Chú Giải I Giăng 05:14-21 Con Dân Chúa Cầu Thay cho Nhau và Tự Giữ Mình Thánh Khiết…

5,360 views

906213 Chú Giải I Giăng 5:14-21
Con Dân Chúa Cầu Thay cho Nhau và Tự Giữ Mình Thánh Khiết
(Đức Chúa Jesus Christ Là Thiên Chúa Chân Thật)

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài giảng này:

https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTQyOF9udGRmTw

Hoặc bấm vào nối mạng dưới đây để nghe và tải xuống tất cả các bài Chú Giải I Giăng:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/chu-giai-i-giang

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzUyNTU4N19uM0xvSg

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

I Giăng 5:14-21

14 Này là điều chúng ta dạn dĩ ở trong Ngài, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.

15 Nếu chúng ta biết, mình xin bất cứ điều gì Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận được điều mình xin Ngài.

16 Nếu có ai thấy anh chị em cùng Cha của mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Ngài sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết; ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin.

17 Mọi sự không công chính đều là tội; mà cũng có tội không đến nỗi chết.

18 Chúng ta biết rằng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng sống trong tội; nhưng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, ma quỷ chẳng làm hại người được.

19 Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều nằm trong sự dữ.

20 Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến và ban trí khôn cho chúng ta, để chúng ta biết Đấng Chân Thật, và chúng ta ở trong Đấng Chân Thật, là ở trong Con Ngài: là Đức Chúa Jesus Christ, là Thiên Chúa Chân Thật và Sự Sống Vĩnh Cửu.

21 Hỡi các con cái bé nhỏ, hãy giữ mình khỏi những thần tượng! A-men!

Hội Thánh của Chúa là một tập thể có một không hai và lạ lùng hơn bất cứ một tập thể nào trong lịch sử của cả vũ trụ. Bởi vì, Hội Thánh của Chúa do chính Ngài tạo ra bởi sự chết chuộc tội của Ngài, được gọi là thân thể của Chúa, và mỗi người trong Hội Thánh là một chi thể của thân thể Chúa. Điều đó nói đến sự giao thông xuyên suốt giữa mỗi người trong Hội Thánh với sự điều động của chính Đức Chúa Jesus Christ, vì Ngài là đầu của thân thể.

Chính vì mỗi chúng ta là một chi thể trong thân thể của Đức Chúa Jesus Christ mà mỗi lời cầu xin phải lẽ của chúng ta đều được Chúa đáp nhận, và mỗi một chúng ta có bổn phận cầu thay cho nhau.

Trong những câu cuối cùng của thư I Giăng, con dân Chúa lại được Đức Thánh Linh dùng Sứ Đồ Giăng nhắc cho bảy lẽ thật:

  1. Con dân Chúa luôn được Chúa nghe mọi lời cầu xin phải lẽ.
  2. Con dân Chúa luôn nhận được điều mình cầu xin theo ý Chúa.
  3. Con dân Chúa có bổn phận cầu thay cho nhau.
  4. Con dân Chúa không sống trong tội.
  5. Cả thế gian đang ở trong sự dữ.
  6. Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa.
  7. Con dân Chúa phải giữ mình khỏi những thần tượng.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu chi tiết về bảy lẽ thật này.

14 Này là điều chúng ta dạn dĩ ở trong Ngài, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.

Sự dạn dĩ trước Chúa là điều chúng ta chỉ có thể có được khi chúng ta có đức tin thật trong Chúa:

“Trong Đấng ấy, chúng ta có sự dạn dĩ và đến gần với lòng tin cậy, bởi sự thành tín của Ngài.” (Ê-phê-sô 3:12).

Đức tin đến Ngài tức là đức tin đến Đức Chúa Jesus Christ; tin rằng Ngài là Thiên Chúa nhập thế làm người, chịu chết trên thập tự giá, dùng mạng sống mình để làm tế lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Đức tin ấy phải thể hiện bằng hành động. Hành động của một người khi thật lòng tin nhận Đức Chúa Jesus Christ là tan vỡ cõi lòng, hạ mình ăn năn tội: công nhận mình là người có tội, không đổ thừa ai, không đổ thừa hoàn cảnh; cương quyết từ bỏ tội; nương nhờ sức toàn năng của Thiên Chúa để thắng mọi cám dỗ và sống theo Lời Chúa.

Khi chúng ta đã ăn năn tội và nhận được sự tha tội cùng với sự làm cho sạch tội từ nơi Chúa, thì chính Đức Chúa Jesus Christ ngự trong chúng ta, giúp chúng ta hiểu được tình yêu của Đức Chúa Trời, và khiến chúng ta được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.

“Để Đấng Christ ngự trong lòng các anh chị em bởi đức tin mà các anh chị em được đâm rễ và vững nền trong tình yêu; được cùng với các thánh đồ học biết bề rộng, bề dài, bề sâu, và bề cao là thế nào; và được biết tình yêu của Đấng Christ vượt hơn sự trí thức, để cho các anh chị em được đầy dẫy mọi sự dư dật của Đức Chúa Trời.” (Ê-phê-sô 3:17-19).

“Tôn vinh Đức Chúa Trời và Cha của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Đấng đã ban phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng trong các nơi trên trời.” (Ê-phê-sô 1:3).

Nói cách khác, những sự ban cho của Đức Chúa Trời đã có sẵn trong chúng ta, vì chính Đức Chúa Jesus Christ, là Đấng chứa mọi sự đầy dẫy của Đức Chúa Trời đang ngự trong chúng ta, bởi đức tin của chúng ta nơi Ngài. Chúng ta chỉ cần dâng lên Đức Chúa Jesus Christ lời cầu xin theo ý muốn Ngài, thì chúng ta sẽ được Ngài nghe lời cầu xin của chúng ta và ban cho chúng ta mọi sự mà chúng ta cầu xin.

Chúng ta cũng hãy nhớ rằng: Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu là Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh luôn hiện diện trong chúng ta và với chúng ta.

“Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.” (Ê-phê-sô 4:6).

“Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với ông: Nếu ai yêu Ta, người ấy sẽ vâng giữ những lời của Ta. Cha Ta sẽ yêu người ấy. Chúng Ta sẽ đến với người ấy và làm ra chỗ ở của Chúng Ta với người ấy.” (Giăng 14:23).

“Để Đấng Christ ngự trong lòng các anh chị em bởi đức tin mà các anh chị em được đâm rễ và vững nền trong tình yêu…” (Ê-phê-sô 3:17).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, các anh chị em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong các anh chị em sao?” (I Cô-rinh-tô 3:16).

“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (I Cô-rinh-tô 6:19).

Đức Cha hiện diện trên chúng ta để quan phòng chúng ta, nhưng Ngài cũng hiện diện trong chúng ta để đổ đầy tình yêu của Ngài trong chúng ta.

Đức Con hiện diện giữa chúng ta vì Ngài là Đấng chăn giữ Hội Thánh và đang đi lại giữa Hội Thánh, nhưng Ngài cũng hiện diện trong chúng ta để giúp chúng ta hiểu tình yêu của Đức Cha và đổ đầy trong chúng ta những sự trọn lành và đầy dẫy của Đức Chúa Trời.

Đức Thánh Linh là Thần An Ủi, Thần Lẽ Thật hiện diện giữa Hội Thánh để giúp Hội Thánh thờ phượng Đức Chúa Trời theo lẽ thật, nhưng Ngài cũng ngự trong thân thể chúng ta để an ủi chúng ta, dẫn chúng ta vào trong các lẽ thật của Lời Chúa, và ban sức mạnh của Thiên Chúa cho chúng ta để chúng ta có thể sống thánh khiết theo thánh ý của Đức Chúa Trời.

Thế nào là cầu xin theo ý muốn của Đức Chúa Jesus Christ? Ý muốn của Đức Chúa Jesus Christ chính là ý muốn của Đức Chúa Trời:

“Ta không thể tự mình làm việc gì. Ta phán xét theo điều Ta nghe, và sự phán xét của Ta là công chính. Vì Ta chẳng tìm ý muốn của Ta nhưng tìm ý muốn của Cha, Đấng đã sai Ta.” (Giăng 5:30).

Trong khi đang ở trong bản thể xác thịt và thân vị của một người, tự xưng là “Con của Loài Người”, thì Đức Chúa Jesus Christ hoàn toàn hành xử theo ý muốn của Đức Chúa Trời, chứ không theo ý muốn của con người xác thịt. Mặc dù mỗi con người xác thịt đều có những ý muốn riêng tư. Chính Đức Chúa Jesus Christ trong đêm Ngài bị nộp cho những kẻ dữ, đã cầu nguyện rất là tha thiết:

“Hỡi Cha của Con! Nếu được, xin cho chén này lìa khỏi Con! Nhưng không như Con muốn, mà như Ngài muốn.” (Ma-thi-ơ 26:39).

Đó là điều mà tất cả những ai được sinh bởi Đức Chúa Trời phải hành xử như vậy.

Ý muốn của Đức Chúa Trời đã được bày tỏ qua mọi lời phán của Ngài, và trở thành thức ăn thiêng liêng cho sự sống của chúng ta:

“…loài người sẽ sống chẳng phải chỉ nhờ bánh nhưng nhờ mỗi một lời phán ra từ miệng của Thiên Chúa. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3]” (Ma-thi-ơ 4:4). Lời của Thiên Chúa bao gồm lời phán của: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.

“Vì Đấng mà Đức Chúa Trời đã sai đến thì Ngài nói những Lời phán của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời phó thác Đấng Thần Linh cho Ngài một cách không giới hạn.” (Giăng 3:34).

Vì thế, cầu xin theo ý muốn của Đức Chúa Jesus Christ tức là cầu xin không nghịch lại bất cứ lời phán của Đức Chúa Trời đã được ghi chép cách rõ ràng trong Thánh Kinh; không cầu xin theo lòng ham muốn riêng của mình:

“Các anh chị em cầu xin mà không nhận được, vì các anh chị em cầu xin trái lẽ, để dùng theo sự ham muốn khoái lạc của mình.” (Gia-cơ 4:3).

Chính bài cầu nguyện Đức Chúa Jesus Christ dạy cho các môn đồ, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 6:9-13, là khuôn mẫu giúp cho chúng ta biết cầu nguyện theo ý Chúa. Lời cầu xin theo ý Chúa phải thuộc về ít nhất là một trong bảy phương diện sau đây:

1. Cầu xin cho vương quyền của Đức Chúa Trời được thể hiện trọn vẹn trên khắp đất.

2. Cầu xin cho ý muốn của Đức Chúa Trời được hoàn thành trên khắp đất.

Khi cầu xin trong hai phương diện này, chúng ta bao gồm các lời cầu xin cho Hội Thánh và các mục vụ của Hội Thánh. Cho các tôi tớ Chúa đang phục vụ Hội Thánh trong các chức vụ. Cho sự tin nhận Tin Lành của người thân của chúng ta. Cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ.

9 Vậy, các ngươi hãy cầu nguyện như thế này: Lạy Cha chúng con, Đấng ở trên các tầng trời! Danh Ngài được thánh!

10 Vương quyền Ngài hãy đến! Ý muốn Ngài hãy nên, trên đất như trên trời!

3. Cầu xin cho các nhu cầu thuộc thể trong cuộc sống, điển hình là thức ăn.

11 Xin ban cho chúng con hôm nay, thức ăn đủ dùng của chúng con.

4. Cầu xin được Đức Chúa Trời tha thứ những điều chúng ta thiếu nợ Ngài trong bổn phận đối với Ngài y theo cách mà chúng ta tha thứ cho những người thiếu nợ đối với chúng ta.

12 Xin tha cho chúng con các món nợ của chúng con, như chúng con tha cho những kẻ thiếu nợ chúng con.

5. Cầu xin Đức Chúa Trời không dẫn chúng ta vào sự cám dỗ hoặc thử thách. Trong tiếng Hy-lạp, chữ cám dỗ và thử thách đều dùng cùng một chữ. Khi sự đó đến từ ma quỷ thì là cám dỗ, còn đến từ Đức Chúa Trời thì là thử thách. Ma quỷ muốn chúng ta phạm tội để phản nghịch Chúa còn Đức Chúa Trời thì muốn chúng ta đứng vững trước mọi sự bởi đức tin vào trong tình yêu của Ngài. Câu chuyện của ông Gióp là một thí dụ điển hình tuyệt vời nhất cho sự kiện ma quỷ làm ra những sự cám dỗ, mong rằng sẽ khiến cho ông Gióp mất đức tin nơi Chúa mà phạm tội. Nhưng Đức Chúa Trời lại dùng chính những sự cám dỗ của ma quỷ, để giúp ông Gióp thể hiện đức tin và lòng yêu kính của ông dành cho Ngài.

6. Cầu xin Đức Chúa Trời cứu chúng ta khỏi sự dữ. Sự dữ có thể là người dữ hay việc dữ. Xin Chúa cứu chúng ta ra khỏi những sự dữ hay những người dữ và cũng xin Chúa cứu chúng ta ra khỏi ý muốn trở thành một người dữ, làm ra một việc dữ.

Chữ dữ trong nguyên ngữ của cả tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp đều có nghĩa là: đau đớn, thiệt hại. Nếu sự dữ được làm ra với mục đích thi hành sự công chính của Đức Chúa Trời thì đó không phải là tội. Chính Thiên Chúa làm ra các sự dữ để hình phạt những kẻ ác: “Ta hình thành sự sáng và sáng tạo sự tối tăm. Ta làm ra sự bình an và sáng tạo sự dữ. Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, làm mọi sự đó.” (Ê-sai 45:7). Nhưng nếu sự dữ được làm ra trên nền tảng vi phạm các điều răn của Thiên Chúa, thì sự dữ đó biến thành điều ác, biến thành tội lỗi. Đó là sự dữ mà chúng ta cầu xin Chúa giải cứu chúng ta.

7. Mọi lời cầu xin của chúng ta phải nhằm tôn vinh Chúa, công nhận quyền cai trị và năng lực của Ngài; không phải để tự tôn cao mình.

13 Xin dẫn chúng con để chúng con không vào trong sự cám dỗ, nhưng giải cứu chúng con khỏi kẻ dữ. Vì vương quyền, năng lực, và vinh quang đều thuộc về Ngài cho đến vĩnh cửu. A-men.

Sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh từ trong sự chết, mặc dù Ngài vẫn ở trong thân thể xác thịt của loài người, nhưng mọi quyền thế của Thiên Chúa đã được trao vào trong tay của Ngài. Vì thế, dù là hiện diện trong thân thể xác thịt của loài người, nhưng quyền thế của Ngài là quyền thế của Thiên Chúa:

“Đức Chúa Jesus đến và phán với họ. Ngài phán: Hết thảy thẩm quyền ở trên trời và dưới đất đã được giao cho Ta.” (Ma-thi-ơ 28:18).

Chính vì thế mà Ngài là “Vua của Các Vua và Chúa của Các Chúa” (Khải Huyền 19:16). Chính vì thế mà khi:

“Để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trong các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi đều xưng nhận Jesus Christ là Chúa, hướng về sự vinh quang của Thiên Phụ.” (Phi-líp 2:10-11).

Từ trong Cựu Ước Ngài đã được xưng bằng các danh hiệu: Quan Án, Đấng Ban Luật Pháp, và Đấng Giải Cứu.

“Thật, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là quan xét chúng ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng lập luật cho chúng ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Vua chúng ta; chính Ngài sẽ cứu chúng ta!” (Ê-sai 33:22).

Lời Chúa khẳng định là khi chúng ta cầu xin theo ý Ngài thì Ngài sẽ nghe chúng ta. Từ ngữ “nghe” được dùng ở đây hàm ý là Ngài “nhận” lời cầu xin của chúng ta. Vì thế:

15 Nếu chúng ta biết, mình xin bất cứ điều gì Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận được điều mình xin Ngài.

Có nghĩa là, nếu chúng ta biết và tin rằng mỗi một lời chúng ta cầu xin theo ý Chúa đều được Chúa nghe và nhận, thì chúng ta cũng biết rằng, điều cầu xin phải lẽ của chúng ta đã được Ngài ban cho. Chúng ta đã nhận được điều chúng ta cầu xin theo ý Chúa.

Ngoài bảy phương diện trên đây, trong tất cả các phương diện khác, lời cầu nguyện của chúng ta phải theo khuôn mẫu lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus Christ trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Đó là: “Nhưng không như Con muốn, mà như Ngài muốn!”

Chúng ta có thể cầu xin Chúa giải cứu chúng ta khỏi sự bắt bớ, bách hại vì danh Chúa, vì sống công chính theo Lời Chúa; xin Chúa chữa lành mọi đau ốm, bệnh tật… Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, sự bắt bớ, bách hại cũng là nguồn gốc của những ơn phước mà Chúa ban cho con dân của Ngài; còn đau ốm bệnh tật là điều ắt phải xảy ra cho thân thể xác thịt của chúng ta, cho đến khi nó bị chết đi. Vì thế, nếu thánh ý của Chúa là giải cứu chúng ta khỏi sự bắt bớ, bách hại thì Ngài sẽ giải cứu; nếu không, thì Ngài sẽ ban sức cho chúng ta để chúng ta chịu khổ vì danh Ngài. Nếu thánh ý của Chúa là chữa lành sự đau ốm, bệnh tật của chúng ta, thì Ngài sẽ chữa lành; nếu không, thì Ngài sẽ ban thêm sức cho chúng ta để chúng ta chịu đựng. Đến thời điểm Ngài đã định sẵn cho chúng ta, Ngài có thể dùng sự bắt bớ, bách hại, đau ốm, bệnh tật, và ngay cả tai nạn để đem chúng ta về với Ngài.

16 Nếu có ai thấy anh chị em cùng Cha của mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Ngài sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết; ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin.

Vì mỗi con dân chân thật của Chúa là một chi thể trong thân của Chúa, cho nên, khi chúng ta thấy bất cứ anh chị em nào của mình phạm tội, thì chúng ta phải cầu thay cho người ấy và giúp cho người ấy ăn năn tội. Đó là chúng ta giúp cho anh chị em của mình được thánh hóa. Đó là hành động con dân Chúa rửa chân lẫn nhau. Tuy nhiên có loại tội mà chúng ta không cần phải cầu thay cho kẻ phạm tội. Đó là tội đến nỗi chết [1].

Tội đến nỗi chết là gì?

  • Đó không phải là tội đến nỗi chết theo luật pháp của loài người. Vì theo luật pháp của loài người, sự tin nhận Chúa có thể bị luật pháp khép vào tội chết.
  • Đó không phải là những tội đến nỗi phải bị ném đá cho chết theo luật pháp của Môi-se. Vì trong thời Tân Ước, hình phạt của mọi tội đó đã được Đức Chúa Jesus Christ gánh thay.
  • Đó không phải là tội ăn bánh và uống chén của Chúa cách không xứng đáng. Vì có những mức độ hình phạt khác nhau. Trừ khi kẻ phạm tội không ăn năn, trở thành kẻ giả hình thì mới bị mang án chết.
  • Đó không phải là tội nói phạm Đức Thánh Linh, vì tội nói phạm Đức Thánh Linh chỉ có thể do những người không phải là con dân Chúa phạm.

Tội đến nỗi chết tức là tội bội Đạo, là tội chối bỏ đức tin đã từng có nơi Đức Chúa Jesus Christ. Thánh Kinh nói về tội bội Đạo như sau:

Hê-bơ-rơ 6:4-8

4 Vì không thể nào những người đã một lần được soi sáng, đã nếm sự ban cho từ trên trời, được trở nên những người dự phần về thánh linh,

5 đã nếm Lời phán lành của Thiên Chúa và những năng lực của đời sau,

6 rồi họ lại sa ngã, mà được phục hồi vào trong sự ăn năn. Vì họ đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài.

7 Vì đất thấm nhuần mưa thường xuyên đến trên nó mà sinh ra cây cỏ, có ích cho họ, những người cày xới nó, thì nhận phước từ Đức Chúa Trời.

8 Nhưng nếu nó sinh ra những cây gai và những cây tật lê, thì bị bỏ và gần sự nguyền rủa. Sự cuối cùng của nó là vào trong sự thiêu đốt.

Hê-bơ-rơ 10:26-31

26 Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi.

27 Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.

28 Ai đã chối bỏ luật pháp của Môi-se, thì chết không có sự thương xót, bởi hai hay ba chứng nhân.

29 Các anh chị em nghĩ xem, hình phạt sẽ nặng hơn biết bao để xứng với kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, xem máu của giao ước mà bởi đó kẻ ấy được nên thánh là ô uế, và sỉ nhục Đấng Thần Linh của ân điển.

30 Vì chúng ta biết Đấng đã phán: Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo trả! Chúa phán vậy. Lại phán: Chúa sẽ phán xét dân của Ngài. [Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:35-36; Thi Thiên 135:14]

31 Sa vào tay Thiên Chúa Hằng Sống là sự đáng kinh khiếp thay!

Vì thế, khi một con dân Chúa trở lại với đời sống tội lỗi hoặc theo tà giáo chối bỏ đức tin ban đầu, thì chúng ta không cần cầu thay cho người ấy; mà chỉ phó người ấy cho sự thương xót của Chúa. Còn về phần chúng ta thì phải tuyệt đối dứt thông công với họ.

17 Mọi sự không công chính đều là tội; mà cũng có tội không đến nỗi chết.

Bất cứ một điều gì mà chúng ta làm ra mà nghịch lại các điều răn của Chúa, thì đó là điều không công chính, là tội lỗi. Nhưng có tội nhẹ và tội nặng. Riêng tội bội Đạo là tội đến nỗi chết!

18 Chúng ta biết rằng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng sống trong tội; nhưng ai được sinh bởi Đức Chúa Trời, thì tự giữ lấy mình, ma quỷ chẳng làm hại người được.

Người được sinh bởi Đức Chúa Trời dù có thể vẫn có khi phạm tội, vì thiếu hiểu biết, vì bất ngờ trước một hoàn cảnh, vì yếu đuối… nhưng lập tức biết ăn năn và luôn luôn tìm cách tránh xa sự cám dỗ. Người được sinh bởi Đức Chúa Trời không bao giờ cứ tái đi tái lại cùng một thứ tội, tức là sống trong tội, chủ động tìm đến với tội. Vì người ấy biết tự giữ lấy mình, cho dù ma quỷ có bày mưu cám dỗ thì cũng không thể thắng được người ấy, không thể khiến người ấy phạm tội để bị cắt đi mối thông công với Thiên Chúa.

19 Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế gian đều nằm trong sự dữ.

Chính nếp sống thánh khiết trong Chúa là bằng chứng hùng hồn cho chúng ta, cho các thiên sứ, cho ma quỷ, và cho cả thế gian biết rằng, chúng ta đã được sinh bởi Đức Chúa Trời, chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời. Ngược lại, cả thế gian, tức là tất cả những ai không thuộc về Đức Chúa Trời, thì thuộc về ma quỷ và ở trong sự dữ. Ở trong sự dữ là ở trong sự làm ra những điều đau đớn, tổn hại cho chính mình, cho người khác, mà cũng là ở trong hình phạt của Đức Chúa Trời.

20 Chúng ta biết Con Đức Chúa Trời đã đến và ban trí khôn cho chúng ta, để chúng ta biết Đấng Chân Thật, và chúng ta ở trong Đấng Chân Thật, là ở trong Con Ngài: là Đức Chúa Jesus Christ, là Thiên Chúa Chân Thật và Sự Sống Vĩnh Cửu.

Thiết tưởng những ai tin theo tà giáo không công nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, cần phải đọc và cẩn thận suy ngẫm câu này.

Ngôi Lời là Thiên Chúa đã tạo dựng nên cả thế gian và đã nhập thế làm người để ban trí khôn cho những ai tin nhận Ngài. Nhờ trí khôn đó mà chúng ta, là con dân Chúa:

  • Nhận biết Ngôi Lời trong xác thịt chính là Đấng Chân Thật.
  • Nhận biết chúng ta đang ở trong Đấng Chân Thật.
  • Nhận biết, về phần xác thịt thì Đấng Chân Thật được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, nên Ngài được gọi là Con của Đức Chúa Trời. Như chúng ta đây, khi được sinh lại bởi Đức Chúa Trời, thì cũng đều được gọi là con cái của Đức Chúa Trời. Và Đấng Chân Thật, trong xác thịt, được gọi là anh Cả của chúng ta. Nhưng về phần thiêng liêng thì Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa Chân Thật và là Sự Sống Vĩnh Cửu.

Nếu những câu Thánh Kinh công bố Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa mà chúng tôi đã tổng hợp trong bài: “Thánh Kinh gọi Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa” [2] vẫn không giúp cho những người theo tà giáo nhận ra sự sai lầm của họ; thì không còn gì có thể mở được đôi mắt thuộc linh của họ! Nhưng chính những câu Thánh Kinh ấy sẽ là chứng cớ mà một ngày kia Đức Chúa Jesus Christ sẽ dùng để phán xét sự vô tín của họ.

21 Hỡi các con cái bé nhỏ, hãy giữ mình khỏi những thần tượng! A-men!

Dĩ nhiên, đây là lời kêu gọi con dân Chúa tránh xa các thần tượng trong các đền đình chùa miếu, trên các bàn thờ tà thần. Nhưng đây cũng là lời kêu gọi con dân Chúa hãy giữ mình khỏi sự thần tượng hóa các nhân vật nổi tiếng trong thế gian, từ các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo; các nhà khoa học, triết học; các minh tinh màn ảnh, thể thao, âm nhạc… và ngay cả những anh chị em trong Hội Thánh được Chúa giao cho các chức vụ chăn bầy, giảng dạy Lời Chúa, tiên tri, trưởng lão, chấp sự… Quan trọng hơn hết là giữ mình khỏi sự thần tượng hóa cái “tôi” hoặc “tự ái” của mình. Đừng biến người nào khác hoặc chính mình thành Đức Chúa Trời của mình! Khi được khen ngợi vì những điều tốt lành mình đã làm ra, hãy dâng sự vinh quang lên Thiên Chúa. Khi khen ngợi người khác vì những sự lành họ làm ra, hãy đặt lời cảm tạ Thiên Chúa trước lời khen. Thí dụ: Cảm tạ Chúa! Ngài đã ban cho anh chị được ơn trong khi tôn vinh Ngài. Cảm tạ Chúa! Ngài đã ban ơn cho anh chị trong sự chia sẻ Lời Chúa.

Trong sự giữ mình khỏi những thần tượng, thì không có thần tượng nào khó giữ cho bằng cái “tôi” của mỗi người. Người ta có thể giết người vì tự ái. Người ta có thể tự sát vì tự ái. Người ta có thể làm tất cả những gì tồi tệ nhất để cái “tôi” được tôn vinh, được thỏa mãn. Phần lớn các tội ác xảy ra trong cuộc đời này đều là để phục vụ cho “thần tôi!” Tội lỗi đầu tiên vào trong thế gian cũng chính là vì bà Ê-va đã làm theo ý muốn của “thần tôi” thay vì làm theo ý muốn của Thiên Chúa.

Là con dân Chúa, chúng ta phải luôn ghi nhớ, chúng ta sống là sống cho Chúa, chúng ta chết là chết cho Chúa. Dù chúng ta sống hay chết thì cũng đều là vì Chúa, cho Chúa.

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/02/2015

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf!

[1] https://timhieutinlanh.com/toi-den-noi-chet/

[2] https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-12_thanh-kinh-goi-duc-chua-jesus-christ-la-thien-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.