-ca có lẽ được viết vào năm 50, trước khi Phao-lô từ A-thên đến thành Cô-rinh-tô. Nội dung của thư dạy về nếp sống thánh khiết của Hội Thánh. Nếp sống ấy bắt đầu bằng sự con dân Chúa trong Hội Thánh bắt chước nhau, bắt chước những người dẫn dắt mình, và bắt chước Chúa, để đạt đến sự thánh khiết trọn vẹn, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau học về sự kiện con dân Chúa bắt chước nhau và bắt chước Chúa, như được dạy dỗ trong I Tê-sa-lô-ni-ca 1.

1 Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê gửi cho Hội-thánh giữa những người Tê-sa-lô-ni-ca, trong Thiên Chúa Đức Cha và trong Đức Chúa Jesus Christ. Nguyện ân điển cùng sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha của chúng ta và từ Đức Chúa Jesus Christ ở với các anh chị em.

2 Chúng tôi luôn vì hết thảy các anh chị em mà tạ ơn Đức Chúa Trời, nhắc đến các anh chị em trong sự cầu nguyện của chúng tôi;

3 nhớ mãi công việc về đức tin của các anh chị em, sự lao nhọc về tình yêu của các anh chị em, sự nhẫn nại về sự trông cậy của các anh chị em trong Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, trước Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta.

4 Hỡi các anh chị em cùng Cha được yêu bởi Thiên Chúa! Hãy biết về sự được chọn của các anh chị em!

5 Vì Tin Lành của chúng tôi đến với các anh chị em, không chỉ bằng lời nói nhưng cũng bằng năng lực, bằng thánh linh, và bằng sự bảo đảm; như các anh chị em biết rõ, chúng tôi là những người thế nào ở giữa các anh chị em, vì phúc lợi của các anh chị em.

6 Các anh chị em đã trở nên những người bắt chước chúng tôi và bắt chước Chúa, tiếp nhận Lời trong nhiều sự khốn khó với sự vui vẻ của thánh linh,

7 đến nỗi các anh chị em đã trở nên những gương tốt cho hết thảy những tín đồ ở Ma-xê-đoan và A-chai.

8 Vì Lời của Chúa vang ra từ các anh chị em không chỉ trong Ma-xê-đoan và A-chai nhưng cũng trong mỗi nơi mà đức tin của các anh chị em về Đức Chúa Trời đã được đồn ra, đến nỗi chúng tôi không cần phải nói gì cả.

9 Vì chính họ đã thuật lại thế nào các anh chị em đã tiếp đãi chúng tôi; và thế nào các anh chị em đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, từ bỏ những hình tượng, để phụng sự Thiên Chúa Hằng Sống và Chân Thật,

10 để chờ đợi Con Ngài từ trên các tầng trời, Đấng mà Ngài đã khiến sống lại từ những kẻ chết: Đức Chúa Jesus, Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn giận sẽ đến.

Dưới đây là ý nghĩa và sự dạy dỗ của từng câu:

1 Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê gửi cho Hội-thánh giữa những người Tê-sa-lô-ni-ca, trong Thiên Chúa Đức Cha và trong Đức Chúa Jesus Christ. Nguyện ân điển cùng sự bình an từ Thiên Chúa Đức Cha của chúng ta và từ Đức Chúa Jesus Christ ở với các anh chị em.

Mặc dù có lẽ thư I Tê-sa-lô-ni-ca do Phao-lô đọc cho Ti-mô-thê viết những lời khuyên dạy của ông gửi cho Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca, nhưng Phao-lô đã để tên của Si-la và Ti-mô-thê chung với tên của ông. Điều đó cho phép chúng ta hiểu rằng, trước khi viết thư cho Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca thì Phao-lô đã có thảo luận với Si-la lẫn Ti-mô-thê về nội dung sẽ được trình bày trong thư, và cả ba người đều đồng ý với nội dung sẽ viết.

Chi tiết này cho chúng ta thấy, Phao-lô không phải là người muốn giành lấy công lao hay là uy tín cho riêng mình. Nhưng ông là người biết tôn trọng sự đóng góp của người khác và sẵn sàng công khai sự đóng góp của mỗi người. Chi tiết này cũng nói lên sự hiệp một giữa Phao-lô và những người cùng hầu việc Chúa với ông.

Hội Thánh tại thành Tê-sa-lô-ni-ca được gọi là: Hội Thánh giữa những người Tê-sa-lô-ni-ca. Đây là cách gọi hàm ý: Hội Thánh là MỘT và Hội Thánh hiện diện giữa dân tộc này hay dân tộc khác, giữa địa phương này hay địa phương khác.

Hội Thánh ở trong Thiên Chúa Đức Cha, tức là ở trong Đức Chúa Trời, và Hội Thánh ở trong Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng Thiên Chúa Đấng Thần Linh thì ở trong Hội Thánh, ở trong mỗi con dân Chúa.

Hội Thánh ở trong Thiên Chúa Đức Cha tức là Hội Thánh ở trong tình yêu của Đức Chúa Trời và thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời, thuộc về vương quốc của Ngài. Hội Thánh ở trong Đức Chúa Jesus Christ tức là Hội Thánh ở trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ và ở trong sự hiệp một với Ngài. Thiên Chúa Đấng Thần Linh ở trong Hội Thánh tức là sự sống và sức mạnh cùng các phẩm chất tốt đẹp của Thiên Chúa ở trong Hội Thánh, và ở trong mỗi con dân Chúa.

Ân điển và bình an chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Ân điển đến từ Thiên Chúa Đức Cha là ơn tha tội và xưng là người công bình; sự bình an đến từ Thiên Chúa Đức Cha là sự bình an của người được kể là công bình trước luật pháp của Đức Chúa Trời, không còn bị hình phạt bởi luật pháp. Ân điển đến từ Đức Chúa Jesus Christ là ơn chuộc tội và làm cho sạch tội; sự bình an đến từ Đức Chúa Jesus Christ là sự bình an của người biết mình được hiệp một với Thiên Chúa và có sự sống đời đời.

2 Chúng tôi luôn vì hết thảy các anh chị em mà tạ ơn Đức Chúa Trời, nhắc đến các anh chị em trong sự cầu nguyện của chúng tôi;

3 nhớ mãi công việc về đức tin của các anh chị em, sự lao nhọc về tình yêu của các anh chị em, sự nhẫn nại về sự trông cậy của các anh chị em trong Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, trước Đức Chúa Trời và Cha của chúng ta.

Không riêng gì Phao-lô mà những người hầu việc Chúa chung với ông như Si-la và Ti-mô-thê cũng luôn cầu nguyện cho con dân Chúa tại Tê-sa-lô-ni-ca, và chắc chắn là tại các nơi khác nữa. Phao-lô kêu gọi con dân Chúa cầu thay cho nhau, cầu thay cho ông và các bạn đồng công với ông trong mục vụ, cầu thay cho các bậc cầm quyền, nhưng chính ông và các bạn của ông cũng hằng cầu thay cho mọi người.

Sự cầu thay cho Hội Thánh đối với Phao-lô là một cuộc tranh đấu lớn như ông đã dạy cho con dân Chúa tại Cô-lô-se, mà chúng ta đã học trong Cô-lô-se 2:1-7 [1]. Trong thực tế, mỗi khi chúng ta nhớ đến các anh chị em của mình, thì chúng ta có thể dâng lời cầu thay cho họ. Chúng ta nhớ đến các gương sáng về đức tin của họ để cầu nguyện tôn vinh, cảm tạ Chúa và chúng ta học theo họ. Chúng ta nhớ đến sự lao nhọc bởi tình yêu qua sự hầu việc Chúa của họ mà xin Chúa thêm ơn, thêm sức, thêm phương tiện cho họ, và chúng ta học theo họ. Chúng ta nhớ đến sự nhẫn nại trong mọi sự của họ để chờ ngày Đấng Christ trở lại mà cầu nguyện xin Chúa an ủi, khích lệ họ, và chúng ta học theo họ. Chúng ta nhớ đến những nan đề, nhu cầu của họ mà cầu xin Chúa tiếp trợ, mở đường cho họ, giải cứu họ, và chúng ta hết sức cứu giúp, khích lệ, an ủi họ theo khả năng Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta nhớ đến những yếu đuối, lầm lỗi của họ để nài xin Chúa thương xót, quở trách, sửa trị họ, để họ sớm ăn năn và được phục hòa với Chúa, với Hội Thánh.

4 Hỡi các anh chị em cùng Cha được yêu bởi Thiên Chúa! Hãy biết về sự được chọn của các anh chị em!

Cách dùng chữ của Phao-lô, dưới sự thần cảm của Đức Thánh Linh, trong câu này rất là đặc biệt. Ông gọi con dân Chúa tại thành Tê-sa-lô-ni-ca là “các anh chị em cùng Cha được yêu bởi Thiên Chúa”. Ông không nói “được yêu bởi Đức Chúa Trời” hay “được yêu bởi Đức Chúa Jesus Christ” mà nói: “được yêu bởi Thiên Chúa,” vì nói như vậy là bao gồm cả Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Con dân Chúa được Đức Chúa Trời yêu đến nỗi ban cho tất cả những gì thuộc về Ngài; và tình yêu ấy đã thể hiện qua Đức Chúa Jesus Christ, như đã chép trong Rô-ma 8:32-39:

32 Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?

33 Ai sẽ kiện những người được chọn của Thiên Chúa? Thiên Chúa là Đấng xưng công bình những người ấy.

34 Ai sẽ định tội họ? Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đã chết nhưng cũng đã sống lại, là Đấng đang ngự bên phải Đức Chúa Trời, cầu thay cho chúng ta.

35 Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đấng Christ? Có phải hoạn nạn, khốn cùng, bách hại, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, hay là gươm giáo chăng?

36 Như có chép rằng: Vì cớ Ngài, chúng tôi bị giết cả ngày. Chúng tôi bị xem như chiên bị làm thịt. [Thi Thiên 44:2]

37 Trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta là những người chiến thắng qua Đấng yêu chúng ta.

38 Vì tôi chắc chắn rằng: sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, các quyền lực, những sự bây giờ, những sự sẽ đến,

39 bề cao, bề sâu, hoặc bất cứ một tạo vật nào, đều chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jesus, Chúa chúng ta.

Trong Rô-ma 8:33 cũng gọi con dân Chúa là những người được chọn của Thiên Chúa, để nhấn mạnh sự kiện họ được chọn bởi Ba Ngôi Thiên Chúa.

Con dân Chúa được Đức Chúa Jesus Christ yêu đến nỗi hy sinh sự vinh quang của Thiên Chúa và mạng sống của Ngài, đổ huyết cứu chuộc họ và làm cho họ sạch tội:

…Đức Chúa Jesus Christ, Chứng Nhân Thành Tín, con đầu lòng từ những kẻ chết, Đấng cầm quyền của các vua trên đất. Đấng yêu chúng ta đã rửa sạch những tội lỗi của chúng ta trong máu Ngài, đã lập chúng ta {làm} những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời và Cha của Ngài. Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!” (Khải Huyền 1:5-6).

Con dân Chúa được Đức Thánh Linh yêu đến nỗi Ngài khao khát chúng ta và Ngài ghen tương:

Các anh chị em tưởng rằng Thánh Kinh nói vô ích sao? Đấng Thần Linh ở trong chúng ta, khao khát chúng ta đến nỗi ghen tương.” (Gia-cơ 4:5).

Từ ngữ “ghen tương” được dùng ở đây để nói đến sự đau đớn của Đức Thánh Linh khi chúng ta yêu bất cứ ai hay bất cứ điều gì hơn Thiên Chúa [2].

Thật là kỳ diệu khi chúng ta, những con dân của Chúa, được Thiên Chúa yêu chúng ta như vậy, dù chúng ta chỉ là loài thọ tạo từng chống nghịch Thiên Chúa.

Phao-lô kêu gọi con dân Chúa hãy biết về sự mình được chọn. Biết về sự mình được chọn là biết:

  • Mình là ai.

  • Ai đã chọn mình.

  • Mình đã được chọn như thế nào.

  • Mình đã được chọn cho mục đích gì.

  • Mình phải sống như thế nào cho xứng đáng với sự được chọn.

Mỗi khi chúng ta xoè bàn tay năm ngón trước mặt, hãy nhớ đến năm điều căn bản về sự mình được chọn. Nếu được, xin quý ông bà anh chị em email cho tôi biết câu trả lời cho năm điểm nêu trên. Xin cám ơn quý ông bà anh chị em [3].

5 Vì Tin Lành của chúng tôi đến với các anh chị em, không chỉ bằng lời nói nhưng cũng bằng năng lực, bằng thánh linh, và bằng sự bảo đảm; như các anh chị em biết rõ, chúng tôi là những người thế nào ở giữa các anh chị em, vì phúc lợi của các anh chị em.

Tin Lành đến với các anh chị em có nghĩa là Tin Lành được rao giảng và dạy cho các anh chị em. Chúng ta chú ý đến cách nói: “Tin Lành của chúng tôi!” Khi một người thật lòng tin nhận Tin Lành thì Tin Lành trở thành sở hữu của người ấy. Chúng ta sở hữu Tin Lành không phải để làm của riêng, nhưng để có toàn thẩm quyền ban phát cho nhiều người, để nhiều người cũng có cơ hội sở hữu Tin Lành như chúng ta, nếu họ chịu thật lòng tin nhận.

Tin Lành được công bố, được giảng dạy không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng năng lực để bắt phục những người nghe, biến đổi họ, đem họ từ sự chết vào trong sự sống lại và sự sống đời đời. Tin Lành được công bố, được giảng dạy bằng thánh linh tức là hoàn toàn bởi thẩm quyền, bởi năng lực ra từ Thiên Chúa chứ không từ một tổ chức tôn giáo nào hay từ chính sức riêng và sự khôn sáng riêng của một ai. Tin Lành được công bố, được giảng dạy với sự bảo đảm cho bất cứ ai thật lòng tin nhận Tin Lành, bằng sự hiện diện của Đức Thánh Linh trong thân thể họ với thánh linh của Thiên Chúa làm ấn chứng cho họ, rằng họ đã được cứu chuộc và ban cho địa vị làm con cái của Đức Chúa Trời.

Tất cả các lẽ thật đó về Tin Lành đã được thể hiện trong sự rao truyền và giảng dạy Tin Lành của chính Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê, khi họ ở giữa con dân Chúa tại thành Tê-sa-lô-ni-ca. Và sự rao truyền, giảng dạy Tin Lành của họ hoàn toàn là vì phúc lợi của những người nghe, nhất là những người đã tin nhận Tin Lành, trở thành con dân Chúa và tiếp tục học biết về Tin Lành với họ. Họ không giảng Tin Lành để tìm lợi cho họ như rất nhiều người mang danh là người rao giảng Tin Lành ngày nay trong các giáo hội.

6 Các anh chị em đã trở nên những người bắt chước chúng tôi và bắt chước Chúa, tiếp nhận Lời trong nhiều sự khốn khó với sự vui vẻ của thánh linh,

7 đến nỗi các anh chị em đã trở nên những gương tốt cho hết thảy những tín đồ ở Ma-xê-đoan và A-chai.

Là con dân Chúa chúng ta có bổn phận bắt chước nhau và bắt chước Chúa, để sống một nếp sống mới thánh khiết đẹp lòng Đức Chúa Trời, kết nhiều quả cho nhà của Đức Chúa Trời là Hội Thánh.

Bắt chước Chúa là bắt chước một người trọn vẹn không hề phạm tội. Bắt chước anh chị em trong Chúa là bắt chước những người từng phạm tội nhưng đã ăn năn và đang hết sức sống một nếp sống bắt chước Chúa. Chúng ta bắt chước Chúa để không bao giờ phạm tội. Chúng ta bắt chước nhau để loại bỏ nếp sống cũ và hết lòng ăn năn khi lỡ phạm tội.

Có nhiều người xưng nhận mình là con dân Chúa nhưng thường bào chữa cho nếp sống trong tội, thù nghịch thập tự giá của mình, bằng câu: “Nhân vô thập toàn. Không ai có thể trọn vẹn được!” Những người nói như thế là những người chưa thật sự tin Chúa. Vì chính Đức Chúa Jesus Christ truyền cho con dân Chúa phải trở nên trọn vẹn như Đức Chúa Trời:

Vậy, các ngươi hãy nên trọn vẹn như Cha của các ngươi, Đấng ở trên trời, là trọn vẹn.” (Ma-thi-ơ 5:48).

Nếu sự thật là không ai có thể trở nên trọn vẹn thì có phải Đức Chúa Jesus Christ đã phán truyền một điều không chân thật? Điều quan trọng không phải chúng ta tự làm cho mình nên trọn vẹn mà là chúng ta mặc lấy sự trọn vẹn Thiên Chúa đã làm ra cho chúng ta, qua sự Thiên Chúa đã chuộc tội, tha tội, làm cho sạch tội, và thánh hóa chúng ta.

Người bắt chước Chúa và bắt chước anh chị em mình trong Chúa phải là người luôn tiếp nhận Lời Chúa. Có tiếp nhận Lời Chúa thì mới biết Chúa như thế nào để bắt chước Chúa. Có tiếp nhận Lời Chúa thì mới biết anh chị em của mình đúng hay sai trước khi mình bắt chước họ. Một trong những sự bắt chước Chúa còn là dùng Lời Chúa để gây dựng và quở trách anh chị em của mình khi họ sai trái, phạm tội. Vì thế, chúng ta cần phải tiếp nhận Lời Chúa và sự tiếp nhận không phải chỉ một lần, nhưng luôn luôn, mỗi ngày trong đời sống của chúng ta. Chúng ta tiếp nhận thức ăn thuộc thể và tiêu hóa nó để nuôi dưỡng thân thể xác thịt của chúng ta mỗi ngày thế nào, thì chúng ta cũng phải tiếp nhận Lời Chúa và tiêu hóa Lời Chúa mỗi ngày như thế ấy (tức là đọc, suy ngẫm Lời Chúa ngày đêm). Vì:

…Có chép rằng, loài người sống chẳng phải chỉ nhờ bánh nhưng nhờ mỗi một lời phán ra từ miệng Thiên Chúa.(Ma-thi-ơ 4:4; Lu-ca 4:4).

Chúng ta cần có tấm lòng khao khát Lời Chúa như Tiên tri Giê-rê-mi:

Lời Ngài được tìm gặp, thì tôi đã ăn nuốt chúng. Lời Ngài là niềm vui cho tôi và sự mừng rỡ trong lòng tôi, vì tôi được xưng bằng danh Ngài! Ôi! Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân!” (Giê-rê-mi 15:16).

Là con dân Chúa chúng ta luôn bị thế gian ghét và bách hại, vì thế, chúng ta luôn đối diện và luôn ở trong nhiều nghịch cảnh. Cũng chính vì thế mà chúng ta cần phải luôn tiếp nhận Lời Chúa mỗi ngày, để được an ủi, đủ khôn sáng, và đủ năng lực mà vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trên bước đường theo Chúa. Lời Chúa cũng thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17) và khiến chúng ta được thịnh vượng trong mọi đường lối, tức là trong mọi phương diện của đời sống (Giô-suê 1:8). Con dân chân thật của Chúa luôn tiếp nhận Lời Chúa với sự vui vẻ của thánh linh, tức là sự vui vẻ đến trong thần trí bởi năng lực của Thiên Chúa. Có như vậy, chúng ta mới trở thành gương tốt cho nhiều người, để họ bắt chước chúng ta.

8 Vì Lời của Chúa vang ra từ các anh chị em không chỉ trong Ma-xê-đoan và A-chai nhưng cũng trong mỗi nơi mà đức tin của các anh chị em về Đức Chúa Trời đã được đồn ra, đến nỗi chúng tôi không cần phải nói gì cả.

Thành Tê-sa-lô-ni-ca có diện tích khoảng 20 km2 nhưng con dân Chúa ở tại đó đã trở thành gương tốt cho con dân Chúa trong toàn vùng Ma-xê-đoan và A-chai thời bấy giờ, một khu vực rộng tương đương đồng bằng sông Mê-kông của miền nam Việt Nam (khoảng 39.000 km2). Chẳng những vậy, danh tiếng về nếp sống trong Chúa của họ còn lan xa đến những nơi ở ngoài hai khu vực ấy.

Lời của Chúa vang ra từ các anh chị em” có nghĩa là:

  • Con dân Chúa từ Tê-sa-lô-ni-ca đi đến nơi đâu cũng rao truyền Lời Chúa.

  • Những người từ nơi khác đến Tê-sa-lô-ni-ca đều được nghe con dân Chúa tại đó rao truyền Lời Chúa cho họ.

  • Những người từ nơi khác đến Tê-sa-lô-ni-ca được nghe con dân Chúa tại đó rao truyền Lời Chúa cho họ, tin nhận Lời Chúa, và khi về đến quê hương của họ hay là đi đến các nơi khác lại tiếp tục rao truyền Lời Chúa.

Động từ “vang ra” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh [4] chỉ được dùng có một lần tại đây trong Thánh Kinh, là một từ ngữ diễn tả sự phát ra âm thanh một cách vang dội, như tiếng kèn, tiếng loa, có thể làm rung động các vật khác.

Có thể nói, Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca chính là Hội Thánh đầu tiên đã tích cực thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ phán truyền trong Ma-thi-ơ 28:18-20 một cách hiệu quả nhất. Họ không chỉ rao truyền Lời Chúa bằng lời nói, mà bằng chính nếp sống của họ, đến nỗi, Phao-lô và các bạn của ông không cần phải nói thêm gì về họ.

9 Vì chính họ đã thuật lại thế nào các anh chị em đã tiếp đãi chúng tôi; và thế nào các anh chị em đã trở lại cùng Đức Chúa Trời, từ bỏ những hình tượng, để phụng sự Thiên Chúa Hằng Sống và Chân Thật,

10 để chờ đợi Con Ngài từ trên các tầng trời, Đấng mà Ngài đã khiến sống lại từ những kẻ chết: Đức Chúa Jesus, Đấng giải cứu chúng ta khỏi cơn giận sẽ đến.

Những người thực tế có mặt khi họ nhìn thấy cách thức Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca tiếp đãi Phao-lô và các bạn của ông, chứng kiến nếp sống mới của con dân Chúa trong Hội Thánh, đã trở thành những chứng nhân về đức tin và tình yêu của con dân Chúa thuộc Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca.

Ngày nay, đời sống đức tin và rao giảng Lời Chúa của chúng ta, nói riêng, của Hội Thánh địa phương chúng ta, nói chung, có được như Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca hay không? Những người chứng kiến nếp sống của chúng ta và sinh hoạt của Hội Thánh sẽ nói gì về chúng ta và Hội Thánh? Khi chúng ta đi đến những nơi khác thì chúng ta nói gì về các anh chị em trong Hội Thánh và Hội Thánh địa phương của chúng ta? Ngày nay, chúng ta không cần phải đi ra khỏi địa phương của mình, mà qua điện thoại, tin nhắn, trang mạng xã hội… chúng ta cũng có thể rao truyền Lời Chúa và nói về các anh chị em của chúng ta, nói về Hội Thánh địa phương của chúng ta cho nhiều người khác. Chúng ta đã rao truyền như thế nào? Chúng ta đã nói gì về anh chị em của chúng ta trong Hội Thánh tại địa phương?

Khi một người thật sự trở lại cùng Đức Chúa Trời thì người ấy không còn thờ lạy những hình tượng, kể cả những ham muốn bất chính của bản ngã xác thịt, lòng tự ái không đúng, và sự kiêu ngạo. Mục đích duy nhất trong đời sống của người ấy là phụng sự Thiên Chúa Hằng Sống và Chân Thật. Nhóm chữ: “Thiên Chúa Hằng Sống và Chân Thật” được dùng như là một danh hiệu, vì thế, chúng tôi chọn viết hoa. Danh hiệu này dùng chung cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa, vì chỉ có một Thiên Chúa. Cũng như khi chúng ta nói: Loài người mang hình và tượng của Thiên Chúa, là chúng ta nói chung tất cả những ai là người, nhưng chỉ có một loài người, vì Thiên Chúa chỉ dựng nên MỘT loài người.

Nếu những ai vẫn còn đang sống cho những ham muốn bất chính của bản ngã xác thịt, vẫn còn giữ lòng tự ái không đúng, vẫn còn kiêu ngạo, thì người ấy chưa thật sự quay về cùng Đức Chúa Trời. Họ có thể sinh hoạt trong Hội Thánh, có thể nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, và nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ; nhưng trong ngày phán xét, Chúa sẽ phán với họ: “Ta chẳng biết các ngươi bao giờ! Hãy lui ra khỏi Ta! Các ngươi là những kẻ làm ác.” (Ma-thi-ơ 7:23).

Mục đích của đời sống chúng ta phải là: “Sống trong Chúa! Sống cho Chúa! Sống vì Chúa!” Sống trong Chúa là sống trong tình yêu và sự cứu rỗi của Ngài. Sống cho Chúa là sống theo ý muốn của Chúa chứ không theo ý muốn của chúng ta. Sống vì Chúa là mọi sự chúng ta làm đều để tôn vinh Chúa! Đang khi chúng ta sống như vậy, thì niềm hy vọng của chúng ta là sự Chúa đến để đem chúng ta ra khỏi thế gian này! Cảm tạ Chúa! Ngày ấy không còn bao xa nữa!

I Tê-sa-lô-ni-ca 1:10 cũng chính là lời khẳng định của Đức Thánh Linh dành cho Hội Thánh, về sự Đức Chúa Jesus Christ sẽ trở lại, đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, trước khi Đức Chúa Trời giáng cơn giận và sự hình phạt của Ngài xuống trên toàn thế gian trong bảy năm đại nạn của Kỳ Tận Thế.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ chúng ta, giúp chúng ta bắt chước lẫn nhau và bắt chước Chúa, sống nếp sống mới thánh khiết, đẹp lòng Chúa, sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
05/06/2017

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-2_1-7/

[2] Xin nghe từ phút 17: https://www.youtube.com/watch?v=WpJcXMZm-QQ

[3] https://timhieuthanhkinh.com/chung-toi-la-ai/

[4] G1837: https://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?Strongs=G1837

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.